Quyền được chơi – Tác giả: Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Quyền được chơi - Tác giả: Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

1. Trời mưa lâm râm/Cây trâm có trái/Con gái có duyên/Đồng tiền có lổ/Bánh nổ thì ngon/Bánh hòn thì béo/Cái kéo thợ may/Cái cày làm ruộng/Cái xuổng đắp bờ/Cái lờ thả cá/Cái ná bắn chim/Cây kim may áo/Cái dáo đi săn/Cái khăn bịt đầu/Cái bầu xách nước/Cây thước đo vải/Cây cải làm dưa/Cái cưa thợ mộc/Cái chốc thầy chùa/Đến mùa bát ngoạt/Cái trạt đựng lúa/Cái búa bửa củi…[1]

Hồi lên năm, lên sáu, chẳng biết từ đâu, song bọn trẻ con chúng tôi đều thuộc lòng một mớ bài đồng dao “kể vật kể việc” và đọc chơi với nhau cực kỳ thích thú. Bài Trời mưa lâm dâm nêu trên là một và các bài Tập tầm vông/Chị có chồng em ở vá, Xù xì xụt xịt/Hột mít lùi tro, Con chim sẻ/Nó đẻ mái tranh, Sáng nai ăn bụng cơm thật no/Chạy lên gò bắt con kỳ nhông, Chặt cây dừa/Chừa cây mận… Có đến vài chục bài ngô nghê như vậy theo tuổi thơ lớn lên mà tăng dần, rồi thêm vào là các trò chơi khác.

Rõ ràng là mỗi bài đồng dao đề cập đến đủ thứ, nhưng không gom vào một chủ đề nào và cũng chẳng biểu ý khen chê sự việc nào cả. Ấy thế mà chúng hấp dẫn bao thế hệ trẻ thơ. Đã có nhiều nỗ lực để xác định chủ đề nội dung của các bài đồng dao (hiểu là các bài không có chương khúc của trẻ con, có hay không có những trò chơi đi kèm) song hầu như đều thất bại. Các kiểu lý giải nội dung bài đồng dao Thằng bờm có cái quạt mo là một ví dụ. Lại nữa, cũng có các nghiên cứu chỉ ra “ẩn nghĩa” của những bài đồng dao được gán cho là “sấm truyền” nói về một sự kiện/giai đoạn lịch sử cụ thể nào đó. Nhưng, một là, những lý giải tư biện nhằm gán ghép một cách chủ quan các cứ liệu viện dẫn khó thuyết phục được người đọc; hoặc hai là, nếu chúng đúng là loại sấm truyền thì đó là những sáng tác do các “mưu sĩ” mô phỏng hình thức đồng dao đặt ra nhằm mục đích riêng. Nói cách khác đó là những sáng tác dân gian giả mạo mà giới nghiên cứu folkore gọi là “fakelore”. [2]

Nói chung, những bài đồng dao đích thực đều vô nghĩa vì đặc trưng chính yếu của chúng là “tánh không”. Có thể nói chắc rằng đồng dao là tập hợp những gì để cấu thành hoạt động chơi đùa của trẻ em, chúng hoàn toàn không bị câu thúc bởi các thiện ý định hướng giáo dục như các bài hát/trò chơi nhằm dạy trẻ bảng cửu chương, vần chữ cái, vệ sinh thân thể hoặc các phép tắc ứng xử hay nghĩa vụ công dân… Vô cầu là nhiên tính nguyên ủy của hoạt động chơi đùa mà ngày nay xem ra vô lý trong thế giới mới – cái thế giới được đặt trên nguyên lý đáng sợ: cái hữu ích là chúa tể chung nhất và chơi chỉ được dung nạp nếu nó ích dụng. Theo đó, các lý thuyết về chơi đùa hướng tiêu điểm vào những khía cạnh giáo dục hoặc chức năng của nó trong tiến trình xã hội hóa mà không lưu tâm đến các hoạt động chơi đùa có tính chất tưởng tượng  – khởi điểm của sáng tạo thẩm mỹ hay cấu trúc chính của hoạt động chơi đùa. Đó là điều mà Johan Huzinga trong Homo Ludens (Con người chơi) – một khảo luận về yếu tố chơi đùa trong văn hóa – đã phê phán: “Tất cả các giả thuyết đều có đặc điểm chung là khởi đi từ giả định rằng hoạt động chơi đùa phải phục vụ cho một cái gì đó ngoài chơi” [3] . Nói cách khác, Huzinga phê phán rằng: với cái nhìn duy lý và chủ vào chức năng hữu ích của các nhà nghiên cứu đã tấn công vào hoạt động chơi đùa mà “không đoái hoài gì đến chất lượng thẩm mỹ của nó”. Theo Huzinga, kế tiếp theo “Homo Faber” (Con người chế tạo) và có lẽ ngang tầm với Homo Sapien (Con người khôn ngoan) là Homo Ludens (Con người chơi đùa). Đây là năng lực thứ ba, phổ biến cho cả cuộc sống của loài người lẫn loài vật và quả là quan trọng chẳng kém lý trí khôn ngoan và năng lực chế tạo.

2. Ổi ngầm,

    Trâm chạy

    Duối nhảy,

    Bời lời u.

Đây là bí kíp mà các môn đồ của trò chơi đánh vụ (đánh quay/bông vụ) thời thơ ấu của bọn tôi phải thuộc lòng. Chọn gỗ của cây gì để đẽo trái vụ như ý là điều tiên quyết. Trái vụ đẽo bằng gỗ ổi chạy rất ngầm rồi đứng mà “ngủ”; còn trái vụ gỗ cây trâm đánh xuống sẽ chạy một đường cung dai; còn gỗ duối thì hỡi ôi: trái vụ không chạy mà nhảy tưng tưng; và trái vụ làm bằng gỗ cây bời lời thì quay tít phát ra tiếng u…u… rất đã! Bây giờ các nhà sản xuất con quay/trái vụ thì ắt là phải nghiên cứu “tính chất cơ lý” của loại gỗ trước khi cho ra loại sản phẩm “chất lượng tuyệt vời”.

Ví dụ trên cho thấy việc chơi cũng rất công phu, theo đó, chơi và trò chơi là hai thực thể hoàn toàn khác nhau. Trò chơi là những thể chế xã hội, tức có luật lệ. càng được/bị thể chế hóa, trò chơi càng không đảm bảo cho người tham dự có được tâm trạng chơi đùa. Chơi là khao khát cái mà ta đang chơi “ở đây và bây giờ” chứ không khao khát cái ta cần tìm kiếm. Nói cách khác, chơi là khát vọng sống chứ không phải là khát vọng sống kiểu này hay kiểu khác (theo khuôn mẫu tập quán hay xu thời).

Khát khao chơi đùa được thỏa mãn ngay tại bản thân việc chơi đùa, không đòi hỏi gì ở bên ngoài. Còn khát khao “nghiêm túc” là khát khao cái ta đang thiếu, tức cái ta chưa/không sở hữu: một khát khao tiêu thụ.

Ở nền văn minh chủ vào vật chất, con người đương đại bị bao trùm bởi niềm khát khao cái đang thiếu: nó luôn tiến triển và không ngừng phát sinh vô vàn những nhu cầu mới. Chính từ đó, chơi được coi là những gì thuộc loại thù địch – chơi bị đồng nhất với cái không nghiêm túc, không chính đáng. Kết quả là chơi bị gạt ra ngoài rìa, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Hoặc có mức độ hơn, chơi được khoanh vào những dịp đặc biệt (như lễ lạc) hoặc những hoạt động được xác định mục đích rõ ràng mà nổi bật là trò chơi hàng hóa và chơi là thứ mua được. Các loại trò chơi có mục đích thương mại mới, tạo thành ngành công nghệ giải trí hàng đầu của các quốc gia phát triển (truyền hình, điện ảnh, băng đĩa, thể thao, du lịch, game…)

Roger Cailois, trong công trình nghiên cứu Trò chơi và con người đã tiến hành phân loại trò chơi vào 4 khung chính: 1/agôn (các trò chơi thi đấu); 2/elea (các trò chơi may rủi như cờ bạc, đấu cờ…); 3/mimicry (các trò chơi mô phỏng/bắt chước); và 4/ilinx (các trò chơi cảm giác mạnh/chóng mặt). Các loại trò chơi này, trong nhiều trường hợp thường ghép đôi, ghép ba, ghép bốn tạo thành những phức thể đa dạng. Mặt khác, các trò chơi của từng loại trong bốn nhóm trên lại tùy thuộc vào một chuỗi thể hiện sự biến đổi từ trạng thái paida (xung năng chơi sôi nổi, tự phát) đến ludux (trò chơi có hoạch định, được trù liệu tỉ mỉ và phụ thuộc vào luật chơi nghiêm ngặt). Xung năng chơi đùa suy giảm tố chất paida và tăng dần tố chất ludux khiến trò chơi với tất cả sức mạnh ứng tác và tâm trạng vui thú tuyệt vời biến đổi thành nhưng trò chơi khó khăn không chừng và bị ràng buộc bởi luật chơi hẳn hòi thì ở đấy trở thành thể thao. [4]

Theo những gì Cailois đưa ra, chúng ta dễ nhận ra ở những khúc hát đồng dao và trò chơi của trẻ em tố chất paida chiếm phần chủ đạo. Điều này rõ ràng là chúng khá tương hợp với đặc điểm tâm – sinh lý của tuổi thơ hồn nhiên. Mọi nỗ lực (đầy thiện ý) biến trò chơi của trẻ em thành một trò chơi giáo dục hoặc tăng cường tính chất tranh tài/thi đấu theo những luật chơi nghiêm túc cần thiết phải cân nhắc về sự tương thích với độ tuổi, tương ứng với sự phát triển thể trạng và mức trưởng thành tâm lý.

Mọi mưu toan hay thiện ý giảng dạy, truyền thụ, thông tin bằng biện pháp chơi đùa đều thất bại vì trái với chính bản chất của chơi. Chơi không thể dạy tư tưởng và những giá trị, nhưng chơi có tính giáo dục vì nó kích thích sự tò mò của ta đối với thế giới bên ngoài cùng bản thân cuộc sống và là nguyên lý của mọi khám phá và sáng tạo. Chơi không dạy chúng ta về lịch sử văn học, lịch sử nghệ thuật hay triết học hoặc những học thuyết xã hội học; nhưng chơi là con đường dẫn dắt ta tốt nhất (thậm chí là duy nhất) đến với những lạc thú thẩm mỹ cùng những suy tưởng cá nhân và trong chừng mực nhất định, chơi dạy ta nhìn nhận lại những gì đã định hình, đã thành nếp. Xung năng chơi là xung năng tò mò, xung năng khảo sát là nhân tố kích thích sáng tạo, phát minh.

3. Đánh trỗng đem u,

    Đánh cù lổ óc.

Trẻ con đứa nào cũng ham chơi. Ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” thì chơi như là lẽ sống và tất thảy chúng đều chơi hết mình, thậm chí bất chấp nguy hiểm. Ở xứ tôi, hồi ấy, rất phổ biến cây “tục ngữ” trên.

Đánh trỗng (xứ khác gọi là đánh khăng) có nhiều cách chơi, song chơi kiểu nào thì cũng có động tác ném một thanh gỗ ngắn độ tấc – gọi là “con trỗng” lên và người cầm thanh gỗ dài độ 5, 6 tấc – gọi là cây trỗng, tán vào “con trỗng” cho nó bay đi xa ngắn không chừng và tai nạn là “con trỗng” va vào đầu “đứa nào gặp xui”: cái đầu nổi một cục u to tướng, không làm sao qua được mắt cha mẹ, người lớn. Câu “đánh trỗng đem u” là như vậy.

Đánh cù có qui mô hơn và độ nguy hiểm cũng nhiều hơn. Cù là trái banh đẽo bằng gốc tre già, lớn cỡ quả gôn và gậy cù là một nhánh tre già, thường là nhánh gần gốc có mắt dày chắc, dài độ 8 tấc đến một mét. Để làm gậy cù thì khi đốn nhánh tre về phải hơ lửa để uốn đầu gốc cong lại và đầu đuôi vênh vểnh như hình cái ống điều hút thuốc lá. Đánh cù có 2 phe, mỗi phe độ 7, 8 đứa đến 15 đứa không chừng. Mỗi phe đào một lỗ lù, cách nhau độ 40, 50 mét. Khởi động, mỗi phe cử trưởng phe “khắc cù” tại lằn ranh giữa hai lỗ lù: Hai tay vừa đập gậy cù xuống một bên trái cù, rồi đưa gậy khắc vào nhau làm nhịp vừa xướng to và cả đám cũng phấn khích xướng theo rộn ràng.

Đồng khô/cỏ cháy/nắng non/

Cho con/quạ con/về tàu… uống miếng nước//

Dứt câu, hai trưởng phe, ai nhanh tay thì quất quả cù chuyển cho phe mình. Thế là 2 phe xông vào tranh cù bằng gậy và quất cù truyền cho nhau cốt sao cho cù vào lỗ lù của mình là thắng một bàn. Hết bàn này bày bàn khác cho đến lúc kết thúc cuộc chơi. Tai nạn xảy ra là trái cù bay vùn vụt va vào người khác, đặc biệt va vào đầu là “lổ óc”. Lại nữa, lúc tranh cù thì việc đầu gậy cù phang vào chân, nhất là trúng mắt cá chân, thì không có gì đau thấu xương cho bằng. Y như rằng mười cuộc chơi chẳng có lần nào mà không có kẻ gặp nạn! Ấy thế mà cha mẹ rầy là, cấm tuyệt, thậm chí chặt bằm nát gậy cù, cũng lén làm gậy mới đem giấu đâu đó để… chơi.

Ngày đó, các trò chơi dân gian ấy không có trang bị bảo hộ như bây giờ nên cấm chơi cũng có lý do chính đáng là để con cái tránh nguy hiểm. Nói vậy chứ thời nay, tuy được trang bị đồ bảo hộ an toàn, song không ít phụ huynh vẫn cấm con cái chơi. Cảnh tượng mà cả  “Học (làm) bài xong rồi mới được chơi” là chuyện thường ngày trong mọi gia đình. Không ít gia đình muốn con cái tiến bộ trong việc học hoặc phát  triển một năng khiếu đặc biệt nào đó đã thường loại bỏ việc chơi của con cái. Việc làm này, trừ một vài trường hợp ít ỏi và hiếm hoi, còn hầu hết đều phải trả giá: nhiều trường hợp đã gánh lấy những hậu quả tai hại nghiêm trọng vì thuở thiếu thời đã bị không để cho trò chơi tự nhiên thể hiện nơi họ. Cấm chơi (hoặc đề ra một chương trình học tập quá tải không giành thì giờ để học sinh chơi) là chống lại sự biểu hiện tự do các chức năng tự nhiên cùng với khả năng và năng khiếu của trẻ, là can thiệp vào quá trình phát triển tự thân ấy, chống lại ở trẻ trò chơi của chính tự nhiên. Đó là kiểu cách không có mấy tác dụng sư phạm và không khoa học: chẳng đếm xỉa gì đến đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.

Tất nhiên là không để mặc cho trẻ tha hồ chơi, chơi đến chán thì thôi. Nhưng cần phải thừa nhận là trẻ có bản năng là chơi và chơi là điều thiết yếu cho sự phát triển hài hòa. Những người chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ, theo đuổi một nền giáo dục nhân bản cần luôn phải tuân thủ phương cách giáo dục hợp tác hầu giúp ích vào việc nhào nặn nên tính cách con người. Có xác định được vai trò/tầm quan trọng của việc chơi của trẻ thì mới tạo ra những điều kiện tinh thần và thiết chế vật chất (vườn chơi, sân bóng, các hình thức sinh hoạt văn thể mỹ…) cho phép các năng lực tự nhiên của chúng được thực hiện và trẻ phát triển cân đối, đầy đủ con người của chúng.

Chúng ta đều biết thần đồng là thứ rất hiếm. Thế nhưng các bậc phụ huynh và các thầy cô lại đang cố gắng và luôn kỳ vọng con cái và học trò của mình đều trở thành thần đồng. Theo đó người ta đã tiến hành phương pháp giáo dục theo kiểu “nuôi gà đá độ”. Rõ ràng những thiện chí như vậy là đáng kính trọng, nhưng rất tiếc là trong lịch sử có quá ít những thiên tài như Mozart, còn ngược lại với các kịch bản đó đã có các hậu quả nhãn tiền. Đó là một chuyện, còn thường gặp hơn là việc “doping” kiến thức “quá hớp” cho trẻ.

Tất cả những sự việc nêu trên đã chỉ ra việc chúng ta đã yêu cầu quá nhiều và quá đáng đối với trẻ. Nó chẳng những đi trái phương pháp sư phạm mà xét đến cùng, là việc dạy dỗ như vậy thì trẻ không học cho chính mình mà là học để tạo thành tích cho nhà trường, cho thầy cô (và “danh tiếng” của phụ huynh). Mặt khác, một tác hại không kém là với những phần thưởng, những lời biểu dương và khen tặng đã làm hình thành tính háo thắng cho trẻ. Về điều này, ngay cả Pierre de Coubertin (người phục hưng Thế vận hội Olympic hiện đại) với khẩu hiệu “Cao hơn, nhanh hơn và mạnh hơn” cũng đã khẳng định rằng: “Điều chủ yếu không phải là thắng mà là tham gia”. (Tuyên bố năm 1908). Edouard Claparède (trong Psychologie de l’enfant et pédagogie expériementale, 1951) đã viết: “…Đòi hỏi ở đứa trẻ một nỗ lực lao động trên một cái gì đó không phải là chơi, tức là hành động như một kẻ loạn trí mới đến mùa xuân đã ôm lấy cây táo mà rung để lấy táo: không những chẳng có táo mà còn do làm rụng hết hoa táo, kẻ đó đã làm mất đi cả những quả táo hứa hẹn sẽ có vào mùa thu”.

——————–

[1]Những bài đồng dao dẫn trong bài này có xuất xứ từ xã Tịnh Khê (Quảng Ngãi) hồi những năm 1950-1960.

[2]Các ví dụ: 1/Bài Đỗ Thích thí Đinh Ninh (Đỗ Thích sát hại Đinh Tiên Hoàng)/Xem Đại Việt sử ký toàn thư//dẫn lại trong Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình, Nxb Thế Giới, 2004); 2/Tập tầm vông/Muốn chữa Lý cửu trùng/Phải tìm Nguyễn Minh Không (Minh Không trị bệnh cho Lý Thần Tông/Việt điện u linh//Xem thêm Cao Huy Đỉnh: Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb KHXH, 1976, tr. 93)…

[3]Johan Huzinga: Homo Ludens. Bacon Press, Lodon (Bản dịch tiếng Anh dựa trên bản tiếng Đức xuất bản ở Thụy Sĩ năm 1944 và bản dịch tiếng Anh của chính tác giả), 1955, tr.2

[4]Roger Cailois: Les Jeux et les homes. Folio/essais. Gallimard, 1967, tr. 92.

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây