Nhà văn Lê Bá Thự: Dịch thuật là quá trình sáng tạo… – Tác giả: Ngô Đức Hành

Nhà văn Lê Bá Thự tuổi Nhâm Ngọ. Không biết có phải vì thế, mà ông phải rong ruổi, xa quê cả đời người? Nhưng là người mệnh Mộc, thân thiện, nên ở đâu ông cũng hòa nhập và thành công.

Năm 1960, ông rời làng quê lên thị xã Thanh Hóa (bây giờ là thành phố) để gia nhập ngôi trường cấp 3 danh giá mang tên “Chuyên Lam Sơn”. Ba năm học phổ thông, hai năm ông được bầu làm Bí thư Đoàn trường. Kể ra, với một cậu bé “nhà quê” lên “tỉnh” được giao “nhiệm vụ”, hẳn là phải học giỏi và được thầy cô tin tưởng.

Làng Nguyệt Lãng, Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, cách thị xã Thanh Hóa, theo quốc lộ 45 gần 20km nên trở thành nỗi nhớ nhung trong trái tim cậu học trò Lê Bá Thự từ đó. Năm 1964, ông rời làng, đến với cuộc đời rộng lớn. “Tôi xa làng, nhưng ngày nào làng cũng ở trong tôi. Làng ở trong tôi khi tôi thức. Làng ở trong tôi ngay cả khi tôi ngủ. Nhiều đêm tôi chiêm bao thấy mình đang ở làng, đang chơi bời nhảy múa với bạn cùng trang lứa, đang làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp, đang gánh phân, nhổ mạ, đang bắt cua, bắt ốc…. đang chăn bò trên cánh đồng làng … Những ký ức về làng chất chồng trong tôi năm này, qua năm khác”, Lê Bá Thự tâm sự.

Khi cầm trên tay cuốn tự truyện “Tôi và làng tôi” của nhà văn – dịch giả Lê Bá Thự, tôi lại nhớ hai câu thơ về làng: “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi”, (Chạm đáy sông đầy) của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Làng trong trái tim Lê Bá Thự cũng quẫy đạp y chang.

Sang đất nước Ba Lan anh em, ở trung tâm châu Âu, Lê Bá Thự vào học Đại học Bách khoa Warszawa. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ, ông trở về nước giảng dạy ở Trường Đại học Mỏ địa chất. Năm 1973, Lê Bá Thự chuyển ngành sang công tác tại Bộ Ngoại giao. Năm 1996, ông trở lại Ba Lan với cương vị Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Ba Lan. Như vậy, “tuổi Ngọ” vận vào người ông, Lê Bá Thự vốn thích sự độc lập, dũng cảm đương đầu với thử thách để đạt được thành công. Vì thế, mà phải rong ruổi. Năm 2000, Lê Bá Thự về nước, tiếp tục công tác cho đến lúc nghỉ hưu.

Với ai tôi có thể nghi hoặc, nhưng với Lê Bá Thự, tôi tin, làng luôn ám ảnh trong ông. Và rồi, “Tôi và làng tôi” ra đời, với hơn 300 trang viết. Trong cuốn tự truyện mà Lê Bá Thự gọi là “hồi ức tuổi thơ” này, ông đã đưa người đọc ngược thời gian trở về thời điểm những năm 1950 đến 1960 của làng quê nghèo Nguyệt Lãng. Nơi đó chứa đựng ăm ắp ký ức tuổi thơ ông. Các nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa và nhiều nhà văn, nhà thơ khác đã dành những tình cảm trân quý, khi đánh giá về tác phẩm này của Lê Bá Thự. Và rồi, điều gì cần đến, đã đến. “Tôi và làng tôi” được tái bản lần thứ ba, mang lại cho nhà văn Xứ Thanh Lê Bá Thự Giải Nhì, Giải thưởng văn học nghệ thuật Lê Thánh Tông năm 2020 của Thanh Hóa.

Bấy lâu nay, khi bàn đến Lê Bá Thự, bạn yêu văn chương vẫn hình dung một dịch giả có tài. “Giã biệt làng Nguyệt Lãng yêu thương, ngày 4/8/1964, trong một ngày đẹp trời tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội, tôi lên tàu liên vận sang Ba Lan du học”, ông chia sẻ. Với tư cách là dịch giả văn học Ba Lan, Lê Bá Thự từng hai lần được nhận Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan do Tổng thống Ba Lan trao tặng năm 2012 và 2017, với những cống hiến xuất sắc của ông trong lĩnh vực văn hóa giữa hai nước. Trong ngôi nhà khiêm nhường của ông ở làng Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội), ngay chính giữa phòng khách, ông treo trang trọng bức ảnh Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda trao Huân chương Công trạng cho mình. Đó không chỉ là sự vinh danh.

Lê Bá Thự hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam – Ba Lan. Không chỉ là nhà ngoại giao, những năm tháng công tác ở Ba Lan và mãi đến bây giờ, Lê Bá Thự còn là một sứ giả văn hóa của Việt Nam tại Ba Lan – đất nước của nhiều “tượng đài”, vừa cổ điển vừa hiện đại, trong đó có 5 nhà văn, nhà thơ đoạt giải Nobel về văn học. Ai chưa từng nghe âm nhạc cổ điển của thiên tài Chopin?! Nhờ uy tín dịch thuật của mình, Lê Bá Thự ba lần được mời tham dự Đại hội Dịch giả văn học Ba Lan toàn thế giới (2005, 2013 và 2017), tổ chức tại cố đô Krakow. Tại đây, Lê Bá Thự đã được giao lưu với nhiều dịch giả hàng đầu của nhiều quốc gia; đặc biệt ông đã được tiếp xúc với nữ nhà thơ Wislawa Szymborska (Nobel văn học năm 1996) và nữ nhà văn Olga Tokarczuk (Nobel văn học 2018).

“Là cán bộ giảng dạy Khoa Trắc địa Bản đồ Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội, rồi nhà ngoại giao, cơ duyên nào đưa ông đến với văn chương?”. Khi nghe tôi hỏi, ông trả lời: “Mê sách, đam mê văn học từ bé”. Tất nhiên, tôi hiểu, nó vừa là năng khiếu “trời cho”, vừa là người bị “trời hành”. Cậu ấm Lê Bá Thự từng là học sinh giỏi văn 3 năm liền của cấp 3 Lam Sơn, có mặt trong đội hình thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc. Trời phú cho Lê Bá Thự tư chất thông minh, cảm xúc tinh tế, năng khiếu ngoại ngữ. Ông là người biết chắt chiu vốn sống, vốn chữ. Ông đọc văn học Ba Lan từ nguyên bản tiếng Ba Lan.

Nha van dich gia Le Ba Thu voi nha tho Tran Dang Khoa min - Nhà văn Lê Bá Thự: Dịch thuật là quá trình sáng tạo... - Tác giả: Ngô Đức HànhNhà văn, dịch giả Lê Bá Thự với nhà thơ Trần Đăng Khoa.

“Công tác trong ngành Ngoại giao, nhưng trong tôi luôn hừng hực đam mê văn học. Tôi luôn luôn nghĩ, phải trở lại con đường văn học, và dịch thuật là con đường khả dĩ nhất để thực hiện khát khao này”, ông hồi ức về những ngày “bị” văn học quyến rũ.

Chỉ có thể giải thích bằng niềm đam mê khi biết rằng, quãng thời gian du học, từ 1964 – 1970, toàn bộ học bổng sau khi chi cho sinh hoạt, còn lại ông dùng mua sách. Lê Bá Thự kể rằng, khi trở lại Ba Lan tham dự Đại hội Dịch giả văn học Ba Lan toàn thế giới lần thứ II (năm 2013), ông đã tranh thủ thời gian lang thang ở các hiệu sách lớn ở Warszawa và mua được 30 cuốn sách, gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ. Lê Bá Thự chọn ngay tiểu thuyết “Hy vọng” của nữ nhà văn đương đại nổi tiếng Ba Lan, Katarzyna Michalak, đáp ứng hai tiêu chí sách hay và bản thân thích, để dịch ra tiếng Việt. Và bản dịch tiểu thuyết “Hy vọng” của ông đã được tặng Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2014.

Bước vào văn chương bằng con đường dịch thuật, đến nay Lê Bá Thự đã là tác giả của trên 30 bộ sách dịch, trong đó có 11 tiểu thuyết, 6 tập truyện ngắn, 4 tập truyện cười, 3 tập sách thiếu nhi và 1 tập thơ…). Ngoài ra, ông còn viết tiểu luận phê bình và sáng tác thơ. Lê Bá Thự đã được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội về dịch thuật, dành cho các bản dịch tiểu thuyết “Quà của Chúa” của nhà văn Dorota Terakowska (năm 2010), và “Hy vọng” của nhà văn Katarzyna Michalak (năm 2014). Lê Bá Thự từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII và IX.

Ngoài ra, ông còn giành được một số giải thưởng khác, như: Giải thưởng cuộc thi thơ của Báo Người Hà Nội (1999 – 2000), Giải thưởng cuộc thi viết của Báo Tiền Phong (năm 2002); Giải Nhì cuộc thi viết “Ký ức Tết trong tôi” do Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức (năm 2020) …

Năm 2016, nhà văn Lê Bá Thự cho xuất bản cuốn sách “Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết”; sách gồm 2 tập, gần 800 trang in. Đây là một công trình giới thiệu “căn cước” Lê Bá Thự. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, “Lê Bá Thự là một trong những dịch giả hội tụ đầy đủ những phẩm chất và điều kiện cần thiết cho một dịch giả”.

Thứ nhất, Lê Bá Thự học giỏi tiếng Ba Lan, ngay trên đất Ba Lan; hiểu biết ngôn ngữ đó và đời sống của nó. Thứ hai, chính thời gian công tác ở Ba Lan, giúp Lê Bá Thự hiểu sâu sắc đất nước Ba Lan, đặc biệt là văn hóa Ba Lan. Thứ ba, Lê Bá Thự là dịch giả có khả năng lựa chọn chính xác các tác phẩm để dịch. Thứ tư, Lê Bá Thự có ý đồ trong dịch thuật. Ông có một tình yêu đặc biệt đối với văn học Ba Lan và mong muốn giới thiệu các giá trị của nền văn học đó với độc giả Việt Nam.

Đọc “Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết” cho thấy khả năng sử dụng nhuần nhuyễn và tinh tế ngôn ngữ Ba Lan và Việt Nam. Tâm hồn Lê Bá Thự gần như cùng được tắm mình trong văn hóa Việt Nam và văn hóa Ba Lan. “Đọc Lê Bá Thự từ những tập truyện, tiểu thuyết, thơ mà ông dịch, tôi khẳng định ông là dịch giả giỏi trong tư duy nhà văn. Không phải nhà văn sáng tác nhưng ông sáng tạo bằng ngôn ngữ tiếng Việt với những trải nghiệm từ phông văn hóa rộng”, nhà thơ Vi Thùy Linh từng nhận xét.

Dù đã bát thập nhưng Lê Bá Thự vẫn đau đáu với văn học dịch, giới thiệu tinh hoa văn học Ba Lan với bạn đọc Việt Nam. “Dịch văn học là tái tạo một cách nhuần nhuyễn nguyên tác bằng ngôn ngữ khác”, ông nêu quan điểm tại một hội thảo. Ông lo lắng và hy vọng. Tôi nhận ra ở ông, trọn vẹn tấm lòng.

N.Đ.H

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây