Nghệ thuật trang trí gạch thời Mạc

Nghệ thuật trang trí gạch thời Mạc - mỹ thuật Việt Nam - vansudia.net

Nghệ thuật trang trí gạch thời Mạc

Kiến trúc thời Mạc gồm hai loại hình: kiến trúc cung điện, thành quách và kiến trúc dân gian. Kiến trúc cung điện, thành quách thời Mạc có mặt ở các di tích kinh đô như Thăng Long (Hà Nội), Dương Kinh (Hải Phòng và di tích thành nhà Mạc ở nhiều nơi khác. Kiến trúc dân gian bao gồm các loại hình di tích như đình, đền, chùa, quán đạo, miếu, am thờ… được xây dựng ở khắp nơi mà tập trung chủ yếu trong các làng quê. Đây cũng là thời kỳ có sự tham gia hưng công đóng góp của vua, quan lại và tầng lớp quý tộc vào các công trình kiến trúc đó. Công việc xây dựng nhiều, sự phát triển mạnh mẽ các loại hình gạch mà đặc biệt là những viên gạch trang trí hoa văn đã tạo nên những sắc thái khác nhau trong các công trình kiến trúc thời Mạc. Trên cơ sở hệ thống tư liệu từ văn bia, các phát hiện khảo cổ học và khảo sát một số di tích kiến trúc dân gian hiện còn ở Hà Nội, bài viết giới thiệu đôi nét về trang trí trên gạch trong các di tích kiến trúc dân gian thời Mạc nhằm tìm hiểu nghệ thuật trang trí kiến trúc cũng như mỹ thuật Việt Nam thời kỳ này.

2 1 - Nghệ thuật trang trí gạch thời Mạc

Móng gạch chùa Hội (Hà Nội). Ảnh: Ngô Thị Lan

  1. Thời Mạc, nguồn thư tịch chỉ thấy ghi chép về tình hình xây dựng kiến trúc cung đình còn kiến trúc dân gian ở các làng quêkhông thấy đề cập đến. Trong khi đó, nguồn tư liệu văn bia lại ghi chép rất rõ về kiến trúc dân gian còn kiến trúc cung đình, thành quách hầu như không được ghi chép đến.

Nguồn tư liệu văn bia thời Mạc cung cấp nhiều thông tin có giá trị về tình hình xây dựng, trùng tu và sử dụng gạch trong kiến trúc thời kỳ này. Đây là thời kỳ có sự tham gia hưng công đóng góp của tầng lớp quan lại, những người giàu có, quyền thế vào các công trình tín ngưỡng tôn giáo như chùa, quán đạo, đền, miếu… nên số lượng các kiến trúc này mọc lên nhiều và chất lượng công trình được nâng cao. Theo thống kê năm 1993 có 195 công trình kiến trúc được xây dựng mới, trùng tu (142 ngôi chùa, 12 ngôi đình, 7 quán đạo, 8 đền, miếu và các loại hình kiến trúc khác như bến đò, chợ, cầu). Các di tích này phân bố ở hầu khắp các tỉnh Hải Hưng (cũ), Hải Phòng, Hà Tây (cũ) và rải rác ở các tỉnh khác ở Bắc Việt Nam như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Hà, Hà Nội, Thanh Hóa và Thái Bình (Nguyễn Tiến Cảnh và cộng sự 1993). Năm 2010 bổ sung thêm 40 bia trong đó có một số chùa, quán, đền ghi việc trùng tu xây dựng … (Đinh Khắc Thuân 2010). Tập hợp lại cho thấy, các văn bia đó cho biết rõ các vị trí sửa chữa trong kiến trúc. Sự tham gia đóng góp tích cực của tầng lớp vua quan và quý tộc vào các công trình tín ngưỡng tôn giáo đã tạo lên những sắc thái khác nhau và ảnh hưởng đến chất lượng công trình kiến trúc. Do vậy, gạch được sử dụng phổ biến và xây, ốp ở mọi vị trí kiến trúc như xây thềm, ốp bệ thờ, tường làm lại điện mới, mở rộng tiền đường, hậu đường, nóc mái, xây tường … Tuy nhiên, các thông tin về gạch như hình dáng, màu sắc, kích thước và đặc biệt là các hoa văn trang trí trên gạch đều không được nói đến. Điều đó phần nào chứng minh qua những viên gạch trang trí hoa văn.

  1. Kết quả khảo sát các di tích kiến trúc hiện còn và các phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất cho thấy gạch thời Mạc phát hiện trong di tích còn lại khá nhiều. Các phát hiện khảo cổ học và di tích kiến trúc hiện còn quanh khu vực Hà Nội như quán Hội Linh, quán Hưng Thánh, chùa Hội, chùa Bối Khê, chùa Đậu, chùa Cực Lạc, đền Thượng. Theo đó, kiến trúc dân gian thời Mạc sử dụng nhiều loại hình gạch khác nhau như gạch hình vuông, gạch hình khối chữ nhật, gạch hình khối hộp (còn gọi là gạch thông gió), gạch hình chữ D. Trong đó, gạch hình chữ nhật có chức năng xây bó móng, lát sân nền đường đi, xây giếng, cống thoát nước và các vị trí khác trong kiến trúc. Gạch hình vuông có chức năng lát nền nên đôi khi còn được gọi là gạch lát. Gạch hình chữ D có hình khối chữ nhật, trên rìa cạnh viên gạch hình cung tròn tạo mặt cắt hình chữ D. Gạch loại này thường được sử dụng bó vỉa hoặc bó góc. Gạch thời Mạc được tạo hình bằng khuôn, khá quy chuẩn, vuông thành sắc cạnh. Do có sự tham gia hưng công đóng góp của tầng lớp quý tộc quan lại vào các công trình kiến trúc dân gian nên chất lượng tốt. Gạch được sản xuất hàng loạt mang tính chuyên biệt đáp ứng nhu cầu xây dựng trong thời kỳ này. Gạch trong kiến trúc dân gian thời Mạc có loại được trang trí hoa văn và loại không được trang trí hoa văn. Trong đó gạch trang trí hoa văn rất phổ biến. Chức năng của gạch cũng được phản ánh đúng như văn bia ghi chép.

Khảo sát móng gạch còn tương đối nguyên vẹn ở chùa Hội, quán Hội Linh (Thường Tín) cho thấy móng được xây từ 4 đến 7 lớp gạch được xếp so le ngang – dọc (viên nằm ngang – viên nằm dọc tạo khóa) và không có vữa liên kết. Gạch thời Mạc ở chùa Đậu (Thường Tín) còn được tận dụng để xây bó móng kiến trúc thế kỷ 17 bằng hình thức quay mặt những viên gạch có hoa văn trang trí vào trong (Nguyễn Ngọc Chất, Nguyễn Quang Huy 2007). Gạch xây bó vỉa thềm bậc trang trí hình rồng còn phát hiện ở đền Phù Đổng (Gia Lâm). Gạch được sử dụng để ốp trang trí bệ thờ ở phía sau thượng điện chùa Che (Phú Xuyên) hoặc xây bó vỉa móng chùa Hội (Thường Tín).

  1. Kiến trúc dân gian thời Mạc phổ biến được trang trí hoa văn. Hoa văn trang trí  trên mọi vị trí trong kiến trúc. Điều đó có thể thấy qua những viên gạch được trang trí hoa văn.

Gạch được trang trí trên mặt gạch, đầu viên gạch hoặc kết hợp trên mặt gạch và đầu viên gạch với các khung hình khác nhau: hình vuông, hình tròn lồng trong khung hình vuông, hình chữ nhật và hình ô van. Đề tài trang trí phong phú với các hình linh thú và hoa lá cách điệu mang đậm phong cách thời Mạc. Đề tài linh thú gồm hình rồng, chim phượng, cá hóa rồng, hổ, nghê, lân, ngựa, voi, hươu, chim… Đề tài hoa lá gồm hoa mai, hoa sen, hoa lá cách điệu… với nhiều biến thể khác nhau.

Hình rồng, trang trí trên gạch hình khối chữ nhật thời Mạc được thể hiện nổi khối dàn trải đều trên mặt gạch. Đầu rồng ngẩng cao hướng về phía trước, đầu rõ sừng, mũi to, mồm há to ngậm ngọc, chân rõ bốn móng choãi ngang, thân uốn khúc doãng hơn hình gần chữ U với các đường chỉ nổi. Hình rồng trang trí trên gạch còn có thêm đường chỉ nổi bao quanh.

Trên viên gạch còn thể hiện hình rồng kết hợp hình chim phượng trên cùng một viên gạch. Trên mặt viên gạch chia làm hai ô khác nhau. Một ô trang trí hình một con rồng đang uốn lượn cuộn tròn trong khung hình chữ nhật. Ô kia trang hình con chim phượng đang xòe cánh). Gạch trang trí hình rồng được xây bó móng chùa Đậu, chùa Hội, quán Hội Linh (Thường Tín) và bệ thờ chùa Trăm Gian (Hoài Đức).

a - Nghệ thuật trang trí gạch thời Mạc

Các loại hoa văn trang trí trên gạch thời Mạc, ảnh: Ngô Thị Lan

Hình chim phượng, hình chim phượng trang trí trên gạch thể hiện là những nét mềm mại trong tư thế đang bay: hai cánh xòe rộng, đầu có mỏ nhọn hướng thẳng, mồm ngậm cung tên. Đuôi xòe rộng, điểm vào khoảng trống gần đuôi là hai bông hoa mai bốn cánh tròn. Gạch trang trí hình chim phượng đứng đơn lẻ không phổ biến, hiện thấy một số tiêu bản gạch hình chữ nhật ở đền Thượng (Cổ Loa).

Cá hóa rồng, hình cá hóa rồng đang bơi đuổi há mồm bắt quả bóng. Các chi tiết được thể hiện rõ: thân uốn khúc cong, thể hiện rõ vây.

Lân, hình con kỳ lân in nổi đang chạy, đầu ngoái lại phía sau trong khung ô van. Hình kỳ lân thể hiện rõ chi tiết: mắt mở to, sừng dựng đứng, lớp lông thể hiện rõ, đuôi hất cong, phía trước là đám cỏ. 

Hươu và voi, toàn bộ viên gạch như một bức tranh trong khung hình ô van thể hiện hình một con hươu và một con voi đang trong tư thế đi thong dong bên sườn đồi. Hình con voi đi trước đang nhởn nhơ nhặt cỏ. Hươu đi sau sát với con voi. Điểm xung quanh là một số dải hoa dây uốn lượn. Gạch trang trí như thế này tương tự như gạch xây bó móng chùa Hội, quán Hội Linh (Thường Tín) và bệ thờ chùa Trăm Gian (Hoài Đức).

Hươu và hổ, Hình con hươu và hổ đang đùa nhau bên sườn đổi vào buổi chiều muộn. Hươu đi trước quay đầu lại phía sau, đuôi hất ra phía trước. Hổ thong dong đi sau nô đùa với hươu, đuôi hất ngược lên trước.

Long mã, hiện vật do người Pháp phát hiện ở khu vực Cổ Loa như đền Thượng. Viên gạch trang trí hình một con long mã đầu hướng về phía trước, bờm dựng đứng, thân uốn cong, đuôi hất cong, chân xòe rộng. Bao xung quanh là gờ nổi một đường chỉ. Bốn góc điểm hình ba cánh sen hai lớp.

Chuột và hoa sen, hình hai con chuột vờn bông hoa sen. Bông hoa sen chính giữa thể hiện theo chiều dọc bông hoa. Cánh sen xếp lớp với đầu cánh thon dài lượn mềm. Gạch trang trí hình chuột và hoa sen được xây ốp bó móng ở chùa Đậu (Thường Tín).

Hoa sen, hoa sen trang trí trên gạch thời Mạc được diễn tả phong phú với nhiều cách thể hiện khác nhau. Hoa sen thể hiện theo chiều nhìn thẳng, chính diện. Hoa sen thể hiện theo chiều nhìn bổ dọc. Hoa sen thể hiện theo chiều nhìn thẳng, chính diện có 8 cánh hoa nổi khối trên mặt gạch. Hoa sen thể hiện theo chiều nhìn bổ dọc có cánh hoa lượn mềm. Hoa sen có khi thể hiện cả bông hoa, có khi được diễn tả là cánh hoa thành từng băng trang trí trên rìa cạnh viên gạch ở chùa Đậu (Thường Tín). Hoa sen còn có sự kết hợp với nhau như rồng và hoa sen, chuột và hoa sen. Sự kết hợp giữa con vật và hoa lá cho thấy sự đa dạng trong nghệ thuật trang trí trên gạch thời Mạc.

Hoa mai, hoa mai trang trí trên viên gạch thông gió lợp bờ nóc mái quán Hưng Thánh (Thường Tín). Hoa mai bốn cánh tròn, khi liên kết với nhau tạo thành một dải hoa mai liên hoàn và các vòng tròn lồng nhau và hình bông hoa đồng tiền. Nhụy hoa là bông hoa cúc cánh dài hoặc tròn tỏa về các phía như hình mặt trời nhiều tia sáng. Đường diềm là băng chấm tròn nổi. Niên đại bờ nóc mái quán Hưng Thánh thuộc phong cách nghệ thuật thời Mạc (Nguyễn Tiến Cảnh và cộng sự 1993). Những viên gạch thông gió còn lại trang trí hình rồng và hoa mai cánh dài là những viên gạch được trùng tu giai đoạn sau.

Hoa mai còn được trang ở chính giữa đầu viên gạch hình chữ nhật. Bông hoa mai 6 cánh tròn, nhụy giữa là chấm tròn nổi cao cùng các tia nổi. Bốn góc là ¼ bông hoa mai.

Hoa lá cách điệu, dạng hoa dây cũng được trang trí kết hợp với các loại hoa khác hoặc xen kẽ trong các trang trí hình linh vật như rồng, hươu, lân… để tô điểm thêm những khoảng trống trên viên gạch và tạo cho hoa văn mềm mại hơn.

  1. Nghiên cứu những viên gạch trong kiến trúc dân gian thời Mạc góp phần nhận diện kiến trúc, tìm hiều mỹ thuật và góp phần hiểu thêm về lịch sử văn hóa Việt Nam thời kỳ này.

Nét nổi bật trong kiến trúc dân gian thời Mạc là ở mọi vị trí kiến trúc đều được trang trí hoa văn. Gạch bó móng thường sử dụng gạch hình khối chữ nhật, tiết diện vuông hoặc gần vuông trang trí hoa văn hình rồng, chim phượng, cá hóa rồng, hươu, kỳ lân, chim, chuột, hoa sen… Ở nhiều vị trí khác trong kiến trúc như thềm gạch, nền, bệ thờ, xây tường, bờ nóc mái… được ốp trang trí bằng loại gạch khối chữ nhật dẹt trang trí hình rồng, chim phượng, long mã. Các vết tích kiến trúc hiện còn như những móng kiến trúc còn nguyên vẹn ở chùa Hội và quán Hội Linh (Thường Tín), bệ thờ chùa Trăm Gian (Hoài Đức), bó nền chùa Bối Khê, đền Phù Đổng (Hà Nội) khẳng định thêm điều đó. 

Hoa văn trang trí hình rồng, chim phượng, hoa sen chỉ thấy trang trí trên kiến trúc cung đình. Sang thời Mạc những hoa văn này trang trí cùng với những hoa văn khác như hươu, voi, hổ, kỳ lân, chim, chuột… trang trí trên gạch cho thấy sự hòa quyện và đan xen giữa yếu tố cung đình và dân gian  trong thời Mạc.

Mỹ thuật thời Mạc vẫn tiếp nối các đề tài trang trí thời Lê sơ, vẫn là các đề tài quen thuộc như hình rồng, hoa cúc, hoa mai, tượng nghê … Nhưng thời đại mới với những yếu tố mới đã tác động lên thẩm mỹ của thời đại. Bên cạnh Nho giáo, sự phát triển khá mạnh của Phật giáo và Đạo giáo cùng với sự biến động của lịch sử đã tác động mạnh mẽ đến mỹ thuật thời Mạc. Nét đặc trưng của mỹ thuật thời Mạc là sự xuất hiện thêm nhiều hoa văn mới như linh vật gần gũi với con người (hươu, voi, hổ, chuột …).

Các hình tượng trong trang trí được diễn tả hiện thực hơn, hình khối trở lại sự khỏe khoắn, đơn giản. Bố cục trang trí thời Mạc thể hiện tự do thoải mái, ít bị gò bó theo khuôn mẫu. 

Kỹ thuật in khuôn phổ biến nhưng kỹ thuật chạm khắc trực tiếp bằng tay. Ví dụ, viên gạch trang trí hình chim phượng được tạo bằng các đường nét tỉ mỉ và các thủ pháp kỹ thuật như các đường cong nhẹ thể hiện lớp cánh, các đường chạm khắc vát lõm, tỉa nhỏ… tất cả thể hiện hình chim phượng rất sinh động và giàu tính hiện thực. Đó cũng là đặc điểm góp phần làm rõ hơn mỹ thuật thời kỳ này.

Nhìn chung, mỹ thuật thời Mạc phản ánh sự hòa quyện giữa cung đình và dân gian. Trong đó yếu tố dân gian có xu hướng lấn át yếu tố cung đình và gần gũi hơn với cuộc sống.

Trang trí trên gạch thời Mạc góp phần phản ánh lịch sử văn hóa xã hội Việt Nam thời kỳ này. Thời Mạc tiếo nối ngay sau thời Lê sơ. Xã hội thời Mạc là một xã hội có nội chiến phe phái Nam – Bắc triều, phía Bắc là nhà Mạc, phía Nam  là nhà Lê Trung hưng với siwj phò tá của chúa Trịnh. Do mải lo tập trung trí lực và vật lực vào các cuộc nội chiến nên việc quy định đẳng cấp rõ ràng được nới lỏng. Nho giáo vẫn tồn tại nhưng Phật giáo và Đạo giáo có xu hướng phát triển trở lại. Đó chính là điều kiện thuận lợi để kiến trúc dân gian, đặc biệt là các công trình tín ngưỡng tôn giáo ở cá làng quê phát triển mạnh mẽ.

Thời kỳ này chùa Phật, Đạo giáo mọc lên rất nhiều. Sự tham gia hưng công đóng góp của tầng lớp vua, quan nhà Mạc vào các ngôi chùa làng phát triển mạnh mẽ. Bằng chứng là hình ảnh bông hoa sen trang trí trên gạch trong những ngôi chùa, quán đạo thời Mạc tuy có cách điệu nhưng vẫn mang dáng dấp của ngôi chùa Phật giáo thời Trần-Hồ. Màu sắc đỏ tươi cũng góp phần cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ từ truyền thống nghệ thuật Phật giáo thời Trần-Hồ.

Đặc biệt, nền nghệ thuật dân gian bắt đầu phát triển mạnh trong thời Mạc. Các loại hoa văn mang đậm chất dân gian như hình linh thú (chuột, voi, hươu, hổ)… là những con vật gần gũi với con người phổ biến trang trí trên gạch trong những ngôi chùa làng. Hình rồng và chim phượng vốn là hoa văn trang trí trong cung đình. Dưới thời Mạc hoa văn này trở lên thoải mái trang trí trên gạch cùng với các hoa văn khác như hình linh thú. Nghề thủ công chạm khắc dân gian bằng tay trực tiếp rồi đắp thêm trên mặt gạch hình chim phượng ở chùa Cực Lạc (Hà Nội). Sự phát triển của nghệ thuật dân gian trên gạch thời Mạc trùng hợp với sự phát triển của kiến trúc dân gian trong thế kỷ 16.

TS. Ngô Thị Lan

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây