Một cảnh ở trường thi ngày xưa – Tác giả: Vũ Bình Lục

Cao Bá Quát (1808-1855) hiệu Chu Thần, quê làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Kinh Bắc xưa, Hà Nội ngày nay. Ông nổi tiếng học giỏi, thơ hay vào bậc nhất đương thời. Người đời tôn vinh Cao Bá Quát là Thánh Thơ (Thi thánh).

Tuy nhiên, thầy Cao không gặp thời. Ông nhanh chóng mắc vào lưới đời. Hai lần làm quan ở bộ Lễ. Hai lần ở viện Hàn Lâm, nhưng cuộc đời làm quan của Cao Chu Thần cộng lại cũng chỉ được mấy năm, hoàn toàn bất đắc chí. Xã hội đương thời không chứa nổi tâm hồn và khí phách họ Cao. Thơ Cao Bá Quát có cái cốt cách phóng túng, khoáng đạt, kỳ vĩ của thơ Lý Bạch; nhưng lại có cả màu sắc hiện thực gần gũi, rất giàu nhân bản và nhân văn của thơ Đỗ Phủ, hai nhà thơ lớn nhất đời Đường.

Cao Bá Quát đứng về phía nhân dân, chống lại triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã đến lúc suy tàn. Ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương ở Sơn Tây. Theo sử nhà Nguyễn thì thầy Cao bị bắn chết ở trận tiền. Nhưng theo một số tài liệu mới thì Cao Bá Quát không chết trong chiến đấu. Khởi nghĩa thất bại, Cao Bá Quát trốn sang Trung Quốc dạy học và viết chữ thuê, sống đến tuổi thất thập. Thơ Cao Bá Quát hiện sưu tầm được khoảng hơn 1.500 bài. “SA HÀNH ĐOẢN CA” là một trong nhiều bài thơ hay của Thánh thơ Cao Bá Quát.

Mot canh o truong thi ngay xua min - Một cảnh ở trường thi ngày xưa - Tác giả: Vũ Bình LụcMột cảnh ở trường thi ngày xưa.

Phiêm âm:

SA HÀNH  ĐOẢN CA

Trường sa phục trường sa
Nhất bộ nhất hồi khước
Nhật nhập hành vị dĩ
Khách tử lệ giao lạc
Quân bất học tiên gia mỹ thụy ông
Đăng sơn thiệp thủy oán hà cùng
Cổ lai danh lợi nhân
Bôn tẩu lợi đồ trung
Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu
Tỉnh giả thường thiểu túy giả đồng
Trường sa trường sa nại cừ hà
Thản lộ mang mang úy lộ đa
Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca
Bắc sơn chỉ Bắc sơn vạn điệp
Nam sơn chỉ Nam ba vạn cấp
Quân hồ vi hồ sa thượng lập?

 

Dịch nghĩa:

BÀI HÁT NGẮN “ĐI TRÊN BÃI CÁT”

Bãi cát dài, lại bãi cát dài
Đi một bước như lùi một bước
Mặt trời đã lặn mà vẫn còn đi
Khách (trên đường) nước mắt lã chã rơi

Anh không học được ông tiên có phép ngủ kỹ
Cứ trèo non, lội nước mãi, bao giờ cho hết ta oán?
Xưa nay hạng người danh lợi
Vẫn tất tả ở ngoài đường sá
Hễ quán rượu ở đầu gió có rượu ngon
Thì người tỉnh thường ít, mà người say vô số
Bãi cát dài, bãi cát dài, biết tính sao đây?
Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều
Hãy nghe ta hát khúc ca “đường cùng”
Phía Bắc núi Bắc, núi muôn trùng
Phía Nam núi Nam, sóng muôn đợt
Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?

 

Dịch thơ:

Bãi cát dài, lại bãi cát dài
Đi một bước, như lùi một bước
Mặt trời tắt mà ta vẫn đi
Khách trên đường chan chan nước mắt
Sao không học tiên Ông phép ngủ
Cứ trèo non lội suối kêu hoài?
Trên đường danh lợi những ai
Long đong thế mãi ở ngoài dặm xa?
Có quán rượu nơi đầu ngọn gió
Tỉnh nhiều đâu? Vô số kẻ say
Cát dài, biết tính sao đây?
Đường bằng thì ít, chông gai thì nhiều
Nghe ta ca “đường cùng” khúc hát
Phía Bắc kia, núi Bắc điệp trùng
Biển Nam muôn đợt sóng lừng
Đứng trên bãi cát ngập ngừng làm chi?

(Vũ Bình Lục dịch)

Cao Bá Quát viết hay ở nhiều thể loại thơ ca. Ở thơ luật Đường, ở Cổ phong… Tuy nhiên, có lẽ chỉ ở thể “ca”, các bài ca, mới là nơi có thể ôm chứa đầy đủ tầm vóc tâm hồn và cốt cách thi nhân. “Sa hành đoản ca” là một bài ca tiêu biểu trong các bài “ca” của Thi thánh Cao Bá Quát.

Bốn câu đầu, miêu tả cuộc hành trình trên bãi cát dài. Không phải một bãi cát, mà liên tiếp những bãi cát dài, mênh mông bất tận: “Bãi cát dài, lại bãi cát dài”. Còn người đi trên bãi cát thì sao? “Đi một bước, như lùi một bước”. Đi, mà như không thể nào tiến lên được! Vài nét chấm phá, khiến ta hình dung thấy đầy đủ sự gian truân, vất vả như thế nào của kẻ lữ hành. Mà ngày đã cạn, mồ hôi dường đã kiệt, sức đã tàn, bến bờ chưa tới. Chưa tới, nên chưa thể dừng được, không thể nào dừng lại nghỉ ngơi được, nên chi: Lữ khách trên đường nước mắt rơi…

Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, mà khái quát đầy đủ về một thiên nhiên khắc nghiệt và một con người cô đơn bất hạnh. Không gian rộng lớn, choáng ngợp, cùng với thời gian nghiệt ngã, như bủa vây, như bóp nghẹt con người nhỏ nhoi tội nghiệp, đáng thương.

Bốn câu tiếp theo, có vẻ như không dính dáng gì với bốn câu đầu. Đó là những suy tư trăn trở về lẽ đời và bộc bạch tâm trạng:

Không học được tiên ông phép ngủ
Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!
Xưa nay phường danh lợi
Tất tả trên đường đời…

Tú Xương từng chán nản, phẫn uất kêu lên: “Ngủ quách sự đời, thây kẻ thức”! Cao Chu Thần tự trách mình  “không học được Tiên Ông phép ngủ”…Ngủ để quên đi cái sự đời thật đáng giận, “giận khôn vơi”! Mà giận ai kia chứ? Có lẽ nhà thơ giận chính mình, trước hết. Chiếc mũ nhà Nho như chiếc vòng kim cô, buộc thắt một trí tuệ, trói chặt một tâm hồn khoáng đạt, khao khát tự do, không phải chỉ là tự do cho riêng mình. Nhà thơ lầm lỡ theo thiên hạ bước chân vào vòng danh lợi mà không thể nào, hoặc chưa có cách gì thoát ra được, phải “trèo non lội suối”, phải tất tả lận đận trên đường đời, giận này biết bao giờ vơi! Cao Bá Quát giận đời, nhưng ở đây tác giả giận mình, tự giày vò mình là chính, vì những lầm lỡ, uổng phí cả một đời trai trẻ tài hoa. Đó chính là bi kịch xót xa của kẻ sĩ chân chính, không gặp thời.

Bài ca tiếp nối bằng một câu hiện thực, nhưng lại được khái quát như một triết lý về thói đời, về sự say sự tỉnh: (Hễ) “quán rượu ở đầu gió rượu ngon/ (Thì) người tỉnh thường ít mà người say vô số”!  Không hẳn là một quán rượu có thật, bởi vì tác giả chỉ mượn mùi men thơm nồng quyến rũ, để luận về một cái “say” cái “tỉnh” vô hình vô ảnh ở đời. Thời cổ đại Trung Hoa, Khuất Nguyên cũng đã từng nói rằng thiên hạ “say” hết, chỉ mình ông “tỉnh”. Thiên hạ “đục” hết, chỉ mình ông “trong”. Nguyễn Trãi cũng đã nhiều lần than thở như thế… Đó là sự thật, một sự thật ở thời nào cũng thấy, như một căn bệnh xã hội trầm kha, chẳng phải đáng buồn lắm hay sao?…

Rồi thi nhân lại cất lên tiếng hỏi, như là một tiếng kêu chới với, thất vọng, hoang mang và bế tắc: “Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!/ Tính sao đây?”… Biết tính sao đây, khi mà “Đường bằng mờ mịt/ Đường ghê sợ còn nhiều!”. Hỏi trời đất và hỏi chính mình, day dứt, hoài nghi. Một câu hỏi lớn không lời đáp. Nhưng trước mắt vẫn là muôn trùng trở ngại, thì hãy cất lên tiếng ca bi phẫn:

Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”
Phía Bắc núi Bắc, núi muôn trùng
Phía Nam biển Nam, sóng dào dạt
Anh đứng làm chi trên bãi cát?

Quả là tứ phía điệp trùng bủa vây, những núi Nam núi Bắc và mênh mông biển cả sóng cồn. Con người nhỏ bé bị kẹt giữa thiên nhiên trời đất vô cùng, mờ mịt, còn biết đứng làm chi trên bãi cát cuộc đời, mà không đau đớn ca lên khúc ca “đường cùng” ?

Một bài ca ngắn (đoản ca), trên bãi cát dài, mà tình điệu thì vô cùng vô tận. Đó chính là tiếng lòng chứa chất bao nỗi niềm bi phẫn, bế tắc của Cao Chu Thần trước “bãi cát cuộc đời”  trớ trêu, mà “đường bằng mờ mịt, đường ghê sợ thì nhiều”. Và một câu hỏi lớn, khắc khoải khôn vơi, như báo hiệu một cơn giông đang nhóm lên ở phía chân trời…

Nhìn tổng thể, “Sa hành đoản ca” là một ẩn dụ toàn bài. Những hình ảnh hiện thực, chỉ là những tiết điệu nhấn nhá cho một hàm ẩn đa tầng, đầy vơi giằng xé tâm trạng. Thể ca như tấm áo choàng, khoác lên hình hài một tâm hồn lộng gió bốn phương.

Có thể ước đoán Cao Bá Quát viết “Sa hành đoản ca” khi ông trở về sau chuyến “Dương trình hiệu lực”, bốn năm sau (1847) thì lại bị phát phối, lưu đày đi làm lính thú ở thành Điện Hải (Đà Nẵng) và một số tỉnh miền Trung, như Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ở đây, Cao Bá Quát viết những bài thơ nổi tiếng, như “Sa hành đoản ca”, “Trà Giang thu nguyệt ca”, “Cùng Bùi Nhị Minh Trọng”, “đêm đậu thuyền bên sông Trà”… Từ khi bị mắc vào lưới đời, lâm vào cảnh tù ngục, Cao Bá Quát cảm thấy con đường chính trị của ông từ đây xem như chấm dứt, không còn cơ hội ngóc đầu lên được. Con đường công danh trở nên u ám, tối tăm và bế tắc. Mỗi bước đi trên bãi cát dài, chính là mỗi bước khổ ải trên “con đường danh” đầy chông gai, đầy ghê sợ! “Sa hành đoản ca”, chính là tâm sự cay đắng của kẻ sĩ cùng đường, chứa chất muôn nghìn bi phẫn!

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây