Tác giả Nguyễn Hưng Hải

Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải

NGUYỄN HƯNG HẢI

1. TIỂU SỬ TÁC GIẢ – TÁC PHẨM

– Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải sinh ngày 08 tháng 04 năm 1959.
– Quê quán: xã Hùng Đô, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
– Tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (năm 1980); Cao cấp Lý luận chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (năm 2006).
– Nguyên phóng viên báo Quân khu 5, Trưởng phòng Biên tập Chuyên đề, Thường trực Đảng uỷ Đài PT-TH Phú Thọ.
– Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
– Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
– Uỷ viên Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ.
– Uỷ viên Ban Văn học Chuyên đề Hội Nhà văn Việt Nam.
– Điện thoại: 038 49 49 459
– Email: nguyenhunghai1959@gmail.com

2. TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN

– Ban mai chóng mặt (tập thơ, năm 1989)
– Trước cửa Thiền (tập thơ, năm 1991)
– Đêm Thị Mầu (tập thơ, năm 1994)
– Mảnh hồn chim Lạc (thơ và trường ca, năm 1995)
– Những vì sao mê sảng (tập thơ, năm 2001)
– Thềm trăng (tập thơ, năm 2002)
– Chiều không nhạt nắng (tập thơ, năm 2002)
– Những bức chân dung (phóng sự và ghi chép, năm 2002)
– Mảnh hồn chim Lạc (trường ca, tái bản 2005)
– Mưa mặt trời (trường ca, năm 2005)
– Viết cho con gái (tập thơ, năm 2006)
– Làng Hùng (trường ca, năm 2007)
– Hai cái quạt (tập truyện ngắn, năm 2007)
– Bài thơ dâng Bác (tập thơ, năm 2012)
– Chiều mưa hai đứa đợi tàu (tập thơ, năm 2013)
– Bên bếp lửa Trường Sa (tập thơ, năm 2014)
– Dâng Bác một niềm thơ (tập thơ, năm 2014)
– Sông sâu biết lội, gốc quê biết tìm (tập thơ, năm 2015)
– Bước ra từ cuộc chiến (trường ca, năm 2015)
– Ươm từ vườn Bác (tập thơ, năm 2015)
– Đường tới Điện Biên Phủ(trường ca, năm 2016)
– Học cách của bầy ong (tập thơ, năm 2016)
– Cây Bụt mọc trong vườn Bác (tập thơ, năm 2017)
-Từ Điện Biên tới biển (bộ 4 trường ca, năm 2018)
– Vành hoa đỏ dâng Người ( tập thơ, năm 2019)

3. GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC

a. Giải địa phương
– Giải thưởng Hùng Vương của UBND tỉnh Vĩnh Phú năm 1990
– Giải Nhất cuộc thi thơ viết về thành phố Việt Trì, năm 1992
– Giải Nhất cuộc thi thơ viết về thị xã Phú Thọ, năm 2003
– Giải Nhì (không có giải Nhất) 2 cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ đất Tổ, năm 1996 và 2006
– Giải thưởng cuộc thi thơ viết về Chủ tịch Tôn Đức Thắng của Hội VHNT tỉnh An Giang, năm 2003
– Giải A, giải thưởng 5 năm về VHNT của UBND tỉnh Phú Thọ, 2 lần (1990-1995); (2000-2005)
– Giải B, giải thưởng 5 năm về VHNT của UBND tỉnh Phú Thọ (2005-2010)
– Giải A, giải thưởng hàng năm của Hội LHVHNT Phú Thọ, năm 2012
– Giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi thơ của Hội VHNT tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2012
– Giải Nhì 3 cuộc thi thơ do Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ ,Hội LHVHNT Phú Thọ và Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ, tổ chức (năm 2013,2014, 2015)
– Giải C cuộc thi thơ lục bát của Hội VHNT tỉnh Tuyên Quang, năm 2014
– Giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tác VHNT “Tự hào thành phố Yên Bái anh hùng” của Hội VHNT tỉnh Yên Bái, năm 2014
– Giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi “Sáng tác VHNT kỉ niệm 10 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương” do UBND thành phố Cần Thơ tổ chức, năm 2014
– Giải Nhất cuộc thi sáng tác văn học “Điện Biên trong trái tim tôi” do Hội VHNT tỉnh Điện Biên tổ chức, năm 2014
– Giải Nhì (không có giải Nhất) “Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật kỉ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh” do UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, năm 2013-2015
– Giải A của Tỉnh uỷ Phú Thọ “Cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, đợt I (2011-2013)
– Giải B (không có giải A về thơ) của Tỉnh uỷ Phú Thọ “Cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, đợt II (2013-2015)
– Giải Nhì cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật Kỉ niệm 70 năm thành lập lực lượng vũ trang Quân khu 2
– Giải A, giải thưởng 5 năm văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ (2010-2015)
– Giải A, cuộc thi sáng tác truyện ngắn, truyện ký và thơ về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ, tổ chức năm 2016 – 2017
-Giải A, giải thưởng hàng năm của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ, năm 2017
-Giải C của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về “Cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm Văn học Nghệ thuật và Báo chí về Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (2015-2018)
-Giải B của Tỉnh ủy Phú Thọ về “Cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm Văn học Nghệ thuật và Báo chí về Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (2015-2018)
-Giải A, giải thường hàng năm của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ, năm 2018
b. Giải Trung ương
– Tặng thưởng thơ hay hàng năm của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 2 lần (năm 1982 và 1986)
– Giải C cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1983-1984)
– Giải C cuộc thi thơ của báo Tiền phong, năm 1990
– Giải C của UB Toàn quốc LH các hội VHNT Việt Nam, năm 1994
– Giải C cuộc thi thơ của báo Thiếu niên tiền phong và NXB Kim Đồng, năm 1996
– Giải C cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ Quân đội và báo Biên phòng tổ chức, năm 2003
– Tặng thưởng xuất sắc của NXB Quân đội nhân dân, năm 2005
– Giải B (không có giải A về thơ) của Ban chỉ đạo “Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đợt I (2011-2013)” của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
– Giải B (không có giải A về thơ) “cuộc vận động sáng tác thơ kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên và 55 năm đường Trường Sơn” do Bộ VH-TT&DL tổ chức, năm 2014
– Giải C ( không có giải A về trường ca) “Cuộc thi sáng tác VHNT về đề tài cách mạng và kháng chiến, giai đoạn 1930-1945” do Bộ VH-TT&DL và UB toàn quốc LH các hội VHNT Việt Nam tổ chức, năm 2013-2015
– Giải B (không có giải A về thơ) của Ban chỉ đạo “Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đợt II (2013-2015) của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam
– Bằng khen của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho tập thơ Ươm từ vườn Bác, năm 2016
– Giải Ba (không có giải Nhất về thơ) “Cuộc vận động sáng tác văn học về Thương binh liệt sỹ, Người có công” do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lao động -TB&XH tổ chức, năm 2017
– Giải C của Ban chỉ đạo “Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đợt I (2015-2018) của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam

 

PHẢI LÒNG MƯA BỤI

Con chim hót ở vườn chùa
Lá rơi lá cũng ngẩn ngơ quay đầu
Trở về cành có dễ đâu
Hoa từ mùa trước mùa sau chẳng cần

Rêu còn trượt ngã trước sân
Táo vàng đã rụng ai cầm kệ ai
Hây hây như cánh đào phai
Phải lòng mưa bụi áo dài khẽ rung

Vườn chùa rủ rỉ cánh ong
Lạc trong hương nhụy vẫn trong vườn chùa
Con chim hót lúc nửa mùa
Chuồn chuồn báo nắng mà mưa cả ngày

Ngẩn ngơ cho cả chùa này
Ở đâu năm trước năm nay có về
Tay cầm vạt áo mân mê
Dỏng tai lên Phật mà nghe sau vườn

Tiếng con chim có hạt cườm
Như là tràng hạt ai luồn cổ tay
Ngẩn ngơ cho cả chùa này
Con chim vừa hót vừa bay chùa nào…

 

CHIỀU MƯA HAI ĐỨA ĐỢI TÀU
Tặng Phạm Thị Nghĩa

Chiều mưa ! Thành phố chiều mưa
Aó người tiễn , áo người đưa ướt rồi
Nhường nhau mãi hóa thừa thôi
Aó che mưa đã ngàn đời che mưa
Vòm cây lá đỏ như thừa
Cho hai đứa chỗ nương nhờ hôm nay
Trắng trời , trắng đất mưa bay
Aó không ai vắt lên dây mà chùng
Lòng sao lòng cứ ngập ngừng
Mai rồi ở núi , ở rừng lại mong
Mưa như từ quãng đường vòng
Gió như từ ngã ba sông gió về
Xanh như sắc cỏ bờ đê
Aó anh mưa ướt không về phía em
Mưa cho lạ hóa thân quen
Mưa cho nhịp đập quả tim khác thường
Hình như mưa biết yêu thương
Hình như mưa đã mở đường cho nhau
Dỗi hờn những chuyện không đâu
Chiều mưa vẳng tiếng còi tàu lại thương
Lại mong ngắn những con đường
Lại mong nắng tự muôn phương nắng về
Ba lô , khẩu súng nằm kề
Anh như anh của mùa hè xa em
Anh như anh của thiên nhiên
Anh như anh của mọi miền đất đai
Ôm tròn lấy một bờ vai
Tóc em sợi nhớ đan hoài sợi thương
Con đường mưa lá me vương
Chiều bay thoang thoảng chút hương êm đềm
Có gì như lửa đang nhen
Bảo rằng nhớ ít là em nhớ nhiều
Anh như là chiếc dây neo
Em là bờ đá sớm chiều lo âu
Chiều mưa hai đứa đợi tàu
Lát rồi xa lại bắt đầu hình dung
Sao em cứ nghĩ mung lung
Muốn tàu đến sớm lại mong muộn tàu

 

LỜI ANH

Con ong không để lại dấu vết nào trên cánh hoa
Cây nói lời ong bằng quả chin

Bông hoa không có mặt trong mùi hương
Gió nói lời cây bằng nhụy thắm

Em không đến chiều nay anh buồn lắm
Đợi nói lời hoa , cây mỗi bông ?!

Như gió , như hoa , như cánh ong
Chẳng như gì cả trong im lặng
Anh nói lời anh em biết không !?

 

GẦN EM CHẢ NÓI ĐƯỢC CÂU GÌ

” Trong ngực em như có tiếng ngựa phi “
Câu hát lay lòng mời anh xuống chợ
Câu hát ríu bàn chân ngựa
Nhảy nhót chú chim trên cành

Xuống chợ cùng em đi anh
Chợ có hai người đang hát
Rượu thơm mời anh cả bát
Em đứng xem anh tỏ tình

Xuống chợ cùng em đi anh
Xuống để mang về ngọn lửa
Để xem con đường người ta xuống chợ
“… Ngực em như có tiếng ngựa phi “

Chưa mời anh đã muốn đi
Xuống chợ để nghe em hát
Ngực anh cũng đang nhảy nhót
“… Gần em chả nói được câu gì ? “

 

CÓ MỘT ĐÊM Ở KHAU VAI

Bao giờ cho đến sang năm
Khuyết hao tình cũ lại rằm một đêm
Trở về ngày của trinh nguyên
Vờ quên đi để cho yên cửa nhà
Tình đâu có chuyện tình già
Không thành chồng vợ mới da diết lòng
Dù ai đã vợ đã chồng
Đến đây là trở về không vướng gì
Không cần rủ vẫn cứ đi
Năm nay còn gặp chắc gì năm mai
Có một đêm ở Khau Vai
Để ai còn biết là ai không về
Để chồng để vợ có chê
Vẫn còn nơi ấy pha lê trăng vàng
Còn than còn lửa nồng nàn
Trong tro trong trấu cả ngàn đêm mưa
Chợ tình chẳng bán chẳng mua
Đã chồng đã vợ dối lừa gì đâu
Trở về đây để cho nhau
Để còn mong nhớ năm sau đi tìm
Để còn thương nhớ trong tim
Đã chồng đã vợ còn tìm làm chi
Không cần rủ vẫn cứ đi
Rủ mà chẳng đến còn gì Khau Vai

 

VIẾT CHO CON GÁI
Cho con gái Nguyễn Hải Yến ( Bút danh Bảo Yến , PTV ) yêu quý

Cái gì bố cũng con trai
Lời con bạc tóc nay mai thân già
Thương con phận gái là hoa
Đường đời mưa nắng thuận hòa có không

Rồi mai khăn gói theo chồng
Rủi may nước mắt cậy trông nhà người
Trăm năm họ bố đâu rồi
Thương con phận gái về chơi nhà mình

Trời cho được đẹp , được xinh
Mẹ cho cái bóng , cái hình khỏi lo
Một sông , một bến , một đò
Một đời cha biết bao giờ hết thương

Ở chùa thì được thơm hương
Ở ao nhỡ đục bố thường lo xa
Từ ngày mẹ đẻ con ra
Vui là của bố , buồn là của ai …

Thương con nhiều lúc thở dài
Nhỏ nhờ cha mẹ , lớn ngoài tầm tay

Mong cho phúc đức đặn đầy
Gái trai cũng một lòng này chở che
Sợ mai rũ áo ra về
Mình con đứng trước hoe hoe cỏ vàng

Mong sao vui nở , buồn tàn
Gió mưa đừng có phũ phàng con tôi
Mong sao đời mỉm nụ cười
Trời xanh mây trắng lòng người bao dung

Tháng ngày trong nỗi mung lung
Muốn con mau lớn lại mong từ từ

 

NGHĨA LĨNH LÚC KHÔNG GIỜ

Ngỡ chim Lạc bay về trên những tán chò xanh
gió xao động một vùng trời cổ tích
mưa nhè nhẹ đủ cho người thanh lịch
bước lên Đền không phải dùng ô
Bao đôi lứa như ta có mặt lúc không giờ
trên Nghĩa Lĩnh đầu trần không ướt tóc
đã nghìn năm những thân chò thẳng tắp
đứng như người đang đứng trước lư hương
Trong cảm giác không giờ cây lá cũng thiêng hơn
bao đôi lứa như ta cùng đứng vái
bao đôi lứa như ta đầu trần quên đi nhiều khôn , dại
nhớ thêm nhiều nỗi nhớ chẳng gì che
Lúc không giờ bao đôi lứa như ta,như chim Lạc bay về cùng lặng lẽ đứng nghe
tiếng rậm rịch , tiếng thậm thình , tiếng leng kheng cộng hưởng
trong tâm tưởng có cơn mưa trút xuống
những cây chò nghìn tuổi đứng che ô
không phải lúc không giờ
nghìn năm nữa những cây chò vẫn cứ không đổi khác
Ý thức ta là con chim Lạc
không thể không bay đi tìm kiếm những chân trời
không thể không trở về chỗ cây chò từng che cho tiếng khóc chào đời
che cho những lứa đôi đầu trần không ướt tóc
Trong cảm giác đầu trần bao đôi lứa như ta đã có thêm bài học
trước hương khói tỏ mờ ta có thấy thiêng hơn
những thân chò thẳng tắp
những vòm lá che đầu như những chiếc ô
Trong cảm giác đầu trần bao đôi lứa như ta nghĩ ngợi điều gì về ngày xửa ngày xưa
về lúc không giờ
không phải dùng ô vẫn cứ không ướt tóc
Nghĩa Lĩnh lúc không giờ lửa bén chân nhang , ta cùng em sống lại thời chim Lạc
trong tâm tưởng Vua Hùng che cho những lứa đôi

 

SÔNG HƯƠNG

Nếu chẳng có sông Hương
Chắc là áo tím cũng thường thường thôi
Nón đâu nghiêng ngả khoảng trời
Trăng đầu tròn đến làm tôi giật mình

Nghe như trống ngực thình thình
Sông Hương đêm xuống như bình rượu nho
Ngọt thơm từ những câu hò
Nhìn thôi đã tựa con đò trôi theo

Gợn chi mưa gió bọt bèo
Mộng mơ áo tím có nghèo vẫn sang
Túp lều hai quả tim vàng
Dù như cổ tích vẫn làm ai mơ…

N.H.H

Địa chỉ: Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ
SN: SN176 – Mai Sơn – Tiên Cát – Việt Trì
ĐT: 038.4949.459

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây