Tác giả Nguyễn Bảo

Nguyễn Bảo

NGUYỄN BẢO

Sinh ngày 02 tháng Tư 1950
Quê quán: Xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.
Học xong Đại học Tổng hợp khoa Ngữ văn lên đường nhập ngũ, làm phóng viên chiến trường tại Mặt trận Trung Trung bộ (4/1971). Sau giải phóng được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội làm biên tập viên. Từng là Trưởng ban Văn xuôi, Phó tổng Biên tập, rồi Đại tá, Tổng Biên tập. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1977).

Tác phẩm chính:

Biển đêm (tập truyện ngắn, 1981); Những người sẽ vào thành phố (tập truyện ngắn, 1996); Điều bất ngờ (tập ký, 1999); Nơi tổng thống Hoa Kỳ đi qua (tập ký 2004); Quà tặng (tập truyện ngắn, 1999, tái bản 2003); Người ở thượng nguồn (tiểu thuyết, 1983); Giám định của đất (tiểu thuyết, 1989, 1999, 2007); Khoảng sáng không mất (tiểu thuyết, 1992, 2007); Ảo ảnh (tập truyện ngắn, 2004); Phía sau người lính (tập truyện ngắn 2008); Thượng Đức (tiểu thuyết); Đỉnh máu (tiểu thuyết).

Giải thưởng:

Quà tặng – Giải thưởng Văn học 5 năm của Bộ Quốc phòng (1994-1999); Ảo ảnh (tập truyện ngắn) – Giải thưởng Văn học 5 năm của Bộ Quốc phòng (1999-2004); Thượng Đức (tiểu thuyết) – Giải thưởng 5 năm của Bộ Quốc phòng (2004-2009) – Giải thưởng Văn học  Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ Nhất (1998-2008); Đỉnh máu – Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ Hai; (1998-2013); Thượng Đức (tiểu thuyết) Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

 

NGUYỄN CHƠN, LẶNG LẼ, PHI THƯỜNG

Cách đây hơn một năm, cuối tháng 6 năm 2015, tôi và Xuân Quang, nhà nhiếp ảnh của đất Quảng, ghé thăm Nguyễn Chơn. Anh già yếu đi nhiều. Khoác trên người bộ pijama màu nâu, rộng rinh, anh nói với chúng tôi: “Tuổi này hay trở chứng, bị đau luôn”. Anh không đi viện mà chữa bệnh tại nhà. Lúc chúng tôi đến, một y sĩ đang bấm huyệt cho anh. Thường cái giờ này, anh không tiếp khách nhưng nghe có mấy anh trước cùng ở sư đoàn, thế là anh bảo người nhà: “Cứ mời vào”. Cô y sĩ xin lỗi được làm tiếp ít phút nữa. Chúng tôi ngồi cạnh đó nói chuyện với anh. Vẫn như xưa, thủ trưởng Nguyễn Chơn của chúng tôi rất khiêm nhường, lặng lẽ, ít nói. Xuân Quang tha thiết xin chụp ảnh anh. Nguyễn Chơn không lạ gì Xuân Quang. Anh là phóng viên ảnh chiến trường, chụp rất nhiều ảnh cho Sư 2. Riêng Nguyễn Chơn cũng đôi lần Quang được bấm máy. Và lúc này, hơn bất cứ lúc nào, anh muốn có một bức ảnh của thủ trưởng mình. Nguyễn Chơn cười mỉm, nói nhẹ nhàng: “Quang ơi! Để dịp khác đi”. Chúng tôi biết anh đã nói vậy là không thay đổi nữa. Anh là người không thích khuyếch trương. Chụp ảnh, quay phim, hoặc giới thiệu trên báo với anh rất hạn chế. Hồi chiến tranh đã vậy, hòa bình rồi, càng như vậy. Lần khác ư? Buồn thay! Đó lại là lần chúng tôi nghe báo tin buồn về anh.
Chiến trường Khu 5, đặc biệt mặt trận Quảng Nam những năm chiến tranh không mấy ai không biết đến người chỉ huy quân sự đức độ và tài ba Nguyễn Chơn. Hòa Minh, Hòa Vang, Quảng Nam – Đà Nẵng còn nhớ mãi chàng thanh niên Nguyễn Chơn trước ngày lên đường nhập ngũ. Người bố muốn giữ Nguyễn Chơn ở nhà thêm một thời gian. Nguyễn Chơn cầm chiếc đục chàng và nói với bố: “Nếu bố không cho đi con sẽ chặt một ngón chân”. Ông bố ngỡ con chỉ dọa nên không ngăn, ngay lập tức Nguyễn Chơn dùng chiếc đục xắn luôn ngón chân út của mình. Thấy máu đỏ lòm lênh láng và một ngón chân đứt rời, người bố hốt hoảng chấp nhận nguyện vọng của con. Năm ấy, 1946, Nguyễn Chơn nhập ngũ. Tính cách quyết liệt ấy còn biểu hiện khi đã là một vị chỉ huy tài ba. Bị đạn địch bắn vào bắp tay, Nguyễn Chơn đã bảo y sĩ mổ lấy mảnh đạn ra, không cần thuốc tê. Ông muốn dành phần thuốc ấy cho cán bộ chiến sĩ khác. Từ một người lính cho đến khi là một thượng tướng với các chức danh Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, những chiến công của Nguyễn Chơn vang lừng cả nước. Ông được đánh giá là một trong ba sư đoàn trưởng giỏi nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hàng trăm trận đánh với cương vị người chỉ huy, Nguyễn Chơn chưa chịu thua trận nào. Ông được coi là người bất khả chiến bại. Hiện nay, Sư đoàn bộ binh 2 vinh dự mang tên Sư đoàn Nguyễn Chơn. Ông được hai lần phong tặng danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Anh là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI , khóa VII, là đại biểu Quốc hội khóa VIII; từng là Tư lệnh Quân đoàn 2, Tư lệnh Quân khu 5. Những trận đánh lớn lừng danh một thời gắn liền với tên tuổi Nguyễn Chơn. Đó là các trận: Ba Gia, Vạn Tường, Đường 9 Nam Lào, Đắk Tô, Tân Cảnh, Căn cứ 547 của giặc Pôn Pốt…
Tôi biết Nguyễn Chơn thời kỳ anh là Sư trưởng Sư 2. Sư đoàn được tôn vinh là “sư đoàn Thép”. Mới chỉ nghe tên sư đoàn, địch đã bạt vía kinh hồn. Nguyễn Chơn là người đặc biệt có năng khiếu quân sự. Lần đó, tôi và nữ nhà văn Bắc Hà cùng sư đoàn ông hành quân đánh địch ở Liệt Kiểm (huyện Hiệp Đức). Trên đường băng qua một cánh đồng, máy bay địch rà lượn sát rạt. Kiểu này chúng sẽ cho nã pháo hoặc bỏ bom đến nơi. Ai nấy cuống cuồng chạy khỏi cánh đồng. Nguyễn Chơn không chạy. Ông hơi nghiêng đầu nhìn máy bay và đi nhanh hơn một chút. Đến chỗ nghỉ chân, mọi người thở phào, ông lại bảo: “Chỉ nghỉ chốc lát, rồi đi ngay, mười lăm, hai mươi phút nữa, pháo địch sẽ dội vào khu vực này. Mình đi trước đây”. Thế rồi ông và cậu công vụ bươn bả đi ngay. Thiếu tướng Trịnh Hoàng Lâm lúc đó là người chỉ huy hành quân nói với tôi và Bắc Hà: “Hai người không vướng bận gì nên đi trước với Sư trưởng”. Thông thường, Sư trưởng ra trận có cả bộ sậu đi theo: công binh, trinh sát v.v…, Nguyễn Chơn không như vậy. Ông bảo đi nhiều người dễ lộ. Nguyễn Chơn và cậu công vụ đi nhanh quá chừng. Đường ông đi cắt ngang, cắt dọc không biết đâu mà lần. Tôi bị tụt quai dép, loay hoay vài phút, thế là không theo được ông. Lạc. May, đã vượt qua tọa độ pháo địch. Ông là người người phán đoán rất tài tình, cũng là người có linh cảm lạ lùng về những diễn biến sẽ xảy ra. Gặp tình huống hiểm nguy, ông xử trí nhanh và rất thông minh. Nhờ đó, ông và đơn vị nhiều phen thoát nạn. Trong khi pháo địch còn nổ đì đùng phía sau thì ông và cậu công vụ đã giăng lưới bắt cá ở một con suối. Ông giễu Bắc Hà: “Thấy đồng đội không theo kịp, phải đợi chứ, mà không cũng phải quay lại tìm chứ?”. Bắc Hà cũng chẳng vừa: “Thủ trưởng cứ xui dại. Pháo bắn sau lưng. Đằng trước, thủ trưởng đi như gió, còn biết đường nào với đường nào mà tìm với đợi”. Lần đó, ông chọn sở chỉ huy sư đoàn rất gần chân núi Liệt Kiểm. Nơi đây dễ quan sát bộ đội bao vây tấn công địch nhưng khá nguy hiểm. Tôi và Bắc Hà đào hầm cạnh sở chỉ huy. Mấy anh bảo vệ đề nghị chúng tôi lui về sau. Chỗ này không được an toàn. Nguyễn Chơn cười mỉm: “Thế các cậu bảo cứ xa thằng địch là an toàn ư?”. Rồi ông ra hiệu cho mấy anh bảo vệ cứ để mặc chúng tôi. Lần đầu tôi tham gia một trận đánh gần Nguyễn Chơn và gần địch đến thế. Nguyễn Chơn chỉ huy một trận đánh thật ung dung. Sở chỉ huy lặng phắc. Ông ít gọi điện thoại. Mọi người ở đây không quá hồi hộp, căng thẳng như tôi hình dung. Khi trên cứ điểm Liệt Kiểm báo về, ta đã làm chủ trận địa, nỗi mừng vui cũng không quá lộ trên gương mặt Sư trưởng. Có cảm giác ông coi đó là việc đương nhiên. Ông cầm ống nghe, nói ngắn gọn: “Khẩn trương thu dọn chiến trường. Giải quyết tốt chính sách thương binh liệt sĩ. Xong, đào công sự tránh pháo, tránh bom và chuẩn bị đánh địch phản kích”. Rồi ông ra khỏi hầm nói với mọi người: “Ta cũng rút thôi. Bây giờ, chỗ này không yên ổn nữa đâu”.
Sau trận đánh ở Liệt Kiểm, tôi và Bắc Hà lại theo Sư 2 tấn công vào sào huyệt địch ở Cấm Dơi, Quế Sơn. Năm 1972 mở ra một thời kỳ mới: đánh thẳng vào các căn cứ lớn bố phòng chặt chẽ của địch. Cấm Dơi nằm gọn trong một thung lũng. Kế bên là dân Quế Sơn được địch dồn tới, làm thành một hàng rào che chắn. Một trung đoàn địch đóng ở đây. Bàn phương án tác chiến, nhiều người e ngại. Địa thế hiểm trở, trận đánh khó bảo vệ tính mạng cho dân. Nguyễn Chơn nói: “Chỉ huy trung đoàn địch đóng phía trong mấy hòn đá lớn kia. B72 điều khiển làm sao rót trúng vào bên trong mấy hòn đá đó là xong”. Mọi lo toan trên gương mặt những người tham chiến bỗng dưng bừng sáng. Họ tin vào lời nói của Nguyễn Chơn. Ông có nói sai bao giờ đâu. Quả nhiên, trận đánh đã diễn ra không ngoài dự kiến. B72, vũ khí hiện đại lần đầu đến chiến trường Khu 5 đã hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những quả đạn đầu. Rơi đúng vào đầu não địch. Chỉ huy tê liệt, binh lính rối loạn. Trận đánh kết thúc chóng vánh.
Xin kể thêm trận Nguyễn Chơn chỉ huy tiến công cứ điểm Nông Sơn trong chiến dịch Thượng Đức năm 1974. Địch gồm một tiểu đoàn, bố phòng trên một đỉnh núi cao hiểm trở. Tướng Chu Huy Mân, chỉ huy chiến dịch nói với Nguyễn Chơn: “Trận này của Sư 2 quan trọng lắm. Đây là trận mở màn. Không thắng, Sư 304 đánh Thượng Đức sẽ gặp khó khăn”. “Thủ trưởng yên tâm” – Nguyễn Chơn chỉ nói vậy. Lần đó, tôi đi với Trung đoàn 6 – trung đoàn chủ công giải phóng Thượng Đức. Trung đoàn trưởng chỉ tay về cứ điểm Nông Sơn nói: “Chính cái Nông Sơn kia mới khó gặm. Không biết Sư 2 sẽ xoay xở thế nào. Chứ thằng Thượng Đức này sức mấy chịu nổi”. Tôi đã tham gia với Sư 2 vài trận. Nghe nói vậy, tôi cười thầm trong bụng: “Ấy là anh chưa biết tài chỉ huy của Sư trưởng Nguyễn Chơn thôi. Khó thật đấy, nhưng thắng là cầm chắc”. Trước giờ ta nổ súng, một tình huống không lường đã xảy ra, địch điều thêm một tiểu đoàn lên Nông Sơn. Tướng Hai Mạnh gọi gấp Nguyễn Chơn về Sở chỉ huy chiến dịch. Ông hỏi: “Tình hình này nên thế nào?”. Nguyễn Chơn quả quyết: “Trên đỉnh Nông Sơn từ trước đến nay chỉ một tiểu đoàn đóng quân. Nay nó điều thêm một tiểu đoàn, rõ ràng với mục đích thay chân nhau. Như vậy, việc này chỉ tạo thời cơ để ta diệt địch nhiều hơn”. “Nhưng phương án chỉ đánh với một tiểu đoàn?”. “Hai tiểu đoàn, quân tăng nhưng sức mạnh không tăng. Vả lại tư tưởng thay nhau kẻ ở, người đi nên thiếu cảnh giác, lộn xộn nhốn nháo là không tránh khỏi. Chính chúng đã tạo ra yếu tố bất ngờ để ta tấn công”. “Đồng ý, cơ hội để Sư 2 diệt hai tiểu đoàn địch cùng một lúc đó”. Như mọi lần, ở những trận đánh lớn, Nguyễn Chơn cho pháo lên cao bắn thẳng vào từng mục tiêu. Địch không cách gì chịu nổi. Nông Sơn – một cứ điểm được coi là khó đánh nhất đã tan tành mây khói ngay từ những phút đầu trận. Kinh nghiệm dùng pháo bắn thẳng ở Nông Sơn, được áp dụng vào lần cuối, khi bộ đội Sư 304 tấn công dứt điểm Thượng Đức.
Cái lần tôi và Xuân Quang đến thăm Nguyễn Chơn, chúng tôi vừa ở Thượng Đức về. Xuân Quang đưa cho anh xem bức ảnh Tượng đài Thượng Đức vừa được khánh thành. Tôi nói với anh: “Hồi Sư 304 đánh Chi khu Quận lỵ này, vất vả quá. Bộ đội hy sinh nhiều, trầy da tróc váy mới thắng”. Nguyễn Chơn nói ngay: “Khó là do mình thôi. Chủ quan đã đành nhưng cách đánh không phù hợp”. Xuân Quang hỏi: “Hồi đó, khi trận đánh trục trặc, nghe nói có phương án đưa Sư 2 vào thay Sư 304, đúng không thủ trưởng?”. Nguyễn Chơn có vẻ miễn cưỡng: “Sự thay thế chỉ là việc bất đắc dĩ. Chỉ huy chiến dịch có bàn về chuyện đó thật. Nếu cấp trên quyết thì bọn mình sẵn sàng thôi. Nhưng thủ trưởng Chu Huy Mân không đồng ý. Ông nói: “Đúng là Sư 2 có nhiều kinh nghiệm đánh địch ở chiến trường Khu 5 nhưng cũng vừa mới dứt điểm trận Nông Sơn. Mới lại làm thế cán bộ chiến sĩ Sư 304 sẽ nghĩ thế nào?” Ông chỉ thị cho Sư 304 rút ra, củng cố lực lượng, rút kinh nghiệm. Khi nào thấy chắc thắng, đánh tiếp. Còn Sư 2 tổ chức đánh địch ở một vài điểm khác, tiêu hao lực lượng địch, chặn không để địch chi viện cho Thượng Đức. Chỉ đạo của ông Mân là đúng. Thượng Đức cho ta nhiều bài học quý. Qua đó ta đã đứng vững khi lính dù dốc sức âm mưu lấy lại Thượng Đức”. “Lâu nay thủ trưởng có theo dõi tình hình không?” – Quang lại hỏi. “Mình vẫn đọc báo đều đều”. “Thủ trưởng thấy tình hình thế nào? Dư luận đồn đoán nhiều chuyện phức tạp”. “Phức tạp cũng do mấy ông thôi. Mấy ông quậy phá, sinh chuyện ấy mà. Phải tin Đảng, tin dân chứ!”. “Còn vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa thủ trưởng?”. “Việc đó cũng đã có chủ trương rồi. Phải bình tĩnh tự tin, kiên trì, nhẫn nại. Giống như thời chiến tranh thôi. Sai một ly, đi một dặm. Hoang mang dao động là thua thằng địch đấy. Nóng vội cũng vậy thôi. Thua. Thua đấy”.
Quang điện cho tôi: “Đám tang thủ trưởng Nguyễn Chơn ở Đà Nẵng đông lắm, xúc động lắm. Mình có chụp cho ảnh bức chân dung hồi năm 2000. Ảnh dặn gia đình dùng tấm ảnh này đặt trên bàn thờ. Lạ kỳ, lúc ảnh đi, gương mặt thanh thản như tấm ảnh đã chụp hồi nào”. Phải thôi, không thanh thản sao được khi người chiến sĩ ấy đã hoàn thành sứ mệnh với quân đội, với dân tộc một cách vinh quang. Anh là người lặng lẽ mà thật phi thường.

Hà Nội, 18 tháng 01 năm 2016
N.B.

 

QUẢNG NAM, MIỀN KÝ ỨC CỦA TÔI

Năm 1970 đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi nhận được giấy báo vào chiến trường miền Nam. Trước khi đi, chúng tôi được gọi về Hội Nhà văn Việt Nam học thêm nghiệp vụ. Sau gần một năm thu nạp kiến thức làm văn, làm báo mà các bậc thầy về văn chương, báo chí giảng dạy, chúng tôi còn được vài tháng tập quân sự. Từ đầu tuyến lửa Quảng Bình, chúng tôi rẽ theo các ngả đường về các mặt trận. Đoàn đi Nam bộ, đoàn đến Trị – Thiên, đoàn vào Khu 6… Đoàn chúng tôi sau hơn một tháng trèo đèo lội suối, “hứng” khá nhiều trận bom pháo dọc đường Trường Sơn đã có mặt gần đầy đủ ở Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5. Lúc này đại bản doanh của Khu ủy và Quân khu ủy đóng trên đất Quảng Nam.
Tại đây, anh chị em vừa đến được bổ sung về các tiểu ban của Ban Tuyên huấn. Nhưng trước hết là cùng nhau đi gùi gạo và làm thêm nhà. Có tin Ban đang cử người tới bản dân tộc đổi muối lấy heo liên hoan. Mấy tháng trời, thức ăn chỉ chút mắm muối, rau tàu bay, lá tai voi, môn thục… cái tin kia cũng hấp dẫn làm sao! Nhưng đúng lúc ấy, nhà văn Nguyên Ngọc ở Cục Chính trị Quân khu sang thăm, nói chuyện. Ông muốn xin một số anh chị em mới vào sang phục vụ bên Quân đội. Tôi, Nguyễn Hồng và Vũ Thị Hồng tình nguyện đi ngay. Và thế là bỏ luôn cơ hội được “đánh chén” rôm rả với đồng đội trước lúc chia tay.
Hôm đó, trời mưa sùi sụt, chúng tôi khoác ba lô theo chân những người đi gùi gạo về Ban Văn học Quân khu 5. Đi được nửa buổi đường, gặp một con sông, gọi là Nước Oa. Giữa muôn trùng cây lá, thấp thoáng những mái nhà lá đơn sơ. Được biết, đây là doanh trại của Cục Chính trị. Vào đó mới hay Ban Văn học không có ai ở nhà. Một số người đi với các đơn vị bộ đội, một số khác đi vỡ đất, trồng ngô, trồng sắn. Nơi ở của Ban chỉ còn trơ ra cái nền đất trống. Lâu ngày không ai trông coi, lợn thả rông được phen tung hoành. Rồi mưa gió dầm dề đã làm ngôi nhà đổ sụp. Ba anh em đành xin ở tạm nhà Ban Dân vận cạnh đó. Những ngày chờ đợi, bàn nhau chặt gỗ, cắt lá làm nhà. Hồi còn là sinh viên sơ tán ở trên rừng, cũng đã từng làm nhà kiểu này nên không lạ lẫm. Chưa đầy tháng, các anh trong Ban lục tục kéo về, cũng là lúc ngôi nhà đang được hoàn thiện. Anh Nguyên Ngọc – Trưởng ban, đi Quảng Nam về đầu tiên, anh Nguyễn Chí Trung – Phó ban và là Bí thư Chi bộ đi lấy tài liệu ở một khu dồn, về sau cùng. Ít ngày sau chúng tôi chính thức là người lính. Lính binh nhất. Cuộc đời quân ngũ mà chúng tôi theo đuổi suốt cuộc đời, bắt đầu là như vậy đấy.
Từ Nước Oa, đội quân văn học nghệ thuật tỏa về các miền đất khác nhau, bám dân, bám các đơn vị. Là lính, mới nho nhe viết văn, các anh trong Ban muốn sớm đưa chúng tôi vào cuộc, thử thách. Biết vậy chúng tôi thầm hứa vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu. Trước tiên vẫn là làm quen với việc đi gùi gạo trên các làng dân tộc miền núi Quảng Nam, cả đi lẫn về có khi hai ba ngày đường. Lần đó tôi đi gùi gạo với anh Vũ Phong Tạo. Anh Tạo ở Ban trước chúng tôi và là dịch giả tiếng Trung Quốc. Lúc về tôi và anh vướng phải bẫy chông chống địch càn của đồng bào, máu chảy lai láng phải nằm lại ở bản một ngày, một đêm nhờ dân chăm sóc và đắp thuốc. Tiếp theo là làm quen với việc làm rẫy trồng sắn, trồng bắp. Nhưng có lẽ khác hơn so với bạn bè ở Khu ủy, tôi, Hồng nam, Hồng nữ được sớm đưa về các đơn vị chiến đấu. Chuyến đi thực tế đầu tiên của ba chúng tôi là về các mặt trận nóng bỏng nhất, tự lo liệu đường đi nước bước, tự xoay xở các tình huống gay cấn vẫn thường xảy ra nơi bom đạn. Xuống đơn vị, theo truyền thống của Ban, mỗi người phải bám tiểu đoàn hoặc đại đội. Trận đầu tham gia, Vũ Thị Hồng đi với một tiểu đoàn của Sư 2 đánh địch ở Hòn Chiêng, Quảng Nam rồi cầm AK cùng bộ đội rượt đuổi địch. Nguyễn Hồng theo một mũi chủ chốt của đại đội đặc công, cởi trần bôi lọ nghẹ bò vào tận đồn địch. Tôi đi với Tiểu đoàn 91 đóng trên đất Quảng Đà suýt chết vì bị địch vây phục trong trận đánh ở Bình Long, Điện Bàn. Hôm đó tiểu đoàn hành quân suốt đêm. Gần sáng, các đại đội dừng lại ở một bãi bói sát sông Thu Bồn. Theo phương án, tối đến sẽ vượt sông chiếm lĩnh trận địa tiêu diệt một tiểu đoàn Bảo an của địch. Chẳng hiểu sao, mới tảng sáng, hai chiếc HU1A của địch đã quần thảo tơi bời trên bầu trời khu vực trú quân. Không có lệnh bắn máy bay, cán bộ chiến sĩ đành nín nhịn, chịu đựng. Được thể, hai chiếc máy bay càng làm già, chúi thấp, bắn đại liên, ném lựu đạn. Nhiều căn hầm bị đạn cày trốc lốc. Bộ đội thương vong la liệt. Hầm của Thiềng – Chính trị viên tiểu đoàn trúng một quả rốc két hy sinh ngay tại chỗ. Tiểu đoàn trưởng, Tham mưu trưởng phiêu bạt đâu đó. Tiểu đoàn phó lạc một ngày sau mới tìm về được đơn vị. Thoạt đầu, tôi chung hầm với cán bộ đại đội. Khi máy bay làm nghiêng ngả bầu trời, các anh đi đến với các trung đội, chỉ còn tôi và cậu liên lạc. Nhưng chẳng mấy chốc căn hầm đã đầy ứ tử sĩ và thương binh. Tôi đành nhường hầm cho họ. Gần như không thể thoát khỏi cái chết, tôi bò tìm một chỗ trũng xùm xòa cây bói, cầm súng ngắn và chuẩn bị rút chốt lựu đạn. Bộ binh địch từ đâu đó đã ập đến gần lắm. Chúng đang chỉ trỏ và cười hỉ hả với nhau. Mỗi lần đi chiến dịch, các anh chỉ huy thường dặn: nếu lâm vào tình thế khó thoát thì nên xử trí sao đó để không bị địch bắt sống. Lúc này, tôi nhớ lời dặn ấy và tôi đã sẵn sàng. Lạ lùng, tôi thấy mình tự tin và thật bình tĩnh trước cái chết. Ngay lúc đó, Miêng – Chính trị viên đại đội túm áo tôi kéo dậy. Tôi hiểu là hãy đi theo anh. Chúng tôi chạy bán sống, bán chết lên phía bờ sông. Trên trời, hàng đàn trực thăng của địch vẫn đang chở quân tới, rợp trời. Nhiều chiếc đã hạ xuống các bãi trống. Cát, cỏ cây, bay lông lốc, mờ mịt, tơi bời. Đạn AR15 cùng với những lời chửi rủa đe dọa của đám lính chui từ máy bay ra, ngậu xị. Người yếu bóng vía chỉ nhìn thế đủ ríu chân mà chết ngất. Trận đầu, tôi tham dự là như vậy. Tất nhiên sau đó không lâu, tiểu đoàn được củng cố, tiếp tục đánh, và đã tiêu diệt gọn đồn Bình Long…
Một trận đánh khác tôi không nhớ là trận thứ bao nhiêu tôi được tham gia. Tôi với Quang, phóng viên nhiếp ảnh của Cục Chính trị cùng đi. Trước đó, trình bày phương án tác chiến trên sa bàn, Tư lệnh trưởng Quân khu 5 – Chu Huy Mân tới dự. Ông đồng ý với cách đánh của tiểu đoàn, chỉ căn dặn một điều: “Với địa hình này, địch sẽ bố trí rất nhiều mìn xung quanh. Phải có giải pháp để bộ đội không vướng mìn”. Nho – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 vừa lên thay tiểu đoàn trưởng cũ hy sinh trong trận trước, chỉ dám hứa sẽ cho dò gỡ mìn trên đường tiếp cận. Cả một quả đồi mênh mông không thể nào kiểm soát xuể.
Vào trận, tôi và Quang mon men đi theo chỉ huy tiểu đoàn. Thật tình, đi lấy tài liệu, chụp ảnh hay viết văn, viết báo rất muốn gần chỉ huy. Bởi lẽ, bên cạnh họ, dễ nắm được diễn biến trận đánh, đồng thời có thể vào đồn khi trận đánh dứt điểm. Khốn thay, những người chỉ huy chẳng muốn như vậy. Họ ngại nhiều điều, trong đó có việc đông người dễ bị lộ và có tình huống không hay sẽ vướng chân họ. Hầm chỉ huy gần địch lắm. Nghe rõ chúng chửi tục tằn, thách: “Đố những tên khát máu Việt cộng dám dẫn xác vào đây đấy”. Chúng lu loa rùm beng và bắn súng dọa nạt. Nho nói thầm: “Khéo mà tụi nó biết mình đang ở gần”. Anh hất hàm về phía tôi và Quang đang hí hoáy khoét hầm rồi ra hiệu cho cậu liên lạc. Ngay sau đó cậu liên lạc đến mời chúng tôi về sau. Tôi và Quang không còn cách nào khác, lặng lẽ lùi xa. Tội nghiệp, bậm môi, bậm lợi đào khoét, chiếc hầm còn nông choèn chưa đủ rúc cái đầu thì pháo đã nã tới tấp. Mà lạ kỳ, địch như nhìn thấy rõ tôi và Quang, cứ nhắm vào cái hầm tí tẹo mà phóng đạn. Tôi thấy mặt Quang xanh tái dưới ánh pháo sáng. Quang khỏe và đào hầm rõ nhanh. Tôi ngồi bên ngoài chuyển từng mũ đất lên bờ. Cứ mỗi quả pháo làm tung đất đá rào rào và mảnh bay vù vù, tung tóe, Quang lại ngẩng lên hỏi tôi: “Bị gì chưa?”. Đúng là tôi chưa bị gì và còn nghĩ thầm: “Chết thì thôi, mắc gì phải sợ, giải quyết được gì đâu”. Nhưng rồi cả tôi, cả Quang chẳng can cớ gì. Các quả pháo như ngán ngẩm, cứ nhích xa dần. Khi bộ đội tràn lên Suối Đá( ) làm chủ trận địa, chúng tôi vội xách gùi lên chỗ chỉ huy. Trời ạ! Chỗ tôi và Quang đang khoét hầm dở là cái hố to đùng của một quả pháo. Sát hầm chỉ huy tiểu đoàn cũng có ba, bốn cái hố như thế. Căng thẳng tới mức trông các anh già sọm, xơ xác. Nho bị mảnh vào chân, nhúc nhắc như người què. Ấy thế mà lúc đó Quang cứ đòi chạy lên đồn chụp ảnh. Tôi can Quang, vì chợt nhớ lời dặn của Tư lệnh Chu Huy Mân. Nhưng Quang không chịu: “Thắng thế này mà không vào chụp lấy mấy cái ảnh, về nhà các ông phê đủ chết”. Vâng! Có một thời làm phóng viên của chúng tôi là thế. Ai bảo ít nguy hiểm hơn những người lính chiến. Tôi nghĩ thầm: “sao mình không là người cầm súng cùng họ choảng với địch. Họ xông lên đã có công binh gỡ mìn trước. Còn bây giờ, biết lối nào tránh được cái chết đây?”. Tôi đành cắn răng nuốt cái sợ vào bên trong mà theo Quang. Chạy giữa những đám cỏ, bói xanh rì mà chân cứ nhờn nhợn thế nào. Ở điểm, tiếng nổ vẫn còn bùng lên đây đó và tiếng máy bay ù ì xa xa đang mỗi lúc gần hơn, chuẩn bị quăng bom hủy diệt. Quanh chúng tôi nhiều xác địch và cả những tên bị thương chưa kịp chuyển đi. Cạnh đó là khẩu pháo 105 còn nguyên xi, nòng đang ngún khói… Quang đã chụp được bức ảnh như ý. Sau năm 1975, Quang đưa tôi trở lại Suối Đá. Tôi không còn nhận ra chỗ nào với chỗ nào nhưng Quang thì nhớ như in những gì hai đứa đã chịu đựng và vượt qua…
Là thế, sau mỗi chiến dịch trở về Ban, còn nhìn thấy nhau, chúng tôi không khỏi rưng rưng, mừng mừng, tủi tủi. Nhưng cái gì phải đến sẽ đến. Một lần theo bộ đội Sư 2 đánh địch ở Sơn – Cẩm – Hà, đang loay hoay tìm đường ra khỏi trận địa thì máy bay B52 đến bỏ bom. Hồng nữ bị xô xuống một mảnh ruộng lõm bõm nước. Khi bom dứt, mọi người chạy đến, lôi cô từ đất bùn lên, trên vai phải đầm đìa máu. Nhưng đấy vẫn còn là vận may. Riêng Nguyễn Hồng như dự cảm của nhiều người: khó đi hết cuộc chiến tranh.
Lần đó, gần cuối năm 1973, tôi và Hồng được phân đi cùng một chiến trường: Quảng Đà. Nguyễn Hồng đi Điện Bàn, tôi đi Hòa Vang. Trước khi đi, Hồng có bút ký “rất bảnh” Đêm cao điểm, dám “chịu chơi” với gian khổ ác liệt, lăn xả vào cuộc, gắn bó hết mình với bộ đội, bút ký ngồn ngộn những tư liệu sống động về người lính, về kẻ thù, về những gì diễn ra trong một trận đánh khốc liệt. Hồng cặm cụi viết, quên ngày, quên đêm. Bài viết được mọi người trong Ban ngưỡng mộ, tin tưởng, quý trọng. Chưa phải thật “sành điệu”, nhưng đã nhìn thấy rõ rệt một ngòi bút đang chiếm lĩnh trận địa văn chương, đầy hứa hẹn. Sáng tác này được in ở Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng Trung Trung bộ, sau đó được đăng trên Văn nghệ Quân đội, và được tặng thưởng văn xuôi suất sắc trong năm. Đêm cao điểm còn được in tuyển ở rất nhiều tập sách của các nhà xuất bản. Nhưng Hồng đã không kịp hay biết gì ngoài cái bản thảo được kỳ cạch đánh máy cẩn thận gửi Ban Biên tập. Trước khi đi chiến dịch, Hồng được kết nạp Đảng. Vào chiến trường mới chỉ là những đoàn viên, chỉ vài năm đầu ở Ban Văn học chúng tôi đã lần lượt được kết nạp vào Đảng và được đề bạt đại đội bậc phó (tương đương quân hàm thiếu úy). Ở Hòa Vang, tôi nhận được hai bức thư của Hồng. Bức thư đầu hơi buồn. Hồng nói về sự phản bội Hiệp định Paris của địch và sự quá ư thật thà của bộ đội ta. Bức thư thứ hai, Hồng dặn tôi mua lấy chút bánh kẹo làm quà và đi qua Tỉnh đội cùng về. Là thế, làm sao tôi có thể tin chuyện không may đã đến với Hồng. Nhưng chiến tranh là vậy. Trong những ngày chờ về Quân khu, Hồng mượn được khẩu CKC ở Tỉnh đội và xin đi với đại đội Điện Bàn đang giữ đất, cắm cờ ở Điện Xuân. Mờ sáng ngày 3 tháng 12 năm 1973, từ một khu đất cạnh nơi đóng quân, địch nổ súng tấn công. Ban chỉ huy đại đội bàn nhau: đánh địch giữ đất hay là rút. Đại đội trưởng băn khoăn: “Địch vi phạm lệnh ngừng bắn, còn ta thì sao đây?…”. Hồng nói: “Còn phải vân vi gì nữa. Tôi từ Quân khu xuống đây. Không ai nói rằng địch nổ súng thì ta lặng yên hay rút lui. Mỗi tấc đất ở đây đều đổi bằng rất nhiều xương máu của bộ đội, nhân dân. Không thể để chúng lừa đảo chiếm đoạt”. Chính trị viên đại đội thở dài: “Chúng đông quá, ta ít người quá, thà rút, bảo toàn lực lượng”. Hồng quả quyết: “Tôi sẽ ở lại chặn địch. Bọn chúng chỉ có thể bước qua xác tôi mới đến được đây”. Đại đội rút về phía bờ sông Thu Bồn. Hồng ở lại với khẩu CKC và hai băng đạn. Những cán bộ chiến sĩ lui về phía bờ sông nghe rõ từng phát bắn đĩnh đạc của Hồng. Sau đó là tiếng AR15 loạn xạ của địch và cả những tiếng chửi rủa tục tĩu. Hồng hy sinh như thế nào? Không ai biết. Rất nhiều tin đồn khác nhau. Nhưng thực sự bên ta không có ai ở đó để kể lại cụ thể. Sau giải phóng, tôi và nhà văn Nguyễn Bá Thâm xuống ngay vùng chiến sự đã xảy ra cuộc đụng độ không cân sức giữa Hồng với địch. Anh Chính, người từng có mặt ở đại đội Điện Bàn dẫn chúng tôi tới mấy bụi chuối mà Hồng ẩn nấp để diệt địch. Nhưng bụi chuối không còn. Không còn gì hết ngoài một vùng mênh mông, trắng băng. Địch đã cày đi, ủi lại nơi đây không biết bao lần. Năm ấy, Cục Chính trị Quân khu làm lễ tưởng niệm và trao tặng Huân chương chiến công cho Hồng. Đúng ra, Hồng không chỉ nhận Huân chương chiến công mà phải được truy tặng danh hiệu anh hùng. Bởi lẽ, đấy là một anh hùng thực thụ. Người anh hùng ấy còn sống, hẳn sẽ là một nhà văn tầm cỡ, có những sáng tác để đời. Anh ngã xuống khi mới 23 tuổi. Đất Quảng Nam trung dũng kiên cường hẳn sẽ bừng sáng trong những tác phẩm tâm huyết của anh. Tiếc thay! Bây giờ, nơi anh ngã xuống, một số đồng nghiệp đã cùng chính quyền địa phương xây một khu tưởng niệm, chưa phải thật hoành tráng nhưng có một dáng dấp riêng: dáng dấp của một người cầm bút ở mặt trận.
Những ngày gần đây nghe kể về một số trận đánh ở tiểu đoàn Đặc công nước 471 và đại đội Công binh Hải Vân anh hùng, nhà văn Nguyễn Bá Thâm, đã bằng chiếc hon da rất dũng mãnh của mình đưa tôi trở lại những vùng đất đó. Anh khuyến khích tôi viết những kỷ niệm ấy. Anh đưa tôi đi dọc sông Trường Định. Trước năm 1975, tiểu đoàn Đặc công nước 471 của Quân khu 5 đứng chân gần con sông này. Tôi ở với đại đội của Giang hàng tháng trời. Giang là Chính trị viên Đại đội 1. Tiểu đoàn Đặc công nước có biên chế như một tiểu đoàn bộ binh nhưng khi tác chiến thường chỉ hai người. Trận nào đông nhất, nhiều mục tiêu nhất cũng chỉ năm bảy người. Thường thì những trận đánh của họ diễn ra trên biển. Nhiệm vụ chủ yếu là tiêu diệt địch, phá hủy vũ khí trang bị trên tàu neo ngoài biển. Một nhiệm vụ khác là đánh sập những chiếc cầu trên sông, cắt đường hành quân vận chuyển của địch. Luyện tập của lính nước thì thật “dễ sợ”. Họ ngâm cả tiếng đồng hồ dưới nước lạnh mùa đông, bơi chìm suốt ngày đêm dưới mặt nước để vượt từ bờ ra biển xa, đảo xa. Anh hùng Đặng Tiến Lợi của tiểu đoàn từng đột nhập khu ra đa của Mỹ ngụy trên đỉnh Sơn Trà, phá tanh bành trang thiết bị máy móc, làm hệ thống thông tin ở đây tê liệt hoàn toàn. Nhiều tàu chiến lớn của Mỹ bị tiểu đoàn đánh chìm ngâm xác ở biển Đà Nẵng, Quảng Nam cho đến tận bây giờ. Thường những người tham dự đánh tàu hoặc đánh cầu không mấy ai trở về. Cùng đi với họ là những khối thuốc nổ. Khi họ đến với mục tiêu thì không còn đồng đội, không còn người chỉ huy. Chỉ còn họ và khối thuốc nổ. Khi chốt bộc phá được rút, nấc một hoặc nấc hai, khối bộc phá chưa nổ ngay. Họ phải rời đi thật nhanh. Nhưng cho dù thế cũng khó thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Sức ép của bộc phá rất lớn. Mà không bị sức ép, cũng khó thoát khỏi những cơn mưa đạn của địch vào khu vực họ vừa lập công. Cũng có khi họ phải rút chốt tức thì để khối bộc phá nổ ngay vì không còn cách nào khác. Các trường hợp hy sinh của họ rất khó biết rành rọt. Họ đi độc lập, đánh độc lập và vì vậy chỉ có họ mới biết mình đã hy sinh như thế nào! Điều chắc chắn là họ đã hóa thân cùng khối bộc phá để hoàn thành nhiệm vụ. Cũng có trường hợp họ chưa kịp rút chốt, thì tai họa ập đến. Lần đó, tôi được chứng kiến trận đánh cầu Thủy Tú của tiểu đoàn. Cầu nằm ở cửa sông Trường Định. Trực tiếp vào trận chỉ 4 người. Hai người đảm nhận đánh sập cầu sắt xe lửa. Hai người nữa đánh vào cầu bên cạnh giành cho ô tô và các phương tiện khác. Hai cây cầu nằm song song. Đội quân phục vụ cho 4 con người kể trên rất đông. Gồm chỉ huy tiểu đoàn, chỉ huy đại đội, phân đội, các bộ phận khác… Tôi đi với đội hình này. Chúng tôi tập kết ở một mỏm đồi gần cầu và cũng khá cao, nhìn thấy mục tiêu khá rõ. Theo phương án tác chiến, thời khắc mà bộc phá của bốn chiến sĩ quả cảm phát nổ là vào khoảng nửa đêm. Nhưng chưa đến cái giờ ấy thì cả chiếc cầu hực sáng. Các loại đèn trên cầu, trên sông, trên biển, trên trời biến ban đêm thành ban ngày. Chúng tôi đứng hết dậy hướng về cầu. Súng đạn địch nổ rầm trời như cả một kho đạn bị kích nổ. Riêng bốn khối bộc phá cùng bốn chiến sĩ của ta thì im lìm, bặt vô âm tín. Cảm giác tiếc nuối, đau xót, bàng hoàng, tan nát, ngập tràn cả con sông Trường Định và đèo Hải Vân lúc đó.
Sau trận đánh bất thành ở cửa sông Trường Định, tôi rời tiểu đoàn đến với đại đội công binh Hải Vân anh hùng. Phía bên kia đèo là đất Thừa Thiên. Ở đó cũng có một đại đội Hải Vân anh hùng. Sau này, một người bạn của tôi, anh Nguyễn Ngọc Đạt từng chiến đấu dũng mãnh bên kia đèo kể lại nhiều trận đánh rất tuyệt vời. Đi với đại đội Hải Vân mấy tháng trời, tôi thấm thía những khó khăn gian khổ họ từng chịu đựng. Đại đội xa dân, xa Tỉnh đội, luôn thiếu gạo ăn, luôn phải chịu rét mướt. Khí hậu đường đèo vô cùng khắc nghiệt. Quần áo ẩm xì, sương mù dày đặc bao phủ quanh năm. Các bệnh ngoài da tràn lan khiến cán bộ chiến sĩ ngứa ngáy, rậm rật, gãi, cào sột soạt suốt ngày. Thời gian cũng đã chìm sâu vào dĩ vãng, nhưng Nguyễn Bá Thâm quyết đưa tôi trở lại những ký ức một thời. Chiếc honda của anh thật kiên cường. Đèo Hải Vân dốc thế nhưng xe cứ hừ hự thốc lên. Chúng tôi dừng lại chỗ cống nước gần đồn Nhất, đồn Nhì của địch trước đây, bên trên có những hộc đá lớn. Tôi đã cùng bộ đội trú ở đó chờ mờ sáng đồng loạt phóng đạn B40, B41 vào xe chở lính, chở trang bị vũ khí lương thực của địch. Để đến được đây, chúng tôi phải vượt không biết bao dốc, bao suối, lại phải bí mật để địch ở trên đèo không phát hiện được. Tôi với Đại cùng đào chung hầm. Đại là phái viên quân sự của Tỉnh đội, tuổi ngấp nghé như tôi. Cái tên anh sao mà xứng với con người anh thế, trông cứ như một con gấu lớn. Anh nặng dễ phải trên bảy mươi ký. Lính ta rất ngán vào trận với những người “khủng” này. Bởi lẽ không may phải khiêng cáng thì “ốm đòn”. Ấy, không biết có phải vì thế không, chính trị viên Thâu nhon nhón đến chỗ tôi và Đại thì thào:
– Tình hình không ổn lắm. Bộ đội đông. Chỗ nấp thiếu. Hai anh đi về sau cho an toàn, được không?
Tôi nhìn Đại, về hay ở là do anh quyết định. Đại có hơi phân vân nhưng rồi cũng gật đầu chấp nhận. Trời đã nhập nhoạng. Chúng tôi dò dẫm đi ngược lên, xa dần những hiểm nguy mà đồng đội đang chịu đựng. Bất thần, gần tới đỉnh dốc, những loạt đạn nổ đanh, hùn hụt xé gió sát rạt. Đầu đạn cắm phầm phập sát chân, cày đất lên, bốc bụi, khét lẹt. Tôi không hiểu chuyện gì, co người lại. Tóc dựng đứng. Chỉ còn chờ may rủi của số phận. Đại bình tĩnh hơn, nhận ra đạn đang bay về phía mình là của ai. Anh thét lên: “Đừng bắn nữa, bên mình đấy”. Thì ra trên đỉnh đồi là tổ cảnh giới. Hai chiến sĩ được giao nhiệm vụ này, thấy những ngọn bói rung rinh nhích lên đồi, ngỡ là địch, lẩy luôn cả băng đạn AK. Rất may đây là lính mới toe, vừa bắn vừa run. Cả hai nằm xuống, ngắm như ở thao trường, vậy mà không viên nào trúng “mục tiêu”. Khi tôi và Đại nhìn thấy “đối phương” thì cả hai mặt cắt không ra máu, đang quay đầu chạy như bị hổ đuổi. “Đứng lại đi, đồ thỏ đế ạ. Chúng tao chứ ai đâu, mà chạy” – Đại nói, còn tôi hết hồn. Đến hôm nay, ngẫm lại vẫn thấy sao mình tốt số. Tầm bắn giữa hai anh lính trẻ tới chỗ tôi và Đại chỉ mấy bước chân chứ bao nhiêu. Ai bắn mà chả trúng. Vậy mà… Trận đó tôi và Đại xui xẻo, nhưng dưới phía đường số 1, quân ta nổ súng giòn giã. Thắng đậm. Cũng trên đất Quảng Đà, cuối năm ấy, suýt nữa tôi bị viên đạn bất cẩn của một cô gái cùng đơn vị cho “chầu trời”. Thứ Bảy, tôi và cô lau súng, ở nơi trú quân của Mặt trận Quảng Đà. Khoảng cách không phải mấy bước chân mà giơ tay là đụng được nhau. Vậy mà đột nhiên có tiếng: “đòm” gọn phát ra. Tôi choáng váng ngã ngửa trên đất. Viên đạn xuyên cả vào hai đùi, máu phun như vòi nước. Thì ra cô nhà văn này sử dụng K59 lần đầu. Khi cô lắp băng đạn vào hộp, một viên lên nòng mà cô không biết. Trước khi cho súng vào bao, cô bóp chết cò cho an toàn lại là lúc cái chết “vỗ đùi” tôi. Y sĩ băng bó vết thương nói: “Chân trái anh bị gãy, chân phải đứt động mạch”. “Thế là hết”. Tôi nghĩ và nhắm mắt lại. Đêm đó, hai người lính của Tỉnh đội khiêng tôi băng rừng, chạy ào ào vào bệnh viên dã chiến mặt trận. Cứ ngỡ “ngỏm”. Không thế cũng bị cưa chân. Vậy mà rồi lại chẳng can cớ gì. Tạo hóa có những trò đùa đến hay.
Xin kể thêm một kỷ niệm về lần được tham dự trận đánh ở Thượng Đức. Mãi sau này tôi mới hiểu hết tầm quan trọng của trận đánh này. Ấy là sự thắng bại của trận đánh liên quan đến quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: Có giải phóng miền Nam năm 1975 hay không? Lúc đó vùng rừng núi này khá thâm sâu, đói khát, và nguy hiểm. Tôi bị lạc ở Hiên. May dạt vào nhà dân, được dân cho trú ngụ ăn ngủ hai ngày, hai đêm. Bộ đội thì đông, nhưng ai cũng quán triệt tinh thần bí mật nên hỏi về các đơn vị rất khó. Tôi đang ngu ngơ ở bìa rừng, dọc sông Vu Gia thì gặp nhà văn Cao Tiến Lê. Tưởng anh cũng đang tìm về trung đoàn, mừng húm. Té ra không phải vậy, anh bảo: “Cậu cứ sồn sồn lên làm gì thế. Mình vừa ở đó ra đây. Tốt nhất cứ lang thang với mình. Đánh xong rồi cùng về hỏi chuyện, thế thôi”. Có lẽ nhìn thấy nét mặt ỉu xìu của tôi, anh nói thêm: “Cách đánh của quân “Triều đình”( ) không giống cách đánh của quân địa phương của cậu đâu. Pháo binh sẽ “làm cỏ” sạch banh trận địa. Bộ đội chỉ lên thu vũ khí, bắt tù binh”. Anh Cao Tiến Lê lúc đó là nhà báo tầm cỡ lại cũng là nhà văn đã có những truyện ngắn xuất sắc. Tôi tin anh và muốn được như anh lắm nhưng lại sợ ngày về sẽ nói “ngọng” khi báo cáo cơ quan về chuyến đi của mình. Đành phải chia tay anh. Ấy thế rồi lại lạc, suýt nữa thì rúc vào ổ phục của thám báo Thượng Đức. Sau khi Thượng Đức thất thủ, tôi lao vào trong đó ngay. Sợ rằng không bao lâu địch sẽ tái chiếm và mất cơ hội quan sát như các chi khu quận lỵ khác. Khổ thân, khi làm chủ trận địa, bộ đội đã vào hết hầm hào trú ẩn. Tôi bơ vơ một mình. Thi thoảng gặp những con chó đói đang cào bới trong những xác tử thi. Nó nhe răng như muốn xông tới đớp tôi. Pháo các nơi của địch bắt đầu dội tới. Tôi thành gã khờ, ngu ngơ để bộ đội hét cho: “Cái anh kia điên à. Không muốn sống nữa à. Pháo địch bắn thế kia”. Tôi không còn biết xoay xở cách sao. Muốn ra khỏi đây cũng không biết đi hướng nào. Bỗng nhìn thấy một đoàn người đang gồng gánh dìu níu nhau qua chiếc cầu nhỏ sang sông. Đoàn có người già, trẻ con và cả lợn gà mang theo. Chắc là dân chạy nạn. Chắc họ đi về phía đơn vị tự quản đã chuẩn bị. Nắng gắt, bụi bốc mờ mịt. Thỉnh thoảng một quả pháo giáng đến sát rạt khiến mọi người díu cả vào nhau, trẻ con khóc, kêu oai oái. Lúc đó, có một chị tuổi chắc cũng trên 30, ẵm con nhỏ trên tay, nhìn tôi chăm chắm. Hình như muốn cầu cứu gì đó. Quả nhiên, chị mếu máo nhờ tôi bế cháu nhỏ. Bầu vú chị cương cứng, sữa chảy ra ướt đẫm ngực áo, nhưng không thể dừng lại cho con bú. Không biết chị thương con hay đau mà mặt co lại, xót xa, nước mắt nhòe nhoẹt. Tôi liền bế cháu nhỏ chắc mới vài tháng tuổi giúp chị và cùng “hành quân” với đoàn người. Dọc đường đi, dù mỏi mệt tôi cũng hỏi được khối chuyện, thu thập được nhiều thứ, sau này thành xương cốt cho hai cuốn tiểu thuyết Thượng Đức và Đỉnh máu.
Một số sáng tác tôi viết ra chủ yếu là trên đất Quảng Nam. Con người và xứ sở này là quê hương thứ hai của tôi. Chiến tranh đã qua đi nhưng những năm tháng sống chết cùng đồng đội và nhân dân nơi đất Quảng vẫn mãi mãi còn trong ký ức của tôi. Lâu lâu không về đất Quảng lại thấy hoang hoải, vắng lặng trong lòng. Ơi! Con người và đất Quảng của tôi!

Hà Nội, thu 2016
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Quảng Nam
N.B.

 

NHÀ VĂN NGUYỄN CHÍ TRUNG
LÝ TƯỞNG, NHÂN CÁCH, SÁNG TẠO

Nhà văn Nguyễn Chí Trung là người sống hết lòng vì người khác, lấy niềm vui, hạnh phúc của người khác làm niềm vui, hạnh phúc cho mình. Hơn thế, anh còn là người phấn đấu, hy sinh suốt đời cho Đảng, cho nhân dân. Có một cuốn sách dày 3000 trang, trình bày đẹp, in đẹp, lẽ ra phải được trao giải, sách hay, sách đẹp do anh Nguyễn Chí Trung lo liệu từ đầu đến cuối. Cuốn sách có tên: Văn nghệ sĩ Liên khu 5 – Lý tưởng, nhân cách, sáng tạo. Vâng, lý tưởng, nhân cách, sáng tạo là điều được anh coi trọng nhất trong cuộc đời mình. Anh giáo dục rèn luyện chúng tôi. Anh là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo.

1. Vào chiến trường, chúng tôi được điều về Ban Tuyên huấn Khu ủy, Khu 5. Mới chân ướt chân ráo đến, anh Nguyên Ngọc từ Cục Chính trị Quân khu sang thăm, nói chuyện với đoàn. Anh ngỏ ý sẽ bàn với ban lãnh đạo Tuyên huấn xin một vài người sang quân đội. Nhiều anh chị thích sang lắm, ngại là phải làm lính anh Nguyễn Chí Trung. Ở Khu ủy, có người miêu tả anh Trung là người lúc nào cũng mặc quân phục, đeo kè kè súng ngắn bên hông. Là người riết ráo thực thi mệnh lệnh, riết ráo kiểm điểm phê bình và thi hành kỷ luật. Cái thứ hai ai cũng kể được về anh là sự hay quên. Chuyện Nguyễn Chí Trung quên chỉ còn bò lăn ra mà cười, nhất là vớ phải cây tiểu lâm hài hước dí dỏm Đặng Minh Phương, nguyên phụ trách Báo Cờ Giải phóng Trung Trung bộ, bạn thân thiết của Nguyễn Chí Trung. Về chuyện hay quên của Nguyễn Chí Trung đã nhiều người viết, nhiều người kể. Những chuyện ấy có khi thực, có khi bịa nhưng dù sao cũng góp vui, khuây khỏa nỗi nhọc nhằn khi đi cõng gạo, đi sản xuất, hoặc vơi đi sự hồi hộp, căng thẳng trên đường vào trận. Cái tâm của người kể, người viết, hầu hết là tốt, là ưu ái. Trừ đôi bài viết muốn câu khách hoặc vì lý do nào đó biến cái hay quên của anh thành khôi hài, kệch cỡm, thô thiển. Cứ mong anh Trung không đọc những bài viết kiểu ấy. Anh sẽ buồn lắm. Anh vốn là người tự trọng.
Nhớ những ngày đầu, tôi, Nguyễn Hồng, Vũ Thị Hồng qua Ban Văn học Cục Chính trị. Trời ơi! Sao mà hoang vắng thế. Nhà của Ban chỉ còn là cái nền đất. Người của Ban tuyệt không một ai ở nhà. Chúng tôi đành ở tạm chỗ Ban Dân vận. Cái Ban Văn học của anh Nguyên Ngọc, anh Nguyễn Chí Trung hồi đó là vậy. Quyết liệt vì sự tồn vong, vì chiến thắng của mỗi trận đánh. Những anh Lương Tử Miên, Nguyễn Phong Tạo, Ngân Vịnh, Nguyễn Bá Đắc, Nguyễn Trí Huân, Thái Bá Lợi… đi phát rẫy trồng sắn ở Kon Tum. Anh Nguyên Ngọc đi với chỉ huy tiền phương Bộ Tư lệnh Quân khu, còn Nguyễn Chí Trung luồn vào khu dồn Quảng Ngãi ăn ở trong đó, theo dõi địch và nắm tình hình tư tưởng sinh hoạt của dân. Chừng một tuần sau, lần lượt mọi người lục tục từ các nơi kéo về. Họp và họp. Triển khai công việc. Đang cuối mùa mưa. Các đơn vị chuẩn bị cho các trận đánh. Phải gấp rút hoàn thành các công việc nội bộ để chia nhau về các đơn vị. Nguyễn Chí Trung chú ý nhiều đến ba học trò mới rời ghế nhà trường. Cùng học khóa 4 Hội Nhà văn và cùng vào Khu 5 có Nguyễn Trí Huân. Lúc đó, anh đã có những sáng tác in sách, in báo. Anh vào trước chúng tôi ít ngày và với tư cách là người viết văn. Trong buổi họp đầu tiên, Bí thư Chi bộ Nguyễn Chí Trung hỏi Nguyễn Trí Huân: “Anh vào đây để làm gì?”. “Để lấy tài liệu viết văn ạ…”. Ngay sau đó đến lượt tôi: “Để học, học dân, học bộ đội ạ”. Còn trả lời khác sao được. Vừa mon men vào đây đã viết được cái gì đâu. Còn lâu mới dám trả lời như Huân. Ấy thế nhưng Nguyễn Chí Trung lại đánh giá tôi là người đúng còn Huân phải xem lại. Khốn nỗi, sau này Huân cứ bảo tôi khôn. Thật ra khôn cái nỗi gì? Trong Ban có hai người gắn với nhau như bóng với hình ấy là Nguyễn Chí Trung và Nguyên Ngọc. Thân nhau và phục nhau. Không ngày nào ở cơ quan hai người không đàm đạo, bàn bạc. Anh Trung đánh giá cao tầm tư tưởng của anh Nguyên Ngọc. Phục về văn tài, chữ nghĩa. Bí thư Trung làm hết mọi sự vụ để trưởng ban có nhiều thời gian ngồi viết. Những sáng tác đầu tay của chúng tôi anh Trung đọc trước, nhận xét, đánh giá, góp ý sửa chữa. Tỉ mẩn, tâm huyết, thận trọng. Vậy nhưng sau đó lại bảo đưa cho anh Ngọc đọc. Đôi khi có sự khác nhau trong hướng dẫn sửa bài, anh Trung bảo: “Cứ theo ý anh Ngọc”. Việc này rất hiếm xảy ra ở người khác. Chỉ với anh Ngọc mà thôi. Anh Nguyên Ngọc quý và yêu Nguyễn Chí Trung ở công việc quản lý cơ quan và đóng góp với Quân khu trong lĩnh vực quân sự, chính trị. Thân thiết với Tư lệnh Quân khu Chu Huy Mân, trước chiến dịch, Nguyễn Chí Trung biết các trận đánh sắp nổ ra, đơn vị nào sẽ chủ công, hướng tấn công nào là chính, hướng tấn công nào là phụ. Từ đó, họp cơ quan, phân mỗi người bám một đơn vị thích hợp. Chẳng hạn Nguyễn Trí Huân đi với Sư 3, Nguyễn Hồng đi với lữ đặc công, hướng Bình Định. Thái Bá Lợi, Nguyễn Phong Tạo đi với Sư 2, hướng Quảng Nam. Tôi với Hồng nữ đi tiểu đoàn địa phương Quảng Đà.
Với sự hiểu biết, từng trải và cả sự thông minh, quyết đoán, anh dự kiến một số tình huống có thể xảy ra ở mỗi trận đánh để chúng tôi khỏi ngỡ ngàng. Cứ đụng đến những chuyện đánh địch, con người anh đầy say mê hào hứng. Giọng anh thanh thoát và linh hoạt vô cùng. Rồi chiến dịch nổ ra, anh đang ở đâu đó, tất yếu phải là chỗ gay go nhất, ác liệt nhất, anh viết thư cho chúng tôi thăm hỏi động viên. Thư anh tình cảm mà bốc lửa. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ nội dung những bức thư ấy. Đến giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác bồi hồi xúc động trong lòng. Anh có quan hệ mật thiết với Chính ủy Quân khu Võ Chí Công. Những nghị quyết của Khu ủy anh là người chắp bút. Anh không nói ra nhưng mọi người đều biết. Mỗi lần học nghị quyết, Thường vụ Khu ủy lại cử anh đi truyền đạt ở các đơn vị lớn. Cơ quan tôi nhỏ thôi nhưng sẽ được nghe anh phổ biến. Mỗi đận như thế, chúng tôi nói đùa: “Chúng ta sắp nghe nghị quyết của Nguyễn Chí Trung”. Trước chiến dịch chúng tôi tranh thủ trồng rau, nuôi gà. Còn chút thời gian rảnh rỗi, anh Nguyên Ngọc dạy tiếng Pháp. Có khi nhà Ban Văn học vang lên những bài hát “nhạc với phách nghe chừng sai cả”. Ấy là lúc chúng tôi tập văn nghệ chuẩn bị đóng góp với Cục Chính trị. Nguyễn Chí Trung nghĩ ra rất nhiều việc cho Ban, cho từng người. Mỗi người được phân công phụ trách một việc cụ thể. Trưởng ban sản xuất, trưởng ban văn nghệ, trưởng ban nuôi gà, trưởng ban nấu ăn… Chúng tôi nói vui: “Cơ quan mình anh nào cũng là cán bộ phụ trách”. Ôi! Một thời chiến tranh, cái Ban Văn học của chúng tôi sao mà vui, sao mà ấm áp, thấm đẫm tình người.
Nói về trận mạc, hiếm có người dũng mãnh bất chấp hiểm nguy như Nguyễn Chí Trung. Đi làm phái viên nhưng đụng việc, anh quên khuấy. Với tiểu đoàn, anh như chính trị viên. Xuống đại đội, anh vừa làm công tác tổ chức, vừa động viên bộ đội. Vào trận, anh là lính cầm súng đánh nhau. Anh say mê đánh giặc đến kỳ lạ. Năm 1974, anh đi với Sư đoàn 2 đánh Nông Sơn. Tôi theo Sư 304 đánh Thượng Đức. Trận đánh ở Thượng Đức gặp khó. Bộ đội thương vong nhiều phải dừng lại, tôi nghe tin có một nhà báo của Quân khu đang khuấy đảo ở cửa mở. Thì ra dứt điểm xong Nông Sơn, anh vù về Quân khu báo cáo tình hình rồi xin đi tiếp, đánh Thượng Đức. Ở Thượng Đức, anh xuống ngay tiểu đoàn chủ công. Trong bom đạn mờ mịt, anh lắc đầu ái ngại cho bộ đội, rồi tức tốc tìm về chỉ huy trung đoàn, sư đoàn đề đạt ý kiến riêng của mình. Anh khẩn thiết đề nghị thay đổi vị trí mở rào. Mọi người hỏi anh là ai? Anh bảo anh là phái viên quân sự của Bộ Tư lệnh Quân khu. Lời nói của anh trở nên có sức nặng hơn. Anh lại lao xuống với tiểu đoàn, với các đại đội, đốc chiến. Vậy nhưng bao lần xông pha, anh chỉ bị thương chứ không bị bom đạn quật ngã. Đi gùi gạo, chúng tôi đi hai ngày, anh chỉ đi một ngày hoặc ngày rưỡi. Đường dài, leo dốc bở hơi tai nhưng anh đi liền mạch. Đi nhanh về nhanh vì cả núi công việc đang chờ ở nhà. Nhiều việc, người bình thường không thể làm nhưng vào tay Nguyễn Chí Trung ngon ơ! Anh là Bí thư Đảng đoàn Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ, công việc bên Khu ủy, bộn. Lụi bụi, sấp ngửa vì công việc nhưng không thấy anh kêu ca phàn nàn bao giờ.
Đọc bài, góp ý sửa bản thảo, tổ chức trao đổi nghiệp vụ, tổ chức đi theo bộ đội đánh giặc, mười hai năm liền anh là chiến sĩ thi đua. Huân huy chương bên Khu ủy, bên Quân khu cấp cho anh nhiều vô kể. Ở Thượng Đức, buổi lễ mừng công, Bộ Tư lệnh cho người tìm anh để trao huân chương nhưng không thấy anh đâu. Dứt trận đánh, anh vội vã băng đèo lội suối về Quân khu báo cáo tình hình. Anh là con người của công việc, có cảm giác rời công việc anh không còn là anh nữa.

2. Cách mạng toàn thắng, một chương mới mở ra cho dân tộc. Vinh quang, sum họp, nhưng khó khăn vây bủa. Một số đơn vị bộ đội giải thể, một số đi làm kinh tế. Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ của Ban Tuyên huấn Khu ủy kết thúc. Người về địa phương, người ra Trung ương. Tạp chí Quân Giải phóng Trung Trung bộ còn nhưng công việc đang thay đổi, Nguyễn Chí Trung đứng ngồi không yên: “Có một đội ngũ văn nghệ sĩ trải qua chiến tranh, trưởng thành trong chiến tranh, quý vô chừng. Không biết giữ, phát triển, thật là phí. Bản thân mình cũng thấy có tội”. Anh hay phàn nàn thế. Với cương vị Bí thư Đảng đoàn Văn nghệ, có quan hệ tốt với các thủ trưởng cấp trên lại giỏi thuyết phục, Nguyễn Chí Trung đã đề đạt một phương án: chuyển một số anh em viết văn từ biên chế của Khu ủy sang quân đội. Gồm các anh Dương Hương Ly, Thanh Quế, Nguyễn Khắc Phục, Cao Duy Thảo, Trần Vũ Mai, Ngô Thế Oanh… Nhân sự bên Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng không những giữ nguyên mà còn tuyển thêm Thanh Thảo, Nguyễn Đăng Kỳ, Trung Trung Đỉnh… Về dân sự, tuyển thêm Nguyễn Công Khế, Ngô Thị Kim Cúc. Hai người này chỉ ở một thời gian ngắn, sau đó chuyển đi làm báo. Lực lượng này tập trung ở hai nhà 1B Ba Đình và 10 Lý Tự Trọng. Cùng với đó, một cơ quan mới ra đời Trại sáng tác Văn học Quân khu 5. Nguyễn Chí Trung làm trại trưởng, nhà văn Phan Tứ làm trại phó. Sau chiến tranh, nhiều nhà văn, nhà thơ, muốn có thời gian quây tụ lại bàn bạc, động viên nhau viết về đề tài còn nóng rãy. Nguyễn Chí Trung đã đáp ứng được nguyện vọng đó. Trại kéo dài được năm năm. Các nhà văn, nhà thơ chủ yếu chỉ sáng tác. Nguồn kinh phí quân đội cấp có hạn, Nguyễn Chí Trung đã thành lập một ban hành chính đắc lực phục vụ cho cơ quan. Tư lệnh Chu Huy Mân đến thăm trại, đã ngạc nhiên kêu lên: “Đội quân tăng gia, chăn nuôi của Trung thật cừ, phải phổ biến kinh nghiệm cho Quân khu đấy nhé”. Thịt gà, trứng gà thường xuyên bổ sung thêm cho suất ăn còn khiêm tốn của bộ đội. Rau xanh chủ yếu là của nhà trồng. Đất trong vườn, ngoài rào mọc đủ thứ: rau lang, rau muống, rau cải, bí bầu… mùa nào thứ ấy, xanh mướt. Những năm tháng đó, trại đã đón tiếp không biết bao nhiêu khách văn của Trung ương, của địa phương, tươm tất, nhờ có sự tự túc này. Nhưng điều ấy sẽ thành vô nghĩa nếu thành quả sáng tác văn học không xứng tầm với công sức tiền của đã bỏ ra.

3. Có thể nói cả nước thời điểm sau chiến tranh và cả đến bây giờ chưa có một mô hình trại sáng tác nào như trại sáng tác Quân khu 5. Trại kết thúc đã cấp một nguồn cán bộ làm công tác báo chí, văn học nghệ thuật khá phong phú cho Trung ương và các địa phương. Trại đã góp vào thành quả chung của nền văn học Việt Nam những tác phẩm văn học đáng kể. Nhà văn Nguyễn Trí Huân nhiều năm liền là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh cũng là người nhiều khóa liền là Ủy viên Ban Chấp hành, là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Thanh Quế – nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội Văn nghệ, Tổng Biên tập Tạp chí Non Nước, Đà Nẵng. Nhà thơ Thanh Thảo nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Ngãi, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Đà. Nhà thơ Dương Hương Ly – nguyên Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Lang Biang, tỉnh Lâm Đồng. Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Nhà thơ Ngô Thế Oanh – Phó tổng Biên tập Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn… Điều quan trọng hơn, những thành viên của trại trong năm năm ấy và những năm sau đó đã cho xuất bản những tác phẩm văn học sáng giá, được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và nhiều giải thưởng danh giá khác… Có dịp chúng tôi sẽ thống kê chi tiết những tác phẩm của những tác giả trong trại. Suốt những năm ấy, Nguyễn Chí Trung hầu như không viết được chữ nào. Anh miệt mài đọc tất cả bản thảo của trại, góp ý sửa chữa từng câu, từng chữ. Có những tập trường ca như: Ở làng Phước Hậu của Trần Vũ Mai, anh thuộc còn hơn tác giả. Tiểu thuyết: Vàng Crum của Nguyễn Đăng Kỳ, trang bản thảo nào cũng có gạch xóa của ngòi bút anh, những thêm bớt, anh ghi đặc kín bên lề. Đọc, tổ chức, trao đổi giúp nhau. Đương nhiên, công việc mà Cục Chính trị và Quân khu giao cho anh chồng chất, thời gian đâu để anh ngồi sáng tác. Cách đây vài năm, Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với Quân khu 5 định gặp lại các thành viên của trại, tổng kết rút những bài học quý. Mọi việc đã hòm hòm nhưng rồi soát xét nội dung, Nguyễn Chí Trung thấy không đạt yêu cầu nên đề nghị thôi. Tiếc thế. Thời gian ở trại đôi lần tôi theo Nguyễn Chí Trung đi một vài nơi. Một số bí mật về gia đình anh được hé lộ. Đi Đà Nẵng, anh dẫn chúng tôi về huyện Hòa Vang. Bước chân đến làng xã nào anh cũng sà vào được, hăm hở chân tình như nơi đó chính là nơi sinh ra mình. Dân làng xúm đến vồn vã hỏi han kể chuyện. Anh là người hay quên có tiếng nhưng những dịp thế này thì nhiều người ngả mũ kính phục trí nhớ của anh. Anh kể tên từng người, nhắc đến đặc điểm tính cách của họ, thậm chí nhớ nhà ở trước đây của mỗi người, cạnh cổng có cây gì, cách đồn địch bao nhiêu buổi đường. Những chuyện buồn vui của chính họ từ thuở nào đã quên nhưng Nguyễn Chí Trung vẫn nhớ. Anh nhắc lại khiến họ sững sờ. Ai cũng muốn kéo Nguyễn Chí Trung về nhà mình. Được mọi người ở quê yêu quý đến vậy thật là hạnh phúc. Một lần khác, đến Quảng Ngãi, anh dẫn chúng tôi vào Tịnh Minh. Dấu chân anh ghi mênh mông trên những làng quê một thời chiến tranh. Nơi nào cũng đầy ắp kỷ niệm. Mới đến đầu làng, nhác thấy, mọi người đã nhận ra anh và la tướng lên: “Ông Trung lụt. Ông Trung lụt về bà con ơi!…”. Thì ra trận lụt khủng khiếp của miền Trung năm 1964, Nguyễn Chí Trung đã dùng xuồng mải miết cứu dân bị nước cuốn trôi. Cứu được họ khỏi chết ngập, nhưng họ cũng khó sống vì không có cái ăn. Nguyễn Chí Trung đã nhân danh cách mạng, buộc các nhà giàu có trong xã phải xuất kho cứu đói. Anh đã trực tiếp nấu cơm, vắt thành nắm đi phân phát cho từng gia đình bị nạn. Gặp lại anh, dù đã mấy chục năm trôi qua, ai mà không rưng rưng, ai mà không muốn ôm choàng lấy anh để tỏ lòng biết ơn trời bể. Chia tay với bà con Tịnh Minh, anh để rơi những giọt nước mắt. Anh than thở: “Không có thời gian ngủ lại một đêm với bà con Tịnh Minh. Tội chớ! Đây cũng là quê hương của mình đó…”. Ở Vạn Giã, Khánh Hòa, anh có một bà dì quý anh quá con đẻ. Lần đó, bà dẫn Nguyễn Chí Trung vào nghĩa trang Đầm Bò. Anh chưa biết mộ cha ở chỗ nào. Khu nghĩa trang nhiều mộ xây công phu, riêng mộ cha anh rất sơ sài. Anh khóc. Bà dì phân bua: “Cực lắm, bom đạn liên miên, họ hàng anh em mỗi người mỗi ngả, giữ được cái mộ để con cháu về thắp hương là phúc lắm rồi”. Ở Bình Thuận, anh có một cô em gái. Trông già sụm. Khi kể về chuyện này, anh sụt sịt: “Gia đình ly tán, nó sống trôi dạt, vật vờ. Thương lắm. Còn có ngày gặp lại đã là may…”. Anh đã đưa cháu Hà, con của em gái ra Đà Nẵng nuôi, ăn học, coi như đứa con yêu của mình. Nào ngờ, ra trường chưa được bao lâu, bị tai nạn giao thông qua đời. Ở Sài Gòn, mối quan hệ của anh chằng chịt hơn. Đất nước thông thương, anh dẫn chúng tôi đến nhà người em trai. Lúc đó Nguyễn Chí Trung là đại tá – nhà văn, người đầy chiến tích cách mạng nhưng em lại là viên sĩ quan phía bên kia. Nghe nói gặp em lần đầu anh đã mắng mỏ một trận nên thân. Lần này, tôi đã lo sẽ có chuyện không lành xảy ra. May thay. Sau này, không nghe anh nhắc về đứa em trai của mình. Chúng tôi cũng không biết hiện thời gia đình đó ra sao! Anh còn có một người cháu là ca sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn – Thanh Lan. Cô cháu nghe tin Nguyễn Chí Trung đến gặp, vừa vui vừa sợ hết hồn. Thế đấy. Anh nói rằng quê anh ở Khánh Hòa, Bình Thuận, hay ở Sài Gòn thì cũng khó nghi ngờ. Ấy là chưa kể thời đi tập kết ngoài Bắc, anh có những vùng quê gắn bó như nơi cha sinh, mẹ đẻ. Anh căm thằng Mỹ vô chừng. “Chiến tranh. Bao nhiêu thảm họa cho dân, cho nước do thằng Mỹ cả. Gia đình mình gánh đủ”. Sự phân hóa này suốt một thời bom đạn, không ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng, tình cảm các anh. Có chăng lại bùng nổ trong những ngày cả dân tộc sum họp, đoàn tụ?
Nhân đây xin nói thêm về quan hệ giữa nhà văn Nguyễn Chí Trung và nhà văn Nguyên Ngọc sau giải phóng. Trước đó là bản đề dẫn mà anh Nguyên Ngọc và anh Nguyễn Chí Trung cực kỳ tâm huyết say mê, trình trước Đại hội các nhà văn đảng viên. Có thể coi đây là bước ngoặt đầu tiên của sự đổi mới trong văn học. Hay, dở xin các nhà lý luận cứ bàn, nhưng quả thực đã có những nhà văn khóc rưng rức vì xúc động, vì vui mừng khi nghe đọc bản đề dẫn này. Sự đổi chiều bắt đầu từ lúc nhà thơ Tố Hữu tới dự và phê phán tác giả của nó, quy bản đề dẫn đã không đúng hướng. Sau đó, Đảng đoàn Hội Nhà văn đề nghị anh Nguyên Ngọc kiểm điểm. Nguyễn Chí Trung nói tức tưởi: “Nguyên Ngọc dại. Có khuyết điểm gì đâu mà nhận. Đã thế mình công khai tuyên bố: Bản đề dẫn đó có phần của mình đấy”. Về quan điểm, Nguyễn Chí Trung kiên trì đường lối của Đảng: Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Nguyễn Chí Trung nói: “Có người bảo chậm nhất là 10 năm nữa, chủ nghĩa xã hội sẽ không còn ở Việt Nam. Sợ không sống được đến 10 năm nữa nhưng nếu chết mà lời nói kia là sự thật xin các người cứ đái vào mộ tôi”. Con người ấy cho đến lúc bị bệnh trọng, vẫn không nguôi đấu tranh cho lý tưởng mà mình theo đuổi. Vì lý tưởng đó, anh đã bỏ công sức thời gian viết cuốn Kinh tế chính trị gần bốn trăm trang, khẳng định tính ưu việt của Chủ nghĩa xã hội. Vì lý tưởng đó, anh đã bỏ ra hàng tháng ròng đi mấy chục hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Nam để chứng minh với lãnh đạo cấp trên rằng: “Kinh tế tập thể vẫn phải là thành phần chủ đạo. Thực tế chứng tỏ nó đang phát triển, đi lên. Tham nhũng, thất thoát không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp Nhà nước và hợp tác xã. Nó là biểu hiện của sự quản lý yếu kém và sự đổ đốn hư hỏng của một số quan chức”. Mỗi lần chúng tôi trao đổi về vấn đề Chủ nghĩa xã hội, anh thường hỏi: “Vậy hồi trước các cậu đi vào chiến trường, sẵn sàng hy sinh xương máu là vì cái gì?”. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc. Tôi cứ nghĩ đến anh Nguyễn Chí Trung. Anh đang điều trị bệnh trong viện nhưng chắc anh vẫn theo dõi sát sao diễn biến của Đại hội. Anh sẽ vui và phấn khởi biết bao. Trước đó, anh vẫn hằng mong ước có một kết quả như Đại hội vừa qua.

4. Năm 1979, Nguyễn Chí Trung được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cùng làm Phó tổng với anh là các nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, nhà văn Xuân Thiều. Ba ông phó, không có tổng mà tính cách lại hết sức khác nhau, những trục trặc xảy ra là điều khó tránh khỏi. Nguyễn Trọng Oánh hiền lành, thích yên bình. Xuân Thiều muốn tung tẩy thử sức mình trên lĩnh vực quản lý sáng tác. Nguyễn Chí Trung muốn mở hết tầm kích cho Văn nghệ Quân đội với nhiều cải cách táo bạo. Không ai chịu ai, dẫn đến những mâu thuẫn khó lường. Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị – Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh đã nhìn thấy sự bất ổn, liền cử Nguyễn Chí Trung đi học lớp Cao cấp Chính trị trong quân đội, đồng thời điều nhà văn không chuyên Dũng Hà về làm Tổng Biên tập. Một niềm say mê mới lại bừng dậy trong con người Nguyễn Chí Trung. Anh là học sinh xuất sắc của lớp. Thầy giáo chủ nhiệm thừa nhận anh đã đưa ra một cách học mới: đề xuất, tranh biện là chủ yếu, kết hợp lấy thực tiễn soi sáng lý luận. Hết lớp học, thủ trưởng Nguyễn Nam Khánh nói với anh: “Thôi, đừng về tạp chí làm gì. Bộ đội tình nguyện ở Campuchia đang cần một người như Trung”. Chúng tôi hỏi: “Thiếu gì người, tại sao thủ trưởng cứ phải điều anh Trung?”. Thủ trưởng Nam Khánh giải thích: “Chúng mình cùng chiến trường Khu 5 với nhau, ra ngoài này cùng làm trong một cơ quan, có chuyện gì không ổn họ lại đổ lên đầu mình. Bảo mình địa phương chủ nghĩa”. Không vui vẻ gì nhưng Nguyễn Chí Trung nhanh chóng khoác ba lô lên đường. Anh được bổ nhiệm là Phó chủ nhiệm Chính trị cơ quan đại diện Bộ Quốc phòng hướng tây nam. Tất nhiên, nhập cuộc, anh lại say mê như ngày nào. Anh như người không ra khỏi chiến tranh. Lại đắm say với phương án tác chiến. Lại ngập chìm với chiến thuật thủ đoạn đánh địch. Lại công tác tư tưởng cho bộ đội, lại cầm súng vào trận, dũng mãnh và quyết chiến như những ngày đánh Mỹ. Không biết có bao người Việt yêu đất nước Campuchia, yêu người dân Campuchia như Nguyễn Chí Trung? Tình yêu của anh, những trận đánh nảy lửa của anh, chúng tôi đã có một bài viết trên Văn nghệ Quân đội: Thế đứng một dân tộc (tháng 9 năm 1989). Trong bài viết này chỉ xin điểm qua trận đánh trên Biển Hồ, trận đánh anh chủ động đi giải nguy cho đồng đội. Trận đánh anh bị thương nặng, mặt trận điều trực thăng đến cứu nhưng máy bay chưa tới nơi đã lao xuống Biển Hồ.
Mùa mưa, địch đánh phá liên miên, gây nhiều thiệt hại cho ta. Hôm đó, tiểu đoàn Tây Đô triển khai truy quét địch trên Biển Hồ. Tình huống không lường đã xảy ra. Tiểu đoàn đụng căn cứ Trung đoàn 530, bị lọt vào vòng vây của địch. Hải quân của bạn và Mặt trận 890 tổ chức giải nguy. Nguyễn Chí Trung xin được dùng một xuồng chỉ huy vào trận. Trong đà mê mẩn đánh đuổi địch, xuồng Nguyễn Chí Trung lâm nạn. Địch bủa vây vòng trong vòng ngoài. Cậu cảnh vệ bị thương, trước lúc nhắm mắt còn nói: “Thủ trưởng ơi! Dừng lại đi. Địch đông lắm”. “Lúc này không thể dừng, không thể rút. Đánh thẳng vào sở chỉ huy kia, hoặc hy sinh hoặc thay đổi tình thế”. Nguyễn Chí Trung nghĩ thế và lệnh cho lái xuồng tăng tốc. Anh lên mũi xuồng, nắm lấy khẩu đại liên quét đạn tới tấp vào bọn địch phía trước. Bỗng cánh tay lẫy cò nảy lên, nhức nhối… Trận đánh kết thúc, ta thắng lớn. Trung đoàn địch bị phản công, chết, bị thương vô vàn. Kẻ sống sót chạy tán loạn. Nguyễn Chí Trung nói: “Kết quả lớn nhất là ta có bài học kinh nghiệm đánh địch trên nước. Không phải đánh mùa khô mà đánh ngay vào mùa mưa”. Được hỏi về chiếc máy bay trực thăng đến cứu, Nguyễn Chí Trung nói: “Kẻ phản bội bao giờ cũng rất nham hiểm. Trong trường hợp éo le, khẩn cấp như thế, hắn (lái phụ) buộc lái chính hạ độ cao và ra khỏi buồng lái. Hắn xô một bác sĩ và một y sĩ khỏi máy bay. Nhưng hắn đã nhầm, lái chính khóa máy, đâm thẳng xuống Biển Hồ. Hắn bị bắt, còn lái chính đã được cứu sống”. Nhắc đến những chuyện này anh nhăn mặt, nhăn mũi. Anh ghét và tởm lợm vô cùng những kẻ phản bội. Anh yêu và bảo vệ con người, đất nước Campuchia một cách quá thể. Có ai nói về những cái hạn chế, yếu kém của con người, của đất nước Campuchia là anh nổi khùng. Anh bảo: “Những cái đó nước mình thiếu gì, sao không chê?”.
Ở Campuchia, một người mà Nguyễn Chí Trung mến phục, đó là thủ trưởng Lê Khả Phiêu. Khi quân tình nguyện rút hết về nước và được bổ nhiệm là Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị, sau đó được bầu là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người thủ trưởng ấy không quên người giúp mình rất tận tụy ở chiến trường Campuchia. Ông đã chọn Nguyễn Chí Trung làm trợ lý cho mình. Có nhiều ý kiến khác nhau trong vai trò trợ lý của Nguyễn Chí Trung nhưng có thể khẳng định: anh là người đam mê công việc, hết lòng vì công việc. Lần đó, tôi theo đoàn của Tổng bí thư đi chống lụt ở Quảng Nam. Buổi cơm trưa, không thấy Nguyễn Chí Trung đâu, mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Trong đoàn có người muốn đi tìm. Ông Phiêu bảo: “Kệ. Chắc lại ghé vào cái phòng nào đó ngồi viết đấy mà”. Cho đến buổi cơm chiều mới thấy Nguyễn Chí Trung lộ ra, cười khà: “Mình được dồn hai suất vào một bữa đó hỉ.” Nguyễn Chí Trung là thế, nhịn ăn, thức suốt đêm cho công việc là chuyện bình thường. Các thủ trưởng trước của anh đều biết vậy. Thương anh nhưng lại coi đó như một sự đương nhiên. Không hề nghĩ đến việc đãi ngộ, cất nhắc. Thủ trưởng Lê Khả Phiêu khác. Nguyễn Chí Trung được phong tướng và ông nói: “Lẽ ra việc đó phải có từ lâu”.

5. Đến nay, Nguyễn Chí Trung vẫn lủi thủi một thân một mình. Chúng tôi biết anh có những mối tình khá lãng mạn và sâu thẳm. Hồi tập kết ngoài Bắc, yêu một cô gái Hà Nội nhan sắc. Vào chiến trường, yêu đắm đuối một diễn viên múa xinh đẹp. Đã gần đến hôn nhân thì cô ra Bắc chữa bệnh rồi lấy chồng. Ở Campuchia là cô Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Hai người yêu nhau quấn quýt nhưng vẫn không thành. Rồi cô kỹ sư hóa học ở Hà Nội. Yêu mê mẩn, ngẩn ngơ, nhưng kết quả không đến đâu… Tình yêu cũng cần thời gian. Một người lúc nào cũng lấn bấn, bận rộn công việc như anh, khó thay. Về hưu, tưởng sẽ có thời gian cho mình nhưng chợt nhận ra: “Tuổi lớn rồi, tính chi chuyện đó nữa”. Nhưng anh đã có một tình yêu khác. Tình yêu với văn học nghệ thuật. Anh viết không nhiều nhưng sớm nổi tiếng với truyện ngắn Bức thư làng Mực. Những năm ở chiến trường, do nhu cầu phải có bài cho tạp chí, anh viết một vài truyện ngắn và một số bài ký. Anh chỉ dành hai ba hôm để viết. Ngày cuối cùng khi bản thảo đưa xuống nhà in, mới xong. Dẫu thế, từng câu, từng chữ của anh được cân nhắc cẩn trọng. Bao giờ anh cũng chú ý đến chất văn trong sáng tác của mình. Bản thảo trước khi đưa in, anh đọc cho chúng tôi nghe, nhờ nhận xét, góp ý. Truyện và ký của anh có chất hào hùng nhưng vẫn mềm mại, uyển chuyển. Chất lý tưởng quán xuyến từ đầu đến cuối. Mạch văn, bay bổng, trữ tình. Tôi nhớ mãi lần đầu quân ta tấn công Thượng Đức bất thành, phải dừng lại kiểm điểm rút kinh nghiệm. Đêm đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bút ký Khi dòng sông ra đến cửa của anh. Giọng đọc trong trẻo của cô phát thanh viên vút lên niềm lạc quan, báo hiệu ngày toàn thắng đang đến. Nhưng để có giây phút vỡ òa đó, quân dân ta còn phải vượt qua muôn trùng khó khăn. Bài viết đầu tháng 4 năm 1974 có tính hùng biện khái quát toàn chiến trường mà lại như viết cho mọi sự đang xảy ra ở Thượng Đức vậy. Thú thực, vào cái giây phút ấy, tôi đang hoang mang, nghe xong bài ký bỗng bình tâm trở lại. Sáng ra, tôi khoác ba lô từ trung đoàn xuống tiểu đoàn chủ công – nơi Nguyễn Chí Trung đang hướng dẫn bộ đội dùng bộc phá liên tục mở cửa. Những bài viết tương tự sau này được tập hợp trong các tập ký và truyện ngắn: Đà Nẵng, Bức thư làng Mực, Hương cau, Khi dòng sông ra đến cửa. Nếu phải tìm những nhà văn chắt lọc câu chữ, chọn những sáng tác rời vào tập, kỹ lưỡng, khó tính, nhất định Nguyễn Chí Trung được ghi vào danh sách đó. Nhưng nghiệp văn của anh thực sự thăng hoa khi đã về hưu. Về hưu, anh còn vô khối công việc phải làm như làm sách, ảnh về đoàn Văn công Quân khu 5. Một thời anh là trưởng đoàn. Đọc, chọn bài, in tập Văn nghệ sĩ Liên khu 5 – Lý tưởng, nhân cách, sáng tạo. Sách không chỉ tập hợp chân dung một số văn nghệ sĩ tiêu biểu trong văn thơ, hội họa, điện ảnh, ca kịch… Liên khu 5, mà còn tìm ra những bài viết tiêu biểu của họ, về họ. Anh lo đất, lo đá, chạy tiền, thuê khắc bia tưởng niệm những văn nghệ sĩ hy sinh trên chiến trường Khu 5. Rồi nữa, đi lại nhiều lần sang Campuchia, làm nốt những việc còn dang dở và lấy thêm tài liệu để viết. Nhưng dù sao anh cũng có nhiều thời gian hơn cho sáng tác. Tiếng khóc của Nàng Út dồn nén tư tưởng, tình cảm bức xúc của nhà văn về một thời khốc liệt của chiến tranh. Yêu nhân dân vô cùng, gắn bó máu thịt với những vùng đất từng trải, ngòi bút Nguyễn Chí Trung đã có sự bứt phá, vượt lên chính mình. Anh đã chọn đúng giọng điệu phù hợp với chất liệu cuộc sống thời đó. Chất văn hóa được anh nghiên cứu rất kỳ công và đưa vào tác phẩm nhuần nhuyễn. Có vốn sống dồi dào nhưng không lạm dụng. Anh cất công đi lại những nơi miêu tả trong tác phẩm, để lấy lại cảm xúc. Hồn vía hiện thực cuộc sống cùng với bút pháp lãng mạn của anh đã tạo nên một Tiếng khóc của Nàng Út có sức lôi cuốn người đọc. Tập tiểu thuyết đầu tay cũng là tập sách đã giành cho anh ba giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng ASEAN, Giải thưởng Bộ quốc phòng. Hiện anh đang viết về Campuchia, một dân tộc anh vô cùng yêu thương, một chiến trường đẫm máu và nước mắt anh đã gắn bó mấy chục năm liền. Xương máu anh đổ xuống đất đó kém gì xương máu anh đổ xuống đất Việt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Anh đang viết với tình yêu bao la và sâu thẳm. Anh đã đọc một số cuốn sách viết về Campuchia và anh nói: “Cuộc chiến của quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia không phải như vậy. Mình sẽ viết khác”. Độc giả cầu mong sức khỏe anh hồi phục để viết trọn vẹn cuốn sách… Nhưng mọi thứ đã dừng lại. Nguyễn Chí Trung đã ra đi ở tuổi 87. Anh đã ra đi với lý tưởng anh hằng theo đuổi, nhân cách đáng trọng của anh và sự sáng tạo bằng nhiệt huyết tận đáy lòng. Những trang bản thảo ấy sẽ được anh tiếp tục ở một thế giới khác, nơi ấy hy vọng sẽ không có chiến tranh, với những khổ đau và bất công xã hội, nơi ấy chỉ có an hòa, để anh có thể dốc lòng mình cho từng con chữ.

N.B.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây