Tác giả Nguyễn Bá Thâm

Nguyễn Bá Thâm

NGUYỄN BÁ THÂM

Sinh ngày 30 tháng Ba năm 1948
Quê quán: xã Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An
Thường trú: 54/4 Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Năm 1970, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó học lớp viết văn phục vụ chiến trường.

Từ tháng 5/1971 đến tháng 10/1975, cán bộ biên tập, sáng tác tại Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ. Từ năm 1977 đến tháng 9/1997 công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Từ tháng 10/1997 đến tháng 4/2009, Phó chủ tịch Thường trực, Phó tổng Biên tập rồi Tổng Biên tậpTạp chí Đất Quảng, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2005).

Tác phẩm chính:

Đi dọc đường biên (ký); Đất của máu và lửa (ký).

Giải thưởng:

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1975-1985 của UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; Giải A cuộc thi Ký của Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1992; Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2005; Giải C, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ Nhất (1998- 2008).

 

VÀI MẨU CHUYỆN SỐNG VÀ VIẾT Ở CHIẾN TRƯỜNG

24 học viên viết văn khóa 4 – khóa đặc biệt phục vụ chiến trường của Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam đào tạo, gồm 73 người – được phân vào chiến trường Khu 5 gồm có các anh chị: Nguyễn Văn Giai, Vũ Xuân Mai (Trần Vũ Mai), Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Đức Hạt, Nguyễn Trí Huân, Đoàn Tử Diễn (Hà Phan Thiết), Ngô Thế Oanh, Nguyễn Văn Giáo (Từ Quốc Hoài), Trần Hữu Huy, Hoàng Sơn (Hoàng Minh Nhân), Nguyễn Ngọc Bảo (Nguyễn Bảo), Nguyễn Hồng, Vũ Thị Hồng (Nguyễn Thị Bắc Hà), Bùi Thị Chiến, Nay Nô, Trần Trung Kiên, Hoàng Hởi, Đỗ Xuân Đông (Đỗ Văn Đông), Phạm Văn Song, Trần Văn Thành (Phan Nghĩa An), Ngô Quy Nhơn, Lê Đình Nghi, Nguyễn Thế Khoa và tôi.
Sau 6 tháng, kết thúc lớp bồi dưỡng viết văn tại Quảng Bá (nay thuộc quận Tây Hồ – Hà Nội), ngoài các cán bộ quê miền Nam và các học viên quân đội phải trở về đơn vị cũ, còn lại anh em chúng tôi đều được đưa lên trường huấn luyện đi B (đi Nam).
Hai tháng sau, chúng tôi rời trường huấn luyện đi Nam – 105B tại Lương Sơn, Hòa Bình vào nhập nhoạng tối ngày 15/4/1971 trên những chiếc xe thùng bịt kín. Đến ga Hàng Cỏ thì lên tàu lửa. Tàu chạy suốt đêm. Rạng sáng hôm sau đến ga Vinh, chúng tôi đi bộ xuống Hưng Lộc. Nghỉ lại Hưng Lộc buổi sáng, xế trưa lên xà lan ngược sông Lam, sông La đến xã Đức Lạc (Đức Thọ – Hà Tĩnh). Nghỉ tại đây một đêm, hai ngày (phải nghỉ lại thêm một ngày vì đoàn có nhiều người tiêu chảy – do ngộ độc thức ăn vào chiều ngày 16); tối ngày 18, đoàn lên xe ô tô chạy thẳng vào xã Quảng Thắng (Quảng Trạch – Quảng Bình) rồi lên xà lan ngược sông tới Cự Nẫm (Bố Trạch – Quảng Bình) trong đêm. Nghỉ lại Cự Nẫm một ngày, chiều tối, xe ôtô tới chở thẳng chúng tôi lên làng Ho. Và từ đó chúng tôi bắt đầu cuốc bộ theo dọc Tây dãy Trường Sơn. Gần hai tháng trời vượt Trường Sơn, trong 19 anh em chúng tôi (vào Khu 5 đợt 1), có người bị sốt rét, có người leo dốc đá bị trượt ngã, có người sức yếu không bám sát đoàn, bị lạc đường, xóc phải chông, phải nằm lại trạm khách hoặc trạm xá (của binh trạm) để chữa trị. Nhưng cuối cùng, không một ai “B quay”, tháo lui.
Chiều ngày 26/5/1971, chúng tôi vào tới nơi đóng quân của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5.
Bấy giờ các cơ quan của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 vừa ở H40 – Kon Tum trở về, đóng quân ở xã Leng, xã Iếp, xã Tập (nay là xã Trà Leng, Trà Dơn, Trà Tập của huyện Nam Trà My) và xã Phước Thành của huyện Phước Sơn. Vì từ tháng 4 đến cuối tháng 5 năm 1971, Sư đoàn 2 ngụy Sài Gòn đổ quân xuống đánh phá, càn quét vùng căn cứ Khu ủy, Quân khu 5 đóng ở đây. Tại khu căn cứ, nhà cửa, hầm hào, đường sá mới dựng, mới đào, mới mở còn dang dở. Ngay trong bữa cơm chiều đầu tiên tại nhà bếp của văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy 5, anh em chúng tôi bắt đầu được chứng kiến, nếm trải sự thiếu đói, gian khổ nghiệt ngã của chiến trường. Đi bộ dọc dãy Trường Sơn, từ làng Ho – Quảng Bình, qua Khăm Muộn, Savanakhet, Xalavan của nước bạn Lào, vượt qua muôn trùng núi cao, vực thẳm, tuy thiếu rau xanh, thịt cá nhưng cơm gạo trắng với xì dầu viên, mắm cô thì ngày ba bữa chúng tôi vẫn ăn ngon miệng và rất no. Còn bữa cơm đầu tiên vào chiều ngày 26/5/1971, lại là bữa cơm của lãnh đạo Ban Tuyên huấn khu gặp, mừng đón cánh lính mới từ miền Bắc vào thì dường như chỉ toàn sắn lát hong khói đen sì, mùi hăng hắc, chua nồng, nhai vào thì sần sật, vừa đắng, vừa nhạt. Thi thoảng trên mỗi lát sắn có “cõng” mấy hạt cơm – cũng màu đỏ sẫm (gạo lúa rẫy, ở cứ Khu 5 gọi là “gạo bọc thép”, vì phải nấu rất lâu mới chín, nhưng cơm lại rất cứng. Tuy nhiên nếu nhai kỹ thì cơm có vị bùi và ngọt). Riêng thức ăn thì mỗi người được vài thìa canh nấu cá hộp với mì “Ông Phật” cho có chất và mấy thìa nước mắm cái màu đùng đục, nhạt thếch, tanh lợm. Mọi người rất đói và rất thèm ăn, nhưng mùi hôi khói của sắn lát, mùi tanh lợm của mắm cái (vì thiếu muối, dầu mỡ, gia vị) khiến có người trong chúng tôi không nuốt nổi một chén (bát) cơm. Theo mấy anh nhà báo vào từ những năm Sáu Mươi như Đặng Minh Phương, Hoàng Trà (Báo Cờ Giải phóng), Vũ Đảo, Phạm Việt Long (Thông tấn xã Giải phóng), Huỳnh Ngọc Lý (Tiểu ban Tuyên truyền) thì hiện thời “đã sướng” hơn nhiều những năm Sáu Chín, Bảy Mươi.
Ở văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy 5 từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 9 năm 1971, hơn ba tháng ròng, chúng tôi chỉ xà quần với việc đi sản xuất, gùi cõng lương thực (vùng giải phóng trong khu cứ), chặt cây, kiếm lá làm nhà và học chính trị. Theo các lãnh đạo Ban và các anh làm báo, tuyên truyền, huấn học vào trước là: chúng tôi phải tập làm quen với cuộc sống chiến trường, để từ đó biết, hiểu về cách mạng miền Nam, về địch – ta. Chúng tôi biết vậy, nghe vậy và răm rắp làm những công việc được phân công. Nóng ruột được đi “phía trước”, được xáp mặt với cuộc chiến đấu của du kích, bộ đội và nhân dân để sống và viết nhưng chỉ kêu thầm với nhau. Lơ mơ bộc lộ ý muốn, nếu lãnh đạo biết được thì chỉ mục thân ở cứ để vừa đi sản xuất tự túc, gùi cõng và làm những công việc không đâu vào đâu (như nhà thơ Nguyễn Mỹ – tác giả bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ). Nghe các anh đi trước dạy dỗ, chúng tôi – những người mới tập tễnh vào nghề, vào chiến trường đành – “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Đến đầu tháng Chín, 19 anh em chúng tôi được phân về các bộ phận của Ban Tuyên huấn và Cục Chính trị Quân khu 5: Trần Hữu Huy về Tiểu ban Huấn học; Trần Trung Kiên, Phạm Văn Song về Báo Cờ Giải phóng; Nguyễn Đức Hạt, Trần Vũ Mai, Nguyễn Khắc Phục, Ngô Thế Oanh, Đoàn Tử Diễn, Nguyễn Văn Giáo, Hoàng Sơn, Bùi Thị Chiến, Đỗ Văn Đông, Hoàng Hởi, Nay Nô, Trần Văn Thành, Nguyễn Bá Thâm về Tiểu ban Văn nghệ (Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ). Riêng Nguyễn Hồng (hy sinh tại Điện Bàn ngày 3/12/1973), Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng được nhà văn Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành – Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ, Trưởng ban Văn học Quân khu 5) xin về Ban Văn học thuộc Cục Chính trị Quân khu (đã có anh Nguyễn Trí Huân vào theo tuyến quân đội).
Sau khi biết được đơn vị công tác mới, một ngày trước lúc chia tay, chúng tôi quyết định bữa cơm chiều hôm ấy sẽ không ăn ở bếp văn phòng ban mà xin được mang về lán chúng tôi đang ở để làm một bữa liên hoan.
Chuẩn bị cho bữa liên hoan ấy, theo sự phân công, cả 4 đứa đều dân Nghệ – Tĩnh: Tôi, Trần Văn Thành, Nguyễn Hồng, Phạm Văn Song được cử mang chừng nửa lon muối, một hộp dầu cù là, một bộ quần đùi, áo cộc tay của anh em còn dành dụm được (chưa đổi gà, rau dọc đường vào) tới các nóc của thôn 4 xã Leng, mong kiếm được con gà, vài lon gạo về nấu cháo. Những người ở nhà thì đi rúc rừng, kiếm rau ranh, môn thục, nấm mèo, củi, những loại rau, quả có thể ăn được cho bữa liên hoan thêm phần “thịnh soạn”, rôm rả.
Hồng, Song, Thành và tôi lần đường, đi từ sáng tới xế trưa, mò đến từng bếp lửa, từng cửa, từng nóc của bà con Bh’noong ở thôn 4, bụng đứa nào, đứa nấy đã cồn cào, đói quay quắt, chân đã mỏi rã rời, rốt cục chỉ đổi và xin được hai nải chuối mặt mốc mới chớm chín và dăm lon bắp treo trên gác bếp đen bóng. (Tộc người Bh’noong thuộc dân tộc Giẻ Triêng. Nhà người Bh’noong và một vài dân tộc ít người ở vùng núi cao miền Tây Quảng Nam – như người Cơtu dan (ở vùng cao) – trước năm 1995, khi chưa có Chương trình 135 của Chính phủ, thường làm nhà sàn dài, ở từ 4 đến trên 10 gia đình. Mỗi gia đình có một bếp lửa riêng, nhưng không có vách ngăn riêng từng nhà. Cứ mỗi căn nhà dài được gọi là một cửa. Từ năm – mười nhà như thế gọi là một nóc và lấy tên người già, uy tín nhất làng để đặt tên. Ví dụ: nóc ông Đồi, nóc ông Để, nóc bà Bốn v.v… Nhiều nóc hợp thành một làng. Cán bộ người Kinh ở căn cứ Khu 5 gọi nhà dài là nhà toa tàu).
Phải khẳng định điều này: Đồng bào Bh’noong cũng như đồng bào các dân tộc ít người ở vùng núi cao miền Tây Quảng Nam, trong những năm chống Mỹ, cứu nước rất mực quý trọng, thương yêu cán bộ, bộ đội. Lúa, bắp, sắn, chuối, mía, v.v… đến mùa thu hoạch hoặc đã ăn được đều dành để nuôi cán bộ cách mạng, nuôi quân Giải phóng. Những lon bắp bà con Bh’noong dành cho chúng tôi là bắp giống, vì đồng bào ở đây cũng vừa đi tránh địch càn trở về. Những cây sắn, cây chuối còn sống sót, cho được củ, được trái đều có những hạt đen sần, cứng, ăn vào có vị ngấn đắng, có cảm giác rần rật – do bị chất độc hóa học của máy bay Mỹ rải thảm. Ấy vậy mà trong cái bữa liên hoan chia tay ấy, chúng tôi cứ ngồi húp “món xúp” nấm mèo, môn thục, rau ranh, nhai bắp rang cứng như sỏi ngon ơ. Rồi chúng tôi hát, đọc thơ. Hát cả nhạc buồn, thơ tình yêu. (Cả những bài hát, bài thơ nổi tiếng mà những năm chiến tranh bị “hạn chế” phổ biến ở miền Bắc và cả ở chiến trường miền Nam đối với cán bộ, bộ đội). Chúng tôi say sưa hát và say sưa đọc thơ. Và rồi lặng lẽ ngắm nhìn nhau. Mai, ngày kia, chúng tôi đứa sang Ban Văn học Quân khu, đứa về Tiểu ban Văn nghệ, về báo, huấn học…; để rồi đứa đi mặt trận Tây Nguyên, cực Nam Trung bộ, đứa đi Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, v.v…, để về sống với nhân dân, bộ đội, du kích và để viết. Những nơi ấy, lớp trẻ chúng tôi – những chàng trai, cô gái vừa rời quê hương, chưa vợ, chưa chồng và có ngưới thậm chí chưa có người yêu – sẽ trở thành những người lính thực sự: vừa cầm bút, vừa cầm súng, giáp mặt với vô vàn hiểm nguy, với cái chết, để giành lấy sự sống. Tất cả cho khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Bốn năm ở chiến trường Khu 5, tôi đã đi về Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, được về sống với du kích, nhân dân các xã ở: Tam Quan Bắc, Hoài Châu, Hoài Hương của Hoài Nhơn – Bình Định; ở Phổ Phong, Phổ Thuận, Phổ Quang, Phổ Cường, Phổ Hiệp, Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ Châu (Đức Phổ – Quảng Ngãi); đã về Xuyên Trà (Duy Trung), Xuyên Hòa (Duy Hòa – Duy Xuyên); Điện Trung, Điện Quang, Điện Xuân, Điện Văn (nay là xã Điện Hồng – Điện Bàn) v.v…; đã từng theo bộ đội Sư đoàn 711 của Quân khu 5 đánh và giải phóng cứ điểm Sa Huỳnh (Phổ Thạnh – Đức Phổ) trong ngày 27/01/1973.
Trong chiến dịch giải phóng hai cứ điểm lớn là Nông Sơn và Thượng Đức (ở Quảng Nam và Quảng Đà), tôi đã bám theo các chiến sĩ của Trung đội 1 – trung đội mở cửa, thuộc Tiểu đoàn 3, Mặt trận 4 (Tỉnh đội Quảng Đà), đánh tiêu diệt chốt điểm ngã ba Trùm Giao (ngã ba Cẩm Lý, nay là địa điểm Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng – thuộc đất xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn). Cùng đi với Tiểu đoàn 3 trong trận đánh này còn có nhà thơ Thanh Quế (nguyên Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng, Tạp chí Non Nước), nhà báo Dương Đức Quảng (phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Khu 5, sau 1975 là cán bộ của Vụ Báo chí – Phủ Thủ tướng), Đỗ Văn Đông (hội viên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng, cùng khóa 12 Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Hội, học viên lớp viết văn phục vụ chiến trường). Chiều 23/7, tại thôn 5 Điện Xuân – nơi tập kết đội hình xuất quân để đánh chốt điểm Trùm Giao, cả 4 đứa chúng tôi “đụng” phải ông Phan Hoan – Tư lệnh Mặt trận 4 (sau 1975, ông là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 5), ông Lê Công Thạnh – Phó Chính ủy Mặt trận (sau 1975, ông là Đại tá, Chính ủy Tỉnh đội Quảng Nam – Đà Nẵng). Biết chúng tôi bám theo đội hình Tiểu đoàn 3 vào trận, cả hai ông kiên quyết không cho chúng tôi đi (những năm từ 1967 đến 1973 đều có văn nghệ sĩ Khu 5 hy sinh tại đất Quảng Đà như nghệ sĩ múa Võ Thị Phương Thảo, nhạc sĩ Văn Cận, các nhà thơ: Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Mỹ, các nhà văn: Trần Văn (Trần Văn Anh), Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong (Trần Tiến), Nguyễn Hồng v.v… Ông Phan Hoan còn kêu anh An là Chính trị viên tiểu đoàn (quê Hà Nội), anh San – Tiểu đoàn phó – Tham mưu trưởng (quê Thái Bình), cử người trông giữ chúng tôi ở lại nơi đóng quân của tiểu đoàn. Cả 4 anh em chỉ nháy mắt với nhau. Gần 8 giờ tối, khi ông Hoan, ông Thạnh đã trở về thôn 5 Điện Thái (nay thuộc đất Điện Thọ) – nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương của Mặt trận 4 – lúc các chiến sĩ Tiểu đoàn 3 bắt đầu hành quân, chúng tôi liền tìm cách lẩn vào đội hình các đại đội mà mình đã về sống, tập luyện cùng trước đó. Quế, Quảng, Đông đi theo bộ phận chính sách (gom giữ, vận chuyển tù binh, chiến lợi phẩm, thương binh – liệt sĩ v.v…) của tiểu đoàn do anh Bôi – Tiểu đoàn phó phụ trách (anh Bôi quê ở Thái Bình). Tôi bám theo Đại đội 1 của anh Nghĩa là Đại đội trưởng (quê Quảng Đà), anh Kỷ là Chính trị viên (anh Kỷ cũng quê Thái Bình, là Việt kiều ở Thái Lan về). Đại đội 1 là đại đội xung kích, có nhiệm vụ nổ khối bộc phá và khai hỏa đầu tiên tiến đánh Trùm Giao. Tôi, anh Quế, Dương Đức Quảng đã suýt bỏ mạng, suýt bị địch bắt làm tù binh trong trận đánh ấy. Cuốn sổ ghi chép chỉ bằng bàn tay của tôi giờ vẫn còn đậm nét mực nguệch ngoạc: “4 giờ 23 phút ngày 24/7/74 nổ súng đánh Trùm Giao – tức thứ 4 ngày 6/6 âm lịch”. Từ lúc quả bộc phá nặng chừng 20kg do anh Tích – Trung đội trưởng Trung đội 1-C1 chập điện (anh Tích quê ở tỉnh Thái Bình), thổi bay 3 lớp hàng rào dây thép gai, mở đột phá khẩu. Chưa đầy 20 phút sau, Chỉ huy sở Tiểu đoàn 145B lính Bảo an và 1 đại đội trợ chiến cùng đóng trong chốt điểm Trùm Giao đã bị ta diệt gọn. Bọn chỉ huy của vùng 1 chiến thuật và ngụy quân, ngụy quyền Quảng Nam nhận biết: Mất Trùm Giao thì con đường nối quận lỵ Ái Nghĩa, căn cứ Nông Sơn, đặc biệt là chi khu quận lỵ Thượng Đức, đã bị chặt đứt. Các căn cứ này sẽ bị cô lập, bị tiêu diệt và tuyến phòng thủ phía Tây Nam Đà Nẵng – “cánh cửa thép” của khu căn cứ quân sự liên hợp của Mỹ – ngụy lớn nhất nhì tại miền Nam sẽ như “cá nằm trên thớt”. Chính vì thế, khi Tiểu đoàn 3 – bộ đội Quảng Đà đang lập đội hình phòng thủ tại Trùm Giao thì đạn cối, pháo bầy – có cả pháo chụp, pháo quét, từ các cứ điểm: Cẩm Hà, Vĩnh Điện, Hòn Bằng, Ái Nghĩa, Bồ Bồ dội đạn cấp tập xuống khu vực Trùm Giao. Từ mạn Đông – phía đường số 1, bọn lính Trung đoàn 56 – Sư 3 và bọn lính thủy – đánh bộ ngụy, có máy bay trực thăng, máy bay ném bom, xe tăng yểm trợ, theo đường 100 (nối Vĩnh Điện – Ái Nghĩa) ồ ạt kéo lên. Bộ đội Tiểu đoàn 3 – Quảng Đà nổi tiếng về đánh càn, nhưng trước hỏa lực bom pháo và lực lượng địch đông gấp hàng chục lần, đành phải lui khỏi khu vực Trùm Giao, về lại nơi đóng quân dọc Bắc bờ sông Thu Bồn trên đất Điện Xuân. (Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã Điện Hồng nằm bên đất Gò Nổi – nay thuộc xã Điện Quang. Xã Điện Hồng hiện nay là sáp nhập hai xã Điện Xuân và Điện Văn cũ). Thanh Quế và Dương Đức Quảng bị kẹt lại tại thôn Cẩm Văn (xã Điện Văn cũ) cùng anh Bôi – Chính trị viên phó tiểu đoàn và 26 liệt sĩ, thương binh. May nhờ được bà con trụ bám của thôn Cẩm Văn che giấu và đấu tranh, hù dọa bọn địch nên tối 24/7, các anh cùng các thương binh, liệt sĩ được cứu, đưa về cứ tiểu đoàn. Riêng tôi cứ bám theo một tốp bộ đội, băng qua đường 100, qua những cánh đồng hoang, cỏ ngập lút đầu người, ngó về dãy núi Hòn Tàu ở Nam sông Thu Bồn, chạy thục mạng, bất chấp các loại đạn pháo nổ quanh mình và súng máy ở gò Muồng gần đó bắn đạn như vãi trấu, bất chấp mìn của bộ đội, du kích bố phòng dày đặc và gai góc. Lúc đó chừng hơn 5 giờ, trời đã sáng trưng. Về tới Sở chỉ huy Tiểu đoàn 3, nhìn thấy tôi quần áo rách toạc, máu tứa ướt cả hai ống quần, anh Quý – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 há hốc mồm, nói như quát: “Ai cho các anh đi theo! Sao mà liều thế!”. (Anh Quý quê Thanh Hóa, do bị thương ở tay trong trận mở khu dồn Điện Nhơn hồi đầu tháng 5 – nay là Điện Phong, vết thương chưa lành nên không trực tiếp tham gia trận đánh Trùm Giao). Sau chuyến đi này về lại căn cứ Trà Nô (Hiệp Đức – Quảng Nam), anh Quế viết bút ký Buổi trưa ở Điện Bàn, tôi viết bút ký Gió chuyển mùa, đều nói về những chuyện trên (In trong Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ tháng 10/1974).
Trong 4 năm đi – sống và viết mà tuổi trẻ chúng tôi nếm trải, từng bước trưởng thành trên “khúc ruột miền Trung” đầy máu lửa ấy, biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, có những kỷ niệm êm dịu thoáng qua, có những kỷ niệm quặn thắt đọng lại, nhưng dù đã 40 năm giờ vẫn tươi rói, nguyên vẹn trong ký ức của tôi. Xin được ghi lại mấy mẩu chuyện mà tôi cho là chuyện nhỏ của một thời và của một đời, trong đó tôi xin kể hai mẩu chuyện về Nguyễn Hồng – người bạn mà mỗi khi gặp nhau ở cứ hay viết thư cho tôi thường xuyên: “Đi phía trước, về vùng sâu, nhớ đừng có liều nghe mày…”. Nhưng tôi đã sống thêm được hơn 40 năm, và được hưởng cuộc sống đất nước đã hoàn toàn độc lập, thống nhất v.v… Còn Nguyễn Hồng lại “liều” để rồi ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại đất Điện Bàn ở tuổi hai mươi lăm.
1. “Ngọt lắm đó chúng mày uống đi!”
Ở Văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy 5, vừa làm nhà, vừa chỉnh huấn được khoảng 1 tuần, đầu tháng 7, Văn phòng điều anh Huy, Kiên, Song, Thành, Nô, Hởi, Hồng, Bảo và tôi – những người không sốt rét, đau yếu, có sức khỏe tốt, đi cõng gạo. Điểm đến là làng Tu Du, xã Cang (nay là xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, nằm ở sườn Đông dãy núi Ngọc Linh, tiếp giáp với Kon Tum). Cung đường cả đi lẫn về non 4 ngày. Anh Sơn – nhân viên văn phòng làm trưởng đoàn, tuổi trạc ba mươi, người thấp đậm, rắn chắc. Đêm trước ngày lên đường, anh Sơn dặn chúng tôi mượn thêm bình đông để mang thêm nước uống. Anh cho biết, cung đường này phải đi trên đỉnh núi cao, mất gần một ngày đường, không hề có khe suối; lại đang giữa mùa hè, trời rất hanh, khô, nóng bức. Được lệnh đi gùi gạo, 9 anh em chúng tôi mừng ra mặt, răm rắp chuẩn bị soong, hăng gô, tăng võng, gùi dây rất cẩn thận. Chúng tôi mừng vì trong 4 ngày tới, chúng tôi được ăn cơm – không ghế sắn (độn sắn) và sẽ được ăn no. 5 giờ sáng, sau bữa cơm chắc bụng, chúng tôi bắt đầu ngược dốc. 5 giờ chiều, đến một trạm nghỉ dọc đường, mọi người dừng chân. Người đi kiếm củi, vò đãi gạo nấu cơm, người lo căng tăng, mắc võng. Trong lúc tôi, Hồng và Bảo làm khung buộc võng, mắc tăng cho ba đứa vừa xong, bỗng Hồng la to: “Có cái lon sữa” và Hồng nhặt lên ngắm nghía. Hóa ra chỉ là vỏ một lon sữa màu đỏ – hiệu Ông Thọ, trống rỗng. Nhưng Hồng vẫn cầm vỏ lon sữa mân mê. Rồi Hồng dùng nước trong bi đông đổ vào vỏ lon sữa, lắc nhẹ. Tráng rửa qua loa lớp bụi lá bám trong lon sữa, Hồng lại dùng nước bi đông đổ vào lon sữa và dùng một nhánh cây nhỏ miết nhẹ vào đáy lon. Xong đâu đó, hắn ta ghé vào miệng nhấp nhấp. Bất ngờ Hồng reo lên: “Ngọt lắm đó, chúng mày uống đi”. Tôi và Bảo nghe lời Hồng, nhấp mỗi đứa một ngụm. Có vị ngọt và mùi sữa bò thật nhưng lại tanh hôi mùi rỉ sắt. Chắc cái vỏ lon sữa này, ai đó vứt ở trạm nghỉ đã lâu. Dẫu sao, tôi và Bảo cũng gật đầu khen ngọt. Đã gần hai tháng trời, từ trước khi vượt qua đường 9 ở Sê Pôn (Lào), anh em trong đoàn chúng tôi không có ai giữ lại được một chút đường. Nhiều người vì sức yếu, còn vứt cả mắm khô, xì dầu cô đặc, xà phòng v.v…, chỉ còn giữ lại cho mình ít muối, thuốc sốt rét và thuốc bổ Pôlyvitamin, quần áo, tăng, võng. Ngày này tiếp ngày kia, vượt hết núi này, đến vực nọ, cứ cao vời vợi, sâu hút, thiếu rau, không có thịt cá…, sức ai nấy cạn kiệt dần, có người cứ tựa vào cây gậy, bước từng bước một…
Sau chuyến đi cõng gạo ở Tu Du về, tôi, Bảo, Nguyễn Hồng lại được văn phòng Ban cử đi cõng sắn lát ở nóc ông Giang dưới sông Leng. Cung đường đi cõng sắn, một ngày đi, một ngày về thong thả. Hôm nhận sắn xong, trên đường trở về, đến dốc Bệnh viện I, ba anh em chúng tôi dừng nghỉ để “ăn cơm trưa”. (Thường gọi là dốc bà Phi Phi. Chị Phan Thị Phi Phi là chị nuôi nhà văn – liệt sĩ – Anh hùng Chu Cẩm Phong – Trần Tiến; nguyên Giám đốc Bệnh viện I Khu ủy 5. Sau này chị là giáo sư – tiến sĩ y khoa, công tác tại Bộ Y tế). Vừa mở gói cơm – độn sắn đen sì, thì có một anh cán bộ – không quen biết, cũng vừa lên tới đỉnh dốc và đặt gùi ngồi nghỉ. Thấy vậy, Nguyễn Hồng liền mời anh ta cùng ăn cơm. Rất mau lẹ, anh ấy mở gùi, lấy chén (bát), thìa, vừa sẻ cơm, vừa ăn, vừa rối rít cảm ơn. Hết cục cơm, anh ta bỏ chén vào gùi, buộc cẩn thận và lại cảm ơn rồi xuống dốc lanh lẹ. Cả ba chúng tôi trố mắt nhìn theo, cảm thấy lạ. Cục cơm trưa của ba đứa chỉ có một lon gạo độn sắn, lớn hơn một vốc tay, ba đứa ăn vẫn còn lưng bụng. Thế mà tự dưng lại thêm miệng ăn thứ tư. Chúng tôi mời cho có phép lịch sự theo cung cách người Bắc, ai ngờ. Nghe tôi cằn nhằn, Hồng vỗ về: “Chắc anh ấy đói lắm. Thôi, bỏ qua”. Tối hôm đó, bọn tôi kể lại cho anh Đặng Minh Phương, anh Hoàng Trà. Nghe chuyện, anh Đặng Minh Phương bật cười ha hả, còn anh Hoàng Trà thì chửi khéo: “Rứa là bọn mày ngu. Ai bảo bọn mày mời. Ở Quảng Nam, người ta đã mời là phải ăn. Không ăn thì lại bảo chê. Các cậu mới vào, còn lạ cái, lạ nước, phải học hỏi nhiều đó nghe. Đấy là chưa kể, cả khu căn cứ hiện thời đang đói quáng mắt đó các cha nội”. Rứa là thêm một bài học ở chiến trường.
2. “Chúng muốn vào đây… thì trước hết phải bước qua xác chúng tôi”
Cái tính xông xáo, liều lĩnh của Nguyễn Hồng như là phẩm chất sống của anh. Hồi học ở lớp Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh em trong lớp đã gọi Nguyễn Hồng là “Hồng vệ binh” (Từ ăn nói, học hành, lao động, ứng xử, Hồng luôn là người sôi nổi, hăng hái, nghiêm túc nhưng cũng rất cứng nhắc, xốc nổi, nóng tính. “Hồng vệ binh” là các bạn chọc khóe, ví Nguyễn Hồng như lớp thanh niên Trung Quốc trong “Cách mạng văn hóa” ở đất nước này vào những năm Sáu Mươi. Tất nhiên sự ví von này không thật chuẩn xác với tính cách của Hồng). Lần đầu vào chiến trường đi thực tế, mùa xuân năm 1972, anh từng mặc độc chiếc quần đùi, dùng lá cây trộn nhọ nồi, bôi đen người để theo bộ đội đặc công của Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng – Quân khu 5) lên đánh chiếm một chốt điểm của ngụy quân nằm trên đường 19 – con đường nối Quy Nhơn với Pleiku và Tây Nguyên (Sau này anh viết ký sự Đêm cao điểm, tặng thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1974. In trong tuyển Văn miền Trung thế kỷ XX, tập 2, NXB Đà Nẵng – 1998). Sau Hiệp định Paris (28/1/1973), vùng giải phóng ở Quảng Đà bị địch lấn chiếm vô cùng ráo riết và quyết liệt. Do không nắm vững, quán triệt sự chỉ đạo của Khu ủy 5 về việc “thi hành Hiệp định”, nhiều nơi cán bộ, du kích giao động, hoang mang trước các luận điểm: “hòa bình trong tầm tay”, “địch chiếm hay ta chiếm”, và trước các cuộc đánh phá “tràn ngập lãnh thổ” tàn bạo và dữ dội của ngụy Sài Gòn, nên có nơi đã bỏ các “căn cứ lõm”, rút chạy lên các vùng ranh. Tháng 6/1973, Nguyễn Hồng và Nguyễn Bảo xin đi Quảng Đà – vùng đất “khắc tinh” với các văn nghệ sĩ Khu 5 – vì năm nào cũng đều có các văn nghệ sĩ Khu 5 hy sinh tại đây. Nguyễn Bảo đi Bắc Hòa Vang, về sống với Đại đội 2 công binh anh hùng – đơn vị đặc trách nhiệm vụ đánh phá con đường bộ, đường sắt qua đèo Hải Vân. Nguyễn Hồng về Đại Lộc, bám các xã vùng B – nơi du kích các xã và bộ đội huyện, tỉnh đang đánh nhau ác liệt với bọn địch lấn chiếm để giữ đất, giữ dân. Đến tháng 10/1973, các anh được triệu tập về Quân khu để vào đợt chỉnh huấn. (Đây cũng là mùa mưa lũ ở Nam miền Trung, các hoạt động quân sự của ta ở vùng đồng bằng ven biển gặp nhiều trở ngại, hạn chế. Và mùa mưa ở căn cứ thường mở các đợt chỉnh huấn để chuẩn bị cho chiến dịch Xuân – Hè, Hè – Thu năm sau. Cần nói rõ thêm: Ở chiến trường Khu 5, các văn nghệ sĩ ở Tiểu ban Văn nghệ của Tuyên huấn Khu ủy hay ở Ban Văn học của Cục Chính trị Quân khu, khi đi thực tế sáng tác còn kiêm thêm chức năng là cán bộ tuyên truyền, vận động quần chúng hay trợ lý chính trị cho các đơn vị, địa phương nơi mình công tác). Nhận điện nhưng Nguyễn Hồng không về Quân khu mà anh viết thư về Ban xin được xuống Điện Bàn – nơi bộ đội huyện và du kích các xã vùng Bắc sông Thu Bồn đang chiến đấu với bọn địch để giành lại dân và đất. Anh được Ban chỉ huy Huyện đội Điện Bàn đưa xuống Đại đội 3 của huyện, đóng tại thôn 5, Điện Xuân (thuộc làng Đa Hòa, xã Điện Hồng hiện nay). Xuống với Đại đội 3 bộ đội huyện, Hồng đã đổi khẩu súng K54 để lấy khẩu CKC cải tiến (loại súng trường bộ binh của Liên Xô, hộp đạn 12 viên, bắn liên thanh) rồi ra trụ ngoài chốt với các chiến sĩ. Chiều ngày 02/12/1973, Nguyễn Hồng viết thư gửi cho Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội – Nguyễn Hợi. Thư anh viết kín hai trang giấy ca rô khổ 20cm x 30cm. Hồng nói rõ về âm mưu của địch bắt lùa dân ở các khu dồn đi phát quang những khu vườn hoang ven bờ Bắc sông Thu Bồn mà chúng nghi có dân trở về trụ bám, có bộ đội, du kích ẩn náu, với ý đồ làm chủ khu vực bờ Bắc sông Thu Bồn, cắt đứt tuyến hành lang của ta từ căn cứ Hòn Tàu về Hòa Vang, Đà Nẵng qua vùng Gò Nổi. Khi đánh giá về tình hình tư tưởng của cán bộ địa phương, lời anh nói gay gắt và quyết liệt: “…Cần phải định nghĩa lại cho Xã ủy, Xã đội…, rằng tránh càn chứ không phải chạy càn…”. Cuối thư Hồng kết: “Sáng nay bọn địch từ bên kia bàu bà Mau kéo quân qua định tập kích vào đội hình C3, nhưng chúng đã vấp phải mìn bố phòng của đơn vị, hai thằng chết tại chỗ, có mấy thằng bị thương (thấy chúng khiêng 5-6 cáng, ở trên dốc ông Tình nhìn rất rõ). Chúng lại lui về bên kia bàu bà Mau… Ngày mai nếu chúng vào được thôn 5 Điện Xuân thì trước hết chúng phải bước qua xác tụi tôi…”. Nghiệt ngã thay, sáng hôm sau, bọn địch không đột kích qua ngả bàu bà Mau mà ngay trong đêm 02/12, chúng lại men theo bờ Bắc sông Thu Bồn từ hướng xã Lộc Hưng xuống (nay là xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc). Và 10 giờ sáng ngày 03/12/1973, chúng nổ súng từ phía sau tuyến chốt của Đại đội 3 – nơi Nguyễn Hồng và các chiến sĩ đại đội chốt giữ. (Vùng này địa hình mấp mô, lại là vùng trắng dân, các loại keo, bói, cỏ lùng mọc um tùm).
Các chốt điểm của Đại đội 3 bị địch đánh tập hậu bất ngờ, không kịp ứng phó, đành phải vọt khỏi công sự rút chạy. Tường – đại đội phó, cũng kéo Nguyễn Hồng lên khỏi công sự, chạy tạt về hướng bàu bà Mau. Chạy được một đoạn xa, khi không thấy đạn AR15, đạn cối cá nhân, M79 cắm theo mình, Tường dừng lại nhưng không thấy Nguyễn Hồng bám sau. Bất ngờ từ phía vườn chuối hoang, cách chỗ Tường chừng vài trăm mét, nằm sát tuyến chốt Đại đội 3, tiếng súng CKC từng loạt hai phát một, nổ đanh gọn, chói chát. Tiếng súng đánh trả của Nguyễn Hỗng. Tường biết vậy, vì ở C3 chỉ có Nguyễn Hồng dùng súng CKC cải tiến. Cùng lúc, tiếng đại liên cực nhanh, cối 60, M79, AR15 của địch châu vào vườn chuối trút đạn. Khoảng 15 phút sau, tiếng súng các loại im bặt. Trưa và suốt chiều hôm đó, anh Hợi đã cử các tổ trinh sát của Huyện đội tiếp cận khu vực vườn chuối hoang để mong tìm được Hồng, nhưng bị địch phong tỏa quá chặt. Cuối chiều hôm đó, ngày 03/12/1973, bọn địch bắt dân đi phát quang khiêng một xác “cán binh Việt cộng”, “một nhà báo” về đồn ngã ba Trùm Giao – nơi đặt sở chỉ huy của Tiểu đoàn Bảo an 145B (do cơ sở của xã Điện Văn ở trong khu dồn gò Muồng báo). Tất cả tư liệu về cái chết của Nguyễn Hồng, cùng lá thư, do anh Nguyễn Hợi cung cấp cho tôi tại Hội nghị Tổng kết chiến tranh nhân dân của Tỉnh đội Quảng Đà (Mặt trận 4) khai mạc ngày 10/12/1973 ở khe Điêng – nơi đóng quân của Đặc Khu ủy Quảng Đà và Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 (nay thuộc thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) tức là chỉ 7 ngày sau khi Hồng hy sinh. Nghe anh Hợi kể và đọc thư Hồng viết cho anh Hợi, tôi đã khóc rống lên. Tối hôm ấy, tôi mang thư Hồng sang Y10 đóng ở khe Dung (Bệnh viện Đặc khu Quảng Đà) và kể chuyện cho Hoài Thương, Thanh Phong, Hoa, Sáu – những cô y sĩ – quê Quảng Đà, ra miền Bắc, thực tập tại bệnh viện E (Chèm – Hà Nội) mà Nguyễn Hồng quen thân thời Hồng học ở lớp viết văn phục vụ chiến trường tại Quảng Bá, khi Hồng lên bệnh viện khám chữa bệnh. Biết Hồng hy sinh, các cô gái đã òa khóc nức nở. Cũng trong ngày, tôi đã viết thư – chép cả thư của Nguyễn Hồng gửi anh Hợi, về cho nhà văn Nguyên Ngọc – Thủ trưởng của Hồng. Mùa xuân 1975, khi tham gia chiến dịch giải phóng quận lỵ Tiên Phước, thị xã Tam Kỳ, tôi gặp lại Nguyễn Bảo trên đường Bảo hành quân cùng Lữ đoàn đặc nhiệm 52 ra giải phóng Đà Nẵng. Trong lúc trò chuyện, chúng tôi cứ nhắc mãi về Hồng, về đức tính quyết liệt, một mất một còn với kẻ thù và tình yêu của Hồng dành cho mảnh đất Quảng Đà. Chúng tôi cũng khuyên nhau chớ có sống quá liều như Hồng… Bởi cuộc chiến đấu chưa biết lúc nào kết thúc.
Bây giờ hài cốt của Nguyễn Hồng đã được yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn. Cứ vào ngày Hồng hy sinh (03/12 tức ngày 09/11 Âl), ngày tết Nguyên đán, ngày giải phóng Quảng Nam, Đà Nẵng, ngày Nhà báo Việt Nam, ngày Thương binh Liệt sĩ, tôi đều đến thăm Hồng. Nguyễn Hồng quê ở xã Đức Long, Đức Thọ, Hà Tĩnh, sinh ngày 20/11/1948 (học bạ khai sinh 1950), hy sinh ngày 03/12/1973, khi Hồng vừa tròn 25 – cái tuổi mà trong đám chúng tôi chưa ai dựng vợ, gả chồng. Cứ mỗi lẫn đến Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn, hay Bia tưởng niệm Hồng đặt bên cầu ông Khả, gần bàu bà Mau ở làng Đa Hòa – nơi Hồng hy sinh, thăm Hồng; với nén nhang, một lon sữa hiệu Ông Thọ, tôi không quên đặt lên mộ Hồng những bông hồng vàng (hoặc cúc vàng). Hồi học ở khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Hồng rất mê tác phẩm Bông hồng vàng của Paustovsky. Còn lon sữa bò hiệu Ông Thọ là để nhớ lại một thời gian khổ cùng cực mà tuổi trẻ chúng tôi từng chịu đựng.

Tháng 12 năm 2015
N.B.T.

LÀNG ĐẦU NGUỒN
(Truyện ký)

Cuối năm 1973, tôi lên Chavăl, Laeê, Konnăng – vùng biên Việt – Lào công tác. Mùa mưa, đường rừng ngổn ngang cây đổ và dày đặc mây mù. Sau hai đêm ngủ rừng, đến tối thứ ba chúng tôi mới gặp được một làng Cơtu. Làng nằm đầu nguồn sông Bung, không quá một chục cửa( ). Dũng – cán bộ Tuyên huấn huyện Nam Giang, người được Huyện ủy giao làm người dẫn đường và phiên dịch cho tôi trong chuyến công tác này, cho tôi biết, đây là làng Aró. Khoảng chín giờ tối, chúng tôi mới tìm đến được nhà trưởng thôn. Vừa bước lên sàn nhà, chúng tôi bắt gặp một người đàn bà đang ngồi sàng gạo bên bếp lửa. Thấy có khách lạ, chị dừng tay sàng, ném thêm củi vào bếp và nói thay lời chào bằng tiếng Kinh, giọng lơ lớ:
– Ồ, cán bộ ướt hết rồi, lại hơ lửa cho ấm đi.
Có lẽ đã quen phong tục, không ngần ngại, Dũng vứt balô xuống sàn và sà vào bên bếp, huơ huơ hai tay trên ngọn lửa. Tôi hơi bỡ ngỡ chưa hiểu lối sống của người Cơtu nên hỏi Dũng:
– Ông xem có đúng nhà quăn Ngoi không( )?
Người đàn bà nhìn tôi, mỉm cười:
– Đúng đó. Cán bộ muốn gặp nó chờ gà gáy một lần. Nó đi cõng đạn ngoài đường dây Năm Năm Chín( ), tính đêm ni về…
Im lặng một lúc, chị tiếp:
– Cha thằng Ngoi đi đã bảy ngày, nếu không gặp tụi Mỹ ném bom chặn đường, thế nào tối ni cũng về. Mưa này, nước sông Bung không kịp nhiều đâu.
Sau bữa cơm tối, chúng tôi quây quanh bếp lửa trò chuyện. Dũng, tôi và người đàn bà tự giới thiệu tên để làm quen. Chị tên là Alăng Dum, chồng chị là Z’rơơm Băn. Ba đứa con đang nằm kia: Thằng lớn nhất là Z’rơơm Ngoi, thằng lớn thứ hai là Z’rơơm Nhăng, thằng nhỏ nhất là Z’rơơm Ngam. Ngam được sáu tuổi, bắt đầu đi học chữ Cụ Hồ của thầy con Kinh mở lớp tại làng. Nhăng học lớp hai. Còn thằng Ngoi học đến lớp ba phải đành dừng lại. Làng Aró không có thầy nhiều chữ để mở lớp to. Ngoi đã biết mang khẩu súng K44 của cha, biết đi rừng một mình săn con thú. Ngoi cũng đã đủ sức cõng sáu trái đạn bằng ống chân từ Đắk Chưng, bên Lào, xuống ranh Đại Lộc. Nó được mười ba tuổi. Alăng Dum chỉ đứa lớn nằm quắp queo ngoài cùng, có mái tóc hoe đen, quăn tít và đứng dậy với tay lên gác bếp. Chị rút trong ống nứa ra mấy miếng thịt vừa sấy khô, màu nâu sẫm, đưa cho tôi và khoe:
– Hôm kia thằng Ngoi bắn được một con nai sáu tay( ). Làng chia đều cho hết người các cửa và thưởng nó miếng thịt lưng đó. Cán bộ nướng ăn cho vui bụng – Nghĩ thế nào chị lại bảo – Chưa được ăn, chờ mình chút chút.
Chị lay gọi thằng Ngoi. Ngoi lầm bầm, ngồi dậy. Khi nhận ra có khách lạ, nó dụi mắt và nheo nheo nhìn chúng tôi chăm chắm. Chị Dum ghé vào tai nó thầm thì. Ngoi gật đầu, đứng dậy, vươn vai, ngáp dài rồi bất thần phóng xuống thang gác. Tôi liếc nhìn Dũng. Dũng thấy thế cười hì hì, vội giật mấy miếng thịt nai trên tay tôi và lùi vào dưới tro. Một chốc thằng Ngoi về, cặp kè trái bầu khô bên hông. Mùi rượu thơm nức. Thằng Ngoi đặt bầu rượu xuống trước mặt tôi và Dũng. Nó cẩn thận rót rượu ra bốn chiếc ca US( ). Rót rượu xong nó lại đứng bên cạnh tôi. Tôi định bảo Ngoi ngồi xuống bắt chuyện, bỗng gặp ánh mắt dò xét của nó. Ngoi không tránh cái nhìn của tôi mà giật giọng hỏi:
– Hai cán bộ đến Aró có giấy chi làm tin không?
Câu hỏi bất ngờ và rắn rỏi của đứa bé làm tôi lúng túng. Tôi rút giấy công tác đưa cho Ngoi và mỉm cười. Dũng thấy vậy ngăn không cho Ngoi xem giấy tờ. Anh lấy làm khó chịu, gạt đứa bé:
– Anh ấy là cán bộ tơờm ở Khu về huyện ta công tác, giấy tờ có hết, khỏi phải coi.
Thằng Ngoi không đổi sắc mặt:
– Cán bộ Khu hay cán bộ chi đi công tác là phải có giấy. Phải gương mẫu chớ! Dạo ni thằng Mỹ – Thiệu có bụng “tràn ngập lãnh thổ”. Chúng cho biệt kích giả cán bộ mình, lẻn lên đường dây rình mò, lấy tin, phá hoại, giết người. Không coi giấy, làm răng biết người xấu, người tốt.
Dũng phải đưa giấy. Thằng Ngoi coi xong, gật gật đầu, mắt ánh lên:
– Mình quen chữ ký của đồng chí Bh’nướch Bút, giấy các chú đúng. Ở Aró ai có chữ ký của Bí thư huyện về công tác là người tốt. Thôi các chú uống rượu đi. Rượu tà vạk( ) ngon nhất làng của quăn Dơn đó.
Chúng tôi vừa mới nhấp được một hớp rượu thì có tiếng chân người bước lên sàn nhà, vừa cười hề hề, vừa nói:
– Nhà thằng Ngoi có khách vui quá hớ! Cho tao uống rượu cùng mừng được không?
Thằng Ngoi mau miệng:
– Cán bộ dưới bến Giằng lên, phải uống sớm để cán bộ còn nghỉ, quăn à.
Người mới vào là quăn Dơn, một già làng. Miệng quăn Dơn ngậm ống hút thuốc to bằng cổ tay, tóc dài rậm búi thành một túm tròn sau gáy. Quăn Dơn ngồi xuống cạnh Dũng, vỗ vào sau bả vai anh và cầm lấy ca rượu tu một hơi:
– À hà, đúng là mày, tao nhớ cái mặt. Năm ngoái tao gặp mày ở chỗ thằng Bút – Bí thư. Mày quên tao rồi. Còn mày – Ông già hất đầu sang phía tôi – Tao chưa được gặp. Mày là cán bộ tu hay cán bộ tơờm( ) hả? Uống đi, rồi quen nhau cả thôi.
Có thêm già Dơn, câu chuyện của chúng tôi bắt đầu rôm rả. Già Dơn hỏi tôi bao nhiêu chuyện, nhất là chuyện về miền Bắc và Bác Hồ. Tôi trả lời dè dặt và cố lái suy nghĩ của ông già theo chủ tâm mình. Tôi nóng ruột muốn biết lai lịch của làng Aró. Tôi nghĩ, có thể đời tôi chỉ qua đây có một lần. Sẽ chẳng bao giờ tôi lại có dịp qua đây, ngủ lại đây một đêm như đêm nay. Tôi đặt ca rượu xuống, tìm cách ngắt lời ông già thì bất chợt thằng Ngoi túm chặt lấy tay tôi, hỏi:
– Chú ở trên Khu, có được gặp bộ đội chú Châu không?
Tôi ngạc nhiên tự hỏi: “Sao thằng bé lại hỏi mình như thế nhỉ. Chắc có chuyện gì thú vị lắm đây”.
Tôi kéo nó ngồi sát vào mình:
– Bộ đội chú Châu nào? Ở chỗ chú có nhiều chú Châu lắm.
Thằng Ngoi, già Dơn và cả chị Dum như cùng lúc nhìn xoáy vào tôi, mặt tươi rói:
– Thật không?
– Thật! Nhưng chú Châu ấy như thế nào mới được chớ.
Thằng Ngoi buông tay tôi, chạy lại bên mẹ:
– Chú Châu ở H29 đó mà. Cái chú chỉ huy bộ đội Cụ Hồ, đánh lính Diệm ở đồn Bótxít. Cái chú ờ… ờ… cái chú như thế nào amế( )?
Thằng Ngoi nhíu nhíu trán như cố lục lại trí nhớ để kể về một “chú Châu” nào đó thật cụ thể, nhưng nó bất lực, miệng cứ lắp bắp mãi: “Cái chú… ờ cái chú…”. Ông già Dơn và chị Dum bật cười. Tôi nắm tay thằng Ngoi:
– Cái chú Châu ấy như thế nào Ngoi không nhớ à?
Quăn Dơn đặt ca rượu xuống, xua tay:
– Ồ, chuyện ấy phải để mẹ mày kể. Hồi đó mày chưa có trong bụng mẹ mày thì biết cái gì – Ông già quay sang chị Dum – Mười bốn mùa rẫy rồi phải không Dum.
Tôi và Dũng đều nhìn chăm chắm vào người đàn bà, chờ đợi. Có thể chị sẽ giúp Dũng kể cho tôi nghe về cái đồn Bótxít mà mấy bữa nay tôi đang hỏi Dũng. Nhưng chị im lặng, nhặt những dăm gỗ ném bâng quơ vào bếp. Đôi mắt chị như xa xăm, như mơ màng, đăm chiêu. Đến lúc này, tôi mới chợt nhận ra vẻ đẹp thanh tú và kín đáo ở khuôn mặt chị. Chị có nước da mịn hồng, hơi rám nắng, đôi mắt như sâu hơn, đen và và sắc sảo hơn dưới cặp lông mày rậm, còn cái miệng như lúc nào cũng ẩn giấu một nụ cười mỉm. Những đường nét ấy tạo nên vẻ đẹp hơi buồn của người đàn bà Cơtu này. Thằng Ngoi thấy mẹ im lặng thì giục:
– Con không biết, amế kể đi.
Bấy giờ, chị Dum mới thở hắt ra, nói chậm rãi:
– Ừ, phải đó. Bộ đội H29 xa làng Aró đã mười bốn mùa rẫy rồi. Mùa mưa hồi đó, mình và cha thằng Ngoi này về ăn chung với nhau. Mùa sau thì có được nó, quăn nhớ phải đó.
*
“Hồi đó, Alăng Dum tròn mười sáu tuổi. Bộ đội Cụ Hồ vừa ra miền Bắc thì thằng Diệm cho lính lên đuổi dân làng, lập đồn Bótxít, cái đồn hồi Bốn Lăm thằng Pháp đã bỏ chạy, ngay chỗ ni đây. Nó dựng đồn để không cho người Lào bên Đắk Chưng sang, người Cơtu trên núi cao vùng biên xuống đổi muối. Chúng cũng chận đón con Kinh dưới thấp lên đổi hàng. Lính Diệm đến bắt con trai Cơtu phải cầm súng. Chúng sục vô các làng, tìm bắt người tốt, người theo Cụ Hồ hồi đánh Pháp, cướp ngà voi, xương cọp, trầm, mã não. Người già, con gái phải đi cõng đạn, mở đường cho chúng. Chúng nói xấu Cụ Hồ… nói xấu con Kinh theo Cụ Hồ. Chúng bảo người Cơtu nào đi theo Cụ Hồ là người xấu. Thanh niên trốn cầm súng, nhà nào không chịu nạp ngà voi, mật gấu, gà lợn cho chúng là người xấu. Chúng bảo đó là những con ma rừng, lính “quốc gia” phải bắt, phải giết những con ma rừng ấy. Ai theo “quốc gia” trừ con ma rừng sẽ được quan đồn thưởng muối, thưởng vải. Ai không theo, quan đồn Bótxít sẽ bắt trói, ném xuống sông Bung. Nhưng người Aró đã sống với bộ đội Cụ Hồ hồi đánh Pháp, bộ đội thương người Cơtu, người Cơ tu thương bộ đội. Cả làng Aró, cả vùng rừng này, ai cũng thù bọn lính Diệm ở Bótxít. Nhiều lần, làng rủ nhau lên ngọn Ladeê chích máu ăn thề với người làng Labơ, làng Kont’roơn, làng Đakôốc quyết diệt đồn Bótxít. Thề xong để bụng, chưa biết cách diệt. Các làng chỉ có dụ, có ná, sợ không đánh nổi cái súng khạc ra lửa, làm lở vách đá, làm ngã cây rừng của chúng nó…
– Phải đó! Tao cũng có một lần đi chích máu, bẻ mũi tên ăn thề với làng! Tao lấy máu đây – Già Dơn cắt ngang lời chị Dum và giơ cái bắp tay đen cháy, da teo dúm, hình xương ống dô ra, làm nổi rõ một vết sẹo dài và nhỏ như để chứng minh cho lời nói của chị Dum là hoàn toàn thật.
“… Làng thù lính Diệm và giấu cái thù trong bụng, cắn răng xuống Thượng Đức cõng đạn về Bótxít cho chúng. Tụi con trai to khỏe của làng bỏ trốn đi đâu, không ai biết, còn lính thằng Diệm thì nói: tụi trai làng vô rừng, đi theo Cộng sản”. Thằng quan đồn cho lôi người nhà lên đồn đánh đập, bắt vô núi tìm tụi con trai về. Ai biết lũ nó ở hang núi nào mà tìm. Cha của anh Băn cũng bị chúng đánh chết rồi sống, sống rồi chết. Ông già chắc như cây lim, sau mấy lần bị lính Diệm đánh cứ rục rụi như cây chuối già. Nhưng ông già không chịu, không ngã, không đi dỗ anh Băn về để lĩnh thưởng của quan đồn. Lần thứ năm, chúng lôi ông già ra bờ sông Bung bắn, rồi ném xác xuống vực xoáy… – Tiếng chị Dum tắc nghẹn, sụt sịt – Mấy con trăng sau khi Băn trốn, mình và dân làng bị lính lùa đi cõng đạn từ Bótxít lên đồn, giáp đất Lào. Gà gáy lần thứ ba, lính đã lùa dân làng dậy, đốt đuốc lên đường. Đêm mùa đông về sáng lạnh buốt, trời đen đặc như bị ai bịt mắt. Lửa đuốc nhập nhòa. Con đường núi chênh vênh, trơn trượt như có ma rừng, ma núi ám. Ra khỏi làng được một lúc, mình vướng cây, bị ngã. Thằng lính đi bên cạnh nhảy xộc tới quát mắng và túm cổ mình lôi dậy. Thế là mình bị đau chân. Đến dốc Zadin trời sáng rõ. Mình tụt lại sau đoàn người cõng đạn một đoạn xa. Lúc đầu bọn lính Diệm đi kèm còn giục, quát chửi, nhưng sau thấy mình không thể nào bám kịp đoàn, chúng đành bỏ đi trước và dọa: “Con mọi cái, mày liệu đấy. Ngày mai không đưa đạn tới được Atu mày sẽ bị quan đồn bắt về làm con rửa chân. Nghe chưa?”. Nghe chúng dọa, mình sợ quá, cố lê cái chân đau, đuổi theo. Mình càng đuổi theo, càng bị người làng bỏ xa. Đôi chân mình lâu ngày đói muối, đói gạo không cố được nữa, nó cứ xoại dần. Mãi tới lúc mình không còn gượng bước được, phải ngồi bệt xuống đất, chiếc gùi đầy đạn chao nghiêng, kéo mình ngã lăn. Mình buông gùi đạn, lồm cồm bò dậy và khóc. Bỗng có tiếng lá khô kêu lắc rắc. Một con nai hay một con cọp? Mình hoảng hốt vùng dậy, run hung. Bất ngờ một giọng nói từ sau bụi rậm vẳng ra, như gọi thầm:
– Dum, mình đây mà. Băn đây mà. Đừng sợ.
Đôi mắt mình đang mở to để canh chừng con thú thì nhắm lại. Mình khụy xuống bên chiếc gùi. “Đúng là giọng của anh Băn, Z’rơơm Băn!”. Lồng ngực mình như sắp vỡ. Mình mở mắt, nhìn xuống hai triền dốc Zadin, nhìn quanh rừng, rồi ôm chặt cái gùi, ngẩng lên. Bóng Băn nhòe đi. Băn bận độc chiếc khố đã mủn rách, tay cầm ngọn coi( ) nhọn hoắt, sáng lóa. Tóc Băn trùm kín tai, hai xương gò má nhô cao, tái xám. Chỉ có hàm răng trắng muốt, đôi mắt to bướng bỉnh là đang nhìn mình như van xin, cầu cứu. Mình lắc đầu cố xua đuổi hình bóng của Băn đang chập chờn trước mặt. Lúc đó mình mệt quá nên lóa mắt. Mình nghĩ: Băn không dám liều ra chỗ này để tìm gặp Dum đâu. Lính Diệm bắt gặp, hai người sẽ bị chém đầu. Nhưng tiếng Băn làm mình chợt tỉnh:
– Dum à, Dum có muối không?
Vẫn cái giọng ồm ồm của con trai vừa vỡ tiếng, mình nghe quen rồi. Đúng là Z’rơơm Băn. Mình ôm chặt ngực, vừa mừng, vừa sợ. Tiếng Băn lại vang lên ồm ồm như gắt:
– Dum, có muối không? Nói đi chớ. Có muối cho mình mấy hạt, mau lên.
Mình đưa tay quệt mắt. Hơn nửa mùa trăng từ khi Băn bỏ trốn khỏi làng, hôm ấy mới được gặp lại. Tưởng Băn đã xuyên rừng, lên tít trên đỉnh núi nào đó bên Lào, hay bị bọn lính Diệm bắt đem xuống Thượng Đức, ai ngờ Băn vẫn quanh quẩn gần làng. Cái hình người gầy rạc, ốm yếu của Băn làm mình bật khóc. “Anh ấy đói”. Nghĩ thế nhưng mình không tin. Mình đi cõng đạn cho lính đồn, không mang muối theo. Muối ở nhà chỉ còn mấy hạt, cha mình không cho ăn. Ông già bảo: “Phải để dành lúc có chuyện”. Nhiều bữa ăn ớt cay quá, thèm muối, lúc ông già đi rừng, mình lên chòi rẫy, móc hũ muối, trộm mấy hạt mà ông già chôn giấu rồi bỏ vào miệng ngậm cho đỡ thèm.
– Sao không nói. Dum khinh mình à?
Đôi mắt của Băn đã đổi màu, vẻ giận dữ. Mình giật mình, vội tránh cái nhìn của Băn:
– Không, mình không có mang muối. Cái bụng mình vẫn…
– Không mang theo hạt nào hả?
Mình lại lắc đầu. Đôi mắt Băn đang như có lửa bỗng nhòe nước. Băn buông cây coi rơi khỏi tay rồi ngồi phịch xuống đất:
– Không có muối, anh ấy chết mất.
Nói xong Băn đứng dậy, nhặt cây coi và quay sang mình, nói từng tiếng một:
– Dum về nói với dân làng Aró là thằng Băn của làng vẫn còn sống. Nó phải sống, sống ngay ở cái rừng này đến khi giết được bọn lính Diệm ở Bótxít thì nó mới chịu chết. Dum cứ nói như thế, nói thật to cho cả làng, cho tụi lính Diệm nghe.
Băn nói và lẩn vào rừng. Mình vùng dậy đuổi theo, giằng lấy cán coi ở tay Băn:
– Đừng giận, Băn! – Mình òa khóc – Nhà Dum có muối mà. Băn đợi ở đây, mình chạy về nhà lấy cho Băn ngay mà.
Băn càu nhàu:
– Thôi, người ta sống chết là do Giàng, do ma rừng. Về làng, Dum sẽ bị bọn lính Diệm bắt, lại bị chúng giết như cha mình đó.
Mình nín bặt, buông cán coi, đứng nhìn Băn:
– Băn nói anh ấy không có muối, sẽ chết mất, rứa anh ấy là…
Im lặng một lúc, mình cố tránh cái nhìn khó chịu của Băn. Khi ấy tim mình đập to hung:
– Anh ấy là anh nào đó Băn. Người làng mình à?
Băn ấp úng:
– Anh ấy là… Mình coi bụng Dum như bụng mình, anh ấy chết, mình chết, Dum cũng không sống được. – Mình gật đầu. Băn cầm chặt cổ tay mình giật giật, nói như có ai bóp cổ họng – Anh ấy là bộ đội Cụ Hồ. Mấy năm ni sống trong rừng, không có muối, đau nhiều, bây giờ người sưng vù, đầy nước. Anh ấy yếu lắm rồi. Hồi hôm, mình liều về làng kiếm muối nhưng lính Diệm nhiều như lá. Sáng nay, làng đi cõng đạn, biết Dum cũng đi, mình đuổi theo. Thôi, Dum đi nhanh cho kịp dân làng. Về nhớ mang tới đây cho mình ít muối, được không?
Bấy giờ mình mới chớp chớp mắt ngó Băn, bụng mừng muốn khóc.
Chiều hôm ấy, cái chân mình hết đau và trưa ngày hôm sau trên đường trở về, hai chân mình đi như chạy.
Về tới nhà, lẻn lúc ông già ra suối bắt ốc, mình lên chòi rẫy đào ống muối, lấy đi một nửa. Mình mang muối tới chỗ hẹn, đưa cho Băn. Mình muốn biết chỗ Băn ở nhưng Băn nói nhẹ:
– Dum thương mình, thương bộ đội Cụ Hồ là mình vui cái bụng rồi. Phải coi kẻ xấu trong làng, không để bọn lính Diệm theo dấu, bắt giết bộ đội Cụ Hồ, Dum à.
Hiểu tính Băn, mình không bắt Băn nói thêm nữa. Lúc Băn trở vô rừng, mình nhìn Băn mà thương quá:
– Băn ốm hung đó. Phải nhớ giữ cái sức để trả thù cho ông già. Mình kiếm được gạo, được muối, mình sẽ đem giấu ở chỗ này này – Mình chỉ xuống dưới một hốc đá – Còn nếu có chuyện, mình sẽ giấu ở gốc cây chò, trên thác Chavăl đó.
Đêm ấy, khi ông già đã say giấc, mình vẫn không nhắm mắt được. Mình thương Băn, lo cho anh bộ đội Cụ Hồ bị đau sắp chết, vẫn phải nằm ở hang đá, bụi cây rừng. Vì thương hai người, mình đã lấy cắp của cha một nửa muối, mà cha Dum cất giấu. Từ ngày bọn lính Diệm bịt đường, cấm không cho dân làng xuống bến Giằng, xuống Thượng Đức đổi hàng, ông già cất giữ hũ muối còn kỹ hơn cất giữ cái ché, cái chiêng. Dum biết mình không tốt với cha. Mẹ Dum chết khi đẻ Dum mới được hai tháng. Nghe căn( ) Dơn kể, cha mình phải bồng mình sang nhà căn nhờ cho Dum ăn sữa. Khác với đàn ông Cơtu, ông già ở vậy nuôi mình. Đến tuổi bắt chồng, nhiều trai làng có lắm chiêng ché, trâu bò đến xin bắt mình về làm vợ, cha mình bảo Dum ưng ai thì lấy. Khi biết mình ưng Băn, một người con trai nghèo trong làng, mẹ chết sớm, ở với cha và ba đứa em, ông già gằn giọng hỏi: “Mày ưng thằng Băn thật không. Nó nghèo. Thành vợ hắn, phải đi phát rẫy thuê, mày chịu được không?”. Khi đã hiểu bụng mình, ông quý Băn như con đẻ. Vậy mà bữa đó mình lấy trộm muối đưa cho Băn lại giấu cha. Con không nói dối cha mẹ, không ăn trộm, ăn cắp, sống thật bụng, cùng sống, cùng chết là của con Cơtu! Răng mình lại giấu cha chuyện trộm muối. Rồi mình lại nghĩ, nếu cha hỏi, mình sẽ nói thật: đã gặp Băn, nó đang ở với bộ đội Cụ Hồ. Nhưng cái bụng cha Dum có giữ kín được không. Ông già sẽ còn nói với ai nữa, vì trong làng còn nhiều người nhớ bộ đội Cụ Hồ. Người tốt lúc gặp của quý, gặp cái chết cũng dễ thành người xấu. Nghĩ tới, nghĩ lui, nghĩ mãi vẫn tối cái đầu, tự nhiên mình ngồi choàng dậy lại nắm lấy chân ông già lôi mạnh:
– Ama, ama này…
Ông già đang say giấc, nghe mình lay gọi, liền tỉnh dậy, sửng sốt:
– Cái gì đó Dum? Khuya hung rồi, sao mày không ngủ. Nhớ thằng Băn à?
Cái lưỡi mình cứ co lại:
– Ama ơi, ama à…
– Cái gì, mày cứ nói đi, tao muốn ngủ mà.
Mình nói nhỏ vừa đủ cho ông già nghe:
– Nhưng ama không được nói lại với ai đó.
Ông già nóng ruột, dậm chân xuống sàn, nổi xung:
– Hừ, tao có phải là cha mày không, có là người xấu không?
– Có một người ở ngoài rừng, đau sắp chết ama à.
– Ai? – Ông già càng gay gắt.
– Bộ đội Cụ Hồ. Anh ấy đau, người sưng mọng nước. Anh Băn nói thế.
Ông già chồm dậy, chộp lấy tay mình day mạnh:
– Cái gì? Mày nói ai? Mày gặp thằng Băn hở? Lúc nào? Răng lại có bộ đội Cụ Hồ ở rừng núi mình…
Mình ghé sát tai ông già:
– Con đi cõng đạn, gặp anh Băn ngoài rừng. Anh ấy nói có bộ đội Cụ Hồ người đau, sưng, đầy nước vì không có thuốc, có muối.
– Bộ đội Cụ Hồ hở? Chúng nó ra miền Bắc hết rồi kia mà. Răng mày đi về, không nói với tao ngay, Dum?
– Con sợ.
Ông già đập tay vào đầu:
– Y như mẹ mày. Sợ cái chi. Mày chỉ chỗ cho tao. Ngày mai tao đi tìm gặp chúng nó. Nhà ta còn nửa hũ muối đó. Phải đưa muối ngay cho bộ đội Cụ Hồ. Nó sưng như thế, đúng là đói muối đấy.
Mình thở phào, nhẹ cả người:
– Con sợ ama, hồi sáng con đã lên chòi rẫy trộm một ít đưa vô rừng cho Băn rồi.
Đôi mắt ông già mở to, vẻ ngạc nhiên và gật gật đầu:
– Trời! Răng mày lại giấu tao. Mày dám đưa muối vô rừng cho bộ đội Cụ Hồ hở? Mày giỏi hung đó, Dum à. Mày làm rứa mới đúng là con của mẹ mày, con của tao, của con Cơtu.
Mình nghe cha nói thế mừng quá, không còn nhớ lời dặn của Băn. Mình nhìn cha, thật thà:
– Trông anh Băn dạo ni y như con dộc già, khổ hung. Con nói sẽ đưa thêm gạo, thêm muối đến cho anh ấy.
Ông già lúc đó nhìn mình, rồi lắc đầu:
– Mày không giỏi lội rừng, tụi xấu nhìn dấu biết liền. Để đó tao. Mày chỉ chỗ hẹn với thằng Băn, tao khắc tìm đến.
Mình sợ, cự lại:
– Không được đâu. Anh Băn dặn không cho người khác biết chuyện.
Ông già sừng sộ:
– Con mẹ mày. Tao là cha mày, việc của mày, của thằng Băn cũng là việc của tao, của thằng già này, nghe chưa?
Mình nín thinh, cái đầu như bị gió núi quật. Cuối cùng mình sực nhớ tới lời Băn dặn. Mình bóp chặt tay ông già:
– Ama biết rồi. Nhưng ama phải giấu kỹ trong bụng. Việc nuôi bộ đội, ama để mặc con. Con đi rừng đào củ nâu, củ mài, bắt ốc, hái rau, tụi nó không để mắt đâu. Ngày mai, con sẽ chỉ cho ama biết chỗ hẹn. Phải che mắt lũ làng. Nếu lũ người xấu trong làng biết, lính Diệm biết, bộ đội Cụ Hồ sẽ bị chúng nó bắt giết. Ama và con cũng bị chúng nó bắt, giết. Nhà mình có tội với làng Aró, với bộ đội Cụ Hồ. Ama thề đi.
Ông già dúi tay vào mặt mình, bật cười, nghe sướng tai lắm. Tiếng cười vừa bật lên ông vội im bặt, rồi ông thì thào:
– Mày nói đúng. Phải coi chừng đứa xấu. Tao chết, mày chết không sợ, nhưng để bộ đội Cụ Hồ bị lính Diệm bắt, tao, mày và người Cơtu có tội với cách mạng đó, Dum à”.

*

Thấm thoắt mùa mưa qua, rồi mùa nắng đến. Rừng đã sang mùa trỉa lúa rẫy.
Mình theo cha đi trỉa lúa, nhưng cái bụng vẫn nghĩ tới anh bộ đội Cụ Hồ, tới Băn. Dăm ba ngày, mình lại bỏ rẫy, mang gùi vào rừng đào củ nâu, củ mài, hái rau, bẻ măng để tìm cớ đưa gạo muối tới chỗ hẹn cho Băn. Cha Dum đã đào cả hũ muối cách mạng ngoài núi về cho mình nuôi bộ đội. Theo lời Băn chỉ bảo, mình đi rừng đến chỗ hẹn bằng nhiều lối. Một bữa, khi sương rừng chưa tan, mình mang gùi vào rừng. Vừa ra khỏi rào làng, mình gặp phải tụi lính Diệm ở đồn Bótxít đi sục rừng. Thằng lính già nhất, dáng to bự, chặn lối đi của mình, nói lời trêu ghẹo. Mình sợ quá, tìm cách tránh. Nó cười hô hố, rồi bất ngờ thọc tay vào ngực mình – Chị Dum đột ngột dừng kể, vội vàng đưa tay kéo tấm xà lùng che kín khe ngực, rồi ngập ngừng – Mình tức sôi máu, cắn vào tay thằng lính và bỏ chạy. Không may chiếc gùi bị cành cây gạt, tụt khỏi vai, hất túm gạo, muối rơi xuống đất. Mình bị bắt. Sáng hôm ấy, cha Dum và dân làng Aró bị lính Diệm lùa lên đồn. Thằng quan đồn biết Dum đưa gạo, muối nuôi Cộng sản ở trong núi, nó dỗ ngọt:
– Mày bị con ma rừng nó ám nên mới dám làm việc xấu, phạm tội với “quốc gia”. Người khác thì chém đầu, nhưng mày còn trẻ, lại đẹp, quan tha cho. Nếu mày chỉ chỗ cho quan đi bắt mấy con ma rừng ấy, quan sẽ cho nhiều vải đẹp, nhiều trâu.
Mình nhìn hắn, không chịu nói. Thằng quan đồn chỉ nheo nheo con mắt chột nhìn mình vẻ hăm dọa. Nó bắt bọn lính dẫn cha mình vào. Nó lặp lại những lời vừa nói với mình. Ông già không hé miệng. Dỗ không được, thằng quan đồn gầm gừ, con mắt lành của nó đỏ như máu:
– Đồ mọi núi. Chúng mày không khai, tao sẽ bắt chúng mày khai.
Nó sai tụi lính trói giật cánh tay ông già ra sau lưng, kéo rốc lên ngọn cây chò ngoài cổng đồn, ngay trước mặt dân làng. Mười thằng lính cầm súng chĩa vào ông già bị treo lủng lẳng trên ngọn cây. Thằng quan đồn nhìn mình và dân làng, hai hàm răng nghiến vào nhau trèo trẹo:
– Thằng mọi già, mày nuôi Cộng sản ở đâu. Ngó xuống những họng súng đó mà nói – Rồi hắn quay sang mình – Thế nào. Mày thương ama lắm mà.
Vừa nói hắn vừa đưa mắt cho hai thằng lính đang giữ dây treo ông già. Chúng nới dây, từ từ hạ ông già xuống. Khi gần sát đất, hai thằng lính gồng người giật mạnh sợi dây, rút ngược ông già lên. Ông già chỉ thét một tiếng rung núi rồi im bặt. Mình và dân làng cắn chặt răng. Thằng quan đồn cười sằng sặc rồi hất hàm hỏi dân làng:
– Đó, nó sắp chết rồi đó. Dân làng ai biết nó nuôi Cộng sản ở đâu thì chỉ cho quan đồn. Quan đồn sẽ tha cho nó và sẽ thưởng muối, thưởng vải, thưởng trâu cho. Nếu không, nó sẽ bị giết như con dộc.
Hắn quay sang mình vừa dỗ, vừa dọa:
– Nếu mày khai, ông già được sống, được quan đồn chữa khỏe, cha con mày sẽ được sống sướng. Còn không, cha mày sẽ bị buộc đá dìm sông. Và mày sẽ bị trói vào gốc cây kia, tao sẽ cho lính lột truồng mày ra để lũ làng thấy, nghe chưa.
Mình cắn chặt răng, nhìn vào mặt thằng quan đồn, mắt như muốn bung ra, nhưng hắn đã sấn tới giật tung tấm xà lùng che ngực mình. – Chị Dum ý tứ quấn lại tấm xà lùng vòng ngang ngực không được chặt đang bị trễ xuống, rồi chùng giọng – Từ trên ngọn cây ông già hét:
– Không được làm xấu con gái tao. Tao nói.
Con mắt lành của thằng quan đồn như nhìn xiết vào ngọn cây. Hắn nhếch mép cười gằn:
– Ra mày cũng sợ con gái mày bị lột truồng hử. Thôi được, quan tha cho con gái mày vì cái lưỡi của mày đó, nghe chưa.
Được cởi trói, ông già cố đứng thật vững và nhìn về phía dân làng. Mắt ông già gặp những đôi mắt giận dữ. Bỗng ông già mỉm cười, nhìn vào mình lâu nhất. Mình hét to: “Không! Ama…”. Ông già vẫn cười. Cuối cùng ông từ từ bước tới giáp mặt thằng quan đồn, vừa bước ông già vừa mấp máy miệng, nói cái chi đó. Nhìn đôi mắt ông già như có lửa. Thằng quan đồn vừa kịp nhận ra tia lửa trong mắt ông già và chưa kịp tránh thì ông già đã lao đầu vào ngực nó như một mũi tên. Tiếng ông già gào to, rùng rùng như tiếng núi lở:
– Cộng sản trong đầu tao đây này.
Thằng quan đồn kêu rống như con trâu bị trúng mũi dụ và ngã vật xuống đất. Thằng đồn phó đứng bên cạnh nhảy tới rút khẩu súng ngắn dí vào miệng ông già nổ liền mấy phát…
Giọng chị Dum nghẹn lại. Khoảnh khắc im lặng. Dường như chỉ có tiếng gió hú ở đâu đó trong vách núi và tiếng ầm ào của con sông Bung cuốn nước về xuôi. Một khoảng ký ức đang bị thời gian xóa mờ. Tôi nhìn chị Dum và bắt gặp trên đôi má mịn màng của chị, nước mắt chảy đầm đìa. Lúc này tiếng nấc của chị mới bật lên. Tôi đâm ra lúng túng. Thằng Ngoi rúc đầu vào lòng mẹ, nước mắt cũng ứa ra. Già Dơn thấy thế, thở dài:
– Thôi, nín đi mày. Chuyện cũ qua rồi. Người chết không sống lại được đâu. Bọn ăn thịt người ấy không bao giờ trở lại rừng núi này được đâu. Ồ, mày nín đi.
Chị Dum khóc to hơn. Già Dơn cầm ca rượu dốc ngược lên. Rồi ông với tay lấy trái bầu khô lắc lắc. Biết rượu hết, già Dơn vớ lấy cái ống điếu nhồi thêm bột thuốc và châm lửa. Khói thuốc vờn qua đôi mắt đục nhờ. Ông đằng hắng, bảo thằng Ngoi:
– Ngoi, mày sang nhà tao lấy thêm ống rượu nữa nghe. Bữa nay tao cũng nhớ ông mày, nhớ lũ thằng Châu, tao phải uống – Rồi ông quay sang chị Dum – Ô, cái con này! Mày khóc y như hôm bộ đội H29 về đánh đồn Bótxít ấy. Tao nói mày nín đi. Thôi mà. Rừng ta đã đuổi sạch bọn ác thú rồi mà.
Coi chừng không khuyên được chị Dum, già Dơn nhìn chúng tôi cười hà hà:
– Nó hết muốn kể thì tao kể. Tao già không nhớ được nhiều chuyện, nhưng chuyện con Dum nuôi bộ đội, chuyện lính Diệm giết dân làng, chuyện bộ đội H29 về đánh Bótxít thì khi mô đất ăn tao, tao mới hết nhớ đó.
Già Dơn bỏ thêm củi vào bếp. Ngọn lửa hực sáng. Thấy thằng Ngoi vừa mang rượu về, già rót rượu rồi đưa cho tôi và Dũng mỗi người một ca:
– Hà hà, uống nữa đi – Già đưa cái ca lên miệng, rượu chảy tràn xuống hai bên mép, xuống cằm. Già gật gù, đôi mắt lim dim:
– Lính Diệm giết ông già con Dum xong lại mang xác ra bờ sông ném xuống vực sông Bung trôi mất. Còn thằng quan đồn chỉ hộc máu miệng thôi. Hắn không chết. Tỉnh dậy, hắn như con trâu điên. Hắn quây dân làng vào giữa sân rồi cho lính vác súng nện vào mọi người như chày giã gạo. Nhiều người chúng nghi có nuôi bộ đội, chúng đánh như lốc xoáy quật lá chuối. Người Cơtu không nghe, không thấy thì không nói. Không một ai khai cả. Cả làng ai mà biết nhà con Dum nuôi bộ đội Cụ Hồ ngoài núi. Bọn lính đánh lũ làng mỏi tay rồi nhốt lũ làng vào buồng giam của đồn. Chúng nó dọa: nếu con Dum không chịu chỉ chỗ bộ đội Cụ Hồ ở, dân làng không ai chịu chỉ chỗ bộ đội Cụ Hồ thì chúng nó sẽ đưa lũ làng xuống Thượng Đức cho lính dưới đó chém đầu. Nhiều người lo sợ. Con Dum thương ông già khóc chảy cả máu mắt. Nó nói với lũ làng: “Bà con không biết, đừng khai bậy, lính Diệm sẽ đánh dữ hơn nữa đó”. Chúng tao nghe. Nó còn trẻ nhưng nói trúng. Thằng Diệm có thể chém hết đầu người Cơtu ở làng Aró, nhưng còn thằng Băn, còn lũ trai làng đi theo bộ đội Cụ Hồ. Người Cơtu sẽ giết được chúng. Một ngày, rồi hai ngày, lũ làng bị bỏ đói, bị đánh đập. Ngày thứ ba rồi ngày thứ tư chúng vẫn không cho lũ làng ăn. Tao nghĩ, chắc chúng không chém đầu mình nhưng chúng sẽ bỏ mình chết đói. Ngày thứ năm, thằng quan đồn cho gọi từng người lên nhà đồn, dọn rượu thịt mời ăn và dỗ ngọt. Nó bảo: “Nếu làng không ai biết cũng được, nhưng làng phải làm sao cho con Dum khai thì mọi người không những được thả ngay mà “quốc gia” sẽ còn thưởng cho nhiều trâu, nhiều chiêng ché, gạo muối, rìu rựa…”. Không ai ăn cơm, uống rượu, không ai nghe lời thằng quan đồn. Mọi người lại bị nhốt chung vào một chỗ. Còn con Dum mỗi ngày hai lần, thằng quan đồn cho lính lôi đi tra khảo đánh đập, người nó bầm nát, rách tươm. Đến một đêm, phải! Tao còn nhớ. Khi con gà rừng gáy lần thứ hai, phải! Bữa đó con trăng vừa ló mặt trên đỉnh Tàvin kia, mọi người mới trở mình có một lần thì tiếng súng trong đồn nổ điếc óc. Có tiếng quát, tiếng hô, tiếng rống khủng khiếp của người sắp chết. Lũ làng run quá, nằm bẹp xuống đất, đè lên nhau. Tao nghĩ bụng: “Hay là bộ đội Cụ Hồ đã về. Bộ đội Cụ Hồ về giết lính Diệm đồn Bótxít, cứu dân làng”. Khi tiếng súng nổ ít hơn, chúng tao nghe có tiếng cười, tiếng reo. Lũ làng mừng hết chỗ, hú vang, át cả tiếng súng. Lúc sau, có hai người chạy đến. Một đứa cầm coi la lên: “Lũ làng ơi”. Nhìn rõ mặt, đúng là thằng Băn, thằng Băn con Cơtu, người làng Aró, chồng con Dum bây giờ. Tụi tao muốn hú nữa nhưng cái cổ tức quá, lại muốn khóc. Thằng Băn phá cửa nhà giam. Chúng tao ào ra vây lấy nó. Không ai tin vô mắt mình. Người cứu chúng tao là thằng Băn, thằng Băn người làng Aró này, của con Cơtu này. Tao muốn cười, lại muốn khóc. Còn con Dum thì khóc như bữa cha nó bị giết. Thằng Băn đi với một người Kinh dáng cao, ốm nhom, hai chân khuỳnh khuỳnh. Người ấy nói với tụi tao: “Chúng tôi là bộ đội Cụ Hồ, về Aró đánh lính Diệm, giải phóng cho bà con. Bây giờ mời bà con về làng”. Sau này dân làng mới được biết hắn tên là Châu, cái thằng mà cha con con Dum nuôi đó. Hắn nói tiếng Cơtu được hung. Nhưng tao không hiểu giải phóng là gì, tao chỉ biết hắn nói là bộ đội Cụ Hồ, hắn đuổi lũ lính Diệm độc ác để cứu dân làng, rứa hắn là người tốt. Tụi tao theo hắn và thằng Băn ra sân đồn – cái chỗ hôm nay dân làng dựng ngôi nhà thờ Bác Hồ ấy, ngày mai chúng mày sẽ thấy. Ồ, lính Diệm bị trói thành một dây, ngó sướng bụng hung. Cái thằng quan đồn chột mắt ấy cũng bị bắt, bị trói, gục mặt xuống đất, không dám nhìn vào mặt tụi tao. Con Dum mấy lượt nhảy vô bóp cổ hắn, thằng Băn ngăn lại, bộ đội cũng ngăn lại. Nó tức quá, lại khóc, y như bữa ni đó… Hề, hề.
Già Dơn ngừng kể và gõ ống điếu xuống sàn dốc tàn rồi bốc thuốc nhồi tiếp. Già đặt miệng điếu vào bên mép, châm lửa. Lại im lặng. Chỉ có tiếng than lửa nổ lép đép. Chỉ có khói thuốc mỏng tang, trắng đục, cuộn vòng. Chỉ có tiếng gió hú đâu đó trong vách núi, chỉ có tiếng thác ngoài sông Bung réo ầm ầm. Bất giác tiếng chị Dum thủ thỉ:
– Mười bốn mùa rẫy rồi, mình thương mình nhớ, mình muốn gặp bộ đội Châu, nhưng… – Chị lại nấc lên – Không! Mình tin mấy ảnh, anh Châu vẫn sống. Các anh ấy về dưới bằng đánh giặc từ lâu rồi. Nghe cha thằng Ngoi nói, sau lần đánh xong Bótxít, mấy anh xuống đánh lính Diệm ở Galau, ở Rô. Lại xuống sát biển đánh đồn Phò – Chị nhíu mày như cố nhớ lại một cái tên nào đó – Phò chi hè. À, nhớ rồi – Chị Dum mừng rỡ, kêu to – Phò Nam, đồn Phò Nam, sát Đà Nẵng đó. Mấy anh đánh đồn nào cũng diệt được nhiều lính Diệm, cha thằng Ngoi nói thế.
Chị Dum im lặng, trầm ngâm. Ngọn lửa lúc lụi, lúc hừng, làm cho đôi mắt chị lúc thẫn thờ, lúc lung linh, sâu thẳm. Ở kế cạnh, thằng Ngoi đã nằm chèo queo, ngủ vùi bên bếp lửa. Còn tôi, Dũng và già Dơn cũng bị men rượu tà vạk ngấm vào, ai nấy đều khật khừ, mắt lúc nhắm, lúc mở.
Sau chuyến đi ấy cho mãi tới bây giờ, tôi vẫn ước mong được trở lại làng Aró – cái làng đầu nguồn của dòng sông Bung, của dòng sông Vu Gia – nơi nuôi dưỡng và khởi đầu cho cuộc sống yên bình của tôi hôm nay, để được gặp lại già Dơn, chị Dum và thằng bé Z’rơơm Ngoi.

Tháng 12 năm 1980
N.B.T.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây