Nhân vật mảnh vỡ qua tập truyện “Trốn chạy” của Alice Munro – Tác giả: TS. Dương Thị Ánh Tuyết

Nhân vật mảnh vỡ qua tập truyện

Alice Munro – nữ chủ nhân của giải Nobel văn học năm 2013 – được xem là bậc thầy truyện ngắn của xứ sở lá phong đỏ, là Anton Chekhov của Canada. Như một phản đề của lối viết cường điệu hoá bi kịch, tất cả những gì Munro làm là đi tìm vẻ đẹp thâm trầm của những cái hàng ngày, chất thơ của những điều bình dị. Tác phẩm của bà được chưng cất từ những trải nghiệm trong chính cuộc sống hôn nhân, gia đình… bằng sự nhạy cảm của trái tim, sự đam mê của khát vọng và sự nỗ lực phi thường của ý chí. Là người ý thức rõ và cẩn trọng trong kỹ thuật viết, nhưng đúng như Michael Cunningham nhận xét “tác phẩm của bà không thuộc loại trưng trổ kỹ thuật với tham vọng làm lại văn chương. Munro không phải Joyce, cũng chẳng phải David Foster Wallace… tác phẩm của bà được viết bằng lối viết khiêm nhường hơn và theo nghĩa nào đấy nó cũng là canh bạc lớn hơn”(1). Có lẽ vì vậy mà bà chọn cách đào sâu vào tâm hồn để phô bày cái bí ẩn náu mình trong trái tim con người.

Tài năng và nổi danh trên thế giới, nhưng độc giả Việt Nam chỉ mới biết đến bà qua tập Trốn chạy. Lẽ dĩ nhiên, đây là tập truyện điển hình cho phong cách sáng tạo của Munro. Tờ The New York Times nhận xét “Alice Munro được ca ngợi là nhà văn xuất sắc nhất còn sống và làm việc ở Bắc Mỹ hiện nay. Trốn chạy là môt tác phẩm tuyệt vời”(2). Tờ USA Today xem “Trốn chạy như tác phẩm tổng hợp của một trong những nhà văn khai thác đào sâu tâm hồn con người sắc sảo nhất”(3). Trong bài viết này chúng tôi tập trung khai thác vấn đề nhân vật mảnh vỡ trong tập truyện Trốn chạy.

Nhân vật mảnh vỡ là kiểu nhân vật đặc trưng của văn chương hậu hiện đại. Thay vì con người “khổng lồ” của thời đại Phục hưng, con người duy lý trong thời kỳ Khai sáng, con người cô đơn, xa lạ trong cái hiện thực phi lí song vẫn cố gắng tìm kiếm bản thể hài hòa, nguyên vẹn của mình trong nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa, nghệ thuật hậu hiện đại tìm đến với con người mảnh vỡ, con người bị chấn thương từ bên trong bởi sức ép của thực tại rối ren và sự hỗn độn bản thể. Kiểu nhân vật này dựa trên nguyên tắc cắt mảnh của trần thuật hậu hiện đại. Có thể hiểu, nhân vật mảnh vỡ là kiểu nhân vật mà cuộc đời của họ bị chia cắt thành những mảnh vụn rời rạc, đứt đoạn theo dòng hồi ức, kỷ niệm, sự kiện xảy ra trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Kiểu nhân vật này đi ngược lại với nhân vật tính cách trong văn chương truyền thống, thể hiện sự đánh mất niềm tin vào các “đại tự sự”. Khắc hoạ nhân vật theo kiểu này, nhà văn có điều kiện chạm vào chiều sâu và những góc tối khó ngờ của cảm xúc,tâm hồn cũng như phản ánh và thể hiện được sự phức hợp của bản thể. Tác phẩm nghệ thuật vì thế trở thành những cấu trúc mở, những văn bản đa bình diện, nghĩa của nó được tạo sinh không ngừng qua các cách đọc. Khai thác nhân mảnh vỡ trong tập truyện Trốn chạy của Munro, trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi tập trung vào ba vấn đề chính: phi trung tâm nhân vật; thủ pháp mờ hóa; sự phức hợp bản thể.

1. Phi trung tâm nhân vật

Trong tác phẩm văn chương truyền thống, kết cấu chặt chẽ, sáng rõ được xem là yếu tố hàng đầu để hấp dẫn người đọc. Nhưng ngày nay, văn chương hậu hiện đại quan niệm hiện thực được cấu thành như những vô số khả thể của sự diễn dịch. Nhà văn hậu hiện đại không kể về một câu chuyện nào cả mà chỉ tạo ra những khả thể về “những” câu chuyện và độc giả là người dựa vào những khả thể ấy để tự kể chuyện theo “những” cách của mình. Kết cấu nghệ thuật được coi trọng như mục đích cuối cùng của hoạt động sáng tạo, công khai mang tinh thần khước từ truyền thống và tạo kinh nghiệm đọc mới cho độc giả. Khoái cảm mà người đọc nhận được xuất phát từ kết cấu trần thuật được tổ chức như một trò chơi phóng túng, linh hoạt, đầy trí tuệ.

Nhìn nhận thế giới trong tình trạng rạn vỡ, văn chương hậu hiện đại là một tập hợp những mảnh vụn, mỗi mảnh được đặt ở một vị trí độc lập và đầy ngẫu hứng tạo nên tính đa điểm của tác phẩm. Đặc trưng đó về mặt kết cấu thể hiện ở kiểu kết cấu ghép mảnh. Khước từ kiểu kết cấu tuyến tính thông thường của sự kiện, các tác phẩm theo lối hậu hiện đại đề xuất tính phân mảnh như một đặc điểm nổi trội. Kiểu kết cấu ghép mảnh chủ trương đập vỡ các mảnh văn bản thành những mảnh vụn rời rạc, không theo trật tự nhân quả, tương ứng với mỗi mảnh vụn là mỗi mảng của đời sống hiện thực được biểu hiện. Các mảng đó sắp xếp theo nguyên lý của tư duy hội họa lập thể có tính độc lập tương đối, nhưng vẫn có quan hệ chiều sâu trong mạch ngầm văn bản. Kết cấu ghép mảnh tạo hiệu ứng về một xã hội hỗn độn, đứt gãy, khó đoán định, đưa ra cái nhìn đa chiều về đời sống, gợi cảm giác bất an trước sự đỗ vỡ của trật tự xã hội. Trật tự văn bản bị xáo trộn, xé lẻ khiến người đọc như đang tham gia vào trò chơi mê cung với các mảnh đời sống, các hình ảnh, biểu tượng chồng chéo chập chờn, ma mị không dễ nắm bắt.

Trốn chạy là tập truyện ngắn thứ 11 của Munro, gồm có 8 truyện ngắn. Đây là tập truyện duy nhất mà nhan đề Tiếng Anh chỉ có một từ Runaway. Dịch giả rất khéo léo khi dịch các tên truyện chỉ đúng hai âm tiết (Trốn chạy, Tình cờ, Sắp rồi, Nín lặng, Đam mê, Mắc lỡm, Thần lực).  Nếu không “tỉnh táo” độc giả cũng có thể “mắc lỡm” như chính tên gọi của một truyện trong tập. Bởi cốt truyện xảy ra không theo tuyến tính, các sự kiện không diễn ra theo quan hệ nhân quả logic mà là một sự phối ghép từ những mảng đứt gãy của cảm xúc, tâm trạng nhân vật, tác giả cố tình đánh vào suy nghĩ thuận chiều của lối đọc truyền thống.

Truyện ngắn đầu tiên “Trốn chạy” được lấy tên làm nhan đề cho cả tập truyện, kể về cuộc đời của hai người phụ nữ ở hai tầng lớp xã hội khác nhau, đó là: bà Sylvia giảng viên dạy thực vật tại trường Đại học và cô Carla quét dọn trong trại chăn nuôi ngựa và dạy cưỡi ngựa. Cốt truyện được xây dựng từ năm sự kiện: sự trở về của bà Sylvia từ Hy Lạp sau kỳ nghỉ để lấy lại tinh thần sau cái chết của ông chồng – nhà thơ Jamieson; quyết định bỏ trốn của Carla khỏi người chồng (Clark) thô lỗ cộc cằn, dưới sự trợ giúp của bà Sylvia; sự quay trở về đột ngột ngay trên hành trình trốn chạy của Carla với người chồng mà chỉ cách đây vài tiếng đồng hồ cô xem phải sống với anh ta là một địa ngục; sự trở về bất ngờ của chú dê nhỏ Flora trong đêm khuya, ngay thời điểm Clark đang tính sổ với bà Sylvia vì đã xía mũi quá sâu vào cuộc sống của vợ chồng anh; bức thư của bà Sylvia gửi Carla sau tất cả những gì đã diễn ra. Đan xen giữa năm sự kiện ấy, thông qua dòng hồi tưởng, cảm xúc, tâm trạng của các nhân vật người đọc biết thêm về cuộc đời và cái chết của ông Jamieson, mối quan hệ không rõ ràng giữa ông Jemieson với Carla và ảnh hưởng, hệ luỵ của nó đến đời sống tinh thần của vợ chồng Carla, những toan tính trong đầu Clark về vụ kiện vợ chồng bà Jamieson, cuộc sống của Carla trước khi bỏ trốn khỏi gia đình để chạy theo Clark, theo tiếng gọi dục tình mà lúc đầu cô nhầm tưởng là tình yêu.

Câu chuyện có kết cấu đảo dòng phức hợp trong thời gian nghệ thuật. Người đọc phải tự mình lắp ghép, xâu chuỗi các các mảnh ghép trong quá khứ và hiện tại mới có thể hiểu được chuyện gì đã đang và sẽ xảy ra trong cuộc đời các nhân vật. Vị trí, vai trò của các nhân vật không phân định chính phụ, mối quan tâm của người đọc với các nhân vật của mình nhiều hay ít cũng tuỳ vào cá nhân họ. Có nghĩa là Munro đã  phi trung tâm hoá nhân vật, bốn nhân vật đều giữ vai trò chủ chốt trong thiên truyện, hướng tới một vấn đề trong sự đa chủ đề của tác phẩm. Vấn đề của bà Sylvia cũng đáng quan tâm không kém câu chuyện của cô Carla. Cũng vậy, cuộc đời của anh chàng dạy cưỡi ngựa Clark cũng có ý nghĩa đối vối độc giả không kém những vấn đề liên quan đến cuộc đời của nhà thơ Jamieson. Một cuộc đời mà sau khi ông chết gần như đã được nâng lên thành huyền thoại, bởi những lời đồn đám của dân thị trấn, bởi những giải thưởng được truy tặng, bởi những ký ức ám ảnh về dục tình (với Carla) và bởi những hoài nghi, dằn vặt của người đời (ở đây là Clark).

Ngoài bốn nhân vật kể trên, sự xuất hiện của một số nhân vật khác cũng gợi lên nhiều vấn đề đáng suy ngẫm với độc giả. Chẳng hạn, nhóm bạn cô đơn của bà Sylvia (ở Hy Lạp), bố dượng và mẹ của Carla, gia đình của Clark… Chỉ một câu rất ngẫu nhiên của bố dượng trong dòng ký ức của Carla “dù sao thì nó vẫn không phải là con cái của mình”, chỉ một suy nghĩ thoáng qua của Clark “gia đình như chất độc ngấm vào máu”… nhưng đó là những mảnh vỡ mà độc giả không thể bỏ qua nếu muốn có bức tranh toàn cảnh về cuộc đời của các nhân vật.

Sẽ là thiếu khuyết nếu đề cập đến hệ thống nhân vật trong Trốn chạy mà không nhắc đến hai nhân vật đặc biệt: nàng ngựa đỏng đảnh Lizze và chú dê nhỏ Flora. Thiên truyện vì thế mang dấu ấn ngụ ngôn. Sự song trùng giữa thế giới loài vật và thế giới của con người là hai mảnh ghép soi chiếu làm hé lộ nhiều vấn đề thú vị. Hẳn những dòng kể sau đây về chú ngựa non, cũng là vấn đề khiến người đọc phải suy ngẫm một cách nghiêm túc về tình yêu, lòng tự trọng, tổn thương và sự thù ghét “Clark trước đó hay ưu ái ả ngựa non như con vật cưng của mình, giờ khước từ chăm chút bất kể cái gì thêm cho ả. Hậu quả là cảm xúc của Lizzie bị tổn thương – ả bướng bỉnh khi tập luyện và hay đá lung tung khi buộc phải được gọt móng guốc… Carla đành phải dè chừng để không bị cắn”(4).

Câu chuyện về chú dê nhỏ Flora phải chăng là biểu tượng về khát vọng tự do. Cho dẫu vòng tay yêu thương, chăm sóc, chiều chuộng của vợ chồng Carla rộng đến cỡ nào cũng không thể giữ Flora bên họ mãi mãi. Bởi tình yêu đó mới chỉ là một góc nhỏ, trong khi Flora cần đến một thế giới tự do, nơi đó nó tìm thấy giống loài, bạn tình và những thói quen sinh hoạt… nghĩa là nó tìm thấy bản thể loài – cái mà vợ chồng Carla không thể có để cho nó. Chúng ta nhớ lại câu chuyện về siêu cẩu Bấc – chú chó nghĩa tình, chú cho văn minh của Jack London. Khác chăng, siêu cẩu Bấc vì đứt gãy trong tình yêu thương với con người nên mới bỏ đi theo con đường hoang dã. Điều đó đồng nghĩa với việc ra đi vì bị con người xua đuổi, vậy là hợp logic. Còn Frola thì bỏ lại tình yêu thương của con người để ra đi. Tính đứt gãy, phi logic như  một đặc trưng của tồn tại hậu hiện đại được Munro thể hiện khá sâu sắc, trí tuệ.  Sự ra đi và trở về của Flora phải chăng là một mảnh ghép đồng dạng, song trùng, đối ứng với sự trốn chạy và trở về của Carla.

Lật giở bất kì truyện ngắn nào của Alice Munro, người đọc đều có thể bắt gặp kiểu tồn tại đồng thời nhiều nhân vật đóng giữ vị trí then chốt như thế. Tình cờ, Sắp rồi, Nín lặng là chùm ba truyện ngắn liên quan đến nhau, nói về cùng một nhân vật trong những mảnh ghép khác nhau của đời sống. Nó như là một điểm nhấn tạo nên sức nặng cho tập truyện, tạo nên hiệu ứng chồng lớp làm tăng ảnh hưởng và chiều sâu của cả ba truyện, song nó lại không quá tản mạn và lan man như cách diễn đạt từng chương của tiểu thuyết. Tình cờ giới thiệu về Juliet, 21 tuổi đang làm nghiên cứu sinh về văn hóa La MãHy Lạp cổ, tranh thủ thời gian dạy tiếng Latinh để rồi cô chạy trốn khỏi công việc dạy học tại một trường nữ sinh để lao vào một cuộc tình điên rồ mà quyến rũ. Câu chuyện được bắt đầu từ kì nghỉ, cô lên tàu về miền biển để thăm Eric. Do đó, nhân vật “trung tâm” không chỉ có mình Juliet mà còn có thêm Eric. Cốt truyện có sự tham gia của cả hai nhân vật trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề.

Sắp rồi kể về lần Juliet đem con gái là Penelope (kết quả của tình yêu trong Tình cờ) về thăm cha mẹ để rồi dần dần hiểu thêm về cuộc sống và về hôn nhân của hai người. Ở đây, Munro đã thể hiện tài năng quan sát tinh tế của mình đến độ khiến ta thấy đau nhói, những sự thật mà ta không muốn nghe, không muốn đọc, cũng không muốn nhìn. Câu chuyện xoay quanh các nhân vật như: Juliet; ông Sam, bà Sara – bố mẹ Juliet; Irence (người đỡ đần mọi việc trong nhà bố mẹ Juliet); Penelope; Don (mục sư)… Mỗi nhân vật đều mang đến cho độc giả những suy nghiệm cần thiết và sâu sắc về nhân sinh, bản thể.

Nín lặng có lẽ là truyện đau đớn nhất mà người đọc không cảm thấy thỏa mãn bởi quá nhiều câu hỏi đặt ra mà bất cứ câu trả lời nào cũng không thỏa đáng. Vì sao Penelope lại chạy trốn khỏi người mẹ của mình? Vì sao cô lại có thể đối xử tàn nhẫn với người đã mang nặng đẻ đau để cho cô mạng sống?… Đó không chỉ là câu chuyện về người mẹ mà còn là câu chuyện của đứa con. Hai nhân vật này song hành bên nhau, cùng làm rõ các tầng bậc ý nghĩa chủ đề của truyện.

Phi trung tâm nhân vật cũng được Munro sử dụng trong truyện ngắn Báng bổ. Câu chuyện kể về một đứa trẻ Lauren già trước tuổi, một phụ nữ làm ở khách sạn địa phương (bà Delphine) và bố mẹ của đứa bé (ông Harry và bà Eillen) những người đối xử với con bé như thể nó có khả năng hiểu hết về thế giới như người trưởng thành. Đọc hết câu chuyện, sự băn khoăn của người đọc không còn dừng lại ở việc khám phá, tìm hiểu xem vì sao ông Harry và bà Eillen lại luôn nghĩ rằng con mình (Lauren) có thể hiểu hết mọi chuyện và vì sao “tro” hỏa táng một đứa bé lại được cất ở một cái thùng trong nhà… Mà hơn hết người đọc băn khoăn với câu hỏi: Tại sao ông Harry và bà Eillen lại thường xuyên cãi nhau và tại sao quán cafe của bà Delphine lại có sức hấp dẫn không thể cưỡng nổi… Tính phi tâm ở đây được khai thác tối đa có tác dụng mở rộng biên độ phản ánh về các mối quan hệ cá nhân và xã hội, về tình yêu trách nhiệm và cả những cái thuộc về thế giới tâm linh bí ẩn.

Thần lực truyện ngắn dài hơi nằm ở cuối tập truyện làm khó độc giả bởi kết cấu ghép mảnh, phi tâm, sử dụng hình thức thư từ, nhật kí và kỹ thuật di chuyển điểm nhìn. Cũng như các truyện ngắn trước đó, sự xuất hiện của rất nhiều nhân vật (Nancy, anh bác sĩ Wilf, Ollie, Tessa) đồng đẳng với nhau trong thiên truyện đều mang đến lực hấp dẫn thần bí cho người đọc trong việc khám phá những bí ẩn náu mình dưới cái hiện thực bề ngoài. Các nhân vật không phân định chính – phụ mà đều giữ vai trò chủ chốt trong thiên truyện và hướng tới một vấn đề trong sự đa chủ thể của tác phẩm.

Việc không xác lập một nhân vật nào đóng vai trò trung tâm, then chốt, chủ đạo trong quá trình thể hiện giá trị tư tưởng của tác phẩm là một đặc điểm nổi trội trong sáng tác của Alice Munro. Khi các nhân vật đóng giữ các vai trò đồng thời như nhau, nghĩa là nhà văn đã làm mờ khái niệm nhân vật trung tâm đã từng tồn tại rất lâu bền trong văn học nhân loại. Giờ đây, khi nhiều nhân vật có vai trò song hành trong cùng một tác phẩm, tính đa chủ đề của tác phẩm nhờ đó được khai thác triệt để hơn. Người đọc thâm nhập tác phẩm với vô vàn cách hiểu khác nhau từ sự tổ hợp các mối liên kết giữa các nhân vật hoặc căn cứ vào góc nhìn của mỗi nhân vật thì lại có cách nhận diện khác nhau về con người và cuộc sống.

2. Mờ hóa nhân vật

Mờ hóa là toàn bộ các thủ pháp (dòng ý thức, mảnh vỡ, khoảng trống, huyền ảo, nhại…) được sử dụng trong nghệ thuật một cách có chủ định nhằm tạo ra một hiệu quả thẩm mỹ, qua đó đối tượng được miêu tả hiện lên không rõ ràng, cụ thể như chúng ta thường gặp trong sáng tạo nghệ thuật. Người viết cố tình xóa mờ các đường viền (lịch sử, quan hệ…), các đặc điểm cá biệt của đối tượng nhằm tạo cho độc giả cảm giác về sự mơ hồ, tối nghĩa, muốn hiểu người đọc phải dụng công phải tích cực tham gia vào tiến trình nghệ thuật để chiêm nghiệm, đề xuất cách hiểu của riêng mình. Mục đích cơ bản của mờ hóa là nhằm khai thác khả năng đồng sáng tạo từ phía độc giả, thể hiện thái độ tôn trọng độc giả của các nghệ sĩ.

Theo như khái niệm trên thì có thể thấy rằng, mờ hóa không hề xa lạ với truyện ngắn, đặc biệt là với các tác giả hiện đại và hậu hiện đại. Và Munro cũng vậy, bà đã “phản” lại cách viết truyền thống vì đã sử dụng thủ pháp mờ hóa để xây dựng nhân vật, tạo ra những khoảng trống đầy phi lí nhưng bắt buộc người đọc phải suy nghiệm để tự tìm chân lí cho riêng mình.

Dõi theo các nhân vật của Munro, chúng tôi thấy họ không được miêu tả với hình thức hoàn chỉnh, họ bị “mờ hóa” về nhân thân, tiểu sử và các mối quan hệ. Không tập trung miêu tả tính cách, các nhân vật trong Trốn chạy chủ yếu được khắc họa qua các mảnh ghép cảm xúc, tâm trạng của nhân vật. Người đọc phải tự mình xâu chuỗi lắp ghép lại từng chi tiết, từng lát cắt tâm trạng, cảm xúc của nhân vật mới có thể hiểu được điều gì đã, đang và sẽ xảy ra trong cuộc đời của nhân vật.

Thiên truyện đầu tiên gây ấn tượng mạnh với độc giả với nhan đề Trốn chạy, dĩ nhiên mọi người đều nghĩ câu chuyện nói về sự trốn chạy. Nhưng thực tế chưa hẳn là vậy. Ngay trong đoạn mở đầu, câu chuyện đã nói đến sự trở về: “Carla nghe thấy tiếng xe từ trước khi chiếc xe nhú lên đỉnh cái gò nhỏ trên đường mà dân quanh vùng quen gọi là ngọn đồi.Cô ấy về rồi, nàng nghĩ. Bà Jamieson- bà Sylvia-  trở về nhà sau chuyến đi nghỉ tận Hy Lạp”. Mọi chuyện bắt đầu từ sự trở về của bà Sylvia, hiện tại đang là sự trở về, và kết thúc cũng là sự trở về. Câu chuyện của Munro vì vậy thực chất muốn đề cập đến sự trở về chứ không phải trốn chạy như chính nhan đề của nó. Thế mới thấy sự độc đáo, trí tuệ của ngòi bút Munro khi muốn lật ngược lại vấn đề, đánh vào suy nghĩ thuận chiều theo thói quen thông thường của con người. Diễn biến câu chuyện sau đó được diễn ra theo hai chiều kích thời gian nghệ thuật. Chiều kích thứ nhất là quá trình hồi cố về quá khứ nhằm tái hiện lại những mảnh ghép giúp người đọc lần tìm nguyên nhân của sự trốn chạy của Carla. Chiều kích thứ hai là quá trình phát triển tịnh tiến đến tương lai của chính hành trình trốn chạy và trở về của chính Carla. Hai chiều kích này đan xen, đứt gãy và chủ yếu được tái hiện theo dòng tâm tư của nhân vật. Thủ pháp mờ hóa được sử dụng tối đa phát huy hiệu quả nghệ thuật trong việc phô bày, hé lộ những góc mờ tối, bí ẩn, bất ngờ của cảm xúc nhân vật.

Không có quan hệ nhân thân, tiểu sử, không tập trung miêu tả tính cách, các nhân vật trong Trốn chạy của Munro chủ yếu được khắc hoạ qua các mảnh ghép của cảm xúc, tâm trạng nhân vật. Người đọc phải tự mình xâu chuỗi lắp ghép lại từng chi tiết, từng lát cắt cảm xúc, tâm trạng nhân vật mới có thể hiểu được điều gì đã đang và sẽ xảy ra trong cuộc đời của nhân vật.

Ngay trong đoạn mở đầu, dù chưa biết gì về mối quan hệ giữa Carla và bà Sylvia, nhưng qua thái độ bất ổn, tâm trạng thắc thỏm, lo lắng của Carla khi thấy bà Sylvia trở về, người đọc đã dự cảm được có vấn đề gì đó không bình thường. Sau hy vọng mong manh “Giá đừng là cô ấy thì hơn”, Carla hình dung đến những điều mà bà Sylvia sẽ làm: “Nhưng có lẽ bà Jemieson sẽ phải lộn lại con đường một tua nữa. Lái xe từ sân bay về, rất có thể bà chưa rẻ vào tiệm mua thực phẩm – chỉ đến khi vào nhà rồi bà mới sự nhớ ra mình cần những món gì. Có lẽ khi ấy Clark sẽ trông thấy bà. Bằng không thì trời sụp tối, đèn đóm nhà bà sẽ bật sáng. Nhưng thời gian này là tháng bảy, phải thật muộn thì trời mới tối. Mà biết đâu bà mệt đến nỗi chẳng buồn bật đèn lên, hay biết đâu bà sẽ đi ngủ sớm. Mặt khác, có thể bà sẽ gọi điện thoại. Vào bất kỳ giây phút nào trở đi”(5). Những dự đoán trong đầu Carla nói lên rằng cô đang rất bất an, thắc thỏm. Rõ ràng cô không mong sự xuất hiện trở lại của bà Sylvia và càng không muốn Clark sớm biết chuyện này. Một loạt hình dung trong đầu Carla về những công việc mà bà Sylvia sẽ làm, thực chất chỉ là mong muốn trì hoãn giây phút Clark biết bà Sylvia trở về. Tất nhiên, người đọc chỉ được biết điều này về sau. Như vậy ngay mở đầu, Munro đã tung ra những mảnh vỡ của tâm trạng bất an của nhân vật. Cách mở đầu đầy dụng ý nghệ thuật này đã dẫn dụ độc giả xâm nhập ngay vào câu chuyện để lần tìm lời giải cho những câu hỏi theo dự đoán của họ.

Như chúng tôi đã nói lúc đầu, câu chuyện của Munro viết về sự trở về mà không phải là trốn chạy. Bởi vậy, trên hành trình trốn chạy, dòng tâm tư đưa Carla về với quá khứ, nhớ lại cuộc chạy trốn lần thứ nhất. Thì ra nàng đã từng bỏ gia đình, bỏ lại giấc mơ vào đại học, mặc cho những lời cản trở của mẹ, bố dượng và anh trai, để đi tìm cuộc sống “đích thực” cho chính mình theo như lời nàng nhắn lại cho gia đình qua mảnh giấy. Nàng chạy theo tiếng gọi của tình yêu với Clark, mà sau này nàng cho rằng đó chỉ là dục tình. Có lẽ đây mới là mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời Carla và nhiều nhân vật khác của Munro. “Rất nhiều truyện của Munro xoay quanh sự hiện diện của những quan hệ tính dục cuốn phăng cuộc đời nhân vật chính hệt như bàn tay của Chúa trong tác phẩm của Ơ Connor. Thật khó tin nhưng đó là sự thật. Còn thứ gì khác có thể đảo lộn những kế hoạch của chúng ta hơn tình dục và tình yêu? Bạn đang sống và mọi thứ có vẻ yên ổn và rồi, kapow! Một quan hệ dục tính xuất hiện và đời bạn chẳng còn như xưa nữa”(6).

Munro thấu hiểu mối tương tác phức tạp giữa ý chí, khát vọng của chúng ta với những ngoại lực mà ta hầu như không thể kiểm soát. Và một trong những ngoại lực mà lý trí con người khó kiểm soát đó chính là tình yêu và tình dục. Vì vậy mới có sự  trốn chạy và trở về bất ngờ đột ngột của Carla. Munro đã miêu tả khá tinh tế nội tâm của Carla trong cơn khủng hoảng. Trên hánh trình trốn chạy, dòng ý thức đưa nàng đến với thế giới tự do, cảm xúc với những khối mâu thuẫn không thể lý giải: “giờ nàng đang khóc, nước mắt dâng tràn mi mà không hay. Nàng bắt ép mình nghĩ về Toronto, về những bước đầu tiên phía trước… Hình dung cái thế giới tương lai ấy, nàng mới dần thấy rõ một điều kinh khủng và quái lạ là nàng không tồn tại ở đó. Nàng sẽ chỉ đi qua đi lại, mở miệng ra nói, làm cái này cái kia. Nhưng nàng sẽ không thật sự ở đó”(7). Một loạt câu hỏi vang lên trong đầu óc hoảng loạn của Carl: “Nhưng nàng sẽ quan tâm đến cái gì? Làm thế nào để nàng biết là mình đang sống? Trong khi nàng chạy trốn khỏi anh – vào lúc này – Clark vẫn giữ vững chỗ đứng của anh trong cuộc đời nàng. Nhưng khi nàng hoàn tất cuộc chạy trốn, khi nàng tiếp tục sống, thì nàng sẽ đặt cái gì vào chỗ của anh? Cái gì khác – ai khác – lại có thể là một thách thức sinh động đến thế?…”(8).

Sử dụng dòng ý thức, Munro quả thực vô cùng xuất sắc trong việc chạm sâu, phô bày những góc tối khó ngờ của cảm xúc nhân vật trong giây phút khủng hoảng. Sau cơn bão táp cảm xúc ấy là quyết định quay lại đầy bất ngờ với người đọc và với cả chính Carla “Anh tới đón em đi. Nhé. Tới đón em đi”. Chúng ta chấp nhận sự phủ định chính mình của Carla, hiểu được vì sao nàng bất ngờ quay lại với người chồng thô lỗ, nơi mà nàng kiên quyết chối bỏ. Lẽ đơn giản vì nơi đó nàng tìm thấy bản thể của chính mình, cái gắn bó sâu sắc với nàng, làm nên ý nghĩa cuộc đời nàng. Thì ra, cái làm nên cuộc sống con người đâu chỉ là hạnh phúc mà còn cả sự bất hạnh, đâu chỉ là nụ cười, niềm vui mà còn có cả nỗi buồn, giọt nước mắt, đâu chỉ là thụ hưởng mà còn cả sự hy sinh, đâu chỉ là cái tốt, cái thánh thiện, bao dung mà còn có cả cái xấu, cái dung tục và sự ích kỷ… Chính trong sự đan xen, phức hợp các giá trị ấy, ý nghĩa cuộc đời mỗi con người mới thực sự hiện hữu.

Sẽ là sai lầm nếu độc giả không chú ý đến các khoảng trống phân đoạn trong tập truyện của Munro. Ở Trốn chạy chúng không chỉ tách biệt các mẩu trần thuật, mà còn nhằm thay đổi cường độ của nỗi băn khoăn, bức bí trong nỗi lòng ngổn ngang của Carla. Ở giữa hai khoảng trống, trong lúc Carla kinh sợ khi phải sang nhà Jamieson, cô chợt trăn trở về sự biến mất của con dê nhỏ Flora: “cảm giác đau đớn đơn thuần vì mất Flora, có lẽ là mất Flora vĩnh viễn, gần như là nỗi khuây khỏa so với mớ bòng bong mà nàng vướng phải liên quan đến bà Jamieson, và so với nỗi khổ phập phù của nàng với Clark”(9). Khoảng trống tiếp theo còn có mục đích thay đổi điểm nhìn trần thuật, mặc dù ở ngôi thứ ba, nhưng từ Carla sang bà Jamieson, tức là bà Sylvia. Bà hiểu sự suy sụp của Carla không phải vì sự biến mất của con dê, mà bởi cô quá đau khổ vì thái độ và cách hành xử của chồng mình.

Trong Tình cờ, thủ pháp mờ hóa cũng được Munro phát huy tối đa. Câu chuyện xoay quanh nhân vật Juliet khi cô 21 tuổi, đang làm nghiên cứu sinh về văn hóa La Mã và Hy Lạp cổ tranh thủ thời gian dạy tiếng Latin. Nhân một kì nghỉ, cô lên tàu đi về miền biển để thăm Eric, một người cô từng gặp trong tình huống lạ lùng. Munro không miêu tả đầy đủ về Juliet, không cho độc giả biết cô xuất thân trong gia đình như thế nào? Tuổi thơ của cô ra sao, tính cách cô như thế nào… Mà chỉ giới thiệu về Juliet qua một số nét phác thảo về ngoại hình “Đầu ngẩng cao, khuôn mặt tròn gọn, miệng rộng, môi mỏng, mũi hếch, mắt sáng và vầng trán hay đỏ ửng khi cố sức hoặc khi được khen ngợi”(10). Đoạn hồi tưởng đưa câu chuyện trở về sáu tháng trước đó lý giải vì sao lần này “Cô chỉ quàng mỗi chiếc túi du lịch trên vai, sẽ chẳng gây chú ý. Cô sẽ lưu lại đó một đêm. Có lẽ sẽ gọi điện cho anh. Rồi nói gì?”(11). Khoảng trắng phân đoạn đưa câu chuyện trở về với cuộc sống thực nhưng vẫn được sự liền mạch của cảm xúc như thể được “mượn” từ ngôn ngữ điện ảnh. Tuy nhà văn không viết gì nhiều về Eric, về tính cách của anh nhưng thông qua lời kể của Ailo về những bạn gái của Eric, và một trong số họ là Christa, là người nắm giữ sợi dây liên lạc để dẫn dắt người đọc sang câu chuyện tiếp theo thì phần nào độc giả mới biết được đôi chút về tính cách, cũng như lối sống của Eric.

Truyện Đam mê viết về  sự trở về của bà Grace, “bà Grace về tìm lại ngôi nhà nghỉ của gia đình Travers ở vùng thung lũng Ottawa” nhưng tác giả cũng không miêu tả rõ cho ta biết về nhân thân, tiểu sử, tính cách… của Grace mà những đặc điểm về Grace chỉ được hiện lên thông qua thái độ nhận xét của cô về bộ phim mà cô từng xem thời trẻ: “Họ xem phim Cha của của cô dâu. Grace ghét nó. Cô ghét bọn con gái giống cô đào Elizabeth Taylor trong phim, cô ghét lũ con gái nhà giàu õng ẹo hễ mở mồm ra là chỉ rặt đòi hỏi với vòi vĩnh, không hơn”, “Cô nỗi giận không phải vì cô không có tiền mua sắm vung vít hay mặc váy sống thế kia. Cô giận vì người ta nghĩ phải như thế mới là con gái”(12). Chỉ qua một vài chi tiết người đọc phần nào đó cũng có thể  hình dung được cô là người như thế nào, cách sống của cô ra sao…

Thủ pháp mờ hóa nhân vật được Munro sử dụng cho tất cả các nhân vật trong truyện của mình. Trong Sắp rồi cũng vậy, truyện viết về việc Juliet trở về thăm bố mẹ cùng cô con gái Penelope khi Penelope được 13 tháng tuổi. Như vậy, ta thấy Munro không hề nói gì đến cuộc sống của Juliet sau khi đến sống với Eric, cũng không nói gì đến quá trình mang thai và sinh ra Penelope như thế nào, mặt khác, cũng không cho độc giả biết vì sao Eric lại không đi về thăm bố mẹ cùng cô và Penelope,… Mà chỉ cho độc giả biết về Penelope khi nó đã được 13 tháng tuổi, còn những thắc mắc, những băn khoăn của độc giả thì cứ để cho họ tự khám phá.

Bằng ngôn ngữ nước đôi, Alice Munro đã giao quyền cho độc giả tự đưa ra những khả năng theo cách suy nghĩ của mình. Những điều mà Munro không nói sẽ là những câu chuyện thú vị được viết tiếp bởi độc giả. Qua đó, ta thấy mờ hóa nhân vật là một thủ pháp được sử dụng nhiều trong sáng tác của Munro nói riêng và văn học hậu hiện đại nói chung. Khai thác tối đa hiệu quả nghệ thuật của thủ pháp này, các nhân vật của Munro khơi gợi từ phía độc giả tối đa khả năng đồng sáng tạo để thâm nhập vào thế giới bí ẩn náu mình trong trái tim con người.

3. Sự phức hợp bản thể

Các nhà văn hậu hiện đại tin bản chất của thế giới là hỗn mang, “mọi sự đều là theo cách của nó”. Mỗi người thấy một thế giới khác nhau, bị chi phối bởi nhiều hệ quy chiếu. Mỗi hệ quy chiếu là một thế giới, qua đó phát hiện được nhiều bản thể trong con người. Con người vốn đa ngã và họ phải tự đấu tranh để tự chọn bản ngã hay nhất, tốt nhất phù hợp với thực tại. Nhìn tác phẩm của Alice Munro từ góc độ này, ta có thể thấy rõ điều đó, đặc biệt là trong tập truyện ngắn Trốn chạy.

Munro luôn thể hiện nhân vật của mình trong sự phức hợp bản thể. Đây là cách Munro miêu tả một nhà thơ “ông tráng kiện và tháo vát. Ông cải tạo hệ thống rãnh thoát nước nơi mình ở, nạo vét và lát đá ống cống. Ông cuốc đất rào giậu và tỉa một vườn rau, mở đường xuyên rừng, quán xuyến mọi việc sửa chửa trong nhà”. Ở đây không có cái mà thông thường người đọc vẫn hình dung về nhà thơ: trầm tư, tìm cảm xúc trong mây, gió, trăng hoa… Và mãi khi ông chết trong bản cáo phó người ta mới biết ông đã từng nhận một giải thưởng lớn “hình như người ta tin vào tiền bán ma túy chôn trong những hủ thủy tinh hơn là tiền thắng giải làm thơ”(13). Gia tài của nhà thơ thì “không có những chồng giấy và sổ tay được giữ gìn cẩn thận, như người ta thường thấy ở nhà của các nhà văn, không có tác phẩm dỡ dang hoặc những bản thảo nguệch ngoạc”. Độc giả không biết bà Sylvia sống với ông có hạnh phúc hay không nhưng qua cách bà hình dung lại cuộc sống với ông trước khi mất, qua những suy nghĩ của bà “Theo kinh nghiệm của mình thì những đề tài bà nghĩ nhà thơ nên viết thành thơ thì lại không hấp dẫn Leon”, chứng tỏ giữa họ không có một sự hòa điệu về tâm hồn. Họ vẫn đi bên nhau, ăn ngủ cùng nhau…nhưng vẫn là hai mảnh cô đơn trong cuộc đời. Có những chuyện xảy ra với ông Jamieson mà bà không hề biết (như quan hệ giữa Jamieson và Carla) và ngược lại. Đó đâu chỉ là chuyện của vợ chồng bà Jamieson, mà còn là câu chuyện của nhiều gia đình trên thế giới này. Tầm khái quát sâu rộng của Munro bắt nguồn từ những vấn đề hết sức nhỏ nhặt trong đời sống là kết quả của một quá trình trải nghiệm và suy ngẫm sâu sắc của một trái tim nhạy cảm.

Munro cũng giữ quan điểm con người là sự phức hợp bản thể khắc họa nhân vật Clark. Là người thông minh, nhưng cũng thiếu bản lĩnh. Vốn cộc cằn thô lỗ nhưng cũng lãng mạn đáng yêu khiến cho các cô gái chết mê chết mệt. Trước khi là một huấn luyện viên dạy cưỡi ngựa giỏi nhất, Clark từng trải qua nhiều nghề: làm nhân viên phục vụ trong bệnh viện tâm thần, làm người chỉnh nhạc cho đài phát thanh ở Lethbridge, Alberta, làm nhân công xây dựng đường cao tốc gần vịnh Thunder, làm thợ cạo học việc, làm chân bán hàng quân trang tồn kho… Trải nghiệm nhiều nhưng đôi lúc lại tỏ ra ngây thơ và cố chấp. Rất thông minh nhưng không đủ kiên nhẫn để học hết trung học. Là người cộc cằn, thô lỗ nhưng có những suy nghĩ khá triết lý “Anh ta nghĩ gia đình giống như chất độc ngấm vào máu người ta”. Không biết tâm lý với phụ nữ, nóng nảy nhưng lại dễ tha thứ (bằng chứng là khi Carla gọi tới đón về thì anh ta tới ngay mà không suy tính trước đó cô ta đã bỏ mình ra đi). Qua thú nhận của anh với Carla “khi đọc thư nhắn anh cảm giác như có một cái hố bên trong người mình vậy. Thật đấy. Nếu em đi thật chắc anh cảm thấy không còn gì ở lại trong anh”(14), chứng tỏ Clark cũng là một người rất tình cảm và thật lòng yêu thương Carla, nhưng thực tế “lại hành xử như thể ghét cay ghét đắng con bé vậy”…. Chỉ những hồi tưởng sơ qua về một đoạn đời của nhân vật Clark, nhưng Munro đã khắc hoạ một sự phức hợp của bản thể. Cuộc đời của Clark là minh chứng của sự phiêu bạt, bị chối bỏ và tự mình chối bỏ.

Bên cạnh Carla, bà Sylvia cũng để lại dấu khó quên cho độc giả về cuộc đời, suy nghĩ cũng như cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Là giảng viên dạy thực vật học trong trường đại học nhưng bà Slyvia lại không đến với độc giả thông qua công việc chuyên môn mà qua quan các mối quan hệ đời thường. Là người cứng rắn, khắt khe nhưng khá sâu sắc và nhạy cảm. Chi tiết bà nhặt một hòn đá nhỏ màu hồng xinh đẹp trên đường, từ Hy Lạp mang về cho Carla và nói với các bà bạn của mình “Mình biết thế là hâm. Nhưng mình muốn cô gái lưu giữ một mẫu nhỏ về mảnh đất này” đã nói lên điều đó. Cho dẫu sau này bà quyết định im lặng về món quà này mà không nói cho Carla biết, thì sự im lặng của bà cũng đã bao hàm một triết lý: có những điều không nhất thiết phải nói ra! Chất thơ, vẻ đẹp lấp lánh toát lên từ những cái rất đỗi bình dị, đời thường là điều mà mọi người đều công nhận và thán phục tài năng của Munro. Là một người luôn trăn trở và suy ngẫm về những điều diễn ra trong thực tế. Chính bà cũng đã thừa nhận mình sai lầm khi cho rằng tự do và hạnh phúc của Carla về mặt nào đó cũng là một. Sẵn sàng giải phóng cho một người phụ nữ khỏi ông chồng thô lỗ, cộc cằn, đó là cách đơn giản nhất chứ chưa phải là cách tốt nhất, đúng nhất cho người phụ nữ. Bởi tự do và hạnh phúc trong thực tiễn số phận của từng con người đôi khi lại không tỉ lệ thuận. Câu chuyện của Munro làm ta nhớ đến Nguyễn Minh Châu với Chiếc thuyền ngoài xa, ta hiểu vì sao với cách hành xử của một ông chồng vũ phu “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” nhưng chánh án và luật sư có lý lẽ như thế nào người đàn bà hàng chài vẫn không chịu ly hôn. Cuộc sống vốn phức tạp mà những suy nghĩ, ứng xử của con người thường đi theo khuôn mẫu cố định, những trật tự con người sắp đặt theo chủ quan của mình. Phải biết xuyên qua những biểu hiện bên ngoài mới hòng thấu suốt bản chất bên trong của vấn đề là điều mà Nguyễn Minh Châu và Munro gặp nhau.

Hầu hết các nhân vật trong tập truyện đều được khắc họa với sự phức hợp bản thể. Juliet trong Tình cờ, được Munro giới thiệu là một cô gái “hai mươi mốt tuổi sở hữu hai bằng cử nhân và bằng thạc sĩ nghiên cứu về văn hóa La Mã và Hy Lạp cổ. Cô đang làm luận án Tiến sĩ nhưng tranh thủ thời gian dạy tiếng Latin cho một trường nữ tư thục ở Vancouver”(15). Thế nhưng cô lại không đến với độc giả thông qua các công việc chuyên môn của mình mà thông qua các mối quan hệ đời thường đó là cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc, là cái cách cô cư xử với ông lão muốn “bầu bạn” với cô trên toa xe lửa, hay là cái cách cô trò chuyện với Ailo… tất cả tạo nên mảng màu đa dạng xoay quanh cuộc đời của Juliet.

Ông Sam trong Sắp rồi cũng vậy, là một thầy giáo nhưng độc giả chỉ biết ông thông qua các câu chuyện đời thường xoay quanh quan hệ với vợ con, qua cách nói chuyện với mọi người. Như giới thiệu ban đầu “Ông là một giáo viên nổi bật, có óc khôi hài và tâm huyết, khiến ai ai cũng đều nhớ… nhưng hết lần này đến lần khác ông đều bị bỏ qua… không được giao trọng trách”(16). Điều này hé lộ cho độc giả biết nguyên nhân tại sao ông từ bỏ nghề dạy học sau nhiều năm gắn bó để làm việc cho cửa hàng rau quả. Khi tài năng và trí tuệ không được trọng dụng thì con người hoàn toàn có thể từ bỏ đam mê mà mình đã dày công theo đuổi cũng là điều dễ hiểu. Bi kịch nghề nghiệp cộng thêm bi kịch gia đình (phải chăm sóc, phục vụ một người vợ ốm yếu nằm liệt giường) khiến ông Sam chất chứa nhiều tâm sự đau đáu dưới cải vẻ bề ngoài vô tư. Sự phức hợp bản thể trong con người ông Sam biểu hiện sâu sắc qua cuộc đấu tranh, dằn vật giữa một bên là ý thức trách nhiệm, tình nghĩa với một người vợ đau ốm liệt giường và bên kia là những khát vọng bản năng, nhuốm màu dục tính với Irene (người giúp việc trong nhà)- người đã giúp ông “lấy lại niềm tin vào phụ nữ”.  Theo như cách nhìn nhận của Juliet thì bố có một cái gì đó ngoài mẹ, và qua giấc mơ của cô ta cũng có thể hình dung ra được điều đó: “Bố cô, quay lưng về phía cô, đang tưới vườn rau. Một dáng người đi vào rồi đi ra giữa những bụi mâm xôi, để một lúc sau thì hiện hình, hóa ra là Irene – mặc dù là một Irene khờ khạo hơn, phồn thực và hớn hở. Chị ta đang né nước té ra từ vòi… Cha cô luôn quay lưng về phía cô – cô gần như đã thấy – rằng ông cầm vòi thấp xuống, ngay trước thân người, và duy chỉ cái miệng vòi là ông đang ngoáy tới ngoáy lui”(17). Giấc mơ này là một kênh giao tiếp để Sara hiểu hơn những điều mà bố cô không thể trực tiếp chia sẻ với mình. Hình ảnh chiếc vòi nước biểu tượng cho những ẩn ức, khát vọng cần được giải tỏa trong giấc mơ của Sara khiến cho độc giả thấu hiểu hơn bi kịch trong đời sống tình cảm vợ chồng của ông Sam. Phải có một sự nỗ lực ghê gớm mới vượt qua được bi kịch này. Và ông Sam đã vượt qua như thế nào hẳn là một câu chuyện thú vị khơi gợi tối đa khả năng sáng tạo của độc giả. Chất nhân văn lấp lánh trong từng chi tiết nhỏ toát lên từ cái nhìn tinh tế, sắc sảo của một người phụ nữ từng trải như Munro. Con người bản năng sinh vật và con người xã hội đều được soi chiếu và hiện hình sống động qua từng mảnh ghép đa dạng, khiến các nhân vật của Munro thật hơn cả những con người thật ngoài đời.

Phức hợp bản thể là bản chất của hiện tồn, nên tính bất định được xem như là một hệ quả. Thật khó để phân định rạch ròi đúng/sai, tốt/xấu, trắng/đen, tối/sáng, nghiêm túc/trò chơi… Các nhân vật của Munro nói riêng và nhân vật trong văn chương hậu hiện đại nói chung đều không đông cứng trong một phạm trù, họ vừa thế này vừa là thế kia. Trong đường biên không thể phân định rạch ròi, trong sự chông chênh phức hợp giữa các mặt đối lập, bản thể người được bộc lộ một cách cực kỳ sâu sắc và thuyết phục. Đúng như nhận xét của Michael Cunningham: “Munro nhắc nhở chúng ta rằng không có cách giải quyết đơn giản nào cả. Có hạnh phúc, bi kịch và những thứ ở giữa chúng; và bất kì thế giới quan nào khăng khăng thứ này và bỏ qua thứ khác thì đều bất toàn hoặc phiến diện”(18). Trong sự mênh mang, phức hợp của bản thể, điểm chung và cũng là sợi dây bền vững kết nối con người với con người chỉ có thể là nhân tính. Không nghi ngờ gì nữa, khám phá những biểu hiện tinh tế và vi diệu của nhân tính là thế mạnh và sở trường của ngòi bút Munro.

*

Là nhà văn của phụ nữ, “Giống như Virginia Woolf, bà vẫn luôn nhấn mạnh vào tầm quan trọng đặc biệt của đời sống người phụ nữ, nhấn mạnh rằng câu chuyện về một người vợ bất hạnh ở tuổi trung niên cũng quan trọng chẳng kém câu chuyện về một thuyền trưởng dấn mình vào cuộc tìm kiếm con cá voi trắng. Làm như vậy, Munro, có lẽ hơn bất kỳ nhà văn đương đại nào, nhắc nhở chúng ta về phạm vi và tầm vóc mà một truyện ngắn có thể đạt đến. Bà khắc hoạ và phân tích tỉ mỉ những cuộc đời đầy biến cố lớn lao với một sự chu toàn mà ta cứ ngỡ chỉ có thể đạt được trong tiểu thuyết”(19).

Vẫn là những con người đời thường với niềm vui, nỗi buồn, niềm hạnh phúc, nỗi bất hạnh… song các nhân vật của Munro đã bị biến dạng và phân rã. Thay vì duy trì tính thống nhất trong trình tự thời gian và nhân quả của chuỗi sự kiện gắn với hành động của nhân vật chính, tự sự tan vỡ thành một chuỗi lắp ghép các phân đoạn, các mảnh vỡ của cuộc đời nhân vật. Thay vì triển khai tự sự bám vào cuộc phiêu lưu của nhân vật, nhà văn lại biến tự sự trở thành một “cuộc phiêu lưu của cái viết”. Với Trốn chạy, Munro đã dẫn dắt độc giả vào một cuộc phiêu liêu kỳ thú để khám phá những bí ẩn náu mình trong trái tim con người.

TS. Dương Thị Ánh Tuyết
Trường Đại học Quảng Bình

——————————–

(1), (6), (18), (19) Lisa Dickler Awano (2006), Appreciations of Alice Munro, The Virginia Quarterly Review,tr.91.

(2) The New York Times: www.nytimes.com/pages/art/index.html.

(3) USA today: www. usatoday.com/life/books/best-selling

(4), (5), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17) Alice Munro (2014), Trốn chạy, Nxb Văn học, tr.14, 2, 50, 51, 26, 74, 74, 221, 222, 21, 74, 126, 157.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây