Triển lãm kiếm cổ của Nhật Bản

Triển lãm kiếm cổ của Nhật Bản

HÀ NỘI Năm thanh cổ kiếm cùng nghệ thuật Kiếm đạo của Nhật Bản được giới thiệu trong triển lãm từ ngày 30/4 đến 10/5.

Sự kiện khai mạc tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt ở Bát Tràng, Gia Lâm ngày 30/4, tâm điểm là năm thanh kiếm cổ. Trong đó, “Thượng phương bảo kiếm” được chế tác riêng cho Mạc chúa Tokugawa Iemochi, người trị vì toàn cõi Nhật Bản từ năm 1858-1866. Các bảo vật đều được chứng nhận bảo tồn bởi Nihon Bijutsu Token Hozon Kyokai (Hiệp hội Bảo tồn Kiếm thuật Nhật Bản), hiện thuộc sở hữu của các nhà sưu tập tư nhân.

Tại sự kiện, ban tổ chức giới thiệu tới khách tham quan quy trình để ra đời một thanh kiếm theo tiêu chuẩn của người Nhật. Thợ vũ khí thường chọn loại thép tamahagane để rèn. Họ nung nóng, gấp miếng kim loại nhiều lần theo chiều ngang, dọc và dùng búa để tạo hình lưỡi kiếm. Mảnh thép sau đó được làm sạch và phủ đất sét, đá cho nguội. Mỗi thợ làm vũ khí đều có bí quyết riêng trong khâu này để cho ra đời những chiếc khác biệt.

Khi phần lưỡi thô được hoàn thành, thợ rèn sẽ mài bóng kiếm lần lượt bằng 13 loại đá, mất khoảng 120 giờ cho mỗi chiếc. Bước này gọi là “toghisi”, để tinh chỉnh hình dạng và tăng tính thẩm mỹ. Họ cũng khắc tên của mình lên phần cán kiếm sau khi hoàn thành, như chữ ký đánh dấu trong một tác phẩm nghệ thuật.

Nhan vien trien lam gioi thieu cac buoc san xuat kiem cho khach tham quan min - Triển lãm kiếm cổ của Nhật BảnNhân viên triển lãm giới thiệu các bước sản xuất kiếm cho khách tham quan. Ảnh: CHỌN de l’art

Sau đó, kiếm được chuyển đến các thợ sản xuất phụ kiện, gọi là “sayashi”, để làm vỏ bọc. Theo truyền thống, người Nhật chọn gỗ hinoki với sừng trâu để thực hiện. Một sản phẩm được cho là hoàn hảo nếu kiếm không bị tuột khỏi vỏ khi úp ngược nhưng vẫn dễ dàng rút ra chỉ bằng một lực đẩy nhẹ.

Kiếm tiếp tục được đưa đến một nghệ nhân để quấn cán. Mỗi cây katana cần ít nhất 4 m dây Ito, thường được làm từ sợi bông, lụa, da và giấy quét sơn mài. Họ cũng sử dụng da cá đuối, cá mập để bọc ngoài cán kiếm. Nhiều võ sĩ đạo Samurai trang trí thêm các loại kim loại, đá quý để thể hiện đẳng cấp và bản sắc của mình trên vũ khí.

Ngoai cac thanh kiem trien lam trung bay nhieu mon do ve van hoa Nhat Ban min - Triển lãm kiếm cổ của Nhật BảnNgoài các thanh kiếm, triển lãm trưng bày nhiều món đồ về văn hóa Nhật Bản. Ảnh: CHỌN de l’art

Ban tổ chức cũng trưng bày nhiều món đồ khác về nghệ thuật Kiếm đạo Nhật Bản như giáp, mặt nạ, phụ kiện của Samurai hay các dụng cụ trong quá trình rèn vũ khí.

Ông Vũ Tuấn Anh – đại diện ban tổ chức – cho biết: “Qua triển lãm, chúng tôi mong muốn lan tỏa những giá trị văn hóa nghệ thuật của Nhật Bản, đồng thời nhắc nhở việc lưu giữ văn hóa nghệ thuật của Việt Nam cần phải được nâng cao và nhân rộng hơn nữa”.

Đạt Phan

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây