Truyện ngắn đặc sắc thế giới – Dịch giả Phạm Đức Hùng – Kỳ 2

Truyện ngắn đặc sắc thế giới - Dịch giả Phạm Đức Hùng - Kỳ 2 - Văn Học

Anh Pham Duc Hung min - Truyện ngắn đặc sắc thế giới - Dịch giả Phạm Đức Hùng - Kỳ 2Dịch giả Phạm Đức Hùng

 

Truyện ngắn đặc sắc thế giới – Dịch giả Phạm Đức Hùng – Kỳ 2

 

ANH CHÀNG ZIEGLER

HERMANN HESSE

Trước đây, một chàng trai trẻ có tên là Ziegler đã sống ở ngõ Brauer. Anh là một trong những người thường xuyên ngày nào cũng gặp chúng tôi ở trên đường phố và chưa bao giờ chúng tôi có thể ghi nhớ chính xác khuôn mặt của những người ấy, vì tất cả bọn họ cùng có khuôn mặt giống nhau: một khuôn mặt bình thường ở giữa đám đông.

Ziegler luôn luôn giống những con người như thế về mọi thứ và luôn luôn làm tất cả những gì mà họ làm. Anh không phải là người bất tài, nhưng cũng không có tài, anh ta thích tiền và thú vui, thích mặc quần áo đẹp và cũng e sợ như phần lớn mọi người: cuộc sống và hành động của anh bị chi phối qua những khao khát và ước vọng ít hơn so với qua những sự ngăn cấm, qua nỗi sợ hãi trước sự trừng phạt. Anh cũng có một số đức tính tốt và nói chung là một người dễ mến bình thường mà chính bản thân anh cũng thấy mình rất đáng yêu và quan trọng. Anh coi mình là một con người như bất cứ người nào trong khi anh chỉ là một cá thể, và nhìn thấy tâm điểm của mọi người trong con người mình, trong số phận của mình như bất kỳ ai. Anh chả bao giờ hoài nghi, và nếu các sự việc trái với nhân sinh quan của anh thì anh chỉ nhắm mắt tỏ ý không không tán thành.

Là người thức thời, ngoài việc rất quý trọng đồng tiền Ziegler còn rất coi trọng sức mạnh của khoa học. Thực ra, anh chẳng biết nói khoa học là gì, tuy nhiên anh nghĩ đến cái gì đó như phép thống kê và cũng nghĩ một chút đến vi khuẩn học. Có lẽ anh biết nhà nước dành bao nhiêu tiền và danh dự cho khoa học. Anh đặc biệt coi trọng việc nghiên cứu ung thư, vì cha anh chết vì bệnh này, và Ziegler nhận định, nền khoa học phát triển ở trình độ cao ngày nay sẽ không cho phép điều ấy một ngày nào đó xảy ra đối với anh.

Bề ngoài Ziegler nổi bật qua việc cố gắng mặc thứ gì đó vượt quá khả năng tài chính của mình, luôn hợp mốt của năm. Đương nhiên anh coi khinh những mốt của quý và của tháng như là sự đua đòi ngu ngốc vì vượt quá nhiều khả năng của anh. Anh chú trọng nhiều đến tư cách, dám chửi cấp trên, chửi chính quyền cùng với những người ngang hàng với mình và ở những nơi an toàn. Có lẽ tôi đang mô tả quá lâu về con người này. Nhưng Ziegler thực sự là một người trẻ hấp dẫn, và chúng tôi đã mất đi nhiều thứ ở anh. Vì anh đã gặp phải kết cục chóng vánh và lạ lùng, trái với những dự định và những niềm hy vọng chính đáng của anh.

Không lâu sau khi Ziegler đến ở thành phố của chúng tôi, một hôm anh quyết định tổ chức cho mình một ngày chủ nhật vui vẻ. Anh chưa kết thân với ai và chưa gia nhập hội nào vì còn đang do dự. Có thể đó là tai họa của anh. Thật không may khi người ta chỉ có một mình. Vì vậy Ziegler buộc phải nghĩ đến các danh lam thắng cảnh của thành phố mà anh đã dò hỏi kĩ lưỡng. Và sau khi kiểm tra cần thận anh quyết định đi chơi ở Bảo tàng lịch sử và ở vườn thú. Vào các buổi sáng chủ nhật thì bảo tàng mở cửa miễn phí, còn vườn thú thì giảm giá vé tham quan vào buổi chiều.

Trong bộ comple mới có cúc bọc nỉ mà anh rất thích Ziegler đi đến Bảo tàng lịch sử vào chủ nhật. Anh mang theo chiếc ba toong mảnh mai của mình, một chiếc ba toong bốn cạnh, được đánh véc ni màu đỏ mang lại cho anh phong thái đĩnh đạc và sự sang trọng, nhưng anh cảm thấy rất khó chịu khi bị người gác cửa thu giữ trước khi anh đi vào các phòng trưng bày của bảo tàng.

Ở trong các phòng rộng người ta có thể xem đủ thứ, và Ziegler, một người ngoan đạo, vô cùng khâm phục nền khoa học toàn năng cũng đang chứng tỏ sự xác thực đáng kinh ngạc của nó ở đây, khi  anh tự tìm hiểu được các thông tin về nó qua những sự ghi chép cẩn thận ở các tủ trưng bày hiện vật. Những món đồ cũ như các chìa khóa cổng han gỉ, những cái kiềng đeo cổ màu xanh gỉ đồng bị bị gãy và những thứ tương tự mang lại cho Ziegler một sự thích thú lạ thường. Điều tuyệt vời là những người làm khoa học quan tâm đến tất cả mọi thứ khi họ am hiểu tất cả và ghi chép lại. Ziegler nghĩ, chắc chắn chẳng bao lâu nữa khoa học sẽ loại bỏ được bệnh ung thư và có thể là cả cái chết nữa.

Trong phòng trưng bày thứ hai Ziegler thấy có một cái tủ kính, bề mặt của nó phản chiếu rất rõ, nên Ziegler có thể đứng lại một lát để ngắm bộ comple, ngắm kiểu tóc, ngắm cổ áo, ngắm chiếc quần là li thẳng tắp của mình, kiểm tra xem cà vạt có còn được thắt ngay ngắn hay không với sự cẩn thận và mãn nguyện. Anh hít thở thật mạnh, vui vẻ bước tiếp và chăm chú ngắm nghía một vài sản phẩm của những thợ chạm khắc gỗ thời xưa. Anh thầm khen những người thợ tài hoa đã tạo ra những sản phẩm tinh xảo này. Anh cũng chiêm ngưỡng một cái đồng hồ đứng cổ có những bức tượng nhỏ làm bằng ngà voi đang nhảy điệu mơnuet khi điểm giờ và hết sức khâm phục những người thợ đã làm ra nó. Sau đó Ziegler cảm thấy bắt đầu hơi chán với việc đi tham quan, anh ngáp dài và liên tục rút chiếc đồng hồ bỏ túi của mình ra ngắm nghía, có lẽ anh muốn khoe nó với mọi người, nó được làm bằng vàng và là một món đồ thừa kế từ cha anh.

Ziegler thấy mình vẫn còn nhiều thời gian cho đến lúc ăn trưa nên anh đi vào một phòng trưng bày khác, nơi có thể khơi dậy lại sự tò mò của anh. Tại đây người ta trưng bày các đồ đạc của sự mê tín dị đoan thời trung cổ, những quyển sách ma thuật, những cái bùa, trang phục phù thủy và ở trong một góc phòng có cả một xưởng giả kim thuật với lò luyện, những chiếc cối, những chiếc cốc phình bụng, những chiếc bàng quang lợn khô đét, các ống bệ và nhiều thứ khác. Góc phòng này được ngăn cách bởi một dây thừng bằng len, ở đó còn có một cái bảng để dòng chữ “Cấm sờ vào hiện vật”. Nhưng vì chỉ có một mình anh ở trong phòng nên anh không ngần ngại với tay qua sợi dây thừng và sờ vào một vài thứ trong số những đồ vật ngồ ngộ. Anh đã nghe nói và đã đọc về thời trung cổ và sự mê tín dị đoan đến tức cười ở thời đó; anh không thể hiểu được, làm sao con người thủa ấy lại có thể làm việc với những dụng cụ nực cười như vậy, và tại sao người ta không làm một việc đơn giản là cấm toàn bộ những trò quỷ thuật và các dụng cụ đó. Tuy nhiên cũng từ giả kim thuật mà môn hóa học rất hữu ích ra đời. Chúa ơi! Thật lạ là người ta nghĩ rằng có thể những chiếc lò nấu kim loại của nhà giả kim thuật và toàn bộ món đồ ma thuật nực cười kia đã thực sự cần thiết, vì nếu không có những thứ đó thì ngày nay sẽ không có thuốc aspirin và bom ngạt!

Ziegler vô tư cầm trên tay một viên nhỏ màu đen, khô kiệt, nhẹ bẫng, hơi giống một viên thuốc, vân vê nó và vừa mới định đặt nó xuống thì anh nghe thấy tiếng chân người ở phía sau mình. Anh quay người lại, nhìn thấy một vị khách tham quan đã bước vào phòng trưng bày. Ziegler thấy ngượng về việc anh cầm trên tay viên thuốc, vì rõ ràng là anh đã đọc bảng “Cấm sờ vào hiện vật”. Do đó anh nắm bàn tay lại, đút tay vào túi quần và đi ra khỏi phòng trưng bày.

Mãi đến khi đi trên đường phố Ziegler mới lại sực nhớ đến viên thuốc ở trong túi quần. Anh móc nó ra và định vất nó đi, nhưng sau đó anh đưa nó lên mũi ngửi. Nó có mùi thơm nhẹ giống như mùi nhựa thông mà anh rất thích, vì vậy anh lại đút nó vào túi quần.

Bây giờ Ziegler đi vào nhà hàng, gọi món ăn, lật giở vài tờ báo, tay mân mê cà vạt và ném những cái nhìn vừa kính cẩn vừa kiêu ngạo về phía những thực khách, tùy kheo cách ăn mặc của họ. Nhưng khi đợi bồi bàn mang thức ăn cho mình Ziegler móc viên thuốc của nhà giả kim thuật mà anh đã vô tình đánh cắp ra và ngửi nó. Sau đó anh cạo nó bằng ngón móng của ngón tay trỏ, cuối cùng anh nảy sinh sự thèm muốn ngu ngốc và đưa nó lên miệng; nó nhanh chóng tan trong mồm Ziegler mà không có vị khó chịu, cho nên anh nuốt nó xuống bụng cùng với một ngụm bia. Ngay sau đó bồi bàn cũng mang thức ăn cho anh.

Vào lúc hai giờ Ziegler nhảy xuống từ một toa xe điện, bước vào sân trước của vườn thú và mua một vé vào cửa ngày chủ nhật. Anh khoan khoái mỉm cười đi đến khu nuôi nhốt khỉ và đứng trước cái chuồng lớn của tinh tinh. Con tinh tinh nháy mắt với Ziegler, thân thiện gật đầu với anh và nói bằng giọng ồm ồm các từ: “Khỏe chứ, người anh em?” Ziegler vô cùng ngạc nhiên, hoảng sợ quay ngoắt mặt đi và nghe thấy con tinh tinh chửi ở phía sau mình khi anh bỏ đi: “Đồ kiêu ngạo ngu ngốc!”

Ziegler đi nhanh sang chỗ những con khỉ đuôi dài. Chúng tinh ngịch nhảy nhót và gào lên: “Đưa đường đây, anh bạn!” Và khi Ziegler không có đường cho chúng, chúng nổi giận, bắt chước điệu bộ của anh, gọi anh là kẻ nghèo kiết xác và nhe răng ra với anh. Ziegler không chịu nổi điều đó, anh sửng sốt, luống cuống bỏ chạy và đi sang chỗ nuôi nhốt hươu nai và hoẵng, những con vật mà Ziegler hy vọng sẽ đối xử tử tế hơn đối với anh.

Một con nai to, dáng đẹp đứng gần lưới sắt và nhìn Ziegler. Khi đó anh vô cùng hoảng sợ. Vì từ khi anh nuốt viên thuốc ma thuật cổ thì anh hiểu được tiếng nói của các loài vật. Và con nai nói bằng đôi mắt to màu nâu của mình. Cái nhìn lặng lẽ của nó nói lên sự quý phái, sự hiền lành và sự buồn rầu, nó đang bày tỏ một sự khinh bỉ tột cùng đối với Ziegler, một sự khinh bỉ đáng sợ. Qua cái nhìn lặng lẽ, oai vệ của con nai Ziegler hiểu rằng nó muốn nói, anh, một kẻ ăn mặc lịch sự có mũ, gậy ba toong và đồng hồ thì cũng chẳng hơn gì một con bọ chét, một loài côn trùng kinh tởm và đáng ghét.

Từ chỗ con nai Ziegler bỏ chạy đến chỗ con sơn dương, từ đó đến chỗ những con linh dương, con lạc đà không bướu, con linh dương đầu bò, đến chỗ những con lợn rừng và những con gấu. Anh không bị những loài vật này lăng nhục, nhưng bị tất cả bọn chúng khinh bỉ. Anh lắng tai nghe chúng nói chuyện và qua các cuộc đối thoại của chúng biết được chúng nghĩ về con người kinh khủng như thế nào. Chúng đặc biệt ngạc nhiên về việc chính những con người xấu xí, bốc mùi hôi hám, đáng khinh kia lại được phép tự do đi lại trong những những lớp vải bao bọc cơ thể tức cười của mình.

Ziegler nghe thấy một con sư tử châu Mỹ nói với con của mình, một câu chuyện đầy nhân phẩm, khôn ngoan và sáng suốt mà anh hiếm khi nghe được ở con người. Anh nghe thấy một con báo đen đẹp bày tỏ ý kiến ngắn gọn, rành mạch trong những lời lẽ thâm thúy về lũ khách tham quan vườn thú vào ngày chủ nhật. Anh nhìn vào mắt của con sư tử lông vàng và biết được thế giới hoang dã tuyệt diệu và rộng lớn như thế nào, nơi không có các khu nuôi nhốt thú và con người. Anh nhìn thấy một con chim cắt buồn bã, kiêu hãnh đậu trên cành cây khô trong sự sầu muộn tê tái và nhìn thấy những con chim giẻ cùi chịu đựng sự giam cầm cùng với sự thắc mắc, sự nhún vai và sự hài hước.

Đờ đẫn và bứt ra khỏi những suy nghĩ của mình Ziegler lại quay về với con người trong sự tuyệt vọng. Anh tìm một ai đó hiểu được sự lo lắng và nỗi sợ hãi của anh. Anh lắng tai nghe các câu chuyện của con người để nghe được một điều gì đó dễ hiểu, gần gũi và thân mật. Anh để ý đến điệu bộ của nhiều người khách tham quan vườn thú để cũng tìm thấy ở ai đó trong số họ nhân phẩm, bản tính, sự cao thượng và tình yêu đồng loại.

Nhưng Ziegler bị thất vọng. Anh nghe thấy các giọng nói và các lời nói, nhìn thấy những cử chỉ, những điệu bộ, những cái nhìn của con người, và vì bây giờ anh nhìn mọi thứ như nhìn bằng mắt của một con vật nên anh chẳng thấy gì ngoài một đám đông xấu xa, đồi bại, giả tạo, dối trá của những sinh vật giống thú mà hình như là sự pha trộn nực cười của tất cả các loài.

Ziegler đi lang thang một cách tuyệt vọng, vô cùng xấu hổ về bản thân. Từ lâu anh đã vứt chiếc ba toong vào bụi rậm, sau đó là găng tay. Nhưng giờ đây, khi anh vứt chiếc mũ của mình đi, cởi giầy, giật cà vạt ra và khóc nức nở tựa người vào lưới sắt của chuồng nai, thì anh bị bắt trong sự ngỡ ngàng của mọi người và bị đưa vào một nhà thương điên.

 

CON SÓI

HERMANN HESSE

Chưa bao giờ ở vùng núi nước Pháp có một mùa đông dài và lạnh khủng khiếp như thế này. Từ nhiều tuần nay không khí trong trẻo, khô và rất lạnh. Ban ngày những triền tuyết rộng mênh mông, chênh chếch, trắng xóa nằm dưới bầu trời xanh ngắt; ban đêm mặt trăng bé nhỏ vô tư chiếu sáng chúng, mặt trăng lạnh lẽo có vầng hào quang màu vàng, ánh sáng của nó trở nên mờ ảo, xanh xanh trên tuyết khiến cho cái lạnh càng thêm tê tái. Mọi người đều tránh ra đường, đặc biệt là lên núi. Họ ngồi tán dóc và văng tục ở những ngôi nhà trong làng, ban đêm những ô cửa sổ màu đỏ của chúng hiện ra lờ mờ cạnh ánh trăng xanh và ánh đèn ở trong đó thường tắt sớm. Đó là khoảng thời gian khó khăn đối với những con thú ở trong vùng. Nhiều con nhỏ bị chết rét, ngay cả những con chim cũng chết vì băng giá, những xác chết gày gò rơi xuống làm mồi cho những con chim diều hâu và lũ sói. Nhưng cũng chính những con thú này đã chịu đựng được cái đói và cái lạnh khủng khiếp. Chỉ có ít gia đình sói sống ở đó, hoàn cảnh khó khăn đã dồn chúng lại thành đàn đông hơn. Ban ngày chúng đi riêng rẽ ra khỏi hang. Đây đó có một con đi quanh quẩn trên tuyết, nó gầy, đói, rất thính, im lặng và sợ sệt như một bóng ma. Cái bòng gầy nhom của nó lướt đi trên mặt tuyết bên cạnh nó. Nó giương mõm đánh hơi ở trong gió và thỉnh thoảng dỏng tai nghe tiếng tru khô khốc, đau đớn. Buổi tối cả đàn sói đi ra khỏi hang và chen chúc cùng với tiếng tru khàn khàn quanh các làng. Ở đó gia súc và gia cầm được bảo vệ cẩn thận, và phía sau những cánh cửa sổ được bịt chắc chắn luôn có những khẩu súng săn sẵn sàng nhả đạn. Chỉ họa hoằn chúng mới bắt được một con mồi nhỏ, chẳng hạn như một chó, và hai con trong đàn đã bị bắn chết. Băng giá vẫn còn kéo dài. Những con sói thường cùng nằm im, con nọ cạnh con kia để ủ ấm cho nhau, và sợ sệt lắng nghe những âm thanh nơi hoang vu chết chóc, cho đến khi một con bị những cơn đói hành hạ, bất ngờ nhảy lên cùng với tiếng tru ghê rợn. Sau đó tất cả những con khác quay mõm về phía nó, run rẩy và cùng nhau tru lên một cách thảm thiết, đáng sợ. Cuối cùng một số con trong đàn cũng đi kiếm ăn. Buổi sáng chúng rời khỏi những chiếc hang của mình, tụ tập lại, rụt rè và sợ sệt đánh hơi trong không khí lạnh buốt. Sau đó chúng chạy nước kiệu nhanh và đều. Những con ở lại đờ đẫn nhìn theo chúng với ánh mắt xa xăm, chạy theo một đoạn, chần chừ dừng lại và chậm chạp quay về những chiếc hang trống rỗng. Vào buổi trưa những con đi kiếm ăn tách nhau ra. Ba con trong số chúng đi sang phía Đông về dãy núi Jura, phần nằm trên lãnh thổ Thụy Sỹ. Những con khác tiếp tục đi về phía Nam. Ba con đi về phía Đông là ba con sói to, khỏe, nhưng đã bị gầy xọm đi. Cái bụng to đã bị tóp lại, lép kẹp, những cái xương sườn nhô ra ở trên ức, những cái mõm bị khô và những đôi mắt xa xăm, tuyệt vọng. Cả ba con đều đi sâu vào dãy núi Jura. Ngày thứ hai chúng bắt được một con cừu, ngày thứ ba một con chó, một con ngựa non và bị những người nông dân tức giận truy đuổi từ mọi phía. Ở trong vùng có nhiều làng mạc và thị trấn, nỗi hoảng sợ lan rộng vì sự xuất hiện bất thường của lũ sói. Những người lái xe trượt tuyết đưa thư được trang bị vũ khí, không có súng không ai đi từ làng này sang làng khác. Ở vùng đất lạ ba con sói đều cảm thấy sợ sệt, tuy nhiên chúng trở nên khỏe mạnh hơn sau khi kiếm được mồi ngon và trở nên liều lĩnh hơn, chúng xâm nhập vào chuồng bò của một nông trại giữa ban ngày. Những con bò rống lên. Tiếng kêu răng rắc của những hàng rào chắn bằng gỗ nứt nẻ, tiếng giậm chân huỳnh huỵch và hơi thở nóng, phì phò của những con bò tràn ngập không gian chật hẹp, ngột ngạt. Nhưng lần này thì mọi người đã ra tay. Đó là cái giá phải trả cho những con sói, điều đó làm tăng thêm lòng dũng cảm của những người nông dân. Họ đã giết chết hai con trong số chúng, một con bị một phát đạn súng săn bắn xuyên qua cổ, con kia bị chém chết bằng rìu. Con thứ ba trốn thoát và chạy rất lâu, cho đến khi nó kiệt sức, nằm xuống tuyết. Nó là con sói khỏe nhất và đẹp nhất trong ba con, một con sói lớn có sức mạnh dồi dào và những động tác nhanh nhẹn. Nó nằm yên thở hồng hộc một lúc lâu. Những đốm máu đỏ quay tròn trước mắt nó, và thỉnh thoảng nó phát ra một tiếng rên dài, đau đớn. Một người đã ném rìu trúng lưng nó. Tuy nhiên, sau khi nằm nghỉ nó lại có thể đứng lên. Trước tiên nó nhìn xem nó đã chạy được bao xa. Nơi đây không hề có người và nhà dân. Ngay trước mặt nó là một ngọn núi phủ tuyết, hùng vĩ. Đó là núi Chasseral. Con sói đi vòng qua ngọn núi. Khi cơn khát hành hạ nó ăn những miếng nhỏ của lớp băng đông cứng trên mặt tuyết. Nó gặp một ngôi làng ở phía bên kia của ngọn núi. Lúc này trời đã về chiều. Nó đợi trong một rừng thông rậm. Sau đó nó rón rén đi quanh bờ rào của các khu vườn, theo mùi của các khu chuồng ấm áp. Không có ai ở ngoài đường. Nó sợ sệt, lim dim mắt nhìn hau háu xuyên qua khe giữa các ngôi nhà. Khi đó một tiếng súng vang lên. Nó ngẩng đầu lên và bắt đầu chạy khi tiếng súng thứ hai nổ. Nó bị trúng đạn. Chiếc bụng màu trắng đục của nó bị nhuốm máu ở mạng sườn, nhỏ xuống từng giọt to, đặc quánh. Tuy thế, nó vẫn chạy thoát bằng những cú nhảy dài và chạy đến được khu rừng ở bên kia dãy núi. Ở đó nó dừng lại nghe ngóng, đợi một lát và nghe thấy tiếng người và những bước chân từ hai phía. Nó kinh hãi nhìn lên núi. Ngọn núi dốc đứng, có rừng và rất khó khăn để leo lên. Nhưng con sói không có lựa chọn nào khác. Nó thở hồng hộc, leo lên vách núi dựng đứng, trong khi nó nghe thấy mớ âm thanh hỗn độn của những tiếng chửi bới, ra lệnh ở phía dưới, và những ánh đèn ló tập trung chiếu lên núi. Con sói bị thương run rẩy leo qua rừng thông có ánh sáng lờ mờ, trong khi đó máu ở mạng sườn nó từ từ chảy xuống. Cái lạnh đã giảm bớt. Bầu trời phía Tây bị mây che phủ và có vẻ như sắp có tuyết rơi. Cuối cùng con sói bị kiệt sức cũng lên được đỉnh núi. Lúc này nó đứng trên một triền tuyết rộng, hơi dốc, gần đèo Mont Crosin, phía trên ngôi làng mà nó đã trốn thoát. Nó không cảm thấy đói, nhưng nó cảm thấy vết thương đang khô lại đau ghê gớm. Từ cái mõm đang giương lên của phó phát ra một tiếng tru nhỏ, yếu ớt. Tim nó đập nhanh và dồn dập. Nó thở dốc. Nó đi đến gốc một cây thông mọc riêng rẽ có tán rộng, ngồi xuống và buồn rầu nhìn trừng trừng vào màn đêm xám xịt. Nửa tiếng đồng hồ đã trôi đi. Một thứ ánh sáng lờ mờ, đo đỏ từ trên trời chiếu xuống tuyết trắng, tạo nên một cảnh tượng kì ảo. Con sói đứng dậy, rên rỉ và quay cái đầu xinh đẹp lại phía trời có ánh sáng. Đó là mặt trăng tròn vành vạnh, đỏ quạch ló ra ở phía Đông Nam và đang lên cao hơn trên bầu trời ảm đạm. Từ nhiều tuần nay nó không hề to và đỏ quạch như vậy. Con sói sắp chết buồn bã ngước mắt nhìn vầng trăng mờ đục, và lại tru lên một tiếng yếu ớt. Lúc đó những người truy đuổi đã đuổi kịp nó. Những người nông dân mặc những chiếc măng tô dầy, các thợ săn và những thanh niên trẻ đội mũ lông, chân đi ghệt da bước nặng nề trên tuyết. Họ vui mừng reo lên. Họ đã phát hiện ra con sói sắp chết, hai phát súng nhằm vào nó vang lên, nhưng cả hai phát đều bắn trượt. Sau đó họ nhận ra rằng nó đang nằm hấp hối, và vụt gậy gộc tới tấp xuống mình nó. Con sói ngừng thở. Với những cái chân bị bẻ gãy những người đuổi theo kéo nó về Sankt. Họ đi xuống núi. Họ cười, khoác lác, vui vẻ vì sắp được uống rượu mạnh và cà phê rồi họ hát, họ văng tục. Không ai ngắm vẻ đẹp của khu rừng bị tuyết phủ, sự hùng vĩ của cao nguyên và mặt trăng đỏ quạch đã lên trên đỉnh núi Chasseral, ánh sáng lờ mờ của nó đang chiếu vào những nòng súng săn, vào những tinh thể tuyết và vào đôi mắt trợn ngược của con sói bị giết chết.

 

BỒI THẨM VIÊN KARL

LUDWIG THOMA (Đức)

Tôi biết Karl từ lâu. Chúng tôi cùng học ở trường trung học. Một lần, tôi du mạnh hắn vào lò sưởi, đến nỗi nó hắn rơi cả răng hàm, còn tôi thì bị nhốt cấm túc hai tiếng đồng hồ vì hành động thô bạo đó. Lúc ấy, chính Karl đã muốn báo sự việc lên Ban Giám hiệu nhà trường và chạy lên phòng của thầy hiệu trưởng, người đã giải thích cho tôi rằng từ xa xưa những tên tội phạm cũng đã bắt đầu bước đường đời của chúng bằng những hành động như vậy đối với những người Hy Lạp cổ đại.

Tôi thấy, đó không phải là những kỉ niệm đẹp mà cái tên Karl gợi lên trong tôi. Nhưng không ai buộc phải tin rằng vì thế mà tôi kể câu chuyện này về hắn. Tôi đã tha thứ cho hắn, vì hắn là thằng dốt nhất trong lớp của chúng tôi. Sau này hắn trở thành bồi thẩm viên ở München(1).

Việc trở thành bồi thẩm viên khiến hắn tự đánh giá cao khả năng của mình, và từ đó trở đi hắn tỏ ra khinh thường khi chào tôi ở ngoài phố. Tuy thế, tôi vẫn hoàn toàn vô tư không để bụng.

Một hôm, viên cảnh sát hình sự Alois Schmuttermaier đến làm việc với Karl và kể rằng một nam tước phu nhân nào đó tên là Werneck ở quận phía Bắc đã có những hành động buộc y phải để mắt đến. “Mụ đàn bà này”, y nói, “có vẻ như đang thực hiện một lối sống phóng túng, trở thành nỗi ô nhục của hàng xóm.”

“Sao anh lại nói về tầng lớp quý tộc như vậy? Thực ra, anh đang cho phép mình làm gì vậy?” Karl hỏi, đôi mắt màu xanh biếc thì nhìn Schmuttermaier với vẻ hăm dọa qua kính kẹp mũi.

– Xin ngài thứ lỗi, ngài bồi thẩm. Tôi thiết nghĩ mụ đàn bà không phải là nam tước phu nhân, mà là người đến từ Salzburg(2).

– À ra thế! Hừm, tại sao anh đã không nói ngay điều đó?

– Xin ngài thứ lỗi, thưa ngài…

– Được rồi! Anh hãy luôn ghi nhớ, tôi thích sự rõ ràng, sự rõ ràng tuyệt đối. Anh nói tiếp đi!

– Đúng vậy, thưa ngài bồi thẩm! Tôi đã hăng hái điều tra, vì ngài đã ra lệnh cho tôi là phải cảnh giác với sự trụy lạc.

Karl gật đầu đồng ý.

Schmuttermaier nói tiếp: “Tôi đã thu thập các mối nghi ngờ khác nhau. Tuy nhiên, nếu ngài cho phép tôi giải thích, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải bắt quả tang mụ đàn bà này, vì chúng ta hoàn toàn chưa biết chắc về mụ.”

– Đương nhiên, hừm! Đương nhiên rồi!

– Và nếu ngài bồi thẩm cho phép tôi thì tôi có một sáng kiến.

– Thì anh cứ nói ra đi! Karl niềm nở nói. “Anh biết đấy, tôi rất hoan nghênh, nếu các cơ quan chấp hành có sáng kiến.”

– Đúng thế, thưa ngài bồi thẩm!

– Vậy thì, cái gọi là sáng kiến của anh là như thế nào?

“Tôi thiển nghĩ, nếu tôi… nếu tôi, e hèm!” Schmuttermaier lúng túng đằng hắng và mân mê cổ áo.

– Anh hãy nói ra ngay đi! Karlchen sốt ruột nói.

– Tôi xin tuân lệnh! Ngài bồi thẩm… nếu tôi… nếu tự tôi thử mụ đàn bà.

– Thử á? Thử như thế nào?

– Như chàng Đông Gioăng!

– À, ra vậy! Hừm! Được đấy. Nhưng anh Schmuttermaier này, tôi nghĩ rằng anh đã chỉ chợt nảy ra ý nghĩ này vì ý thức trách nhiệm, đúng không?

– Đúng vậy, thưa ngài bồi thẩm!

– Thôi được! Trong trường hợp này tôi cho phép anh. Anh có thể đi được rồi.

Schmuttermaier không nhúc nhích khỏi chỗ đứng của mình.

– Anh còn muốn gì nữa? Karlchen hỏi.

– Thưa ngài bồi thẩm! Tôi không có tiền.

– Hừm. Chắc chắn anh sẽ không nhận được tiền từ ngân quỹ. Tôi muốn nói với anh điều này, anh Schmuttermaier, tôi đã biết đến anh như biết đến một công chức hăng hái. Tôi cấp cho anh hai mươi mác, nhưng tôi cho tiền anh là để anh thực hiện nhiệm vụ cấp bách, để phục vụ công tác, anh hiểu rồi chứ, để phục vụ công tác, chứ không có ý gì khác ngoài việc cố làm tròn bổn phận trong công việc khó khăn này.

“Đúng thế, thưa ngài bồi thẩm! Tôi xin tuân lệnh!” Schmuttermaier nói rất to, ngắn gọn và theo kiểu nhà binh, vì những người lãnh đạo thích nghe cấp dưới nói như vậy. Sau đó y vội quay người và đi làm nhiệm vụ của mình.

Hai ngày sau một bản báo cáo dài sáu trang của viên cảnh sát Alois Schmuttermaier về sự trụy lạc gây sửng sốt của Philippine Weizenbeck(3) tức nam tước phu nhân Werneck được gửi đến Ban chỉ huy cảnh sát.

Với tư cách là một công dân và một công chức Karl vui mừng trước sự thật về lối sống trụy lạc của một trong số những phần tử nguy hại ngày càng tăng lên ở trong thành phố đã được phanh phui một cách nhanh chóng.

Ngay lập tức Karl cho triệu kẻ phạm tội đến. Philippine xuất hiện. Mùi thơm hăng hắc của hoắc hương từ người cô tỏa ra khắp hành lanh và trong phòng thẩm vấn, cô cố gắng một cách vô ích gây ấn tượng với Karl bằng vẻ duyên dáng của mình. Cô bác bỏ những sự vu khống “tầm thường” bằng thái độ phẫn nộ. Nhân chứng đáng tin cậy Alois Schmuttermaier trong bộ quân phục xuất hiện ở cửa khi cô đang ra sức thanh minh.

Cô Philippine chất phác nhận ra rằng mình trở thành vật hy sinh cho trí tưởng tượng vượt trội của cảnh sát, và cô đành buông xuôi. Cô bị giam tám ngày và sau đó bị trục xuất về quê.

Karl không thành công trong việc nói bóng gió với cấp trên rằng tài tiên đoán của hắn đã phát hiện ra Bathseba(4) của Salzburg, nhưng hắn đã có thể rút ra kết luận từ nhiều sự việc, rằng hắn được coi trọng nhờ hành động của mình.

Thậm chí, có lần hắn còn được các cán bộ cấp cao nhắc đến tên khi họ xuống kiểm tra tại cơ sở.

“À, đây đúng là bồi thẩm viên Maier(5)! Anh đã làm việc rất tốt! Rất tốt!” Những cán bộ cấp cao nói và sau đó họ rời đi.

Lời nhận xét này được nói đến nhiều trong giới công chức, và người ta tiên đoán một tương lai tốt đẹp dành cho Karl.

Không còn ai nhớ đến Philppine Weizenbeck, ngay cả Schmuttermaier cũng đã quên cô. Cô đã thay đổi khá nhiều, Schmuttermaier chợt nhận ra cô khi cô tham gia lễ hội múa dân gian ở vùng y sống. Tại đấy y chợt nhận ra cô. Sau đó y nhận được thông báo từ Salzburg.

Thông báo được viết trên loại giấy mà chính quyền hoàng đế vẫn dùng để viết thông báo và dùng để cuốn thuốc lá. Trong tờ thông báo viết rằng một cô gái còn hoàn toàn độc thân tên là Weizenbeck đã sinh một đứa con và cô cho rằng Schmuttermaier, nhân viên của Cơ quan an ninh bang Bayern(6), là cha của đứa trẻ. Và liệu anh ta có thú nhận và có định chu cấp tiền nuôi con trong trường hợp này là bảy gulden(7) một tháng hay không?

Sau giây phút ngỡ ngàng khi nhận được thông báo, Schmuttermaier đi đến gặp bồi thẩm viên Karl và báo cáo sự việc với hắn.

Karl nổi giận.

– Tôi đã nói với anh rằng anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc điều tra của mình rồi chứ? Tôi đã nói rồi, đúng không?

– Đúng thế, thưa ngài bồi thẩm!

– Vậy sao? Thế mà bây giờ anh đến gặp tôi với… với câu chuyện bẩn thỉu này ư? Anh phải tự gánh lấy hậu quả! Cút xéo ngay!

Alois Schmuttermaier dự định nhất quyết không bớt ra số tiền bảy gulden hoặc là mười hai mác một tháng để nuôi đứa trẻ từ tiền lương của mình.

Y gửi một lá đơn dài tới chính quyền Salzburg, trong đó y trình bày cặn kẽ. “Thứ nhất là y không có tiền. Thứ hai, đây không phải là kết quả của tình yêu vụng trộm, mà là kết quả của việc thừa hành công vụ. Trong khi đó chính sách ở bang Bayern cho phép nhà nước bồi thường thiệt hại cho những hoạt động công vụ của công chức, và ở đây là Ban chỉ huy cảnh sát hoàng gia cần phải trả tiền nuôi đứa trẻ đã được sinh ra do việc điều tra hình sự. Đồng thời chắc chắn không có đạo luật nào trừng phạt công chức về sự phục tùng cấp trên của anh ta. Ký tên: Alois Schmuttermaier – Nhân viên tận tụy tại Cơ quan hành chính bang của Hoàng đế tối cao.”

Chính quyền Salzburg không thừa nhận những quan điểm chính đáng của Cơ quan an ninh Bayern, thậm chí còn yêu cầu Ban chỉ huy cảnh sát ngay lập tức giải quyết ổn thỏa vụ việc.

Theo đó Schmuttermaier cần phải trình diện trước mặt ngài thống đốc. Y được tăng thêm sức mạnh khi nghĩ đến việc bị giảm bớt thu nhập của mình nếu y phải trả số tiền đó. Y quyết không nhượng bộ. Y lập luận rằng y đã làm việc đó trong khi thực hiện công vụ.

Ngay lập tức Karl được gọi đến. Khi hắn định trình bày dài dòng rằng hiển nhiên không chỉ có Schmuttermaier đã cố tình thực hiện việc điều tra trái với mệnh lệnh rõ ràng v.v… thì hắn bị ngắt lời một cách thô bạo. Các cán bộ cao cấp giải thích cho hắn rằng trước hết cần phải tránh để xảy ra bất cứ vụ bê bối nào và rằng dù sao đi nữa thì điều đó cũng rất lạ lùng khi một công chức ủng hộ sự ham muốn thấp hèn của một cảnh sát qua việc cho vay hai mươi mác, “rất lạ lùng, râ â ấ â â…t lạ lùng!”

Vậy, điều gì sẽ xảy đến với Karl?

Hắn cần phải cứu vãn những gì còn cứu vãn được, và vì vậy hắn, bồi thẩm viên tại chính quyền bang Bayern của hoàng gia, chấp nhận trả tiền cấp dưỡng cho đứa con ngoài giá thú của Philippine Weizenbeck tức nam tước phu nhân Werneck và để đền ơn cho việc này đứa trẻ đã mang tên Karl trong lễ rửa tội.

—————

(1) Thủ phủ tiểu bang Bayern.
(2) Tiểu bang của Cộng hòa Áo.
(3) Tên trước khi lấy chồng của nam tước phu nhân Werneck (ở các nước Âu- Mỹ, phụ nữ sẽ mang họ chồng sau khi kết hôn).
(4) Theo kinh Tanakh của Do Thái giáo (và theo Kinh thánh Cựu ước) thì Bathseba là mẹ của vua Solomon, người có cuộc tình vụng trộm với vua David khi chồng bà, một trong những sĩ quan cao cấp nhất của vua David, ra trận. Sau đó bà sinh ra vua Solomon.
(5) Tên họ của Karlch.
(6) Tiểu bang của Đức.
(7) Đồng tiền vàng được lưu hành ở Đức từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19.

 

NGƯỜI CHẾT

GUY DE MAUPASSANT

Tôi đã yêu nàng đến điên cuồng. Tại sao người ta lại yêu điên cuồng? Không điên cuồng sao, khi mà ta chỉ nhìn thấy một người giữa muôn vàn người, trong đầu chỉ còn một ý nghĩ, trong lòng chỉ còn một ao ước và trong mồm chỉ có một cái tên? Cái tên cứ dâng lên không ngừng, dâng lên như nước nguồn, từ đáy sâu thẳm tâm hồn, dâng lên mãi, và ta gọi, ta thì thầm không dứt, ở mọi nơi, như một lời cầu nguyện.

Tôi không có ý định kể câu chuyện của chúng tôi; trong tình yêu chỉ có một câu chuyện, và nó luôn giống nhau. Tôi đã gặp nàng và yêu nàng, tất cả chỉ có vậy. Suốt một năm trời tôi sống trong tình yêu của nàng, tôi được nàng ôm ấp, vuốt ve, chăm sóc. Tôi thích nghe nàng nói, thích ngắm những cái váy nàng mặc. Tôi bị gắn bó, bị ràng buộc, bị say mê bởi tất cả những gì nàng có, luôn đắm chìm trong men say tình ái, nên tôi không biết ngày hay đêm, không biết mình chết hay sống, không biết mình còn ở trên trái đất cũ kĩ này hay đã ở một nơi nào khác. Và đúng vào lúc đó thì nàng chết. Nàng chết như thế nào? Tôi không còn nhớ nữa.

Vào một buổi tối trời mưa nàng trở về nhà người ướt như chuột lột. Những ngày sau đó nàng ho, nằm liệt giường.

Sau đó xảy ra những gì thì tôi không còn nhớ nữa.

Các bác sĩ đến, kê đơn thuốc và ra về. Người ta mang đến thứ gì đó từ hiệu thuốc, một người phụ nữ cho nàng uống. Hai tay nàng nóng ran, trán nàng nóng như lửa đốt, vã mồ hôi. Đôi mắt nàng long lanh, buồn rầu. Tôi nói với nàng, và nàng đáp lại. Chúng tôi đã nói với nhau những gì? Tôi không còn nhớ nữa. Tôi đã quên tất cả. Nàng chết. Nhưng tôi vẫn còn nhớ như in tiếng thở dài khe khẽ, yếu ớt cuối cùng của nàng.

Người hộ lí thốt lên: “Ôi!” Và khi đó tôi hiểu điều gì đã xảy ra.

Tôi không còn biết gì nữa. Tôi nhận thấy vị linh mục đã dùng đến cụm từ “người tình của ông” khi nói với tôi về nàng. Tôi có cảm giác ông ta đã  xúc phạm đến nàng, vì bây giờ nàng đã chết và không ai có quyền nói như vậy nữa. Tôi đuổi ông ta đi. Một linh mục khác rất hiền lành, rất mềm mỏng đến thay. Tôi đã khóc khi ông nói về nàng.

Người ta hỏi tôi đủ thứ về tang lễ của nàng. Tôi không còn nhớ nó diễn ra thế nào nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái quan tài, nhớ những nhát búa lúc người ta đóng chặt nắp quan tài khi nàng đã nằm ở trong đó. Ôi, Chúa ơi!

Nàng đã được an táng, được chôn cất ở dưới huyệt! Một vài người bạn đã đến tiễn đưa nàng về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi lủi đi, chạy trốn, lang thang qua các con phố một lúc lâu, sau đó tôi về nhà. Ngày hôm sau tôi ra đi.

Hôm qua tôi đã trở lại Paris. Khi tôi nhìn lại căn phòng của chúng tôi, chiếc giường của chúng tôi, đồ đạc của chúng tôi, nhìn lại toàn bộ ngôi nhà đang lưu giữ tất cả những gì còn lại của một người sau khi chết thì nỗi thất vọng lại xâm chiếm mãnh liệt khiến tôi muốn mở cửa sổ và lao xuống đường. Tôi không thể chịu được nữa khi nhìn thấy tất cả những đồ vật này, nhìn thấy những bức tường ngày trước đã ôm ấp, che chở nàng; trong tất cả các khe nứt li ti khó nhận thấy nhất định còn giữ lại hàng ngàn phân tử từ cơ thể, từ hơi thở của nàng, và tôi cầm mũ lên để chạy trốn. Tình cờ, khi tôi đi ra cửa tôi cần phải đi ngang qua chiếc gương to mà nàng đã cho đặt ở đó để hàng ngày quan sát, ngắm nghía từ chân đến đầu mình, xem trang phục đã chỉn chu chưa, trông đã xinh đẹp chưa mỗi khi nàng đi ra phố.

Tôi đứng lại, ngây người trước chiếc gương đã thường xuyên phản chiếu hình bóng nàng, chắc hẳn nó vẫn còn giữ lại hình ảnh nàng.

Tôi đứng ở đó run rẩy, mắt nhìn vào mặt gương phẳng, sâu, trống rỗng, nhưng đã chứa đựng nàng toàn vẹn, đã chiếm hữu nàng, y như như tôi, y như cái nhìn say đắm của tôi. Tôi thấy dường như tôi yêu tấm gương đó. Tôi sờ vào nó, nó lạnh lẽo. Ôi, hồi ức! Ôi, tấm gương đau xót, tấm gương thèm khát, tấm gương sống động, khủng khiếp, ngươi đang gợi lại tất cả mọi nỗi khổ đau! May mắn thay những người có tấm lòng giống một tấm gương, trong đó các hình ảnh xuất hiện rồi phai mờ, họ quên đi tất cả những gì mà tấm gương phản ánh, tất cả những gì đã xảy ra, tất cả những gì mà nó đã ngắm nghĩa, đã tận hưởng, đã phản chiếu. Ôi, đau đớn lắm thay!

Tôi đi ra ngoài. Không chủ định và bản thân tôi gần như không ý thức được việc mình đi ra nghĩa địa. Tôi tìm thấy ngôi mộ đơn độc của nàng, trên đó có một cây thánh giá bằng đá cẩm thạch với dòng chữ: “Nàng đã yêu, đã được yêu và qua đời.” Giờ đây nàng nằm ở dưới đất và đang tàn rữa! Thật khủng khiếp! Tôi nức nở, gục đầu xuống đất.

Tôi nằm gục ở đó rất lâu. Sau đó tôi nhận thấy trời bắt đầu tối. Khi ấy một ý nghĩ điên rồ xâm chiếm tôi, đó hẳn là nguyện vọng của một người đang yêu sắp bị phát điên. Tôi muốn ở lại suốt đêm bên nàng, muốn khóc trên mộ nàng đêm cuối cùng. Nhưng người ta sẽ nhìn thấy tôi và sẽ đuổi tôi đi. Làm thế nào bây giờ? Tôi đã có cách. Tôi đứng dậy và bắt đầu đi lang thang trong thành phố của người chết. Tôi cứ đi, đi mãi. Thành phố này thật nhỏ bên cạnh thành phố nơi con người đang sống. Tuy nhiên, số người chết lại nhiều hơn số người đang sống! Chúng ta cần những ngôi nhà to, cần phố xá, cần quá nhiều đất để sản xuất đủ lương thực, thực phẩm cho biết bao thế hệ đang cùng chung sống. Còn đối với tất cả những người đã chết thì họ hầu như không cần gì ngoài một cánh đồng. Đất tiếp nhận họ, sự lãng quên xóa nhòa họ. Chỉ thế thôi!

Ở cuối nghĩa trang, nơi vẫn có mộ, bất ngờ tôi phát hiện ra một phần nghĩa trang bị lãng quên, nơi từ lâu những người chết đã hòa mình vào đất mẹ, nơi ngay cả những cây thánh giá cũng mục nát, và nơi có thể ngay ngày mai người ta sẽ lại chôn cất những người mới chết. Phần nghĩa trang này có hoa hồng dại mọc um tùm cùng với những cây trắc bá to, tối sẫm, trông giống như một khu vườn u trầm, huyền bí được nuôi dưỡng bằng thân xác con người.

Tôi chỉ có một mình. Tôi nấp ở bên dưới một cái cây um tùm, hoàn toàn giấu mình ở giữa những cành lá rậm rạp, và bám vào gốc cây, chờ đợi như một người bị đắm thuyền đang bám chặt vào mảnh vỡ của con thuyền.

Đến đêm, tôi rời khỏi nơi ẩn nấp và đi nhẹ nhàng, bằng những bước chân chậm chạp, rón rén ở trên mảnh đất mà dưới đó có đầy người chết.

Tôi lang thang một lúc lâu. Tôi không tìm lại được mộ nàng nữa. Hai tay giơ ra, căng mắt nhìn, tôi sờ soạng vào những nấm mồ, va chân, đầu gối, ngực, thậm chí cả đầu vào chúng, tôi mò mẫm tìm đi tìm lại nhưng không tìm thấy mộ nàng. Tôi sờ soạng, rờ rẫm như một người mù tìm đường. Tôi sờ những viên đá lát mộ, những cây thánh giá, những chấn song sắt, những vòng tròn bằng ngọc trai thủy tinh, những vòng hoa tàn héo. Tôi dùng ngón tay sờ trên chữ để đọc tên người. Đêm tối đen như mực, còn tôi thì không tìm thấy mộ nàng.

Trời không có trăng. Đêm tối như bưng. Tôi sợ, một nỗi sợ khủng khiếp khi tôi ở trong những lối đi hẹp, giữa hai dãy mộ. Những nấm mồ có ở khắp mọi nơi! Bên phải, bên trái, đằng trước, xung quanh tôi đều là những nấm mồ! Tôi ngồi lên một ngôi mộ, vì tôi không thể đi được nữa, đầu gối tôi khuỵu xuống. Tôi nghe thấy tim mình đập, và tôi còn nghe thấy những tiếng động khác. Cái gì thế nhỉ? Có một tiếng động mơ hồ, khó tả. Phải chăng nó ở trong đầu óc hoảng loạn của tôi? Trong màn đêm đặc quánh? Hay là nó vang lên từ lòng đất bí hiểm, nơi chứa đầy xương người? Tôi nhìn quanh.

Tôi không biết mình đã ở đó bao lâu. Tôi như bị tê liệt bởi kinh hoàng, bị choáng váng bởi khiếp đảm. Tôi muốn hét toáng lên, tôi chết mất.

Đột nhiên tôi thấy dường như phiến đã cẩm thạch mà tôi ngồi lên chuyển động. Quả thật, nó chuyển động như thể người ta nâng nó lên. Tôi nhảy phắt sang ngôi mộ bên cạnh và nhìn thấy như là phiến đá mà tôi vừa mới ngồi dựng đứng lên và người chết xuất hiện, một bộ xương trần trụi khom lưng nâng phiến đá lên. Tôi nhìn thấy rất rõ, mặc dù đêm tối đen kịt. Và tôi đọc được ở trên cây thánh giá:

“Nơi đây yên nghỉ Jakob Olivant, qua đời ở tuồi năm mươi mốt, là người yêu quý gia đình, hiền lành, tốt bụng, và chết trong sự bằng an của Chúa.”

Lúc này người chết cũng đọc những gì được viết ở trên mộ mình. Đoạn, y nhặt một viên đá nhỏ sắc ở lối đi, tỉ mẩn cạo dòng chữ. Y chậm rãi xóa nó đi, hai hốc mắt trống rỗng vào chỗ những chữ cái vừa mới bị cạo đi. Và y viết bằng đầu nhọn của xương ngón tay trỏ dòng chữ với những chữ cái đỏ rực như người ta viết bằng một que diêm đang cháy lên tường:

“Nơi đây yên nghỉ Jakob Olivant, qua đời ở tuổi năm mươi mốt, người đã nhẫn tâm ép bố chết sớm để thừa kế tài sản, đã hành hạ, dày vò vợ con, lừa dối hàng xóm, hễ có dịp là ăn cắp và chết trong đau khổ.”

Khi đã viết xong người chết im lặng ngắm nhìn tác phẩm của mình. Và khi nhìn quanh tôi nhận thấy, tất cả các ngôi mộ đều mở, tất cả các thây ma đều ra khỏi mộ, tất cả bọn họ đều đã xóa đi những lời dối trá mà người thân của họ đã cho khắc lên những tấm bia mộ, để ghi lên đó sự thật.

Và tôi nhận thấy tất cả bọn họ đều đã là những kẻ hành hạ người thân của mình một cách đầy thù hận, đều là những kẻ giả nhân giả nghĩa, dối trá, lừa lọc, vu khống, ghen tị, ăn cắp, bịp bợm, đã làm mọi điều ô nhục xấu xa. Họ, chính họ là những người cha nhân hậu, những người vợ thủy chung, những cậu con trai có hiếu, những cô gái trẻ trong trắng, những thương gia lương thiện…, tất cả đều tở thành những người hoàn hảo do chính người thân của họ tô vẽ nên.

Tất cả bọn họ cùng viết một lúc lên bia mộ của mình sự thật tàn bạo, khủng khiếp, đáng sợ mà những người đang sống không biết, như thể họ không biết mình đang viết gì về mình.

Tôi nghĩ giờ đây nàng cũng đang viết sự thật lên bia mộ của mình. Và không còn sợ hãi, tôi chạy đi giữa những nấm mộ đã mở, giữa những thây ma, giữa những bộ xương với niềm tin chắc chắn sẽ tìm được nàng.

Tôi nhận ra nàng từ xa, khuôn mặt nàng bị vải liệm trùm kín. Và trên cây thánh giá bằng đá cẩm thạch mà chiều hôm trước tôi còn đọc được dòng chữ: “Nàng đã yêu, đã được yêu và qua đời!” tôi thấy có dòng chữ:

“Một hôm nàng đi ra khỏi nhà, để lừa dối người yêu, bị cảm lạnh do mưa và chết.”

Có lẽ vào sáng sớm người ta đã tìm thấy tôi bất tỉnh nhân sự bên một nấm mồ…

 

CÔ GÁI Ở ARLES

ALPHONSE DAUDET

Nếu người ta leo xuống từ cối xay gió của tôi để đi vào trong làng thì người ta đi ngang qua một ngôi nhà nằm sát đường trong khu đất rộng của một điền trang xung quanh trồng nhiều cây du. Đó là một ngôi nhà chính cống của vùng Provence(1),  lợp ngói đỏ, với mặt tiền rộng, thiếu ánh sáng, có các cửa sổ được chèn không đều vào tường đá; có chong chóng chỉ hướng gió hình con gà ở tận trên cùng vựa cỏ khô, trên cái ròng rọc để đưa các bó cỏ lên cao, và một vài búi cỏ chĩa ra từ đống cỏ khô màu nâu.

Tại sao tôi lại chú ý đến ngôi nhà này? Tại sao trái tim tôi lại quặn thắt trước cánh cổng khóa chặt này? Tôi đã không thể lý giải nổi điều đó, nhưng vẫn run lên khi ở nơi này. Xung quanh đây quá im lặng… Không nghe thấy tiếng chó sủa, những con gà sao lặng lẽ chạy trốn… Bên trong các ngôi nhà không có tiếng người! Không có gì, thậm chí không có cả tiếng chuông của một con la… Không có những tấm rèm màu trắng treo trên các cửa sổ và không có khói bay ra từ các ống khói bên trên các mái nhà làm cho người ta cứ ngỡ là nơi đây không có người ở.

Đúng mười hai giờ trưa ngày hôm qua tôi đi ra khỏi làng. Để tránh nắng tôi đi men theo sát những bức tường của điền trang, dưới bóng râm của các cây du… Những người nông nô im lặng chất đầy cỏ khô lên một cái xe ngựa ở trên con đường trước ngôi nhà… Chiếc cổng để mở. Khi đi ngang qua tôi nhìn vào trong và nhìn thấy ở trong khu đất của điền trang một ông già có mái tóc dài, hoàn toàn bạc trắng, mặc một cái áo vét quá ngắn và cái quần rách rưới đang chống khuỷu tay lên một cái bàn to bằng đá, hai tay ôm đầu… Tôi đứng lại. Một người trong số những nông nô nói rất nhỏ với tôi: “Suỵt!… Ông ấy đã như vậy kể từ khi con trai ông ấy gặp hoạn nạn.”

Đúng lúc đó một người phụ nữ và một cậu bé, cả hai mặc đồ đen, tay cầm sách lễ Misa bìa mạ vàng đi ngang qua chúng tôi và bước vào ngôi nhà trong điền trang.

Người nông nô nói thêm:

“Bà ấy và cậu bé đi dự thánh lễ Misa về. Ngày nào họ cũng đi lễ kể từ khi cậu con trai lớn tự tử… Ôi, thật là thương tâm! Người cha vẫn mặc quần áo của cậu con trai đã mất của mình; người ta không thể thuyết phục ông ta thay chúng ra…”, “Đi nào!”, anh ta thúc ngựa.

Chiếc xe ngựa chuyển động lắc lư. Tò mò muốn biết thêm nhiều hơn, tôi xin người nông nô cho tôi lên xe đi cùng và ở đó, trên chiếc xe ngựa chở cỏ khô, tôi đã biết được toàn bộ câu chuyện buồn…

Người thanh niên tự tử tên là Jan. Cậu là một chàng nông dân ở tuổi hai mươi, trẻ, đẹp trai , bẽn lẽn như con gái, mạnh khỏe và có cái nhìn chân thành. Vì cậu rất đẹp trai nên có nhiều cô gái để mắt đến cậu; nhưng trong tim cậu chỉ có một người duy nhất – một cô gái ở Arles ăn mặc rất thời trang mà cậu đã có lần gặp trong sân vận động tại Arles. Thoạt đầu những người thân của cậu đã không ủng hộ sự quen biết này. Cô gái được cho là quá õng ẹo, còn bố mẹ cô thì không phải là người trong vùng. Nhưng Jan muốn có được cô gái ở Arles bằng mọi giá. Cậu đã nói với bố mẹ mình: “Con sẽ chết nếu con không lấy được cô ấy.”

Bố mẹ Jan đã phải chiều theo nguyện vọng của cậu. Họ đã quyết định để cho cậu cưới cô ấy sau mùa gặt.

Một buổi chiều chủ nhật gia đình Jan ngồi ăn trong sân điền trang. Bữa tiệc gần giống như tiệc cưới. Không có cô dâu tham dự nhưng suốt bữa tiệc người ta đã uống chúc mừng hạnh phúc cho đôi trai gái… Một gã thanh niên xuất hiện ở ngoài cổng, nói bằng giọng run run rằng gã có chuyện muốn nói riêng với ông Estève. Ông Estève đứng dậy và đi ra ngoài.

“Thưa bác!” gã thanh niên nói với ông Estève, “Bác dự định làm lễ thành hôn cho con trai mình với một cô gái hư hỏng đã là người tình của cháu trong suốt hai năm. Cháu có thể chứng minh điều cháu nói: Đây là những lá thư của cô ta gửi cho cháu!… Bố mẹ cô ta biết tất cả mọi chuyện giữa chúng cháu và đã hứa gả cô ta cho cháu; nhưng từ khi con trai bác cầu hôn cô ta thì cả bố mẹ cô ta lẫn cô ta không còn muốn nói chuyện với cháu nữa… Nhưng cháu thiết nghĩ, sau tất cả những chuyện đó cô ta không thể là vợ của người khác được nữa.”

“Chính xác!” ông Estève nói sau khi xem xong những lá thư. “Mời anh vào trong nhà uống với chúng tôi một ly rượu nho xạ.”

Gã thanh niên đáp lại: “Cám ơn bác. Cháu chẳng còn bụng dạ nào để ăn uống nữa.” Và gã đi.

Ông Estève quay vào trong nhà. Ông vẫn thản nhiên ngồi vào bàn, và bữa tiệc kết thúc một cách vui vẻ…

Buổi tối hôm đó ông Estève và con trai của mình cùng đi dạo qua các cánh đồng. Họ đi khá lâu, khi họ trở về thì vợ ông Estève vẫn đợi hai bố con. Ông Estève dẫn con trai đến trước mặt vợ mình và nói: “Em hãy hôn con đi! Con trai chúng ta đang bất hạnh…”

Jan không nói gì về về cô gái ở Arles nữa. Nhưng cậu vẫn yêu cô, và  yêu cô hơn bao giờ hết bất kể khi người ta chỉ cho cậu thấy cô đang ở trong vòng tay của một người đàn ông khác. Chỉ có điều cậu quá kiêu hãnh để nói điều gì đó; và đó chính là điều đã giết chết cậu, chàng trai tội nghiệp!… Thỉnh thoảng cậu ngồi một mình trong phòng cả ngày, không cử động. Những ngày sau đó cậu giận dữ đòi được đi làm ở ngoài đồng và chỉ một mình cậu đã làm được khối lượng công việc của mười ngày lương công nhật… Một buổi chiều người ta nhìn thấy cậu trên đường tới Arles, cậu cắm đầu đi cho đến khi cậu nhìn thấy những chiếc tháp nhỏ của thành phố nhô lên ở phía Tây. Sau đó cậu trở về. Không bao giờ cậu đến nơi đó nữa.

Bố mẹ cậu nhận thấy cậu thường xuyên trong trạng thái buồn bã và cô đơn nhưng họ không biết phải làm gì. Họ sợ có chuyện chẳng lành… Một bận mẹ cậu nhìn cậu ngồi ở bàn bằng đôi mắt ngấn lệ và nói:

“Jan này, con hãy nghe mẹ nói đây! Nếu con vẫn muốn lấy cô ấy thì bố mẹ sẽ tổ chức lễ thành hôn cho hai đứa…”

Bố cậu cúi đầu, thẹn đỏ mặt…

Jan buồn bã từ chối và đi ra ngoài…

Sau hôm đó cậu thay đổi hẳn, cậu tỏ ra vui vẻ để làm yên lòng bố mẹ. Người ta lại nhìn thấy cậu ở phòng khiêu vũ, trong quán rượu, trong các lễ hội. Thậm chí cậu còn dẫn đầu nhóm nhảy điệu Farandole(2) trong buổi lễ khánh thành nhà thờ ở Fonvieille.

Bố cậu nói: “Nó vượt qua được nỗi đau rồi.” Nhưng mẹ cậu thì vẫn không hết lo sợ và vẫn luôn để mắt đến cậu… Jan ngủ cùng cậu em, ngay sát buồng nuôi tằm. Bà mẹ tội nghiệp của Jan sai người làm kê cho mình một cái giường ở phòng bên cạnh… Người trong nhà nghĩ, có thể bà ấy cho tằm ăn vào ban đêm.

Hôm ấy diễn ra lễ hội thánh Eligius, một vị thần hộ mệnh của nông dân.

Niềm hân hoan tràn ngập điền trang. Có rượu vang Chateauneuf cho tất cả mọi người, còn nước hoa quả thì tuôn như mưa. Sau đó người ta bắn súng moóc-chê và pháo hoa ở trên đồng cỏ, những cây du ở trong điền trang treo đầy đèn lồng sặc sỡ… Thánh Eligius muôn năm! Người ta nhảy điệu Farandole đến mệt lử. Cậu em trai của Jan nghịch lửa làm cháy chiếc áo khoác mới của mình. Ngay cả Jan cũng có vẻ rất vui, cậu mời mẹ mình khiêu vũ, người mẹ tội nghiệp khóc vì hạnh phúc.

Mọi người đi ngủ vào lúc nửa đêm. Ai cũng cần đến giấc ngủ sau một ngày mệt nhoài vì vui chơi… Nhưng Jan không ngủ. Sau này cậu em của Jan kể rằng cả đêm Jan đã khóc nức nở… Than ôi! Cậu ấy đã quá đau khổ…

Rạng sáng mẹ Jan nghe thấy ai đó chạy qua phía ngoài phòng. Linh tính mách bảo bà có chuyện chẳng lành, bà gọi:

“Jan, con đấy à?”

Jan không trả lời; cậu đã ở trên cầu thang. Mẹ cậu vùng dậy rất nhanh:

“Jan, con đi đâu vậy?”

Jan leo lên vựa cỏ khô, mẹ cậu chạy theo cậu:

“Trời ơi! Con trai tôi.”

Jan đóng cửa lại và cài then.

“Jan, con trai yêu quý của mẹ, hãy trả lời đi. Con định làm gì vậy?” Với đôi bàn tay già nua mẹ Jan sờ soạng tìm nắm đấm cửa… Một chiếc cửa sổ mở ra, có tiếng người rơi uỵch xuống sân, và bà không còn nghe thấy gì nữa… Chàng trai tội nghiệp đã gieo mình tự vẫn… Ôi! Những trái tim tội nghiệp của chúng ta! Xin hãy rộng lượng một chút để sự ác cảm không giết chết tình yêu!…

Sáng ra những người trong làng hỏi nhau không biết ai đã gào thét thảm thiết ở phía điền trang của ông Estève…

Ở trong sân, trước chiếc bàn to bằng đá bị ướt bởi sương và máu, mẹ Jan khóc than ôm cậu con trai đã chết.

—————–

(1) Là một khu vực ở đông nam nước Pháp.
(2) Một điệu nhảy dân gian ở vùng Provence.

 

GIẤC MƠ

FRANZ KAFKA

Josef K. đã mơ: Đó là một ngày đẹp trời và K. muốn đi dạo. Nhưng chỉ vừa mới bước được hai bước anh ta đã ở trên nghĩa trang. Ở đó có những lối đi hẹp quanh co trải rất nhiều hoa, nhưng anh ta bay lượn bên trên một lối đi như thế như  trên một dòng nước hung dữ trong tư thế đang thản nhiên bay bổng. Ngay từ xa anh ta đã nhìn thấy một ngôi mộ mới được đắp cao lên, anh ta muốn dừng lại gần nó. Ngôi mộ này hoàn toàn thu hút anh ta và anh ta nghĩ, có thể mình đã đến đó hơi chậm. Nhưng thỉmh thoảng anh ta hầu như không nhìn thấy ngôi mộ, nó bị che khuất bởi những lá cờ, vải của chúng lượn khúc và phất vào nhau rất mạnh; anh ta không nhìn thấy những người cầm cờ, nhưng hình như là ở đó có gì tưng bừng lắm.

Trong khi anh ta đang còn hướng cái nhìn ra xa, bỗng nhiên anh ta nhìn thấy ngôi mộ tương tự bên cạnh mình ven lối đi, đúng là đã gần như ở đằng sau mình. Anh ta vội vàng nhảy xuống bãi cỏ. Vì đột nhiên nhảy xuống nên anh ta loạng choạng và tình cờ ngã khuỵu gối ngay trước ngôi mộ. Hai người đàn ông đứng đằng sau nấm mồ và giữ tấm bia mộ lơ lửng ở giữa họ; sau khi K. xuất hiện, họ hạ tấm bia xuống đất và nó đứng im như được chôn chặt. Ngay lập tức một người đàn ông thứ ba bước ra từ một bụi cây, người mà K. nhận ra tức khắc là một họa sĩ. Anh ta chỉ mặc quần và một chiếc áơ sơ mi được cài khuy một cách xộc xệch, đội trên đầu một chiếc mũ nhung và cầm một chiếc bút chì thông thường ở trên tay, với nó anh ta vẽ những người đã đến gần ở trong không khí.

Bây giờ anh ta bắt đầu viết bằng cái bút chì này ở phía trên tấm bia mộ; tấm bia mộ rất cao, anh ta hoàn toàn không cần phải khom lưng, nhưng hình như anh ta phải cúi mình xuống về phía trước, vì ngôi mộ, anh ta không muốn giẫm lên nó, ngăn anh ta với tấm bia. Vì vậy anh ta đứng kiễng chân lên và chống bàn tay trái vào mặt tấm bia. Nhờ một sự sử dụng đặc biệt khéo léo anh ta đã thành công với cây bút chì này để viết nên những chữ cái bằng vàng; anh ta viết: “Tại đây yên nghỉ” – mỗi chữ cái xuất hiện một cách rõ ràng và đẹp đẽ, được khắc sâu và hoàn toàn bằng vàng. Khi anh ta đã viết song hai từ, anh ta ngoái nhìn về phía K.; K., người rất khao khát về sự tiếp tục dài ra của dòng chữ , hầu như không quan tâm đến người đàn ông, mà chỉ nhìn vào tấm bia mộ. Đúng là người đàn ông lại tiếp tục viết tiếp, nhưng anh ta không thể, có một sự cản trở nào đó, anh ta để chiếc bút chì xuống và lại ngoảnh mặt về phía K. Bây giờ K. cũng nhìn người hoạ sĩ và nhận thấy là người này đang rất bối rối, nhưng không thể nói lý do của mình. Tất cả sự hoạt bát trước đây của anh ta đã biến mất. Vì vậy K. cũng lâm vào tình trạng bối rối; họ bất lực nhìn nhau; có một sự hiểu lầm đáng tiếc, sự hiểu lầm mà không người nào có thể hoá giải. Ngoài ra, giờ đây một cái chuông bé của nhà thờ nhỏ, nơi cử hành tang lễ, bắt đầu ngân lên không đúng lúc, nhưng người hoạ sĩ khoát tay lên cao và nó ngừng kêu. Sau một lát nó lại bắt đầu kêu; lần này nó kêu rất nhỏ và ngừng kêu ngay lập tức mà không cần sự ra lệnh đặc biệt nào; điều đó như thể nó chỉ muốn kiểm tra tiếng ngân của mình. K. thất vọng về tình trạng của người hoạ sĩ, anh ta bắt đầu khóc và bưng mặt nức nở một lúc lâu. Người hoạ sĩ chờ cho đến khi K. im lặng, và sau đó quyết định vẫn viết tiếp, vì anh ta không tìm được sự trợ giúp nào khác. Nét chữ nhỏ đầu tiên, nét chữ mà anh ta viết, là một món quà tặng cho K., nhưng có lẽ người hoạ sĩ thực hiện nó chỉ bằng sự gượng ép quá mức; nét chữ cũng không được thật đẹp, trước hết là có vẻ như thiếu vàng, nét chữ bị kéo dài một cách lờ mờ và không dứt khoát, chữ cái chỉ trở nên rất to. Đó là một chữ J, nó gần như đã được viết xong, lúc đó người hoạ sĩ nổi giận dẫm một bàn chân vào ngôi mộ, đến nỗi đất ở xung quanh bắn lên cao. Cuối cùng K. hiểu anh ta; không còn thời gian tạ lỗi người hoạ sĩ; bằng tất cả các ngón tay anh ta bới xuống đất một cách rất dễ dàng; tất cả hình như đã được chuẩn bị, chỉ có một lớp đất mỏng được phủ lên; ngay bên dưới nó một cái hố rộng có thành dựng đứng được mở ra, bị đẩy bởi một luồng gió dịu dàng, K. tụt xuống đó. Nhưng trong khi anh ta bị hút xuống bởi cái hố đầy bí hiểm ở phía dưới, còn cố ngẩng đầu lên nhìn, tên của anh ta ở phía trên chạy dài trên bia mộ với những sự tô điểm lộng lẫy.

Bị mê mẩn bởi cảnh tượng đó, K. bừng tỉnh giấc.

 

TRƯỚC CỬA PHÁP LUẬT

FRANZ KAFKA

Một người gác cửa đứng trước pháp luật. Một người đàn ông ở quê ra đi đến chỗ ông ta và xin phép vào trong pháp luật. Nhưng người gác cửa nói là bây giờ ông ta không thể cho phép anh ta vào được, người đàn ông ngẫm nghĩ và sau đó hỏi, vậy thì sau này có được phép vào hay không. “Điều đó là có thể”, người gác cửa nói, “nhưng bây giờ thì không.” Vì cửa vào pháp luật vẫn mở như mọi khi và vì người gác cửa bước sang một bên, nên người đàn ông khom lưng để nhìn qua cửa vào bên trong. Khi người gác cửa thấy thế, ông ta cười và nói: “Nếu trong đó hấp dẫn anh như vậy thì hãy thử xem, mặc dù tôi cấm anh vào trong. Nhưng hãy nhớ là: Tôi là một người lực lưỡng. Thế mà tôi chỉ là người gác cửa thấp bé nhất. Từ phòng này đến phòng khác lại có những người gác cửa đứng canh, người nọ lực lưỡng hơn người kia.Thậm chí tôi cũng không chịu đựng nổi cái nhìn của người gác cửa thứ ba.” Người đàn ông ở quê ra đã không tính đến những khó khăn như thế; pháp luật cần dành cho tất cả mọi người và nhất định là có thể vào được, anh ta nghĩ vậy, nhưng khi giờ đây anh ta ngắm người gác cửa trong chiếc áo choàng lông, cái mũi lõ to tướng, bộ râu dài, thưa, màu đen, theo kiểu Tác-ta của ông ấy, thì anh ta quyết định tốt hơn hết là đợi đến khi anh ta được phép vào trong. Người gác cửa đưa cho anh ta một cái ghế đẩu và cho phép anh ta ngồi xuống cạnh cửa. Anh ta ngồi ở đó hết ngày này sang ngày khác và hết năm này sang năm khác. Anh tha thử nhiều lần để được vào bên trong, và làm người gác cửa mệt mỏi bằng những câu nài nỉ của mình. Thỉnh thoảng người gác cửa chất vấn qua loa anh ta, hỏi han anh ta về quê quán và về nhiều thứ khác, nhưng đó chỉ là những câu hỏi bâng quơ, như những người đàn ông lớn tuổi thường hỏi, và cuối cùng ông ta luôn nói với anh ta rằng anh ta chưa thể vào được. Người đàn ông ở quê ra đã tự trang bị nhiều thứ cho chuyến đi của mình, sử dụng tất cả mọi thứ còn rất giá trị để mua chuộc người gác cửa. Mặc dù người gác cửa này nhận tất cả mọi thứ, nhưng lại nói: “Tôi chỉ nhận những thứ đó, để anh không nghĩ mình đã bỏ quên cái gì đó.” Trong suốt nhiều năm trời người đàn ông hầu như không ngừng quan sát người gác cửa. Anh ta quên khuấy những người gác cửa khác, và dường như người gác cửa thứ nhất này là vật cản duy nhất đối với anh ta, khi anh ta đi vào pháp luật. Anh ta nguyền rủa số phận không may mắn, trong những năm đầu anh ta nguyền rủa ầm ĩ một cách thiếu suy nghĩ, sau này, khi đã già đi, ông ta chỉ còn làu bàu. Ông ta trở nên ngây ngô và khi ông ta đã nhận ra trong sự quan sát kĩ càng người gác cửa trong nhiều năm thậm chí cả những con bọ chét trong áo choàng lông của ông ấy, thì ông ta cũng cầu xin chúng giúp đỡ ông ta và thuyết phục người gác cửa. Cuối cùng thị lực của ông ta trở nên kém đi và ông ta không biết, trời đất xung quanh ông ta có trở nên tối tăm hơn hay không hoặc liệu đôi mắt của ông ta có đánh lừa ông ta hay không. Nhưng chắc là giờ đây ông ta nhìn thấy một ánh hào quang ở trong bóng tối đang phát ra một cách không thể dập tắt được từ cửa của pháp luật. Bây giờ ông ta không còn sống được lâu nữa. Trước khi ông ta chết tất cả kinh nghiệm trong suốt những năm ông ta chờ đợi trước cửa pháp luật tập trung vào một câu hỏi ở trong đầu ông ta, câu hỏi mà cho đến nay ông ta chưa đặt ra đối với người gác cửa. Ông ta vẫy tay gọi người gác cửa lại, vì ông ta không còn có thể nâng cơ thể đang cứng đờ ra của mình lên. Người gác cửa phải cúi sâu xuống với ông ta, bởi vì sự khác biệt về chiều cao giữa người ngồi và người đứng mang lại nhiều bất lợi cho người đàn ông ở quê ra. “Ông thật tham lam. Bây giờ ông còn muốn biết gì nữa nào? “người gác cửa hỏi. “Rõ ràng là tất cả mọi người đều cố giành lấy pháp luật”, người đàn ông nói, “nhưng tại sao trong nhiều năm tôi đứng ở đây không có ai ngoài tôi xin vào trong pháp luật?” Người gác cửa nhận thấy là người đàn ông đã sắp chết và để ông ta còn nghe được với thính giác đang giảm sút của mình, người gác cửa hét lên với ông ta: “Thông thường ở đây không ai được phép vào, cho nên chắc chắn là cửa vào này đã chỉ giành cho ông. Bây giờ tôi sẽ đi và đóng nó lại.”

 

CUỘC KIỂM TRA

FRANZ KAFKA

Tôi là một gia nhân, nhưng ở đây không có việc dành cho tôi. Tôi nhút nhát và không bon chen. Quả vậy, tôi thậm chí còn không chen chúc khi đứng xếp hàng cùng với những người khác. Có thể đó chính là một nguyên nhân khiến tôi không có việc làm. Nhưng cũng có thể, điều đó hoàn toàn không liên quan đến tình trạng tôi đang thất nghiệp. Dĩ nhiên, nguyên nhân chính là do tôi không được ai gọi phục vụ, trong khi những đồng nghiệp khác của tôi thì đã được gọi nhưng lại không cố gắng để giữ lại điều đó, thậm chí có người còn không muốn được gọi. Trong khi tôi thì luôn luôn mong chờ điều ấy.

Vì vậy, giờ đây tôi đang nằm dài trên cái giường gỗ nhỏ ở trong buồng gia nhân, nhìn lên cái dầm ở trên trần nhà, thiu thiu ngủ, thức giấc và lại thiu thiu ngủ. Đôi khi, tôi đi sang quán rượu, nơi có bán bia đã bị chua. Cũng có lúc,  tôi đã mua một cốc bia đã bị chua ấy trong sự kinh tởm, nhưng sau đó tôi lại uống nó.

Tôi thích ngồi ở đó, vì có thể tôi không bị ai đó phát hiện ở sau chiếc cửa sổ nhỏ lắp kính đã bị đóng lại. Và cũng từ đấy, tôi có thể nhìn sang những ô cửa sổ của toà nhà chúng tôi đang ở. Tôi nghĩ, chắc chắn từ đó người ta không nhìn được nhiều theo hướng từ đây nhìn ra đường phố, mà chỉ nhìn thấy những chiếc cửa sổ của các hành lang và cũng không nhìn thấy các hành lang ấy dẫn vào những căn hộ của ông chủ. Có thể là tôi nhầm, nhưng ai đó đã có lần quả quyết điều ấy và quang cảnh của toà nhà này đang xác nhận điều ấy. Rất hiếm khi các cửa sổ được mở ra và nếu có được mở ra thì cũng là do một gia nhân làm và sau đó thế nào anh ta cũng đứng tựa vào lan can để nhìn xuống dưới một lát. Cho nên đó là những hành lang, nơi mà có thể không có gì lạ đối với anh ta. Tuy nhiên, tôi không biết những gia nhân này, vì họ thường xuyên làm việc ở các tầng trên và ngủ ở nơi khác, không ngủ ở buồng của tôi.

Có một lần, khi tôi đi vào quán rượu, một người khách đã ngồi vào chỗ quan sát của tôi. Tôi không dám nhìn vào đó nữa và ngay lập tức đã quay người ra phía cửa để đi ra khỏi quán. Nhưng người khách gọi tôi lại chỗ anh ta và tôi nhận ra đó cũng là một gia nhân mà tôi đã nhìn thấy ở đâu đó, tuy nhiên chúng tôi chưa hề nói chuyện với nhau. “Tại sao anh định bỏ đi? Anh hãy ngồi xuống đây và uống với tôi một ly. Tôi sẽ trả tiền.” Anh ta bảo vậy. Thế là tôi ngồi xuống. Anh ta hỏi tôi một số câu, nhưng tôi đã không thể trả lời các câu hỏi của anh ta, thậm chí tôi còn không hiểu các câu hỏi anh ta đưa ra. Và cuối cùng, tôi nói: “Có thể anh đang hối tiếc vì đã mời tôi. Vậy thì tôi đi đây.” Tôi toan đứng lên, nhưng, rất nhanh, anh ta với tay qua bàn và ấn tôi ngồi xuống. “Anh hãy ngồi lại”- anh ta nói- thực ra đó chỉ là một cuộc kiểm tra. Và ai không trả lời các câu hỏi, người đó đã vượt qua cuộc kiểm tra đó.”

 

THỢ SĂN GRACCHUS

FRANZ KAFKA

Hai cậu bé ngồi trên kè bến cảng và chơi xúc xắc. Một người đàn ông đọc báo trên bậc của một đài kỉ niệm trong bóng râm của bức tượng người anh hùng đang vung kiếm. Một cô gái đổ đầy nước vào thùng. Một người bán hoa quả nằm bên cạnh những sọt hàng và nhìn ra hồ. Qua những khe cửa người ta nhìn thấy hai người đàn ông đang uống rượu giữa quán. Ông chủ quán ngồi ở đằng trước cạnh một cái bàn và thiu thiu ngủ. Một chiếc thuyền khẽ lắc lư tiến vào cảng nhỏ như thể nó được kéo đi ở trên mặt nước. Một người đàn ông mặc áo chiếc áo khoác bảo hộ lao động màu xanh leo lên bờ và buộc dây neo thuyền vào các vòng neo. Phía sau thủy thủ trưởng hai người đàn ông khác mặc áo khoác tối màu có cúc bạc khiêng một cái cáng, hiển nhiên trên đó có một người nằm dưới một cái khăn lụa rộng thêu hoa được viền tua.

Không ai ở trên bến cảng để ý đến những người mới lên bờ, ngay cả khi họ đặt chiếc cáng xuống để đợi người lái thuyền vẫn đang cuốn các dây thừng lại cho gọn thì cũng không ai đến gần, không ai hỏi han, không ai để mắt đến họ.

Người lái thuyền đứng lại một lát để một người phụ nữ với mái tóc buông xõa đang ôm con vào ngực bây giờ mới xuất hiện ở trên boong thuyền lên bờ trước. Sau đó anh ta cũng lên bờ, đi đến chỗ những người đang đợi mình, chỉ tay vào ngôi nhà hai tầng mầu vàng nhạt đứng sừng sững ở phía bên trái gần hồ. Hai người mặc áo khoác tối màu nâng cáng lên và khiêng nó qua cái cổng thấp, nhưng có hai cái trụ thanh mảnh. Một cậu bé mở cửa sổ, đúng lúc cậu ta trông thấy toán người đi vào trong nhà, và cậu vội đóng cửa sổ lại. Bây giờ cánh cổng được đóng cẩn thận bằng gỗ sồi đen cũng được đóng lại. Một đàn chim bồ câu đã bay vòng qua tháp chuông đậu xuống trước ngôi nhà. Khi không tìm thấy thức ăn những con chim bồ câu tụ tập lại ở trước cổng. Một con bay lên tầng hai và mổ vào kính cửa sổ. Đây là những con chim được chăm sóc tốt, lông sáng màu, nhanh nhẹn. Người phụ nữ lúc trước ở trên thuyền vung tay ném mạnh những hạt lúa mì về phía chúng, chúng nhặt lúa mì và sau đó bay về phía người phụ nữ.

Một người đàn ông đội mũ hình trụ có băng tang đi xuống một trong những đường hẻm nhỏ rất dốc dẫn xuống cảng. Ông ta thận trọng nhìn quanh, tất cả làm ông lo lắng, ông cau mặt nhìn đống rác ở góc phố. Vỏ trái cây nằm đầy trên các bậc của đài kỷ niệm, khi đi qua ông gạt chúng xuống đất bằng một cái gậy. Ông gõ cửa ngôi nhà hai tầng màu vàng nhạt, đồng thời cầm chiếc mũ bằng tay phải đi găng tay đen. Ngay lập tức cửa được mở ra, có lẽ có đến năm mươi cậu bé đứng thành hàng dài ở hành lang cúi chào ông. Người lái thuyền đi xuống cầu thang, chào người đàn ông, dẫn ông lên trên. Ở tầng hai người đàn ông đi cùng người lái thuyền vòng qua cái sân được bao quanh bởi những hành lang ngoài được xây dựng đơn giản, thanh thoát; trong khi ở phía sau, các cậu bé chen chúc vào một phòng rộng lạnh lẽo ở đằng sau của ngôi nhà, đối diện với ngôi nhà không còn là nhà nữa mà chỉ còn nhìn thấy một một bức tường đá màu xám đen trơ trọi. Hai người khiêng cáng đặt một vài ngọn nến nhỏ vào hai đầu của chiếc cáng và châm lửa, nhưng trong phòng vẫn tối, chỉ có bóng của họ lúc trước đứng yên thì bây giờ bị xiêu vẹo đi và xòe rộng lên tường. Chiếc khăn được bỏ ra khỏi chiếc cáng. Một người đàn ông có mái tóc rối bù, bộ râu rậm rạp, làn da sạm nắng, trông hao hao giống một thợ săn đang nằm ở trên cáng. Ông ta nằm bất động ở đó, hình như đang thở hổn hển với đôi mắt nhắm nghiền. Tuy nhiên, những người đưa ông ta đến đây nói rằng có thể ông ta đã chết.

Người đàn ông vừa mới vào cùng người lái thuyền bước đến gần chiếc cáng, đặt một bàn tay lên trán người đang nằm trên đó, sau đó quỳ xuống và cầu nguyện. Người lái thuyền ra hiệu cho hai người khiêng cáng rời khỏi căn phòng. Họ đi ra, đuổi các cậu bé đứng tụ tập ở bên ngoài và đóng cửa phòng lại. Nhưng ngay cả sự im lặng này cũng chưa làm thỏa mãn người đàn ông đang quỳ, ông nhìn người lái thuyền, người lái thuyền hiểu ý và đi qua một chiếc cửa ngách sang phòng bên cạnh. Ngay lập tức người đàn ông nằm trên cáng mở mắt, đau đớn mỉm cười quay mặt về phía người đàn ông đang quỳ và nói: “Ngài là ai?” Không tỏ vẻ ngạc nhiên, người đã ông đang quỳ đứng dậy và trả lời: “Tôi là thị trưởng của thành phố Riva(*).”

Người đàn ông nằm ở trên cáng gật đầu, duỗi cánh tay yếu ớt ra chỉ vào một cái ghế bành và nói sau khi ông thị trưởng đã ngồi vào ghế: “Đúng là tôi đã biết là ngài đến, ngài thị trưởng, nhưng lúc đầu quả thật tôi đã quên hết mọi thứ, đầu óc tôi quay cuồng, và tốt hơn hết là tôi hỏi ngay cả khi tôi biết. Hình như ngài cũng biết tôi là thợ săn Gracchus.”

“Đương nhiên rồi”, ông thị trưởng nói. “Đêm qua tôi đã được báo trước là ông sẽ tới đây. Khi đó, chúng tôi đã ngủ từ lâu. Khoảng nửa đêm vợ tôi gọi: “Anh Salvatore” – đó là tên tôi – “anh nhìn con chim bồ câu ở cửa sổ kìa! Đó đúng là một con chim bồ câu, nhưng to như một con gà trống. Nó bay đến tai tôi và nói: “Ngày mai thợ săn đã chết Gracchus sẽ đến, nhà ngươi hãy thay mặt thành phố tiếp đón ông ấy.””

Người thợ săn gật đầu, mím môi, thò đầu lưỡi ra và nói: “Đúng đấy, những con chim bồ câu bay tới đây trước tôi. Nhưng ngài thị trưởng có nghĩ là tôi nên ở lại Riva không?”

“Điều đó tôi chưa thể nói được”, ông thị trưởng trả lời. “Ông chết rồi à?”

“Vâng”, người thợ săn nói, “như ngài thấy đấy. Trước đây nhiều năm, ồ không, trước đây rất nhiều năm, tôi bị ngã từ một mỏm đá trong Rừng Đen(**) ở Đức khi tôi đuổi theo một con linh dương. Tôi chết từ đó.”

“Nhưng ông cũng đang sống đấy thôi”, ông thị trường nói.

“Gần như là tôi cũng đang sống”, người thợ săn nói. “Con thuyền chở tôi sang thế giới bên kia đã lỡ chuyến đi. Một sự quay sai của bánh lái, một thoáng không lơ là của người cầm lái hay một sự làm chệch hướng đi của con thuyền qua quê hương tươi đẹp của tôi, tôi cũng không biết đó là do điều gì nữa. Tôi chỉ biết rằng tôi đã hoàn toàn tỉnh táo và rằng từ đó con thuyền của tôi đã ở trên những vùng nước của cõi trần. Vì vậy tôi, người đã chỉ muốn sống ở trên núi, đang đi qua tất cả các nước trên thế giới.”

“Và ông không thuộc về thế giới bên kia?” ông thị trưởng nhăn trán hỏi.

Người thợ săn trả lời: “Tôi luôn luôn ở trên cầu thang khổng lồ dẫn lên trên. Tôi đi vẩn vơ ở trên chiếc cầu thang trống trải rộng mênh mông này, lúc thì ở trên, lúc thì ở dưới, lúc thì ở bên phải, lúc thì ở bên trái, cứ đi mãi, đi mãi. Từ người thợ săn đã biến thành một con bướm. Ngài đừng cười.”

“Tôi có cười đâu”, ông thị trưởng phản đối.

“Rất dễ hiểu”, người thợ săn nói. “Tôi cứ đi mãi, đi mãi. Nhưng khi tôi leo lên nơi cao nhất và cánh cổng ở phía trên đã chiếu sáng cho tôi thì tôi tỉnh dậy trên con thuyền cũ của tôi đang đơn độc ở một vùng nước nào đó của cõi trần. Nằm trong khoang thuyền, tôi cố lí giải sai lầm chủ yếu dẫn đến cái chết ngày xưa của tôi. Julia, vợ của anh lái thuyền, gõ cửa và mang xuống thuyền cho tôi đồ uống buổi sáng của đất nước mà chúng tôi đang đi thuyền dọc bờ biển của nó. Tôi nằm trên một tấm phản gỗ, mặc một cái áo liệm bẩn thỉu, tóc râu nửa đen nửa bạc, rối bù, trông tôi thật thảm hại; hai chân tôi được phủ bằng một chiếc khăn choàng rộng của phụ nữ bằng lụa, thêu hoa, được viền tua dài. Phía trên đầu và phía dưới chân tôi, mỗi đầu có một ngọn nến thờ soi sáng. Ở trên tường đối diện với phía tôi nằm có một bức tranh nhỏ, người trong tranh chắc là một thổ dân Tây Nam Phi đang chĩa ngọn giáo về phía tôi và được che chắn một cách tối đa đằng sau một cái khiên to tướng được tô vẽ lòe loẹt. Người ta thấy ở trên các thuyền có nhiều bức tranh ngu ngốc, nhưng bức tranh này là một trong những bức ngu ngốc nhất. Thông thường khoang thuyền của tôi hoàn toàn trống không. Không khí ấm của đêm phương Nam ùa vào qua một cửa khoang của mạn thuyền và tôi nghe thấy nước vỗ ì oạp vào con thuyền.

Tôi nằm ở trong khoang thuyền từ thuở ấy, sau khi tôi còn là thợ săn Gracchus đang sống đuổi theo một con linh dương trong Rừng Đen ở quê nhà và bị ngã. Mọi thứ cứ tuần tự diễn ra. Tôi đuổi theo con thú, bị ngã, bị chảy máu trong một khe núi, bị chết và con thuyền này đã phải đưa tôi sang thế giới bên kia. Tôi vẫn còn nhớ mình thích thú ra sao khi lần đầu tiên nằm dài ra ở trên tấm phản này. Những ngọn núi chưa bao giờ nghe thấy tiếng hát vui nhộn của tôi như bốn bức tường gỗ của khoang thuyền thuở ấy đã nghe trong ánh sáng lờ mờ.

Tôi đã thích sống và cũng đã thích chết. Trước khi lên thuyền tôi may mắn vứt cái bao đựng hộp sắt, túi xách, súng săn mà tôi đã luôn tự hào khoác trên người xuống trước mặt mình. Và tôi chui vào chiếc áo liệm như một cô gái chui vào chiếc váy cưới. Tôi nằm trên cáng và chờ đợi. Sau đó điều không may đã xảy ra.”

“Đúng là một số phận kém may mắn”, ông thị trưởng phẩy tay nói.

“Và ông không có lỗi gì trong chuyện này chứ?” “Không”, người thợ săn nói, “tôi đã là một thợ săn, chẳng lẽ đó là một tội lỗi ư? Tôi là người thợ săn hoà nhã trong Rừng Đen, nơi thuở ấy còn có chó sói. Tôi rình nấp, ngắm bắn, bắn trúng và lột da con mồi, đó là tội lỗi ư? Công việc của tôi đã được khen ngợi. Tôi được mệnh danh là“người thợ săn cừ khôi của Rừng Đen”. Đó cũng là một tội lỗi ư?”

“Tôi không có quyền phán xét”, ông thị trưởng nói, “tuy nhiên, tôi cũng cho là trong việc này ông không có lỗi. Nhưng ai có lỗi kia chứ?”

“Tay thủy thủ trưởng”, người thợ săn nói. “Sẽ không có ai đọc những gì tôi viết ở đây, sẽ không có ai đến giúp tôi; giả thử rằng việc giúp tôi là nhiệm vụ thì cửa của tất cả các ngôi nhà sẽ đóng im, tất cả mọi người sẽ nằm trên giường kéo chăn chùm kín đầu, cả thế giới sẽ là một chỗ nghỉ đêm khi tôi yêu cầu được giúp đỡ. Điều đó rất có lợi, vì không ai biết đến tôi, và nếu không có ai đó biết đến tôi thì cũng không có ai biết tôi đang dừng lại, và nếu không có ai biết tôi đang dừng lại thì cũng không có ai biết giữ tôi lại ở đó, cho nên không có ai biết giúp tôi như thế nào. Cái ý nghĩ muốn giúp đỡ tôi là một chứng bệnh và cần được điều trị ở trên giường.

Tôi biết điều đó và vì vậy tôi không hét lên để gọi người giúp đỡ, ngay cả khi tôi rất muốn được giúp đỡ trong giây lát. Tôi rất dễ mất tự chủ, ví dụ như bây giờ. Nhưng chắc chắn điều này là cần thiết để giãi bày những ý nghĩ vừa rồi, nếu tôi nhìn quanh và hình dung mình đang ở đâu và đang sống từ hàng thế kỉ nay. Tôi quả quyết là như vậy.”

“Thật không thể tin được”, ông thị trưởng thốt lên, “không thể tin được. – Và bây giờ ông có ý định ở lại thành phố Riva của chúng tôi chứ?”

“Đúng thế”, người thợ săn mỉm cười nói và đặt bàn tay lên đầu gối của ông thị trưởng để gây thiện cảm. “Tôi đang ở đây, tôi không biết và không thể làm gì được nữa. Thuyền của tôi không có bánh lái, nó chạy bằng sức gió thổi ở những nơi tận cùng của cõi chết.”

 

DANH DỰ

ANTON PAVLOVICH CHEKHOV (NGA)

Ngay sau khi bắt quả tang vợ ngoại tình, Fjodor Fjdorowitsch Ssigajew có mặt ở cửa hàng bán vũ khí Schmucks và Cộng sự, tìm mua một khẩu súng lục. Khuôn mặt anh ta biểu lộ sự giận dữ, đau đớn và sự quyết tâm sắt đá.

– Đương nhiên là mình biết mình phải làm gì… – anh ta nghĩ: – Kỷ cương gia đình bị chà đạp, danh dự bị bôi nhọ, đạo đức suy đồi, và vì vậy ta, với tư cách là một nhà tư sản, một người đàng hoàng, cần phải lĩnh trách nhiệm của kẻ trả thù. Trước tiên ta giết chết con đàn bà hư hỏng và người tình của ả, sau đó ta tự tử và…

Mặc dù vẫn chưa chọn mua khẩu súng nào và chưa giết chết ai, nhưng anh ta đã hình dung ra ba xác chết be bét máu me, những cái sọ vỡ toác, óc phọt ra, sự ồn ào của đám người nhàn rỗi đứng xem và việc mổ tử thi… Cùng với sự vui mừng độc địa của một kẻ bị xúc phạm anh ta tưởng tượng ra nỗi khiếp đảm của họ hàng, của thiên hạ, tưởng tượng ra cơn hấp hối của kẻ ngoại tình, những bài báo về sự suy đồi của kỷ cương gia đình.

Người bán hàng, một người đàn ông thấp bé nhanh nhẹn có cái bụng phệ và mặc một cái áo gile trắng trông có vẻ là một người Pháp đặt lần lượt các khẩu súng lục ra trước mặt Ssigajew, kính cẩn mỉm cười và liên tục cúi chào một cách lịch sự, nói:

“Thưa quý ông, tôi khuyên ông nên loại súng lục tuyệt vời này, hệ Smith & Wesson, thành tựu mới nhất của kỹ thuật chế tạo súng. Với hiệu quả gấp ba lần, có một ổ đạn, bắn xa sáu trăm bước, hệ thống khai hỏa trung tâm. Đây là hệ mới nhất, thưa ông… Hàng ngày chúng tôi bán hàng chục khẩu cho khách dùng làm phương tiện để chống lại bọn cướp, chó sói và những kẻ ngoại tình. Hiệu quả bắn đáng tin cậy và cực kỳ mạnh, nó có thể bắn trúng ở cự li xa nhất, đồng thời xuyên táo cả ả đàn bà và người tình của ả. Còn dùng để tự sát thì tôi thấy chưa có hệ nào tốt hơn hệ này, thưa ông…”

Người bán hàng lên và bóp cò, thổi nhẹ nòng súng, ngắm đích và làm như thể ông ta đang nín thở vì vui sướng. Nếu ai đó nhìn gương mặt khoái chí của ông ta thì có thể tin là ông ta sẵn sàng tự bắn một viên đạn vào trán mình, nếu được sở hữu trong tay một khẩu súng lục tuyệt vời như hệ Smith & Wesson.

“Vậy giá cả thì thế nào?” Ssigajew hỏi

“Bốn nhăm rúp, thưa ông.”

“Hừm!… Tôi thấy đắt quá!”

“Thưa ông, thế thì tôi xin giới thiệu với ông một hệ khác rẻ hơn chút ít. Ông cứ xem đi! Chúng tôi có rất nhiều loại súng với các mức giá khác nhau… Ví dụ như khẩu này, hệ Lefaucheur, giá chỉ có mười tám rúp, nhưng… (người bán hàng bĩu môi tỏ vẻ khinh miệt)… nhưng, hệ này đã lỗi thời rồi. Chỉ còn những người trí thức vô sản và những người phụ nữ bị loạn thần kinh mới mua nó. Giờ đây, việc tự bắn chết mình hoặc vợ mình bằng một khẩu Lefaucheur được coi là thô sơ rồi. Hiện đại nhất thì chỉ có hệ Smith & Wesson thôi.”

“Tôi không định tự tử mà cũng không định bắn chết ai”, Ssigajew buồn bã nói dối. “Tôi mua súng chỉ để đi nghỉ mát, để xua đuổi trộm…”

“Chúng tôi không hề quan tâm ông mua súng để làm gì”, người bán hàng nói trong khi mắt ông ta nhìn xuống một cách nhún nhường. “Nếu ai vào đây chúng tôi cũng hỏi lý do mua súng thì chắc chắn chúng tôi đã phải đóng cửa hàng từ lâu rồi. Nhưng để xua đuổi trộm thì khẩu Lefaucheur hoàn toàn không thích hợp, vì tiếng nổ của nó vừa trầm lại vừa bé; để dùng súng vào mục đích này tôi xin giới thiệu với ông khẩu lục Mortimer thông dụng, còn gọi là súng đấu tay đôi…”

– Hay là ta không nên thách đấu súng tay đôi với thằng bồ của con đàn bà hư hỏng?- Ý nghĩ đó thoáng qua trong đầu Ssigajew. – Nhưng đây là danh dự! Ta sẽ dễ dàng bắn chết những kẻ xấu xa như thế như bắn chết những con chó… –

Người bán hàng luôn vồn vã mỉm cười và hỏi han chuyện trò, bày một đống súng lục ra trước mặt Ssigajew. Súng hệ Smith & Wesson trông chắc chắn và đẹp nhất. Ssigajew cầm trên tay một khẩu của hệ này, ngây dại nhìn nó chòng chọc và đắm mình trong suy nghĩ. Anh ta tưởng tượng ra mình bắn vỡ các hộp sọ, máu chảy thành dòng xuống thảm và sàn gỗ, người vợ phản bội đạp chân giãy chết… Nhưng tất cả những điều này vẫn còn quá ít đối với lòng căm phẫn của anh ta. Những hình ảnh đẫm máu, những tiếng gáo thét và nỗi kinh hoàng chưa làm anh ta hả dạ … Anh ta còn cần phải tưởng tượng ra một thứ gì đó khủng khiếp hơn.

– Ta sẽ làm như thế này: ta giết chết thằng chó đó và tự tử, Ssigajew tự nhủ, nhưng ta để cho con đàn bà hư hỏng sống. Ả nên bị chết dần chết mòn vì sự cắn rứt lương tâm và sự khinh bỉ của những người xung quanh. Đối với một người rất dễ xúc động như ả thì điều đó còn đau đớn hơn là cái chết tức thì…

Và Ssigajew tưởng tượng ra lễ mai táng của chính mình, người chồng bị xúc phạm, nằm ở trong quan tài với một nụ cười dịu dàng ở trên môi, còn người vợ hư hỏng của anh ta héo hon vì bị sự cắn rứt lương tâm hành hạ thì đi theo quan tài như nữ thần Ni-ốp(*) và không biết trốn đi đâu trước những ánh mắt căm ghét, khinh bỉ của đám đông tức giận đang nhìn ả.

“Thưa quý ông, tôi thấy ông thích khẩu Smith & Wesson nhất”, người bán hàng cắt đứt dòng suy nghĩ của Ssigajew. “Nếu ông thấy đắt thì tôi sẽ bớt cho ông năm rúp… Ngoài ra chúng tôi cũng còn súng của những hệ khác rẻ hơn một chút.”

Người bán hàng có những nét giống người Pháp ngoảnh lại một cách duyên dáng và lấy thêm hàng chục hộp khác nữa có súng lục ở bên trong từ trên các giá bày hàng.

“Thưa ông, loại súng này có giá ba mươi rúp. Giá này thực sự là không đắt, hơn nữa giá trị của đồng rúp đã bị giảm sút, trong khi thuế nhập khẩu thì mỗi ngày một tăng.  Xin ông hiểu cho: tỉ giá và thuế nhập khẩu làm cho chỉ có người giàu mới có thể mua được súng tốt! Người nghèo chỉ có thể mua được những loại súng được sản xuất tạiTula(**) và súng bắn đạn phôtpho; nhưng việc sử dụng những loại súng này là một tai họa thực sự! Có khi người ta dùng một khẩu súng như vậy để bắn vợ thì mảnh đạn lại ghăm trúng bả vai của mình…”

Đột nhiên Ssigajew nghĩ rằng anh ta chết thì sẽ không được chứng kiến những nỗi khổ nhục của người vợ phản bội. Sự trả thù chỉ có thể ngọt ngào khi người ta có thể nhìn thấy và cảm thấy kết quả của nó; nhưng nếu nằm trong quan tài thì còn biết gì nữa?

– Có thể ta nên thực hiện việc đó như thế này, Ssigajew suy nghĩ đắn đo. – Ta sẽ giết chết thằng chó đó, đi dự dám tang của nó, chứng kiến tất cả và sau đó bắn chết mình… Nhưng nếu người ta bắt giữ mình ngay trước khi cử hành tang lễ và tước súng của ta thì sao… Hay là sẽ giết chết thằng chó đó, để cho con vợ của ta sống, còn ta… trước tiên ta không tự sát, mà để cho người ta bắt. Sau đó ta vẫn còn thời gian để tự sát. Việc ta bị bắt giữ có cái lợi là trong thời gian điều tra ta có thể vạch trần toàn bộ sự đê tiện của con vợ trước các nhà chức trách và thiên hạ. Nếu ta tự sát thì ả có thể đổ toàn bộ tội lỗi cho ta bằng sự điêu ngoa và hỗn láo cố hữu, người đời sẽ đồng tình với ả và có thể cũng sẽ nhạo báng ta; nhưng nếu ta sống thì…

Sau đó anh ta nghĩ:

– Tuy nhiên, nếu ta tự sát thì có thể người ta sẽ nghi ngở ta nhỏ nhen… Với lại, tại sao ta lại phải tự sát kia chứ? Tự sát là hèn nhát. Vậy thì: ta sẽ giết chết thằng chó đó, để cho con đàn bà hư hỏng sống và tự ra hầu tòa. Khi xét xử ả sẽ bị thẩm vấn với tư cách là nhân chứng… Ta có thể hình dung ra một cách rất sinh động sự nhục nhã, sự lúng túng của ả, khi luật sư bào chữa của ta đặt câu hỏi! Một điều hiển nhiên là Tòa án, những người đến dự phiên tòa và báo chí sẽ dành thiện cảm cho ta… -. Ssigajew đã cân nhắc như vậy trong khi người bán hàng vẫn giới thiệu những loại súng mới và cố gắng nói chuyện với anh ta:

“Đây là những khẩu súng lục của Anh hệ mới nhất, chúng tôi vừa mới nhập về”, người bán hàng nói liến thoắng. “Nhưng tôi cần phải nói với ông rằng, tất cả những hệ này đều kém xa so với hệ Smith & Wesson. Mới đây thôi, chắc chắn ông đã đọc ở trên báo có một viên sĩ quan đã mua một khẩu súng lục hệ Smith & Wesson ở cửa hàng của chúng tôi. Ông ta đã bắn người tình của vợ mình, và ông có tin không? Viên đạn bắn xuyên qua người kẻ tình địch, xuyên thủng cái đèn đồng, sau đó là cái đàn dương cầm, nảy lại, giết chết một con chó con và làm người vợ bị thương. Hiệu quả tuyệt vời này đang mang lại danh tiếng cho cửa hàng của chúng tôi. Viên sĩ quan đã bị bắt… Tất nhiên ông ta sẽ bị kết án lao động khổ sai ở Si-bê-ri! Tại sao ư? Thứ nhất là, chúng ta đang có một pháp chế lỗi thời; thứ hai là Tòa án luôn đứng về phía kẻ ngoại tình. Tại sao lại như thế? Rất đơn giản, thưa ông! Những ông thẩm phán, những bồi thẩm viên, ủy viên công tố và luật sư bào chữa, tất cả bọn họ đều có quan hệ lăng nhăng và cảm thấy an toàn hơn nếu ở nước Nga ít đi một người chồng. Sẽ tốt biết mấy cho cửa hàng của chúng tôi nếu chính quyền lưu đày tất cả những người chồng ra đảo Sakhalin! Nhưng mặt khác, thưa ông, ông không biết đấy thôi, sự đồi bại về đạo đức thời nay lại khiến tôi phẫn nộ như thế nào đâu! Ngày nay việc quan hệ tình ái với một người phụ nữ không phải là vợ mình cũng bình thường như việc hút những loại thuốc lá lạ hay đọc những quyển sách lạ. Cửa hàng của chúng tôi kinh doanh mỗi năm một tồi tệ hơn, điều đó không có nghĩa là có ít kẻ ngoại tình hơn mà chỉ là do những người người chồng đã chấp nhận tình trạng này và sợ phải ngồi tù.”

Người bán hàng nhìn quanh và thì thầm:

“Vậy thì ai có lỗi trong chuyện này, thưa ông? Đó là chính quyền!”

– Chỉ vì thằng chó đó mà bị đày ra đảo Sakhalin thì thật là phi lí, – Ssigajew ngẫm nghĩ. Nếu ta phải ngồi tù thì con vợ của ta sẽ đi lấy chống khác và cũng sẽ lừa dối người chồng thứ hai của ả. Ả sẽ vui như mở cờ trong bụng… Vậy thì, ta sẽ để con đàn bà hư hỏng sống, ta không tự sát, còn thằng chó đó ta cũng… không giết. Ta cần phải nghĩ ra một cái gì đó hợp lí hơn và sâu sắc hơn. Ta sẽ trừng trị cả hai đứa chúng nó bằng sự khinh bỉ và sẽ đệ một lá đơn thống thiết xin li hôn.

“Thưa ông, đây là một hệ mới nữa”, người bán hàng nói và lấy xuống từ giá bày hàng hàng chục khẩu súng khác. “Ông chỉ cần để ý đến cấu tạo độc đáo của quy lát…”

Sau khi đắn đo cân nhắc Ssigajew thấy không cần phải mua súng nữa, nhưng người bán hàng lại càng nhiệt tình giới thiệu với anh ta những hệ súng mới khác. Anh ta, người chồng bị xúc phạm danh dự, lấy làm xấu hổ khi người bán hàng vì anh ta mà say sưa, ra sức giới thiệu các loại súng, mỉm cười nhã nhặn và đánh mất thời gian một cách vô ích…

“Được rồi, tôi sẽ…” Ssigajew nói ấp úng. “tôi sẽ ghé qua vào hôm khác, hoặc là… hoặc là tôi sẽ cho người đến mua.”

Ssigajew không nhìn vẻ mặt của người bán hàng, nhưng anh ta cảm thấy cần phải mua một thứ gì đó để thoát khỏi tình huống khó xử. Nhưng anh ta nên mua cái gì đây? Anh ta tìm một đồ vật rẻ nhất có thể bày bán ở cửa hàng và cuối cùng anh ta chăm chú nhìn một tấm lưới màu xanh treo ở cạnh cửa.

“Lưới này… là lưới gì vậy?” Ssigajew hỏi.

“Đây là lưới dùng để bắt chim cút.”

“Giá bao nhiêu vậy?”

“Thưa ông, tám rúp.”

“Được rồi, tôi mua cái lưới này, ông gói nó lại cho tôi…”

Ssigajew, người chồng đã bị xúc phạm danh dự, trả tám rúp, cầm lấy tấm lưới và rời cửa hàng khi danh dự của anh ta càng bị tổn thương nhiều hơn.

—————–

(*) Trong thần thoại Hy Lạp, trong thơ ca thường được ví như người đàn bà đau khổ than khóc không bao giờ nguôi.

(**) Một thành phố lớn ở Nga.

 

NHÀ SOẠN KỊCH

ANTON PAVLOVICH CHEKHOV (NGA)

Một người đàn ông buồn rầu với đôi mắt mệt mỏi và một gương mặt của người bị sổ mũi bước vào phòng khám của một bác sỹ. Theo như màu sắc của mũi và với vẻ mặt nhăn nhó của ông ta thì thứ ông ta quan tâm không gì khác là đồ uống có cồn, chứng sổ mũi kinh niên và những suy tư triết lý.

Người đàn ông ngồi xuống và phàn nàn về sự khó thở, chứng ợ chua, chứng ưu sầu và sự ăn không ngon miệng.

“Ông làm nghề gì?” bác sỹ hỏi.

“Tôi là nhà soạn kịch!” người đàn ông nói với niềm hãnh diện.

Ngay lập tức bác sỹ cảm thấy kính trọng trước bệnh nhân và mỉm cười một cách kính cẩn.

“Một nghề rất đặc biệt…” người đàn ông thủng thẳng nói. “Phải làm việc trí óc nhiều và căng thẳng!”

“Tôi cũng nghĩ thế! Có rất ít nhà soạn kịch… Chắc chắn cuộc sống của ông không giống với cuộc sống của người bình thường, vì thế xin ông hãy miêu tả cho tôi biết lối sống của ông, các thói quen, môi trường xung quanh, lề lối làm việc của ông…”

“Rất sẵn sàng…” người đàn ông đáp. “Tôi ngủ dậy vào khoảng buổi trưa, thỉnh thoảng cũng sớm hơn… Khi tôi ngủ dậy thì ngay lập tức tôi hút một điếu thuốc lá và uống hai ly rượu mạnh, thỉnh thoảng cũng ba ly… Thỉnh thoảng cũng bốn ly: điều đó phụ thuộc vào việc tối hôm trước tôi đã uống bao nhiêu… Thế đấy… Và nếu như tôi không uống thì mắt tôi hoa lên, và đầu tôi bắt đầu kêu vo vo.”

“Có lẽ ông uống khá nhiều chăng?”

“Không, làm gì có chuyện ấy? Việc tôi uống lúc bụng đói có liên quan đến thần kinh của tôi… Khi tôi đã mặc quần áo ngoài xong, tôi đi đến nhà hàng Livônô hoặc nhà hàng  Xavraxenkốp và ăn sáng… Tôi ăn không ngon miệng… Vào bữa sáng tôi chỉ ăn chút ít… một miếng sườn hay một nửa suất cá tầm với củ cải ngựa… Nếu tôi cũng uống trước ba hoặc bốn ly rượu mạnh thì tôi ăn vẫn không ngon miệng… Sau bữa sáng tôi uống bia hoặc rượu vang, tùy thuộc vào túi tiền của tôi…”

“Và sau đó?”

“Sau đó tôi đi đến một quán bia nào đó và từ quán bia tôi lại đi đến nhà hàng Livônô, nơi tôi chơi bi a… Đến khoảng sáu giờ, sau đó tôi ăn trưa… Tôi ăn rất kém… Thật khó tin; thỉnh thoảng trước bữa ăn tôi uống sáu hoặc bảy ly rượu mạnh mà ăn vẫn không thấy ngon miệng! Tôi thật ganh tỵ với những người khác: họ ăn súp, nhưng ngửi thấy súp là tôi buồn nôn, và thay vì ăn thì tôi uống bia… Sau bữa trưa tôi đi xem kịch…”

“Hừm… Có lẽ việc đi xem kịch rất làm ông xúc động chứ?”

“Xúc động kinh khủng! Tôi liên tục rất xúc động, sau đó gặp bạn bè và mời nhau: đi uống với nhau một li đi! Với người này tôi uống rượu mạnh, với người khác tôi uống rượu vang đỏ, với người khác nữa tôi uống bia, và thế là khi uống đến chầu thứ ba thì tôi hầu như không còn đứng nổi trên đôi chân của mình nữa… Sau khi đi xem kịch tôi đi tụ tập với giới văn nghệ sỹ hoặc đi khiêu vũ giả trang… Từ cuộc tụ tập với giới văn nghệ sỹ hoặc từ cuộc khiêu vũ giả trang thì người ta thường ít đi về nhà ngay, tại sao thì bác sỹ tự hiểu… Vẫn còn may, nếu sáng hôm sau tôi thức giấc trong căn hộ của mình… Gần như là cả tuần tôi không ngủ ở nhà…”

“Hừm… có lẽ ông quan sát cuộc sống quanh mình chứ?”

“Vâng, tôi cũng làm việc đó… Một lần thần kinh tôi bị rối loạn nên suốt bốn tuần tôi hoàn toàn không về nhà và thậm chí đã quên đường về nhà, tôi phải hỏi đường về ở chỗ cảnh sát… Và bây giờ thì điều đó xảy ra gần như hàng ngày!”

“Thế thì ông viết các tác phẩm của mình vào lúc nào?”

“Các tác phẩm của tôi á? Tôi nên nói với bác sỹ thế nào nhỉ?” người đàn ông nhún vai đáp. “Tất cả phụ thuộc vào hoàn cảnh…”

“Xin ông miếu tả cho tôi biết quá trình sáng tác của mình…”

“Thế này nhé, tình cờ một vở kịch tiếng Đức hoặc tiếng Pháp rơi vào tay tôi… Nhưng hầu hết tôi đưa cho bạn bè đọc giúp, vì bản thân tôi không có thời gian. Và nếu bạn bè tôi đưa ra nhận xét vở kịch dùng được thì tôi đưa nó cho em gái tôi hoặc tôi trả công năm rúp cho một sinh viên để dịch nó, và tôi sửa lại các tình tiết của vở kịch phù hợp với lối sống Nga: thay thế tên của các nhân vật bằng các tên của người Nga và vân vân…Thế là xong… Nhưng để làm được điều đó không phải là dễ! Mà là cực kỳ khó!”

Gã đàn ông buồn rầu liếc mắt và thở dài. Ông bác sỹ bắt đầu bắt mạch, dùng ống nghe để chẩn bệnh và gõ để khám…

 

TRẢ THÙ

ANTON PAVLOVICH CHEKHOV (NGA)

Một lần Lew Ssawwitsch Turmanow, một thị dân trung lưu có một số vốn nhỏ, một người vợ trẻ và một đám hói rộng trên đầu đang chơi bài tại lễ đặt tên thánh của một trong số những người bạn. Sau khi thua mất khá nhiều tiền, trán anh ta toát mồ hôi và anh chợt nhớ ra rằng một lúc lâu rồi anh đã không uống rượu mạnh. Lew Ssawwitsch đứng dậy khỏi chỗ ngồi của mình, giữ thăng bằng cơ thể nhón chân len qua những bàn chơi bài, đi qua phòng khách, nơi thanh niên đang khiêu vũ, vừa mỉm cười kẻ cả, vỗ vai một người bán thuốc tây trẻ, gầy còm có họ hàng về đằng nội và lẻn qua cửa nách dẫn vào phòng có tiệc đứng. Trên một cái bàn con hình tròn có các chai rượu vang và các bình đựng rượu mạnh… Bên cạnh chúng một con cá trích được trang trí bằng hành lá và rau mùi tây bị ăn mất một nửa nằm dưới những thức ăn hấp dẫn khác. Lew Ssawwitsch rót cho mình một li nhỏ, cử động các ngón tay như thể đang muốn bắt đầu nói chuyện, uống hết li rượu mạnh, lộ vẻ mặt đau khổ và đâm dĩa vào con cá trích… Bỗng nhiên anh ta nghe thấy hai giọng nói ở đằng sau tường.

“Có thể, có thể…” một giọng nữ nói nhanh. “Nhưng mà khi nào?”

– Vợ mình! – Lew Ssawwitsch tự nói với mình khi nhận ra giọng nói đó. Ả đang nói chuyện với ai thế nhỉ?

“Khi nào em muốn, em yêu…” một giọng nam trầm, mạnh mẽ trả lời. “Hôm nay thì không được rồi, còn ngày mai thì anh bận cả ngày.”

– Chắc chắn đó là Degtjiarjow rồi! Turmanow nhận ra giọng nói của một trong số những người bạn của mình. Đồ quỷ cái phản bội! Lẽ nào ả cũng đã lừa hắn? Đúng là một con đàn bà hoang dâm vô độ! Không ngày nào ả có thể sống mà không đọc tiểu thuyết!

“Đúng đấy, ngày mai anh bận”, giọng nam trầm nói tiếp. “Nếu em muốn thì ngày mai em hãy viết cho anh một vài dòng… Anh sẽ rất vui và hạnh phúc… Hơn nữa, chúng mình cần phải xem lại việc viết thư cho nhau. Chúng mình cần phải nghĩ ra một cách nào đó vì gửi qua bưu điện rất dễ bị lộ. Nếu anh viết thư cho em thì con gà tây của em có thể nhận thư của anh từ người đưa thư; còn nếu em viết thư cho anh thì một nửa kia của anh sẽ vớ được thư của em và bóc ra.”

“Chúng mình nên làm gì?”

“Chúng mình cần phải nghĩ ra một phương kế nào đó. Chúng mình cũng không thể gửi qua đầy tớ; chắc chắn thằng hay cằn nhằn của em quản lí rất chặt con sen và thằng ở. Bây giờ hắn đang làm gì? Chơi bài đúng không?”

“Vâng, thằng chồng ngu ngốc của em luôn bị thua!”

“Nhưng hắn may mắn trong tình yêu!” Degtjiarjow bật cười reo lên. “Nghe anh nói này, em yêu! Anh vừa mới sực nhớ ra là… vào lúc sáu giờ tối ngày mai, khi đi từ văn phòng về nhà, anh sẽ đi qua công viên của thành phố, nơi anh phải nói chuyện với viên thanh tra. Vậy thì em yêu! Vào lúc trước sáu giờ, nhất định là không được muộn hơn, em hãy nhét lá thư vào cái bình bằng đá cẩm thạch ở phía bên trái của lùm nho; em hiểu là anh đang nói đến chiếc bình nào rồi chứ?…”

“Em hiểu rồi…”

“Đó sẽ là cách gửi thư thi vị và hoàn toàn bí mật, và cũng hoàn toàn mới… Cả thằng béo của em lẫn nửa kia của anh đều sẽ không biết gì về chuyện này. Em hiểu anh rồi chứ?”

Lew Ssawwitsch uống thêm một li nữa và quay trở lại bàn chơi bài. Điều bí mật mà anh ta vừa phát hiện ra có thể không làm anh ta nổi giận mà cũng chẳng làm anh ta bàng hoàng. Quãng thời gian mà anh ta chửi rủa vợ mình thậm tệ và thậm chí đấm đá lung tung, khi anh ta còn nổi giận, đã trôi qua từ lâu; anh ta không còn quan tâm đến những cuốn tiểu thuyết của vợ mình và nhắm mắt làm ngơ. Tuy nhiên, giờ đây anh ta cảm thấy rất khó chịu. Những từ ngữ mà Degtjiarjow dùng để gọi anh như: con gà tây, thằng béo, thằng hay cằn nhằn v.v… xúc phạm đến lòng tự ái của anh.

– Thằng Degtjiarjow này đúng là một kẻ đểu cáng! Lew Ssawwitsch nghĩ trong khi ghi những khoản tiền thua tiếp. Nếu hắn gặp mình ở ngoài phố, hắn sẽ đối xử với mình như một người bạn tốt, hắn sẽ mỉm cười, vỗ vào bụng mình, còn bây giờ hắn đang giở trò khốn nạn này! Hắn gọi mình là một người bạn, nhưng sau lưng mình hắn lại gọi mình là một con gà tây và một thằng béo…

Những khoản tiền thua bài càng tăng lên thì sự xúc phạm càng đè nặng Lew Ssawwitsch hơn…

– Thằng miệng còn hơi sữa này… – anh ta nghĩ trong khi anh ta bẻ đôi viên phấn vì tức giận. Thằng nhãi ranh này… Mình không thích gây sự với hắn, nếu không mình đã cho hắn biết thế nào là thằng hay cằn nhằn rồi!

Khi ăn tối anh ta không thể dửng dừng nhìn mặt của Degtjiarjow, nhưng người này liên tục hỏi anh ta để trêu ngươi: Anh ta có thắng trong khi chơi bài hay không? Tại sao anh ta lại đăm chiêu như vậy? Thậm chí, với tư cách là bạn thân y còn hỗn láo lớn tiếng quở trách vợ của Turmanow khi ả không mấy quan tâm đến sức khỏe của chồng. Nhưng người vợ nhìn chồng bằng đôi mắt dịu dàng như thể chẳng có chuyện gì xảy ra, ả cười nói vui vẻ và hồn nhiên tán gẫu, cho nên không ai nghi ngờ ả về sự không chung thủy.

Về đến nhà,  Lew Ssawwitsch cảm thấy rất điên tiết, như thể buổi tối anh ta đã phải ăn no thứ thịt bê nướng dai nhách. Có lẽ anh ta đã có thể vẫn tự kiềm chế và quên đi tất cả, nhưng những lời phỉnh phờ và nụ cười tủm tỉm của vợ anh ta luôn gợi cho cho anh ta nhớ đến việc anh ta bị gọi là con gà tây và thằng béo…

– Mình muốn bợp tai thằng chó đó… – Lew Ssawwitsch nghĩ. Mình muốn phanh phui vụ bê bối của nó.

Và Turmanow nghĩ, tốt nhất là nện cho Degtjiarjow một trận, hoặc là bắn hạ y trong một cuộc đấu súng tay đôi như bắn hạ một con chim sẻ, sẽ làm cho y bị đuổi việc, hoặc cho vào chiếc bình bằng đá cẩm thạch thứ gì đó bẩn tưởi, hôi thối, ví dụ như một con chuột cống chết… Cũng chẳng có gì là xấu, nếu đánh cắp lá thư của vợ anh ta ở chiếc bình và đặt thay vào đó là một bài thơ tục tĩu với chữ ký “Akuljka của anh” hoặc một thứ gì tương tự như thế.

Turmanow chậm rãi đi đi lại lại ở trong phòng ngủ và thích thú với những ý nghĩ như thế. Bất ngờ anh ta đứng lại và vỗ vào trán mình.

“Ta đã có cách, tuyệt vời!” anh ta reo lên và gương mặt anh rạng rỡ niềm vui. “Điều đó sẽ rất tuyệt! Rất tuyệt!”

Khi vợ bắt đầu ngủ, Lew Ssawwitsch ngồi vào bàn và viết sau khi đắn đo một lúc lâu, giả nét chữ và lỗi chính tả, như sau:

“Kính gửi thương gia Dulinow! Thưa ông, nếu đến hôm nay, ngày mười hai tháng chín, vào lúc sáu giờ tối mà ông không đặt hai trăm rúp vào trong chiếc bình bằng đá cầm thạch ở phía trái lùm nho trong công viên thành phố thì ông sẽ bị giết, và cửa hàng phụ kiện thời trang của ông sẽ bị bay vào không khí.” Sau khi Ssawwitsch Turmanow viết xong lá thư, anh ta nhảy cẫng lên vì vui sướng.

“Đúng là một câu chuyện bịa hoàn hảo!” anh ta lẩm bẩm, xoa hai bàn tay vào nhau. “Tuyệt vời! Ngay cả quỷ Sa-tăng cũng không nghĩ ra cách trả thù tốt hơn! Dĩ nhiên tay thương gia sẽ sợ và đi báo cảnh sát. Vào lúc sáu giờ cảnh sát sẽ mai phục ở các bụi cây và sẽ bắt thằng chó đó khi nó đến lấy thư!… Hắn sẽ vô cùng sợ hãi! Cho đến khi sự việc được làm sáng tỏ, hắn – đồ vô lại, sẽ bị tạm giam một thời gian và sẽ phải chịu đựng đủ thứ… Thật là tuyệt!”

Lew Ssawwitsch dán một con tem lên lá thư và tự mình mang bỏ nó vào thùng thư. Anh ta thiu thiu ngủ với một nụ cười mãn nguyện ở trên môi và ngủ thật ngon như từ lâu anh không ngủ ngon được như vậy. Khi anh ta thức dậy vào buổi sáng và nhớ đến ý định của mình anh ta hớn hở gừ gừ  như một con mèo đực, thậm chí còn vuốt cằm người vợ không chung thủy. Trên đường đến cửa hàng và ngay cả trong lúc đang làm việc ở đó, anh ta lên tục mỉm cười và tưởng tượng ra nỗi hoảng sợ của Degtjiarjow khi y rơi vào bẫy…

Sau năm giờ anh ta không thể đợi lâu hơn được nữa và vội vàng đi đến công viên thành phố để tận mắt chứng kiến vận rủi của kẻ thù.

– A ha! Lew Ssawwitsch tự nói với mình khi nhìn thấy một người cảnh sát.

Anh ta nấp sau một bụi cây ở gần lùm nho, chăm chú nhìn chiếc bình và chờ đợi với vẻ vô cùng sốt ruột.

Đúng sáu giờ Degtjiarjow xuất hiện. Y có vẻ đang rất vui. Cái mũ hình trụ của y hất ngược ra sau gáy rất kiểu cách, và dường như như tâm hồn y cũng ló ra từ chiếc áo măng tô không cài cúc cùng với chiếc áo gi-lê. Y huýt sáo và hút xì gà…

– Degtjiarjow, mày sẽ biết ngay thế nào là con gà tây và thằng hay cằn nhằn! Turmanow hí hửng tự nói với mình. Mày cứ đợi đấy!

Degtjiarjow đi đến chỗ chiếc bình và dửng dưng đút tay vào trong… Lew Ssawwitsch đứng dậy và nhìn chằm chằm vào Degtjiarjow… Y lấy một gói nhỏ ra khỏi bình, ngắm nghía nó đủ mọi phía và nhún vai; sau đó ngập ngừng bẻ vỡ dấu xi gắn niêm phong, lại nhún vai, và thình lình gương mặt y lộ rõ vẻ ngạc nhiên: Trong gói có hai tờ một trăm rúp!

Degtjiarjow ngắm nhìn những tờ tiền giấy một lúc lâu. Cuối cùng y nhún vai nhét chúng vào túi áo của mình và nói: “Anh rất cám ơn!”

Anh chàng Lew Ssawwitsch bất hạnh nghe thấy câu nói “Anh rất cám ơn” này. Cả buổi tối anh ta đứng trước cửa hàng của Dulinow, giơ nắm đấm để về phía chiếc biển hiệu và tức giận lẩm bẩm:

“Đồ hèn nhát! Thằng thương gia đáng thương! Đồ hèn nhát! Đồ nhát gan!…”

 

TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT

ANTON PAVLOVICH CHEKHOV (NGA)

Kẹp nách một đồ vật được gói trong tờ “Bản tin thị trường chứng khoán” số 223 Sasa Sơmianốp, người con trai duy nhất của mẹ anh ta, bước vào phòng khám bệnh của bác sĩ Côsêlicốp với bộ mặt nửa vui nửa buồn.

“Ôi, chàng trai trẻ thân mến!” bác sỹ Côsêlicốp đón tiếp anh ta. “Nào, anh thấy trong người thế nào? Anh có điều gì muốn nói với tôi nào?”

“Mẹ cháu, bà Ivan Nikôlaiêvich, gửi lời chào thân thiết đến bác và rất biết ơn bác… Cháu là con trai duy nhất của mẹ cháu, bác đã cứu sống cháu… Bác đã chữa khỏi căn bệnh nguy hiểm cho cháu… và cả hai mẹ con cháu đều không biết cám ơn bác thế nào.”

“Anh bạn trẻ, anh không cần phải cám ơn!” Bác sĩ Côsêlicốp ngắt lời anh ta, giọng hồ hởi, “tôi đã chỉ làm công việc mà bất cứ ai là bác sỹ như tôi cũng làm.”

“Cháu là con trai duy nhất của mẹ cháu… Mẹ con cháu là những kẻ nghèo khổ và dĩ nhiên là không thể trả tiền chữa bệnh cho bác… Mẹ con cháu rất xấu hổ, thưa bác sỹ, tuy nhiên mẹ cháu và cháu… con trai duy nhất của mẹ cháu tha thiết mong bác nhận lấy đồ vật này như là tấm lòng biết ơn của mẹ con cháu đối với bác. Đây là món đồ quý giá, là đồ cổ bằng đồng đỏ… một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.”

“Mẹ con cháu chẳng cần phải làm thế đâu!” Bác sĩ Côsêlicốp nói và nhăn mặt. “Cái này để làm gì thế?”

“Xin bác đừng từ chối món quà này của mẹ con cháu”, Sasa nói lắp bắp, giở món đồ ra. “Nếu không thì bác sẽ làm tổn thương cháu và mẹ cháu… Món đồ này rất đẹp …. là đồ cổ bẳng đồng đỏ… Mẹ con cháu đã được thừa kế nó từ người cha quá cố của cháu và luôn được giữ gìn như là vật kỷ niệm quý giá nhất… Cha cháu đã thường mua đồ cổ và lại bán cho những người đam mê đồ cổ… Hiện nay mẹ cháu và cháu đang có một cửa hàng bán đồ cổ…”

Sasa giở món đồ ra và trịnh trọng đặt nó lên bàn. Đó là một cái đài nến cổ, thấp, bằng đồng đỏ được làm ra thực sự sáng tạo. Sự độc đáo của nó là nghệ thuật tạo hình: trên chân đế có hai hình người đàn bà khỏa thân mà tôi không dám mô tả kỹ. Cả hai mỉm cười đưa tình và trông như thể nếu họ không phải đỡ cái đài nến thì họ sẽ nhảy xuống khỏi chân đế và sẽ gây ra tại phòng khám bệnh một vụ tai tiếng mà sự mô tả trần trụi về nó đương nhiên là một sự tục tĩu, thưa các bạn đọc yêu quý!

Bác sĩ Côsêlicốp ngắm món quà tặng, gãi tai và lúng túng hỉ mũi.

“ Anh nói đúng, món đồ thực sự là đẹp”, bác sĩ Côsêlicốp nói ấp úng, “nhưng… tôi nên nói như thế nào nhỉ… nó quá lộ liễu… Đây không còn là cách ăn mặc hở hang của đàn bà nữa mà chỉ có quỷ sứ mới biết được là gì…”

“Vì sao ạ?”

“Bản thân quỷ sứ cũng không thể tạo ra thứ gì xấu xa hơn… Đặt một món đồ như thế này lên trên bàn có nghĩa là làm ô uế căn phòng để chiếc bàn.”

“Thưa bác sĩ! Bác có những quan điểm lạ lùng về nghệ thuật”, Sasa cảm thấy bị xúc phạm, nói. “Đây rõ ràng là một tác phẩm nghệ thuật, bác cứ ngắm kỹ nó mà xem! Bao nhiêu là vẻ đẹp và sự duyên dáng, thể nào tâm hồn  bác cũng được lấp đầy bởi sự thánh thiện và bác sẽ xúc động đến phát khóc! Khi người ta ngắm một thứ đẹp như thế này, người ta sẽ quên hết mọi thứ trên đời… Bác cứ ngắm kỹ mà xem, bao nhiêu là cảm xúc, bao nhiêu là sự thanh thoát ẩn chứa trong tác phẩm nghệ thuật này!”

“Tôi nhìn ra rồi, anh bạn trẻ”, bác sĩ Côsêlicốp ngắt lời anh ta, “nhưng tôi còn có gia đình, các con tôi hay vào đây, và tôi cũng thường xuyên có bệnh nhân nữ đến khám…”

“Tất nhiên, nếu người ta nhìn nhận điều đó theo quan điểm của số đông”, Sasa nói, “vì thế mà tác phẩm nghệ thuật cao siêu này hấp dẫn người ta theo một cách khác… Thưa bác sĩ, bác hãy đứng cao hơn đám đông, để bác không phải làm tổn thương sâu sắc đến cháu và mẹ cháu khi bác từ chối nhận món quà. Cháu là con trai duy nhất của mẹ cháu… Bác đã cứu sống cháu… Mẹ con cháu tặng bác một đồ vật là tài sản quý giá nhất của mẹ con cháu, và… và cháu chỉ lấy làm tiếc là mẹ con cháu không có cái nữa để cho nó có đôi…”

“Anh bạn trẻ, tôi cám ơn anh, tôi cám ơn anh từ tận đáy lòng… Cho tôi gửi lời chào đến mẹ anh, nhưng anh hãy tự hiểu: các con tôi vào đây, tôi thường xuyên có bệnh nhân nữ đến khám bệnh… Thôi được, anh cứ để nó ở đây! Đúng là tôi hoàn toàn không thể giải thích cho anh điều đó được…”

“Bác hoàn toàn không cần phải giải thích cho cháu đâu ạ”, Sasa vui mừng đáp lại. “Bác hãy đặt cái đài nến ngay tại đây vào bên cạnh lọ hoa. Thật tiếc là mẹ con cháu không cái nữa để cho nó có đôi! Đúng là rất đáng tiếc! Thưa bác sĩ, bây giờ cháu xin phép bác cháu về ạ, tạm biệt bác!”

Khi Sascha đi khỏi, bác sĩ Côsêlicốp ngắm nghía một lúc lâu cái đài nến, gãi tai và ngẫm nghĩ. Món đồ rất đẹp, hiển nhiên là thế – ông ta nghĩ ở trong đầu: Thật tiếc là vứt nó đi… Nhưng giữ lại nó thì mình cũng không thể… Hừm… Một quyết định khó khăn! Mình có thể tặng hoặc hiến tặng nó cho ai đây?

Sau khi ngẫm nghĩ một hồi lâu ông ta nhớ đến một người bạn thân, luật sư Atvôkhátthen Ukhốp, người ông còn mắc nợ chút ít vì một vụ kiện.

Tuyệt vời! Bác sĩ Côsêlicốp tự nói với mình. Là bạn thân ông ấy sẽ ngại nhận tiền cảm ơn của mình; vậy nên sẽ thật là hợp lý nếu mình đem tặng ông ấy một món đồ. Mình cứ mang đến tặng ông ấy món đồ của quỷ sứ này! Hơn nữa ông ấy là người không có vợ và phóng đãng…

Không chần chừ, bác sĩ Côsêlicốp thay quần áo, cầm lấy chiếc đài nến và mang nó đến nhà ông Ukhốp.

“Chào ông bạn!” Bác sĩ Côsêlicốp nói với ông Ukhốp tại nhà ông ấy. “Tôi đến gặp bạn để cám ơn bạn về việc bạn đã giúp tôi… Bạn không muốn nhận tiền của tôi, vậy thì bạn hãy nhận lấy một món đồ này… mong bạn nhận cho… Đây là một món đồ rất tuyệt vời!”

Ông Ukhốp mê mẩn ngắm nhìn món đồ.

“Món đồ mới tuyệt vời làm sao!” ông Ukhốp cười, reo lên. Tớ không thể tin vào mắt mình được nữa! Tuyệt vời! Trên cả tuyệt vời! Cậu kiếm đâu ra món đồ đẹp đẽ này vậy?”

Sau khi bày tỏ sự thích thú ông Ukhốp nhìn ra cửa và nói:

“Bạn bạn yêu quý, bạn hãy cầm món quà tặng này về đi. Tôi không thể nhận nó được…”

“Tại sao?” Bác sĩ Côsêlicốp sợ hãi thốt lên.

“Vì… vì mẹ tôi hay đến thăm tôi, tôi tiếp các thân chủ của mình ở đây… Tôi cũng sẽ xấu hổ với bọn gia nhân.”

“Không được, không được, không được… cậu không được phép từ chối món quà tặng này!” Bác sĩ Côsêlicốp xua tay nói. “Cậu không nên coi thường thiện ý của tôi! Món đồ này ẩn chứa nhiều giá trị nghệ thuật… bao nhiêu là cảm xúc… bao nhiêu là sự thanh thoát… Tôi… tôi hoàn toàn không muốn nghĩ khác về cậu! Đó là một sự xỉ nhục đối với tôi!”

“Nếu như hai hình người đàn bà có mặc thứ gì đó trên người hoặc nếu như họ cầm thứ gì đó che bớt…”

Nhưng bác sĩ Côsêlicốp càng xua tay đây đẩy, nhanh chóng rời khỏi nhà ông Ukhốp, đi về nhà, vui như mở cờ trong bụng vì đã cho đi được món đồ…

Khi bác sĩ Côsêlicốp đi khỏi ông Ukhốp ngắm nghía cái đài nến, sờ tay vào nó từ mọi phía, vắt óc suy nghĩ một hồi lâu, như ông Côsêlicốp, nên làm gì với món đồ này.

Nó là một đồ vật tuyệt vời – ông Ukhốp tự nói với mình – thật tiếc là vất nó đi, nhưng mình cũng không thể giữ lại nó… tốt nhất là tặng nó cho ai đó… Xem nào! Tối nay mình sẽ tặng cái đài nến này cho nghệ sĩ hài Sasơkhin. Cậu ta thích những đồ vật như thế này, hơn nữa hôm nay cậu ấy có buổi biểu diễn gây quỹ từ thiện…

Nói là làm. Vào buổi tối ông Ukhốp trao chiếc đài nến được gói ghém cẩn thận cho nghệ sĩ hài Sasơkhin. Cả buổi tối những người đàn ông muốn ngắm nhìn món quà tặng chen chúc trong phòng trang điểm của Sasơkhin; trong đó luôn có tiếng thì thầm và tiếng cười hô hố. Nếu một trong những nữ diễn viên cùng biểu diễn với Sasơkhin gõ cửa phòng trang điểm và hỏi: “Tôi được phép vào chứ?” thì ngay lập tức giọng khàn khàn của Sasơkhin vang lên: “Đừng, đừng vào! Tôi đang thay đồ!”

Sau buổi biểu diễn Sasơkhin nhún vai, xòe hai bàn tay ra và nói:

“Tôi nên để món đồ chết tiệt này ở đâu đây? Đúng là tôi sống riêng! Các nữ diễn viên cũng đến chơi với tôi! Nhưng đó không phải là bức ảnh mà người ta có thể đút vào ngăn kéo bàn!”

“Thế thì anh hãy bán nó đi”, người tạo mẫu tóc của nhà hát khuyên Sasơkhin khi giúp anh ta cởi đồ hóa trang. “Ở ngoại thành có một bà già mua đồ cổ bằng đồng đỏ, anh hãy đi ra đó và hỏi người có tên là Sơmianôva(*)… Ở đó ai cũng biết bà ấy.”

Sasơkhin làm theo lời khuyên… Hai ngày sau bác sĩ Côsêlicốp đang ngồi ở phòng khám bệnh của mình và dí dí ngón tay vào trán suy nghĩ mông lung. Đột nhiên cửa mở, và Sasa Sơmianốp chạy vào. Anh ta mỉm cười, gương mặt anh ta ánh lên niềm hạnh phúc. Hai tay anh ta đang bê thứ gì đó được bọc trong một tờ báo.

“Thưa bác sĩ!” Sasa thở hổn hển, nói. “Bác biết không, bác đã gặp may! Mẹ con cháu đã mua được một cái đài nến nữa để cho cái đài nến mà mẹ con cháu đã tặng bác có đôi! … Mẹ cháu rất may mắn… Cháu là con trai duy nhất của mẹ cháu… Bác đã cứu sống cháu.”

Và Sasa, run lên vì lòng biết ơn, đặt chiếc đài nến trước mặt bác sĩ Côsêlicốp. Ông ta mở miệng để nói gì đó, nhưng chẳng nói được gì: ông ta đã cấm khẩu!

 

NỖI VUI MỪNG!

ANTON PAVLOVICH CHEKHOV (NGA)

Nửa đêm. Mithia Kulđarốp đầu tóc rối bù phấn khởi xông vào căn hộ của bố mẹ mình và chạy qua tất cả các phòng. Bố mẹ anh ta vừa mới đi ngủ. Chị gái của anh ta đang nằm trên giường và đã đọc đến trang cuối cùng của một cuốn tiểu thuyết. Hai em trai của anh ta – học sinh trung học – đã ngủ.

– Con từ đâu về đây thế? – Bố mẹ Mithia ngạc nhiên hỏi – Có chuyện gì với con vậy?

– Ôi, bố mẹ đừng hỏi nữa! Con đã không hề mong chờ điều đó! Không, con chưa bao giờ mong chờ điều đó! Điều đó… điều đó thậm chí là khó tin!

Mithia cười và buông mình xuống ghế bành, vì anh ta không thể đứng nổi trên hai chân mình nữa bởi sung sướng.

Điều đó thật khó tin! Bố mẹ không thể hình dung ra nổi điều đó đâu! Bố mẹ hãy nhìn đây!

Chị gái của Mithia nhảy ra khỏi giường, choàng tấm chăn mỏng lên người và đi ra chỗ em mình. Hai cậu em trai học trung học thức giấc.

– Con làm sao vậy? Trông con sợ lắm!

– Đó là do nỗi vui mừng, mẹ ạ! Bây giờ thì đúng là cả nước Nga biết đến con! Cả nước Nga! Cho đến nay chỉ bố mẹ biết rằng trên thế giới này có viên thư ký hội đồng Đờmitờri(*) Kulđarốp tồn tại; nhưng bây giờ thì cả nước Nga biết đến con! Thưa mẹ! Lạy Chúa!

Mithia nhảy cẫng lên, chạy qua tất cả các phòng và lại ngồi xuống.

– Có chuyện gì thế! Con hãy nói rõ xem nào!

– Bố mẹ sống như những người trong rừng, bố mẹ không đọc báo và không hề quan tâm đến báo chí, và tất nhiên là người ta tìm thấy ở trên báo rất nhiều điều thú vị! Hầu như bất cứ thứ gì được đưa lên báo thì ngay lập tức nổi tiếng, không có gì không thể nhận ra! Quả là các báo chỉ viết về những người nối tiếng, nhưng hôm nay báo cũng viết chút ít về con!

– Con nói cái gì đấy! Đâu nào?

Bố của Mithia mặt biến sắc. Mẹ anh ta ném một cái nhìn về phía bức tranh thánh và làm dấu thánh giá. Hai cậu em trai của Mithia nhảy ra khỏi giường trong chiếc áo ngủ ngắn của chúng và cứ thế chạy ra chỗ Mithia.

– Đúng thế! Trên báo có viết chút ít về con! Giờ đây cả nước Nga biết đến con! Mẹ, mẹ hãy giữ lấy số báo này để làm kỷ niệm! Thỉnh thoảng chúng ta sẽ đọc lại nó. Bố mẹ, chị gái và hai em hãy nhìn đây!

Mithia lấy một tờ báo ra từ trong cặp, đưa nó cho bố và chỉ ngón tay vào chỗ đóng khung màu xanh.

– Bố đọc đi!

Mẹ Mithia lại nhìn lên bức tranh thánh và làm dấu thánh giá. Bố anh ta đằng hắng và đọc:

– Khi viên thư ký hội đồng Đờmitờri Kulđarốp …

– Thấy chưa? Cả nhà thấy chưa? Bố đọc tiếp đi!

– …viên thư ký hội đồng Đờmitờri Kulđarốp rời khỏi quán bia trong lâu đài Kôdixin ở phố Klainen Brônnaja trong tình trạng say xỉn vào lúc mười một giờ đêm ngày hai chín tháng mười hai…

– Cả Xemdôn Pêtrôvits cũng đi uống… Tất cả các chi tiết đều có trong bài viết! Bố đọc tiếp đi! Cả nhà nghe nhé!

– …ngày hai chín tháng mười hai thì anh ta sảy chân và ngã vào chiếc xe trượt tuyết ngựa kéo của bác nông dân Ivan Đờrôtốp chịu trách nhiệm đánh xe về làng Đurykina ở huyện Dukhơnốp. Con ngựa bị hoảng sợ bước qua người Kulđarốp, kéo chiếc xe qua người anh ta cùng với thương gia Stêpan Lukhốp của Phường hội thứ hai, người Mátxcơva, đang ngồi trên chiếc xe ấy và phóng đi, nhưng được nhiều đầy tớ giữ lại. Kulđarốp, người lúc đầu bị bất tỉnh nhân sự, được đưa vào đồn cảnh sát và được một bác sỹ khám. Cú va vào gáy anh ta…

– Đó là do càng xe va vào đấy bố ạ. Bố đọc tiếp đi! Bố cứ đọc tiếp đi!

– …va vào gáy anh ta là một cú va nhẹ. Biên bản về vụ tai nạn đã được lập và nạn nhân đã được chăm sóc y tế…

– Người ta nói với con, con cần đắp gạc lạnh vào gáy. Gia đình ta thấy chưa? Giờ thì sao nào? Giờ thì cả nước Nga biết đến con! Bố trả lại tờ báo cho con nào!

Mithia cầm lấy tờ báo, gấp lại và đút nó vào trong cặp.

– Bây giờ con chạy đến chỗ vợ chồng Makharốp và cho chúng xem bài báo… Sau đó con còn phải cho Natalia Ivannôva, Anixim Vaxiliêvis xem nữa… Con phải chạy mới kịp! Tạm biệt!

Mithia đội lên đầu chiếc mũ có phù hiệu công chức và vui mừng, tràn ngập hạnh phúc chạy ra đường phố.

LINK FULL 

Truyện ngắn đặc sắc thế giới – Dịch giả Phạm Đức Hùng – Kỳ 1

Truyện ngắn đặc sắc thế giới – Dịch giả Phạm Đức Hùng – Kỳ 2

Truyện ngắn đặc sắc thế giới – Dịch giả Phạm Đức Hùng – Kỳ cuối

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây