Tết xứ Quảng – Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe – Phần 4

Tết xứ Quảng (Trang trí trong nhà) - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 4

Phần thứ tư

TRANG TRÍ TRONG NHÀ

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

aa - Tết xứ Quảng - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 4

NGÀY TẾT

Để chuẩn bị cho ba ngày Tết mà phải sửa soạn từ nửa năm về Tết, nhất là tập trung trong tháng chạp vì vậy nói rằng “Gạo tháng giêng, tiền tháng chạp” quả là không sai. Những ngày giáp Tết, thói quen của mỗi nhà trở  thành tập quán chung cho cộng đồng làng xóm, đó là việc sắm bông hoa trang trí cho cảnh nhà ngày Tết. Kèm với việc làm đẹp nhà cửa đón xuân là sửa sọan, sắp xếp nơi thờ cúng ông bà tiên tổ… Nói một các khác, những gì của năm cũ phải được lau chùi kỹ lưỡng, có khi thay mới, đặc biệt đồ dùng, mẫu vật nào đẹp, có giá trị được đem ra trưng bày trong dịp Tết. Đấy cũng là một trong những tập tục mà nhà nào ở vùng Quảng Nam – Đà Nẵng xưa nay được thực hiện bằng mọi phương tiện có thể có để làm đẹp nhà cửa đón Tết. Người ta sửa lại mái tranh, thay cây cột tre lâu năm, đan lại tấm phên lâu ngày gãy đổ… thời nay người ta quét vôi, sơn phết nhiều màu, tạo căn nhà một dáng dấp mới mẻ phù hợp với vẻ tươi đẹp của mùa xuân. Những ngày giáp Tết, vườn tược được dọn trước quét sau trông sạch sẽ hẳn ra, các chậu hoa đặt vào sân nhà ở những vị trí tương ứng nhất sao cho toàn cảnh hòa hợp với ngôi nhà.

Xuất phát từ cuộc sống hàng ngày của con người xứ Quảng, đại  bộ phận trước đây, người dân gắn liền với nền nông nghiệp chủ yếu là cây lúa do có dư đủ thất thường trong cuộc sống[1] nên phản ánh qua tư duy của con người thể hiện bằng việc trang trí trên bàn thờ tổ tiên những ngày Tết, đó là chưng quả tử.

  1. 1. Chưng quả tử

Thông thường, trên bàn thờ tiên tổ cách trang trí sắp xếp cố định theo phương thức  đông bình tây quả . Quả gồm có ba loại trái cây nòng cốt làm chủ sự, đó là mãng cầu (quả na), dừa và thù đủ (đu đủ). Cả ba loại quả này đều còn xanh. Bản thân quả tử đã nói nên điều đó. Sở dĩ trang trí các loại trái cây trên xuất phát từ tư tưởng cầu nguyện của con người, trước kia  người Quảng không cầu dư dật mà chỉ cầu vừa (dừa) và đủ mà thôi. Xuất phát từ tư tưởng nhà Nho phân chia thành phần trong xã hội, trước hết là sĩ sau là nông, tam công, tứ thương, ngũ binh, đồng thời xuất phát từ tư tưởng “phi nhân bất phú, đa phú bất nhân” nên tâm lý người dân thường chọn “nhân”  hơn là chọn “phú”. Do đó, biểu hiện trên bàn thờ tổ tiên mình đĩa quả tử như là ý chí muốn thể hiện trong kinh tế gia đình cầu tổ tiên cho đủ để giữ lấy được đức, được nhân mà không cầu dư là thế. Lại thêm ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng  “thanh bần thường lạc, trọc phú đa ưu” nên cũng làm hạn chế tư tưởng người dân xứ Quảng đến mức vừa hoặc đủ mà không phải giàu để khỏi ưu tư trong năm.

2/ Cành mai ngày Tết:

Trang trí cho cảnh nhà ngày xuân có hoa mai là chủ lực vì hoa mai tượng trưng cho sự hồi sinh sau mùa đông dài khô lạnh. Hoa mai trang trí vào giữa nhà, trên cành mai bao giờ cũng được cài thêm một vài tấm thiệp chúc mừng của người thân. Bạn hữu, phổ biến nhất là “Vạn sự như ý”, “Chúc mừng năm mới”, “Cung chúc tân xuân”.

Về mùa xuân thì mai vàng nở, hoa mai màu vàng. Người  chơi mai thường chọn loại mai sai bông, nở rộ vào đêm giao thừa vì đấy được xem là lộc đầu năm. Gặp cành mai vừa ý dù đắt mấy các cụ yêu mai cũng tạo bằng được. Ở các làng quê, Tết đến mỗi nhà cắm một nhành mai trên bàn độc trước bàn thờ ông bà là đã đặt hoa mai lên vị trí hàng đầu trong những ngày Tết.

Trước Tết vài ba hôm, người ta chặt ngoài vườn vào hoặc ra chợ hoa xuân mua về đốt sơ nơi đầu gốc rồi cắm vào độc bình có nước, mai sẽ tươi tốt và trổ hoa thường xuyên trong mấy ngày Tết, có khi đến tận rằm tháng giêng lác đác vẫn còn trổ hoa. Vào trong nhà ngày xuân, có bình hoa trên bàn độc sẽ tăng thêm vẻ huy hoàng cho Tết.

Các cụ già nhìn cành mai vàng ngày xuân cũng thường làm thơ tức cảnh, bàn chuyện ngày xuân, hên xui cũng theo nhành mai mà luận bàn.

Cây mai vàng là một loại cây nhỏ, tên khoa học là Ochna harman dii Merr, cao từ 2 – 6m, lá mai không lông, dài. Cuống hoa dài có từ năm đến sáu lá đài xanh, 5 – 8 cánh mỏng màu vàng. Hoa mai dễ rụng. Quả mai màu đen dài từ 6 – 7mm, có một hạt. Vỏ cây mai vàng cũng là loại thuốc quý.

Mai vàng dễ mọc trên mọi thứ đất, ở vùng Quảng Nam – Đà Nẵng mai cũng mọc nhiều, nở hoa vào dịp Tết nguyên đán. Người chơi mai, chăm bón mai không để mai mọc tự nhiên, nếu để mai phát triển tự nhiên sẽ trổ bông vào tháng giêng. Vì vậy phải chăm mai để 30 tháng chạp, mùng một, mùng hai Tết hoa mau nở rộ đầy cành. Muốn vậy, người chơi mai tùy theo thời điểm ở tháng chạp mà hái tất cả lá mai, đồng thời tưới nước nhiều hoặc ít cho mai, mai sẽ cho búp từ 5 đến 15 ngày sau.

Mai vàng tuy gọi là mai nhưng không cùng họ với mai. Khi vào Nam mở rộng bờ cõi, những lưu dân xứ Quảng tiên phong không lúc nào không nhớ đến truyền thống ngày hội Tết ở quê nhà, cho nên vào dịp Tết, nhà nào cũng bày biện, trang trí bàn thờ tưởng niệm tổ tiên. Để thay thế cho cành đào, các cụ dùng một loại hoa khác và đặt tên cho nó là “mai”. Loại hoa này màu vàng tươi rực rỡ, nở khắp phía nam vào dịp xuân về. Mai vàng do đó có tên.

Cây mai từ đó cũng trở thành biểu tượng của mùa xuân không chỉ ở Quảng Nam – Đà Nẵng mà cho cả miền Nam trước đây.

Góp phần với hoa mai trong cảnh Tết có các loại hoa và cây trồng trong chậu, thường là loại cúc vàng, tượng trưng cho sự nhàn nhã của mùa thu, cam quật say trái, trái chín có màu vàng đậm, trong trái lại nhiều hạt tượng trưng cho dòng họ sum vầy, đông đúc, thược dược nhiều loại có màu sắc khác nhau rất rực rỡ. Thời kỳ gần đây có hoa hồng, hoa đồng tiền…

Các loại hoa làm tăng thêm vẻ tươi đẹp cho phong tục Tết, nhu cầu về hoa xuân nhiều nên hội hoa xuân càng đông đúc các loài hoa.

3/Cây kiểng ngày xuân

Chuẩn bị cho lễ hội Tết, người Quảng có thú vui cây cảnh và chim cảnh bên cạnh nhành mai ngày Tết với các lòai hoa còn có cá cảnh, bể cạn, hòn non bộ.

Thú vui chơi biểu lộ tính cách  người Quảng trong cuộc sống. Để có cây cảnh trang điểm thêm cho cảnh xuân, ngày Tết, những người chơi cây cảnh tẩn mẩn từng ly, từng tí, chăm sóc từng chồi non, lộc biếc, uốn nắn thành những lư hương, con cò, con công, những hình thù kỳ lạ trông thích mắt. Bắt đầu từ tháng tám âm lịch đã thấy người chơi hoa chăm chút cho cây cảnh ngày Tết.

Ngày Tết cũng có thú chơi chim cảnh, quý nhất có chim nhồng, sáo, khướu, song ít hơn là chơi cây cảnh. Người ta săn sóc chim cho ăn uống no đủ đến tối thì che cẩn thẩn cho chúng.

Thú vui cây cảnh tạo nên thế thanh  nhàn  vừa đủ, biết đủ, không bận tâm nhiều đến đòi hỏi vật chất. Nhìn qua cây cảnh trong lễ hội ngày Tết đã thấy và tìm ra được những ý tứ gởi vào đấy của con người. Có khi các nghệ nhân dùng chất liệu địa phương bằng cành tre, cành trúc, gốc tre, lắp ghép tạo nên những hình dáng đẹp mắt, chủ yếu là long, lân, quy, phụng. Cụ Hoàng Đình Tủng là một nghệ nhân đã từng tạo nên những quần thể non bộ, bể cạn, con hạc, con rồng,… Trong hội hoa xuân hàng năm có gian hàng trình bày những tác phẩm lắp ghép bằng tre của cụ, phỏng theo những bài thơ tức cảnh.

“Nhìn xem phong cảnh buổi bình minh
Lắp ghép gốc tre tạo nên hình
Độc bình màu sắc hoa tươi thắm
Song phượng vươn mình vẻ đẹp xinh”

hay:

“Quảng Nam đất phượng phát anh tài
Danh tiếng lưu truyền mãi tương lai
Trung dũng kiên cường trong kháng chiến
Lẫy lừng rạng rỡ cả ngày mai”
                             (Tức cảnh Ngũ phụng tề phi)

Những ngày cận Tết, nhất là sáng 30, hoa bán đầy cả chợ tạo nên hội hoa xuân. Người đi mua hoa cũng chọn lựa, có loại hoa để cúng, có loại hoa dùng cắm trên bàn khách. Hoa cúng thường rời, bày cùng với đĩa trầu cau, trên bàn đã bày sẵn một mâm cơm, thường là hoa cúc, hoa hồng phấn, hoa phượng, hoa chuối nước, nhiều nhất là vạn thọ. Các loại hoa khác,  thơm thì thường không dùng, như  hoa lài (hoa nhài) thuộc loại được xem là lẳng lơ vì nở về đêm có hương quyến rũ không ai dùng hoa lài để cúng. Hoa cắm vào lọ đặt trên bàn khách thường dùng hoa lay – ơn (hoa dơn), hoa vạn thọ. Mỗi một bình hoa thường tập trung nhiều loại, người ta thường thấy: cúc vàng, hồng phấn, dâm bụt, trong đó vạn thọ vẫn là loại hoa chủ lực.

Vùng Quảng Nam những nơi chuyên trồng hoa như Hội An, Bắc Mỹ An,  An Hải Đông, Hòa Cường… trồng nhiều cúc vàng, vạn thọ (thọ xây, thọ gù), thược dược, cam quật (quất). Vào dịp Tết, chợ nào cũng có một góc bày biện hoa để bán, có chợ chuyên bán hoa quanh năm, vào ngày Tết càng đông hơn như chợ vườn hoa ở Đà Nẵng.

4/ Tranh Tết

Ở Quảng Nam, ngày Tết không thể không kể đến tranh Tết, tranh Tết là một biểu hiện tinh thần của mọi người. Trẻ, già, trai gái đều chú ý đến bức tranh ngày Tết.

Ngòai những bức tranh phản ánh bốn mùa mai, lan, cúc, trúc các loại tranh cúc và con chim sẻ đậu trên cành… , ở vùng Quảng Nam tranh ngày Tết còn có loại tranh tùng lộc tức lọai tranh “cố dĩ” con nai quay đầu lại phía sau và chỉ có quay đầu lại phía sau mới là tranh có giá trị thưởng thức. Loại tranh này khi trang trí cảnh nhà ngày Tết không nhất thiết phải đối xứng nhau.

Tranh có hai loại hoa thường gọi là “xuân lan, thu cúc” là tranh  biểu tượng của mùa xuân. Tranh “quả bòng” là loại tranh vẽ chiếc đĩa có chân cao, trên đĩa là các loại trái cây: đu đủ, mãng cầu, dừa, có khi có vẽ cả chuối, loại tranh này thường treo ở cột nhà.

Loại tranh vẽ theo nội dung truyện cổ tích hoặc những nhân vật nổi tiếng như tranh Bát Tiên, Tố Võ, Khổng Phu Tử… (loại tranh này gốc từ Bắc vào).

Đặc biệt ở Quảng Nam  có loại tranh “Ngũ phụng tề phi”, tranh vẽ năm con phụng cùng bay, biểu hiện tinh thần học hành, làu thông kinh sử của người Quảng. Chính vì từ đó mà về sau người ta còn vẽ năm con phụng cùng bay ở đình làng có khi đắp nổi bằng sành sứ.

Ngày xưa, những gia đình trí thức am hiểu ít nhiều đều dùng các loại tranh Tàu trích từ những điển cố như Lã Vọng, Khương Thái Công, Tam Quốc… Đồng thời còn có các loại tranh vẽ theo các truyện cổ Việt Nam như Thạch Sanh, Nhị Độ Mai, Quan Âm Thị Kính, Sơn Tinh Thủy Tinh…Những bức tranh Tết thông thường chỉ sử dụng vào dịp Tết, Tết xong người ta cuộn tròn gói cất cho năm sau. Xuân sang Tết đến lại mang ra trang trí cho cảnh nhà thêm đẹp.

Ngày nay lại khác, có đủ các loại tranh, tranh vẽ tay hay in mộc bản vẫn còn tồn tại, song các loại tranh in hiện đại nhiều màu sắc có khi kết hợp cùng với tờ lịch treo tường ngày càng xuất hiện nhiều. Đa số các loại tranh trình bày theo những chủ đề riêng  không nhất thiết phải tập trung phản ánh ngày Tết, mùa xuân. Gia đình khá giả càng treo những loại tranh nhiều màu sắc in ở nước ngoài kèm với tờ lịch, thường là loại lịch treo tường có nhiều tờ, mỗi tờ có một tranh. Những gia đình ở nông thôn thường sử dụng loại tranh Tết in ấn trong nước phản ánh vẻ tươi đẹp của mùa xuân, mỗi bộ có hai bức treo đối xứng tạo  nên thế cân đối.

Các loại tranh Tiến Tài, Tiến Lộc hay Vũ Đinh, Thiên ái phổ biến ngày xưa nay không còn sử dụng. Mười năm trở lại đây, tranh Tết không còn thấy bán ở chợ, các hiệu buôn, hiệu tạp hóa.

5/ Lồng đèn ngày Tết

Lồng đèn vốn là vật trang trí trong nhà vào những đêm hội hè ở Hội An. Đa số nhân dân Quảng Nam ít treo lồng đèn vào dịp Tết chỉ riêng đêm rằm tháng Tám – Tết Trung thu- trẻ em ưa thích lồng đèn vui đùa với bạn bè trong xóm, với chị Hằng. Hội An, thành phố cổ kính hơn ba thế kỷ trước nơi đây là thương điếm buôn bán của người Bồ Đào Nha, Nhật, Hà Lan, có tàu bè bốn biển vào ra tấp nập. Cách bờ biển non 1 km, thuyền nhỏ, thuyền lớn đậu sát nhau mũi đấu mũi, cột buồm cắm lên như những chiếc đũa. Nay biển đã rút ra xa bờ nhưng dấu vết của thời kỳ phồn thịnh vẫn còn, vẫn là bốn ngã sông: Hà Nha, Thu Bồn, Tam Kỳ, Đà Nẵng đổ về thương cảng. Người Minh Hương và người Hoa chiếm 1/3 dân số Hội An. Đã lâu đời họ coi Hội An là quê hương thứ hai của họ, làm ăn sinh sống sát cánh đồng cam cộng khổ với người Quảng. Tục treo lồng đèn ngoài ngõ, đầu hiên là cách của người Minh Hương, người Hoa đã ảnh hưởng sang người Quảng ở Hội An.

Ngay khi còn là thương cảng xứ Đàng trong, ở Hội An nghề làm lồng đèn đã phát triển, người ta trang trí lồng đèn vào những đêm rằm, mồng một và Tết Nguyên đán. Ngay từ thuở đó, lồng đèn Hội An đã được bán ra nước ngòai. Không chỉ chiếu sáng mà còn trang trí trong nhà ngày Tết, người ta treo trước hiên nhà, trước quầy buôn bán mỗi bữa đem về.

Từ khi thương cảng Hội An không còn sầm uất, cửa Đại không còn là nơi tàu bè vào ra tấp nập thì Hội An ít được nhắc đến và nghề làm lồng đèn của Hội An theo thời gian cũng đi dần vào quên lãng. Về sau này khi mà điện thắp sáng các khu phố những căn nhà xưa thì lồng đèn xem như tan vào dân gian yên nghỉ và ít khi được nhắc đến, có khi không còn nhìn thấy trước hiên nhà cổng ngõ.

Ở Hội An, lồng đèn trang trí trong nhà ngày Tết có đủ các loại và đủ các kích cỡ, phong phú và đa dạng: lồng đèn kéo quân, bánh ú, ngôi sao, hình trụ, hình bầu dục… với nhiều màu sắc. Có loại người ta vẽ ngư ông (đứng hoặc ngồi) câu cá, mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, chùa Cầu, thuyền trên sông Hòai, có khi vẽ con rồng, sư tử. Mùa trung thu có vẽ múa lân, trẻ em đi dự hội …

Làm lồng đèn công đoạn khó nhất là đan sườn, tạo dáng và thêu thùa hoa văn trên vải. Muốn lồng đèn đẹp đòi hỏi nghệ nhân phải thực hiện tỉ mỉ, cần cù và đồng thời phải có năng khiếu.

Nay, Hội An còn các nghệ nhân như ông Trần Ba, Nguyễn Công tiếp tục sản xuất lồng đèn không chỉ phục vụ nhân dân phố Hội mà còn phát huy truyền thống xưa, bán ra nước ngoài.

Hội An là một đô thị cổ từng tồn tại nhiều nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống với đội ngũ nghệ nhân nổi tiếng. Khi Hội An được UNECSO công nhận là di sản văn hóa thế giới, phố cổ Hội An là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Nam, nghề làm lồng đèn phát triển trở lại. Tuy nhiên sau một thời gian dài nghề làm lồng đèn mai một, đa số nghệ nhân phiêu bạt khắp nơi hoặc họ chuyển sang nghề khác. Đến nay mà nói Hội An thiếu đội ngũ nghệ nhân giỏi khi kinh tế thị trường phát triển .

Mùa xuân, khách đến phố cổ Hội An là cách du xuân thưởng lãm, đến phố cổ Hội An không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những ngôi chùa, những ngôi nhà cổ rêu phong cùng năm tháng mà chắc sẽ thích thú với một vùng đất có những nghệ nhân tài hoa tạo nên những chiếc lồng đèn đẹp mắt về một phố cổ nhất là những ngày Tết cổ truyền xứ Quảng, hội đêm rằm hàng năm.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

 


[1]  Dưới thời chúa Nguyễn Phước Khoát (năm đầu 1738) tình hình dân chúng được Nguyễn Cư Trinh phản ánh bốn điều khốn tệ: Một, phủ huyện chỉ biết lo việc khám hỏi, việc tư tụng, chứ không được biết tới các công việc khác trong lúc dân phải chịu lệnh ở rất nhiều cửa nên khó thể an nghiệp. Hai,  các quan phủ, huyện không được cấp lương bổng nên phải trông nhờ vào chuyện bắt bớ, tra hỏi, mà lấy ngụ lộc, tình trạng nhũng nhiễu vì thế càng trầm trọng và lòng dân càng thêm ly tán. Ba, những người dân đói rét khốn cùng vẫn không được miễn thuế. Bốn, sự quấy nhiễu của bọn người được cấp trên sai đi săn bắn gây nhiều thiệt hại cho dân. (Theo Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn)

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây