Tác giả Dương Thị Xuân Quý

Dương Thị Xuân Quý

DƯƠNG THỊ XUÂN QUÝ

(1941-1969)

Sinh ngày 19 tháng Tư 1941 tại Hà Nội.
Quê quán: thôn Phú Thịnh, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Hy sinh ngày 08 tháng Ba 1969 tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Nguyên phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ.
Tác phẩm chính:
Chỗ đứng (truyện, 1968); Hoa rừng (truyện và ký, 1970).
Giải thưởng:
Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

 

GƯƠNG MẶT THÁCH THỨC

Làng nằm trên những cồn cát trắng xóa. Những cồn cát trập trùng khi vươn cao, khi trải rộng, nối tiếp nhau như sóng cuộn, kéo làng ra sát biển. Dấu xe bọc thép Mỹ hằn từng vệt dài. Hố bom, hố ca nông bọn Mỹ bắn vào làng chi chít, cái lớn, cái nhỏ lổ loang trên cát. Từng vạt rừng dương liễu cháy rụi, chỉ còn trơ những thân cây cháy sém đen, chọc lên nền trời.
Trên bãi cát, những khung giường, mặt bàn cháy dở, những mảnh chum vỡ, bát vỡ, những chiếc nong, nia, giần, sàng… bị đâm thủng vứt ngổn ngang. Mãng cầu, mít, bưởi, ổi, khế… cây bật gốc, cây gãy đôi, gãy ba, và những đọt mạ khẳng khiu mọc đống lên nhau từ những thúng thóc bị văng vãi rải rác.
Đó là dấu vết những trận càn hung bạo của giặc Mỹ. Năm 1968 này, chúng nó càn vào làng tàn sát, phá hoại hơn những năm qua gấp bội. “Ấy là sắp thua, hắn nổi điên”, bà con nói với nhau như vậy, và chẳng ai lấy làm lạ về sự điên cuồng của chúng.
“Trước khi chết, hắn giãy đó!”. Người dân làng cát mỉm cười nhìn lên bầu trời quê hương mình. Hàng chục chiếc phản lực HU1A, tàu gáo, tàu rà… quần đảo, nhòm ngó. Chốc chốc, lại một tràng bom, vài dây lựu đạn cay, dăm quả rốc két, hoặc mấy loạt đại liên cực nhanh trút xuống, tiếng nổ dậy đất và cát bay mịt mù. Tiếng rú lồng lộn của các loại động cơ giết người đó cứ suốt ngày gầm gào đến nhức óc. Dường như cái làng cát nhỏ bé ven biển này là một địch thủ đáng gờm của chúng.
Mà đáng gờm đối với chúng thật. Ở đây, bất chấp mọi thứ bom đạn giết người của bọn Mỹ, làng xóm vẫn sống bình thản trên những cồn cát trập trùng chan hòa ánh nắng.
Nắng. Cái xóm nhỏ như chìm trong biển nắng. Những mái chòi lúp xúp như tan biến trong nắng. Đủ các kiểu chòi dựng rải rác trên bãi cát. Cái liền mái, cái mái uốn cong, gấp khúc, cái lợp rạ, lợp lá dừa nước, cái chỉ phủ đơn sơ vài tấm ni lông, trên rắc một lớp lá dương liễu mỏng. Chòi nào cũng nhỏ hẹp giống nhau, thường chỉ đủ kê tấm phản, đặt chiếc kiềng đun bếp, lấy chỗ chui ra, chui vào trong ngày mưa. Còn ngày nắng thì đun bếp ở ngoài trời, mọi việc đều làm ngoài trời. Đồ đạc và chỗ ngủ chính là hầm chống pháo. Mái chòi lúc này chỉ còn chứa đầy ánh nắng.
Chú Bốn kéo tôi xuống dưới bóng mát của một giàn bầu, rồi nheo mắt cười:
– Trận càn bữa trước, nó giật mìn làm sập hầm. Nhà nó đốt, lo làm hầm trước, chưa dựng nhà được, ngồi tạm đây nghe.
Vừa nói chuyện với tôi, chú vừa thoăn thoắt chẻ lạt. Thỉnh thoảng, chú lại xoa xoa mấy ngón tay vào cái cằm nhọn lún phún râu, hóm hỉnh cười:
– Năm ni làm nhà bảy lần rồi đó. Nó cứ đốt, mình cứ dựng lại. Để coi… Tao là tao quyết thi gan với thằng Mỹ. Cả làng này thi gan với thằng Mỹ. Kìa, cháu coi, cái gương mặt làng này.
Chú đột ngột đứng dậy, nắm lấy tay tôi kéo đi. Tôi khẽ khàng nhón chân lách qua những vồng bí đỏ đang trổ hoa vàng, những giàn bầu quả tròn lẳn, mịn màng, những lùm ổi quả sum suê, những luống cà chua trĩu trịt quả ửng chín. Đi một quãng lại thấy từng vạt rau xanh non, thoang thoảng mùi thơm của hành, hẹ, của răm, ngò( ), húng, sả… và đủ thứ rau thơm các loại.
Tôi gặp khá đông bà con đang gánh nước tưới rau. Trên ngực mỗi người đều gắn một tấm phù hiệu bọc ni lông trắng, ghi nắn nót lời Bác Hồ “Hễ còn một tên xâm lược Mỹ trên đất nước ta, thì ta phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”. Tôi chợt hiểu: những lá rau loáng nước, những hạt cát ướt đẫm mát rượi dưới chân tôi đang biểu hiện quyết tâm đánh Mỹ của đồng bào làng cát đây.
– Đất cát, trồng chi cũng phải tưới cháu à – Thím Năm Đa vừa nghiêng đôi thùng hình phễu tưới cho mấy gốc đậu ván đang nở mấy đóa hoa tím mỏng manh như cánh kiến, vừa rủ rỉ chuyện trong tiếng nước xối ào ào – Khoai mới trồng cũng phải tưới, còn bầu, bí, mướp, rau quanh nhà thế này thì mỗi ngày tưới một lần. Chăm chút rứa mà mỗi trận càn chúng nó cho xe bọc thép chà xát đến nát rụi đi. Chúng nó đốt nhà, lửa táp chết héo luôn cả rau, điên ruột quá!
Tôi ngắm không biết chán những luống rau ngồn ngộn xanh tươi.
– Mấy bà giỏi thiệt, vậy mà nhà nào cũng còn vườn rau xanh tốt thế kia.
Chị Tam, Phân Hội trưởng Phụ nữ thôn cười ròn rã:
– Rứa mới thắng được thằng Mỹ chớ! Nó đốt một chỗ, mình gieo hạt nhiều chỗ. Nó chà xát đám này, mình trồng lại đám khác. Nó muốn dân mình điêu đứng, cực khổ, nay mất thứ ni, mai thiếu thứ khác rồi không ngóc đầu dậy nổi. Nhưng mình thời có đời mô mình chịu. Năm ni Mỹ càn vô làng ngót hai chục lần, ác liệt hơn mọi năm thiệt đó, nhưng có nhà mô chịu hụt một củ hành, một ngọn rau thơm, chớ đừng nói thứ khác. Đã gọi là thời kỳ tổng tấn công thời ngọn rau, trái bí cũng phải có cái thế tấn công. Lúc càn vô làng, ngó cây cối sum suê, biết dân mình vẫn sống đàng hoàng là bọn Mỹ nó uất lắm đó. Nó lại đốt, lại phá nhưng thằng Mỹ đọ sức với dân mình răng nổi.
Chị Tam lại cười. Khuôn mặt tròn của chị càng hồng lên dưới nắng, đôi mắt không giấu vẻ tự hào về quê hương mình.
Phía cánh đồng lúa đã trải kín, bát ngát một màu xanh. Thửa nọ tiếp liền thửa kia. Phía ấy, bà con đang tấp nập làm việc. Người cuốc cỏ, sục bùn cho lúa, người xách mạ đi dặm lại những chỗ bị ca nông Mỹ bắn hôm trước. Một số đang trồng khoai ở những thửa ven đồng, giáp liền với dải cồn cát.
Và khoai. Nửa cuộc sống của làng B( ) là trông vào những luống khoai vạm vỡ, thong dong chạy dài trên mảnh đất kia. Khoai cũ vừa bới, khoai mới lại nảy mầm. Thời kỳ này, mỗi nhà đều có ba tháng lương thực dự trữ, chôn dưới đất. Khoai càng được trồng thêm nhiều. Bà con tìm đến những vạt đất hoang trước đây không ai ngó tới, cuốc lên trồng khoai. Khắp làng, mầm khoai đang nhú, biêng biếc mà xanh khỏe mạnh. Từ đồng khoai, thỉnh thoảng một chuỗi cười rộn ràng bay vút lên. Những tiếng cười lay động và dường như làm mát dịu cả ánh nắng chói chang.
– Làng mình cắm cây lúa xuống đồng đúng vào đợt tụi địch càn liền mười hôm đó, em à!
Thím Thọ nắm vai tôi, nói. Từ nãy thím vẫn ngắm cánh đồng với một nỗi buồn thầm kín. Tôi nghĩ vậy khi bắt gặp đôi mắt thím đang cười. Đôi mắt ấy, thường ngày, tôi cảm thấy nó chứa đựng một nỗi buồn lặng lẽ. Thím có hai con trai lớn, một đi bộ đội, một vào du kích, cả hai đều đã hy sinh trong chiến đấu. Trận càn vừa rồi, chú Thám, chồng thím lại bị bọn Mỹ đánh đến ngất, rồi vứt vào hầm quăng lựu đạn cho tan xác. Chú mất để lại hai con nhỏ, một trai một gái, đứa lên ba, đứa lên sáu. Hầm sập, nhà cháy, ba mẹ con thím dắt nhau đến ở nhờ nhà thím Toan mãi cuối xóm. Đêm nằm thím trằn trọc lo nghĩ: “Mất ba tụi nhỏ, mình như mất cây cột cái trong nhà. Cực quá. Nó càn, nó phá miết, mẹ con mình lấy chi ăn?”. Hôm sau thím không nấu cơm ba bữa cơm khoai như thường lệ nữa. Ba mẹ con chỉ ăn mỗi ngày một bữa cơm và một bữa khoai với ít rễ hành muối. Thím Toan mải đi vớt ruốc ngoài biển, từ gà gáy đến tối mịt. Ba hôm sau mới biết mẹ con thím Thọ ăn bớt bữa. Thím tỏ vẻ không bằng lòng:
– Tôi còn gạo đó, chị lo chi. Lấy gạo tôi ăn rồi đi làm mạnh vào. Đói chịu răng nổi.
– Em cũng còn gạo chị à – Thím Thọ rầu rầu – Nhưng em ngại cái thằng tàu gáo với ca nông quá. Thà chịu bớt bữa, rồi ngày mô nó yên yên, mình hãy ra đồng, tránh được mũi tên hòn đạn, sau các cháu đỡ được cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ.
– Ủa, biết ngày mô nó yên yên? Việc mình, mình cứ làm thôi chớ – Thím Toan nói hơi to, rồi giọng thím dịu dần – Chị có ưng thằng Mỹ mau cút về nước không? Ưng hả? Rứa thì phải cấy lúa, trồng khoai cho gắt vào, mình ăn một phần đã đành, còn đóng góp cho cách mạng. Bộ đội ăn no mới đánh thắng. Mỹ hắn biết chị ăn bớt bữa, không đi sản xuất, hắn mừng hung lắm đó. Tội chi. Mình cứ hiên ngang, đàng hoàng mình sống, có khác chi mình bảo vào mặt hắn: “Mi không vùi dập nổi chúng tao đâu”, chị hỉ?
– Chị nói rất phải, nhưng em phân vân: làm biết có nên ăn không? Thằng Mỹ cứ rình nó phá. Nói thiệt với chị, em định mỗi ngày quét một gánh lá dương khô đem bán ngoài chợ kiếm vài ba chục mẹ con nuôi nhau cho qua bữa.
– Chị nghĩ trật rồi – Thím Toan lắc đầu – Bộ đội, du kích cầm súng đánh Mỹ. Chị em mình cầm cuốc bám đất, giữ làng đánh Mỹ. Hai trai chị cũng vì giặc mà hy sinh. Chị là mẹ chúng nó…
Thím Thọ như sực tỉnh, một nỗi căm giận nén sâu trong đáy lòng đột ngột trở dậy. Thím hiểu rằng mình phải ra đồng, không thể khác được.
Đi làm với chị em, thím Thọ thấy người nhẹ nhõm hẳn. Tổ du kích dựng lại giúp thím chiếc lều nhỏ và chiếc hầm tránh pháo kiên cố. Quanh túp lều và chiếc hầm, chẳng bao lâu đã mọc lên một vồng rau cải mơn mởn xanh, một giàn mướp mát lành với một bầy gà suốt ngày lộn xộn tranh mồi.
Bây giờ thím Thọ chẳng còn lo lắng gì nhiều về cuộc sống của ba mẹ con. “Bao nhiêu gia đình còn cực hơn mình”, thím bảo với tôi như vậy. Và thím kể cho tôi nghe về cái trận càn ác liệt mới đây của giặc.
Chúng nó đi xe hàng đôi, hàng ba xộc vào làng. Những chiếc xe bọc thép gầm gừ và hung bạo như thú dữ. Con bé Út, con chị Đông mới ba tuổi, đang ngồi chơi trên dải cát trước lều, chúng nó nghiền nát. Trời ơi, quân trời tru, đất diệt! Nói chi đến vườn tược cây trái đang sinh sôi, chúng nghiền nát hết, không từ một thứ chi. Mắm, muối, dầu, gạo chôn chìm dưới đất cũng vậy. Trực thăng đổ quân xuống đồng cát. Bọn Mỹ sục vào xóm. Lửa bốc lên. Những mái lều bốc cháy, từng xóm bốc cháy. Cả làng ngùn ngụt lửa, súng nổ liên hồi. Đó là giặc Mỹ bắn bò, bắn heo, bắn gà. Chúng bắn cả con mèo chỉ biết bắt chuột và nằm sưởi nắng vô tư, bắn cả con gà con mới nở, mỏng manh hơn một cái trứng. Nói gì đến người! Chúng nó thù địch con người. Chúng sấn tới túm lấy các chị, các em gái, cả các mẹ già nữa, định hãm hiếp. Mọi người xúm lại, la hét như biển động, đẩy chúng nó ra. Cái quân nó tựa hồ một bầy chó điên, chúng nó đánh, giết. Hai thằng Mỹ túm chặt một bà già bảy mươi tuổi đập đầu vào thành xe rồi đem nhận nước. Thấy cách giết người ấy hay ho, cả bọn nhâu nhâu ùa nhau làm theo. Chúng nó đã giết tới bốn mươi hai người, trong đó có hai mươi sáu cụ già từ bảy mươi tuổi trở lên.
Thím Thọ rơm rớm nước mắt, lặng đi giây lát. Nhưng rồi nơi mắt thím thấy thoáng ẩn hiện một sức mạnh kín đáo:
– Ấy vậy mà vẫn cắm được cây lúa xuống đồng em à. Chẳng là chân mạ gieo sớm đã đến giờ cấy rồi. Ít hôm đầu, qua có chần chờ, em biết rồi đó. Sau nghe lời bà Toan, qua đi. Nhiều bà con sợ, thấy qua ra đồng cũng đổ ra tuốt luốt, Mỹ bắn giết hết bò thì chị em lấy cuốc cuốc ruộng. Chừ theo chị, theo em, qua cũng cuốc. Hai cánh tay hắn nhức muốn bại. Càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan. Bác Hồ đã dạy rồi, chị em cứ bảo nhau rứa đó. Cuốc đến đâu nhổ mạ luôn đến đó. Ăn cơm từ nửa đêm đi cấy. Quân chó má, thấy mình vẫn quyết làm ăn, nó nổi điên hung, nó phá.
– Thì kệ ông tổ nội nó – Chú Bốn từ nãy im tiếng giờ mới xen vào – Nói cái anh thua cờ bao giờ cũng phát khùng. Thằng Mỹ phát khùng là thằng Mỹ thua ta. Hì hì – Chú Bốn lại đưa mấy ngón tay xoa xoa cằm, nheo mắt cười. Hừ, cứ phá nữa đi. Thách đó. Chúng tao vất vả, chúng tao cực thân thiệt, nhưng chúng tao mát ruột, mát ruột hung, vì chúng tao thắng, thắng cái thằng Mỹ, thằng Mỹ đang muốn dọa dẫm cả thiên hạ.

*
Ba mươi quả ca nông
Mỹ bắn vào xóm nhà
Chỉ một chú heo chết
Mỹ ơi thiệt quá đa…
Chú bé Thanh vừa nhảy chân sáo vừa véo von mấy câu hát có lẽ do chính chú mới đặt ra. Chú mười một tuổi nhưng đã là cây văn nghệ của đội thiếu nhi. Mặt chú tươi rói. Gặp tôi, chú ríu rít khoe:
– Chỉ một con heo nái nhà ông Bầu chết thôi cô à…
Chú bé lại chạy vụt đi với giọng hát trong veo. Chú chạy về phía biển. Ở đấy có tổ trực chiến bắn tàu gáo của du kích.
Tàu Mỹ đỗ ngoài khơi vẫn cứ chốc chốc thụt vô một trái ca nông to chẳng kém trái bom đào. Rồi cái thằng tàu bo bo lý lét, chạy nhặng xị trên mặt sông, xả đại liên, trung liên như vãi cát. Ghê tởm nhất là lũ tàu gáo. Mới chiều hôm qua, một chiếc tàu gáo sà thấp xuống tới ngọn dương. Vội vã, lén lút như một tên ăn cướp, nó bắn rốc két giết chết hai người và bắn đạn lửa đốt trụi cả một xóm ven biển.
Chị Sáu Thiệt chặt mấy cây dương nhỏ dựng lại luôn cái sườn chòi. Rồi như có điều gì thú vị, chị nói to:
– Ta đánh tranh làm mái nhưng ta không lợp nghe mấy ông. Ban ngày cất tranh trong bụi dương xa nhà, tối ngủ mới đem tranh vào táp lên che sương. Làm vậy, nó hết nhòm thấy chòi chỗ mô mà bắn. Mà đi càn, cũng không còn chi mà đốt, nó phải chịu.
– Ừ, tôi cũng tính làm vậy.
Chị Thảo nói. Chị đang múc khoai đổ vào máng cho đàn heo con ăn. Tám con heo nhỏ xíu như bầy chuột, chỉ khẽ mút nước trong máng một cách khó nhọc. Chị Thảo nhìn chúng lắc đầu ái ngại:
– Mới sanh được nửa tháng mà tàu gáo bắn chết con heo mẹ, cô à.
Chị bảo tôi: “Không có sữa mẹ, không biết chúng có sống nổi không? Xót lòng quá. Lần càn vừa rồi, tụi nó đã bắn của tôi đôi heo nái sắp đẻ. Dành dụm tiền mua về nái này đang chửa, tụi nó cũng không để yên. Ngán thiệt”. Giọng chị đầy vẻ bực dọc, pha một chút rầu rĩ. Chị Thao, một người hàng xóm tốt bụng và lúc nào cũng tỏ ra hết sức lạc quan, lại gần thân mật vỗ nhẹ vào lưng bạn:
– Xót của chi hung rứa, bà? Bà không thấy thím Hiếu năm nay bị Mỹ nó giết mất một con bò mà người ta vẫn quyết nuôi con khác kia. Nhà cô Tín chẳng chết liền hai heo nái mẹ trong trận càn đó là chi. Còn hai đàn con cũng mới đẻ mươi lăm ngày, bà cháu chăm chút giờ đã khá hung rồi. Mất keo này, bày ngay keo khác chớ. Bà kêu rứa có thắng được thằng Mỹ không? Thôi, ăn với tôi một miếng trầu cho nó xuôi cái bực.
Chị Thao nhét vào tay bạn miếng cau khô và lá trầu đã quệt vôi sẵn. Cả hai cùng cười. Câu chuyện của họ lại mỗi lúc một rôm rả cùng với vị nồng thơm của miếng trầu đang dần dần khiến đôi má họ ửng hồng…
Tan buổi học sớm, các em học sinh chạy ùa ra khỏi lớp, khác hẳn mọi ngày. Đúng là các em bận. Các em đang chuẩn bị cho Đại hội Nhân dân du kích chiến tranh xã khai mạc vào chiều nay và sẽ liên hoan văn nghệ vào tối nay. Các em trai lớp năm, lớp sáu tiếp tục đi dán nốt khẩu hiệu, trang trí hội trường, chuẩn bị sân khấu. Đội văn nghệ duyệt lại tiết mục và các em gái lớp bốn, lớp ba rủ nhau đi tìm kiếm hoa tươi. Trong làng, nhà ai trồng hoa là các em biết rồi. Nhà cô Chừng có hoa cúc vàng, nhà bác Bảy có hoa hồng bạch, nhà bác Biên thì có cả một giàn hoa giấy màu cánh sen. Các bác, các cô chăm sóc dữ lắm. Cây hoa nào cũng được rào kỹ xung quanh, gà không bới nổi, và sáng nào cũng được tưới đều đặn. Chẳng đứa con nít nào dám ngắt một bông, nhưng dùng cho việc chung thì ngắt mấy, các bác, các cô cũng cho.
Tôi cũng đã đến nhà bác Biên và ngắm giàn hoa trong vườn. Cạnh giàn hoa là hai hố pháo bọn Mỹ vừa bắn từ tàu biển vào vài hôm nay. Cả một vạt cây xám ngoét vì khói thuốc, nhưng giàn hoa vẫn tươi nguyên. Những bông hoa thắm đỏ vừa hé nở, cánh nhè nhẹ rung theo gió.
Đêm trăng, đặt vòng hoa lên đài liệt sĩ, Đại hội Nhân dân du kích chiến tranh kính cẩn mặc niệm những người đã khuất. Trong im lặng, nghe tiếng hàng dương xào xạc, tôi tưởng như từ đáy lòng mỗi người đang hứa hẹn trang nghiêm: “Dù giặc có gieo rắc bao nhiêu đau thương trên đất làng ta, có trăm phương nghìn kế phá hoại ta, chúng tôi cũng quyết bám đất giữ làng”.
Năm 1968, tính đổ đồng, cứ mỗi đầu người trong làng đã “đội” hơn năm chục trái bom và pháo Mỹ. Nhưng lúa vẫn xanh, khoai vẫn tốt… các gia đình vẫn thi đua đóng góp vào quỹ nuôi quân không thiếu một ai. Có tin bộ đội về. Thế là những đôi mắt vụt sáng. Cả làng thức dậy. “Mi cứ phân về nhà tao năm bảy đứa. Nhà tao hẹp nhưng cái bụng tao không hẹp”. Các bà mẹ vỗ vai anh cán bộ xã mà nói thiết tha như vậy. Rồi các mẹ nhận bộ đội về, lo cất giấu từng chiếc ba lô đến ruột nghé gạo. Trong những tiếng nổ rung đất, trong những bựng khói mịt mù nồng khét, các mẹ, các chị vẫn bình tĩnh nấu cơm, vắt thành từng vắt, đem tới tận tay từng chiến sĩ, rồi lại đi cáng thương binh phân về các nhà lo thuốc thang, cơm cháo. Biết bao thương binh đã được các mẹ, các chị ở đây chăm sóc và bảo vệ. Biết bao chiến sĩ đã từ đây trở lại đội ngũ chiến đấu của mình với hình ảnh người mẹ ngồi bên mâm cơm gỡ từng lát cá, miệng ngọt ngào: “Ăn đi con. Ăn cho chóng khỏe. Mi bị thương tao thương hơn con tao đó”. Có mẹ đã lấy sinh mạng mình bảo vệ cho các anh.
Thím Tư đi đấu tranh chính trị trên quận, bị thương hai lần vẫn tìm đến chị Thu, Hội trưởng Phụ nữ xã năn nỉ:
– Đợt đón thương binh lần ni, mi chia cho qua với.
Thu lựa lời nói ngọt:
– Mọi năm thím nhận bao nhiêu thì nhận, bọn cháu có nói chi mô. Nhưng hồi ni thím yếu, làm chẳng được bao nhiêu.
– Mi sợ qua không có chi cho anh em ăn hử? – Thím Tư ngắt lời Thu – Lo chi. Qua còn khỏe hung. Cứ giao cho qua nghe.
Thím cười, hàm răng đen và đôi môi đỏ cốt trầu. Thím có ba con đi bộ đội. Chú là cán bộ xã đã hy sinh trong năm đồng khởi. Thím sống một mình nhưng chẳng bao giờ cô độc. Những đêm chuyển gạo đột xuất, có thím. Những đợt dân công dài hạn, cũng có thím. Anh em cán bộ xã không còn cách chi giữ thím lại, mặc dù thím là thương binh. Sức thím yếu nhưng tinh thần thím thật khỏe. Cũng như dân làng B này, bà con còn nghèo, mỗi bữa phải bớt một nắm gạo bỏ vào ống tiết kiệm (mười ngày dốc ống ra một lần) giành nuôi đội du kích xã, nhưng lòng mỗi người lại giàu có bao nhiêu. Nấu bát chè ngọt, đĩa xôi nếp cũng phần scho “Lũ con nít” (bà con gọi đội viên du kích như vậy vì họ đều là con cháu cả). Nuôi được đôi heo, đôi gà trống hoặc đàn vịt mới nở, cũng đem cho du kích:
– Bây chịu khó nuôi, kiếm trứng ăn, chứ gà nhà bây Mỹ bắn chết cả, bây cứ đi miết bao giờ mới gầy lại được.
Đội du kích xã đã không phụ tấm lòng của đồng bào. Năm 1968, họ đã đánh một trăm bảy mươi sáu trận, diệt ba trăm năm mươi tên địch và thu nhiều súng.
Đêm nay Đại hội Nhân dân du kích chiến tranh vừa họp xong, lòng mỗi người đều hồ hởi nhìn lại một năm thắng lợi vẻ vang, nhìn lại đội ngũ đầy khí thế của làng mình. Chọi lại sắt thép dã man và cuồng dại của kẻ thù, họ chỉ có sắt thép vô địch của lòng yêu Tổ quốc, lòng yêu quý độc lập và tự do. Họ thách thức, họ bất chấp mọi thứ hung bạo và hèn hạ của kẻ thù. Chỉ với một hạt lúa, củ khoai lấy từ trong lòng đất nóng bỏng đạn bom đem đóng góp cho cách mạng, họ đã khiến kẻ thù phải run sợ và nóng mặt tức tối.
Đêm trăng muộn. Đi trên đường cát thấm ướt sương lạnh giữa những tiếng nổ phá rối của ca nông giặc, tôi vẫn nghe bầy heo ụt ịt trong chuồng và tiếng đàn vịt con rúc rích dậy ăn đêm…
Một cơn gió thoảng đến. Phảng phất đâu đây mùi hành, hẹ, mùi húng, bạc hà và có cả mùi khoai nướng thơm lừng. À, tôi đang đi trong vườn rau. Trước mặt tôi, một hàng dương liễu bị pháo phạt ngọn nhưng cành đã đâm ngang, lá non xanh mướt dưới trăng. Dương liễu đang hát. Tiếng hát chan hòa với tiếng sóng biển vọng vào miên man.
Tôi chợt nhớ câu nói của chú Bốn: “Cháu coi, cái gương mặt làng này…” Tôi hiểu ý chú. Đó là gương mặt thách thức. Thách thức với thằng Mỹ.

Quảng Nam, tháng 1 năm 1969
D.T.X.Q.

 

NHẬT KÝ CHIẾN TRƯỜNG
(Trích)

14/6/1968
Quảng Nam, trạm 1, đường dây giải phóng.
Hôm nay bắt đầu vào đường dây giải phóng. Thế là tạm biệt “đường dây xã hội chủ nghĩa” (anh em trong này thường gọi đường dây 559). Mỗi người phải mang 10 ngày gạo ăn. Chiều qua họp chi, anh em quyết định tương trợ mình vì mình yếu nhất lại đang có nhọt ở lưng. Anh em trút gạo của mình ra, chỉ còn để nửa bao. Đi được nửa đường, anh Sắc lại đeo nốt, chỉ còn để cho mình 1/4 bao. Khổ tâm quá. Chỉ riêng điều đó cũng khiến mình băn khoăn và buồn lịm người. Mình cảm thấy nhìn người khác chịu đựng gian khổ còn khổ hơn là chính mình chịu đựng lấy sự gian khổ ấy. Lưng mình vẫn đau. Quấn 2 chiếc khăn xô vào lót cho êm và luôn luôn phải khom lưng xuống hoặc thật thẳng lưng lên để né tránh đáy ba lô khỏi cứa vào. Anh em bảo mình rất cố gắng, nhưng mình thì mình luôn luôn cảm thấy còn kém hết sức. Nhất là hôm nay dọc đường mình gặp khá nhiều nữ thanh niên đi chuyển hàng. Những cô gái quần đen áo đen, vấn tóc trần, từ đầu gối trở xuống sẹo thâm chằng chịt, nước da trắng bủng hoặc vàng vọt, đôi vai gầy như gọng vó. Các cô gùi những gùi hàng từ dưới thắt lưng cao vượt qua đầu. Gạo, đạn. Gùi nào ít nhất cũng 45-50 kg. Ghê gớm quá. Ở các cô, sức mạnh đã biến thành thói quen. Bao nhiêu năm ở rừng, tuổi thanh xuân trôi đi giữa những con đường dốc và giữa những gùi hàng. Thương yêu và cảm phục lắm nhưng chả biết nói gì. Gặp nhau chỉ nhìn nhau thở dốc.
Kho đạn rải rác dọc đường. Cứ từ chặng này chuyển sang chặng kia và dần dần ra mặt trận. Bao nhiêu công sức vào đấy. Từ một viên đạn đến hạt gạo, hạt muối, tất cả đều trông vào đôi chân chằng chịt và nứt nẻ của quân dân ta. Đường qua những rừng già lớn. Kho tàng núp dưới bóng rừng. Nom đúng là khu giải phóng miền Nam rồi, không ngờ mình lại được tới những nơi như thế này. Một không khí nhộn nhịp khẩn trương của chiến trường hiện ra. Đường không một lúc nào vắng người ra vào. Mình bỏ đoàn, nghỉ giải lao ở phía sau và chầm chậm leo dốc, nhích từng bước về phía trước. Nhờ thế mà không bị mệt vì dốc sức. Chỉ có lúc qua bãi bom B52 thì hơi căng thẳng. Phải ngụy trang bằng lá khô cho hợp với màu đất đỏ. Một khoảng trống cháy trụi hiện ra. Hố bom chồng lên hố bom, đất đỏ bị xốc lên, những cái hố miệng toang hoác ló ra. Một đám chuối rừng cháy trụi chỉ còn trơ thân. Qua sông Nước Chè, nước chảy ào ào càng làm cho cái cảm giác có B52 bay trên đầu mỗi lúc một tăng. Bom đánh mất cả lối đi. Cây to ngã ngổn ngang. Mình bò lên cây mà đi. Đạp lên đất mà đi. Trời nắng. Nó vừa thả B52 trước lúc mình đến 1 giờ. Thỉnh thoảng gặp một chiến sĩ giải phóng.
– Đi nhanh lên, vượt mau lên, nó vừa thả B52 ở đây đấy.
Sởn gai ốc mà không chạy được vì không có đường. Lội qua sông, chân đạp lên đá trơn khiến người chao đi mấy lần suýt ngã. Hơn nửa giờ mới qua hết bãi bom B52. Sau đó là lên dốc. Thỉnh thoảng lại có một chỗ gạo đổ trắng xóa, anh Sắc lại ngồi xuống dốc nhặt… Hạt gạo trắng phau lẫn đất nhưng quý giá vô cùng vì nó là hạt gạo của chiến trường. Chiều nay thì mình và Kiều bỏ 4 bát gạo vốc được dọc đường ấy vào ni lông đãi. Chẳng có rá, đãi bằng tấm ni long cũng xong.
17/7/1968. Tại A7
Chiến trường đã “đón” mình với tất cả những ác liệt, những dữ dội, tóm lại là khuôn mặt đầy khắc nghiệt của chiến trường đã hiện ra nguyên vẹn trước mặt mình rồi. Cũng kỳ lạ thật, tại sao mình và anh( ) còn sống sót trong cái trận B52 khủng khiếp ấy. Đó là đêm 14/7 vừa qua. Hôm ấy, lúc bảy giờ rưỡi sáng, hai cô bé nhân viên bên cơ quan giáo dục xách túi sang rủ mình đi bắt ốc ngoài suối xa. Ba chị em vừa bước xuống đầu suối thì gặp anh Đống (Điện ảnh) và anh Vân (Giáo dục) đi họp ở bên ban về.
– Thôi, về ngay. Có lệnh di chuyển gấp. Bảo Trần Tiến( ) sang bên này ngay nhé. Chị về nấu cơm đi, nấu bữa trưa. Thu xếp đồ để đi gấp.
Mình nấu luôn hai hăng gô cơm. Củi nứa khô chẻ nhỏ, lật ngửa lên cả mà khói vẫn đóng lưng chừng cây. Bao giờ được nấu một bữa ăn mà không còn lo đến khói?
Vừa nấu cơm vừa nghe Trần Tiến thông báo tình hình.
– Địch càn Tý, Sé. Rất có thể chúng càn sâu vào đây. Phải đi ngay. Trận B52 trưa hôm qua nó ném trúng chỗ anh Lục – cụm điện đài của Khu ủy. Anh Lục – người phụ trách cụm hy sinh. Một đồng chí khác bị thương. Bây giờ chúng ta tạm trở lại A7 rồi đi đâu thì chưa biết. Mỗi người dồn một ruột nghé gạo đầy đem theo…
Anh và Tiến soạn tài liệu ra. Thứ gì cũng tiếc mà đem theo cả thì quá nặng. Mình cố đem theo cuốn “Hai bàn tay em” của Huy Cận, một tập giấy pơluya trắng, một cuốn điều lệ Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam, và một tập “Tiếng hát miền Trung”. Tập thơ nhiều tác giả của Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ in. Ba lô của mình chất cao và vuông vức, thẳng đứng. Cố nhặt nhạnh cả chén, bát, mắm muối, đường… Có thể nói chưa bao giờ ba lô mình nặng thế. Lại vác trên vai một bao gạo đầy căng.
Anh và Trần Tiến chôn đồ đạc, gồm gạo, ngô, mắm cái, dầu hỏa, và ba lô của những người đi vắng. Tiếc ngơ ngẩn mà không sao cố được. Anh đòi vứt chiếc áo xanh đã vá lưng của mình, nhưng mình không vứt, giữ để đi làm rẫy hoặc để đi gùi. Một tí gì ở đây cũng trở nên vô cùng cần thiết. Ba năm nữa mới được phát quần áo.
Cơm nước xong, lên đường. Anh Chất sốt rét không mang được gì ngoài ba lô của anh ấy. Anh, mình mang hai bao gạo và tập tranh của anh Giai. Lại còn muối, mắm, mì chính… Gian nhà nhỏ khép lại và tạm biệt. Bồn chồn và thương các anh quá. Vừa từ A7 về A8 này được một tháng. Nhà mới làm xong với lò Hoàng Cầm và chiếc hầm vuông vắn cũng sắp xong. Nay lại di chuyển, lại giảm bớt ba lô và đồ đạc. Những ngày hành quân vượt Trường Sơn, mình tưởng đến nơi là chẳng bao giờ còn chuyện vứt bớt đồ đạc. Thế mà nay là lại tiếp diễn hầu như thường xuyên.
Mình đi rất khá. Dọc đường gặp họa sĩ Thăng Giai và cậu Thông đi gùi gạo về. Họ lại cùng quay ra A7 với bọn mình. Đi miết đến 5 giờ chiều thì cánh giáo dục rẽ lối trạm ông Nghi. Còn Văn nghệ và Điện ảnh thì dừng lại mắc tăng ở bãi trú quân đầu trạm 9. Sáu người Văn nghệ chỉ có ba chiếc tăng. Trời mưa. Cơm nước xong, Thông đi nấu cơm sẵn cho ngày mai. Rồi lại nấu chè nữa, bởi có mang theo được ít đường. Chè nấu bằng gạo tẻ mà rất sánh. Thông bưng nồi chè lên, mình cầm chiếc thìa múc vào định nếm thì một loạt bom nổ ầm ầm. Vứt vội thìa vào nồi chè, mình nằm rạp xuống bên cạnh anh. B52 đấy. Mình tưởng như mưa bom đang dội trên đầu. Ngớt hai loạt đầu, anh giục:
– Ra hầm đi em.
Chiếc hầm cách chỗ bọn mình mắc tăng chỉ là một cái hầm ếch hẹp, nông choèn, cây lát nắp đã mục. Ban chiều, bọn mình đến chậm và lại chủ quan nên không chú ý tìm chỗ có hầm tốt. Mình nghĩ hầm chật quá thế thì chỉ có mình mình trú được, nên khăng khăng.
– Không, em không ra.
– Ra hầm đi! Ra, không được bướng.
Mình chui lọt xuống hầm. Đầu cúi hẳn xuống mà vẫn rất gò. Bom lại nổ. Tất cả ba loạt liền và kéo dài, nghe ghê gớm quá. Đây là lần thứ hai mình chứng kiến B52. Mới hôm 12/7, mình và anh đi trực chỗ đường giao liên. Hai đứa đang ngồi nói chuyện về Hà Nội, về bạn bè thì B52 dội xuống. Hầm không có, mình và anh nằm rạp trên đám cỏ. Hai đợt liền, bom dội tới tấp. Anh có vẻ sợ. Có lẽ tại có mình. Hai đứa chạy về cơ quan. Dọc suối, bụi đất mù mịt. Bụi đất táp vào mặt mũi như mưa bụi. Trận ấy nó ném cụm điện đài và anh Lục chết. Nhưng đêm 14/7 thì hãi hùng hơn nhiều. Chúng nó đánh xong đợt một, mấy anh em xúm vào ăn chè trong tiếng pháo rung đất. Pháo mặt đất của địch rất dữ dội. Chúng nó giã liên tục, cứ nổ rùng một phát lại nghe tiếng rít veo veo và lại một tiếng nổ long trời kèm theo tiếng vang vào núi rầm rầm như tiếng máy bay phản lực. Ăn chè xong, vừa đặt mình vào võng lại nghe tiếng B52 ầm ì, một thứ ầm ì nặng nề và gian xảo. “Nó đấy!” Chỉ kịp lăn khỏi võng đã nghe ầm ầm một trận mưa bom ụp đến. Ngớt một loạt, mười phút sau lại một loạt nữa, rồi một loạt nữa. Mùi bom khét lẹt đến man rợ. Sau mỗi loạt bom nổ là cánh rừng rào rào mảnh bom và đất đá rơi xuống như mưa. Anh và Trần Tiến vẫn ngồi trên mặt đất, bên gốc cây. Mình lo cho anh quá. Ngồi dưới hầm một mình cũng sợ. Chỉ sợ một quả bom giáng xuống hoặc một mảnh bom xuyên thủng đầu. Những ý nghĩ hãi hùng ập đến: chị Lê Đoan, Phục Nguyễn, giáo sư Đặng Văn Ngữ… toàn chết vì B52 cả. Ngớt B52 lại pháo kích. Một quả pháo nào đó sẽ giáng xuống đây? Tất cả vẫn im lặng, không ai nói với ai câu nào cả. Hai giờ sau, lại đợt thứ ba. Nó bắt đầu lúc bọn mình đang chợp ngủ. Đợt này thì bom giáng ngay sát nách, tiếng đất đá và mảnh bom rơi nhiều hơn. Mình kéo anh xuống hầm, cố ngồi thu nhỏ để đủ chỗ cho hai đứa. Nghe anh thở hổn hển, biết anh sợ lắm. Mình động viên:
– Đừng sợ anh ạ. Sợ quái gì, kệ nó.
– Không, anh không sợ đâu.
Đất rung chuyển và tiếng bom rền xé toác màn đêm, nghe váng óc. Đêm đang sáng trăng bỗng tối sầm lại vì khói và bụi đất do bom hất lên cả một vùng trời.
Cánh Điện ảnh bàn tính rồi kéo nhau đi ngược suối vào trạm 9. Họ đi, nên mấy anh em Văn nghệ đều có hầm cả. Mình và anh chuyển lên một cái hầm hình chữ nhật độ quá đầu gối, có lớp nắp mỏng dính và ngắn ngủn. Thực ra chả biết đi đâu giữa rừng đêm mịt mùng thế này. Có khi đi lại hóa ra đi vào chỗ chết. Thế là chui xuống hầm ngủ. Trải ni lông nằm dưới hầm. Từ thắt lưng trở lên được nắp hầm che khuất, gọi là chống đỡ được những mảnh nhỏ. Mệt bã bời. Cứ liều ngủ trong tiếng pháo kích rít réo và nổ mỗi lúc một dữ. Vừa chợp mắt lại rầm rầm bom nữa, cũng chả thèm mở mắt. Lì ra rồi. Căng thẳng quá rồi, con người trơ ra và chẳng còn nghĩ tới cái chết. Thế là 4 đợt với 14 tốp B52 đã giáng xuống trong một đêm. Bốn giờ rưỡi sáng, tất cả đi ăn cơm. Hăng gô mắm bị phủ đầy đất, phải đổ đi. Tăng mình bị thủng một miếng vì mảnh bom hoặc mảnh đá gì đó văng vào. Tăng võng đầy đất. Mặt mũi chân tay đầy đất. Cơm rất dẻo nhưng ăn rất chán vì thấp thỏm. Pháo địch bắn dồn dập. Cầm bát cơm chui xuống hầm ăn. 5 giờ ba mươi tiếp tục đi về phía A7. Bước đến suối mới biết là mấy anh em đã thoát chết một cách khó hiểu trong một tình trạng hết sức hiểm nghèo. Dưới suối – cách chỗ mắc tăng, võng của bọn mình chỉ 30m là hố bom, là đá, là đất ngổn ngang. Lòng suối chiều qua trong vắt nay đã bị lấp đất và biến dạng, một vài khúc chỉ còn nước đục ngầu. Bắt đầu từ con suối này, là một bãi bom B52 với những hố bom to và sâu như những cái đìa, liên tiếp, dầy đặc. Đường tắc. Chúng nó ném trúng con đường mòn giao liên mới ghê chứ. Cây đổ, đất vàng trơ ra từng bãi rộng. Anh cầm rựa vừa đi vừa phát cây mở đường. Bọn mình trèo lên cây, đội lên gai góc và lên hố bom mà vượt. Muốn qua thật nhanh mà không qua nổi, vì hố bom và cây đổ chằng chịt. Bọn phản lực lại tới rít réo trên đầu và lại ném bom. OV10 vè vè. Thỉnh thoảng bọn mình phải ngồi thụp xuống giữa bãi trống đợi thằng OV10 đi qua. Mình ngước lên thấy rõ cái hình thù xám ngoét với hai thân song song của nó đang lừ lừ như một con mụ già giám thị trường học thời thực dân. Đi suốt hai giờ mới hết bãi bom B52. Mặt ai cũng nhọ nhem vì cây cối cháy chạm vào. Quần áo, chân tay trát một lớp nhọ đen nhớp nhúa. Tới một dòng suối mới gội, rửa và thay quần áo. Mệt, nhưng vui. Có đi mới thấy lạ không hiểu sao luồng bom tới đúng bãi trú quân của bọn mình nó lại chênh từ sườn núi xuống suối. Nếu nó nhích một chút xíu thôi thì bọn mình ngỏm hết rồi. Mình cũng sợ, nhưng nỗi sợ thường tan biến rất nhanh. Mình vẫn còn nguyên vẹn tấm lòng thiết tha đi đồng bằng, đi phía trước…

D.T.X.Q.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây