Phong trào Thơ mới, dấu ấn đặc biệt trong dòng chảy văn học Việt

Thơ mới (1932-1945) là một phong trào thơ ca nổi bật, ra đời trong bối cảnh Việt Nam đầu thế kỷ XX đang từng bước gặp gỡ, thích ứng với văn hóa phương Tây. Đã 90 năm trôi qua, những câu chuyện về Thơ mới vẫn là tiêu điểm cho cái nhìn hồi cố, nhằm hướng đến những nhận thức đầy đủ hơn về di sản văn học quá khứ, đồng thời nhận ra sức sống, sự ảnh hưởng của Thơ mới đến tiến trình hiện đại hóa thơ ca Việt Nam.

Sản phẩm của quá trình hiện đại hóa toàn diện

Xét về bối cảnh, Thơ mới là kết quả của quá trình gặp gỡ giữa văn hóa-xã hội Việt Nam truyền thống, đậm màu sắc phương Đông với những sắc thái mới, hiện đại đến từ phương Tây. Văn hóa phương Tây theo chân thực dân Pháp từng bước thấm nhập vào mọi bình diện của đời sống, làm thay đổi cấu trúc xã hội đồng thời thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa văn học. Từ quá trình thích ứng này, các đô thị mới mang đặc tính phương Tây, tầng lớp thị dân với nhu cầu hưởng thụ một sản phẩm văn hóa, văn học mới dần ra đời. Tiêu biểu cho sự hình thành nền văn học mới đó là Thơ mới và văn chương Tự lực văn đoàn.

Phong trao Tho moi dau an dac biet trong dong chay van hoc Viet min - Phong trào Thơ mới, dấu ấn đặc biệt trong dòng chảy văn học ViệtCác đại biểu dự Hội thảo khoa học 90 năm phong trào Thơ mới và Tự lực văn đoàn do Viện Văn học tổ chức ngày 17-10-2022.Ảnh: TÂM AN.

Năm 1932, trên “Tập văn Mùa xuân” của Báo Đông Tây, bài viết “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, cùng với bài “Tình già” của Phan Khôi đã chính thức khai sinh trào lưu Thơ mới. Thế nào là Thơ mới? Khái niệm này được minh định trong sự tương sánh với “thơ cũ” (thơ trung đại). Từ đây, trong khoảng 5-7 năm, cuộc phân tranh mới-cũ diễn ra mạnh mẽ. Thơ mới cổ súy cho tinh thần tự do của cái tôi cá nhân, hướng đến việc bày tỏ thế giới riêng tư ẩn giấu trong sâu thẳm con người. Bằng lối viết gần gũi với ngôn ngữ đời sống, lời ăn tiếng nói hằng ngày, Thơ mới đã tạo nên “một cuộc cách mạng trong thơ ca” khi từng bước phủ nhận các giá trị đã trở nên sáo mòn, cũ kỹ, chật hẹp của thơ cũ. Cái chật hẹp, cũ kỹ ấy là những khuôn thước của thơ cũ (chủ yếu là thơ luật đã không còn sức sống) đã giam hãm, kìm kẹp con người cá nhân và văn chương nghệ thuật. Dỡ bỏ luật vận, linh hoạt trong biên độ câu thơ-bài thơ, gia tăng khẩu ngữ, và đặc biệt là thay đổi hệ giá trị mỹ học (hướng đến mỹ học của cá nhân, thay vì mỹ học của cộng đồng như thời trung đại). Chỉ trong khoảng 1932-1945, kéo dài đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến (1946), Thơ mới đã từng bước chiến thắng thơ cũ, xác lập địa vị thống trị trên thi đàn, với những tên tuổi nổi bật như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Đinh Hùng…

Thơ mới là sản phẩm của tiến trình hiện đại hóa văn chương ở Việt Nam nói riêng và trên phạm vi Đông Á nói chung (ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng diễn ra các động thái này, dẫn đến sự ra đời của Tân thi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX). Đứng từ góc độ mỹ học, Thơ mới mang trong lòng nó nguồn lực mạnh mẽ, làm cơ sở cho sự vận động và hiện diện: Thích ứng phương Tây và giải cấu trúc truyền thống. Đây là những nguồn lực chính, nhưng không phải lúc nào cũng được tập trung đầy đủ, thống nhất khiến cho những tác phẩm Thơ mới, sau giai đoạn cao trào đấu tranh với thơ cũ, dần “trưởng thành” hơn, và có thể phân hóa thành những khuynh hướng khác nhau như Hoài Thanh đã mô tả (khuynh hướng ảnh hưởng thơ Pháp như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng; khuynh hướng quay lại phục hoạt các giá trị tinh hoa thơ Đường như Trần Huyền Trân, Quách Tấn; khuynh hướng thuần Việt như Nguyễn Bính, Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Nguyễn Nhược Pháp). Sau cùng, khi Thơ mới đã ở đỉnh cao của nó, những bài thơ mới hay lại là những bài thơ kết hợp nhuần nhuyễn Đông-Tây trong cảm thức trữ tình của cái tôi cá nhân người Việt.

Bài học để hội nhập văn hóa, văn chương

Không câu nệ vào thể thơ; không gò bó vào số câu, số chữ, vần luật; không bị giới hạn hay quy ước bởi các quan niệm từ cổ nhân, Thơ mới thực sự là thế giới của con người cá nhân, phát hiện lại mình, và sướng vui, buồn khổ với đời sống của riêng mình. Bởi vậy, có thể nói, Thơ mới khá đa dạng về chủ đề nội dung, tư tưởng thẩm mỹ. Ở đó, người ta có thể thoát lên tiên cùng Thế Lữ, phiêu lưu trong tình trường cùng Lưu Trọng Lư, “điên cuồng” cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, say đắm cùng Xuân Diệu, ngẩn ngơ buồn cùng Huy Cận (ý Hoài Thanh). Ở đó, Thơ mới là nơi những tâm tình cá nhân vừa riêng tư, vừa đa dạng được tỏ bày: “Các cụ ta xưa sống trong một cuộc đời giản dị, êm đềm, sinh hoạt dễ dàng, tiếp xúc ít ỏi, cho nên tâm hồn các cụ cũng đơn sơ, nghèo nàn, phẳng lặng, khô khan, như cái cuộc đời của các cụ… Các cụ ta chỉ thích cái bóng trăng vàng rọi ở trên mặt nước, ta lại thích cái ánh mặt trời buổi sáng lấp lánh, vui vẻ ở đầu ngọn tre xanh. Các cụ ta ưa màu đỏ choét, ta lại ưa những màu xanh nhạt. Một dòng máu chảy làm cho các cụ rùng mình. Chỉ một cái quan tài phất giấy đỏ lững thững đi dưới bóng mặt trời ban trưa cũng có thể làm cho ta rởn óc. Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta lại nao nao vì tiếng gà đúng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi; ta thì cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh ngắt. Cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân; nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng, cái tình say đắm, cái tình thoáng qua, cái tình gần gũi, cái tình xa xôi, cái tình chân thật, cái tình ảo mộng, cái tình ngây thơ, cái tình già dặn, cái tình trong giây phút, cái tình nghìn thu…” (Lưu Trọng Lư, Phong trào Thơ mới, in trên Tiểu thuyết thứ Bảy, số 27, ngày 1-12-1934. Trước đó Lưu Trọng Lư đã đọc ở nhà Học hội Quy Nhơn). Thơ mới cũng là nơi những phong cách cá nhân có dịp được thổ lộ, khác hẳn với sự đồng nhất vào các giá trị chung được quy ước của thơ ca cổ điển. Nhấn mạnh đến khía cạnh này, Hoài Thanh quả quyết: “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam, chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần, một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên… và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” (Một thời đại trong thi ca-Hoài Thanh).

Có một sự thật đó là, đã 90 năm trôi qua, cuộc cách mạng mà Thơ mới đem đến cho nền thơ ca Việt Nam vẫn là câu chuyện rất đáng bàn luận. Lịch sử tiếp nhận đầy thăng trầm của Thơ mới đã minh chứng cho điều này. Hiện tại, Thơ mới vẫn vang hưởng một cách khá rộng đến thơ trữ tình Việt Nam. Không ít nhà thơ đương đại vẫn bị sức hút từ Thơ mới, khiến cho những sáng tạo thi ca đương đại mang dáng dấp của một vệt Thơ mới kéo dài. Điều đó cho thấy sức sống của Thơ mới. Nhưng đồng thời, nó cũng phản ánh khía cạnh “thất bại” của những nỗ lực sáng tạo trong hiện tại. Thơ mới, dẫu sao cũng là một hiện tượng thơ ca từ quá khứ. Cho đến giờ, những giá trị của Thơ mới vẫn đang được ghi nhận, nhưng có những dưỡng chất đã không còn phù hợp với con người đương đại và tinh thần, quan niệm mỹ học thời đại toàn cầu hóa.

Thơ mới theo nghĩa nào đó đang dần trở thành một lực cản (tựa như thơ cũ hơn 90 năm trước) đối với quá trình cách tân thơ Việt Nam đương đại, khi những du dương lãng mạn, những dạt dào xúc cảm, những tâm tình vỗ về, những mộng mơ bay bổng, những nhịp nhàng dịu nhẹ làm con người đương đại hài lòng và quên đi những biến động mạnh mẽ đang diễn ra trong lòng xã hội đương đại. Mặc dù vậy, trong sự quan sát tinh tế hơn, chúng ta nhận ra, dường như sức hút của Thơ mới tỏ ra hiệu quả với những nhà thơ không chuyên hoặc nội lực vừa phải. Ở những trường hợp quyết liệt, họ đã bứt ra khỏi từ trường của Thơ mới, nhằm định hình một dạng “thơ mới khác”.

Những nỗ lực đổi mới thơ ca trong vòng quay của lịch sử văn học vẫn diễn ra. Bây giờ, chúng ta vẫn chứng kiến những hoạt lực ấy trong thơ Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Trương Đăng Dung, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thị Thúy Hạnh… Tuy nhiên, nhìn lại phong trào Thơ mới sau hơn 90 năm, từ việc đổi mới thơ ca, từ sự hội nhập và phát triển, từ sự dung hòa các giá trị Đông-Tây để làm giàu di sản văn hóa của dân tộc vẫn là bài học quý báu. Việt Nam từ sau đổi mới (1986) đã bước vào một cuộc toàn cầu hóa (lần thứ hai), chính ở thời điểm này, những giá trị của Thơ mới (như là biểu tượng của toàn cầu hóa lần thứ nhất) cần được nhận diện đầy đủ, sáng rõ và trân trọng hơn nữa. Động thái ấy nói lên sức sống của phong trào Thơ mới Việt Nam giai đoạn 1932-1945.

TS NGUYỄN THANH TÂM

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây