Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi – những triết lý nhân thế! – Tác giả: Nguyễn Thanh Tú

Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi - những triết lý nhân thế! - Tác giả: Nguyễn Thanh Tú

Nguyễn Trãi (1380 - 1442) Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới.

Tình cảm cố hương trong thơ thời trung đại, có lẽ thơ Nguyễn Trãi nói sâu sắc mà đau xót hơn cả: “Kỷ thác mộng hồn tầm cố lý/ Không tương huyết lệ tẩy tiên uynh” (Bao lần nhờ mộng tìm về làng cũ/ Chỉ biết đem nước mắt pha máu để rửa mộ tổ tiên – “Quy Côn Sơn chu trung tác”).

Khi Nguyễn Trãi triết lý về trí thức thì đậm tiếng cười cay đắng: “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn” (Đời người biết chữ lại nhiều lo lắng hoạn nạn – “Mạn hứng”). Trí thức giàu con chữ nhưng nghèo tiền tài: “Thập tải độc thư bần đáo cốt/ Bàn duy mục túc tọa vô chiên” (Đọc sách mười năm mà nghèo đến xương/ Chỉ ăn rau muống, chỗ ngồi không chiên lót – “Ký hữu”). Mâu thuẫn này trước nay đều khó giải quyết, như một “định mệnh” với kẻ có học.

Cũng dễ giải thích: biết nhiều thì phải tư duy nhiều, biết nhiều thì khẳng khái, trung thực, không luồn cúi, không hạ mình. Kẻ biết tức là kẻ đã chứa đầy tri thức văn hóa nên không còn chỗ dung chứa cho những gì thiếu văn hóa. Kẻ có học thường là người quân tử, quân tử phải biết tránh xa tiểu nhân để giữ mình: “Kê trùng tự thử liễu tương tranh” (Gà bọ thôi tranh, kẻo hại thân – “Thu dạ khách cảm”). Chỉ có loài gà bọ mới tranh nhau vì miếng mồi, người quân tử luôn sống vì một lý tưởng nên càng phải tránh xa, xa miếng mồi chúng tranh nhau, dĩ nhiên phải xa cả loài gà bọ.

Dễ thấy ở Nguyễn Trãi con người nghệ sĩ lớn hơn con người chính trị, hai con người này khi đắc thời thì tương hỗ nhau, khi sa cơ thất thế thì mâu thuẫn nhau. Nếu cứ sống bằng con người nghệ sĩ thì có lẽ yên ổn nhưng Ức Trai tham chính thì, chẳng phải là định mệnh, sớm muộn cũng chịu hậu họa theo quy luật khắc nghiệt nơi chính trường thời ấy, nhiều nghi kỵ ghét ghen, nhiều gièm pha tức tối, nhiều đố kỵ mưu toan…

Là nhà văn hóa lớn, hiểu biết nhiều, trải nghiệm lắm qua những được mất của thời thế và của chính mình, Nguyễn Trãi đúc rút một chân lý: “Truyền gia hà dụng mãn doanh kim” (Truyền cho con cháu cần gì phải có đầy vàng – “Mạn thành”). Ông lấy chính mình để nhắc nhở: “Hoạn tình dị khiếp thương cung điểu/ Mộ ảnh nan lưu phó hác xà” (Làm quan thì dễ bị khiếp như con chim bị cung bắn/ Bóng chiều khó giữ rắn vào hang – “Mạn hứng III”).

Đây là mối quan hệ hoàn cảnh và cá nhân, con người phải biết thích ứng với môi trường. Như môi trường “làm quan” thì phải hết sức cảnh giác như con chim biết sợ cành cong. Phải biết giáo dục con người đúng thời điểm, nếu không sẽ lỡ, như việc con rắn đến buổi chiều thì phải về hang, không thể ngăn nó lại được. Tức việc giáo dục phải đi trước, biết trước, làm trước, như một quy luật nhân quả mang tính phổ quát: “Dự tri hậu dật bản tiên lao” (Biết trước rằng muốn nhàn rỗi sau thì trước phải nhọc nhằn vất vả – “Hạ tiệp IV”).

Giáo dục là việc lâu dài, bền bỉ: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” (Họa phúc có manh mối không phải một ngày – “Quan hải”). Cũng từ hoàn cảnh của chính mình Ức Trai có triết lý giáo dục con người trong thời bình phải biết ơn nghĩa những bậc anh hùng đã hy sinh vì nước, đừng có kiểu: “Chỉnh đốn càn khôn tòng thử liễu/ Thế gian na cánh sổ anh hùng” (Chỉnh đốn trời đất từ đó xong/ Thế gian không đếm xỉa đến bậc anh hùng nữa – “Đề kiếm”). Một tiếng cười cay đắng, cười ra nước mắt cảnh tỉnh con người không đi vào lối xấu bội bạc vô nhân: dù có là anh hùng cũng dễ bị thiên hạ quên đi nhanh chóng!

Ức Trai rất hay triết lý về cái chết, trông thấy đôi chim mà thèm chết như chúng: “Tiển sát hoa biên song bạch điểu” (Thèm chết như đôi chim trắng ở bên hoa kia – “Văn lập”), cũng là một triết lý về sự mất còn: “Tử hậu thùy vinh cánh thùy nhục?” (Chết rồi ai vinh với ai nhục? – “Côn Sơn ca”). Lấy hình tượng cái chết để xót xa cho những bi kịch kẻ trung lại vướng lụy mắc oan: “Gián chúa trung ngôn tử hậu tri” (Can chúa lời nói thẳng sau chết mới hay – “Thiều châu Văn hiến miếu”). “Trung ngôn nghịch nhĩ” đã đành, ở đây hơn thế “trung ngôn” còn chịu nhận lấy cái chết rồi mới được đời sau minh oan. Như một tiếng kêu của tận cùng bi kịch: hỡi con người hãy tỉnh táo để nhận chân sự thật! Văn học, nhất là thơ mang tính dự báo, tiên báo, thì câu này ứng vào bi kịch Ức Trai!

Con Son noi Uc Trai an cu min - Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi - những triết lý nhân thế! - Tác giả: Nguyễn Thanh TúCôn Sơn – nơi Ức Trai ẩn cư!

Nguyễn Trãi triết lý về bi kịch con người ta phải sống khác mình, bởi phải chạy trốn một sự thật, với ông thì là sự lánh nạn, cố xa lánh cái ác độc, đểu giả để mà yên thân: “Suy nhan tá tửu vựng sinh hồng/ Lãm huy nghĩ học minh dương phượng/ Viễn hại chung vi tỵ dặc hồng” (Mặt gầy guộc mượn rượu cho hồng hào lên/ Muốn học chim phượng thấy sáng hót đón mặt trời/ Cuối cùng phải làm chim hồng tránh tên để lánh hại – “Họa hương tiên sinh vận giản chư đồng chí”).

Bài thơ này ông làm trong thời kỳ đang làm quan nhưng chán nản muốn xin về nghỉ. Câu đầu tả thực về hoàn cảnh phải sống giả: mặt gầy gò xanh xao nên phải mượn rượu cho hồng hào tươi tắn lên. Câu hai rút từ ý câu thơ của Giả Nghị đời Hán “Phượng hoàng tường vu thiên nhẫn hề/ Lãm đức huy nhi hạ chi” (Chim phượng bay trên cao nghìn nhẫn/ Thấy ánh sáng của Đức mà sà xuống – “Điếu Khuất Nguyên văn”) và lấy điển tích Lý Thiện Cẩm quan Ngự sử đời Đường dâng sớ can vua không xây cung điện xa hoa được người đời khen là “minh dương phượng” (chim phượng thấy sáng hót đón mặt trời).

Câu ba dựa vào tích “xa tung” vì sợ tên bắn mà chim hồng phải cao lên, là cách mỉa mai kín đáo: triều đình bây giờ đầy tên nhọn, nên “ta” (như) chim hồng phải bay cao mà lánh nạn. Tiếng cười này có lẽ là điển hình cho mỹ học châm biếm nho gia thường mỉa mai thâm trầm, kín đáo, chua chát, sâu sắc. Nguyễn Trãi có lúc buông xuôi. Ông chua chát buồn mà giễu cuộc đời và cả mình dù có tài năng, có vì dân, vì nước mà lo nghĩ thì rồi cũng chỉ như loài chồn chung một gò (trong “Mạn hứng II”).

Bài nhiều điển tích, “ảo nhãn” (mắt hoa) là nói về cuộc đời hư ảo; “tiêu lộc” (hươu lộc) lấy từ sách “Liệt tử” kể người nước Trịnh kiếm củi bắt được con hươu lộc chết bèn giấu đi lấy lá chuối đậy lại rồi quên mất chỗ giấu tưởng là chiêm bao; “tang cốc” từ sách “Trang tử” kể hai người chăn dê cùng mất dê, Tang mải miết tìm dê mà vẫn đọc sách, trong khi đó Cốc cứ chơi bài. Cuối cùng cả hai đều chết. Ý nói kẻ chăm người lười rồi đều sẽ như nhau. Bài thơ kết lại bằng câu: “Cổ vãng kim lai lạc nhất khâu” (xưa nay một loài như những con chồn thì cùng một gò), ý nói tất cả đều như nhau cả. Đây là tiếng cười mỉa bất lực tiêu cực hiếm gặp trong thơ Úc Trai.

Khi triết lý về hưởng lạc và sự nhàn dễ thấy Ức Trai chỉ hưởng lạc kiểu đi tìm hứng thơ trong đêm trăng khi đã xong xuôi mọi việc. Ông hưởng lạc cùng thiên nhiên, hòa vào thiên nhiên, lẫn vào thiên nhiên. Phê bình sinh thái văn hóa hôm nay nên tìm hiểu sâu vào mối quan hệ giữa Ức Trai tiên sinh và môi trường thiên nhiên thanh khiết đến vô trùng: “Nguyệt chiếu đài ky trúc mãn lâm/ Tẩy tận trần khâm hoa ngoại minh/ Hoán hồi ngọ mộng chẩm biên cầm” (Trăng soi trên ghềnh rêu, đầy rừng trúc mọc/ Để rửa sạch lòng trần có chè ngoài hoa/ Để gọi tỉnh giấc mộng trưa có chim bên gối – “Đề Trình xử sĩ Vân oa đồ”).

Càng về già ông càng thấy “Ta dư cửu bị nho quan ngộ” (Ta bị cái mũ nhà nho đánh lừa đã lâu) nên quyết trở về với thiên nhiên: “Tùng cúc do tồn qui vị vãn/ Lợi danh bất tiển ẩn phương chân” (Tùng cúc hãy còn ta về chưa muộn/ Lợi danh không thèm, ẩn mới đúng hơn”. Vì bản chất của ông là “Bản thị canh nhàn điếu tịch nhân” (Ta vốn là người cày thanh nhàn, câu trong vắng vẻ). Ông thích sự tĩnh lặng, hòa mình với thiên nhiên: “Trú tĩnh càn khôn khoan đạo tứ/ Nhân gian danh lợi tỉnh sơ tâm” (Ngày lặng, trong trời đất rộng buông ý đạo/ Người nhàn tỉnh ngộ lòng danh lợi buổi ban đầu – “Hạ nhật mạn thành”).

Thơ Ức Trai hiện đại, càng ngẫm càng thấy như là nói với hôm nay, cho hôm nay, toát ra một triết lý chung: con người cần phải được giáo dục tử tế xa lánh cái ác cái xấu, gần gũi với thiên nhiên, cần sống chậm lại, sống trong thư thái để suy ngẫm đạo lý!

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây