Tài tử làng Nho: Tửu đồ thi sĩ – Tác giả: Lê Hồng Khánh

Mạch nước sông Đà tim róc rách
Ngàn mây non Tản mắt lơ mơ. 

(Tản Đà – Ngày xuân thơ rượu)

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh năm 1889 (Kỷ Sửu, Thành Thái nguyên niên) tại làng Khê Thượng, H.Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là thôn Khê Thượng, xã Sơn Đà, H.Ba VìHà Nội); nguyên quán ở làng Lủ (tức Kim Lũ) H.Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là P.Đại Kim, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội). Bút danh Tản Đà được ghép từ núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông.

Chan dung Tan Da min - Tài tử làng Nho: Tửu đồ thi sĩ - Tác giả: Lê Hồng KhánhChân dung Tản Đà. KÝ HỌA CỦA HS TRẦN HOÀNG CHI.

Dòng họ của Tản Đà có truyền thống khoa bảng. Thân phụ của ông là Nguyễn Danh Kế, đỗ cử nhân, làm quan đến chức Án sát Ninh Bình. Anh ruột (cùng cha khác mẹ) với Tản Đà là Nguyễn Tái Tích đỗ Phó bảng, làm tri huyện sau đổi sang ngạch Học quan, giữ chức Giáo thụ.

Mẹ Tản Đà là bà Lưu Thị Hiền (nghệ danh Nhữ Thị Nhiêm), một đào hát tài sắc ở Nam Định, làm lẽ Nguyễn Danh Kế khi ông làm tri phủ Xuân Trường. Bà là người hát hay và có tài làm thơ Nôm. Tản Đà là con trai út từ cuộc lương duyên của đôi tài tử và giai nhân này.

Cuộc đời của Tản Đà trải nhiều nỗi truân chuyên. Lên 3 tuổi, bố ông mất. Năm sau, vì bất hòa với gia đình chồng, mẹ ông bỏ nhà ra đi, trở lại nghề ca xướng. Mặc dù từ khi 15 tuổi đã nổi tiếng là thần đồng của tỉnh Sơn Tây nhưng Tản Đà liên tiếp trượt cả hai kỳ thi hương 1909 và 1912. Cũng mùa xuân năm 1912, ông không qua được kỳ thi vào trường Hậu bổ vì trượt môn vấn đáp tiếng Pháp. Thất bại trong khoa cử gắn liền với đổ vỡ trong tình duyên đã khiến cuộc đời Tản Đà rẽ sang một ngả khác.

Năm 1915, Tản Đà có tác phẩm đăng trên Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh và nhanh chóng có tiếng vang trên văn đàn. Năm 1916, ông lấy bút danh Tản Đà và chính thức chọn con đường của một người viết văn, làm báo chuyên nghiệp. Từ 1916 – 1926 là những năm tháng đắc ý nhất của Tản Đà. Ông liên tiếp cho xuất bản các tác phẩm: Khối tình con I (1916), Giấc mộng con I (1917), Khối tình con II (1918), Đài gương, Đàn bà Tầu, Thần tiền, Lên sáu (1919), Lên tám (1920), Còn chơi (1921). Năm 1922, Tản Đà thành lập Tản Đà thư điếm (sau đổi thành Tản Đà thư cục). Đây là thư cục, chuyên xuất và tái bản hầu hết những tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông: Tản Đà tùng văn (tuyển cả thơ và văn xuôi, trong đó có truyện Thề non nước, 1922), Truyện thế gian tập I và II (1923), Trần ai tri kỷ (1924), Quốc sử huấn nông (1924), Kinh thi (1924), Thơ Tản Đà (1925). Ngoài ra thư cục này còn cho xuất bản sách của Ngô Tất Tố, Đoàn Tư Thuật.

Năm 1926, Tản Đà cho ra mắt An Nam tạp chí, một tờ báo mà ông dồn rất nhiều tâm huyết. Thời kỳ này ông viết tập Nhàn tưởng (bút ký triết học, 1929), Giấc mộng lớn (tự truyện, 1929), Khối tình con III (in lại thơ cũ), Thề non nước (truyện), Giấc mộng con II (truyện)…

But tich cua thi si Tan Da min - Tài tử làng Nho: Tửu đồ thi sĩ - Tác giả: Lê Hồng KhánhBút tích của thi sĩ Tản Đà. TƯ LIỆU

Bất chấp những tâm huyết của ông chủ, tờ An Nam tạp chí liên tục bị đình bản vì khó khăn tài chính và sau 6 lần tái bản rồi đình bản, đến năm 1933 thì dừng hẳn. Cũng từ đây, sự nghiệp văn chương của Tản Đà đi vào giai đoạn thoái trào. Sáng tác của ông thưa dần. Từ 1933 cho đến những ngày cuối đời, ông làm trợ bút cho các báo, dịch thơ Đường (cho tờ Ngày Nay), dịch Liêu Trai chí dị (Bồ Tùng Linh), thậm chí có lúc túng quẫn ông đăng quảng cáo chữa văn, xem số Hà Lạc…

Vừa là vì sinh kế, vừa mang sẵn máu giang hồ, thích đi đó, đi đây, Tản Đà trôi dạt nhiều nơi: Rời đất Bắc vào tận Sài Gòn. Từ Sài Gòn ngược ra Hà Nội. Đi tận Quảng Yên rồi quay lại Hà Đông. Đến nơi đâu ông cũng để lại những giai thoại kỳ thú của một trang nam tử tài hoa, túi thơ bầu rượu:

Trời đất sinh ta rượu với thơ
Không thơ không rượu sống như thừa
Công danh hai chữ mùi men nhạt
Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ
Mạch nước sông Đà tim róc rách
Ngàn mây non Tản mắt lơ mơ.

(Ngày xuân thơ rượu)

Cũng chính lúc này phong trào Thơ Mới bước vào giai đoạn hoàng kim. Trong mắt nhiều thi sĩ thơ mới, Tản Đà là dấu tích tàn phai của những gì đã cũ, không còn hợp thời. Thậm chí, họ còn xem ông là đại diện của lớp thi sĩ Hán học bảo thủ, văn chương sáo rỗng, câu chữ khô khan, rồi đem ra chế giễu, cười cợt, nhiều khi bằng giọng văn đầy cay đắng. Buồn bã, chua chát với thế thời, chán nản, u uất vì thân thể bị bệnh tật hành hạ, ngày 7.6.1939, Tản Đà qua đời. Thi hài của ông được an táng tại nghĩa trang Quảng Thiện, Hà Nội.

Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu, một trong những nhà báo tiêu biểu thuở sơ khai của báo chí Việt Nam, từng là chủ bút các tờ Hữu Thanh tạp chí, An Nam tạp chí, một thi sĩ tài hoa giữ vị trí cầu nối giữa thơ cũ và thơ mới đầu thế kỷ 20 trong lịch sử văn học nước nhà đã ra đi như vậy.

(còn tiếp)

L.H.K

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây