Tác giả Cao Duy Thảo

Cao Duy Thảo

CAO DUY THẢO

Sinh ngày 01 tháng Giêng 1943

Quê quán: xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định
Hiện nay sống và làm việc tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Năm 1964, tốt nghiệp Trường Điện ảnh Việt Nam, về làm biên kịch tại Xưởng phim Việt Nam. Năm 1966 vào chiến trường miền Nam làm phóng viên, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ.
Sau khi thống nhất đất nước, làm Trưởng phòng Văn hóa Văn nghệ Thể thao tỉnh Nghĩa Bình. Từ năm 1979 đến 1982: học viên khóa 1, Trường Viết văn Nguyễn Du. Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Khánh Hòa. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1977).

Tác phẩm chính:

 Im lặng của đá (truyện ngắn, 1975); Thành phố lúc bình minh (truyện ngắn in chung, 1979); Ngọn đèn (tập truyện ngắn, 1985); Cảm ơn mùa xuân (thơ, 1998); Thời gian (tập truyện, 1998); Xứ bình yên (truyện và ký, 2000); Bút ký văn học (tập bút ký, 2004); Chim bay về núi (tiểu thuyết, 2010); Sóng vỗ mạn thuyền (tập bút ký, 2012); Tuyển tập truyện ngắn và bút ký văn học (tuyển tập, 2012)

Giải thưởng:

Cá trắm đẻ (truyện ngắn) – Giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn Tuần báo Văn Nghệ Hội Nhà văn năm 1982; Thời gian (truyện ngắn) – Giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1983-1984; Chim bay về núi – Giải thưởng Văn học 5 năm (2009-2014) của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

 

CHIẾN TRƯỜNG

Đầu năm 1966, xe của Ban Thống nhất đón tôi cùng vài người khác đưa đến trường Tuyên giáo Trung ương đóng ở Cầu Giấy – Hà Nội. Trại huấn luyện đi B cho giới văn hóa – văn nghệ đặt tại đây. Vào trại gặp khá nhiều thành phần: nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên múa, nghệ sĩ dân ca bài chòi… chia thành hai chi theo đích đến từng vùng miền. Tôi ở Chi 2 sẽ về Khu 5 do nhà thơ Vương Linh, Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, làm chi trưởng. Lúc bấy giờ đế quốc Mỹ đã ồ ạt đổ quân vào Đà Nẵng, Cam Ranh, đồng thời leo thang đưa chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Ban ngày chúng tôi lên hội trường học Nghị quyết của Đảng, nghe truyền đạt tình hình cách mạng miền Nam cùng âm mưu thủ đoạn của kẻ thù; tối lại mang ba lô gạch đá hành quân dã ngoại hoặc tập trung xem phim một tuần vài lần. Phim đem chiếu toàn của Trung Quốc đã cũ: Bạch Mao Nữ, Cờ hồng trên núi Thúy, Đổng Tồn Thụy, Vượt sông trinh sát… đều có nội dung ôn nghèo kể khổ, mô tả chiến công bách chiến bách thắng của Bát Lộ quân mà hình ảnh tiêu biểu là chiến sĩ Đổng Tồn Thụy đứng giữa trận tiền quạt súng máy K50 vào kẻ thù, khiến chúng ngã rạp lớp lớp dưới chân… Người có suy nghĩ thấy đó là kiểu thắng lợi hoang tưởng và việc này đã ít nhiều gây tổn thương cho những người sắp ra trận. Không chỉ riêng tôi, vài người khác khi xem phim cũng lén bỏ ra ngoài, một số phản ứng lại bằng cách vỗ tay ở những đoạn “cao trào” (trong đó có những người khá nổi tiếng lúc bấy giờ như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Hoàng Việt…). Hành động ấy không qua được mắt mấy ông phụ trách khóa học, nhưng tôi là kẻ vốn không giỏi lẩn tránh nên lãnh hậu quả. Cuối khóa huấn luyện, Chi trưởng báo cho biết: tôi không đủ điều kiện để đi chiến trường!
Ngày hôm sau xe của trường Tuyên giáo đưa trả tôi về cơ quan cũ trong nỗi nhục nhã ê chề. Lúc bấy giờ, dưới con mắt mọi người, ai rơi vào hoàn cảnh như tôi đều được cho là kẻ hèn nhát, đào ngũ. Tôi trùm mền nằm vùi suốt hai ngày liền rồi vùng dậy viết một bức thư cho chú Châu ở Vụ miền Nam Ban Tổ chức Trung ương (tôi quen mặt khi chú vào thăm anh chị em ở khóa huấn luyện). Trong thư tôi nói mình rất tha thiết muốn trở về miền Nam chiến đấu, rồi kể lể nỗi đau khổ của một người không được ra chiến trường. Kết thúc thư tôi viết một câu như trăn trối: “Có thể những sự việc vừa qua đã đẩy cháu tới chỗ không còn thiết sống nữa”. Nhờ vài người quen mách giùm, tôi biết nhà riêng của chú Châu nằm trên đường Hàng Bông Nhuộm. Một buổi tối đến gõ cửa, may mắn chú có nhà. Ban đầu định bụng trao xong thư là quay lui, nhưng chú Châu cứ một mực cầm tay tôi dắt vào trong. Với cách phát âm chữ “a” đặc trưng, có thể nhận ra một ông già gốc Quảng chính hiệu.
“Chuyện của cháu chú có nghe qua phản ảnh”, chú Châu nói sau khi lướt nhanh bức thư của tôi. “Kể cũng hơi nặng…”.
“Nặng nhẹ gì đâu chú”, tôi dằn dỗi xả hết sự kìm nén của mình. “Đánh giặc mà dễ như ăn gỏi trong mấy cuốn phim đó thì người ta kéo nhau đi hết trơn rồi, đâu đến lượt tụi cháu!”.
“Chi mà căng thẳng quá vậy hè”, chú Châu bỗng cười khục khục trong miệng. “Thôi, bây giờ cứ về cơ quan làm việc bình thường đi… Cũng may từ đây tới cuối năm bên Văn hóa còn một chuyến nữa”.
Và chú Châu giữ lời.
Lần tập trung sau, từ 51 Trần Hưng Đạo chúng tôi được xe commăngca đưa thẳng lên trại huấn luyện ở Hòa Bình. Lần này bên điện ảnh ngoài tôi còn có hẳn một tốp nhà quay phim trẻ: Trần Thế Dân, Hiến, Sửu, Trần Văn Thủy… Chúng tôi được biên chế vào một chi gồm các nhà giáo và bác sĩ vừa mới ra trường, trong đó một người về sau rất nổi tiếng: Bác sĩ nhãn khoa Đặng Thùy Trâm. Một tháng trời mang gạch đá leo dốc, đến lúc được nhận ba lô, tăng, võng, mắm cô, thuốc thang…; riêng anh em điện ảnh ngoài máy quay, các hộp phim sống, mỗi người còn được trang bị thêm máy ảnh của Đông Đức và một khẩu K54. Sau lễ xuất quân, chúng tôi theo xe tải phủ kín bạt lên đường vào lúc xẩm tối. Thời ấy người đi B thường ra đi trong lặng lẽ, ít người biết. Khi qua Hà Nội, một ai đó ngồi phía đuôi xe thông báo nho nhỏ: “Đến phố Nguyễn Thái Học… Ga Hàng Cỏ… Công viên Thống Nhất…” khiến tim mọi người rung lên từng chặp. Cứ thế xe chạy suốt đêm vượt cầu Hàm Rồng tới Vinh, rồi đến Quảng Bình. Đường sá xấu lắm, một vài lần xe dừng lại chờ phà chợt nghe pháo cao xạ của ta nổ rát ở cung đường phía trước… Rồi chúng tôi xuống xe tranh thủ chợp mắt ít phút bên góc rừng để sáng ra bắt đầu lội bộ vượt đèo Mụ Giạ. Đang mùa mưa, mây mù sà xuống tận đỉnh đầu. Con đường đèo nhão nhoét một thứ bùn đỏ lún đến ống quyển. Lệnh truyền xuống phải vượt nhanh, vì đây là tọa độ máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá. Mệt lắm nhưng phải cố…
Đường Trường Sơn lên đèo xuống dốc, luồn dưới các tán rợp. Ngày đầu tiên mang nặng, cả đoàn lầm lũi bước không ai nói với ai lời nào. Về chiều thấm mệt, ai cũng thầm mong nhìn thấy cái dấu lá chỉ vào trạm nghỉ để mau chóng quẳng cái balô trên vai xuống… Đêm, cơm nước xong lên võng nằm, cả người đau ê ẩm, tôi bật cười nhớ tới câu hát nói về bộ đội vượt Trường Sơn phơi phới của ông nhạc sĩ nào đấy phổ theo nhịp hành khúc: Ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi… rồi chìm vào giấc ngủ nặng nề. Sáng hôm sau tiếp tục lên đường. Đã qua đất Lào. Khác với phía đông, rừng Lào đang mùa khô, nhìn đâu cũng thấy những đàn bướm sặc sỡ bay uể oải trên các khe suối kiệt nước… Hành quân khoảng mươi hôm đã có người nằm lại trạm: Ai đó lên cơn sốt hoặc chân bị bong gân. Nhưng người đi được vẫn tiếp tục đi. Đi sâu xuống phía nam, thỉnh thoảng bắt gặp một tốp thương binh ngược chiều, cũng có lúc là toán thiếu nhi đang trên đường ra Bắc học tập. Cảm giác chiến trường đã gần lắm…
Thế là ngót hai tháng trời ngày đi đêm nghỉ, tới thời điểm phải vượt qua đỉnh Trường Sơn thêm một lần nữa đặt chân lên đất Thừa Thiên, rồi đi tiếp vào trong để biết thế nào là những con dốc Quảng Nam cao vợi từng được truyền tụng: Bao giờ Thanh Nghệ hết cà, Quảng Nam hết dốc… Một tuần sau chúng tôi đến trạm chờ của Khu ủy rồi từ đó được phân thẳng về bộ phận Điện ảnh trực thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5 đóng trong cánh rừng phía tây Trà My.
Nhưng ở chiến trường một anh biên kịch điện ảnh không phát huy được gì nhiều khi các nhà quay phim chỉ cắm cúi lấy tư liệu và hoạt động hoàn toàn độc lập. Sự trái khoáy ấy khiến Ban Tuyên huấn quyết định chuyển tôi sang Tiểu ban Văn nghệ làm phóng viên, biên tập cho tờ Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Khu Trung Trung bộ chuẩn bị ra số đầu tiên. Có lẽ các vị cho rằng đều là dân chữ nghĩa cả nên dễ hòa hợp. Cơ quan Tiểu ban Văn nghệ lúc bấy giờ do nhà thơ Vương Linh (khi làm thơ lấy bút hiệu Hải Lê) phụ trách, còn có nhạc sĩ Huy Quang (Phan Huỳnh Điểu), họa sĩ Thế Vinh, đạo diễn Khánh Cao, nhà văn Chu Cẩm Phong (Trần Tiến), nhạc sĩ Văn Cận, diễn viên múa Phương Anh, Hiền Minh, Văn Phước, ca sĩ Thanh Đính và một bộ phận hậu cần gồm mấy anh chị em: Vân, Thông, Danh, Chi, Tam… Có một người đáng lẽ đã gặp nếu tôi về sớm hơn một chút, đó là diễn viên múa Phương Thảo vốn là chỗ quen biết trong lần tập trung ở trường Tuyên giáo trước đây. Ngày tôi về đến Khu bộ thì Phương Thảo đang đi công tác xuống Duy Xuyên cùng với chú Khánh Cao, và chị đã hy sinh bởi một mảnh đạn cối của địch vào một đêm khi hai chú cháu vượt qua đồn Kiểm Lâm…
Năm đầu tiên về Tiểu ban Văn nghệ công việc chính là phát rẫy, cõng gạo, làm nhà… Tất cả những việc ấy đều do anh Trần Tiến (Chi ủy viên Chi bộ) đứng ra quản lý và phân công cho từng người, riêng anh bao giờ cũng nhận lãnh phần nặng nhất. Chẳng hạn việc nhận gạo kho thường phải đi rất xa, có lần phải lên tận đường dây xã hội chủ nghĩa (là đường ô tô giáp biên giới Việt – Lào) đi về mất cả nửa tháng trời, Trần Tiến lúc nào cũng có mặt. Rồi cũng chính anh dẫn tôi đi thực tế chuyến đầu tiên xuống Quảng Ngãi, thời gian hơn một tháng. Suốt chuyến đi Trần Tiến sốt liên miên nhưng anh cố làm cứng để dẫn dắt người mới vào chiến trường là tôi qua giai đoạn bỡ ngỡ ban đầu. Chúng tôi ở lại Sơn Mỹ khoảng nửa tháng, đi khắp nơi, làm quen với nhiều người và cần mẫn ghi chép tài liệu. Sơn Mỹ là một dải đất nằm sát biển giáp với cửa Cổ Lũy, có con lạch xanh nghít dừa nước chảy êm ả ven rìa làng, đặc biệt tại đây còn có một hệ thống địa đạo chiến đấu kiên cố từng làm khiếp sợ bao đám giặc đi lấn chiếm…
Sau chuyến công tác ở Quảng Ngãi trở về, cơ quan Văn nghệ có thêm người: nhà thơ Bùi Minh Quốc, tác giả của Lên miền Tây nổi tiếng ở miền Bắc một thời… Thế là chúng tôi cùng lúc lao vào nhiều công việc khác nhau: hoàn thành Tạp chí Văn Nghệ số đầu tiên, thu hoạch lúa rẫy và chuẩn bị cho Đại hội Văn học Nghệ thuật Khu Trung Trung bộ lần thứ Nhất. Đang mùa mưa, rừng núi âm u giọt ngắn, giọt dài. Dường như phát hiện thấy một điều gì đấy, máy bay của Mỹ (kể cả B52) hoạt động ráo riết nhằm vào các vị trí chúng nghi ngờ cách cơ quan không xa. Đại hội Văn Nghệ họp trong căn lán vừa mới dựng trên mỏm đồi, có nhiều đại biểu từ các tỉnh về dự, chủ yếu nghe và thảo luận Nghị quyết của Thường vụ Khu ủy do anh Năm Công (Bí thư Khu ủy) truyền đạt. Nhìn tổng thể thì đây là một đợt phát động tư tưởng trong giới văn nghệ với những lời lẽ mộc mạc như “nhiệm vụ sắp đến rất nặng nề và khẩn trương, đã đến lúc không thể đi mà phải chạy, chạy tốc lực”… Về vai trò của văn nghệ, nhiều báo cáo điển hình của Gia Lai, Quảng Đà rất hay. Chị Nghĩa, cán bộ người dân tộc Bana công tác ở Gia Lai phát biểu một câu mà sau đó nhà văn Nguyên Ngọc cứ nhắc đi nhắc lại: “Người Bana có thể thiếu cơm nhưng không thể thiếu ca hát (văn nghệ) được”… Trong hai ngày đại hội, tiếng pháo, tiếng bom của địch vẫn nổ rền chung quanh nơi họp. Nhờ cuộc sinh hoạt này mà tôi được làm quen nhiều anh chị em làm công tác tuyên truyền văn nghệ ở các tỉnh, đặc biệt gặp hầu hết các cây bút gạo cội trong Ban Văn học bên Quân khu như Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Như Cảnh, Ngân Vịnh… Để hợp nhất lực lượng từ hai phía: Khu ủy và Quân khu vào một tổ chức, Đại hội đã bầu nhà văn Nguyên Ngọc làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng Khu Trung Trung bộ (về mặt Đảng – anh Vương Linh làm Bí thư Đảng đoàn), có vẻ việc này khiến anh Vương Linh không được vui lắm, nhưng Khu ủy đã quyết như vậy còn biết phải làm sao?
Rồi tình hình bỗng có đột biến: cả Khu 5 chuẩn bị bước vào chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Nghe như đây là chiến dịch lớn, vì trong bức thư của Ban chấp hành Đảng bộ Khu 5 gửi cho cán bộ, đảng viên có những câu như lửa cháy: “Hãy tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa! Giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân!”… Ngay từ đầu tháng 12 năm 1967, tôi cùng với nhạc sĩ Văn Cận, ca sĩ Thanh Đính, diễn viên múa Phương Anh được phân công về Quảng Đà. Cuộc chia tay giữa người đi, kẻ ở khá bịn rịn. Trần Tiến theo bộ phận “tiền phương” xuất phát sau, đã tổ chức bữa liên hoan có cơm (không ghế) với thịt heo nhà cùng lời chúc “tới ngày tổng công kích, tổng khởi nghĩa thắng lợi gặp lại nhau”. Các em gái ở bộ phận công vụ mắt đỏ hoe vì sợ rằng ngày cướp chính quyền mình không có mặt.
Chúng tôi rời căn cứ xuôi đò từ thượng nguồn sông Thu Bồn đi suốt đêm qua Hòn Kẽm – Đá Dừng… rồi Tí – Sé… Dùi Chiêng… đến khi lên bờ leo tiếp mấy cái dốc là đặt chân tới Xuyên Thu – Duy Xuyên. Tôi nhớ lần ấy, vào dịp ngừng bắn nhân lễ Noel, được một đơn vị bộ đội địa phương bảo vệ, chúng tôi cùng đoàn văn công Quảng Đà vào tận ấp Trà Kiệu, ngay dưới chân Hòn Bằng biểu diễn, lúc quay ra bị đại liên của địch đặt trên gác chuông nhà thờ gần đó bắn đuổi, tôi hỏi một chiến sĩ vác B40 chạy lúp xúp bên cạnh: “Sao đồng chí không bắt nó câm họng lại?”. Anh chiến sĩ trả lời: “Răng được anh! Bên dưới toàn bà con mình chui vô núp…”. Sau đó Văn Cận, Thanh Đính và Phương Anh ở lại với văn công Quảng Đà, còn tôi theo anh em địa phương đi khắp nơi từ Duy Xuyên qua Gò Nổi – Điện Bàn; rồi vượt quốc lộ 1 xuống tận vùng Đông Thăng Bình, tại đây bất ngờ được anh Tý (bút danh là Triều Phương) đang đêm dẫn vô chợ Bàn Thạch (Duy Vinh) đãi một bữa trứng vịt lộn nhớ đời. Đến cuối tháng 1 năm 1968, trước đêm giao thừa tết Nguyên đán một ngày, tôi nhận được lệnh tiếp cận thị xã Hội An.
Chiều tối, thuyền của giao liên Thị ủy đưa tôi cùng vài người nữa vượt qua sông Cổ Cò – một nhánh của sông Thu Bồn chảy ra Cửa Đại – cập vào làng rau Trà Quế, chỉ còn cách thị xã Hội An một quãng đồng. Tôi được gửi đến ở trong nhà bác Bốn, một ông già cơ sở chỉ sống một mình bằng nghề trồng rau cạnh rìa làng. Khuya, bác Bốn giục tôi xuống hầm bí mật. Khác với khu Tây, việc nằm hầm tại đây khá nhiêu khê: phải đào sâu đến nửa thước cát mới chạm nắp hầm. Khi tôi đã chui vào trong, bác Bốn ngồi ngoài đậy nắp rồi lùa cát lấp kín hố đào. Sau đó xóa dấu vết bằng những nhát chổi xương. Giấu mình kiểu này đành chấp nhận yếu tố may rủi, chẳng hạn nếu bác Bốn có mệnh hệ gì, chắc chắn tôi sẽ nằm lại vĩnh viễn trong lòng đất Trà Quế… Suốt ngày hôm đó tôi cố gắng giữ tư thế ngồi để làm duy nhất một việc là chống lại cơn buồn ngủ cứ u u minh minh kéo đến. Cho tới lúc bác Bốn mở cửa hầm thì bên ngoài đã là đêm. Có lẽ giờ G sắp điểm. Tôi được liên lạc của Thị ủy dẫn đến ghép vào một trong hai khối người thuộc lực lượng “nổi dậy” đang tập trung trên đám ruộng xâm xấp nước bên hông làng rau. Chưa kịp nhận ra ai là ai, thì một người tiến đến trước mặt tôi.
“Tui là Phỉ, cán bộ của Thị ủy”, người ấy nói. “Theo ý tui, anh nhà báo nên qua cánh bên tê tiện hơn”.
“Sao vậy?”
“Để nhà báo có điều kiện ghi lại giờ phút lịch sử này”.
Thực tình tôi chẳng rõ anh ta nói như vậy là có ý gì – và anh ta lại tự nhận là người của Thị ủy, nên không thể không nghe theo.
Thế là tôi được đưa sang đứng vào khối người thứ hai bên cạnh – về sau tôi biết đó là cánh “nổi dậy” phía Nam có nhiệm vụ “quấy rối giữ chân địch” lúc chiến sự nổ ra; trong khi anh Phỉ ở lại với cánh phía Bắc được xác định là chính diện, phải đối mặt với cụm hỏa lực mạnh của quận lỵ Hiếu Nhơn trước cửa ngõ Hội An. Tới giờ G, cánh phía Bắc súng nổ vang, hỏa châu vụt sáng cả một góc trời; cùng lúc ở phía Nam đoàn người ào lên nhưng chỉ sau ít phút phải lùi lại vì không vượt qua được một đoạn dốc hẹp đầy cát, khi từ đầu dốc một khẩu đại liên của địch bắn trực diện không ngừng nghỉ… Cuộc chiến cứ thế dằng dai cho đến 9-10 giờ sáng thì có lệnh rút. Lập tức quân “nổi dậy” từ các hướng túa ra cánh đồng trước mặt làng Trà Quế. Có tin xe tăng Nam Triều Tiên ép xuống từ phía Cẩm Hà. Còn trên trời hàng chục chiếc trực thăng, phóng pháo của Mỹ quần đảo, nhả đạn xuống từng mục tiêu… Khi tôi kịp thả mình vào cái miệng hố ai đào sẵn cạnh bụi tre đầu làng rau, hai quả rốc két từ trên trực thăng phóng trúng bụi tre. Chỉ thấy ánh lửa nháng lên rồi đất cát, cành cây rào rào phủ kín cả miệng hố…
Trưa đó phải gấp gáp theo liên lạc rời khỏi Trà Quế, tôi không đủ thì giờ quay lại nhà chào bác Bốn. Nhưng nỗi buồn của tôi còn lớn hơn: Cô liên lạc cho hay anh Phỉ – lúc này tôi biết anh là Thị ủy viên, chỉ huy lực lượng “nổi dậy” cánh Bắc – đã hy sinh khi cùng đoàn người vượt qua cụm hỏa lực mạnh của địch ở quận lỵ Hiếu Nhơn! Thì ra lúc điều tôi sang cánh Nam, anh Phỉ dường như cảm nhận được mức độ ác liệt nơi cánh Bắc của anh sẽ gặp phải. Anh đã âm thầm dành cho tôi một cơ hội sống…
Đêm ấy theo giao liên vượt quốc lộ 1 lên khu Tây, lúc chuẩn bị qua bến đò Mỹ Lược giữa hai đợt pháo bắn đuổi của địch, ngay trong căn hầm của một nhà dân bên đường, tình cờ tôi gặp lại các anh Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Bùi Minh Quốc từ cánh Đà Nẵng lên. Và tại đây tôi được các anh cho hay nhạc sĩ Văn Cận đã hy sinh bởi bom tọa độ của Mỹ tại Gò Nổi khi cùng đoàn văn công Quảng Đà chuẩn bị một chương trình công phu để đưa vào Đà Nẵng biểu diễn …
Về tới căn cứ, cơ quan được thông báo phải di chuyển lùi sâu vô bên trong núi. Sau tết Mậu Thân địch phản kích mạnh. Ở đồng bằng nhiều nơi phong trào núng thế, cán bộ, du kích bật ra khỏi dân. Tâm trạng anh chị em ta nhìn chung khá nặng nề… Thế là bắt đầu họp hành, chỉnh huấn. Khu ủy phê phán cán bộ, đảng viên không thấy hết thắng lợi to lớn của tổng công kích, tổng khởi nghĩa vừa qua. Nhưng nói thế nào thì nói, đầu óc mọi người vẫn cứ lợn cợn: Sao ban đầu bảo ra đi là không trở lại, khẩu hiệu như đinh đóng cột là phải giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân? Cuối cùng, cái mức thắng lợi dễ chấp nhận là như thế này: Việc chúng ta lần đầu tiên đồng loạt tấn công vào các thành thị trên toàn miền Nam chẳng những đã gây tiếng vang lớn trong lòng nước Mỹ mà còn đánh sập một phần ý chí xâm lược của tên đế quốc đầu sỏ, buộc chúng phải tính tới khả năng xuống thang chiến tranh… Sau chỉnh huấn, Trần Tiến đi Quảng Đà mãi đến đầu tháng Bảy mới về. Vừa lúc chị Dương Thị Xuân Quý, vợ của Bùi Minh Quốc từ miền Bắc vào. Chị Quý người ốm, mặt hơi gãy, xung phong đi chiến trường khi con gái đầu lòng – bé Ly – vừa tròn 16 tháng tuổi. Tôi chưa đọc nhiều sáng tác của chị Quý, nhưng nghe anh em nói chị vốn sinh ra trong một gia đình trí thức có truyền thống của Hà Nội… Đang mùa mưa, cơ quan đói ăn. Chuyến đầu tiên chị Quý cùng một số anh chị em đi cõng gạo bất thần bị một cơn lũ “vây ráp”, tất cả phải leo lên ngồi trên ngọn cây loòng boong vừa hái trái của nó ăn trừ bữa, vừa chờ nước rút. Nhưng chị Quý vẫn cười nói hồn nhiên. Đây là thực đơn hàng ngày lúc bấy giờ do Trần Tiến lập: Mỗi người 1 lon rưỡi bắp hột (sáng, trưa), bữa chiều 0,7 lon – gạo trộn bắp xay (1/2 là bắp) – có nghĩa một ngày ăn chưa đến nửa lon gạo. Mà tiêu chuẩn ấy cũng không duy trì được lâu, về sau còn hạ thấp xuống nữa.
Bắt đầu bước vào chiến dịch X2 nhằm lấy lại thế chủ động của ta dưới đồng bằng, tôi đi Quảng Ngãi chuyến thứ hai. Sau gần hai tháng đi “thực tế”, tôi từ Quảng Ngãi trở lại căn cứ. Khi còn cách A7 vài cái dốc, do quen đường nên tôi tự động đi về cơ quan, nhưng đến nơi chỉ thấy căn nhà cũ trống không – cơ quan đã di chuyển đến nơi khác từ bao giờ! Trời sụp tối, tôi quyết định ngủ lại trong ngôi nhà vắng người. Đêm ấy B52 đến rải bom tọa độ khu vực phía bên kia sườn dốc, tiếng bom đợt sau nghe gần hơn đợt trước. Cả khu rừng chung quanh tôi rung lên bần bật. Chúng chỉ rải ba đợt, nếu có đợt thứ tư chắc chắn bom sẽ “bừa” qua chỗ tôi. (Nói dại khi ấy chẳng may có làm sao thì chỉ rừng núi biết mà thôi!). Sáng ngày định bụng quay ra trạm giao liên để hỏi đường về Ban, vừa xuống tới chân dốc thấy cây cối bị bom đốn ngã hồi đêm chặn kín cả lối đi. Đoạn đường ngày thường đi mất mười lăm phút, bây giờ phải ba tiếng leo trèo cật lực mới vượt qua nổi…
Địa điểm mới ở A9 của Văn nghệ rất gần với Ban Tuyên huấn Khu. Về đến nơi, tôi xắn tay cùng anh chị em dựng nhà, rồi phân công nhau đi cõng gạo – kho gạo nằm khá xa trên đường dây xã hội chủ nghĩa. Đầu năm 1969, Trần Tiến và Dương Thị Xuân Quý đi công tác Quảng Đà. Hơn hai tháng sau bỗng có tin báo về Quý hy sinh tại Xuyên Tân (8/3/1969) cách thị trấn Nam Phước chừng 4-5 cây số về hướng đông. Giặc càn, du kích đưa Quý xuống hầm bí mật, đến đêm trồi lên thì vướng phải mìn pháo sáng của địch cài trên mặt đất, lập tức bọn Nam Triều Tiên phục kích cứ nhằm vào chỗ sáng ấy nổ súng. Chị Quý hy sinh không lấy được xác. “Thế là bé Ly hoàn toàn mất mẹ” – ý nghĩ đầu tiên đến với tôi khi nghe tin chị Quý hy sinh là về bé Ly chứ không phải thành tích sáng tác văn học của chị để lại cho đời!
Vì ở gần Ban nên thỉnh thoảng Nguyễn Mỹ, tác giả của Cuộc chia ly màu đỏ nổi tiếng từ Tiểu ban Tuyên truyền đạp sang chơi. Nguyễn Mỹ trông mặt rất ngầu nhưng giọng nói lại nhẹ nhàng, uyển chuyển. Anh đọc thơ mới viết cho anh em nghe và khi có người hỏi công việc chính của anh bây giờ làm gì, anh cười hiền: “Thì làm diễn ca chớ làm gì”. Có điều lạ là từ khi vào chiến trường, Nguyễn Mỹ chưa một lần được đặt chân xuống đồng bằng. Anh gần như được “đặc cách” công việc giữ rẫy và làm diễn ca các chính sách của Mặt trận. Nghe nói gia đình anh ở quê (Phú Yên) “có vấn đề”, cần xác minh…
Đầu năm 1970, họa sĩ Hà Xuân Phong rồi sau đó là họa sĩ Giang Nguyên Thái từ Hà Nội vào, tiếp đến là Thanh Quế – bạn cũ của tôi, người ra đi từ Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng nhưng đã có thơ đăng báo lúc còn là học sinh phổ thông. Lúc mới vào Quế ở bên Báo Cờ Giải phóng, tôi phải thuyết phục ông Vương Linh xin tổ chức cho bạn về Văn nghệ.
Ngày 22 tháng 2 năm 1970, tôi được kết nạp vào Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam (tên khác của Đảng Lao động Việt Nam tại miền Nam) sau hơn ba năm ở chiến trường. Như thế là chậm so với nhiều người khác có sức phấn đấu tốt hơn tôi. Trước khi kết nạp, Trần Tiến hỏi: “Cậu nghĩ sao khi được kết nạp Đảng”. Tôi trả lời: “Hồi Mậu Thân, một lần ở Thăng Bình đang ngồi trong nhà cơ sở, thì bọn Bảo an càn đến. Bà chủ nhà hỏi mày có Đảng chưa, tôi bảo chưa thì bà lưỡng lự, bèn gọi đứa con gái nhỏ dẫn tôi chạy tránh lên thôn trên… Sau đó mới biết nếu tôi trả lời có thì bà sẽ cho tôi chui xuống căn hầm bí mật đào trong nhà của bà, khỏi phải chạy khơi khơi như vậy. Có Đảng thì niềm tin của dân đặt vào mình cũng khác”.
Khoảng đầu tháng 3, tôi được phân công ra trạm đầu mối nhận hai thùng sách của Ban Văn nghệ miền Nam ở Hà Nội gửi vào. Nhưng ra đến nơi mới biết sách đã bị bom Mỹ thiêu cháy từ mấy hôm trước, thay vào đó, ông trưởng trạm đề nghị tôi dẫn về một đội hát tuồng gồm 5 người, có 2 nữ, nói là của quý nhân dân miền Bắc chi viện cho Văn nghệ Khu 5. Nhưng chính cái đội hát tuồng này, do chưa kịp thích ứng với hoàn cảnh, vừa chân ướt chân ráo đặt ba lô xuống đã liên tiếp gây ra mấy “sự cố” choáng váng: Một lần họ bắn nhầm con heo của đồng bào dân tộc mà cứ tưởng là heo rừng; lần đó bà con làm dữ, Trần Tiến phải trổ hết tài ngoại giao của mình ra mới giải được nỗi oan. Rồi lần khác khi được ở riêng, cả đội ăn phải nấm độc tự hái, khiến hai diễn viên nam giỏi nghề thiệt mạng…
Do ở A9 không làm rẫy được, tiêu chuẩn gạo kho lại sắp hết nên mức ăn hàng ngày của cơ quan giảm xuống một nửa. Phải độn thêm rau rừng, củ móng ngựa. Giữa lúc ấy nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ốm nặng, được Ban đồng ý cho ra Bắc. Còn lại mấy anh em lọ mọ viết bài, biên tập bài vở cho tạp chí. Thỉnh thoảng một người trong chúng tôi reo lên khi đọc được tác phẩm ưng ý từ các nơi gửi về. Tôi còn nhớ bài thơ Đường 21 đêm nay của Trúc Hoài (Đắk Lắk), bút ký Đêm Gò Nổi của Trần Văn (tên thật Trần Văn Anh ở Quảng Đà) được anh em biên tập chuyền tay nhau đọc và khen ngợi.
Nhưng lại có chuyện buồn từ ông nhà thơ già nọ: Chưa một lần đi thực tế xuống đồng bằng (ai cũng biết xuống đồng bằng được dân nuôi sướng hơn nhưng cũng dễ chết hơn!), ông suốt ngày ngồi ru rú làm thơ trên chiếc bàn nứa sát cửa hầm chữ A. Có lần người ta bắt gặp ông đặt bài thơ của một người khác đã in báo bên cạnh rồi cứ nhìn vào đó “biến báo” thành thơ của mình. Anh Bùi Minh Quốc đem chuyện này nhắc khéo trong cuộc họp chi bộ, thế là từ đó ông nhà thơ già hầu như không thèm nhìn mặt ông nhà thơ đàn em nữa. Cách sống của ông nhà thơ già khiến cho Trần Tiến, một người giỏi chịu đựng, cũng phải kêu lên: “…Thái độ của anh làm mình không vừa lòng. Trong lúc tất cả anh em bận túi bụi, lao động cật lực suốt cả ngày và chịu đói thì anh ta giữ một ống gạo riêng, một ống lương khô riêng, đành rằng đó là của riêng anh ta, và nằm không” (Nhật ký chiến tranh). Thế đấy, không phải cứ ở chiến trường thì ai cũng như ai!
Để có đất sản xuất, Ban đồng ý cho Văn nghệ quay về A5 – Nước Nghêu (nay thuộc xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My). Cơ quan chuyển xong, trước ngày đi công tác Bình Định chừng một tuần, tôi cùng mấy anh em: Trần Tiến, Thanh Quế, Bùi Minh Quốc, Hiền Minh, Văn Phước xuống nhận gạo tại một địa điểm gần sông Xò Lò (Quảng Ngãi). Thế là lọt vào ổ phục kích của bọn Mỹ “lết”. Lúc băng qua đám ruộng bỏ hoang của đồng bào H’re thì chợt có tiếng súng nổ phía sau lưng, bước dấn tới mấy bước bất thần chạm mặt một tốp lính Mỹ đang đứng nhìn về hướng có tiếng súng. Trần Tiến đi trước đột ngột quay lại khoát tay ra hiệu cho chúng tôi tạt vào rừng. Và đêm ấy cả sáu anh em cứ mò mẫm cắt rừng mà đi, tới mờ sáng hôm sau mới té ngửa: do mất phương hướng trong đêm nên tất cả quần về chỗ cũ…
Giữa tháng Năm, tôi lên đường đi công tác Bình Định, phải đến cận tết Tân Hợi năm 1971 mới trở về hậu cứ. Sau tết, một số anh em được cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn Khu, rồi dốc toàn lực cơ quan bắt tay vào công cuộc làm rẫy tự cứu đói. Lần này Trần Tiến quyết định làm rẫy trên đất rừng già với rất nhiều hy vọng. Cả tháng trời quần quật với cánh rừng rậm rịt ở Nước Nghêu: phát cây nhỏ, chặt cây to, băm cành nhánh… chờ nắng. Trong lúc đợi bổi khô, cuối tháng 3 Trần Tiến hăm hở đi công tác Quảng Đà. Và hơn một tháng sau, tin xấu báo về: Ngày 1/5/1971, Trần Tiến hy sinh anh dũng dưới căn hầm bí mật gần bờ sông Thu Bồn ở thôn Vinh Cường, xã Xuyên Phú (nay là xã Duy Tân), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Đà, khi vừa 30 tuổi. Tôi nghe tin này vào buổi trưa lúc từ ngoài rẫy về đến cơ quan…
Và đó là lần đầu tiên tôi rơi nước mắt ở chiến trường./.

C.D.T.

 

CHU CẨM PHONG

Năm 1966, đang là biên kịch điện ảnh, mới hai mươi ba tuổi, tôi từ Hà Nội vào chiến trường đến công tác tại bộ phận Điện ảnh trực thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5. Lúc bấy giờ, anh Trần Tiến (tức nhà văn Chu Cẩm Phong) thuộc biên chế bên Tiểu ban Văn nghệ, lớn hơn tôi hai tuổi và đã vào Nam trước tôi hai năm. Phải nói tôi thật vô duyên với điện ảnh, vì ở chiến trường, một anh biên kịch chẳng là gì cả, anh ta chẳng làm được gì khi người quay phim chủ yếu ghi tư liệu và hoạt động hoàn toàn độc lập. Có thể vì lẽ đó mà tôi nhanh chóng được chuyển sang cơ quan Tiểu ban Văn nghệ, làm việc cùng với anh Trần Tiến, trước mắt lúc ấy là chuẩn bị ra số Tạp chí Văn nghệ Giải phóng đầu tiên chào mừng Đại hội Văn học – Nghệ thuật Khu Trung Trung bộ lần thứ nhất, diễn ra vào cuối năm 1967. Không ngờ tôi đã có hai lần may mắn từ cuộc thuyên chuyển này: Một – được gắn bó lâu dài với văn học và hai – được làm bạn với anh Trần Tiến – Chu Cẩm Phong.
Thực ra ngày ấy chúng tôi làm gì có nhiều thì giờ dành cho văn chương. Ngoài những chuyến đi thực tế ngắn ngủi xuống cơ sở theo sự phân công, thời gian còn lại chúng tôi dồn hết cho việc phát rẫy, tra hạt, cõng gạo, làm nhà…, mà những việc như vậy thường khi phải đổi bằng nhiều mồ hôi, công sức, đôi khi cả máu. Và trong cuộc chiến đấu cũng rất cam go để giành lấy sự sống này, chúng tôi đã có một chỗ dựa vững chắc: đó là Trần Tiến!
Vóc người còm nhom, mũi thẳng, mắt sáng, Trần Tiến trong ký ức tôi lúc nào cũng hiện lên hình ảnh một người trai hay cười, làm nhiều hơn nói và sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách. Tôi được ở gần bên anh chừng 5 năm và thấy rằng, chính anh mới là động cơ, là người đứng mũi chịu sào thật sự của Tiểu ban Văn nghệ, cho dù anh chỉ là một chi ủy viên, lại là đàn em của nhiều bậc “lão làng”.
Những năm đế quốc Mỹ tiến hành “Chiến tranh cục bộ”, đói kém xảy ra thường xuyên ở chiến khu. Để có cái ăn, Trần Tiến dẫn chúng tôi đi lấy gạo tại các kho cách rất xa hậu cứ, có khi lên tận tuyến đường xã hội chủ nghĩa (là đường tiếp tế từ Bắc vào Nam bằng ô tô, nằm trên biên giới Việt – Lào – hồi đó chúng tôi gọi như vậy) đi về mất cả chục ngày trời, nếu chẳng may gặp trận lũ chặn đường buộc phải nằm lại, thì chuyến đi đó coi như trắng tay, chẳng còn gì mang về. Rồi lần khác phải vào tận ngầm Xò Lò (Quảng Ngãi) lấy gạo, dọc đường cả nhóm bất ngờ chộ mặt Mỹ “lết”. Cách nhau chỉ một bờ đất nhưng có lẽ do nhìn ngược sáng bị lóa mắt nên “mấy con khỉ đột” trở tay không kịp, để chúng tôi thừa cơ tạt vào rừng. Đêm sập xuống rất nhanh. Cứ cắt rừng mà đi, được một lúc, Trần Tiến ra hiệu cho chúng tôi dừng lại. Anh nhìn quanh rồi rút súng ngắn lên đạn, nói: “Kiểu này không khéo bị mất phương hướng rồi. Bây giờ tôi đi trước dò đường, anh em theo sau cách tôi chừng chục thước, cố gắng giữ đúng cự ly. Có gì tôi sẽ nổ súng thì tất cả lùi lại”. Và đêm ấy, chắc mẩm đã xa nơi gặp địch, mấy anh em mệt bã bời mò mẫm cột võng lăn ra ngủ. Mờ sáng một người nào đó kêu rú lên: “Hóa ra chỗ chúng ta nghỉ đêm chỉ cách chỗ gặp địch buổi chiều hôm trước có vài ba bước chân”. Chuyện này anh Thanh Quế có ghi lại trong một đoạn hồi ức. Anh Thanh Quế là nhà thơ nên ngôn ngữ diễn đạt của anh khá là lâm ly, còn tôi thì nhớ rằng: lúc bấy giờ nét mặt Trần Tiến như bị đông cứng lại trong giây lát, rồi bất thần anh đưa cả hai tay lên vỗ đùi cười ngất!…
Không thể trông chờ mãi vào gạo kho, để chủ động nguồn lương thực, Trần Tiến xin chủ trương của Ban cho anh em văn nghệ được làm rẫy gần nơi ở. Anh bảo làm rẫy phải trên đất rừng già mới tốt (xin lỗi, ngày ấy giữa bom đạn mịt mù rừng không có khu vực cấm), vì đất rừng già chưa bạc màu. Thế rồi giăng hàng ngang ruồn (phát, chặt dây leo, cây nhỏ trước), tiếp theo là hạ choái (cây lớn). Cho đến khi cụng phải một cây to lừng lững giữa sườn núi chẳng dao rựa nào gặm nổi, đành chào thua. Trần Tiến vào nóc Ca Dong hỏi người già cách bắc giàn, rồi mượn rìu mang về, một mình đối đầu với cổ thụ. Tôi nhiều lần đứng nhìn anh chít khăn đầu rìu, dáng còm cõi vung rìu chém vào cái gốc trơ lì rắn đanh mà không khỏi chợn lên ý nghĩ bi quan: Rõ là Don Quijote đánh nhau với Cối Xay Gió! Mặc, Trần Tiến vẫn miệt mài quai rìu. Anh chặt sáng, chặt chiều. Để khỏi phải mất thì giờ, anh dặn em Tam cấp dưỡng mang bữa trưa sắn luộc của mình ra tận rẫy. Và cứ thế, ngày qua ngày, gần như không ngơi nghỉ, tiếng rìu chặt cây của Trần Tiến từng nhát một len lỏi khắp cánh rừng Nước Nghêu, dai dẳng bám theo mỗi người chúng tôi cho đến tận bữa ăn, giấc ngủ, dần dà nó như là tiếng lay gọi gõ vào tâm thức, hễ cứ nghe cái âm thanh ấy vang lên thì dù có đang mê ngủ cũng phải vùng dậy cầm lấy rựa vào cuộc. Rồi cái ngày ấy cũng phải đến: Đột nhiên người ta nghe thấy rừng cây vặn mình, tiếp theo một tràng sấm lớn do va đập giáng xuống – cổ thụ bị lật nhào! Từ các hướng, tất cả chúng tôi lập tức ùa ra hò hét cưa cành, chặt nhánh, hả hê băm vằm biến cái tàn cây rậm rạp cao siêu trước đó chẳng mấy chốc trở thành một đống bổi vụn. Lúc ấy có lẽ không mấy người nhìn thấy Trần Tiến đã lui về một góc, ngồi nhìn ra cười bằng mắt, thong thả tháo mớ băng vải quấn trên hai bàn tay đã bị biến dạng, sưng vù!
Năm ấy chúng tôi vượt qua cái đói bằng một mùa rẫy bội thu!
Trần Tiến là người sống theo lý tưởng, anh tham công, tiếc việc và bao giờ cũng giành phần nặng về cho mình. Việc gì của Tiểu ban Văn nghệ cũng phải đến tay Trần Tiến, cả đối nội lẫn đối ngoại. Một lần mấy anh em hát tuồng ở Bắc mới vào bắn nhầm một con heo của đồng bào dân tộc mà cứ tưởng là heo rừng. Lần đó bà con làm dữ vì cho rằng: cán bộ đã cố ý gây ra chuyện “nhầm lẫn”. Không đơn giản phía người có lỗi chịu phạt theo luật của người Ca dong, vấn đề sâu xa hơn, có cơ làm xấu đi mối quan hệ vốn bền chặt giữa cán bộ với dân làng. Giữa lúc chưa ai biết phải ứng phó thế nào thì Trần Tiến lại lặng lẽ xách rựa vào nóc gặp già làng và gia đình người nuôi heo. Mọi việc sau đó chẳng những được dàn xếp ổn thỏa mà anh còn được già làng tặng cho một chiếc chân nai hun khói. Ai cũng biết Trần Tiến rất giỏi tiếng Ca Dong, anh được đồng bào Ca Dong coi như người thân của họ, lâu ngày không gặp thì nhắn hỏi, có miếng ngon đều để dành phần… Mối thâm tình ấy về sau được Trần Tiến thể hiện trong nhiều trang viết của anh. Đọc một số truyện ngắn và bút ký của Chu Cẩm Phong viết về vùng cao, người ta thấy Trần Tiến luôn có cái nhìn trong trẻo về người dân tộc, anh không tô vẽ, biến họ thành những sinh vật hoang sơ bí hiểm, mà dưới ngòi bút của anh, họ hiện ra bình thường như bao người chúng ta, họ biết yêu, biết ghét, biết thổ lộ tình cảm của mình một cách tinh tế như cô gái Ca Dong tên Xia cất lời chào ngọt ngào một buổi sáng mùa xuân thanh tân nào đó trong Rét tháng Giêng…
Ở rừng nhưng chúng tôi vẫn canh cánh bên lòng một nỗi nhớ đồng bằng. Với Trần Tiến thì nỗi nhớ ấy càng trở nên mãnh liệt, có lúc quặn thắt. Quê Trần Tiến ở thị xã Hội An, tại đó anh còn một mẹ già và mấy đứa em. Cha anh là sĩ quan quân đội tập kết ra Bắc, nên ở nhà mẹ anh bị bọn chính quyền Sài Gòn hành hạ đủ điều. Chúng bắt bà chịu quản thúc, quản chế, nhiều lần nhốt bà vào trại giam hạch hỏi, tra khảo… Ấy vậy mà từ Hội An đến vùng núi phía Tây Trà My, nơi Trần Tiến sống cùng chúng tôi, chỉ cách một tầm chim bay mà anh không sao về để gặp được mẹ…
Rồi thời cơ lớn cũng đến với chúng tôi.
Đó là lần cả Khu 5 bước vào chiến dịch tết Mậu Thân 1968, tôi được phân công về Quảng Đà, tiếp cận thị xã Hội An. Trước khi lên đường, tôi thấy mặt Trần Tiến buồn xo, vì trước đó anh được điều vào bộ phận “tiền phương” của chiến dịch, nên chưa phải xuất phát ngay. Khi biết tôi sẽ về Hội An, anh nhìn tôi bằng ánh mắt thèm thuồng vừa như có gì bứt rứt không yên. Trần Tiến gọi tôi ra một góc rừng, thì thào: “Mẹ mình là cơ sở trong thị xã. Giả dụ vào đó mà Thảo gặp…”. Rồi anh nói tên mẹ anh kèm theo thứ, nói cả tên ba anh đang ở ngoài Bắc phòng khi có người biết, để từ đó mà lần ra mẹ anh… Chuyến đó tôi theo giao liên xuôi sông lạch vào đến tận cửa ngõ Hội An, lọt vào làng rau Trà Quế lúc chập tối, nghiêng bên nào cũng sực nức mùi thơm của những bạc hà, hành ngò, húng tía… Hội An ở ngay phía trước mặt, chỉ cách một dải đồng. Nhưng lần đó chúng tôi vào quậy chơi một ngày rồi phải quay ra, trong tư thế chạy lom khom giữa hai làn đạn của xe tăng Đại Hàn dưới đất và trực thăng Mỹ trên trời, mục đích báo hiệu sự có mặt của lực lượng cách mạng ngay giữa sào huyệt chúng. Tôi nhớ hình như chúng tôi chạy một mạch hết cả chiều ngang của cánh đồng Quảng Nam, khi vượt sông Thu quãng bến đò Mỹ Lược giữa hai đợt pháo của địch bắn đuổi thì cũng là lúc gặp hai người anh lớn đồng nghiệp Nguyên Ngọc, Thu Bồn từ cánh Đà Nẵng lên chân không băng qua bãi cát lún, để rồi ngày hôm sau, khi về tới hậu cứ mấy anh em ngơ ngác hỏi nhau: “Trận này mình thua hay thắng?…”. Thế là gặp lại Trần Tiến trên núi. Nghe tôi kể cuộc “mã hồi” vừa trải qua, anh cười buồn: “Tiền phương gì đâu. Tưởng may ra xuống tới vùng ven, ai dè vẫn trụ vững trên này. Được như các cậu còn vui”. Rồi anh bắt tôi ngồi lại kể tỉ mỉ những gì tôi thấy được ở Hội An…
Dưới cái nhìn của ai đó thì Trần Tiến thoạt đầu mới gặp không để lại nhiều ấn tượng. Tuy nhiên những ai từng sống với anh, dù ít dù nhiều, cũng đều đặt cả niềm tin vào anh. Vấn đề không nằm ở vẻ ngoài như thế nào mà chính là ở phẩm chất, nhân cách sống. Nghe nói thời đi học, Trần Tiến là một sinh viên có học lực giỏi của trường đại học, được kết nạp Đảng ngay khi còn là sinh viên, tốt nghiệp được chọn gửi ra nước ngoài đào tạo, nhưng anh quyết định ở lại nộp đơn làm phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam để đi chiến trường. Trần Tiến là một chàng trai đáng yêu trong mắt các cô gái, dĩ nhiên nói như thế là bằng thừa, vì thực tế anh được rất nhiều cô gái đẹp yêu và tơ tưởng. Nhưng với chúng tôi, chí ít là với những chiến sĩ văn nghệ Khu 5, Trần Tiến còn là một anh hùng. Có thể nói như thế này được không: Anh là hiện thân một kiểu anh hùng sẵn sàng hiến thân cho lý tưởng, quyết liệt nhưng cũng không kém phần lãng mạn của các trang hào kiệt vì nước quên thân trên quê hương anh những năm đầu thế kỷ 20…
Tôi nhớ mãi cái đêm Trần Tiến rút súng ngắn cầm tay mở đường dẫn chúng tôi xuyên qua khu rừng có Mỹ “lết” phục kích. Ngay từ đó tôi có linh cảm anh sớm muộn gì cũng phải ra đi trước chúng tôi. Nơi mũi tên hòn đạn, không có may mắn nào đến mãi cho một người luôn xông lên phía trước. Và điều ấy quả nhiên đã xảy đến tại một làng nhỏ của Duy Xuyên năm 1971, như mọi người đã biết!…
Là nhà văn nhưng Trần Tiến để lại tác phẩm không nhiều, hay cũng có thể nói những tác phẩm anh dự định viết, đã thai nghén nhưng chưa kịp thực hiện. Người ta thường lấy một vài truyện ngắn, bút ký cộng với những trang ghi chép miệt mài mà sống động của anh để phác họa nên một tiềm năng. Nhưng đâu có hề gì, bởi cuộc đời của Trần Tiến đã là những trang sách tuyệt đẹp./.

C.D.T.

 

NGÀN XANH

Nhân ra Hội An dự Hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà văn – liệt sĩ Chu Cẩm Phong, cùng với nhiều đại biểu khác, tôi được các anh chị ở Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam cho trở về thăm lại Khu căn cứ địa Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây. Ban tổ chức thông báo: Điểm đến xa nhất của chuyến đi sẽ là nóc ông Đồi, nơi có ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng vừa được xây lên bằng kinh phí do các văn nghệ sĩ Khu 5 quyên góp và chúng tôi sẽ có vinh dự thay mặt họ gắn lên đó một tấm biển lưu niệm.
Ký ức chầm chậm sống dậy những cánh rừng miền Tây Quảng Nam hơn ba mươi năm trước. Con đường xuyên sơn từ Nước Nghêu đến Nước Vin lên đèo xuống dốc, băng qua nhiều khe suối nhấp nhô đá lưng trâu và những tàn cây giao cành âm u. Nóc ông Đồi nằm ở cuối chặng đường, ai đi bộ đến đó cũng đều tạt vào nghỉ chân, có khi còn qua đêm. Ông Đồi ngày ấy là già làng – một người đàn ông Ca Dong ở trần đóng khố năm mươi tuổi – giang tay đón chúng tôi lên nhà sàn chỉ cho chỗ mắc võng, rồi ngồi xuống khơi lại bếp lửa, rót rượu đoác ra mời. Tại nóc ông Đồi chúng tôi từng có những giây phút yên tĩnh hiếm hoi, trước khi xốc lại ba lô tiến ra vùng giáp ranh, cửa ngõ của chiến khu, nơi ngày đêm không ngừng diễn ra cuộc tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, lửa khói mù trời. Và cái làng Ca Dong nho nhỏ ấy như một trạm giao liên tiền tiêu đón nhận ngược xuôi bao tin tức vui, buồn…
Còn nhớ dưới chân nóc ông Đồi một dòng suối nhỏ trong vắt chảy ra Nước Vin. Để trở thành sông, Nước Vin tìm đến sông Tranh. Từ đây con sông hợp lưu với nhiều dòng chảy khác xuyên đèo, lách núi, mạnh mẽ tuôn về xuôi để có tên là Thu Bồn…
Có điều lạ, hầu hết văn nghệ sĩ Khu 5 ngã xuống ở chiến trường đều rải dọc theo sông Thu Bồn – đó là nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc, người góp mặt trong chuyến đi này. Và từ ý tưởng của ông, tôi thử nhẩm tính: Ở đầu nguồn có nhà thơ Nguyễn Mỹ. Khoảng giữa là nhạc sĩ Văn Cận, nghệ sĩ múa Phương Thảo, nhà thơ Nguyễn Trọng Định, nhà văn Chu Cẩm Phong. Và đoạn cuối, nhà văn Dương Thị Xuân Quý… Cho nên cuộc hành hương lần này của chúng tôi chẳng khác nào một chuyến ngược dòng, từng bước thấy hiện lên trong tâm tưởng các gương mặt thân quen: Họ bây giờ đã trở thành cát bụi, chút gì còn lại chỉ là những nấm mộ và câu chuyện tiếp theo được người đang sống kể lẫn với bao huyền thoại khởi lên từ hai phía con sông Thu Bồn xanh nghít tre và ngàn dâu…

*
Nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh năm 1969 khi về công tác tại Xuyên Tân (Duy Xuyên) trong khu vườn nhỏ cách thị trấn Nam Phước chừng 3-4 cây số về hướng đông nam. Nơi chị Quý ngã xuống giờ đây một tấm bia lấy từ đá Non Nước ở dạng tự nhiên được dựng lên có khắc hình gương mặt chị. Bên cạnh bia là ngôi nhà ngói ba gian của gia đình anh Võ Bắc, người chủ khu vườn. Thực ra ngày ấy chị Quý hy sinh trong một tình huống khá ngặt nghèo – bị địch phục kích trong đêm tối và giữa vòng vây của chúng, không ai tìm ra xác chị. Sau giải phóng, theo chỉ dẫn của thầy Năm Chiến, một nhà ngoại cảm “lừng danh” của đất Thăng Bình, chồng chị Quý là nhà thơ Bùi Minh Quốc cùng một số bạn bè, đồng nghiệp đến lại hiện trường cũ lần dò đào bới mong tìm được hài cốt. Kết quả không như mong đợi: Từ lòng đất người ta đưa lên một mảnh vải dù ngụy trang nhàu nát được anh Quốc nhận diện là của chị Quý, ngoài ra không còn gì khác. Nghe nói về sau thầy Năm Chiến bảo rằng, sở dĩ có việc như vậy là do chị Quý còn “tự ái” anh Quốc chuyện gì đó, nên không cho gặp. Dù vậy anh Quốc vẫn ngỏ ý xin được mua lại vuông đất vừa tìm thấy di vật, dự kiến vật thay người chôn về chỗ cũ, rồi vun lên một nấm mộ làm nơi nhang khói cho người đã khuất. Nhưng Võ Bắc nói như đinh đóng cột: “Không phải mua bán chi cả. Tui nghĩ, nếu chị Quý đã chọn vườn nhà tui nằm lại, chắc chị phải có ý tứ chi đó!”. Không màu mè giao đãi, kể từ lúc ấy gia đình Võ Bắc coi chị Quý như người nhà. Trong những ngày anh Quốc ở xa, Võ Bắc cùng vợ con thay anh chăm sóc ngôi mộ, chu toàn cả phần nhang khói, cúng kiếng cho chị Quý… Người ta đồn rằng, từ ngày có ngôi mộ chị Quý trong vườn, công việc làm ăn của Võ Bắc trở nên hanh thông, khởi sắc hẳn. Lúa, bắp liên tiếp được mùa. Bò, heo đầy đàn không ngớt sinh sôi. Rồi nhà mái ngói thay cho mái tôn, con cái ngoan hiền học hành tấn tới… Chừng ấy thành công hẳn phải có bàn tay nào nâng đỡ? Khi lời đồn đến tai, Võ Bắc cả cười: “Nói không sai. Chị nớ đi làm cách mạng cực khổ trăm bề, tới hồi ra đi vô lẽ không để lại chút gì cho nước, cho dân? Mình hưởng lộc ấy quên sao được!”. Nói thì nói vậy nhưng trong lòng anh không tránh khỏi nỗi bứt rứt: chị Quý đang ẩn mình nơi đâu, làm sao tìm thấy hài cốt chị?
Với tâm trạng gần giống Võ Bắc, chúng tôi lần lượt đến thắp nhang trước bia tưởng niệm…
Có lẽ là điều tốt khi thời gian làm dịu bớt những vết thương và anh Quốc cũng như bạn anh đã có đủ thì giờ tạc lên phiến đá Non Nước gương mặt chị Quý với đôi mắt nhìn thanh thản.
Và thật bất ngờ, cuối cùng thì chị Quý cũng phải mủi lòng. Khi tôi từ Hội An trở về Nha Trang, Báo Tuổi Trẻ ngày 5/8/2006 đã đưa tin: “Chiều 3/8, tại thôn Thi Thại, Duy Thành, Duy Xuyên (Quảng Nam), hài cốt nhà văn – liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã được tìm thấy. Vị trí tìm thấy hài cốt cách bia tưởng niệm nữ nhà văn chừng 30m về hướng tây – bắc, cũng nằm trong vườn nhà anh Võ Bắc…”. Cũng báo này ngày 8 tháng 8 sau đó ít hôm, cung cấp thêm: “Người tìm hài cốt là một cựu chiến binh, ông Đặng Xuân Ba…”.
Tôi một mình ngồi lặng.
Như thế là quá đủ, không cần thêm thắt gì vào đó nữa!
*
Tỉnh lộ 610 nối quốc lộ 1 với các xã phía tây huyện Duy Xuyên. Trước khi lên Xuyên Phú thăm lại căn hầm nơi nhà văn Chu Cẩm Phong từng sống, chiến đấu và hy sinh, con đường này còn cho chúng tôi cơ hội ghé qua Xuyên Thanh để nhớ tới nghệ sĩ múa Phương Thảo ngã xuống tại đây. Gần giống chị Quý, Phương Thảo hy sinh khi cùng giao liên tìm cách vượt đồn Kiểm Lâm của địch và trong đêm tối, một trái đạn cối cầm canh của lính Mỹ từ đồn Kiểm Lâm vu vơ bắn ra…
Tôi có một vài kỷ niệm nho nhỏ với Phương Thảo trên đất Bắc đầu năm 1966, ngày chúng tôi cùng tập trung dự lớp huấn luyện chuẩn bị đi chiến trường. Lúc bấy giờ Phương Thảo vừa rời khỏi đoàn văn công Trung ương, tươi trẻ, cười luôn miệng ngay cả khi phải tăng thêm trọng lượng gạch đá mang trên vai để hành quân đường dài hoặc leo dốc. Tôi còn nhớ Phương Thảo có một bức hình “để đời” chụp lúc mười tuổi khi chị được vinh dự thay mặt thiếu nhi Thủ đô lên quàng khăn đỏ cho Bác Hồ nhân lễ Quốc khánh năm đầu tiên miền Bắc giải phóng. Bức hình một dạo đăng tải trên nhiều tạp chí, họa báo, được Phương Thảo thu nhỏ cho vào bóp nuôi ý định mang về Nam… Lần đó, vì một lý do đặc biệt tôi phải nán lại đi chuyến sau, đến khi vào tới Khu 5 thì Phương Thảo không còn nữa. Những ngày gian khổ ở rừng, đi đâu tôi cũng nghe người ta nhắc đến Phương Thảo – một cô gái đẹp, hát hay, múa giỏi, một mình chị có thể làm sáng cả đại ngàn chiến khu. Phương Thảo chính là niềm tự hào của những người đi kháng chiến…
Trên xe, nhà văn Hồ Duy Lệ, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam, lên tiếng:
“Chị ấy đẹp đến nỗi vào cái đêm lâm nạn, một số mẹ, chị tại địa phương tới giúp khâm liệm, ai cũng tặc lưỡi hít hà, không nỡ rời tay. Người ta bảo chị là con Tiên, con Phật!”.
Rồi anh cho biết thêm: ngay trong đêm Phương Thảo hy sinh, gia đình bác Văn Công Ba, một nông dân sống tại địa bàn bất chấp hiểm nguy, nhận chị về an táng trên đất nhà mình. Ai cũng biết Xuyên Thanh lúc ấy là vùng tranh chấp, “ngày quốc gia, đêm Cộng sản”, lính ở đồn Kiểm Lâm có thể bất ngờ tập kích vào bất cứ đâu. Vậy mà nhiều năm liền Phương Thảo vẫn nằm bình yên trong lòng cái xóm nhỏ, mộ chị được gia đình bác Ba và bà con xóm giềng che chở, thay nhau nhang khói, canh chừng. Mãi đến sau ngày giải phóng, hài cốt chị mới được di dời về nghĩa trang liệt sĩ của Điện Bàn, địa phương nơi chị sinh ra. Nhưng hài cốt đã di dời đi rồi mà gia đình bác Ba vẫn đắp lại ngôi mộ ở chỗ cũ, trong nhà trang thờ vẫn sáng nhang đèn, hàng năm đến ngày đều cúng giỗ cho Phương Thảo đầy đủ. Bác Ba nói bác làm vậy là để Phương Thảo có nơi đi về…
“Nhưng chuyện tới đó vẫn chưa khép lại”, nhà văn Hồ Duy Lệ nói tiếp: “Một hôm, người chị ruột của Phương Thảo đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh (sau giải phóng gia đình chị từ Hà Nội vào định cư tại đó) ra viếng mộ em tìm gặp tôi để nói điều này: mấy đêm liền Phương Thảo về gặp chị, xin chị giúp có cách chi đưa em gái quay lại Xuyên Thanh, Phương Thảo nhớ bà con trên đó lắm!… Bây giờ xin hỏi, chuyện như vậy mọi người biểu tôi phải làm sao?…”.
Mọi người trên xe chỉ còn biết nhìn anh, im lặng. Chặp lâu nhà văn Nguyên Ngọc nói, vẫn theo cái cách của ông: “Phải làm sao ư? Trong trường hợp này tôi nghĩ nên chiều theo nguyện vọng của Phương Thảo. Qua hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta gần đây, cái bí mật lớn nhất của nó chính là nhân dân. Có lẽ Phương Thảo muốn mách bảo ta như vậy… “.
Lúc này xe hình như đã qua Xuyên Thanh, trực chỉ Xuyên Phú. Con đường chạy giữa những tre pheo và làng xóm bình yên. Chợt nghĩ Phương Thảo muốn về lại Xuyên Thanh hẳn còn lý do khác. Xuyên Thanh vốn rất gần Xuyên Phú. Tôi từng được đọc trong di cảo những dòng thật tha thiết mà đau đớn của Chu Cẩm Phong viết cho Phương Thảo một lần nào đó khi anh đi qua đây: “Con đường này chắc là con đường Phương Thảo đã đi một năm trước đây, và cái bến sông này, đoạn sông này P.T đã đi qua trong cái đêm trăng rất đẹp mà P.T đã viết thư kể cho mình nghe bằng những lời chan chứa, mến yêu, cảm động. Dòng nước trôi xuôi mãi mãi ra biển Đông rồi!”… Bây giờ Chu Cẩm Phong đã về nằm lại trên đất Hội An quê anh, nhưng nơi anh ngã xuống vẫn còn đây, một bờ tre ngút ngàn và xanh đến nao lòng! Lại nhớ trong Nhật ký chiến tranh, năm 1968 Chu Cẩm Phong về Xuyên Phú thì không thể có bờ tre xanh tốt này. Làng xóm, vườn tược khi ấy tất cả đều bị xe ủi, bom pháo Mỹ đào xới biến thành bình địa, còn sót lại có chăng chỉ là mấy dề rau muống thả trên hồ nước vốn hình thành từ những hố bom và nó như thể nói lên cái sức sống mãnh liệt của con người nơi đây: “Những ngọn rau như còn rụt rè chưa muốn vươn ra cái mặt nước trong hồ vì còn e dè cái chất độc nồng nặc giết sự sống của bom Mỹ, nhưng nhiều ngọn khác thì đã coi khinh, thách thức vươn ra, nằm trên mặt nước, ngọn rau xanh mướt, to căng, khỏe mạnh và hào hứng kỳ lạ!”…
Chúng tôi bước tới chỗ căn hầm có cửa trổ ra khe Mỹ Lược nằm ngay dưới bờ tre và được rễ tre phủ kín bên trên. Nếu không có người hướng dẫn không thể biết đó chính là nơi diễn ra trận đánh quyết tử, không cân sức năm nào. Người ta đã nói nhiều về những giây phút cuối cùng của Chu Cẩm Phong trong căn hầm này, khi giữa vòng vây địch anh vẫn đủ tỉnh táo để chôn cất tài liệu mang theo và chống trả đến viên đạn cuối cùng…

*
Muốn lên nóc ông Đồi bằng đường xe, không thể đi tiếp từ Xuyên Phú mà phải vào Tam Kỳ để ngược lên Trà My. Con đường thông thoáng chạy giữa vùng đồng đất cày ải, tiến dần về phía trung du nhấp nhô đồi núi, từng lúc vang lên những cái tên khiến người trở về phải giật mình: lối rẽ đi Bồng Miêu, ngã ba Cây Cốc lên dốc Bà Hương, cầu Sông Tiên, quận lỵ Phước Lâm, Phước Lãnh… Đó là những nơi từng lưu giữ nhiều kỷ niệm của cả một lớp người ra trận.
Thị trấn Trà My nhà cửa, vườn tược phong quang. Trong nắng rực bắt gặp mùi quế thơm thoảng lên từ những vuông sân. Thời chiến tranh nơi đây hoang vu, cây dại mọc lút đầu người, ngoài rìa thị trấn lác đác có vài ba ngôi nhà dân trụ bám. Nhưng Trà My vẫn là cửa khẩu tiếp tế quan trọng từ đồng bằng lên chiến khu. Từ căn cứ chúng tôi thỉnh thoảng có chuyến vượt sông Trường qua Trà My để nhận thực phẩm, mắm muối từ một số gia đình còn trụ bám lại trong những căn hầm nửa nổi, nửa chìm ẩn giữa lau lách… Bây giờ muốn tìm lại người quen không dễ, vì phần lớn nhà cửa của cư dân đã rời khỏi chỗ cũ, nhất loạt tiến về phía các trục đường mới trổ rải đá hoặc tráng nhựa…
Chị Cúc, Phó chủ tịch huyện Bắc Trà My, tiếp cơm cả đoàn sau cuộc viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ huyện – tại đó chúng tôi đặt hoa và thắp nhang trước mộ nhà thơ Nguyễn Mỹ, tác giả của Cuộc chia ly màu đỏ nổi tiếng một thời. Bữa cơm có món rau dớn, cá niên, sắn luộc, canh rau ranh – ốc đá làm mọi người chưa ăn đã xuýt xoa. Ngon thì đã đành, nhưng nó còn làm ta cảm động vì cái hương vị quen thuộc gợi nhắc những ngày chắt chiu ở rừng… Cuối bữa, chị Cúc nói: “Mùa này Trà My thường mưa chiều. Đây lên nóc ông Đồi có đoạn khó đi, không khéo gặp lũ phải nằm lại qua đêm giữa rừng. Lâu ngày các bác về thăm, huyện xin hỗ trợ hai xe U oát… “.
Thế là cuộc hành trình lại tiếp tục.
Xe chạy men theo triền núi phía tả ngạn sông Tranh. Đang mùa khô, con sông vốn ghềnh thác hung dữ về mùa mưa giờ cạn nước phô ra những tai đá lởm chởm, ngất ngưởng giữa dòng. Không lâu sau đó chúng tôi được chứng kiến từ trên cao quang cảnh hoành tráng công trường Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đang thi công. Do ở vị trí khá xa, cái có thể nhìn thấy là một con đập lớn nối hai bờ sắp được khép kín cùng những đám khói của máy thủy lực đang vận hành tỏa lên xanh biếc… Và hình ảnh ấy cứ theo chúng tôi tới tận ngã ba có nhánh đường rẽ về nóc ông Đồi sau đó.
Con đường rừng này có lẽ chỉ dùng cho xe trâu, dài hơn 10 cây số, luồn dưới các tán cây rợp. Hai chiếc U oát hai cầu bám đuôi nhau nhảy chồm chồm qua những sống đá mấp mô, ngoặt phải, ngoặt trái, có lúc lao xuống một lòng suối ràng rịt những rễ cây rồi gầm gừ bò lên. Mặc, tất cả chúng tôi cắn răng điu cứng vào thành xe chịu trận. Mà không vậy còn biết phải làm gì? Thậm chí trong rung lắc tôi còn kịp nhìn ra hai bên: một sườn núi cây đang thời kỳ khép tán đẹp như gấm thêu. Một, hai miếng rẫy dế (rẫy phát lại) vừa đốt chưa kịp dọn, vương lại mấy ngọn khói. Một nà bắp…, chắc chắn gần đó phải là con suối có nước chảy. Bỗng một ai đó kêu lên: “Đến ngã ba Nước Vin rồi!”. Xe trờ tới, dừng lại bên bãi cỏ.
Nóc ông Đồi đây sao?
Thấp thoáng trên đầu dốc mấy nếp nhà sàn. Rồi hiện dần lên ngôi nhà trệt mái tôn khang trang nhô ra phía trước với chiếc chảo thu tín hiệu vệ tinh gắn trên tường. Người đầu tiên ra đón chúng tôi trước cửa là một ông già chống gậy tóc bạc phơ, lưng còng – đó chính là ông Đồi, già làng kỳ cựu của nóc ông Đồi. Dù vẻ ngoài nhiều thay đổi, chúng tôi vẫn nhận ra ngay cái thần thái khó lẫn lộn của người đàn ông Ca Dong năm xưa. Thế là mọi người đổ xô đến ôm lấy ông Đồi bây giờ đã ngót tám mươi, nắm tay vuốt lưng, hỏi han tíu tít. Một vài chị trong đoàn mắt đỏ hoe, có chị lén quay mặt vào trong lau nước mắt. Giữa vòng vây của bao nhiêu câu hỏi, ông Đồi chỉ còn biết đứng ngẩn ra cười không thành tiếng…
Chốc lát, dân làng kéo đến đông. Nhân cơ hội này, theo sự hướng dẫn của Bá, một thanh niên trong làng, tôi tranh thủ rảo một vòng quanh nóc. Thì ra nóc ông Đồi hiện nay là nơi ở mới, cách chỗ ở cũ trước đây chừng một tiếng hú. Việc di dời tiến hành vài ba năm trước, theo chủ trương của huyện nhằm đưa các làng đồng bào xuống định cư ở vùng thấp gần sông suối, vừa có thể làm lúa nước, vừa có đường ôtô qua lại giao lưu với đồng bằng… Bá cho biết mấy năm rồi làng anh được mùa lúa, bắp, bếp nào cũng có dự trữ ít nhiều để bán mua, đổi được mắm muối, vải vóc, sách vở cho con cháu học cái chữ… Dắt tôi men theo bờ suối lên tận chỗ con đập chắn nước, nghe tiếng máy chạy re re. Bá đưa tay chỉ:
– Thủy điện nhỏ này do thanh niên mình tự làm.
Tôi hỏi lại:
– Tự làm được sao?
– Được mà anh – Bá nói.
– Nhà ông Đồi giờ làm nơi sinh hoạt của bà con trong nóc do anh chị văn nghệ Khu 5 tặng. Còn cái này bọn mình về tận huyện xin kỹ sư lên trợ giúp, rồi tự làm…
Chúng tôi cùng ngồi xuống tảng đá cạnh đập nước, đón ngọn gió từ hẻm núi thổi lên mát rượi. Những chuyện của Bá kể càng nghe càng thấy thơ thới trong lòng, nó thực sự làm phai đi ít nhiều cái cảm giác nằng nặng dấy lên từ con đường rừng gập ghềnh rung xóc mà tôi cùng với mọi người vừa mới trải qua. Ngồi ở đây nhìn xuống có thể thấy trọn vẹn nóc ông Đồi như một chiếc lẵng để ngửa lọt giữa đại ngàn, chung quanh là rừng trùng vây dâng lên tầng tầng, xanh thẳm..
Mấy phút sau chúng tôi quay trở lại nhà ông Đồi. Tại đây mọi người cùng với già làng gắn lên tường nhà tấm biển lưu niệm bằng đồng: “Văn nghệ sĩ Khu 5 tặng”.
– Già làng còn nhớ anh Chu Cẩm Phong chớ? – Tôi đột ngột hỏi ông Đồi.
– Mình gọi anh Phong là anh Tiến – ông Đồi nói – Mình nhớ anh Tiến quá!…
– Già làng cứ ra đầu suối thả một chiếc lá, nó sẽ theo dòng trôi xuống Cửa Đại, ngang qua chỗ anh Tiến…
– Thiệt chớ? Thả một chiếc lá, nó qua chỗ anh Tiến chớ?
– Sẽ qua, sẽ qua… – Tôi ôm lấy vai già làng khi thấy nước mắt ông sắp lưng tròng.
Giữa ngàn xanh tưởng đã nghe Gió lộng từ Cửa Đại( ).

C.D.T.

————————
( 1) Tên bài bút ký của Chu Cẩm Phong

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây