Một thoáng văn học Đan Mạch [Kỳ 8]

Một thoáng văn học Đan Mạch [Kỳ 8]

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số tác giả tiêu biểu, nhằm giúp độc giả có thêm tư liệu và hiểu biết về nền văn học Đan Mạch.

HOA ĐẸP VƯỜN VĂN (3)

HOEG Peter (sinh năm 1957) là nhà văn Đan Mạch có tầm cỡ quốc tế. Năm 1992, ông nổi tiếng do cuốn tiểu thuyết Cô Smilla và ý thức về tuyết (phê phán văn minh, miêu tả sự phân liệt giữa hai nền văn học châu Âu và Eskimo), văn phong vừa lạnh lùng phân tích, vừa cảm thương và thơ mộng (đã quay thành phim).

Tình yêu và các điều kiện; nghệ thuật và khoa học là trọng tâm của thuyết “Lịch sử các giấc mơ của Đan Mạch” (trong một thế kỷ) và tập truyện ngắn Truyện ban đêm; tiểu thuyết Người đàn bà và con khỉ (1966) miêu tả sự thực hiện cái tôi của một phụ nữ thượng lưu nghiện rượu đã cứu vớt một con khỉ loại hiếm có khỏi bàn tay các nhà khoa học.

Qua các nhân vật, tác giả luôn nhắc nhở chúng ta có cái gì không ổn trong cuộc sống hiện đại.

JENSEN Erik Aalbaek (1923-1997) là nhà văn Đan Mạch, sinh tại Ballerum. Ông xuất thân từ một gia đình giáo viên, học thần học, viết tiểu thuyết, tiểu luận, hoạt động báo chí, đài và vô tuyến. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Tuyên án (Dommen, 1949) có khuynh hướng thẩm mỹ hiện sinh chủ nghĩa. Jensen miêu tả một cách khá hiện thực không khí tôn giáo ngột ngạt của một làng xứ Jutland khi Thế chiến II sắp bùng nổ.

KIRK Hans (1898-1962) là nhà văn Đan Mạch. Con một thầy thuốc, làm công chức, sau làm báo. Từ năm 1930, ông cộng tác với báo chí cộng sản. Bị bọn phát xít bắt giam năm 1941. Hai năm sau, ông trốn khỏi trại giam và hoạt động bí mật. Ông viết tiểu thuyết và truyện ngắn; đề tài chính trị và xã hội học; miêu tả cuộc đấu tranh giai cấp, chống chủ nghĩa tư bản và phát xít.

Tác phẩm Những người đánh cá (Fiskerne, 1928) là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong văn học Đan Mạch, miêu tả sự phát triển của một tập thể xã hội (chứ không miêu tả riêng một nhân vật); Người làm công nhật (Daglejerne, 1936), Thời mới (De ny Tider, 1939), Người nô lệ (Slaven, 1948).

KLITGAARD Mogens (1906-1945) là nhà văn Đan Mạch. Lớn lên trong một nhà nuôi trẻ mồ côi. Ông làm công nhân không có việc làm nhất định, thất nghiệp, tự học để viết văn. Khi Đức quốc xã chiếm đóng Đan Mạch, ông hoạt động để chống lại, phải trốn sang Thụy Điển. Ông là nhà văn tiến bộ. Cuộc đời lang thang sôi nổi đã giúp cho Klitgaard viết tiểu thuyết hiện thực phê phán với một giọng mỉa mai được độc giả ưa thích. Klitgaard phản ánh khía cạnh nên thơ trong cuộc sống hàng ngày của những người bình thường chống lại giai cấp cầm quyền.

Cuốn Người ngồi trên đường tàu điện (Der Sidder en Mand I en Sporvogn, 1937) kể chuyện một gia đình tiểu tư sản bị vô sản hóa do tổng khủng hoảng kinh tế. Cuốn Những chiếc lông đỏ (De Rode Fjer, 1940) và Bài ca Nytofv (Ballade paa Nytofv, 1940) phân tích chủ nghĩa phát xít trong bối cảnh lịch sử.

KNUDSEN Erik (sinh năm 1922) là nhà thơ và nhà viết kịch Đan Mạch. Ông sinh ra tại Slagelse, là con một giáo viên, bản thân cũng là giáo viên, có tư tưởng chống chiến tranh, tìm con đường thứ ba để bảo vệ hòa bình. Tập thơ đầu Hoa và gươm (Blomsten og Svoerdet, 1949) nói lên nỗi lo âu vì bom nguyên tử và niềm hy vọng thế giới sẽ còn tồn tại. Knudsen viết kịch chính trị; vở Tự do là vàng tốt nhất (Frihed – det Bedste Guld, 1961) và vở Đả đảo văn hóa (Ned med Kulturen, 1965) phê phán một cách chua cay sự suy sụp của xã hội tư bản về mặt tinh thần và văn hóa.

KRISTENSEN Aage Tom (1893-1974) là nhà thơ và nhà tiểu thuyết Đan Mạch, sinh tại London, Anh. Kristensen thể hiện tâm trạng hoang mang của thế hệ cầm bút sau Thế chiến I. Văn phong biểu hiện chủ nghĩa hoài nghi về sự phát triển của xã hội. Ông chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại, nhấn mạnh về tâm lý, thích miêu tả chi tiết tỉ mỉ.

Tác phẩm: Tập thơ Ước mơ của bọn cướp biển (Fribytterdromme, 1920), tập thơ Những bài ca cõi trần (Verdslige Sange, 1927), tiểu thuyết Cuộc sống muôn màu (Livets Arabesk, 1921), tập tiểu luận Giữa các cuộc chiến tranh (Mellem Krigene, 1946), Thời tôi (I Min Tid, 1963).

OEHLSCHLĂGER Adam (1779-1850) là lãnh đạo phong trào lãng mạn Đan Mạch. Tập Digte (thơ, 1803) của ông mở đầu phong trào với những tư duy tình cảm sẽ là một bộ phận của truyền thống văn học Đan Mạch cho đến thế kỷ XX. Cả bản kịch thơ Poetiska Skrifter (1950) cũng có ảnh hưởng lớn như vậy.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây