Nữ nhà văn Toni Morrison qua cái nhìn của Nguyễn Phương Khánh (Kỳ II)

Toni Morrison

DIỄN NGÔN ÂM NHẠC TRONG TIỂU THUYẾT TONI MORRISON 

Nguyễn Phương Khánh-
Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng

“Tại một miền đất chỉ yêu thích những đứa bé tóc vàng, mắt xanh, ai sẽ khóc than cho những giấc mơ của một cô bé da đen?” (Mắt biếc – Toni Morrison)

Toni Morrison đã viết lại huyền thoại về nỗi đau khổ của chủng tộc mình bằng những câu chuyện đầy xúc động, ám ảnh: Mắt biếc (The Bluest Eye), Người yêu dấu (Beloved), Bài ca Solomon (Song of Solomon), Jazz (Jazz), Thiên đường (Paradise)… Những giấc mơ đã bị khước bỏ mà con người nhắc lại không chỉ như di tích hoang tàn của lịch sử, mà còn là ấn tượng về một vùng hồi ức vẫn còn sức khuấy động hiện tại. Mọi sự kiện được gọi về trong dòng hồi tưởng của người kể chuyện cũng giống như hành trình đi tìm cội rễ, tìm bản sắc và giải quyết những vấn đề lịch sử của nhiều nhân vật trong thế giới hư cấu của Toni Morrison – nhà văn nữ da màu đầu tiên của Mỹ đạt giải Nobel Văn chương năm 1993.

Khai thác trí tưởng tượng tràn trề, khả năng sáng tạo nhiều biến hóa, Toni Morrison đưa người đọc lạc bước trong thế giới đa chiều, hỗn độn về mặt thời gian – không gian và phi lý, rạn vỡ những chuẩn mực của hiện thực. Đặc biệt, các diễn ngôn hòa trộn yếu tố thực – ảo, với lối kể mượt mà, đẫm chất thơ và nhạc đã đưa đến cho tác phẩm một cấu trúc truyện kể hết sức độc đáo. Người kể chuyện trong tiểu thuyết của Toni Morrison dù đóng một vai hay chỉ đứng ngoài cuộc tất cả sự kiện phức tạp kia, dù đáng tin hay không đáng tin, dù người hay ma…, tựu trung vẫn sở hữu giọng kể mượt mà, ngọt ngào và đặc biệt còn có khả năng dẫn dắt người đọc đắm chìm vào lịch sử văn hóa tinh thần của cộng đồng người Mỹ gốc Phi.

Nhiều nhà nghiên cứu gọi diễn ngôn kể chuyện Morrison là những ký hiệu của âm thanh, hoặc là “sounds of words” (orature) và tiểu thuyết Toni Morrison được đánh giá là “aural literature” [1], khẳng định tính ngân vang, giai điệu trong văn xuôi Morrison. Có thể nói, diễn ngôn âm nhạc được sử dụng một mặt tạo nên chất thơ mượt mà đặc trưng của một giọng văn nữ tính; mặt khác, âm nhạc đồng thời cũng là một truyện kể lồng khung trong văn bản, có khả năng kết nối, liên văn bản nhiều tầng bậc. Ở một phương diện nào đó, diễn ngôn âm nhạc đặt trong toàn bộ hệ thống các yếu tố cấu thành tác phẩm mang giá trị biểu tượng cao, là di sản của quá khứ, là những tiếng nói vô thức không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ thường ngày.

Diễn ngôn âm nhạc gắn với vai trò người kể chuyện trong tác phẩm của Toni Morrison được vận dụng trên hai phương diện:

Thứ nhất, đó chính là tính nhạc thể hiện trong ngôn từ, hình ảnh, sự biến tấu lối trần thuật và dẫn dắt sự kiện của người trần thuật. Chính những điều thăm thẳm tình người được gieo trên nền một câu chuyện ma quái và hiện thực lịch sử mà chất thơ, tính trữ tình và không khí nhạc Jazz (một phong cách âm nhạc đặc trưng của người da đen, vô cùng độc đáo và nổi tiếng) dễ dàng xâm chiếm văn xuôi Toni Morrison. Trong nhiều tác phẩm của mình, Morrison đã khai thác lối thể hiện đầy nhạc tính và cấu trúc tác phẩm gợi liên tưởng đến những điệu nhạc Jazz quyến rũ và bí ẩn. Nhiều nhà phê bình và người đọc chú ý chất thơ trong văn xuôi Morrison, và nếu chúng ta tìm được cách đề cập đến những yếu tố khác của tiểu thuyết của bà (tính lưỡng nghĩa, mơ hồ, cấu trúc trần thuật “mảnh vỡ”, sự lặp lại không dứt của các chủ đề, hình ảnh, cốt truyện), dường như âm nhạc là cũng là một phương diện nghiên cứu thích hợp. Như chính Morrison từng khẳng định rằng: “Tôi nghĩ bản thân tôi như một nhạc sĩ Jazz”.

Thứ hai, đan lồng trong ngôn ngữ kể chuyện của người trần thuật là văn bản của rất nhiều bài hát dân gian thuộc nền văn hóa Phi châu. Nhân vật nói bằng bài ca, kể chuyện bằng thơ và bài ca, bài thơ có thể xem như siêu văn bản – siêu diễn ngôn. Các ký hiệu bài hát dân gian trong tác phẩm sẽ kết nối với quá khứ, với toàn bộ bí mật của chiếc hộp pandora; khi giải mã các ký hiệu này, chúng ta sẽ thấy chúng hiện hữu với chức năng phù thuật, được sử dụng để kiến tạo mã tâm linh, một ký hiệu văn hóa.

Như vậy, diễn ngôn âm nhạc ở đây không hướng về nội dung tri thức như kiểu diễn ngôn văn học, diễn ngôn khoa học, diễn ngôn tôn giáo… Nói đúng hơn, nó dựa vào nội dung phát ngôn của người kể chuyện. Người kể chuyện mượn hình thức âm nhạc như là một ký hiệu, một mã văn bản; đồng thời, đặc trưng lớn nhất làm nên sự khác biệt trong diễn ngôn của Toni Morrison chính là sự giao cắt với âm nhạc, là sự chú trọng đến lớp vỏ âm thanh của ngôn từ hơn là ý nghĩa được quy chiếu bên trong. Đôi khi sự bất lực đối với các khả năng đi tìm một giá trị cuối cùng hay tính xác lập giả vờ của diễn ngôn truyện kể khiến người ta ở mặt nào đó cần thoát ly câu chữ để lắng nghe giai điệu. Như Baby Suggs (tiểu thuyết Người yêu dấu) trên bãi Clearing bảo mọi người phải khóc, phải cười, phải nhảy múa… chứ không thể bắt đầu bằng lời. Đứng ở góc độ văn hóa, điều đó phản ánh truyền thống truyền miệng của cộng đồng người Mỹ gốc Phi và di sản huyền thoại vốn được tụng ca trên đôi môi người hát rong. Còn dưới góc độ kỹ thuật tiểu thuyết, đây là sự “bẻ gẫy” lớp vỏ ngôn từ để giữa các lớp nứt vỡ ấy, mọi ẩn ức nhân loại, mọi tiếng nói của cơ thể và bao điều huyền bí trên nhân gian sẽ thoát ra, bay bổng như chất thơ đến giữa trang viết ngày nàng Remedios Người đẹp bay về trời.

“Tên gọi của âm thanh và âm thanh của tên gọi”([1])
Trong công trình nghiên cứu về giọng điệu (voice) của Toni Morrison, Barbara Hill Ridney có nhận định rằng:

“Quan tâm đến ngôn ngữ là điều đầu tiên trong sự phát triển các mô hình lý thuyết liên quan đến văn học, đặc biệt đối với những văn bản nữ quyền/có tác giả là nữ Mỹ gốc Phi. Điều này rất chính xác trong tiếp cận phê bình tác phẩm Toni Morrison, bởi như một bà đồng trong huyền thoại, Morrison gieo rắc những ký hiệu của bà, những nhận thức chính trị, và chỉ khi xuyên qua sự phân tích ngôn ngữ chúng ta mới có thể tái lập ý kiến về cuộc cách mạng nghệ thuật và chính trị được thiết lập trong tác phẩm của bà… Toni Morrison như chơi trò ảo thuật ngôn ngữ, sáng tạo nên hình thức diễn ngôn luôn cùng lúc cả tính siêu hình và siêu hư cấu” [7,7].

“Chơi với ngôn ngữ” theo cách của Toni Morrison, đó là việc vượt bờ kia của ngôn ngữ, cái biểu đạt và cái được biểu đạt đều có thể gánh vác sứ mệnh ngang nhau. Và giống như một nhạc sĩ khai thác sức mạnh ngôn từ để làm nên giai điệu, nhà văn của chúng ta cũng hết sức chú trọng đến khả năng âm vang của con chữ và cho đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để ngôn ngữ có thể sống và hoàn thành vai trò của nó trong tác phẩm.

Toni Morrison thường “chơi” ngôn ngữ ở việc sử dụng cách viết khác nhau của các từ có âm thanh tương tự. Chẳng hạn: Solomon / Shalimar / Shalleemone / Sugarman / Charlemagne như câu đố thách thức giải mã, và đi trọn hành trình thử thách của Milkman xuất phát từ chính trò chơi bí ẩn của ngôn từ; hay Pilate / Pilot có cách phát âm gần giống nhau, từ đó người đọc liên tưởng giữa nhân vật Pilate với chuyến bay, với khả năng “bay” ma thuật; hoặc cái tên gợi hình ảnh liên tưởng như Sing Byrd (tên bà nội của Milkman, gắn với bài hát mật mã về quá khứ mà anh thường nghe từ thời thơ ấu), tên Violet mang màu hoa Violet thủy chung đồng thời cũng gần âm với violent/violence (bạo lực, khắc nghiệt, dữ dội…), hay Joe Trace (“trace” cũng có nghĩa là dấu vết, khi Joe ám ảnh về chuyện mẹ đẻ ông ta ra rồi bỏ đi không để lại dấu vết, và việc lần theo dấu vết sẽ dẫn Joe về với toàn bộ cội nguồn quá khứ)… Chính Toni Morrison đã viết trong tác phẩm của mình: “Những cái tên đều có ý nghĩa của nó” [2,354], vì vậy “Khi bạn biết tên của mình, bạn nên bám chặt lấy nó, vì nếu nó không được ghi lại và nhắc nhớ, nó sẽ mất đi khi bạn chết” [2,354]. Cái tên, hay bất cứ âm thanh nào, ký hiệu nào đối với người da đen đều trở thành một dấu tích của sự tồn sinh, sự khẳng định cho cá tính, bản sắc. Vì thế trò chơi ngôn ngữ ở đây không đơn thuần là cuộc vui về hình thức mà nhà văn muốn chứng tỏ tiếng nói riêng của bản thân người nghệ sỹ, đại diện cho nền văn học Mỹ gốc Phi trong cuộc đấu tranh cho quyền con người và vị trí văn chương của cộng đồng.

Toni Morrison khám phá các liên kết quan trọng giữa các âm thanh và ý nghĩa của các từ và giữa các ngôn ngữ bằng văn bản và bằng phát ngôn miệng. Bằng cách tập trung vào các âm thanh của lời nói hơn là chính tả của chữ viết, bà nhấn mạnh tính ưu việt của tiếng địa phương người da đen và truyền thống truyền miệng qua ngôn ngữ viết trong đời sống cộng đồng mình.

Chính vì thế, người kể chuyện xưng tôi trong tiểu thuyết Jazz không phải là thành phố, không phải là cuốn sách, cũng không phải là bất cứ ai trong cái bi kịch ấy, mà có thể là đây: “I am the name of the sound and the sound of the name” (đề từ của tác phẩm). Lớp vỏ âm thanh của ngôn từ cũng đồng thời là cái biểu đạt, là cái được quy chiếu, là cái được vọng về. Trong nền văn hóa của người da đen, tiếng nói được cất lên chứa đựng một sức mạnh kết nối mãnh liệt. Đọc văn chương Toni Morrison, người ta nghe một chất thơ bàng bạc âm vang từ lối điệp trùng từ ngữ, từ cấu trúc xoay lặp, từ những hình ảnh mượt mà gợi lên từ con chữ. Nhiều nhà phê bình cho rằng, văn của Morrison dành để đọc, dành để xướng họa, và điều đó phản ánh rõ nét tính chất truyền miệng của văn chương da đen cũng như khả năng khai thác sức mạnh ngôn ngữ của cây bút nữ đầy cá tính này.

Theo Toni Morrison, ngôn ngữ cũng xác định chúng ta là ai. Chúng đảm nhận vai trò là các “mã”, các “ký hiệu” để có thể kiểm tra danh tính một ai đó, để xác nhận bản sắc, cá tính, đặc trưng của một cá nhân hoặc tập thể. Điều đó giống như một câu chuyện trong Kinh thánh, kể về việc cách phát âm của một từ trở thành vấn đề sống và chết. Theo Cựu Ước, có hai bộ lạc người Do Thái chiến tranh. Người Gilead chiến thắng đã nghĩ ra một kế hoạch đơn giản để không cho kẻ thù của họ, người thuộc bộ lạc Ephraim, vượt qua sông Jordan trốn thoát. Sau khi thiết lập rào chắn, người Gileadites ra lệnh cho những ai bị phát hiện bắt về phải phát âm từ “Shibboleth”. Do không thể nói được các âm “sh”, người Ephraim phát âm nó không chính xác, biến thành từ “Sibboleth” và đã bị giết. Âm thanh từ đây là một ký hiệu để nhận diện con người, nhận diện chủng tộc.

Cũng giống như thế, Milkman (tiểu thuyết Bài ca Solomon) muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình và giải mã ý nghĩa của bài hát Solomon, đầu tiên anh phải học cách lắng nghe và từ bỏ sự phụ thuộc duy nhất vào các yếu tố bên ngoài như bản đồ đường bộ và giấy tờ như là nguồn thông tin chính. Trong thời gian ngắn, Milkman phải học cách tập trung vào âm thanh và cách phát âm hơn là biết đọc biết viết (chính tả và định nghĩa). Ví dụ, mặc dù khi Milkman nghe người dân Shalimar hát bài hát của họ, bắt đầu với dòng “Jay – con trai duy nhất của Solomon”, anh ta không quan tâm đến lời lẽ hoặc chú ý đặc biệt trong trò chơi của họ. Thay vào đó, bài hát chỉ phục vụ để nhắc nhở anh về thời thơ ấu và nơi bắt đầu tình bạn với Guitar. Tuy nhiên, ngay sau chương này, trong quá trình đi săn bắn, Milkman dần nhận ra tầm quan trọng của “lời nói”. Anh phân biệt được âm thanh tiếng sủa khác nhau của lũ chó và tiếng các thợ săn trò chuyện với con vật của họ. Những người đàn ông và con chó có thể trò chuyện với nhau bằng một thứ tiếng đặc biệt. Morrison đặc trưng cho mối quan hệ cộng sinh này mang ngọn nguồn nguyên sơ, hiện tồn trước cả ngôn ngữ.

Nhận thức về tính thinh lặng của ngôn ngữ ngày càng tăng khi Milkman được tiết lộ về các nghi lễ địa phương trong buổi đi săn bắn. Ở đó nhân vật phải vận dụng hết khả năng để “lắng nghe bằng đầu ngón tay của mình, để nghe những gì, bất cứ điều gì, đất mẹ đã nói…”, chính điều ấy giúp anh ta cảm nhận được sự hiện diện của Guitar và “mùi” ám sát đang đến gần, giúp anh trở về được với bàn tay người đàn bà đẹp Sweet và linh cảm sẽ dẫn dắt Milkman đến với nơi có thể cất giữ hài cốt cha ông.

Toni Morrison thường sử dụng nhiều cách thức diễn đạt, lối nói địa phương để tái tạo lại cuộc sống, nhận thức của một cộng đồng đặc biệt, đó là người Mỹ gốc Phi trong vùng tái thiết Ohio. Khi nhân vật sử dụng những từ như “ain’t” và “reckon” hay cụm từ “sit down a spell”…, nó thể hiện tính cách của các nhân vật thuộc cộng đồng ấy. Chính điều đó khiến người đọc hình dung một cách rõ ràng và chân thật đời sống người da màu trên đất Mỹ, quá khứ và hiện tại của họ, đồng thời qua đó giúp người đọc tiếp cận gần hơn với một phong cách viết đặc trưng của một cây bút nữ: đầy trữ tình và nhạc tính.

Lắng nghe các diễn ngôn âm nhạc trong tiểu thuyết Toni Morrison, người đọc nhận ra rằng trong giai điệu rất hữu hình, cụ thể mà ngôn từ đôi khi lại mờ đục, mơ hồ. Trong tác phẩm Bài ca Solomon, bài hát dân gian có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nó là một ký hiệu, một mật mã xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, đi qua cuộc đời của các thế hệ gia đình mang họ Dead. Nó như một lá bùa tiên tri, là hồn ma của Jake chỉ đường, là diễn ngôn phù thuật trong đời sống văn hóa người da đen. Giải mã được bài hát mà Pilate đã gìn giữ, đã cất gieo sau bao nhiêu năm, và chính Milkman sau khi lần ra các tín hiệu từ bài hát mới có thể trở về đúng gốc gác của mình.

Jake the only son of Solomon

Come booba yalle, come booba tambee

Whirled about and touched the sun

Come konka yalle, come konka tambee… [3,328]

Ngoài ra, trong tác phẩm còn xuất hiện rải rác rất nhiều bài hát khác của người da đen rất giàu ý nghĩa ẩn dụ và biểu trưng. Có lẽ đặc trưng ấy trong văn chương Morrison xuất phát từ đời sống của người da đen vốn chất chứa cả một truyền thống âm nhạc Phi châu ngàn đời pha lẫn với âm nhạc phương Tây hiện đại. Nền văn hoá sơ khai của châu Phi coi trọng âm nhạc rất nhiều. Âm nhạc là một khía cạnh quan trọng trong những hoạt động hàng ngày của thổ dân châu Phi. Họ rất coi trọng các hoạt động theo nhịp điệu khá phức tạp và tiến bộ dựa trên một ca từ và giai điệu đơn giản. Những nét nhịp điệu này đã gắn liền với nô lệ châu Phi trong suốt thời gian họ bị bắt ép làm nô lệ ở Mỹ. Họ yêu thích âm nhạc và họ tìm tự do trong giai điệu, trong những khúc ca da diết buồn và đầy chất ngẫu hứng. Hơn thế nữa, những bài ca là thông điệp, là ngôn ngữ của riêng họ để tiếng nói từ ngàn đời vẫn còn tỉnh thức, nơi ấy, mọi hồn ma vẫn sống và bao nhiêu quẫy đạp trong cõi vô thức, tiềm thức câm lặng được thốt nên thành lời. Nó thật sống động và diệu kỳ, như nhà thơ của nước Mỹ Walt Whitman đã nói về tiếng thơ:

Qua tôi rất nhiều tiếng nói từ lâu câm lặng

Tiếng nói của thế hệ vô tận những nô lệ và tù nhân

Tiếng nói của thế hệ vô tận những nô lệ và những quân trộm cắp và những người còi cọc…

Qua tôi những tiếng nói bị đời cấm đoán…

(Walt Whitman – Bài hát chính tôi)

Trong bất cứ tác phẩm nào của Toni Morrison, người đọc cũng bắt gặp được vô vàn bài ca dân gian của người da đen. Những bài ca họ thường hát dưới rặng cây Sweet Home mà Paul D vẫn ghi nhớ trong lòng:

Bare feet and chamomile sap.

Took off my shoes; took off my hat

Bare feet and chamomile sap

Gimme back my shoes; gimme back my hat…            [6,310]

Hay trong Mắt biếc:

I got blues in my mealbarrel

Blues up on the shelf

I got blues in my mealbarrel

Blues up on the shelf

Blues in my bedroom

‘Cause I’m sleepin’ by myself  [5,51]…

Những yếu tố âm nhạc ấy thể hiện truyền thống văn nghệ dân gian Phi châu còn lưu giữ trong đời sống tinh thần của người Mỹ da đen. Nhà văn Toni Morrison đã khai thác những nét văn hoá còn tồn tại trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi như một cách làm nổi bật cá tính của những con người ấy trên miền đất này.

Những bài ca dân gian trong tiểu thuyết Toni Morrison trước hết là một ký hiệu tâm linh, gợi nhắc bản chất tôn giáo của âm nhạc (đặc biệt âm nhạc người da đen, như Jazz, bắt nguồn từ loại thánh ca – Spirituals, gắn với các hoạt động tâm linh tôn giáo, ma thuật). Vì thế, trong các tác phẩm, âm nhạc cũng được sử dụng như một phương thức trị liệu (những bài ca trên bãi Clearing; bài hát của Pilate; những bài hát của nhà MacTeer để “gội rửa” nỗi đau Pecola…), đồng thời là một ký hiệu văn hóa để nhận diện bản sắc cộng đồng (như bài ca Solomon đưa Milkman về với cội rễ). Người kể chuyện đã biến đổi các phát ngôn của mình thông qua các văn bản âm nhạc, thơ ca đã mở rộng quan niệm của chúng ta về thực tại, về những điều quen thuộc đã có và những điều bất khả xác tín về mặt nhận thức lý tính nhưng lại rất dễ tiếp nhận ở góc độ niềm tin mang màu sắc “dị đoan”. Diễn ngôn của người kể chuyện như thế đã lồng ghép đan xen nhiều cách thức kể chuyện, nhiều lớp văn bản, nhiều thể loại. Diễn ngôn ấy dù chịu một số quy ước về văn hóa nhưng sức mạnh “giải phóng ta ra khỏi sự chuyên chế của thói quen”, thúc đẩy sự vượt thoát của bạn đọc khỏi biên cương của ngôn ngữ, và của cả thực tại.

Diễn ngôn Jazz
Người ta thường nói đến chất Jazz thâm trầm và náo động trên những trang viết của Toni Morrison. Chính bà cũng đặt tên cho cuốn tiểu thuyết của mình là Jazz. Jazz là một thể loại âm nhạc đặc biệt được sản sinh trên đất Mỹ trong sự hoà quyện âm nhạc Phi châu và phương Tây. Những người Mỹ da đen đã hình thành và phát triển dòng nhạc này trong những năm đầu thế kỷ XX. Với sức hấp dẫn đặc biệt, Jazz đã có mặt trên toàn thế giới và đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu trong đời sống người da màu, đặc biệt là người Mỹ da đen. Đặc trưng nhạc Jazz là sự ứng tác, ứng tấu đầy ngẫu nhiên, rất sống động và biến hóa. Ở loại âm nhạc này, bản nhạc được đảo phách (syncopation) liên tục và sự sáng tạo là tức thời, như sự lóe sáng của khoảnh khắc, của vô thức khuấy đảo (tính tùy hứng – improvisation). Chính vì thế, một giai điệu, một tiết tấu, một nét nhạc có thể bị lãng quên ngay sau khi người nhạc công trình tấu nó. Với những nhạc cụ rất “mộc” (accoustic), âm nhạc Jazz bao giờ cũng đầy đam mê, sâu sắc và đầy ngẫu hứng như gọi từ vô thức.

Với Mắt biếc, khai thác cấu trúc thời gian phi tuyến tính, đồng hiện và khúc xạ qua ý thức nhân vật như vậy, Toni Morrison đồng thời đã phá dỡ hoàn toàn kết cấu thời gian theo mùa do chính tác giả thiết lập trên bình diện hình thức. Thời gian đã bị xáo tung, bị “đập vỡ”, mang lại cảm hứng “phi thời gian” rất rõ. Các sự kiện trong dòng hồi tưởng của người kể chuyện xưng “tôi” hay trong lời kể của người kể chuyện toàn tri, hoặc dòng ý thức của các nhân vật … cứ đan lồng vào nhau, bốn mùa thời gian chỉ còn là bốn mùa của các cảm giác khác biệt, gây ấn tượng mạnh trong tiếp nhận của người đọc. Sự thay đổi những giọng kể trong từng phiến đoạn của mùa, của thời gian cũng tạo nên tính chất đa thanh hiện đại cho tác phẩm. Tác phẩm như một bản hòa tấu nhiều cung bậc, với âm nhạc của Jazz, Blues… thâm trầm mà náo động hồn người. Cuộc biểu diễn Jazz ứng tấu (jam session) ẩn mình dưới lối trần thuật mảnh vỡ. Nhiều giọng kể, ngôi kể khác nhau đan cài giống như phần trình diễn của mỗi nhạc sĩ trong dàn nhạc, và người kể chuyện toàn tri trong vai trò nhạc trưởng sẽ thúc đẩy những giai điệu tổng hoà cao độ. Sự diễn đơn (trong dòng độc thoại nội tâm, dòng ý thức của từng nhân vật) tạo nên những cung bậc khác nhau của cảm xúc, của bức tranh sự kiện phức tạp để rồi sau đó các giọng điệu sẽ hoà làm một trên nền hiện thực khốc liệt đến hoá hư huyễn, ma quái. Con người cũng bị xáo động không yên bởi những mặc cảm, khát khao và nuối tiếc, ân hận dày vò.

Người kể chuyện trong các tác phẩm của Morrison khai thác diễn ngôn kiểu Jazz thể hiện trong cấu trúc trần thuật ngẫu hứng, đảo thuật, ngân vang rồi đứt đoạn, vụt hiện rồi xóa nhòa. Trong các tác phẩm của mình, nhà văn Toni Morrison luân phiên điểm nhìn trần thuật từ ý thức của nhân vật này đến nhân vật khác trong khi vẫn duy trì cái nhìn toàn tri. Việc luân phiên được cẩn thận sắp đặt, hoà âm để khi phối cảnh thay đổi, ý thức mới mà chúng ta nắm được là việc lấy lại dòng, mạch truyện, giai điệu được thiết lập bởi một âm chủ từ trước. Quy trình của việc chuyển đổi có hình thức của âm nhạc, chủ đề và biến tấu của hành động, sự dịch chuyển mạch truyện tựa như cách phối khí của một bản nhạc. Chẳng hạn, ta có thể cảm nhận điều này khi đọc chương 2 – phần Một của tác phẩm Người yêu dấu. Hai nhân vật Sethe và Paul D nằm bên nhau, trong ký ức từng người tuôn chảy những hình ảnh khác nhau về quá khứ: bức tranh đời sống Sweet Home khi họ còn thơ trẻ, chuyện của chàng trai Sixo và mối tình của anh ta, tình yêu của Sethe và Halle giữa ruộng ngô rập rờn… Mỗi đoạn hình ảnh hiện lên trong trí nhớ, hồi tưởng của hai người được sắp đặt chuyển đổi liên tục, quá khứ rồi hiện tại như những giai điệu chậm rãi thâm trầm của khúc nhạc dạo. Nhà văn thiết lập trong chương này một sự tác động tinh thần trong vô thức giữa hai nhân vật. Có sự trao đổi vật lý – sự cựa quậy, đụng chạm thân thể của hai người – nhưng cả hai đều cố gắng che giấu cảm xúc của họ. Âm hưởng từ dòng ý thức của Sethe và Paul D gảy lên những điệu buồn khác nhau: Paul D buồn thảm và có thiên hướng dục tính, còn Sethe dịu dàng và mơ mộng hơn với ký ức trẻ trung đầy tình yêu với người chồng cũ. Mỗi phiến đoạn tâm tưởng của họ có sự gặp gỡ các motif – đôi mắt, gương mặt, hạt ngô – như những nhạc cụ từ đó cất lên bao khúc tâm tư.

Nhiều phần của cuốn tiểu thuyết có thể công nhận là một sự sáng tạo về hình thức, gây bối rối cho nhà phê bình, xuất hiện ở gần cuối tác phẩm, chẳng hạn ta có thể đọc lại chương 2, 3, 4 và 5 của phần Hai trong Người yêu dấu. Về cuối của những đoạn này, sự sắp xếp ngôn từ trên trang giấy giống như bài thơ, và có nhà phê bình đề nghị rằng chúng ta nên đọc những đoạn cuối này như thơ, từng dòng một. Không có gì đáng ngạc nhiên, những nét tương đồng với thơ thật rõ ràng, điều đó gợi cho người đọc nhận thấy rằng những phần này về mặt cấu trúc giống với kết cấu của âm nhạc, đặc biệt là nhạc Jazz.

Tầng bậc cấu trúc tác phẩm không phải thuộc không gian mà là âm nhạc: Từ nhan đề Người yêu dấu, lời đề tặng “sáu mươi triệu và hơn thế nữa”, đề từ mang thông điệp tôn giáo (Kinh thánh): “Tôi sẽ gọi họ, những người không phải đồng bào của tôi, là đồng bào của tôi, và gọi nàng, người không được yêu dấu, là người yêu dấu”, đến những phần không đều nhau của cuốn sách và kết thúc là một từ hoàn toàn tách biệt, lặp lại nhan đề, lời đề từ, như là lời cầu nguyện thầm thì: “Yêu dấu” (Beloved)… Từ ngữ lặp đi lặp lại, các điệp ngữ và hình ảnh tái hiện lại nhiều lần cho nhịp điệu nhịp nhàng, đem lại một hiệu ứng trữ tình rất ngẫu hứng đậm chất Jazz độc đáo.

Ngày nay, chúng ta vẫn còn bắt gặp những nét nhạc cổ xưa của Phi châu lưu giữ ở Rock và Jazz phảng phất trong cuốn tiểu thuyết này. Ví dụ, chúng ta có thể thấy phương pháp “hô và đáp” được biến tấu khi ca sỹ chính hát một đoạn nhạc và sau đó cả nhóm đồng ca hát phụ hoạ lại (giống như những câu hỏi và trả lời). Bài thơ dài xuất hiện trong chương 5 của phần hai cũng mang một cách thức tương tự như vậy:

“… Beloved

Chị là chị của em

Con là con của mẹ

Mẹ là gương mặt con, mẹ là con

Mẹ đã tìm lại được con, con đã trở về với mẹ

Con là Beloved của mẹ

Mẹ là của con

Chị là của em

Em là của chị…” [6,255]

Những giọng đối thoại đan lồng với nhau trong bài thơ. Giọng của người mẹ – Sethe, hồn ma – Beloved và cô em Denver hoà chung trong một giai điệu tha thiết, điệp trùng. Hoặc như lối kể chuyện đan xen của hai người trần thuật bí ẩn trong tiểu thuyết Jazz, từ chương này sang chương kia là sự vắt dòng kiểu đối đáp (call and respond) và người đọc phải lần theo giọng kể để định đoán được một cách mơ hồ về chủ thể của phát ngôn.

Cuốn Jazz có nhan đề đơn giản, nhưng nhan đề dẫn dụ đến toàn bộ cấu trúc trần thuật đa thanh phức tạp. Đặc biệt, trên nền kết cấu cơ bản theo lối kỹ thuật của nhạc Jazz – xoay đảo, đứt đoạn, ngẫu hứng, tiểu thuyết, người kể chuyện biến hóa lời kể, giọng kể như một cuộc trình diễn tại chỗ tất cả những điều được sáng tạo. Diễn ngôn đầy rẫy những câu văn mang phong cách “nói” (oral) hơn là viết: “Sth, I know that woman… Know her husband, too.” [2,3]. “A city like this one makes me dream tall and feel in on things. Hep.” [2,7]… Diễn ngôn tỏ ra sẵn sàng đối thoại call and respond (có đối tượng trao đổi: I – You), như một cuộc diễn tấu ngẫu hứng của người kể chuyện, xen giữa kể và bình luận “Maybe she thought she could solve the mystery of love that way. Good luck and let me know” [2,5], luôn tỏ ra biết tuốt “I know”, “I’m sure”… nhưng rồi lại vờ không chắc chắn “Maybe”; “Yes. No. Both. Either…” [2,178].

Mở đầu tác phẩm người đọc đã được cung cấp những sự kiện mang tính gây sốc, nhưng chiến lược trần thuật của người kể chuyện không hề vội vàng, cứ nhỏ giọt sự kiện, rồi chuyển sang bình tán về thành phố, màu sắc, thời tiết theo ý thích của mình, sau đó mới trở lại chủ đề chính. Điều này dễ khiến những bạn đọc nôn nóng đâm khó chịu, nhưng những ai nghe Jazz sẽ thấy quen thuộc, bởi kiểu lang thang đi lạc, vụt hiện, chậm rãi rồi lướt nhanh là đặc trưng của thể loại âm nhạc này. Điểm thứ hai là diễn ngôn người trần thuật có thể không đầy đủ cú pháp, dừng cắt đột ngột, lược bỏ chủ ngữ hoặc cả thành phần chính của câu (chẳng hạn mở đầu một chương xuất hiện ngay câu: “Or used to.” [2,27]). Dường như người kể chuyện quá say sưa trong thế giới của mình, mặc cho độc giả theo đuổi mệt nhoài âm điệu chính của tác phẩm, phần “beat” của diễn ngôn. Các nhà phê bình thường nói kiểu kể chuyện này của Toni Morrison như cách sáng tạo trong nhạc Jazz: đề cao quá trình sáng tạo hơn là sự đón nhận thuận lợi từ phía người đọc. Những sự kiện trong tác phẩm “ngược xuôi” giữa dòng thời gian hiện tại (tức năm 1926) và quá khứ gần – xa với nó, các nhân vật chính được đặt trong bối cảnh cư dân The City đông đúc và lắm mối quan hệ khó hiểu. Tuy nhiên, ý định của Toni Morrison không kỳ vọng vào việc người đọc có thể dõi theo hết con người, địa điểm và các mối quan hệ được tiết lộ trong truyện kể. Mà thực chất là nương theo diễn ngôn trần thuật kiểu ấn tượng của người kể chuyện, người đọc sẽ nắm bắt cảm xúc chung, chọn lựa một chủ đề, một giai điệu nào đấy, và tự lấp đầy mọi khoảng trống, tự rework, remake lại câu chuyện, như lời cuốn sách đã nói: “Hãy nói là làm nên tôi đi, làm lại tôi đi. Bạn tự do để làm điều đó…” [2,229]. Điều này đồng thời dẫn tới đặc điểm thứ ba trong diễn ngôn kiểu Jazz của người kể chuyện, đó là việc các sự kiện rời rạc được gợi nhắc trở lại nhiều lần (diễn ngôn xoay vòng) nhưng luôn theo những cách khác nhau. Mỗi lần “retelling” (kể lại) là một lần sửa đổi, điều chỉnh, giải thích lại theo một hướng khác, một giọng khác, nhìn nhận dưới góc độ khác (mỗi người kể chuyện là một giọng, một điểm nhìn khác nhau), tạo nên các lớp nghĩa khác nhau. Cũng như nhạc Jazz cùng chơi trên một giai điệu chủ đề (a melodic or harmonic theme), nhưng hòa âm lại nhiều lần, tạo nên nhiều biến thể, biến tấu đa dạng liên tục. Nhạc Jazz vì thế là thể loại sáng tạo “tại chỗ”, ngẫu hứng đầy cảm xúc. Mỗi lần nghe giai điệu, hoặc trong trường hợp của cuốn tiểu thuyết, đọc các câu chuyện, mỗi biến thể mang lại một rung động mới, một cách đánh giá, cảm nhận mới, sâu sắc, đa chiều, đầy sự phản biện đối với hiện tượng cứ ngỡ là duy nhất. Cái kết của tác phẩm cũng mâu thuẫn, mơ hồ, đột ngột giống như bản nhạc Jazz vậy. Sau phút cao trào, rồi nhòe mờ phai dấu, người đọc chợt nhận ra những câu cuối trong tác phẩm như một khúc ca đầy vần điệu, trữ tình, lặp lại và giàu ám gợi: “Say make me, remake me. You are free to do it and I am free to let you because look, look. Look where your hands are. Now” [2,229].

Chất Jazz đầy ngẫu hứng đã tái hiện một cách sâu sắc và đầy ấn tượng một hiện thực lịch sử, một tình yêu và những nỗi đau dai dẳng trong tâm hồn người nô lệ nói riêng và người da đen nói chung qua các thế hệ. Đọc cuốn sách Người yêu dấu, ta liên tưởng đến một bản Soul Jazz với những khúc đoạn được đẩy lên mức kích động, đầy tung hứng (chord progression). Còn tác phẩm Jazz thì như là một điệu Cool mượt mà du dương xen với Modern Jazz khắc khoải âm u, giàu sáng tạo([2]). Mắt biếc hay Bài ca Solomon phải được thưởng thức cùng hiệu ứng “rè” (distorsion) từ cây ghitar mộc.

Kết luận
Giữa hiện thực đa chiều và con người với tâm lý đứt gãy, nhà văn đã lựa chọn diễn ngôn trần thuật biến hóa phức tạp, đây cũng là một phương diện đáng chú ý khi nghiên cứu tiểu thuyết Toni Morrison. Sử dụng lối trần thuật đa chủ thể (đặc biệt rất nhiều nhân vật – người kể chuyện ngôi thứ nhất), đan xen nhiều điểm nhìn, dòng ý thức…, diễn ngôn người kể chuyện tỏ ra giàu màu sắc huyền ảo rất đặc trưng, lôi cuốn người đọc ở tính trữ tình và giai điệu Jazz, nhưng lại cực kỳ thách thức bởi ngôn ngữ nửa vời thực – ảo gắn với điểm nhìn từ chiều kích vô thức – tâm linh, diễn ngôn mang tính mảnh vỡ, vòng tròn, vụt hiện, xoay đảo… Tất cả điều đó gợi nên một chất thơ miên man trong lối kể hiện thực pha huyền ảo hết sức độc đáo. Nhà văn sử dụng những hình ảnh giàu tính biểu tượng, cách biểu đạt đầy nhịp điệu khi dẫn dắt người đọc vào thế giới hư cấu trong tiểu thuyết. Sự điệp trùng trong cấu trúc câu, ngôn từ – diễn ngôn người kể chuyện như thế tạo nên nhạc tính và chất thơ phong phú cho tác phẩm.

Chính cội nguồn văn hoá dân tộc đã tưới đẫm tâm hồn người nữ văn sĩ ngay từ thời thơ ấu đã góp phần hình thành cá tính sáng tạo của một nhà văn tài năng. Dưới mái nhà mình, Toni đã lớn lên cùng với những bài hát và những câu chuyện cổ tích da đen của bà nội. Thế giới mà bà nội đã tạo dựng cho cô bé Chloe Anthony Wofford (tên thật của Toni Morrison) được xây cất từ những chất liệu folklore của người da đen, của huyền tích và ma thuật. Tâm hồn đầy nữ tính, những giác quan tinh tế và nhạy cảm của một người phụ nữ từng trải giúp cho thế giới nghệ thuật của bà chứa đựng chiều sâu thêm tình cảm, sự suy nghiệm và không ngừng mở ra những khát vọng muôn thuở về tình yêu, tình mẫu tử, tình người. Người ta sẽ nhớ tới những tác phẩm của bà với giọng văn đẫm nỗi buồn, tình yêu thương, sự cảm thông, sự nhẫn nại, đức hi sinh (những điều mà nhà văn William Faulkner tin rằng chính nó làm cho con người trở nên bất tử). Qua những tác phẩm của bà, người ta sẽ biết về bi kịch của hàng trăm năm trong thân phận nô lệ da đen, nỗi buồn thương có tính di truyền đã khắc vào tâm hồn những người Mỹ da đen đã từ bao nhiêu thế hệ. Và vượt lên trên tất cả vẫn là tình yêu con người thấm đẫm trong từng trang viết.

Tài liệu tham khảo

Solomon O. Iyasere, Marla W. Iyasere (2000), Understanding Toni Morrison’s Beloved and Sula: Selected Essays and Criticisms of the works by the Nobel Prize-winning author, Whitston Publishing Company, Troy, New York. Copyright: questia.com
Toni Morrison (1992), Jazz, A Plume Book, Alfred A. Knof, Inc., New York.
Toni Morrison (1995), Song of Solomon, Everyman’s Library, David Campbell Publishers Ltd., London.
Toni Morrison (1998), Paradise, Alfred A. Knof, Inc., New York.
Toni Morrison (2000), The Bluest Eye, Alfred A. Knof, Inc., New York.
Toni Morrison (2004), Beloved, Vintage Books, A Divison of Random House, Inc. New York.
Barbara Hill Rigney (1991), The Voices of Toni Morrison, Ohio State University
([1]) Mượn từ lời đề từ của cuốn Jazz: “I am the name of the sound and the sound of the name”.

([2]) Soul Jazz, Cool, Modern Jazz: các thể loại nhạc Jazz.

Nguyễn Phương Khánh

Khoa Ngữ Văn, trường ĐHSP, ĐHĐN

————————————————-

THỜI GIAN VÀ VAI TRÒ LỜI MỞ ĐẦU CÁC CHƯƠNG TRONG CẤU TRÚC TỰ SỰ CỦA TIỂU THUYẾT MẮT BIẾC (TONI MORRISON)

Mắt biếc và câu chuyện “bản lai diện mục” Đen – Trắng
Mắt biếc [1](The Bluest Eye, 1970) là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nhà văn Mỹ gốc Phi Toni Morrison, người phụ nữ da đen đầu tiên được vinh danh trên bục Nobel Văn chương danh giá năm 1993. Cuốn sách đã được thai nghén nhiều năm trước khi Toni Morrison vượt thoát khỏi cuộc sống của người phụ nữ quẩn quanh với công việc, gia đình và thực hiện một bước rẽ sang địa hạt sáng tác văn chương. Khi đó Toni Morrison vừa ly hôn, một mình với hai đứa con trai, đứa sau chỉ mới ba tháng, bỏ công việc dạy học ở Đại học Howard, rồi xin làm biên tập viên cho một nhà xuất bản. Ban ngày, người phụ nữ trẻ miệt mài với công việc biên tập và chăm sóc con cái. Đến đêm, khi hai đứa trẻ đã ngủ say, bà mới lặng lẽ đến bên bàn viết và chăm chút cho đứa con tinh thần của mình. Một tâm hồn nhạy cảm đã được bồi đắp từ thời thơ ấu trong những chuyện kể dân gian, âm nhạc và sắc màu của di sản văn hóa da đen, cộng với trí thông minh, sự sắc sảo của người đàn bà đã vững vàng vượt qua sóng gió của đời mình, Toni Morrison bước sang tuổi 30 với cuốn sách đầu tiên kể về một cô gái nhỏ da đen bất hạnh. Cô bé Pecola Breedlove 11 tuổi lớn lên trong sự kỳ thị chủng tộc, bạo lực gia đình và bị cha ruột hãm hiếp đến mang thai. Đứa bé tội nghiệp sinh non và đã chết. Năm ấy không có bông hoa cúc vạn thọ nào nở và giấc mơ về đôi mắt xanh biếc của Pecola cứ ám ảnh dai dẳng như một lời nguyền khó bước qua về số phận những màu da đen – trắng.

Kể từ khi mới ra đời, cuốn tiểu thuyết đã nhận được nhiều đánh giá khác nhau, công nhận và có cả phủ nhận. Thậm chí khi tên tuổi của Toni Morrison đã được xác lập một vị trí không thay thế được trong nền văn học Mỹ nói riêng và văn học thế giới hiện đại nói chung, Mắt biếc vẫn chịu những “thị phi” vì tính khốc liệt, bén nhọn của vấn đề chủng tộc, sắc tộc, giới tính, bạo lực mà tác giả đặt ra trong câu chuyện về một cuộc đời trẻ thơ (và nhiều cuộc đời người lớn) bị bóp méo. Nhiều trường học ở Mỹ cấm dạy tác phẩm Mắt biếc, đưa cuốn tiểu thuyết vào “hàng ngũ” những cuốn sách bị “giới hạn” đọc. Nhưng có lẽ, thời gian thì vẫn qua đi, nhưng nỗi đau đã nằm lại, câu chuyện tàn bạo được khắc họa trong tác phẩm hình như đã không còn xa lạ trong đời sống hiện đại của loài người chúng ta ngày nay. Xã hội đang tiến đến đỉnh cao văn minh thì ở đâu đó sự dã man lại xuất hiện. Và ngay cả chúng ta, trong tâm thức từ thuở nào, vốn không chịu một áp lực về màu da thì câu chuyện của một “Pecola da vàng” cũng bắt đầu phổ biến như sự kiện mang tính thời sự. Mắt biếc đã vượt biên giới để tìm những mối dây đồng cảm, những trăn trở day dứt về cuộc đời trên bao ngả rẽ Đông – Tây.

Chủ đề về bản sắc Đen – Trắng đã thường trực trong tác phẩm của Toni Morrison mà khởi đầu là tiểu thuyết Mắt biếc. Người da đen trên đất Mỹ ngày xưa bị cưỡng bức từ quê hương Phi châu, đưa lên những chiếc thuyền vượt đại dương đến mảnh đất xa lạ làm nô lệ. Những tủi nhục của phận đời bị mua bán, bị áp bức, bị nô dịch đè nặng lên huyết quản người da đen từ đời này sang đời khác. Ngay cả khi Tuyên ngôn giải phóng nô lệ của Abraham Lincoln được ban hành năm 1861, giấc mơ một ngày nào đó “con của nô lệ và con của chủ nô sẽ ngồi lại với nhau bên bàn ăn của tình huynh đệ” (bài diễn văn Tôi có một giấc mơ của Martin Luther King) vẫn như một viễn ảnh xa xôi, đầy chua chát của những người da màu trên miền đất hứa Mỹ quốc. Toni Morrison từng nói, nguồn cảm hứng thôi thúc bà sáng tác chính là hiện thực của người Mỹ gốc Phi – một hiện thực khốc liệt pha trộn các yếu tố bạo lực, tình dục, phân biệt chủng tộc, sự lãng quên gốc rễ, cuộc tìm kiếm bản sắc, các ma thuật đen (black magic), nhạc Jazz, Blues… Trong Mắt biếc, cô bé Pecola đã cầu nguyện hàng năm cho ước mơ có đôi mắt xanh của người da trắng, bởi cô bé tin rằng sự thay đổi màu mắt, màu da sẽ mang đến sự đổi thay số phận. Mẹ của Pecola, Pauline Breedlove, rơi vào căn bệnh “trầm kha” của cộng đồng người da đen: căm ghét chính màu da của mình. Bà giúp việc cho một gia đình người da trắng và đam mê mãnh liệt mọi vẻ đẹp, mọi đồ vật tới con người trong gia đình này. Bà chăm chút cho họ, cho con cái họ còn nhiều hơn cho căn nhà và con cái của mình. Pauline thấy con gái mình sao mà xấu xí đến vậy, và bà chỉ dạy con mình cảm giác bị ruồng bỏ, bị Chúa không yêu thương: “Đối với con trai, bà tạo cho nó ước muốn bỏ đi hoang và đối với con gái, bà khiến nó sợ hãi phải trưởng thành, sợ hãi người khác, sợ hãi đời sống”.  Người cha Cholly vốn là đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi, không cha, nhân cách phần nào bị bóp méo bởi chính môi trường sống đầy rẫy sự cười cợt, kỳ thị, nhục mạ những thân phận da đen như hắn. Tình yêu thương con gái và khao khát được chở che cho đứa trẻ tội nghiệp trong cơn say chếnh choáng đã biến thành cơn cuồng dâm tội lỗi. Và tất cả đã quá muộn cho một loài hoa cúc vạn thọ nở bông sau mọi lỗi lầm của nhân gian.

Tác phẩm khắc họa câu chuyện về một gia đình da đen bị hủy hoại bởi chính sự sợ hãi màu da, cội rễ, từ sự phi giáo dục, bạo lực gia đình, những kỳ thị chủng tộc vẫn diễn ra khắc nghiệt trong môi trường văn minh hiện đại. Khai thác một đề tài đầy nhạy cảm như thế, ngòi bút Toni Morrison đã thể hiện khả năng phản ánh vô cùng bén nhọn, sắc sảo, đầy tính hiện thực và trí tưởng tượng sâu sắc. Với lối văn biến hóa đa dạng, tác giả đã phá vỡ hoàn toàn cốt truyện truyền thống theo tuyến tính thời gian và sắp đặt lại mọi tình tiết truyện theo từng mảnh vỡ, phiến đoạn diễn biến theo mùa. Khởi đầu là mùa Thu, kết thúc là mùa Hạ. Bốn phần của cuốn sách thực sự gây ngạc nhiên đối với độc giả thưởng thức, bởi ám ảnh mùa lại dẫn tới một cảm giác phi thời gian khi các mảnh đoạn của câu chuyện cứ đan cài vào nhau gần như là hỗn loạn, cắt đứt mọi suy diễn và phá tung mọi ràng buộc của logic sự kiện. Người kể chuyện của Mắt biếc được trao cho một cô bé da đen lúc đó 9 tuổi tên là Claudia, và song hành với lời kể trẻ con là một người kể ngôi thứ ba, toàn tri. Xen vào một số đoạn là lời kể – độc thoại – ở ngôi thứ nhất của người mẹ Pauline, lời kể – qua lá thư – của Soaphead Church, một mục sư tự phong, một kẻ bệnh hoạn chuyên lừa đảo những đức tin tội nghiệp đã bắt đầu mục ruỗng trong thời đại “Chúa đã bỏ loài người…”. Tính chất tự sự đa chủ thể như thế cũng là một trong những đặc trưng nổi bật của bút pháp Toni Morrison, một cây bút được “dán nhãn” hiện thực huyền ảo (magical realism) bởi khả năng sử dụng nhuần nhuyễn tinh tế các yếu tố kỳ ảo, ma thuật, huyền thoại trong cách thức phản ánh hiện thực. Với Mắt biếc, Toni Morrison đã trình làng văn chương Mỹ một cuốn sách thực sự ám ảnh và khẳng định được phong cách riêng của một nữ nhà văn đầy bản lĩnh.

Thời gian và tính phi thời gian trong Mắt biếc
Như đã nhắc đến ở trên, cuốn sách thực sự gây ấn tượng bởi kết cấu bốn phần theo mùa: Thu – Đông – Xuân – Hạ. Nhưng điều thú vị là thời gian truyện thực sự lại không chảy theo dòng chảy tuyến tính của bốn mùa. Từng mảnh đoạn của câu chuyện bị chia cắt cứ chực ùa ra khỏi dòng chảy bình thường, để tự do tuôn đi theo mọi ngả đời khiến cho những nhà phê bình phải thốt lên trước “một cảm thức mãnh liệt về tính phi thời gian (timelessness)” hiện diện trong tác phẩm.

Ngay từ đầu truyện (trong đoạn dạo đầu), tác giả đã nói rõ bối cảnh của toàn bộ câu chuyện là mùa thu năm 1941[2]. Điều này khiến cho người đọc xác định một tâm thế rõ ràng về một chuyện kể thuộc về quá khứ khá xa. Và người trần thuật Claudia (lúc bấy giờ thật ra đã lớn) kể lại mọi việc bằng chính đôi mắt trẻ con của mình thuở ấy. Tại sao là mùa thu năm 1941? Năm 1941 – một mốc thời gian hết sức cụ thể – có ý nghĩa như thế nào đối với cấu trúc tác phẩm này? Đó thực sự là một câu hỏi cho vấn đề thời gian. Toni Morrison có thể ngẫu nhiên đặt ra thời gian ấy, không liên quan gì tới một năm 1941 đầy sóng gió trong lịch sử nước Mỹ dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt (trận Trân Châu Cảng huyền thoại xảy ra vào năm này, rồi Mỹ nhảy vào cuộc chiến tranh thế giới thứ hai…). Bởi rõ ràng, những sự kiện có thật kia chẳng có dính dáng gì đến câu chuyện của Pecola đáng thương. Và suốt phần còn lại của thiên truyện, nhà văn chẳng đả động gì đến mốc thời gian này. Tuy nhiên, mở màn với một mốc thời gian như vậy lại như một trò chơi với trí tưởng tượng, sự liên tưởng của độc giả.

Phần mở đầu cho cuốn sách mang tên Mùa Thu. Tại sao lại bắt đầu vào mùa Thu? Và vì sao chọn mùa Hạ ngân lên những giai điệu cuối cùng của một bản hòa tấu đau đớn nhiều cung bậc? Mùa thu ấy, Pecola có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, bắt đầu có khả năng mang thai của một người phụ nữ (nhưng trớ trêu là ngay từ đầu tác phẩm, trong đoạn dạo đầu, nhà văn đã tiết lộ về đứa trẻ chết non của Pecola). Cô bé bị đưa đến ở tạm với nhà MacTeer sau khi người cha nghiện ngập đốt nhà, đuổi vợ con ra đường. Ở đây Pecola đã làm quen với hai chị em Frieda (15 tuổi) và Claudia MacTeer (9 tuổi). Người kể chuyện Claudia thuật lại bối cảnh gia đình mình trong cuộc Đại suy thoái của Mỹ (giai đoạn 1939-1941) và thông qua cái nhìn (thực chất là hồi tưởng) ngây thơ của một cô bé da đen sống giữa cộng đồng mình, nhà văn đã tinh tế khắc họa cuộc sống và những cái nhìn mang tính nhận thức (perception) của các nhân vật trong tác phẩm. Như vậy, từ đầu truyện, tác giả đã thiết lập một mốc thời gian quá khứ (ít nhất là quá khứ đối với người kể chuyện, vì như trong đoạn mở đầu, nhà văn đã xây dựng lời kể ở ngôi thứ nhất của một Claudia đã trưởng thành, nhìn lại và phản ánh các sự kiện trong quá khứ, ở thời thơ ấu của cô ấy: “we thought, at that time,…”). Tuy nhiên, điều thú vị là ở đoạn kể đầu tiên này, nhà văn lại sử dụng thì hiện tại (the simple present tense) cho các động từ kể chuyện. Nghịch lý hiển hiện ấy lại có vẻ phù hợp với mọi nghịch lý đang ngấm ngầm diễn ra ngay từ đầu truyện kể. Đó là:

Thứ nhất, thời gian được thiết lập theo chu kỳ bốn mùa của thiên nhiên, gợi không khí huyền thoại. Pecole bước vào thời điểm của người thiếu nữ trưởng thành, có khả năng sinh nở, như mùa xuân vạn vật sinh sôi. Tuy nhiên, vòng quay thời gian lại bắt đầu vào mùa thu, mùa cây lá bắt đầu lụi tàn, mùa bắt đầu sự hủy diệt. Và ở đấy, người đọc khi chứng kiến kỳ kinh nguyệt xảy ra đầy hoảng hốt của cô bé lại ám ảnh bởi dự báo về cái chết của bào thai mà Pecola sẽ mang sau này.

Thứ hai, tương phản với bức tranh về gia đình hạnh phúc gồm bố, mẹ, Dick và Jane trong ngôi nhà màu xanh, trắng với cánh cửa đỏ xinh xắn trong đoạn mở đầu tiểu thuyết là ngôi nhà xanh lá cây cũ kỹ, lạnh lẽo của gia đình MacTeer. Và thế giới của những cô bé, trong đó có Pecola, đầy ngột ngạt với những tiếng la hét cáu bẳn, với trò bạo lực ghê tởm, và mấy câu chuyện tám tầm phào đầy thô kệch của những người đàn bà, những cô gái điếm… Và cái cách cô bé Claudia phản ứng với con búp bê da trắng đáng yêu (bằng cách phá hủy, xé xác chúng) và ghét những chiếc cốc có hình Shirley Temple (một minh tinh nhí, da trắng, rất nổi tiếng trong điện ảnh Mỹ thời ấy) lại đối lập hoàn toàn với niềm thích thú mê mệt vẻ đẹp lý tưởng của chủng người da trắng và giấc mơ có một đôi mắt xanh biếc của Pecola đáng thương.

Những phần tiếp theo của câu chuyện (mỗi phần được đánh dấu bằng một đoạn văn không có khoảng cách giữa các con chữ trích từ sách về gia đình Dick – Jane) quay ngược về thời gian xa hơn với hình ảnh của ngôi nhà ám đầy bạo lực của gia đình Breedloves. Thời gian được kể bằng thì quá khứ với sự luân phiên trần thuật của người kể chuyện toàn tri (tác giả ẩn tàng) và Claudia. Mỗi mảng kể là những phiến màu khác nhau, giọng điệu, cảm xúc khác nhau cùng soi chiếu cuộc đời, số phận những con người mang họ Breedloves.

Mùa Đông khắc nghiệt nối tiếp với những cảnh đoạn Pecola bị ức hiếp nơi trường học và môi trường sống xung quanh. Cô bé tội nghiệp bị lăng nhục, bị đối xử kỳ thị bất công và cô chỉ biết nép mình sợ hãi.

Mùa Xuân, Claudia kể về chuyện chị gái Prieda của mình bị lão Henry sờ soạng, ông bà MacTeer đánh cho lão một trận và tống cổ ra khỏi nhà. Trong khi đó, Pecola lại bị mẹ hắt hủi vì sự xấu xí của mình, Pauline Breedloves chỉ chăm chút cho cô bé con chủ nhà, say đắm với vẻ đẹp của một gia đình da trắng. Trong phần này, bên cạnh sự trần thuật luân phiên của hai người kể chuyện chính, tác giả còn trao lời cho chính Pauline, từ lúc còn là một cô gái trẻ trong sáng đến khi làm vợ Cholly và biến đổi thành người đàn bà thô bạo. Cũng trong phần Mùa Xuân, nhà văn lại một lần nữa phá vỡ dòng thời gian để quay trở lại với cuộc đời Cholly từ khi mới sinh ra cho tới khi lấy vợ, sinh con. Rồi câu chuyện lại “nhảy cóc” thời gian để nối tiếp đoạn truyện Cholly trong cơn say mèm đã cưỡng bức con gái của mình trong chính căn bếp của gia đình. Pecola sau đó cảm thấy dấu hiệu mang thai, cô bé ôm nỗi đau đớn tột cùng chạy đi cầu xin Soaphead Church ban cho đôi mắt xanh biếc để có thể chấm dứt mọi sự hành hạ.

Mùa Hạ, phần kết của câu chuyện trở lại với người kể chuyện Claudia khi biết tin Pecola mang thai qua những lời đàm tiếu. Thay vì dè bỉu và xa lánh như bao người khác, hai chị em nhà MacTeer lại gieo những hạt giống nơi sân sau nhà và cầu nguyện hoa cúc vạn thọ sẽ nở, một đứa trẻ da đen nữa sẽ được sinh ra, mọi thứ sẽ đều tốt đẹp. Câu chuyện kết thúc ở đấy, nhưng người đọc đã biết trước kết cục: không có phép lạ nào xảy ra, đứa trẻ đã chết và chẳng có bông hoa nào nở vào năm ấy.

Như vậy có thể thấy rằng thời gian truyện kể đã bị cắt vụn thành nhiều mảnh đoạn tạo thành một kết cấu phân mảnh đặc trưng của tiểu thuyết hậu hiện đại. Câu chuyện xây dựng cốt truyện xoay xung quanh nhân vật chính là cô bé Pecola, chủ yếu từ giai đoạn cô bé trở thành thiếu nữ đến khi xảy ra sự việc đau lòng. Tuy nhiên, xếp chồng trên khoảng thời gian ngắn ngủi mà lê thê ấy là những cuộc đời của cha, của mẹ cô bé, của dòng họ Soaphead Church…, khiến cho phân đoạn thời gian trở nên dài hơn, kéo qua nhiều thập kỷ, lùi về xa hơn so với mốc thời gian 1941. Hơn thế nữa, cái cách nhà văn thản nhiên đặt câu chuyện trong thì hiện tại như cố ý nói với chúng ta sự hiện diện của nó giữa đời thực. Phải chăng thế kỷ XX đã qua với sự lên ngôi của quyền lực da màu trên đất Mỹ, nhưng người da đen liệu đã thôi không còn bị kỳ thị, thôi không còn ước mơ về vẻ – đẹp – trắng (white beauty)?

Cuốn tiểu thuyết đặt ra các sự kiện khác nhau, đôi khi rời rạc khó hiểu, bị xẻ cắt một cách “thô bạo” bất chấp quán tính tiếp nhận của độc giả. Nhà văn như “khiêu khích” mọi cách đọc truyền thống, và thời gian dường như mất đi khả năng chi phối dòng chảy của câu chuyện. Bởi kết cục của tác phẩm đã được thông báo ngay khi mở màn, và truyện kể không còn chú tâm vào nội dung để kể, chỉ còn tìm cách lý giải “tại sao”, điều mà Claudia băn khoăn trong lời đầu truyện. Tiểu thuyết chủ yếu được tái hiện bằng dòng hồi tưởng, ngoái lại, nhưng tất cả như còn “mới rợi”, như vẫn đang hiện diện, vẫn đủ sức làm đau lòng người. Bi kịch đó không chỉ thuộc thời quá vãng, mà nó vẫn lẩn khuất đâu đây, trên mảnh đất vẫn còn khô cằn và những bông hoa không nở được. Câu chuyện cứ chập chờn một vùng hoài niệm, một chuỗi hồi ức miên man nhức nhối, thời gian vì thế cứ quanh co gấp khúc theo dòng ý thức của nhân vật, cốt truyện cũng tan theo những mảnh vỡ thời gian, mảnh vỡ tâm trạng. Bên cạnh đó, với việc sử dụng người kể chuyện luân phiên, Toni Morrison tạo ra hiệu ứng thời gian tâm lý phức tạp, đa dạng; tính chất đồng hiện và sự tích tụ các chiều thời gian trên một đoạn truyện kể khiến cuốn tiểu thuyết chứa đựng khả năng “liên văn bản” cao độ.

Khai thác cấu trúc thời gian phi tuyến tính, đồng hiện và khúc xạ qua ý thức nhân vật như vậy, Toni Morrison đồng thời đã phá dỡ hoàn toàn kết cấu thời gian theo mùa do chính tác giả thiết lập trên bình diện hình thức. Thời gian đã bị xáo tung, bị “đập vỡ”, mang lại cảm hứng “phi thời gian” rất rõ. Các sự kiện trong dòng hồi tưởng của Claudia hay trong lời kể của người kể chuyện toàn tri, hoặc dòng ý thức của các nhân vật như Pauline, Cholly… cứ đan lồng vào nhau, bốn mùa thời gian chỉ còn là bốn mùa của các cảm giác khác biệt, gây ấn tượng mạnh trong tiếp nhận của người đọc. Sự thay đổi những giọng kể trong từng phiến đoạn của mùa, của thời gian cũng tạo nên tính chất đa thanh hiện đại cho tác phẩm. Mắt biếc như một bản hòa tấu nhiều cung bậc, với âm nhạc của Jazz, Blues… thâm trầm mà náo động hồn người.

Vai trò của lời mở đầu các chương trong cấu trúc tự sự của Mắt biếc
3.1. Trước khi bắt đầu câu chuyện, nhà văn đặt ra hai khúc dạo đầu. Hai đoạn này không có tiêu đề, cũng không được đánh số. Đầu tiên là đoạn văn về gia đình hạnh phúc của Jane: có cha, mẹ, Dick, Jane, con chó, con mèo và người bạn để chơi với Jane. Đây là hình ảnh trong các cuốn sách có minh họa để dạy cho trẻ em đọc chữ rất thông dụng ở Mỹ vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX[3]. Kế tiếp là lời độc thoại của người kể chuyện ngôi thứ nhất – Claudia MacTeer – với cái nhìn hoài vọng về quá khứ, đầy vẻ từng trải khi nghĩ lại cái nhìn ngây thơ một thời con trẻ “vào thời ấy, chúng tôi đã nghĩ rằng…”. Và sau khi đọc hết cuốn tiểu thuyết, người đọc sẽ nhận ra rằng, lời của người kể chuyện trong đoạn mở đầu này là những suy ngẫm được đặt ra sau khi câu chuyện đã kết thúc từ lâu lắm.

Đoạn văn mở màn về gia đình Jane được viết lặp lại nguyên văn ba lần và nối tiếp nhau không cách đoạn. Lần đầu có đầy đủ dấu câu (Here is the house. It is green and white. It has a red door. It is very pretty. Here is the family. Mother, Father, Dick and Jane live in the green-and-white house. They are very happy…). Đoạn tiếp sau không có dấu ngắt câu hoặc viết hoa (Here is the house it is green and white it has a red door), và đoạn cuối không có dấu câu lẫn khoảng cách giữa các con chữ (Hereisthehouseitisgreenandwhiteithasareddoor). [4] Như vậy, Toni Morrison ngay mở đầu tác phẩm đã cố ý trưng ra hình ảnh lý tưởng của một tuổi thơ, một mái ấm và những giá trị được xác lập từ một gia đình trung lưu da trắng: Người mẹ duyên dáng, người cha mạnh mẽ và những đứa trẻ hồn nhiên, được yêu thương, được chơi đùa… Câu chuyện rõ ràng tương phản một cách sắc nét với cuộc sống của Pecola trong toàn bộ tác phẩm. Một đoạn văn với những phiên bản thứ hai, thứ ba hoàn toàn sai ngữ pháp càng tô đậm sự hỗn độn, khập khiễng, phi lý của hiện thực được khắc họa.

– Những hình ảnh về Dick và Jane trong trang sách dạy đọc cho trẻ em ở Mỹ –

3.2. Thêm vào đó, nhà văn lại tiếp tục ám ảnh người đọc với hình ảnh ấy khi xuyên suốt tiểu thuyết là sự lặp đi lặp lại các câu trích từ truyện tranh này như là các lời mở đầu chương (chapterheads). Thay vì đánh số cho mỗi chương sách, Toni Morrison lại mở đầu bằng những con chữ dính vào nhau không khoảng cách: HEREISTHEHOUSEITISGREENANDWHITEITHASAREDDOORITISVERYPRETYITISVERYPRETTYPRETTYPRETTYP (Đâylàcănnhàmàuxanhvàtrắngcó cáicửamàuđỏcănnhàthậtđẹpđẹpđẹpđ)… Những dòng chữ như thế này xuất hiện mở đầu ở tất cả các đoạn kể của người kể chuyện ngôi thứ ba đã cắt xẻ cấu trúc của truyện kể, chúng cứ song hành và tương phản ngạo nghễ với thế giới đáng thương của cô bé bị hành hạ, tủi nhục, sợ hãi. Những giá trị trắng và đen như thế được xác lập như một ranh giới và như một niềm mơ ước vĩnh viễn không đạt tới được trong nhận thức của Pecola – đại diện cho rất nhiều số phận da đen trên mảnh đất của những chú Sam. Cho đến cuối tác phẩm, sự tương phản chói gắt đó đã lên tới đỉnh điểm bằng sự cuồng loạn, mê sảng của cô bé và sự dối trá của tên linh mục Soaphead Church khi cho cô bé thứ thuốc có thể biến đôi mắt đen thành mắt xanh như ước nguyện.

Có tất cả 7 đoạn đặt làm tiêu đề của chương như vậy. Tất cả đều gắn với người kể chuyện hàm ẩn (những chương do Claudia kể thì lại không có những dòng mở đầu như thế). Các dòng này đều được viết dính vào nhau và thường kết thúc lơ lửng một từ không trọn vẹn. Chẳng hạn, trong phần Mùa Xuân, mở đầu cho đoạn viết về nhân vật mẹ của Pecola, tức bà Pauline Breedloves, từ giai đoạn còn con gái đến khi về làm vợ của Cholly, nhà văn đưa ra hình ảnh về người mẹ trong tranh vẽ về tổ ấm của Jane: SEEMOTHERMOTHERISVERYNICEMOTHERWILLYOUPLAYWITHJANEMOTHERLAUGHSLAUGHMOTHERLAUGHLA (Hãy nhìn má má thật dễ thương má có muốn chơi với Jane không má cười má cười má cười[5]). Các đoạn sử dụng như tiêu đề của một chương truyện như vậy thường có nội dung gắn với vấn đề liên quan đến chương đó. Như dẫn chứng trên đề cập đến người mẹ, thì trong chương này, nhà văn tập trung kể chuyện về người mẹ. Chương tiếp theo khai thác những câu viết về cha của Jane thì tương tự như thế, ông bố tội lỗi Cholly là nhân vật trung tâm được khắc họa trong phần này. Sự song hành đó hẳn có dụng ý rõ ràng, đầy tính mỉa mai châm biếm. Dường như nhà văn đang muốn tô đậm sự khập khiễng giữa hai hình ảnh, giữa trang sách của trẻ em với cuộc đời thực của một đứa trẻ da đen như Pecola. Đó cũng là một cách liên văn bản thú vị, tạo nên tính đa âm của tiểu thuyết. Các dòng mở đoạn như một tuyến khác cứ chực thoát ra khỏi khuôn chảy tuyến tính của truyện, trong khi nội dung bên trong chương đó lại chảy đi một đường khác. Âm hưởng, giọng điệu của hai bên cũng tương phản chói gắt và khi đặt kề bên nhau, chúng giống như những mảnh vỡ chẳng thể nào hòa hợp. Sự phá vỡ cấu trúc ngữ pháp của dòng mở đầu các chương sách như vậy đồng thời cũng phá vỡ kết cấu tác phẩm, lồng trong chuỗi ký ức hồi tưởng của Claudia là cái nhìn đầy vẻ chiêm nghiệm của người kể chuyện – tác giả hàm ẩn, và cả dòng ý thức của những nhân vật khác như Pauline, Cholly, Soaphead Church…

3.3. Phần dạo đầu thứ hai là một đoạn văn ngắn với lời tự thuật của Claudia MacTeer, nhìn lại quá khứ và tự hỏi nguyên do tấn bi kịch của Pecola tội nghiệp. Lời kể của Claudia đầy vẻ chiêm nghiệm với những bâng khuâng mất mát đã hằn in dấu ấn lên thời thơ ấu trẻ dại của cô và niềm day dứt với sự thật lạnh lùng rằng năm ấy không có bông hoa cúc vạn thọ nào nở, mảnh đất khô cằn không thể gieo trồng bất cứ hạt giống nào nữa. Như thế, bi kịch được thông báo ngay từ đầu truyện với kết cục đã hiển hiện. Nhà văn dường như không quan tâm đến tính bất ngờ, tạo cao trào cho truyện kể. Người đọc cũng không còn giữ tâm thế chờ câu chuyện được giải quyết, mà sự tập trung của họ bắt đầu soi vào nỗi băn khoăn của Claudia. Đến đây, ta lại thấy rằng, nếu như vậy câu chuyện đã chuyển hóa từ vấn đề của Pecola thành vấn đề của Claudia và của cả độc giả. Người kể chuyện với cái nhìn và sự đánh giá của cô ấy mới là trung tâm của cuốn tiểu thuyết. Khúc dạo đầu ngắn ngủi như thế đã xoay chiều toàn bộ truyện kể, khiến cho cấu trúc truyện kể thiên về cấu trúc tâm lý. Mọi sự kiện được soi rọi dưới ánh sáng của những chuỗi hồi ức, thời gian đảo ngược, cốt truyện liên tục bị cắt xẻ, chen ngang bởi lời kể của người kể chuyện ngôi thứ ba, bổ sung những lớp truyện phụ, hỗ trợ cho người đọc nhận diện thêm nhiều gương mặt, nhiều đời sống với những ẩn ức có cội rễ từ quá khứ. Mặt khác, chúng ta có thể thấy lối viết hiện đại đầy nước đôi của Morrison, khi mọi khởi đầu đã mang mầm mống của sự kết thúc và mọi thiết lập đều là sự tháo dỡ, tiểu thuyết trở thành câu chuyện về chính nó.

Bên cạnh đó, việc tác giả để một Claudia – đã lớn – kể lại câu chuyện bằng đôi mắt của một Claudia – nhỏ tuổi – cũng là một cách xử lý đầy thông minh của một cây bút có nội lực, có tầm hiểu biết sâu rộng như Toni Morrison. Vì hẳn chúng ta phải thấy rằng, hiện thực được tái hiện một cách tinh tế mà vẫn không đánh mất cái nhìn ngây thơ của một đứa trẻ. Những suy nghĩ hồn nhiên về cuộc sống được thuật lại tự nhiên, thành thật lại có sức ám ảnh, tố cáo dữ dội. Mọi quan sát, chiêm nghiệm của nhà văn đã nhập vào điểm nhìn của nhân vật. Toni Morrison đã tự tước bỏ quyền được bày tỏ mọi triết lý của mình trong tiểu thuyết một cách trực tiếp, bởi nói như Milan Kundera, tiểu thuyết là “lãnh địa của trò chơi và của những giả thiết”[6]. Sự băn khoăn của Claudia ở đầu câu chuyện và khi kết thúc chỉ là cách tác giả đặt ra cho độc giả “những bài tập suy nghĩ, trò chơi của những nghịch lý…”[7].

Kết luận
“Tại một miền đất chỉ yêu thích những đứa bé tóc vàng, mắt xanh, ai sẽ khóc than cho những giấc mơ của một cô bé da đen?” (Mắt biếc, tr.7)

Toni Morrison đã viết lại huyền thoại về nỗi đau khổ của chủng tộc mình bằng một câu chuyện đầy xúc động, ám ảnh. Những giấc mơ đã bị khước bỏ mà con người nhắc lại không chỉ như những di tích hoang tàn của lịch sử, mà còn là ấn tượng về một vùng hồi ức vẫn còn sức khuấy động hiện tại. Mọi sự kiện được gọi về trong dòng hồi tưởng của người kể chuyện cũng giống như hành trình đi tìm cội rễ, tìm bản sắc và giải quyết những vấn đề lịch sử của nhiều nhân vật khác trong thế giới hư cấu của Toni Morrison như Seth, Paul D (Beloved) hay Milkman (Song of Solomon)…

Khai thác trí tưởng tượng tràn trề, khả năng sáng tạo nhiều biến hóa, Toni Morrison đã đưa người đọc lạc bước trong thế giới đa chiều, hỗn độn về mặt thời gian và phi lý, rạn vỡ những chuẩn mực của hiện thực. Những đứa trẻ sẽ lớn lên, không quên ký ức về hai anh em Dick và Jane, nhưng rồi chúng sẽ trở thành những người Cha, người Mẹ đẹp đẽ như trong trang sách? Hay Jane sẽ thành Pauline Breedloves, còn Dick ẩn hiện trong Gatsy của Fitzegald hay Nick Adams của Hemingway? Với Pecola, “mọi sự đã trễ, đã quá trễ rồi” (Mắt biếc, tr.302), nhưng với giấc mơ về tình yêu, thân phận, hạnh phúc, phải chăng chỉ mới bắt đầu?!

Viết xong ngày 6/4/2012

Sau hơn một tháng dây dưa, hic^^

[1] Bản dịch của Phan Quang Định, NXB Trẻ, 1995.

[2] Bản dịch của Phan Quang Định ghi nhầm thành năm 1914. Có lẽ do lỗi morat!

[3] Dick and Jane là một bộ sách do William S.Gray và Zerna Sharp biên soạn, được sử dụng để dạy học cho trẻ em Mỹ trong khoảng thời gian từ những năm 1930 đến 1970.

[4] Bản dịch của dịch giả Phan Quang Định rất tiếc chưa thể hiện được điều này.

[5] Bản dịch của Phan Quang Định – Trong bản dịch không thấy được ý này vì vẫn ghi cách chữ, kết thúc vẫn đủ từ.

[6] Milan Kundera – Tiểu luận, Nguyên Ngọc dịch, NXB Văn hóa thông tin, TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2001, tr.82.

[7] Sđd, tr.82.

Nữ nhà văn Toni Morrison qua cái nhìn của Nguyễn Phương Khánh (Kỳ I)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây