Tác giả Nguyễn Thị Vân Ngà

Tác giả Nguyễn Thị Vân Ngà

NGUYỄN THỊ VÂN NGÀ 

– Sinh năm 1976
– Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
– Nơi ở : SN 57/71 Đường Lê Lai. Phường Đông Sơn. Tp Thanh Hoá
– Đt: 0987624999
– Email : vannganguyen1974@gmail.com

Thơ đã in:

– VỀ MIỀN YÊU THƯƠNG, NXB HNV 2020
– TRĂNG RƠI, NXB THANH HOÁ 2020
– BẢN HOÀ TẤU VÀO HẠ, NXB HNV 2021
– ĐỪNG BẢO EM LẶNG IM, NXB HNV 2022

 

LÀ TÔI

Dù là tẻ nhạt bao năm
Dài hơn thế xa xăm vẫn đành
Hão huyền một phút mong manh
Người tôi đang đợi vẫn dành chút thôi

Kiếp xưa thì đã xưa rồi
Ngược thời gian vẫn đầy trời bão mưa
Cái duyên, cái nghiệp lửng lơ
Từng đêm khắc khoải giấc mơ tẻ buồn.

Ngược sông tìm đến mạch nguồn
Ngược anh hy vọng vẹn khuôn thước vàng
Ngược miền sa mạc chói chang
Bật trong tiềm thức muộn màng
Là tôi!?

 

THÌ SAO

Rằng em dại dột đã nhiều
Bỗng dưng em quyết cuối chiều là anh!
Thế gian mang đỏ, chìa xanh
Em đi tìm bóng vàng anh đội đầu.

Ừ liều, thì có sao đâu
Anh cười trên sóng mắt nâu khạo khờ
Nửa đời mà vẫn ngây ngơ
Thì thôi em chọn để chờ yêu anh!?

 

SA MẠC TÌNH YÊU

Căng lên đợi phút du dương
Cậy nhờ cánh gió trăm đường mộng mơ
Vi vu tìm chốn bến bờ
Mênh mang bốn cõi ngẩn ngơ giữa tuần

Khát lòng một tiếng đàn ngân
Tay vê từng nốt, ngón lần từng giây
Cạn đêm cho tiếng lòng đầy
Luyến lưu, bịn rịn, ngất ngây, ngập ngừng…

So dây tay phím vừa ngưng
Âm còn văng vẳng nửa mừng, nửa lo
Trăng thanh chở nặng chuyến đò
Ơi con sào chống về cho kịp người.

 

 

Nguyen Thi Van Nga min - Tác giả Nguyễn Thị Vân NgàNhà thơ Nguyễn Thị Vân Ngà

BIỂN ĐÊM

Lại là trắng cả đêm nay
Mai về đâu có cánh tay gối đầu
Dập dềnh chân hẫng chỗ sâu
Ta dìu cảm xúc nhuộm màu đê mê

Vì yêu, biển cũng ngô nghê
Cũng khờ khạo cả bốn bề nước vây
Chồm lên từng đợt sóng đầy
Xô ta hổn hển cát dày hân hoan.

Thoát trần bao nét hiền ngoan
Tan trong rũ bỏ như hoàn tục xưa
Ngày mai đón nắng ghẹo mưa
Địa đàng có cả bốn mùa gọi yêu.

 

THOẢ LÒNG

Một đời em luyện lá bùa
Khép hờ cánh cửa gió lùa đợi anh.

Vắt hồn cạn với đêm thanh
Hoá con cuốc cuốc lay mành gọi trăng

Khản lòng toác cả Hải đăng
Bùa thiêng trì chú ngọn măng thỏa lòng

 

ĐOÁ LAN RỪNG

Đong đưa sống giữa lưng vời
Thân cây níu chặt bao người ngước trông !
Tự mình toả sắc đơm bông
Kiêu sa mà chẳng lạnh lùng với ai…
Hút nhuỵ đất, cất nắng trời
Mà nuôi tinh khiết trả người tháng, năm
Rưng rưng một đoá tay cầm
Bao nhiêu máu thấm hoá trầm…phong lan ?

 

HOÀNG NHẠN

Đón em về với vườn anh
Tuổi xuân em cứ ngát xanh mầm chồi
Sáng chiều vị ngọt chia vui
Nâng niu thân lá đứng ngồi sớm khuya
Xuân, thu đồng điệu đông, hè
Vươn gồng sinh lực chồi kia lên ngồng
Cành dài rủ kín lưng ong
Thăng hoa mãn nguyện từng bông tự tình
Hương thơm nhẹ, sắc lung linh
Ta yêu hoàng nhạn như mình yêu…ta !

N.T.V.N

 

Van Nga voi tap tho Dung bao em lang im min - Tác giả Nguyễn Thị Vân Ngà

Vân Ngà với tập thơ: Đừng bảo em lặng im.

Vân Ngà đến với thơ từ nhiều năm nay, thơ chị dung dị, hồn hậu và gần gủi đời thường. ” Đừng bảo em im lặng” là tập thơ thứ tư của chị, xuất bản quý 3 năm 2022. Vân Ngà sinh năm 1976, ở cái tuổi trên bốn mươi, có thể gọi là người viết trẻ so với số đông các cây viết vào bậc trưởng lão bảy tám mươi tuổi. Vân Ngà đến với thơ khá sớm, từ tình yêu con người, thiên nhiên, những khát vọng hạnh phúc đời thường đã được chị dệt nên những vần thơ sâu lắng, thơm lành như khí trời, bằng một thứ ngôn ngữ giàu nội cảm và rất nữ tính. Các tập thơ đã xuất bản: Về miền yêu thương – NXB Hội nhà văn 2020; Trăng rơi – NXB Thanh Hóa 2020; Bản hòa tấu vào hạ- 2021; Đừng bảo em im lặng – NXB Hội nhà văn 2022, nhìn vào năm xuất bản mới thấy nội lực sáng tạo của chị thật dồi dào, chỉ trong vòng ba năm, Vân Ngà đã cho ra đời bốn tập thơ, thật đáng khâm phục.

Những năm gần đây,  xứ Thanh đã hội tụ được một lực lượng các nhà thơ nữ có sức viết lực lưỡng như Viên Lan Anh, Thi Lan, Vũ Thị Khương, Lê Gái, Phạm Thị Kim Khánh, Lê Thị Đáng, Vũ Tuyết Nhung, Thu Hà…Thơ của các chị đã đem lại một tiếng nói rất riêng, tạo nên dung mạo có bề rộng, chiều sâu về đất và người quê hương xứ Thanh. Thơ nữ nói chung thường có giọng điệu mềm mại, đậm chất nữ tính, nghiêng nhiều về những khát vọng hạnh phúc đời thường. Thơ Vân Ngà cũng nằm trong thiên hướng đó, tiếng nói của phái yếu, những cảm xúc mong manh, những khát khao bé mọn về hạnh phúc gia đình, về tình yêu chung thủy, đó là những điều tưởng như rất bé nhỏ: khát khao một bờ vai, một niềm tin, một mái ấm…Trong bối cảnh các câu lạc bộ thơ nở rộ như nấm sau mưa từ làng quê đến các đô thị. Người làm thơ cũng trở thành nhà biên tập trên mạng xã hộị, thơ Vân Ngà vẫn có lối đi riêng, không lẫn vào sự nhàn nhạt của một số thơ hiện nay.

Là nhà thơ nữ, lại giàu trắc ẩn, chữ nghĩa của Vân Ngà trước tiên là tiếng lòng của người phụ nữ  trăn trở, thắc thỏm, lo âu cho hạnh phúc riêng tư: ” Đã từ lâu em sợ thứ giả vờ/ Nó lấp lóa bằng ngôn từ chuyển hóa/ Anh chẳng bằng lòng để dành riêng ai cả/ Na ná mộng mơ, na ná tôn thờ/…em sợ phía sau, nửa miệng nhếch cười/ Em sợ cái xao xuyến dành người không xứng đáng/ Đừng bảo em lặng im” ( Đừng bảo em lặng im). Bằng một thứ ngôn ngữ trực cảm, chị đã ” sợ” cái giả dối, những lời phỉnh phờ, những lời ” đổ quán xiêu đình” không thật. Trái tim nhạy cảm đàn bà đôi khi cũng dể mê đắm, lạc lối vì những lời có cánh, những thần tượng nhất thời. Thật đáng yêu nhưng cũng là nhược điểm chết người của họ. Tình yêu bao giờ bắt nguồn từ hai phía, say đắm và chân thành, thủy chung. Nó không phải là cái lưới giăng ra những lời đường mật, những công thức có sẵn để có thể nói với bất kì người con gái nào. Nhà thơ bằng lí trí tinh nhạy nhưng cũng rất nữ tính, tỉnh thức sự nhẹ dạ cả tin của giới mình. Đây là bài thơ hay, chị đã phát ngôn, nói hộ cho phái đẹp đang mê đắm vì một thứ tình yêu hào nhoáng bề ngoài, mau đến mau rời đi. Sáng tạo ở cách lập tứ, dùng thi ảnh, ý tình đồng điệu.

Trong bài thơ ” Đàn bà”, nhà thơ cũng đã tự thú: ” Đàn bà quen thói tai nghe/ Ngỡ ngàng đôi mắt tròn xoe thả hồn/ Nhón tay mở túi càn khôn…Người xưa nói ” đàn bà yêu bằng tai”,   những lời khen, những lời yêu ngọt ngào. Thiên tính nữ là vậy, là ngọc, là hoa, là chồi nhụy để đàn ông mê đắm. Trái tim giàu yêu thương và đức hi sinh, chỉ biết cho đi. Nhưng nếu cho đi và đức hi sinh không đúng chỗ lại dể gieo vào nỗi đau và trái tim thương tổn. Trái tim giàu trực cảm, khát khao yêu thương: ” Chỉ cần nắm chặt tay em/ Thời gian sáng lại đêm đen mịt mùng/ Chỉ cần một hướng nhìn chung/ Ta như đôi nhện dăng mùng đường tơ”  ( Chỉ cần). Bốn câu thơ lục bát bắt vần nhuần nhụy, hình ảnh trong sáng, ẩn dụ, so sánh, liên tưởng kế thừa từ văn học dân gian ” đôi nhện dăng mùng”, quấn quýt bên nhau xây dựng hạnh phúc. Cái nắm chặt tay là sức mạnh, là điểm tựa, niềm tin để vượt qua sóng gió cuộc đời.

Đọc thơ Vân Ngà, ta thấy chị cũng hay dùng những tiêu đề mà các nhà thơ phái yếu hay dùng như: Người đàn bà, Sa mạc tình yêu, Đạn và em, Anh và em, Khát, Cạn đêm, Chòng chành, Vẫn còn yêu, Nhé anh…Chất nữ tính giàu yêu thương, quyền năng của người phụ nữ. Ấm nóng, mãnh liệt như lửa và mềm mại mát tươi như tuyết. Luôn biết dành phần thua thiệt về mình, vì người khác. Nhân vật trữ tình khao khát một bến đỗ bình yên, một tình yêu đích thực không vương vấn sự dối lừa. Một người đàn bà mong muốn sống thật với lòng mình, thụ hưởng hạnh phúc gia đình. Nhưng trước sau, Vân Ngà vẫn là người phụ nữ hiện đại, khát khao tình yêu mãnh liệt, hết mình: ” Vì yêu biển cũng ngô nghê/ cũng khờ khạo cả bốn bề nước vây/ Chồm lên từng đợt sóng đầy/ Xô ta hổn hển cát dày hân hoan” ( Biển đêm). Những xúc cảm thật táo bạo, thiên về lối sống trẻ, mang tinh thần dân chủ. Cảm xúc mang đặc tính vật chất hóa tình yêu: ” Ta sà vào biển hoàng hôn/ Trắng đêm môi bóng thiêu hồn si mê/ Gió bạt bay cuốn anh về/ Ta bồng bềnh giữa đê mê bềnh bồng” ( Khát). Hình như trước biển nhân vật trữ tình mới có cơ hội bộc lộ hết nỗi lòng mình. Biển, không gian rộng mở, còn là không gian nghệ thuật của thi nhân. Với ông hoàng thơ tình Xuân Diệu: ” Cũng có khi ào ạt/ muốn nghiến nát bờ em/ Là lúc triều lên xuống/ Ngập sóng cả ngày đêm” ( Biển); Với nữ sĩ Xuân Quỳnh thì: ” Con sóng của lòng sâu/ con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đem không ngủ được/ Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức” ( Sóng). Biển muôn đời vẫn vậy: trời xanh,  nước xanh, sóng xô bờ, cát trắng, nắng vàng. Biển rộng lượng bao dung như lòng mẹ nhưng cũng vô cùng bí ẩn. Biển hòa nhịp với khát vọng tình yêu: ” Nhựa đất sinh ra từ hạt phù sa/ Trong dòng chảy tìm dần ra biển biếc/ Biển bào đi/ Để cát vàng tinh khiết/ Biển tin mình/ mình yêu biển nặng sâu” ( Tình biển). Nhà thơ nhìn biển bằng cảm xúc của tình yêu, biển đẹp, hồn hậu, lắng sâu và thủy chung. Ước mong hòa tan tình yêu vào biển lớn, một tình yêu vẹn tròn, lí tưởng và vĩnh hằng. Biển thanh lọc tâm hồn, nhận vào mình những rong rêu, cặn bã, để đem về dòng nước mát lành, tinh khiết.

Tình yêu là đề tài muôn thủa của thi ca. Bằng trực cảm của người phụ nữ, Vân Ngà có những khắc khoải âu lo về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi: ” Cuộc đời dài nếu anh lỡ thương ai/ Người đàn bà trong em đủ bao dung lần nữa/ Những bức tranh cuộc tình dang dở/ Chắc không đành bỏ lỡ/ Những nồng nàn chưa phai ( Người đàn bà trong em). Cũng như bao người phụ nữ khác, chị đủ bao dung, thừa bản lĩnh để thứ tha, vá víu lại con tim hoen rỉ. Ý thơ có gì đó chới với vì nỗi đau nhân tình. Tiếc và đau là hai trạng thái tinh thần trong người đàn bà. Chân dung của người phụ nữ truyền thống: vị tha, yêu thương và giàu đức hi sinh. Bài thơ còn đặt ra chiều trái ngược, nếu một ngày kia em say con sóng ban mai, ngả nghiêng trước những dạt dào mới mẻ, liệu anh có đủ rộng lượng không? Cách dùng tu từ ẩn dụ: ” Sóng ban mai, dạt dào mới mẻ” có tác dụng khơi sâu vào tâm chấn người đàn ông, sự ích kỉ hẹp hòi cùng với tinh thần dân chủ. Bài thơ còn đặt ra vấn đề cao hơn: sự giải phóng gông xiềng lễ giáo ngàn năm áp đặt lên người phụ nữ đáng thương và hạnh phúc lứa đôi. Cái việc mà các nước văn minh phương tây họ đã làm từ hàng trăm năm nay.

Những lời thủ thỉ, đắm say trong men tình: ” Tháng năm cho ta nhựa sống/ Thức dậy là gọi em ơi/ Buổi trưa nhớ em nhìn chút/ Ôm em đêm ngắm sao trời” ( Nhé anh). Tình cảm chân thật, những chăm chút yêu thương làm nên phép màu của tình yêu. Ước ao của người phụ nữ thật bé mọn và cũng rất thiết thực. Trong bài ” Valentintrắng”, chị viết: ” Lẵng hồng năm tháng để dành/ Mắt trong mắt ấm cho thành tình nhân…Để vòng tay ấm trong ai/ Môi trầu không thắm nối dài tháng giêng” , câu thơ lục bát vần điệu trầm bổng, lắng đọng, thi ảnh đẹp. Điệu hồn dân tộc trong thơ truyền thống hồn hậu, cảm xúc mượt mà. Người đọc dể hình dung ra người gái quê e ấp, dịu dàng tay trong tay người mình yêu, mơ màng khi mình là cô dâu trong ngày cưới. Chất dân gian thấm đượm trong thơ.

Thơ lục bát dể làm mà khó hay, có người nói vậy. Vân Ngà cũng có những bài, những cặp lục bát hay, giàu gợi nghĩ: ” Hút nhụy đất cất nắng trời/ Mà nuôi tinh khiết trả người tháng năm/ Rưng rưng một đóa tay cầm/ Bao nhiêu năm tháng hóa trầm… phong lan”  ( Đóa lan rừng), ” Anh tìm về chiến trường xưa/ Chỉ còn vách núi đón đưa nghĩa tình” ( Về lại chiến trường xưa), ” Ân cần hiền hậu bên cha/ Mẹ là khung cửa, mẹ là vách phên…bóng chiều nghiêng đổ dần phai/ Viết về tình mẹ tâm ai cũng thiền” ( Mẹ tôi). Những câu thơ như vậy chưa nhiều, nhưng cũng đủ lung linh tỏa sáng, rủ bóng mát rượi.  Ngôn từ biến ảo, liên tưởng tưởng tượng phong phú, triết lí về đời về đạo, hướng tới giá trị nhân bản. Phải là người đã qua trãi nghiệm, có vốn sống nhất định thì mới viết được những câu thơ như thế.

Thơ Việt Nam nói chung và thơ xứ Thanh hai mươi năm đầu thế kỉ hai mốt đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Các nhà thơ không còn dể dải với mình, cách tân sáng tạo không ngừng để làm mới tiếng nói trong thơ. Đọc thơ Vân Ngà ta cũng thấy chị đang tự nhào nặn, lột xác con chữ trong thơ của mình. Ngôn từ, thi ảnh được chắt lọc, cấu tứ hướng tới sự độc đáo, sử dụng tu từ nhuần nhuyễn có  nghệ thuật. Xin chúc chị thành công hơn nữa trên con đường sáng tạo thi ca.

Lê Xuân Toàn

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây