Vết thâm tự nó làm thành khác biệt bằng nỗi đau từ bên trong. Không mang nỗi đau, không chịu rách xé, va đập, trầy xước, giày vò thì hẳn một vùng da thịt nào đó sẽ bình yên, lành lặn trong nhịp sống ngày thường, lắm khi chẳng gây nên một mối bận tâm cho ai. Hóa ra, phải tìm kiếm đâu xa cái mà Heidegger gọi là Dasein (hiện hữu). Nhìn vào vết thâm, nhìn vào những tổn thương, chúng ta nhận thấy: “một trú ẩn và một khai phóng, một hiện hữu và một dẫn dắt, một cô lập và một mời mọc, một Logos đồng bằng dựng ngược, một sống Lời và không – gì – khác, một tự giết và một tiếp tục… nơi máu cháy ra – những tiếng hát của bí mật” (Văn học vết thâm). Đó có thể là lời tựa, lời nói đầu, đề từ, nhưng sống động hơn, đó là những gợi mở âm thầm từ vết thương khó cầm, còn chảy máu, còn đau, hoặc ngay cả đã thành vết thâm trên thân thể. Hãy đi, vào trong những nếp gấp u tối, buồn đau và ẩm ướt, để thấy một cánh cửa, một ngã rẽ, một con đường… Văn học vết thâm là nơi “Lời trở nên xác thịt”.

Văn học vết thâm ra đời từ ý niệm về nỗi đau trên thân thể cuộc đời, con người, văn chương nghệ thuật. Thực ra, xét tận cùng, chẳng có vết thương nào lành lại được. Dù thịt da đã thành sẹo bao dung che chở vết thương, dù ngày tháng đã đồng lõa cùng quên lãng, vết thâm hiện diện ở đó để lưu giữ ký ức, để lên tiếng về những đau đớn không thể lãng quên. Thế giới hiện hữu qua ngôn từ – “Lời”, vì thế “Lời” giữ trong lòng nó nỗi đau không nguôi của người. Văn học vết thâm là “tiếng hát của bí mật” của nỗi đau trong “sống Lời và không -gì – khác”.

Nhưng, có nhiều hình thức của “Lời” nếu hiểu như là những hệ thống ký hiệu biểu nghĩa. Tại sao lại phải là thơ? Mà thơ, sao lại gọi là “Văn học vết thâm”? Có vẻ như, chủ thể của “Lời” hơi tham vọng? Điều đó hẳn sẽ làm nhiều người không hài lòng, nhất là những ai mang sẵn định kiến về hình thức, đặc trưng thể loại. Sự lựa chọn là hành vi thuộc về thị hiếu và năng lực. Lựa chọn thơ (họa), Nguyễn Thị Thúy Hạnh bộc lộ thị hiếu và năng lực ấy của mình cũng là điều không khó lý giải. Tuy vậy, nghĩ về đời sống vận hành bằng nhịp điệu, hành trình của vết thương cũng mang nhịp điệu, với tính chủ quan đặc thù của thơ, mối tương liên sâu thẳm giữa thơ – nhạc – họa, tôi nghĩ rằng, lựa chọn đó chẳng hề ngẫu nhiên hay cứng nhắc. Điều quan trọng là lựa chọn ấy có hiệu quả hay không? Bởi lẽ, trước khi nó là gì, thì nó phải là thơ – dẫu là một khái niệm thơ có phần lỏng lẻo trong ý niệm của các thi sĩ đương thời.

Trước khi có thể nói về hiệu quả thẩm mĩ, “chức năng thi ca” (R. Jakovson) của Văn học vết thâm, một câu hỏi đã chen ngang trở lại: Điều gì đã khiến tôi luôn bận tâm về tập thơ của Nguyễn Thị Thúy Hạnh? Bản chất thực sự của việc đọc là hành vi giao tiếp với người khác, nhằm nhận ra “tha nhân” nhưng từ đó cũng để tìm kiếm và bộc lộ chính mình. Theo nghĩa đó, bằng sự cổ vũ của lý thuyết tiếp nhận, việc đọc trở thành chân trời của cá nhân mà văn bản chỉ như một gợi dẫn, một ánh chớp, thậm chí là một giới hạn. Văn học vết thâm giữ người ta lại, dẫn người ta đi, bắt người ta nghĩ, bởi dáng vẻ có phần khác lạ và quyến rũ của nó. Một khi, trong ý nghĩ đã đầy lên những mặc cảm về sự sáo mòn, cũ kỹ, mỏi mệt của thơ truyền thống – thứ thơ đang chiếm tỉ lệ lớn trên bản đồ thơ Việt, nét khác lạ và quyến rũ của Văn học vết thâm thực sự mang đến khoái cảm cho việc đọc. Khoái cảm đầu tiên có lẽ là việc ta bắt gặp một “sống Lời” không dễ dãi, lười biếng. Vần thơ là một biểu hiện của sự dễ dãi và lười biếng ấy. Nó luôn đi tìm các cấu trúc đồng dạng, gần gũi để bắt nối, dẫn dắt quá trình đọc vào từ trường của sự du dương, trầm bổng, nhịp nhàng, vốn không phản ánh đầy đủ nhịp điệu của đời sống và tâm hồn con người. Ngay tại đây, một phản biện có thể lập tức xuất hiện, rằng lục bát – điệu hồn dân tộc, quốc hồn, quốc túy của thi ca, chẳng phải là cất dựng trên nền tảng của vần đấy sao? Đương nhiên, nhưng xin thưa rằng, cái chết của lục bát cũng bắt nguồn từ sự dễ dãi và lười biếng trong chính cơ chế vần điệu của nó. Văn học vết thâm không dễ dãi, lười biếng trước hết ở việc tước bỏ đi thói quen kết vận của thơ. Chẳng hạn:

Chúng tôi nằm bên nhau, sau tấm rèm của một bài thơ

         mở tìm và sắp xếp

            ý nghĩa của cơ thể

                    lắng nghe

sự cọ xát

nhịp điệu khô hoặc ướt, những chuyển động từ không gian khác,

 

tất cả diễn ra

trong một tồn tại yên tĩnh.

(Những bản dịch)

Một liên minh cũ bị tan rã, đồng nghĩa với việc ngôn ngữ (Lời) phải đi tìm một liên kết khác, nhằm khai mở, tạo dựng và duy trì ý tình (tứ) hướng đến biểu đạt tư tưởng thẩm mĩ của bài thơ. Những con chữ đơn độc, bị đẩy ra khỏi ngôi nhà quen thuộc trong cộng đồng vần của nó. Trong tình thế ấy, để sống, chữ buộc phải tìm đến những đồng minh khác, xa hơn, bất ngờ hơn, thậm chí là không tưởng (với biên độ liên tưởng thông thường). Bài thơ Những bản dịch vừa dẫn ở trên trong cảm quan thơ ca truyền thống có vẻ như không “thơ” chút nào. Chẳng có vần, lại rời rạc, khó hiểu. Không khó để buông ra lời phán xét: chẳng biết tác giả viết cái gì? Đây mà là thơ ư? Thế nhưng, một lần nhìn sâu vào “tồn tại yên tĩnh” kia, để thấy những con chữ đang sống, chúng nằm cạnh nhau sau bức rèm của một bài thơ. Bức rèm thơ treo lên có thể là một quan niệm cũ đã bắt đầu ngáng trở những sống đời thơ khác. Những bản dịch là những bản thể sống, là Chữ – Lời, là “chúng tôi” đang tìm kiếm và sắp xếp, mở ra ý nghĩa từ sự cọ xát, chuyển động trong một không gian khác. Chất thơ không nằm trên bề mặt văn bản mà nằm trong hơi thở tĩnh lặng, cái cựa mình rụt rè của chữ. Dường như, những con chữ đang mơ mộng, gắng vượt thoát khỏi bức rèm. Thế nên, chất thơ mà ta có thể hình dung được còn nằm trong chính mộng mơ về sự mộng mơ của chữ, nơi những khác biệt xa lạ tự dịch mình và kết liên với nhau. Không vần và nhịp điệu là một “dự phóng” về nhịp điệu (khô hoặc ướt), Những bản dịch đề xuất một “sống Lời” khác với quan niệm và kinh nghiệm đọc thơ quen thuộc của nhiều người. Một hương vị xa lạ ẩn chứa trong đó khả năng chất vấn lại những chân trời cũ.

Văn học vết thâm cùng với những thực hành sáng tạo khác có cùng ý hướng (lấy ngôn ngữ – ký hiệu là thực tại thứ nhất) tự đặt mình vào tình thế của một hiện diện “phi thơ”, “phản thơ”, nếu nhìn từ quan niệm truyền thống. Nhưng, nếu vẫn miệt mài xe lời, kết vận, du dương trong điệu ngâm trầm bổng, đó chẳng phải chỉ là hành vi nối dài một trạng thái thi ca sao? Mà như thế là “xuất bản một đám đông”, là tan mình vào bầu khí quyển không bản sắc, không tồn tại, không sử tính. Ở khía cạnh vận động của mĩ học, sự nối dài hoàn toàn không có giá trị. Nó chỉ xếp chồng và trùng khít lên những gì đã có, những gì được niêm phong trong bảo tàng. Một từ khóa quan trọng, nảy ra trong ý nghĩ của tôi khi đọc Văn học vết thâm chính là Dasein. Đây là khái niệm triết học chứa đựng tư tưởng của M.Heidegger về hiện hữu. Để hiện hữu, phải khác đi. Khác đi là một cơ hội cho “sự hiện hữu sử tính của con người và nghệ thuật” (M. Heidegger, dẫn theo Julian Young, Triết học nghệ thuật, Như Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nxb Thế giới, 2019, tr.31). Một phản thơ, phi thơ có thể là thơ trong cách mà nó bày tỏ thái độ về hoàng hôn của thơ truyền thống:

Bài “Mộc” có thể đọc bằng nhiều cách (ý hướng và thủ pháp này không mới, nhưng vẫn còn nguyên “tính tiền vệ” của nó), mỗi cách là một bài thơ hoàn chỉnh. Bản thân “Mộc” là một cấu trúc thơ mà các chữ được sắp xếp tạo hình chữ (Cây). Tháo dỡ cấu trúc này, chúng ta có những bài thơ khác, trích đoạn khác (mảnh vỡ), chỉnh thể khác nhưng đều hướng đến tư tưởng bao trùm là sự sống. Sự sống của con người, trái đất, thiên nhiên, nghệ thuật. Điều thú vị là khi tháo dỡ cấu trúc của “Mộc” (theo trật tự viết: ngang trước sổ sau, trái trước phải sau, trên trước dưới sau) chúng ta có những bài thơ ít nhiều quen thuộc với mĩ cảm truyền thống: Một ruộng một miệng một phương một duy nhất một biến mất/ Trang giấy trắng – trán địa cầu – bóng mátCho tôi một bóng râm/ một ngữ âm/ một dịch/ hoài thai một sinh linh một khát; Cho tôi một bóng râm/ một ngữ âm/ một dịch/ một vườn cây đẻ tiếng chim/ Trang giấy trắng – trán địa cầu – bóng mát… Đó là những bài thơ thực sự. Khi nằm trong cấu trúc tổng thể, “Mộc” là một bài thơ hay, đáp ứng mĩ cảm của đọc, nhìn và suy tưởng. Ngoài ra, chất thơ còn tác động vào trường liên tưởng của người đọc khi đặt trong dư vang của chất thơ truyền thống. Rõ ràng, “Mộc” là một biểu hiện khác, đòi hỏi đọc khác, dịch khác, giải trừ kinh nghiệm thẩm mĩ đã tồn tại một cách dai dẳng trong tâm thức cộng đồng. Sự sành sỏi, khéo tay, chế tác một cách hoàn mĩ theo mô hình có sẵn không thuộc về nghệ thuật. Lịch sử mĩ học bị đóng băng trong thói quen cũ, vì thế, cách biểu đạt mới đã trao cho con người cơ hội được khai mở chính thế giới bên trong mình. Ở đây, Lời – Chữ đã thuyết phục được chúng ta khi gợi lên ấn tượng về một cái gì khác biệt, mới mẻ và đẹp. Hình thức xa lạ ấy ẩn chứa câu hỏi: Thơ là gì? Đồng thời nó trả lời một cách tự tin rằng: Thơ là như thế. Mở ra cõi sống từ Chữ – Lời, như M. Heidegger đã diễn giải, đó là tác phẩm nghệ thuật. Cái sống bản thân nó là đẹp (dĩ nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể liên tưởng đến những Chữ – Lời không sống, đã chết, đã hóa thạch nhưng vẫn liên tục được trưng bày).

Mọi thay đổi của nghệ thuật đến từ hai phương diện căn bản: Cái nhìn khác về đời sống và quan niệm mĩ học khác. Thực ra, xét về quan niệm mĩ học, Văn học vết thâm không cho thấy tính triệt để của nó trong việc khước từ hay rũ bỏ truyền thống. Nhiều bài thơ vẫn bắt rễ vào thổ nhưỡng của thi ca truyền thống (Thiên thanhMưa Lĩnh Nam, Tàu đêm ba mươi, Đường sinh tử lời,…). Tuy nhiên, ngay trong sự thấm nhập đó, những hiện diện quen thuộc đã nhấp nhánh sắc thái của dưỡng chất khác, sinh mệnh khác:

Anh nằm co trong đống sách dày

sách phủ lên mình anh

tấm chăn chữ

bụi phủ lên thân anh

phù phiếm thở

em phủ lên thân anh

một đoạn trường trăng

trăng phủ thân anh

mười lăm năm

      (Thiên thanh)

Quan niệm mĩ học khác và phương thức biểu đạt khác trong Văn học vết thâm thể hiện rõ nhất qua những bài thơ có tính chất trình bày, sắp đặt, phát huy cả yếu tố thị giác, trò chơi trong việc tiếp cận tác phẩm. Mộc, Lá, Đầu mưa, Hát/ Những ngọn đồi, Bốn mùa, 人, Bươm bướm… có thể là những dẫn chứng cho luận điểm này.

Cái nhìn thông hiểu về những hiện diện đa dạng của nhân sinh, nghệ thuật không phê phán Văn học vết thâm bởi sự khác biệt, xa lạ của nó. Sự phê phán nếu có chỉ diễn ra trên khía cạnh giá trị mĩ học mà Văn học vết thâm mang chở, đóng góp. Tuy nhiên, từ cấp độ ngôn ngữ đến câu thơ, bài thơ và cả những bức họa (thực ra đó cũng là những bài thơ độc lập) chúng ta đều có thể cảm nhận được năng lượng, sức sống của Chữ – Lời. “” là một bài thơ hay, với nhiều cách đọc, mỗi cách đọc theo gân lá (hoặc ngẫu nhiên) đều mang lại một trải nghiệm thơ thú vị cho độc giả. Không chỉ thế, sự kết hợp của chữ và hình trong cấu trúc tổng thể của “” cũng nằm trong mạch biểu đạt về ý nghĩa của sự sống tự nhiên (cùng với bài Mộc, Đàn bò ăn thành phố, Đầu mưa… và một số bức họa lấy tự nhiên làm đối tượng chuyển tải ý niệm môi trường).

Trả lời cho câu hỏi tại sao Văn học vết thâm lại gây được ấn tượng, khiến tôi chú ý và bận tâm về nó dần hé lộ những giá trị mĩ học có thể là đáp án cho băn khoăn tiếp theo về chất thơ – thơ ở đâu? Từ những bài thơ sắp đặt, tạo hình đến những bài thơ tự do quen thuộc, chất thơ vẫn hiện ra trong câu từ, nhịp điệu, hình ảnh, thủ pháp và hình họa. Những ví dụ ở trên có thể chứng lí cho điều mà ta vừa xác quyết. Ở các bài khác, có thể không phải là tâm điểm trong tư tưởng của Văn học vết thâm, nhưng có thể thỏa mãn cả người đọc truyền thống và người đọc với tinh thần tiền vệ bởi chất thơ của nó. Chẳng hạn, bài Mưa Lĩnh Nam sau đây: Lĩnh Nam mưa/ chiều quái nắng/ anh chích ngón tay/ chảy giọt máu buồn/ anh chăn đường chiều/ chín mươi chín dấu chân thiếu một/ đêm nay ta bói Đường thi/ cỏ Lĩnh Nam buồn rối tóc em lùa/ nghìn nụ hôn dao cứa/ anh hôn em/ môi trắng/ răng trắng/ tóc trắng/ da trắng /ngực trắng/ tràn thân thể trắng/ trắng sinh lời/ ngón tay trắng/ bàn chân trắng/ xương trắng/ thịt trắng/ tử vi trắng/ số trắng/ phận trắng/ trắng Man Nương/ anh yêu em mộng khép không thành/ mái tóc em một cầu vồng gãy/ anh yêu em giai nhân cỏ dại/ Lĩnh Nam mưa tốt máu tươi. Bài thơ mang ánh sắc liêu trai. Tưởng tượng như vạt nắng lùa trong mưa, đúng hơn là một cơn nắng buồn mang nỗi u hoài, ấm ức và oan uổng. Tại sao lại là oan uổng? Bởi vẻ đẹp kia hàm chứa những điêu linh, là Tây Thi hay Điêu Thuyền, là Man Nương hay giai nhân cỏ dại, vệt máu buồn loang từ nỗi niềm cổ xưa trắng cơn mộng không thể nào chạm tới. Mưa tốt máu tươi làm dậy lên khí sắc huyền hồ một Lĩnh Nam tràn thân thể trắng. Dường như, trong màu máu mưa tươi tốt ấy còn phong nguyên nhịp thở đành đoạn, ấm ức của giai nhân. Vì sao: Anh yêu em mộng khép không thành? Chất thơ liêu trai, huyền mộng tạo thành khí hậu của bài Mưa Lĩnh Nam.

Đi tìm chất thơ trong Văn học vết thâm là hành trình khám phá vương quốc mộng mơ của chủ thể đọc – nhìn – nghe trong sự hội ngộ với chủ thể kiến tạo (phôi dựng – M. Heidegger). Dẫu sao, các phán đoán sẽ không thể thuyết phục được bất kỳ ai nếu không dựa trên những manh mối từ văn bản – hệ thống ký hiệu. Vì lẽ đó, việc chú ý vào hình thức biểu đạt được xem là giao tiếp ban đầu (trực quan). Cần phải nói ngay, Văn học vết thâm gối đầu lên những văn bản khác như là một chủ đích thiết định cơ chế liên văn bản, liên chủ thể, liên văn hóa. Nguyễn Du, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Dương Tường là những bóng dáng gần. Xa hơn, chúng ta thấy một vùng văn hóa cổ điển phương Đông trong tinh thần Phật giáo, thấp thoáng ánh sắc Đường thi, phảng phất khí vị liêu trai, kỳ ảo (Thiên thanh, 99 non-fictions, Cốm vòng Dịch Vọng, Hoa trạng nguyên, Khuôn mặt nàng rơi trong mưa, Đàn bò ăn thành phố, Tu từ, Mưa Lĩnh NamViếng Tử Hạ, Bươm bướm, Mưa rình…). Bờ bên kia, chúng ta cũng không thể không nhớ đến Kinh thánh, Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp (và trong tác phẩm của A.Camus), thủ pháp kể chuyện và tinh thần của Giovanni Boccaccio, Macbeth của W.Shakespeare, những cô gái Avignon của P.Picasso, sắc thái siêu thực của A.Breton, Dasein của M. Heidegger, cảm thức buồn nôn của J.P.Sartre, nàng Lolita và thú sưu tập bươm bướm của V.Nabokov (Khuôn mặt nàng rơi trong mưa, Người ch/nữ, 人, Khả thể, Bất khả, Bươm bướm, Utopiem, Decameron… ). Như thế, Văn học vết thâm đã sinh thành trong mối tương giao của văn hóa Đông – Tây, ngoại lai – bản địa, cổ điển – hiện đại. Những “xa lạ yêu nhau” mang định phận của máu và lông ngỗng, “lên men” những ý nghĩ và mơ mộng thi ca.

Tôi đọc – nghe – thấy gì từ Văn học vết thâm nếu rọi chiếu trở lại vào thế giới, cuộc đời, con người, nghệ thuật, ngôn ngữ, và chính tôi? Sự thực, tôi diễn dịch mình từ quá trình chứng kiến, trải nghiệm vết thương – vết thâm. Nó có thể hoàn toàn trở nên khác biệt trong kinh nghiệm của một người khác. Đi suốt hành trình của tôi là ý niệm về ngôn ngữ như là thân thể và thi ca (như hiện diện trong Văn học vết thâm) là “sống Lời và không -gì – khác”. Thế giới tồn tại qua ngôn ngữ, bằng ngôn ngữ (không – gì – khác). Trở về với ngôn ngữ là trở về với bản chất uyên nguyên của thế giới. Tại đây, cái nhìn hiện tượng luận và tinh thần triết học ngôn ngữ của M.Heidegger đã hỗ trợ nhiều cho tôi trong việc quan sát chính mình. Để không sa ngã vào một thứ tù mù vô nghĩa, để độ lượng với bản thân, để gặp gỡ (và tôn trọng) tha nhân, có lẽ ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

_______

 * Về tập thơ Văn học vết thâm của Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Nxb Hội Nhà văn, 2021

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây