Lạc bước Chicago – Bút ký Mai Hữu Phước

Tin Xuân - Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng

Từ hạt Pennsauken, tiểu bang New Jersey, để đến Trung tâm Y khoa Saint Mary, ở Hobart, tiểu bang Indiana, tôi bay đến Chicago, ở lại một đêm và chiều ngày hôm sau theo xe đón về đúng nơi tôi cần đến. Với nhiều người, sự di chuyển dích dắc này là điều phiền toái. Riêng tôi, đây quả thật là một cơ hội thú vị không gì bằng, mà gọi là ngàn năm có một cũng không có gì quá! Tôi đã tranh thủ thời gian “nằm chờ” này để lạc bước cùng Chicago.

Chicago thuộc tiểu bang Illinois, được thành lập năm 1833, là thành phố lớn thứ ba của Hoa Kỳ, sau các thành phố New York và Los Angles. Dân số ước tính và làm tròn của các thành phố lớn này, để cho dễ nhớ, lần lượt là 8,5 triệu, 4 triệu và 3 triệu. Nằm trên một bình nguyên bằng phẳng, lộng gió, soi mình trên hệ thống Ngũ Đại Hồ (Great Lakes) mênh mang, nên Chicago có tên cúng cơm là “thành phố gió” (Windy City). Chicago còn mang “biệt danh” là “Thành phố thứ hai” (The Second City). Sở dĩ người ta gọi đây là “Thành phố thứ hai” là vì năm 1871, trận hỏa hoạn lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ và cả lịch sử nhân loại đã gần như thiêu rụi 3/4 thành phố. Sau thảm họa, người Mỹ đã biết cách xây dựng lại thành phố này đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo đúng nghĩa của những cụm từ này. Năm 1885, lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng của nhân loại, bê tông cốt thép đã được sử dụng để xây dựng tòa nhà cao tầng đầu tiên trên thế giới tại Chicago. Thời bấy giờ xây dựng được một tòa nhà có độ cao 9 tầng đã là chuyện kinh thiên động địa. Vậy mà ngày nay, đứng bên bờ hồ Michigan thuộc Ngũ Đại Hồ nhìn về phía trung tâm thành phố Chicago thấy những tòa nhà cao cả trăm tầng mọc lên san sát, không hổ danh thành phố Chicago là “thánh địa” của những ngôi nhà chọc trời. Tháp Sear 110 tầng, được xây dựng vào năm 1973, với độ cao 443 mét đã từng giữ kỷ lục trong nhiều thập niên là tòa nhà cao nhất thế giới. Sau đó kỷ lục này “nhường” lại cho tháp đôi Petronas của Malaisia (1998), cao 452 mét. Hiện tại, kỷ lục về độ cao thuộc về tòa nhà Tapei 101 Đài Loan (2003), cao 509 mét. Tuy nhiên, đến nay không có nơi nào trên thế giới soán ngôi “thánh địa” những tòa nhà chọc trời của Chicago.

Lac buoc Chicago But ky Mai Huu Phuoc min - Lạc bước Chicago - Bút ký Mai Hữu PhướcViện bảo tàng quốc gia Chicago (Field Museum)

Đêm ở Chicago trong băng tuyết lạnh lùng, phải bước đi những bước dài để tự làm ấm cơ thể. Ngạc nhiên, khi một chiếc xe ngựa từ góc phố trôi ra. Nhạc ngựa leng keng… leng keng… chập chờn như trong câu chuyện cổ. Đèn màu của rừng nhà chọc trời nhấp nháy mang lại cảm giác mơ màng, huyền ảo. Giáo sư Thạch Nguyễn, người Việt đầu tiên có chân trong Hội Tim Mạch Hoa Kỳ dẫn tôi đi ăn tối trên tầng thứ 102 của một tòa nhà còn đón khách giữa khuya. Từ vị  trí này có thể quan sát toàn thành phố Chicago trong muôn vạn ánh đèn màu lung linh, diễm tuyệt.

Chicago có món bít tết thịt bò ngon nổi tiếng.  Và quán mà giáo sư Thạch Nguyễn đưa đi ăn là quán nổi tiếng nhất. Giá 51USD/ đĩa.

Người phục vụ mang rượu ra đặt ngay tại vị trí của từng thực khách. Một ly rượu vừa đặt xuống chưa chạm mặt bàn đã vội nhất lên theo tay người phục vụ. “Sorry, How old are you?” (Xin lỗi, anh nhiêu tuổi ạ?). Thì ra một người ngồi trong bàn ăn, vì nhỏ con hay vì vẻ mặt trông còn rất “nai” nên bị hỏi giấy tờ để chứng minh đủ 18 tuổi để uống rượu theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ. Bằng lái xe trên xứ sở của Nữ Thần Tự Do là một tấm card nhựa có ghi năm sinh đã chứng minh điều đó. Người phục vụ luôn miệng xin lỗi khi biết rằng vị khách mà mình nghi chưa đầy 18 tuổi đã là 27 tuổi! Điều này cứ làm tôi suy nghĩ mãi không hiểu vì sao luật pháp Hoa Kỳ lại được thực thi một cách nghiêm túc tại một góc vắng, sau lúc không giờ, ở lưng chừng trời bởi một người nhân viên phục vụ bình thường mà ta quen gọi là “bồi bàn”. Bâng khuâng này chập chờn theo tôi vào giấc ngủ một đêm trong căn hộ triệu đô ở Chicago, mà khi ngồi viết những dòng chữ này tôi vẫn còn mông lung nghĩ ngợi.

Bình minh lên, chói chang nhưng lạnh giá, vì tuyết đang tràn ngập Chicago. Thức giấc lúc 5 giờ sáng là điều hiếm có với tôi khi ở Việt Nam, bởi vì tôi là người luôn thức khuya và dậy muộn. Nhưng từ ngày đặt chân lên đất Mỹ, tôi đã thích nghi nhanh với sự thay đổi múi giờ. Dậy thật sớm là cách để tôi có thể cảm nhận nước Mỹ, trong một ngày không phải là 24 giờ… 36 giờ… 48 giờ… mà nhiều hơn thế nữa. Qua khung cửa sổ rộng, bằng kính dày trên tầng thứ 58, nơi tôi ngủ qua đêm, nhìn xuống một góc phố Chicago đèn vẫn sáng rực rỡ. Xe cộ đã bắt đầu di chuyển tạo nên sắc màu và âm thanh rộn ràng của ngày mới. Tiếng chuông nhà thờ đâu đó đỗ liên hồi như thúc giục Chicago hối hả bắt tay vào một ngày làm việc.

Dự định ban đầu, điểm tâm tại quán cơm sinh viên ở một trường đại học đã thay đổi. Thay vào đó, tôi được hướng dẫn đến điểm tâm tại Viện bảo tàng quốc gia Chicago (Field Museum), rồi sau đó “khám phá” viện bảo tàng này. Các món điểm tâm thực khách tự chọn rồi   ra quày tính tiền. Để uống cà phê thì phải trả tiền trước, người thu  tiền phát cho một cái ly bằng giấy lớn và chỉ vào khu vực cà phê… tự phục vụ, lấy ít hay nhiều cà phê pha sẵn tùy ý, có dường hay không có đường mặc thích. Khi đã có trong tay cái ly thì lấy uống đến… no bụng cũng chẳng ai than phiền. Người uống cà phê được khuyến mãi một trong 2 món tùy chọn là trái cây (cam hoặc chuối) và chíp chíp (khoai tây thái lát chiên giòn). Những ai không thích các món khuyến mãi này thì càng lợi cho người bán.

Khi qua cửa kiểm soát, nhân viên kiểm soát bảo tôi chìa mu bàn tay phải ra để đóng lên đó một con dấu. Chữ Field viết lớn bên trên chữ museum viết nhỏ bằng thứ mực màu xanh khó phai nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách thăm quan khi lạc nhau hoặc rơi mất vé có thể vào ra cửa kiểm soát nhiều lần mà không bị làm khó dễ. Giá vé 22 USD/ người, nếu chỉ tham quan tầng một. 28 USD/ người thì thăm quan cả 2 tầng của Viện bảo tàng. 45 USD/ người nếu tham quan cả 2 tầng và xem phim. Tất nhiên, tôi chọn giá vé 28 USD/ người để được chiêm ngưỡng từ loài voi Ma-mút khổng lồ thời tiền sử, bộ xương khủng long hóa thạch lớn nhất thế giới trông choáng ngợp, đến những sinh vật bé nhỏ nhất hành tinh từ khắp năm châu, bốn biển cùng hội ngộ ở nơi này. Những mô hình sống động như cuốn hút người xem vào thế giới các loài động thực vật đầy mê hoặc và quyến rũ. Rất nhiều loài động thực vật tôi chưa từng thấy bao giờ, cho dù qua tranh ảnh, sách báo. Khoảng thời gian trước 3 giờ chiều để rời Chicago đi Trung tâm Y khoa Saint Mary, ở Hobart, tiểu bang Indiana đã đủ để cho tôi lang thang khắp Field museum.

Rời bảo tàng Field, lang thang ra Ngũ Đại Hồ (Great Lakes) ngay bên cạnh khu vực bảo tàng. Đây là hệ thống hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Tôi không thể tin vào mắt mình khi phải dụi mắt đến 3 lần    để biết rằng tôi đang thực sự đứng trước những chiếc hồ rộng như biển, mà tôi đã học từ thời còn nhỏ, chứ không phải là giấc mơ ban trưa bên góc nhà của ba mẹ ngày xưa.

Quanh bờ hồ và các tảng đá lớn ven hồ tuyết phủ trắng xóa và đã đóng thành băng, trơn như thoa dầu. Đi quanh một đoạn ven hồ nếu không khéo léo sẽ bị “bắt ếch”. Trời lạnh như kim châm chích vào da thịt. Sự tò mò, niềm vui được đi, được đến, được nhìn và được đắm chìm trong suy tưởng đã giúp tôi hăng hái tiến về phía trước mà không thấy chồn chân.

Nước hồ sền sệt như đóng băng. Nghe đâu nếu như ai đó không may rơi xuống hồ thì cấm có cơ hội để sống sót vì cái lạnh ghê người. Ô kìa, đâu đó là những chú chim vịt ngụp lặn kiếm mồi một cách bình thản. Hình như sự giá lạnh chỉ dành cho con người, chứ không có tác động gì đến loài sinh vật đặc biệt này. Nhưng có lẽ tôi đã nhầm lẫn khi nhìn thấy trên ghế đá ven hồ, một cô gái đang ngồi lật từng trang sách, cũng bình thản không kém những chú chim vịt kia. Tôi có cảm tưởng như cô gái không ngồi giữa trời băng giá mà ngồi ngay trong phòng khách có lò sưởi đang tỏa hơi ấm áp.

Bốn viên pin Maxcell mang theo không còn đủ năng lượng để tôi ngắm trộm và thu vào ống kính hình ảnh cô gái tóc vàng đẹp như một Thiên Thần đang ngồi đọc sách giữa trời băng giá. Rời Ngũ Đại Hồ tôi mang theo sự ngẩn ngơ tiếc nuối về một hình ảnh đẹp, trong một cơ hội hiếm hoi mà tôi đành phải cất máy bỏ qua.

Bên cạnh Ngũ Đại Hồ còn có Cung Thiên văn Adler (The Adler planetarium). Khi đi ngang qua đây tay chân và mặt mũi của tôi đều lạnh cóng. Nhiều du khách khác cũng thế. Tôi để ý thấy họ vội vàng leo lên các bậc tam cấp như tìm nơi ẩn náu ấm áp. Tôi vội vàng theo chân. Thì ra ngay trước tiền sảnh của Cung Thiên văn, hệ thống sưởi ấm đang hoạt động. Mọi người đều có thể tìm chút ấm áp tại đây cho dù có mua vé vào thăm quan Cung Thiên văn hay không.

Hơn 2 giờ chiều, giáo sư Thạch Nguyễn gọi phone hỏi tôi đi thăm chơi có vui không. Tình hình xe cộ lưu thông tại khu vực thế nào để trên đường đi qua   giáo sư sẽ có cách đón tôi cùng về Trung tâm   Y khoa Saint Mary bên tiểu bang Indiana. Đúng 3 giờ chiều, xe của giáo sư đỗ lại ngay trước Cung Thiên văn. Thôi vẫy tay chào nhé Bảo tàng Field, Ngũ Đại Hồ, chào nhé những chú vịt trời xinh xắn, Cung Thiên văn Adler và cô gái tóc vàng không quen biết đang ngồi đọc sách trong trời giá lạnh kia ơi! Chào nhé những tòa nhà chọc trời và đường phố tráng lệ Chicago. Và tôi cũng không quên chào tạm biệt những bông tuyết trắng ven đường đã mang lại cho tôi không gian lộng lẫy trong cơ hội, có thể nói là duy nhất trong đời để được một lần lạc bước Chicago.

M.H.P

 

Anh minh hoa Chicago min 800x256 - Lạc bước Chicago - Bút ký Mai Hữu Phước

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây