Tác giả Vũ Hạnh

Vũ Hạnh

VŨ HẠNH

Tên thật: Nguyễn Đức Dũng
Sinh ngày 15 tháng Bảy 1926
Quê quán: xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam

Tham gia hoạt động cách mạng chống Pháp từ tháng 3/1945. Năm 1955 tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc Nam và bị bắt địch giam ở nhà lao Thăng Bình rồi nhà lao Hội An.

Làm cán bộ văn hóa Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, hoạt động công khai ở nội thành Sài Gòn. Sau năm 1975, làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh

Tác phẩm chính:

Vượt thác (tập truyện); Bút máu (tập truyện, 1956); Chất ngọc (1958); Mùa xuân trên đỉnh non cao (tập truyện, 1959); Hắc cẩu đại tặc (tập truyện, 1994). Ngoài ra còn viết lý luận phê bình, tiểu luận, truyện cho thiếu nhi.

Giải thưởng
Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2007)

 

NHỚ MÃI NHỮNG NGÀY…

Năm, tháng trôi qua, khá nhiều sự kiện ở trong cuộc sống chúng ta đã bị vùi trong tro bụi thời gian, nhưng cũng không ít sự kiện vẫn còn lưu mãi dấu ấn trong tâm hồn người. Và đó là những biến cố lịch sử dân tộc đã từng xảy ra, sau ngày ký kết Hiệp định Genève – vào năm 1954 – chấm dứt 9 năm tái chiếm xâm lược của thực dân Pháp trên quê hương này.
Nhưng trên nửa thế kỷ trôi qua, khá nhiều tình tiết cũng bị trôi đi, tôi chỉ ghi lại sau đây một số sự việc liên hệ với bản thân mình cùng sự gắn bó đối với đất tổ, quê cha. Tôi không có được điều kiện, và cả tài năng, như là bạn Hồ Duy Lệ – người đã viết tập ký sự Dặm trường gian truân, ra đời vào khoảng năm 2015 do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, và đó là một quyển sách quý giá đã ghi chép lại khá nhiều sự kiện cụ thể về một quãng đời khốn khó của đất Quảng Nam yêu thương.

Sau ngày ký kết Hiệp định Genève, tôi đang trong tổ văn nghệ, gồm có 4 người, ở trong lực lượng Thanh niên xung phong phục vụ chiến trường Tây Nguyên, được lệnh rút về Đức Phổ – Quảng Ngãi – học tập tình hình. Ai cũng vui mừng vì cuộc chiến tranh chống Pháp đã được chấm dứt, nhưng cũng lo lắng khi biết bọn thực dân Pháp phản bội Hiệp định, không chịu rút về miền Nam trong vòng 2 năm để có cuộc tổng tuyển cử toàn quốc quyết định chế độ cho đất nước này, nhưng đem miền Nam giao hẳn cho Mỹ để trừ món nợ mà Mỹ tiếp viện trong 9 năm qua. Và tên đầu sỏ chính quyền tay sai của Mỹ, ở miền Nam này, đã được biết đến là Ngô Đình Diệm. Trong các bài vè khá dài nghe ở Đức Phổ, dầu đã trôi qua trên nửa thế kỷ, tôi còn nhớ mãi hai câu đã nói về Diệm như sau:
Mang thân là một giống dòi,
Vừa ra khỏi c… lại nhoi trở vào.
Tôi không thuộc diện tập kết nên sau hai ngày học tập đã trở về quê là xã Hà Lam, thuộc huyện Thăng Bình. Có lẽ chưa có một đất nước nào, ở trên thế giới, mà cái thời bình lại chịu quá nhiều sự kiện bi đát hơn là thời chiến, như đất nước ta vào lúc bấy giờ.
Còn nhớ trong mấy ngày đầu có dịp qua phà Câu Lâu, tôi thấy trên phà có toán lính Pháp hẳn đang rút về Đà Nẵng để đi về nước, một ông cụ già nông dân đứng gần thấy tên lính Pháp rút bao thuốc lá định hút, ông già có lẽ thuộc loại ghiền nặng nên ngửa tay xin thì bị tên Pháp gạt đi và nói như mắng: “Đi đi! Tìm mấy thằng Mỹ mà xin”. Tất nhiên là ông già không hiểu nó nói gì, vì nó nói bằng tiếng Pháp, nhưng tên thực dân bị đánh bại liệt vẫn còn cái giọng hống hách quen thuộc gần trăm năm qua trên đất nước này.
Rồi chính quyền mới, tức là ngụy quyền, đã được thiết lập và những đội quân mang danh là Liên hiệp Pháp, nay gọi quân đội “quốc gia” đã được kéo vào. Ngày quân đội ồ ạt xuất hiện ở huyện – bấy giờ đã đổi thành quận – có đưa một vị ni sư từ Huế vào thuyết giảng đạo, có lẽ là để tụ tập tín đồ, lôi kéo quần chúng mộ đạo và những tầng lớp hiếu kỳ để buổi ra mắt cho được xôm tụ. Tôi cũng tìm đến để xem cho biết sự tình, bởi vì miền Nam bấy giờ đã được bọn thực dân Pháp trao quyền cai trị cho đế quốc Mỹ, một thứ đối thủ ta chưa biết được cần phải xử lý thế nào.
Sau khi nói dài về chuyện đạo pháp rồi khuyên dân chúng tránh ăn thịt, cá mà nên ăn chay, ni sư dừng lời và hỏi bà con ai có điều gì muốn góp ý không thì tôi phát biểu:
– Thưa ni sư, những điều mà ni sư nói đều là thiện ý, song cho tôi được bày tỏ một chút suy nghĩ như sau: Ngày xưa khuyên ăn rau, cỏ để tránh sát sinh, nhưng mà ngày nay khoa học đã cho ta biết ở trong rau, cỏ vẫn có nhiều loài vi khuẩn, vi trùng rất hữu ích cho sức khỏe con người. Vậy thì chúng ta không thể coi trọng các sinh vật lớn mà lại coi thường các sinh vật nhỏ, bởi ăn rau, cỏ cũng là sát sinh.
Ni sư trả lời:
– Đạo pháp đã thấy được sự việc ấy nên cho chúng ta một câu niệm chú trước khi ăn uống để tránh những sự lầm lẫn đáng tiếc. Câu niệm chú ấy là…
Ni sư đọc dài một câu có lẽ là những tiếng Phạn. Tôi liền nói tiếp:
– Vậy xin ni sư đọc chậm lại cho chúng tôi ghi câu niệm chú, để phòng gặp cá, gặp thịt chúng tôi có thể niệm chú mà ăn.
Tôi vừa dứt lời bỗng nghe những tiếng hô lớn: “Đồ phản động! Đồ phản động!”, “Hãy bắt cái thằng xúc phạm đạo giáo!”, “Giết nó đi! Giết nó đi!”, tạo nên một sự náo động khác thường. Nhìn đám đông ùn ùn kéo về phía tôi, may nhờ đêm tối, tôi vội luồn lách mà chạy về nhà. Tôi biết sau khi dò hỏi được tôi để truy lùng đến nhà tôi ít nhất cũng mất cả tiếng đồng hồ, tôi tin cho vợ tôi rõ rồi lấy ít tiền chạy xuống ngã tư Hà Lam đón xe để ra Đà Nẵng – cách quê nhà tôi 40 cây số – tìm đến tạm trú nhà một bạn thân.
Sự việc nhỏ nhặt như vậy đã gây náo loạn cả một thị trấn nằm ngay huyện lỵ. Về sau tôi mới được biết là Chủ tịch xã – ông Võ Hưng Khoan – vào sớm hôm sau tìm gặp ni sư phản ảnh sự việc. Ông nói về tôi: “Anh Dũng là một trí thức hiền lành ở tại địa phương, anh ấy cũng là một người mộ đạo, tại sao lại gây ra sự bất an cho một địa phương?”. Ni sư sau đó đã tìm chỉ huy quân đội yêu cầu làm dịu tình hình, nên đã cử người đến gia đình tôi bảo rằng sự việc vừa rồi chỉ là một sự hiểu lầm và hỏi địa chỉ tôi ở Đà Nẵng để đưa xe ra đón tôi. Nhưng vợ tôi đã tin cho tôi biết và tôi đã đón xe khách để trở về nhà.
Nhân đây tôi cũng xin nói rõ thêm về Chủ tịch xã bấy giờ, ông Võ Hưng Khoan. Ông có cái hàm cửu phẩm nên dân gian quen gọi là ông Xã Cửu, hay tên quen thuộc là ông Cửu Hoằn. Vốn là lý trưởng thời Pháp thuộc, khi Ngô Đình Khôi giữ chức tổng đốc Quảng Nam thường gọi ông ra chữa bệnh vì ông còn là một vị đông y có tài. Ông lại là người yêu thích thơ văn nhưng điều nổi bật ở ông là lòng thương dân, và sự hiền hòa rất được nhiều người mến mộ. Sau Cách mạng tháng Tám – vào năm 1945 – lãnh đạo cách mạng liền giao cho ông chức vụ Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến – Hành chính ở xã chứ không lựa chọn bất cứ một đảng viên nào. Ông giữ cái vị trí ấy xuyên suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp và khi ký kết Hiệp định Genève, lực lượng cách mạng tập kết ra Bắc, lực lượng theo Pháp kéo về miền Nam thì điều lạ lùng là họ lại chọn người chủ tịch xã của cách mạng để tiếp tục làm chủ tịch, và cứ như thế cho đến khi chế độ ấy tan rã vào năm 1975, đó cũng là lúc ông chuẩn bị nằm liệt giường. Có lẽ ông là con người duy nhất, ở trên thế giới, đã vượt qua 3 thể chế chính trị vốn đối đầu nhau, vượt mọi rào cản, thành kiến của các tổ chức xã hội để mà tồn tại trong cái vai trò đầu sỏ, dầu chỉ là một làng xã. Chỉ nhờ luôn yêu thương dân và được lòng dân tin yêu.
Về vụ lùm xùm diễn ra buổi tối hôm ấy cũng đã hé lộ bản chất thực sự của chính quyền mới. Chỉ vài tuần sau, có lệnh buộc những người dân từng là cán bộ Cộng sản, từng là chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp vừa qua, mỗi tối phải đến tập trung ở chợ Hà Lam và ngủ trên các sạp chợ – có lính kiểm soát – để khi mặt trời ló dạng mới được trở về.
Xin hãy nghĩ đến tình trạng hàng trăm con người, phần nhiều thuộc lớp cao tuổi, từ các xóm thôn không chỉ rất gần mà cũng rất xa, mỗi tối phải đến chen chúc trên các sạp chợ đầy những muỗi mòng, và ngoài những đêm giá lạnh còn những cơn mưa ào ạt tạt vào buộc phải thao thức suốt đêm, chưa nói đến sự vệ sinh là một tai họa còn nỗi lo âu, thắc thỏm không biết rồi thân phận mình sẽ bị định đoạt ra sao. Hẳn nỗi ám ảnh về một ngày mai như thế đã khiến nhiều người, vào lúc đêm khuya, treo cổ mình lên lều chợ để tìm cái chết như một lối thoát.
Sau khi ký kết Hiệp định Genève, chúng ta tôn trọng Hiệp định và chỉ muốn sống hòa bình sau gần 10 năm trải qua bom đạn, nhưng bọn xâm lược lợi dụng sự tôn trọng ấy để triệt hạ chúng ta. Tôi còn nhớ mãi những ngày quá thảm thiết ấy, khi vào buổi sáng ghé ngang qua chợ lại thấy lủng lẳng những cái thây người. Đó là những người chân thật, kiên trung, những người đã từng đứng lên chống bọn thực dân và lũ tay sai.
Mỗi lần rời ngôi nhà tôi – được xây ở một trang trại gần mười mẫu đất nằm trên vùng cát rộng lớn của thôn Tất Viên, cách chợ Hà Lam khoảng 3 cây số – tôi thật sững sờ thấy những mảnh giấy rơi vãi trên nền cát trắng ghi rõ: “Tôi đã làm tròn bổn phận công dân”, đó là những tờ cấp cho người dân vào ngày bỏ phiếu truất phế Bảo Đại để suy tôn Ngô Đình Diệm. Nhưng gần những tờ giấy ấy là những ngón chân con người lộ lên mặt cát. Thì ra những người nông dân quá chất phác này, sau cuộc bỏ phiếu cho Diệm lại bị tay sai của Diệm giết chết rồi đem vùi xác vội vàng ở trên đồng cát. Tôi đã trải qua không biết bao lần đi, về trang trại, nhìn thấy đó đây dấu tích của những xác người.
Bấy giờ Quận trưởng Phan Vỹ cho người đến mời tôi làm hiệu trưởng của trường Thăng Bình nhưng tôi từ chối. Ngôi nhà khá lớn của tôi ở nơi trang trại Tất Viên được các tín đồ Cao Đài làng dưới mua về xây dựng thánh thất, tôi và vợ con về ở tại nhà nhạc mẫu, trước chợ Hà Lam. Một điều đáng mừng mà tôi chờ đợi đã đến. Bởi trước tình hình như vậy tôi cần một sự chỉ đạo của Đảng để được vững tâm chiến đấu và một cán bộ Huyện ủy – anh Bùi Ngọc Tẩy – hoạt động bí mật đã liên lạc được với tôi để cùng gặp nhau tại một địa điểm ở xã Bình Quý. Anh đồng ý kế hoạch của tôi là nên gấp rút tổ chức cuộc biểu tình lớn đòi hỏi thi hành Hiệp định Genève, và anh khuyên tôi phải bằng mọi giá giữ thế công khai, hợp pháp để mà hoạt động.
Để có thêm điều kiện và để cho các chiến hữu gặp gỡ được thoải mái hơn hầu tránh kẻ địch theo dõi, tôi liên lạc được với anh Đàm Hùng, một cán bộ trước đây của Tỉnh đoàn Quảng Nam, có tài nấu phở và biến ngôi nhà tôi ở thành một tiệm phở. Bấy giờ sau gần một năm cầm quyền, Phan Vỹ được chuyển sang một nơi khác và tên Vũ Đình lên thay. Anh này tên Võ Đình nhưng đổi lại Vũ cho đúng nguồn gốc (vì có nhiều họ ngày xưa vào Nam do sự kỵ húy nên có chuyển đổi như Vũ thành Võ, Hoàng thành Huỳnh, cô Hoa thành cô Bông v.v…) vốn là một y tá ở địa phương, học chưa xong lớp tiểu học, nhưng có người cha ngày nào làm lính hầu của Diệm nên giờ được Diệm ban ơn. Từ ngày còn bé, đọc các sử sách, tôi đã nhận thấy tội ác lớn nhất ở trong nhân loại không phải là chuyện trộm cướp, là sự oán thù mà chính là sự tham vọng quyền lực. Cái tội ác nào gây ra tệ trạng cũng có giới hạn nhất định nhưng cái tham vọng quyền lực có thể tiêu diệt hàng triệu hay hàng chục triệu con người một cách vô can. Đó chính là điều mà tôi yêu quý lý tưởng của Đảng Cộng sản, vì trong những cái mục đích của Đảng có sự thủ tiêu quyền lực. Nhưng tôi cũng nhận thấy rằng muốn thực hiện mục đích ấy còn phải đi một chặng đường khá dài, và sự tập trung quyền lực vào Đảng là điều cần thiết, song nếu cái quyền lực ấy không được những người thật sự có đức, có tài đảm nhận thì các hậu quả cũng thật khôn lường.
Còn trong hoàn cảnh đất nước bấy giờ thì sự lộng hành có lẽ lên đến đỉnh điểm. Và những tội ác mà gã y tá ít học, bất tài gây ra để chứng tỏ quyền lực, dẫu quyền lực ấy không lớn hơn cái đuôi bò, nhưng đã tiêu diệt bao nhiêu sinh mạng con người, hủy hoại bao nhiêu hạnh phúc gia đình, vẫn chưa được biết một cách cụ thể. Có lẽ lịch sử cũng mắc cái bệnh thời đại là chỉ bận tâm đến những thứ quyền lực lớn.
Nhờ cái quán phở gia đình, tôi đã tập hợp được nhiều người bạn – đặc biệt có hai bạn thân là anh Võ Thi, anh Nguyễn Công Được và cuộc biểu tình với quy mô lớn đó đã được hình thành. Qua đó tôi nhìn thấy rõ ý chí bất khuất, kiên cường của một quần chúng muốn tìm mọi cách vượt khỏi các sự trấn áp của một bè lũ man rợ. Cuộc biểu tình được tập họp tại ngã tư Hà Lam với những biểu ngữ kêu gọi thi hành Hiệp định Genève, thống nhất đất nước, tiến đến quận lỵ thì bị quân đội, cảnh sát bao vây, tấn công một cách quyết liệt. Chúng tôi, những người tổ chức cuộc biểu tình này đều phải vào tù.
Không sao kể hết những sự tàn bạo đối với tù nhân ở một quận lỵ nhỏ bé như là Thăng Bình. Tôi còn nhớ mãi Chi trưởng Công an, tên là Trần Tín, lột trần tôi ra rồi kéo hai tay lôi ngược về sau, cột lại treo lên trần nhà để tôi ở thế lơ lửng như thế, đoạn lấy súng lục đánh mạnh vào hai bên sườn buộc tôi khai nhận đã nghe lời ai xúi giục. Hắn đã đánh đập bầm tím cả hai bên sườn trên cái thể xác lơ lửng của tôi cũng chỉ tìm một câu trả lời, đó là do lòng yêu nước, do sự thương dân, do muốn tuân thủ Hiệp định Genève để sớm thống nhất đất nước.
Về sự tra tấn thảm khốc với nhiều phương thức quái dị, ở trong nhà tù ngày ấy tôi có ghi lại trong một truyện ngắn – nhan đề là Con thằn lằn – sau được đổi là Lẽ sống, từng in trênB Quảng Nam. Trong đó tôi có kể lại trường hợp của một người tù mà tôi từng được sống chung trong một xà lim, là anh Võ Hùng, quê ở Tam Kỳ, một người Cộng sản hết sức trung kiên đã bị tra tấn đến mức gần như tàn phế, với cái cổ họng như bị tắc nghẹn và hai cánh tay gần như gãy lìa và phải cử động hết sức khó khăn, còn cả người anh, nhất là mặt mày đều bị sưng húp, méo mó trông rất thảm hại. Tôi hiểu anh đã sẵn sàng chấp nhận hy sinh chứ không khai báo điều gì. Do cảm hiểu và thấy tôi còn sức khỏe, anh đã mày mò lấy tay viết chữ ở trên sàn gạch, khuyên tôi tìm cách thoát khỏi nhà lao và vẽ cho tôi đường vào mật khu cùng trao cho tôi mật lệnh để được tiếp nhận, song tôi không thể nghe theo lời anh vì nhiệm vụ tôi được giao là bằng mọi cách phải công khai hoạt động.
Rồi đến một tối, chiếc Land Rover của quận đã đậu ở trước sân tù. Anh Võ Hùng bị kéo ra, bị còng tay lại và đưa lên xe cùng với những bạn tù khác. Đó là chuyến xe hàng tháng đưa tù về một bến bãi nào đó để chúng thủ tiêu.
Một buổi sáng nọ, đang ngồi xếp hàng trước quận để chờ chào cờ, Chi trưởng Công an Trần Tín đi ngang qua bọn chúng tôi, chỉ về khá xa phía trước và nói:
– Bọn tao mới bắt được thằng Võ Hạnh ở trên Lâm Đồng. Hôm qua, mới giải về đây.
Anh Võ Hạnh ở làng bên với tôi, trước đây cùng học ở trường tiểu học Thăng Bình. Vào thời thuộc Pháp, chúng tôi biết nhau chớ không thân nhau, một phần vì anh thuộc gia đình nghèo, một phần vì tôi có điều kiện học cao hơn, bởi ở thời ấy giàu, nghèo có sự cách biệt và sự học thấp, học cao cũng khó gần nhau, nhưng khi có cuộc Cách mạng tháng Tám bùng nổ vào năm 1945 thì những rào cản vô lý như vậy tự nhiên đã được xóa bỏ. Trong các sinh hoạt tập thể, chúng tôi luôn gặp gỡ nhau, thân thiết nhau hơn, nhưng rồi vì các nhu cầu công tác nên không còn dịp gần nhau. Đã ở trong tù thì sự cách ngăn quá lớn nên sáng hôm ấy tôi chỉ thấy anh từ xa, rồi mỗi người lại về nơi giam giữ, không còn gặp nữa.
Một buổi sáng nọ, tôi còn nhớ mãi là sáng thứ Sáu, vào khoảng 8 giờ, tôi bị hai người cảnh sát cầm súng gọi ra và dẫn tôi đến gần cổng quận. Qua hàng rào thưa tôi thấy vợ tôi giàn giụa nước mắt, hai tay ôm một bọc đồ. Một viên cảnh sát đứng ngay ở cổng nói lớn, hướng về phía tôi:
– Này, chồng bà còn sờ sờ đó chớ có ai giết chết đâu. Thôi, về đi. Thứ Hai, mới đến ngày bà thăm tù!
Nói xong, người ta lôi tôi ngay về xà lim. Đến ngày thăm nuôi, vợ tôi tìm cách nói cho tôi biết có một người lính Bảo an ở quận đã đến thông báo cho vợ tôi biết là tên Quận trưởng Vũ Đình đã lên danh sách thủ tiêu những người tổ chức biểu tình vừa rồi. Về sau, khi đã tự do tôi mới biết người Bảo an tên Nguyễn Hữu Dư, có cảm tình với cách mạng, nhân dịp tình cờ đọc được cái mật lệnh ấy ở phòng cảnh sát. Được tin, vợ tôi vội vàng đem đồ lên thăm nuôi chồng, nhưng lính không mở cửa vì chưa đến ngày quy định. Vợ tôi cố năn nỉ mãi không được nên đã la to: “Các ông giết chết chồng tôi rồi!”. Và tiếng la hét quá lớn nhiều lần đã khiến người ta kéo đến khá đông, nên tên Vũ Đình cho đưa tôi ra…trình diện. Sau hôm ấy thấy âm mưu thủ tiêu tôi đã bị lộ chúng cho chuyển gấp tôi ra nhà lao Hội An để chờ ngày chuyển ra ngoài Côn Đảo.
Buổi tối, trong số tù nhân bị còng tay lại đưa ra chiếc xe mười hai chỗ ngồi để ra Hội An, tôi thấy mình ngồi bên anh Võ Hạnh, và ra đến nơi chúng tôi cùng được nhốt chung một phòng.
Phòng chỉ đủ chỗ cho khoảng ba mươi con người nhưng chúng nhốt gần trăm mạng, sàn nằm được ghép từ những thanh củi nhỏ, dài, đầy những nhánh mắc lởm chởm, đâm mạnh vào lưng, thêm rệp lúc nhúc ở trong các kẽ cùng với đám muỗi ken dày tấn công liên tiếp trong một không khí oi nồng, ngột ngạt, khiến những người tù khó tìm giấc ngủ. Anh Võ Hạnh nằm cạnh tôi, đêm nào cũng chia cho tôi cái phần mát mẻ từ chiếc quạt giấy phe phẩy không ngừng trên bàn tay anh. Đồng thời, để dỗ giấc ngủ cho các bạn tù, mỗi đêm anh lại kể chuyện, nào Tam quốc chí, Đông Chu liệt quốc, nào Thủy Hử, Tây du ký v.v… Anh kể chuyện cho đến khuya lắc khuya lơ. Bấy giờ trong tù chưa quy định giờ giới nghiêm như về sau này. Để giúp anh em quên bớt nóng bức và nỗi nhớ nhà cũng như trăm điều buồn phiền của cảnh giam giữ, anh Võ Hạnh bao giờ cũng là người tìm thấy giấc ngủ sau cùng. Nhờ được tiếp xúc trong cảnh khốn khổ như thế, tôi mới thấy những giá trị của con người anh. Sao mà anh tốt với anh em như thế, và sao anh lại có được trí nhớ phi thường như vậy, bởi đêm nào anh cũng kể miên man, bất tận về các chuyện cổ mà không hề thấy cạn kiệt. Hồi ấy, tù được tự quản lấy việc cơm nước nên trong bữa ăn thỉnh thoảng có một lát thịt hay miếng cá thì anh Võ Hạnh luôn tìm cách nhường phần ấy cho tôi, mà tôi không hề hay biết: Trong lúc nhận việc phân phối cơm nước cho các bạn tù, anh đã để phần ăn ấy ở dưới chén cơm và trao cho tôi. Đến lúc biết rõ, tôi san sớt lại thì anh nói giọng từ tốn nhưng cũng dứt khoát:
– Mình đã quen rồi, Dũng cứ ăn đi. Chúng ta còn phải chịu đựng lâu dài.
Có lẽ, anh nghĩ rằng tôi sinh trưởng trong một gia đình khá giả, không thể chịu nổi cực khổ của chốn lao tù nên hỗ trợ chăng? Không riêng với tôi, anh xử tốt với mọi người. Trong cái vóc dáng cao, gầy, màu da ngăm đen, tiếng nói nhỏ nhẹ ẩn chứa tấm lòng nhân ái, bao dung, anh đã khiến tôi nhiều khi xúc động. Thì ra, giá trị con người thực sự chỉ được tìm thấy qua những cảnh ngộ thử thách.
Một hôm tình cờ tôi thấy Trần Tín, Chi trưởng Công an Thăng Bình – người đã từng tra tấn tôi ác liệt – ở trong đội ngũ cảnh sát của nhà lao này. Anh em cho biết gã bị cách chức, đưa về làm người lính thường, do có mâu thuẫn với tên Vũ Đình. Luôn tìm cách thoát khỏi nơi chốn này, tôi bỗng nảy ra một ý. (Về sự việc này tôi có thuật lại khá rõ trong một truyện ngắn Cái tết nhớ đời đã in thành sách nên chỉ ghi lại vắn tắt như sau):
Một buổi sáng nọ thấy Trần Tín ngồi một mình, tôi tiến lại gần và lễ phép nói:
– Thưa ông Chi trưởng…
Gã trợn mắt nhìn tôi, hằn học:
– Chi trưởng cái mẹ gì nữa!
Tôi vội tiếp lời:
– Thưa ông, với tôi ông vẫn luôn là Chi trưởng.
Tôi nói câu ấy thật với hai ý và để cho gã chọn lấy cái ý thích nhất. Quả gã dịu giọng, hỏi tôi:
– Thế anh muốn gì?
Tôi đã nói về hoàn cảnh của tôi, là một trí thức địa phương hiền lành không đảng, không đoàn, nhưng vì bất bình với sự tàn ác của tên Quận trưởng Vũ Đình nên đã chống đối. Do không có thế lực nào nên tôi phải dựa vào đám quần chúng biểu tình để bày tỏ quan điểm mình. Nay tôi muốn viết tờ đơn xin trả tự do, nếu được Chi trưởng góp ý cho tôi biết rõ nhiều hơn về những tội ác của tên Quận trưởng thì tôi sẽ mang ơn ông…
Hẳn đang tức giận Vũ Đình, nay được có người tố cáo hắn ta cũng là một cách trả thù giúp mình, đồng thời là cách giải tỏa phần nào hận thù – nếu có – do gã đã tra tấn tôi, nên Trần Tín đã cho tôi biết khá nhiều sự kiện tồi tệ của tên Quận trưởng mà tôi không sao ngờ đến. Cuối lá đơn tôi, Trần Tín xác nhận đây là sự thật. Và một tháng sau, tôi nhận được giấy trao trả tự do. Câu chuyện tìm cách về quê thế nào để được yên ổn và các mưu toan rời khỏi quê nhà để vào Sài Gòn, tôi đã kể lại trong truyện Cái tết nhớ đời.
Khi tôi nhận giấy phóng thích, tôi nói mấy lời để chia tay anh Võ Hạnh, anh bùi ngùi nói:
– Tình hình đất nước thế này không biết bao giờ anh em mình mới được gặp lại nhau.
Tôi nói cho anh đủ nghe rằng tôi tìm cách đi vào Sài Gòn để dùng báo chí tiếp tục đấu tranh. Nếu anh đồng ý tôi sẽ xin mượn tên anh làm bút hiệu để anh em mình vẫn ở bên nhau. Anh không trả lời, ôm chầm lấy tôi, nước mắt lưng tròng.
Đi vào được đến Sài Gòn, bấy giờ thật chẳng dễ dàng. Suốt một năm đầu, anh Trương Văn Thông, dạy học ở Đà Nẵng hàng tháng gởi tiền vào để nuôi tôi. Rồi tôi sớm liên hệ được với Khu ủy là nhờ một người mà nhiều năm sau tôi mới được nghe nói đến là anh Tư An, quê ở Hội An, đã gặp gỡ tôi vài lần vào thời chống Pháp, ở tại Thăng Bình. Đến ngày giải phóng, tôi muốn tìm anh nhưng nghe anh đã hy sinh, ở cầu Chữ Y, vào dịp Mậu Thân (1968).
Tôi được Khu ủy giao cho hoạt động đơn tuyến, chống văn hóa địch ở nội thành, liên lạc với vùng giải phóng thông qua một cán bộ bán công khai. Tôi lấy tên anh Võ Hạnh làm bút hiệu nhưng đổi chữ “Võ” thành “Vũ”. Vả lại bấy giờ các văn nghệ sĩ di cư vào Nam họ Vũ cũng nhiều như: Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan v.v… nên tôi nghĩ mình cũng “Vũ” với họ xem sao. Tôi đã làm tròn trách nhiệm được giao và phải trả giá thêm 4 lần tù.
Những ngày ở Sài Gòn, tôi được gặp lại anh Nguyễn Hữu Dư, người lính Bảo an đã giúp cho tôi thoát chết. Anh theo gia đình bên vợ vào định cư ở Thủ Đức, nay có hai người con trai – là Nguyễn Hữu Thiện và Nguyễn Hữu Thống – đều là luật sư có uy tín ở thành phố.
Khoảng năm 1963-1964, tôi đang dạy trường Đạt Đức ở bên Phú Nhuận thì một học sinh của tôi hoạt động bị bắt, đưa xuống nhà lao Tân Hiệp – Biên Hòa, và khi được trả tự do trở về học lại, có cho tôi biết đã gặp được anh Võ Hạnh trong tù và anh gởi lời thăm tôi. Tôi vội sắm ít thức ăn, tìm xuống Tân Hiệp thăm anh. Đến nơi, người ta cho biết anh đã bị trả về Huế để khai thác lại. Anh cũng như tôi, ra vào liên tục năm lần trong chốn lao tù, nhưng không làm sao mà gặp được nhau.
Đến ngày giải phóng, tôi hỏi tin anh, mới biết anh không còn nữa. Một bạn đồng hương kể lại, vào năm 1973 anh bị bệnh nặng, cấp trên cho sang Liên Xô chữa trị nhưng anh từ chối, vì anh không nỡ rời xa đồng đội đang phải chiến đấu trong một hoàn cảnh cực kỳ gian khổ. Đơn vị của anh hoạt động ở vùng cát trắng, miền hạ Thăng Bình, nơi mà bọn lính Đại Hàn khát máu – chư hầu của Mỹ – đã giết hại người hết sức bạo tàn. Một số học sinh ngày nào của tôi – như là anh Ngạnh, cô Thuấn – tham gia kháng chiến bị chúng khui hầm, lôi lên và chặt làm đôi. Trong một trận càn của địch, thấy lực lượng mình quá mỏng, anh Võ Hạnh đã tình nguyện ở lại chặn đường tiến quân của giặc để cho đồng đội rút lui an toàn. Anh đã bắn đến viên đạn cuối cùng và bị bọn lính Đại Hàn giết chết, xác anh vắt ngang bờ thổ, máu anh loang đỏ trên nền cát trắng quê hương.
Vài năm sau ngày giải phóng, chị ruột anh Võ Hạnh – là chị Xuân Lan – đã từ Hà Nội vào tìm thăm tôi. Chị đã tập kết ra Bắc từ sau Hiệp định Genève và nay là một cán bộ cao cấp ở Bộ Giáo dục. Chị hỏi thăm tôi về người em ruột của mình mà trên hai mươi năm qua không được một tin tức nào. Tôi cũng không hiểu gì hơn về anh Võ Hạnh, ngoài những ngày tháng trong tù. Và kể từ đấy, tôi có người chị – là chị Xuân Lan – bởi chị luôn xem tôi là người em Võ Hạnh của mình. Mỗi dịp đi vào thành phố Hồ Chí Minh, chị thường tìm đến thăm tôi với những lời nói ân cần và những cử chỉ âu yếm của một người chị.
Một lần về quê, tôi được anh Trần Văn Trai – Chủ tịch huyện Thăng Bình – cho biết là sau giải phóng ít lâu có một phụ nữ ở miền đất cát dắt theo một đứa con nhỏ đến gặp lãnh đạo và tự giới thiệu là vợ con anh Võ Hạnh. Những ngày đóng quân ở vùng đất cát khô cằn và hẻo lánh này, anh đã yêu thương cô gái, đã từng sống như vợ chồng để đợi hòa bình sẽ làm lễ cưới. Anh Trần Văn Trai nói tiếp: “Không có cái gì chứng tỏ chị ấy là vợ và đứa bé ấy là con trai anh Võ Hạnh, nhưng tôi hiểu rằng đó là sự thật vì người phụ nữ nông thôn không hề mạo nhận những điều như thế. Vả lại, nếu không quả đúng như vậy thì giúp cho một phụ nữ nông dân nghèo khổ được hưởng chế độ của vợ liệt sĩ và đứa bé nhỏ được Nhà nước nuôi ăn học cũng làm cho anh Võ Hạnh được vui, vì anh vẫn là có vợ, có con và sự hy sinh của anh luôn đem lợi ích lại cho người khác”. Em bé được huyện nuôi dưỡng cho đến ngày tốt nghiệp đại học.

*
Mãi đến ngày nay, anh Võ Hạnh còn sống mãi với tôi trên những bài báo, trên những trang sách. Và không chỉ là một người bạn quý, anh còn là một hình ảnh tuyệt với về một đồng hương – một người Quảng Nam giàu lòng nhân ái và chí kiên cường.
V.H.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây