Một thời “Tuổi thơ im lặng” – Tác giả: PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thanh Tú

Nhà văn Duy Khán viết không nhiều, nhưng chỉ một tác phẩm “Tuổi thơ im lặng” đã làm nên tên tuổi ông, ghi dấu ấn sâu sắc trong làng văn nước ta.

Trước năm 1986, văn học vẫn đang say sưa trong quán tính viết về chiến tranh cách mạng với âm hưởng sử thi hùng tráng vang vọng thì bất ngờ xuất hiện một “Tuổi thơ im lặng” (1985) viết cho trẻ em đi một bè giọng khác-giọng thế sự đời tư của Duy Khán-nhà văn Quân đội đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tác phẩm như một phát pháo hiệu đón chào công cuộc đổi mới của Đảng hứa hẹn có những mùa gặt mới trong văn chương. Chưa nói tới giá trị tác phẩm, ngay sự xuất hiện này đã là một sự kiện như bắt người ta phải tìm đọc. “Thực vàng chẳng phải thau đâu”. Dư luận gần như đồng thanh: Một hướng đi mới, một thành công mới! Tác phẩm được Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1986 và sau này được Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

Duy Khán (1934-1993) quê gốc Quế VõBắc Ninh, từng làm phóng viên chiến trường, tham gia các chiến dịch lớn như: Điện Biên Phủ, Đường 9-Nam Lào… Năm 1972, nhà văn được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội làm công tác biên tập. Ban đầu, tác phẩm (bắt đầu viết năm 1977) được viết dưới dạng hồi ký, về sau chuyển sang lối tự truyện, nghĩa là có thêm bớt, hư cấu, sáng tạo thêm nhưng vẫn giữ cái lõi sự thật. Từng làm thơ, viết ký, truyện ngắn, nhưng Duy Khán dồn hết tinh lực vào “Tuổi thơ im lặng” nên những gì là rõ nhất, tài hoa, suy tư, trăn trở, tâm huyết của tác giả có cả trong cuốn này. Tác phẩm khẳng định sự thành công của một đời văn, tuy tác giả viết không nhiều. Đó cũng là cái riêng, một người cứ như lãng đãng, nhớ nhớ quên quên, ngây thơ, hồn nhiên rất mực lại có lúc tỏ ra lọc lõi, tinh quái hơn người, đang viết những điều ai cũng biết, tự nhiên lại có một tác phẩm để đời. Càng là sự kiện gây chú ý. Bởi cái căn cốt là ý nghĩa giá trị thuyết phục được người đọc.

Nha van Duy Khan min - Một thời “Tuổi thơ im lặng” - Tác giả: PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thanh TúNhà văn Duy Khán. Ảnh tư liệu.

43 câu chuyện gói trong 132 trang sách lướt qua tưởng rời rạc, nhưng đọc sâu vào trong mới thấy một kết cấu chặt chẽ mà xuyên suốt là những kỷ niệm sâu sắc, xúc động của một tuổi thơ sớm phải chứng kiến những nghịch lý của thời cuộc. Những trang đầu mở ra là “Thế đất” (tên câu chuyện) của làng Dạm nổi tiếng có ngôi chùa Hàm Long cùng những chỏm núi cao để những đứa trẻ tha hồ tưởng tượng đó là những hình con rồng, con cọp, con đại bàng… Lại có đền Bắc Đẩu, mang tên một chòm sao, thêm những khu rừng gần như còn nguyên sinh kỳ bí mà thân thuộc…

Mỗi nhà văn Việt thường đều có ngôi làng riêng của mình được kiến tạo trong thế giới tác phẩm, với Duy Khán cũng vậy, nhưng cái riêng là ngôi làng này cứ như được bứng ra từ ngoài đời để rồi đặt vào trang viết. Rất thật và sinh động, từ cái tên gọi gợi nhớ thật cụ thể đến tiếng hát đêm trống quân như vẫn còn vọng đâu đây… Nhưng ấn tượng nhất là những kỷ niệm tuổi thơ của người kể chuyện (tác giả) với gia đình, làng xóm trong mối quan hệ tình cảm thiêng liêng, ấm áp. Thích nhất là khu “Vườn nhà” đúng nghĩa một thế giới tinh thần đẹp như trong cổ tích với bao hình ảnh những loại cây, hình dáng những chú chim với hàng nghìn âm thanh “lao xao” tiếng hót. Rồi màu sắc của hoa, của trái cây, hương vị thơm nồng khi lại ngan ngát của vườn nhà và cả từ rừng xa phả về…

Xin nói ngay về cách kể, đặc biệt là cách triệt để sử dụng điểm nhìn trần thuật song trùng, vừa là trẻ em, vừa là người lớn, vừa từ bên trong, vừa có bên ngoài. Như đã nói, đây là những câu chuyện do một cậu bé kể lại, mọi sự kiện đều khúc xạ qua trường nhìn trong trẻo và ngộ nghĩnh của đứa trẻ nhưng trong cấu trúc lời văn thì vẫn đậm dấu ấn ngôn từ văn hóa của người lớn, kinh lịch, giàu vốn sống. Có khi chỉ trong một đoạn văn, tác giả chủ ý đưa vào những yếu tố văn hóa dân gian. Các bài đồng dao được “hát” lên rất đúng chỗ: “Bồ các là bác chim ri. Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu sáo đen. Sáo đen là em tu hú…”; các thành ngữ được dùng thật đúng với hoàn cảnh: “Dây mơ rễ má”, “Kẻ cắp gặp bà già”, “Lia lia láu láu như quạ vào chuồng lợn”; các truyện cổ tích được vận dụng phù hợp với mạch kể như: “Sự tích chim bìm bịp”, “Sự tích chim chèo bẻo”… Đáng chú ý là điểm nhìn người lớn này không che mờ, không lấn át điểm nhìn trẻ thơ mà biết lùi lại, biết ẩn đi để tôn lên, đẩy lên cái giọng chủ âm hồn nhiên, trong sáng…

Trang bia cuon sach Tuoi tho im lang min - Một thời “Tuổi thơ im lặng” - Tác giả: PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thanh TúTrang bìa cuốn sách “Tuổi thơ im lặng” của nhà văn Duy Khán.

Tác phẩm có nhiều bối cảnh mang tính lịch sử, nổi lên là bối cảnh không gian nhà quê, cảnh nạn đói năm 1945, cảnh “Nhật qua làng”, cảnh thanh niên “Học võ” chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Cũng có thể nói, trong chừng mực nhất định, tác phẩm là một “từ điển hình ảnh” về cảnh làng quê chân thật trong khốn khó với cái chiếu manh thủng giữa, cái chạn bát xiêu vẹo đầy mọt, cái võng đay rách, cái giường nứa ọp ẹp, kêu ken két, cái điếu bát nứt vành… Rồi cái mâm gỗ mộc “cóc gặm” một góc. Cái giỏ cua cũ rích hình con ong. Cái rổ, cái rá cạp lại… Đó là những hình ảnh mà các nhà xã hội học chỉ có thể “sưu tầm” trong văn chương…

Mở đầu cuốn sách “Tuổi thơ im lặng”, tác giả có lời đề tặng: “Kính tặng quê hương; tặng các con và các bạn nhỏ; tặng những người đã từng nghèo khổ”. Lời đề tặng thống nhất với nội dung tác phẩm, tác giả như viết về mình, về chuyện của mình, không tô vẽ, thêm bớt, có sao viết thế, viết kỹ càng, tinh tế. Nhà văn phải viết và chỉ nên viết những gì mình thấu hiểu và thấu cảm sâu sắc nhất, có vậy văn mới có hồn, thuyết phục. Điều này cũng phù hợp với lời của tác giả khi “nói với các con tôi về cuốn sách này” đó là “những chuyện được nhớ và mang theo trong tâm trí, nó từng đốt cháy tấm lòng suốt chặng đường bốn mươi mốt tuổi và hai mươi bảy năm cầm súng, làm người đến suốt mai sau” của Duy Khán. 

N.T.T

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây