Tâm huyết của người quá yêu tiếng Việt – Tác giả: Nhà thơ Lê Minh Quốc

Đúng, sai, thừa, thiếu thế nào còn là chuyện phải bàn nhưng phải thừa nhận vốn từ mà ông Nguyễn Quang Thọ sử dụng trong tập sách Người Việt nói tiếng Việt hết sức phong phú, đa dạng…

Trong suy nghĩ của tôi, tiếng Việt vẫn là thứ tiếng “khó nhai” nhất. Dù là người Việt nói tiếng Việt, sinh ra trên đất nước Việt Nam, từ cách suy nghĩ đến quan điểm về thẩm mỹ văn hóa… đều nhìn từ góc độ của người Việt nhưng rồi có một điều cực kỳ thú vị lẫn éo le đó là có những từ/ cụm từ dù chúng ta vẫn viết, vẫn nói… vậy mà chắc gì ta đã hiểu một cách cặn kẽ, chu đáo?

Nước ốc không nhạt như ta nghĩ…

Một khi nói ra điều này, chắc hẳn có người tủm tỉm hoặc nhếch mép cười ruồi cho rằng tôi đã cố tình “trầm trọng hóa” vấn đề. Tuy nhiên, tôi sẽ không cãi lại điều này, vì rằng tôi là một người đang tự học tiếng Việt nên không dám “múa rìu qua mắt thợ”. Còn nếu ai đó muốn cãi lại quan điểm vừa nêu, có lẽ cách tốt nhất là tìm đọc sách “Người Việt nói tiếng Việt” (NXB Tổng hợp TP HCM – 2023).

Đây là một cuốn sách, theo tôi khi cầm trên tay, bạn đã thấy tác giả muốn “gây gổ”, “gây chuyện”, “gây sự” với bất kỳ ai cho rằng mình đã hiểu tiếng Việt. Trên bìa sách, ngay dưới nhan đề có in dòng chữ nói thẳng ruột ngựa, nói huỵch toẹt, không thèm vòng vo, không uốn éo rào trước đón sau: “Sưu tập, khảo cứu về thành ngữ, tục ngữ bị các từ điển bỏ sót hoặc trao đổi lại phần giải nghĩa”. Thoạt đọc, những ai tự cho mình đã hiểu tiếng Việt đến tầm cỡ… “vua tiếng Việt” ắt cảm thấy những dòng chữ đó có gì đó “lớn lối” quá chăng?

Vì rằng từ khi có chữ quốc ngữ đến nay, đã có không ít nhà nghiên cứu sưu tầm lại lời ăn tiếng nói của ông bà. Các tập sách này khá nhiều, trải theo năm tháng cho đến nay vẫn còn tiếp tục được bổ sung… Vậy khi nói “các từ điển bỏ sót” thì nghe vô lý “đứt đuôi con nòng nọc”? Lại càng vô lý hơn khi tác giả cũng muốn trao đổi lại phần giải nghĩa trong các từ điển đó. Lâu nay, người ta luôn tin cậy vào từ điển, lấy đó làm chuẩn khi muốn tìm hiểu từ nào đó kia mà? Vậy không lẽ từ điển lại giải nghĩa chưa đúng?

Trước hết, xin hỏi tác giả tập sách này là ai mà lại dám “cả gan” đến thế?

Xin thưa, đó là nhà báo Nguyễn Quang Thọ, sinh năm 1949 tại Nam Định, lớn lên tại Hà Nội. Từ năm 1968 đến 1971, ông tham gia quân đội, là chiến sĩ Sư đoàn 304. Tốt nghiệp ngữ văn Đức tại Trường Đại học Tổng hợp Karl Marx, TP Leipzig – Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1979. Tốt nghiệp cao học với đề tài “Thành ngữ so sánh tiếng Đức (đối chiếu với tiếng Việt) tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM năm 2004. Ông từng là biên tập viên NXB Thanh Niên, Chủ biên Tập san Văn hóa và Đời sống (NXB Tổng hợp TP HCM, 1991-1992), Tổng Biên tập Báo Yêu trẻ (1991-1992). Ông hiện đang ở tại TP HCM.

Sở dĩ tôi phải nêu rõ “lý lịch” của tác giả vì ở đây chúng ta đang bàn về một câu chuyện nghiêm túc – nhất là về tiếng Việt, do đó, tất cả đều cần rõ ràng về nhân thân, chứ không núp dưới một cái tên ất ơ nào đó.

Khi tôi đặt câu hỏi vì sao viết quyển sách này, ông Thọ cho biết: “Vốn từ của một dân tộc là vô cùng lớn, không một ai biết hết được. Muốn biết nhiều thì phải học nhiều. Học từ lúc nằm nôi cho tới khi xuống mồ. Mỗi ngày sống là một ngày điền dã”. Thế thì “nội lực” của ông Thọ có những gì?

Với khoảng hơn 600 thành ngữ, tục ngữ xuất hiện trong tập sách này, tôi xin chọn ngẫu hứng, ông viết: “Từ điển thành ngữ Việt Nam thu nhận thành ngữ “Nhạt như nước ốc”. Bún ốc vẫn luôn là món khoái khẩu của biết bao người, trong đó có bà xã tôi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ bát cơm nguội buổi sáng mấy anh chị em thường ăn, được chan hai hào nước ốc của bà hàng xóm. Cái thứ nước sóng sánh màu hoa hiên, hơi có chút váng mỡ, tê tê đầu lưỡi, làm cho miếng cơm “chưa đặt đến môi đã trôi xuống bụng”. Nước ốc không nhạt như người ta nghĩ… Câu thành ngữ đúng ra phải là “Nhạt như nước ốc ao bèo”. Ở những ao dày bèo thì bèo ăn hết chất dinh dưỡng. Ốc gầy làm sao ngọt nước được. Dân quê tôi nói “Nhạt như nước ốc ao bèo”; tôi tin rằng họ là những vị giám khảo công bằng nhất trên đời” (tr.19).

Chỉ vì quá yêu tiếng Việt

Với cách dẫn chuyện từ thực tế, tác giả đặt tít chương 1: “Mắt thấy tai nghe”. Với những gì đã nghe, đã thấy, ông Thọ kể lại câu chuyện cụ thể để làm rõ về thành ngữ, tục ngữ nào đó. Ở đây, tôi thích thú với vốn sống mà ông đã có, đã thâu nạp, nhờ thế, câu chuyện được mở rộng hơn là chỉ gói gọn trong “sách vở”. Tôi ngạc nhiên với nhiều cụm từ “lạ tai” đã xuất hiện trong sách này, ông Thọ cho biết phần lớn là ông học từ mẹ – một người nông dân Bắc Bộ cần cù, lam lũ.

Ở chương 2: “Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật”, theo tôi vẫn là chương gợi lại nhiều suy ngẫm, bởi ông đã “nói thật” cần trao đổi lại phần giải nghĩa trong nhiều từ điển. Thí dụ, ông viết: “Từ điển tục ngữ của Nguyễn Đức Dương có thâu nạp tục ngữ “Qua chợ còn tiền, vô duyên khỏi nhẵn má” và ghi nhận “chưa rõ nghĩa”… Tôi thì nghĩ đúng ra phải ghi là “vô nghĩa”, vì câu này sai, không đúng nguyên bản. Cái sai dễ thấy là vế đăng đối. Nếu chú ý, ta sẽ thấy ngay là vế sau thừa một chữ và đó chắc chắn là “khỏi”. Về nghĩa, ta thấy đã qua chợ rồi thì không còn mua gì nữa, còn tiền trong túi. Vô duyên, không có ai vồ vập vuốt ve, hôn hít thì đôi má còn “gin”, còn nhẵn. Nếu đúng như tôi thường nghe thì câu tục ngữ này là “qua chợ còn tiền, vô duyên nhẵn má” (tr.176). Ở chương 3: “Đánh trống qua cửa nhà sấm”, ông Thọ cho biết: “Hy vọng những ghi chép trong chương này góp phần trả lời câu hỏi: Thành ngữ là gì?”.

Ý nghĩa của tập sách “Người Việt nói tiếng Việt”, theo tôi, còn là sự mạnh dạn và tự tin của một nhà khoa học người Việt chỉ vì quá yêu tiếng Việt nên đã bộc bạch suy nghĩ của mình. Đúng, sai, thừa, thiếu thế nào còn là chuyện phải bàn nhưng phải thừa nhận vốn từ mà ông Nguyễn Quang Thọ sử dụng trong tập sách hết sức phong phú, đa dạng. Nhìn chung sau khi đọc xong ắt nhiều người sẽ muốn… cãi lại, cũng như ông Thọ đã “cãi” với nhiều từ điển. Điều này hết sức bình thường và lành mạnh, cần phải có trong tranh luận – nhất là khi chúng ta cùng tìm về lời ăn tiếng nói của người Việt. Nếu thế, không chỉ niềm vui cho cá nhân ông Thọ mà cả chúng ta nữa, bởi trong thời buổi này, tiếng Việt vẫn luôn, vẫn còn trong sự quan tâm của tất cả mọi người.

Vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 1-7 sẽ diễn ra chương trình giao lưu và giới thiệu tập sách “Người Việt nói tiếng Việt” (NXB Tổng hợp TP HCM – 2023) của tác giả Nguyễn Quang Thọ cùng với khách mời là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Đặng Ngọc Lệ tại Đường sách TP HCM.

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây