Ông lão mang đôi cánh khổng lồ

Ông lão mang đôi cánh khổng lồ

Gabriel Garcia Marquez (1927 - 2014) là một nhà văn viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim và nhà báo người Colombia. Ông được coi là một trong những tác gia nổi bật nhất thế kỉ 20. Ông nhận giải Nobel Văn học vào năm 1982.

Vào ngày mưa thứ ba họ đã giết nhiều cua bò vào trong nhà tới mức Pelayo phải đi qua khoảng sân ngập nước để ném chúng ra biển, vì đứa bé mới sinh bị sốt cả đêm và họ nghĩ đó là do mùi cua chết thối. Trời đất đã buồn bã kể từ hôm thứ ba rồi. Biển trời đều mang một màu tro xám xịt, còn cát trên bờ biển, vốn long lanh như ánh đèn rắc bột vào những đêm tháng ba, thì nay đã như một món hầm gồm bùn và cua thối rữa. Ánh sáng giữa trưa yếu tới mức khi Pelayo về tới nơi sau khi đi vứt cua thì phải khó khăn lắm anh mới nhìn thấy thứ gì đang di chuyển và gầm gừ ở cuối sân. Anh phải tới rất gần mới thấy đó là một ông lão rất rất già đang nằm sấp trên bùn, và dù cố gắng bao nhiêu cũng không đứng dậy được do đôi cánh khổng lồ của mình gây ra.

Hoảng hồn trước cơn ác mộng đó, Pelayo chạy đi tìm vợ mình Elisenda lúc này đang chườm khăn cho đứa bé bị ốm, và anh đưa cô ra cuối sân. Cả hai người nhìn cái cơ thể nằm sóng soài đó với vẻ sững sờ không nói nên lời. Ông ta ăn vận như kẻ nhặt rác. Ông ta chỉ còn vài sợi tóc bạc trên cái đầu trọc nhẵn và mấy chiếc răng trong miệng, và dáng bộ lụ khụ ướt sũng thảm thương lấy đi mọi cảm giác oai nghi mà đáng ra phải có. Đôi cánh chim ó bueto khổng lồ dính bẩn và đã bị trụi mất một nửa của ông ta cứ dính chặt trong bùn. Pelayo và Elisenda nhìn ông thật kĩ và thật lâu tới mức nhanh chóng không còn ngạc nhiên nữa và cuối cùng thì thấy ông trở nên thân thuộc. Lúc đó họ mới dám cất tiếng hỏi và ông ta trả lời bằng giọng phương ngữ khó hiểu rặt kiểu thủy thủ. Cứ như vậy họ bỏ qua nỗi bất tiện của đôi cánh và nhanh chóng kết luận rằng ông ta là người duy nhất sống sót trong một vụ đắm tàu ngoại quốc nào đó do bão. Vậy nhưng mà họ vẫn gọi một bà hàng xóm biết mọi thứ về sinh tử sang gặp ông ta, tất cả những gì bà ta cần làm chỉ là nhìn một cái là đã có thể cho họ thấy họ đã sai ở đâu.

“Ông ta là thiên thần,” bà ta nói. “Ông ta hẳn là đến vì đứa bé, nhưng ông lão già quá nên bị mưa quật ngã.”

Qua ngày hôm sau thì ai cũng biết là có một thiên thần bằng xương bằng thịt bị giữ lại trong nhà Pelayo rồi. Dù cho bà hàng xóm khôn ngoan có chỉ trích thế nào về việc trong những lúc như vậy thiên thần là kẻ sống sót sau âm mưu trốn chạy khỏi chốn thiên đàng, họ không có lòng nào mà đánh ông ta tới chết cho được. Pelayo đứng trong bếp nhìn ông ta cả buổi chiều, tay lăm lăm cây gậy quyền của chấp hành viên tòa án, và trước khi đi ngủ anh kéo ông ta ra khỏi đống bùn rồi nhốt lại với đám gà trong chuồng. Nửa đêm khi trời dứt mưa, Pelayo và Elisenda vẫn đang giết cua. Một lát sau đứa trẻ thức dậy mà không còn sốt nữa và lại muốn ăn. Thế là họ cảm thấy hào hiệp mà quyết định bỏ thiên thần lên một cái bè gỗ với nước sạch và thực phẩm dự trữ cho ba ngày rồi phó mặc ông ta cho số phận ngoài biển khơi. Nhưng khi ra sân lúc ánh bình minh vừa ló dạng thì họ thấy cả đám hàng xóm đang ngồi trước chuồng gà bày trò chơi với thiên thần. Trông họ chẳng có chút nào tôn kính mà quẳng cho ông ta đồ ăn qua lỗ hàng rào dây kẽm như thể ông ta không phải sinh vật siêu nhiên nào hết mà chỉ là một con vật trong rạp xiếc.

Cha Gonzala tới trước bảy giờ và hoảng hốt trước cái tin kì lạ. Tới lúc đó thì đám người xem trò vui ít phù phiếm hơn so với đám hồi mới sáng đã tới nơi và thi nhau phỏng đoán đủ điều về tương lai của kẻ bị giam giữ. Suy nghĩ đơn giản nhất trong số đó là ông ta nên được đặt tên là thị trưởng của thế giới. Những người khác nghiêm khắc hơn thì cảm thấy ông ta nên được thăng lên hàng tướng 5 sao để thắng mọi trận chiến. Một số kẻ nhìn xa trông rộng mong là ông ta có thể được đưa vào trại ngựa giống để nhân rộng một loài người thông thái có cánh trên trái đất có thể đảm đương việc thiên hạ. Nhưng trước khi làm linh mục thì cha Gonzaga từng là một tiều phu cường tráng. Đứng bên dãy hàng rào dây kẽm, ông cân nhắc lại mớ câu hỏi của mình trong chốc lát rồi kêu họ mở cửa để có thể nhìn kĩ hơn cái con người tội nghiệp trông giống một con gà khổng lồ hom hem trong đám gà hấp dẫn kia.

Ông ta đang nằm trong góc hong khô đôi cánh trong ánh nắng giữa đám vỏ trái cây và đồ ăn thừa buổi sáng mà mấy người tới sớm quăng cho. Xa lạ với thói đời xấc xược, ông ta chỉ ngước đôi mắt cổ xưa lên và thì thầm điều gì đó bằng ngôn ngữ của mình khi cha Gonzaga đi vào chuồng gà và chào hỏi bằng tiếng Latinh. Vị linh mục của xứ đạo này liền nghi ngờ ông ta là kẻ lừa đảo khi thấy là ông ta không hiểu ngôn ngữ của Chúa mà cũng không biết cách chào giáo sĩ. Thế rồi cha để ý thấy nhìn gần thì ông ta cũng giống con người lắm: ông ta có một cái mùi kinh khủng khi ở ngoài trời, phía sau đôi cánh của ông ta lấm tấm sinh vật kí sinh, còn những sợi lông chính bị gió trần gian đối xử phũ phàng, và không điều gì ở ông ta sánh được tới tầm phẩm giá uy nghi của thiên thần hết.

Sau đó cha đi ra khỏi chuồng gà và thuyết giáo ngắn gọn cảnh báo đám người tò mò về những nguy hiểm có thể gặp phải nếu ngây thơ. Ông nhắc họ là quỷ dữ có thói dùng mấy mánh lới trong dịp hội hè để lừa những người khinh suất. Ông lí luận rằng nếu đôi cánh không phải là yếu tố cốt yếu để xác định sự khác nhau giữa một con diều hâu và máy bay, thì chúng còn có ít tác dụng hơn trong việc nhận diện thiên thần. Dù vậy, ông hứa sẽ viết thư cho đức giám mục để rồi ngài sẽ viết thư cho tổng giám mục, rồi tổng giám mục viết thư cho Giáo hoàng để đưa ra phán quyết cuối cùng từ tòa thánh tối cao.

Sự thận trọng của ông chẳng nhận được chút hưởng ứng nào. Tin tức về thiên thần bị giam cầm lan nhanh tới mức mấy giờ sau khoảng sân này đã ồn ào như cái chợ và người ta phải gọi quân đội tới cầm súng lắp lưỡi lê để giải tán đám đông sắp sửa kéo đổ cả ngôi nhà. Espelinda, với cái xương sống đã vẹo đi vì quét rác như ở chợ, lúc đó nghĩ ra một ý là rào sân lại và thu 5 xu mỗi người vào xem thiên thần.

Những người tò mò đến từ nơi xa. Một đám người đi như đám rước ngày hội với một người biểu diễn nhào lộn nhiều lần tạo chuyện hoạt náo nhưng chả ai để ý tới vì cánh của anh ta chẳng phải của thiên thần mà trông giống của một con dơi địa ngục hơn. Những kẻ tàn tật bất hạnh nhất trên đời đến để mong được khỏe lại: một người phụ nữ tội nghiệp từ nhỏ đã phải đếm nhịp tim và giờ đã không còn số để đếm; một người đàn ông Bồ Đào Nha không ngủ được do các vì sao làm ồn; một kẻ mộng du tỉnh dậy vào ban đêm để quay ngược những gì mình đã làm lúc thức; và nhiều người khác bệnh tình nhẹ hơn nữa. Giữa cuộc náo loạn như đắm tàu khiến cho mặt đất rung chuyển đó, Pelayo và Elisenda vui vẻ lao động, bởi vì chỉ trong chưa đầy một tuần họ đã thu được cả mớ tiền nhét chật nhà và dòng người hành hương chờ tới lượt mình vẫn kéo dài đến tận chân trời.

Thiên thần là kẻ duy nhất không quan tâm đến hành động của mình. Ông ta dành thời gian cố gắng làm sao cho mình được thoải mái trong cái tổ đi mượn trong khi bản thân đã mụ đi vì cái nóng như địa ngục tỏa ra từ những chiếc đèn dầu và nến dùng trong lễ ban thánh thể đặt dọc theo hàng rào. Mới đầu họ cố làm ông ta ăn vài viên băng phiến mà theo người phụ nữ thông thái hàng xóm biết thì là thức ăn được kê đơn cho thiên thần. Nhưng ông ta gạt chúng đi cũng như đã làm với bữa trưa của Giáo hoàng mà người ta mang tới cho mình và họ không bao giờ hiểu được liệu có phải là do ông ta là thiên thần hay vì ông ta là một lão già chả ăn gì ngoài xốt cà tím.

Ưu điểm siêu nhiên duy nhất của ông ta dường như là sự nhẫn nại. Nhất là trong mấy ngày đầu tiên, khi lũ gà mổ ông ta để tìm ăn đám kí sinh trùng nhà trời nhung nhúc trong đôi cánh, còn mấy người tàn tật nhổ lông ông để đưa phần cơ thể khuyết tật của mình chạm vào đó, và ngay cả kẻ khoan dung nhất cũng ném đá ông, cố tìm cách khiến ông đứng dậy để nhìn. Lần duy nhất họ đánh thức ông được là khi họ làm ông bỏng một bên người bằng một cái đánh dấu bò bằng sắt nung. Lí do là ông đã bất động hàng giờ liền đến nỗi họ nghĩ là ông chết rồi.

Ông giật mình thức dậy, nguyền rủa bằng thứ tiếng thần bí của mình và với nước mắt giàn giụa, ông đập cánh vài lần tạo nên một cơn lốc xoáy chứa toàn phân gà, bụi mặt trăng và một cơn hoảng loạn dường như không thuộc về thế giới này. Dù nhiều người nghĩ rằng phản ứng của ông ta không giống giận dữ lắm mà là đau đớn hơn, từ lúc đó trở đi họ đã cẩn thận không làm ông bực mình nữa, bởi vì phần đông hiểu ra là ông không thụ động theo kiểu anh hùng nghỉ ngơi mà là của một cơn đại hồng thủy đang ngủ yên.

Cha Gonzaga kiềm chế cơn phù phiếm của đám đông bằng cách dùng nguồn cảm hứng của cô hầu gái trong khi chờ phán quyết cuối cùng về bản chất của người bị bắt đến nơi. Nhưng bức thư từ La Mã không có vẻ gì là gấp gáp hết. Họ dành thời gian tìm hiểu xem người tù kia có rốn không, liệu phương ngữ của ông ta có liên hệ gì với tiếng Aram không, ông ta có thể ngồi vừa trên đầu của một cái đinh ghim được mấy lần, hoặc liệu ông ta không hề là một người Na Uy có cánh hay không. Mấy bức thư xoàng xĩnh đó hẳn là cứ đến rồi đi tới thiên thu nếu một việc may mắn nọ không chấm dứt nỗi khổ não của vị cha xứ.

Chuyện xảy ra trong mấy ngày đó, trong số biết bao đám người hội hè linh đình đến thị trấn có một gánh xiếc của một người phụ nữ bị biến thành nhện vì không vâng lời cha mẹ. Tiền vé vào xem cô ta không những ít hơn xem thiên thần mà người ta còn được phép hỏi đủ loại câu hỏi về tình trạng lố bịch của cô và xem xét cô từ trên xuống dưới, có vậy thì không ai nghi ngờ gì về vẻ ngoài kinh dị của cô hết. Cô là một con nhện đen đáng sợ to bằng một con cừu và phần đầu là của một cô gái buồn rầu. Tuy vậy, điều đau lòng hơn cả không phải là hình hài kì dị mà là nỗi đau đớn chân thành bộc lộ ra mỗi khi cô kể lại chi tiết nỗi bất hạnh của mình. Hồi mới chỉ là một đứa trẻ, cô lẻn ra khỏi nhà để đi khiêu vũ, và trên đường về qua khu rừng sau khi đã nhảy múa cả đêm mà không được phép, một tiếng sấm rền đáng sợ xé toạc bầu trời thành hai và qua kẽ nứt một tia sét sặc mùi lưu huỳnh phóng ra biến cô thành một con nhện.

Thứ duy nhất nuôi sống cô là số thịt viên mà những người nhân đức đút cho cô ăn. Một cảnh tượng tràn đầy sự thật về con người và với một bài học đáng sợ như thế chắc ăn là dư sức đánh bại câu chuyện về một thiên thần kiêu kì hiếm khi hạ cố nhìn vào đám người trần. Thêm nữa, vài điều kì diệu ít ỏi có thể là nhờ vị thiên thần kiêu kì kia khiến người ta hơi rối loạn tinh thần, ví như người mù không lấy lại được thị giác nhưng lại mọc thêm 3 cái răng, hay kẻ bị liệt thì không đi lại được nhưng lại xém thắng xổ số, còn người bị hủi thì mọc hoa hướng dương ở chỗ lở loét. Những điều kì diệu giúp an ủi nhưng lại giống như trò chế nhạo hơn đã hủy hoại danh tiếng của thiên thần khi người phụ nữ bị biến thành nhện cuối cùng cũng nghiền nát ông ta hoàn toàn. Đó là cách mà cha Gonzaga được chữa khỏi bệnh mất ngủ còn sân nhà Pelayo lại trở nên trống trải như hồi mưa 3 ngày trời còn cua thì bò lổm ngổm khắp các phòng.

Chủ nhà chả có lí do gì để than thở hết. Với số tiền tiết kiệm được, họ xây một dinh thự 2 tầng lầu có ban công, vườn và giăng lưới cao để lũ cua không vào được vào mùa đông, còn cửa sổ thì lắp song sắt để mấy vị thiên thần không vào được. Pelayo cũng mua một mảnh đất làm trang trại thỏ gần thị trấn và bỏ hẳn công việc làm chấp hành viên tòa án. Elisenda mua giày cao gót bằng xa-tanh và nhiều bộ váy lụa óng ánh, loại mà những phụ nữ hấp dẫn nhất thời đó hay mặc vào chủ nhật. Cái chuồng gà là thứ duy nhất không ai chú ý tới. Nếu họ dọn sạch nó bằng thuốc tẩy creolin và đốt nhựa thơm trong đó thường xuyên hơn thì đó không phải là để bày tỏ lòng tôn kính đối với thiên thần mà để xua đi cái mùi hôi thối của đống phân vẫn lơ lửng khắp nơi như bóng ma và biến ngôi nhà mới thành cũ. Mới đầu khi đứa trẻ học đi thì họ cẩn thận không để nó tới quá gần chuồng gà. Nhưng rồi họ bắt đầu lơi đi nỗi sợ và dần quen với mùi hôi, và trước khi đứa trẻ mọc chiếc răng thứ hai thì nó đã vào trong chuồng gà chơi.

Giờ đây dây kẽm quây chuồng đã tơi tả hết rồi. Thiên thần cũng vẫn cứ xa cách với thằng bé như với những kẻ người trần khác, nhưng ông ta chịu đựng nỗi nhục nhã tài tình với sự kiên nhẫn của một con chó không một ảo tưởng. Cả hai mắc bệnh thủy đậu cùng lúc. Vị bác sĩ chăm sóc đứa nhỏ không tài nào cưỡng lại được cám dỗ nghe nhịp tim thiên thần và ông ta nghe thấy tiếng réo trong tim lẫn cả mớ âm thanh trong thận tới mức không hiểu làm sao mà ông ta còn sống được. Tuy nhiên, điều làm ông ta ngạc nhiên nhất đó là nguyên lí của đôi cánh. Chúng trông thật tự nhiên khi nằm ở đó tới mức giống như một bộ phận cơ thể người mà ông ta không thể nào hiểu được sao người khác lại không có.

Khi đứa trẻ bắt đầu đi học, có lúc trời mưa nắng khiến chuồng gà đổ sập. Thiên thần lê thân qua lại như người hấp hối đi lạc. Họ sẽ cầm chổi xua ông ra khỏi phòng ngủ rồi lát sau đã thấy ông ở trong bếp. Dường như ông xuất hiện ở nhiều chỗ cùng một lúc tới mức người ta dần nảy ra ý nghĩ là ông đã phân thân, rằng ông đang tự nhân bản khắp ngôi nhà, còn Elisenda điên tiết và rối trí gào lên là thật khủng khiếp khi sống với cả đám thiên thần. Ông chẳng còn ăn uống được mấy nữa và đôi mắt cổ xưa cũng đã trở nên mờ đục tới mức ông cứ đụng phải cột nhà suốt. Tất cả những gì ông còn lại là gốc của mấy sợi lông vũ trơ trụi. Pelayo quẳng một chiếc mền lên người ông và tỏ ra thương xót bằng cách cho ông ngủ trong nhà kho, chỉ tới lúc đó họ mới để ý thấy là ông bị sốt về đêm và mê sảng nói toàn những câu xoắn lưỡi bằng tiếng Na Uy cổ xưa. Đó là một trong số những lần ít ỏi họ trở nên hoảng hốt vì nghĩ là ông sắp chết tới nơi và thậm chí bà hàng xóm thông thái cũng không thể bảo họ nên làm gì với thiên thần đã chết.

Vậy mà ông ta không những sống sót qua được mùa đông khắc nghiệt nhất mà còn có vẻ khỏe lại khi trời hửng nắng. Ông ta cứ bất động như vậy nhiều ngày trong góc sân xa nhất nơi không ai nhìn thấy, và khi tháng 12 tới, vài sợi lông to cứng như của một con bù nhìn bắt đầu mọc lên trên cánh trông giống một nỗi bất hạnh nữa khi mà người ta trở nên già yếu hom hem. Nhưng hẳn là ông ta hiểu lí do gây ra những thay đổi đó, bởi vì ông ta khá cẩn thận không để ai chú ý tới chúng hay nghe được những bài ca thủy thủ mà đôi khi ông ta cất lên dưới những vì sao. Một buổi sáng nọ Elisenda đang cắt vài bụi hành để nấu bữa trưa thì một làn gió dường như đến từ khơi xa thổi vào bếp. Thế là chị đi tới bên cửa sổ và bắt gặp cảnh thiên thần cố sức vỗ cánh bay lên. Động tác thật vụng về tới mức móng tay ông ta rạch một rãnh dài trong đám rau và có vẻ như sắp đánh đổ cả cái nhà kho tới nơi bằng cái đập cánh loạng choạng. Nhưng cuối cùng ông ta cũng bay được lên cao. Elisenda buông một tiếng thở dài nhẹ nhõm cho bản thân và cho ông ta khi chị nhìn ông ta bay qua trên những ngôi nhà cuối cùng, thân người lơ lửng trên không trung lướt đi như loài chim ó già yếu vỗ cánh trông thật mạo hiểm. Chị cứ dõi theo ông ta ngay cả khi đã cắt xong hành và tới khi không còn nhìn thấy gì hết, bởi vì lúc đó ông ta đã không còn là một nỗi phiền hà trong cuộc sống của chị nữa mà chỉ là một cái chấm tưởng tượng trên đường chân trời ngoài khơi xa.

Gabriel Garcia Marquez (Colombia)

Dịch giả: Trương Thị Mai Hương

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây