Truyện ngắn đặc sắc thế giới – Dịch giả Phạm Đức Hùng – Kỳ cuối

Truyện ngắn đặc sắc thế giới - Dịch giả Phạm Đức Hùng - Kỳ cuối

Anh Pham Duc Hung min - Truyện ngắn đặc sắc thế giới - Dịch giả Phạm Đức Hùng - Kỳ cuốiDịch giả Phạm Đức Hùng

 

Truyện ngắn đặc sắc thế giới – Dịch giả Phạm Đức Hùng – Kỳ cuối

 

KHÁCH NGỒI DAI

ANTON PAVLOVICH CHEKHOV (NGA)

Ông Winkeladvokat Selterskij cố mở mắt. Mọi vật đã chìm vào giấc ngủ. Những con chim nhỏ đã ngừng hót ở trong rừng. Vợ ông Selterskij đã đi ngủ từ lâu, người hầu gái và những người khác đang sống ở trong nhà nghỉ của ông ở thôn quê cũng đã ngủ; nhưng ông vẫn chưa thể đi vào phòng ngủ, mặc dù mắt ông cứ nhíu lại. Vì ông đại tá về hưu Peregarin, người sống ở nhà nghỉ bên cạnh là khách sang chơi đang ngồi ở nhà nghỉ của ông. Ngay sau bữa trưa ông Peregarin đã sang nhà ông và vẫn ngồi như bị dính vào ghế sô pha. Bằng giọng khàn khàn đáng ghét ông Peregarin kể chuyện mình đã bị một con chó điên cắn vào năm 1842 ở Krementschug. Khi ông ta kể xong thì ông ta lại bắt đầu kể lại câu chuyện từ đầu. Ông Selterskij  không biết làm thế nào để ông khách ra về. Ông luôn nhìn đồng hổ, kêu đau đầu, cứ năm phút lại đi ra ngoài một lần và để ông khách ngồi lại một mình, nhưng chẳng ăn thua gì. Ông khách không hiểu ý ông Selterskij và tiếp tục kể chuyện về con chó điên. Lão già kì cục này sẽ còn ngồi ở đây đến sáng mất!- ông Selterskij bực bội nghĩ. Đúng là một kẻ chậm hiểu! Và nếu lão ta vẫn không hiểu ý mình thì mình sẽ nói thẳng vào mặt lão.

Ông Selterskij nói to: “Ông biết tại sao tôi lại rất thích cuộc sống ở nhà nghỉ chứ?”  “Không, tại sao?” “Vì ở đây người ta có thể tùy ý điều hòa cuộc sống của mình. Việc duy trì một nền nếp nhất định là điều khó thực hiện ở trong thành phố, trong khi việc đó ở làng quê thì thật dễ dàng. Gia đình tôi ngủ dậy lúc chín giờ, ăn trưa vào lúc ba giờ chiều, mười giờ ăn tối và đi ngủ vào lúc khoảng mười một giờ. Tôi luôn ở trên giường vào lúc mười hai giờ đêm. Nếu sau mười hai giờ tôi mới đi nằm thì y như rằng sáng hôm sau tôi bị nhức đầu.”

“Lạ nhỉ… Nhưng điều đó còn phụ thuộc vào thói quen. Ngày trước tôi có một người quen, một nhà lãnh đạo thực thụ tên là Kjuschkin. Tôi đã làm quen với ông ta ở Sserpuchow. Vậy mà cái ông Kjuschkin này…” Và ông đại tá bắt đầu chóp chép miệng, nói lắp bắp và khoa chân múa tay kể chuyện về ông Kjuschkin đó. Chuông đồng hổ điểm mười hai giờ, sau đó kim đồng hồ sắp chỉ mười hai rưỡi, nhưng ông ta vẫn kể chuyện. Mồ hôi lạnh toát ra trên trán ông Selterskij.

Ông Selterskij nghĩ ở trong đầu: Lão ta vẫn không hiểu ý mình! Đơn giản là lão ta ngu ngốc! Hay là lão già đần độn này tưởng rằng mình thích lão ấy sang chơi nhỉ? Làm thế nào để lão ra về đây? “Ông hãy nói xem”, ông Selterskij ngắt lời ông đại tá, “tôi phải làm gì? Tôi đang bị đau cổ quá! Đúng là xúi quẩy! Hôm nay tôi đã đi thăm một người quen, con của ông ta bị bệnh bạch hầu. Hình như tôi đã bị lây. Đúng rồi, tôi biết chắc là mình đã bị lây bệnh!”

“Cũng có thể!” ông Peregarin thản nhiên nói.

“Bệnh này nguy hiểm lắm đấy! Không chỉ có mình tôi mắc bệnh thôi đâu, tôi cũng có thể truyền bệnh cho người xung quanh. Bệnh này dễ lây nhất! Chả lẽ tôi lại không truyền bệnh sang ông, thưa ông đại tá!”

“Truyền bệnh sang tôi á? Tôi đã sống cùng với những người bị bệnh thương hàn mà tôi đã không hề bị lây. Không nhẽ bỗng dưng tôi lại bị lây bệnh từ ông?  Một lão già lẩn thẩn như tôi thì chả bệnh nào lây sang được. Người già thường kháng bệnh tốt. Trong lữ đoàn của chúng tôi đã có một viên đại tá già tên là Trèsbien… người Pháp. Thế mà lão Trèsbien này…”

Bây giờ ông Peregarin kể về sự khỏe mạnh của ông Trèsbien đó. Đồng hồ điểm mười hai rưỡi.

“Thưa ông đại tá, xin lỗi ông, cho tôi được phép ngắt lời ông. Ông thường đi ngủ vào lúc mấy giờ?”

“Vào khoảng hai hoặc ba giờ gì đó. Có thể tôi sẽ thức trắng đêm nếu ngồi trò chuyện vui vẻ hoặc tôi bị những cơn đau nhức của bệnh phong thấp hành hạ. Chẳng hạn như hôm nay tôi sẽ chỉ đi ngủ vào khoảng bốn giờ, vì buổi chiều tôi đã ngủ đẫy giấc. Hơn nữa tôi có thể thức nhiều ngày liên tục. Có lẽ là do trong chiến tranh hàng tuần trời chúng tôi không được nằm ngủ. Ví dụ như câu chuyện sau đây mà tôi rất muốn kể cho ông nghe. Trung đoàn của chúng tôi đang ở trước cửa ngõ Achalzych…”

“Xin lỗi ông. Còn tôi thì thường đi ngủ vào lúc mười hai giờ. Tôi luôn phải dậy vào lúc chín giờ, cho nên nhất định tôi phải đi ngủ sớm hơn.”

“Đương nhiên rồi. Việc dậy sớm rất có lợi cho sức khỏe. Khi đó chúng tôi đang ở trước cửa ngõ Achalzych…”

“Tôi hoàn toàn không biết mình bị làm sao nữa. Lúc thì cảm thấy người rét run lên, lúc thì lại nóng phừng phừng. Tôi luôn bị như thế trước cơn đau. Tôi cần phải nói với ông rằng thỉnh thoảng tôi bị những cơn đau thần kinh kỳ quái hành hạ. Vào khoảng một giờ đêm… tôi không hề bị đau vào ban ngày… Tai tôi ù đi, tôi mất hết ý thức, tôi nhảy lên và ném bất cứ vật nặng nào tôi đang cầm ở trên tay vào bất cứ ai ở gần tôi. Nếu tôi tìm thấy dao thì tôi ném dao; nếu tìm thấy ghế thì tôi ném ghế. Bây giờ tôi đang bị rét run lên như mọi lần trước khi bị cơn đau hành hạ. Cơn đau luôn luôn bắt đầu cùng với cơn rùng mình.”

“Thế mà ông chả nói! … Ông nên đi chữa trị đi!”

“Đã có vài bác sĩ điều chị cho tôi, nhưng vẫn không có kết quả… Giờ đây tôi phải chủ động cảnh báo cho các thành viên trong gia đình mình trước các cơn bệnh để họ kịp thời tránh xa tôi. Ngoài ra tôi chẳng biết làm gì để chống lại bệnh tật…”

“Lạ thế nhỉ… Trên thế giới có biết bao nhiêu là chứng bệnh! Nào là dịch hạch, dịch tả và nhiều bệnh khác nữa…”

Ông đại tá lắc đầu và trở nên trầm ngâm. Hai người im lặng một lát. Mình sẽ đọc cho lão ta nghe một đoạn trong tác phẩm của mình, ông Selterskij tự nhủ. Chắc chắn là mình vẫn để cuốn tiểu thuyết mà mình đã viết từ thuở còn là học sinh trung học ở trong ngăn kéo tủ…

“Thưa ông đại tá”, giọng nói của ông Selterskij cắt đứt dòng suy nghĩ của ông khách. “Ông có muốn tôi đọc cho ông nghe một đoạn trong tác phẩm của tôi không? Tôi đã viết nó trong thời gian rảnh rỗi… Đây là một cuốn tiểu thuyết gồm năm chương, có một chương mở đầu và một chương kết thúc…” Và không đợi ông khách trả lời, ông Selterskij đứng bật dậy, lấy từ ngăn kéo tủ ra một tập bản thảo cũ, đã ố vàng, ngoài bìa đề “Nước lặng. Tiểu thuyết gồm năm chương.” Bằng cách này thì chắc chắn mình sẽ làm cho lão ta phải ra về, ông Selterskij nghĩ trong đầu và lật dở từng trang tác phẩm được viết khi còn trẻ của mình. Mình sẽ đọc cho lão ta nghe thật lâu, cho đến khi lão phát chán…”Ông đại tá! Ông nghe tôi đọc nhé!”

“Hay đấy… tôi nghe đây.”

Ông Selterskij bắt đầu đọc. Ông đại tá bắt chéo chân, ngồi lại cho thoải mái hơn, với nét mặt nghiêm trang, tỏ ý sẵn sàng ngồi lâu và chăm chú lắng nghe… Cuốn tiểu thuyết được bắt đầu bằng việc miêu tả cảnh sắc thiên nhiên. Khi đồng hồ điểm một giờ thì ông Selterskij đọc đến đoạn mô tả lâu đài mà người anh hùng tên là Graf Valentin trong cuốn tiểu thuyết sống ở trong đó.”Thật tuyệt khi sống ở trong một lâu đài như vậy!” Ông Peregarin thở dài. “Ông tả cảnh mới hay làm sao! Tôi có thể ngồi đây cả đời để nghe ông đọc!”

– Cứ đợi đấy, – ông Selterskij nghĩ bụng. Mi sẽ không chịu lâu được nữa đâu! Vào lúc một rưỡi ông đọc đến đoạn ông miêu tả vẻ ngoài cường tráng của người anh hùng sống ở trong lâu đài. Vào lúc hai giờ ông đọc bằng giọng mệt mỏi, nhỏ dần: “Ngài hỏi tôi muốn gì ư? Ồ, ở đó tôi muốn rằng bàn tay bé nhỏ, yếu ớt của nàng run rẩy trong bàn tay tôi dưới vòm trời phương Nam… Chỉ ở đó trái tim tôi mới có thể đập dưới mái vòm của thánh đường tình yêu… Tôi khao khát tình yêu! Ôi tình yêu!… Thưa ông đại tá! Tôi không thể đọc được nữa… tôi kiệt sức rồi!”

“Thôi, ông dừng lại đi! Ngày mai ông sẽ đọc nốt phần còn lại. Bây giờ chúng ta sẽ tán gẫu một chút… Tôi vẫn chưa kể cho ông nghe chúng tôi đã trải qua những gì khi ở trước cửa ngõ Achalzych… ” Ông Selterskij kiệt sức buông người xuống ghế sô pha, nhắm mắt lại và nghe ông khách kể chuyện tiếp…

– Ta đã thử đủ mọi cách rồi, – ông Selterskij nghĩ. Lão ta mới lì lợm làm sao! Bây giờ thì lão sẽ ngồi đến bốn giờ… Ôi Chúa ơi! Mình sẵn sàng mất một trăm rúp, nếu lão ra về… À! Ta sẽ thử vay tiền lão! Cách này chắc là hiệu nghiệm…

“Thưa ông đại tá!” ông Selterskij ngắt lời ông khách. Tôi lại phải ngắt lời ông. Tôi xin ông giúp một việc… Trong thời gian gần đây tôi đã chi tiêu khá nhiều tiền khi nghỉ mát ở đây. Trong nhà tôi chẳng còn đồng bạc nào và đang đợi đến cuối tháng tám mới có tiền.”

“Muộn quá rồi…”  ông Peregarin thở phì phò, nhìn quanh tìm chiếc mũ lưỡi trai. “Sắp ba giờ rồi… Ông vừa nói gì nhỉ?”

“Tôi muốn vay hai hoặc ba trăm rúp. Ông có biết ai có thể cho tôi vay tiền không?”

“Tôi chả biết đâu. Đã đến lúc ông đi ngủ rồi!… Tạm biệt ông nhé!… Rất cám ơn lòng hiếu khách của ông… Cho tôi gửi lời chào bà nhà nhé!…”

Ông đại tá vớ lấy chiếc mũ của mình rất nhanh và đi ra cửa.

“Ông định đi đâu đấy?” Ông Selterskij mừng rơn. “Tôi đã có ý định hỏi vay tiền ông… Vì tôi biết ông rất sẵn lòng giúp đỡ người khác… Tôi đã hy vọng rằng…”

“Chào ông nhé. Ông đi ngủ ngay đi! Chắc là bà nhà sẽ rất tức giận, vì tôi đã bắt ông phải thức lâu như vậy. Tôi về ngay đây. Tạm biệt ông nhé!”

Ông Peregarin cười trừ, vội vàng bắt tay chủ nhà, đội mũ lên đầu và ra về. Ông Selterskij vui như mở cờ trong bụng.

 

TIÊM CHỦNG

FRANK WEDEKIND (Đức)

Khi kể cho các bạn, những độc giả yêu quý của tôi câu chuyện này, tôi tuyệt nhiên không định đưa ra cho các bạn một ví dụ mới về sự ranh mãnh của đàn bà hay sự ngu ngốc của đàn ông; thực ra tôi kể nó cho các bạn vì nó chứa đựng những sự kì quặc tâm lí nào đó, sẽ làm cho các bạn và bất kì ai cũng phải thích thú, và người ta có thể tận dụng lợi thế lớn của những sự kì quặc tâm lí này trong cuộc sống nếu như hiểu rõ chúng.

Nhưng chủ yếu, ngay từ đầu tôi không muốn bị trách móc khi đã định khoe khoang những tội lỗi của mình trong quá khứ, khoe khoang sự nông nổi mà ngày nay tôi hối hận từ đáy lòng và tôi không còn hứng thú lẫn có khả năng để làm những việc đó nữa, khi mà tóc đã bạc, đầu gối đã run.

“Anh không có gì phải sợ, chàng trai trẻ yêu quý của em”, Fanny đã nói với tôi vào một buổi tối tuyệt vời khi chồng chị ta về nhà, “vì những người chồng nhìn chung chỉ ghen chừng nào họ không có lí do để ghen. Từ lúc họ thực sự có lí do để ghen thì họ bị mù quáng triền miên.”

“Anh không tin vào sự biểu lộ trên khuôn mặt của lão ta”, tôi rụt rè đáp lại. “Anh có cảm giác, nhất định lão đã nhận thấy điều gì đó.”

“Anh yêu, anh hiểu sai sự biểu lộ đó rồi”, chị ta nói. “Vẻ mặt của lão chỉ là kết quả của cách em nghĩ ra mà em đã áp dụng với lão để bảo vệ lão triệt để chống lại bất cứ sự ghen tuông nào và bảo vệ lão vĩnh viễn trước việc lão luôn luôn bị một mối nghi ngờ về anh tấn công.”

“Cách ấy là cách gì?” tôi ngạc nhiên hỏi.

“Đấy là một cách giống như việc tiêm chủng. Vào một ngày nọ, khi em quyết định coi anh là người tình của em thì em cũng đã nói thẳng với lão rằng em quý anh. Từ hôm ấy ngày nào em cũng nhắc lại với lão điều đó vào lúc ngủ dậy và khi đi ngủ. Em đã nói với lão: Anh có đủ mọi lí do để ghen với cậu thanh niên đáng yêu ấy, vì em thực sự rất quý cậu ấy, nhưng anh yên tâm, em sẽ không phản bội anh, bởi chỉ có cậu ấy yêu em, còn em thì mãi chung thủy son sắt với anh. Và anh hãy coi đó là niềm hãnh diện của mình.”

Lúc đó tôi mới hiểu tại sao thỉnh thoảng chồng của chị ta lại rất độ lượng nhìn tôi với một nụ cười lạ lùng, thương hại và khinh bỉ khi anh ta nghĩ rằng tôi không nhìn anh.

“Và em thực sự tin rằng cách này có hiệu quả lâu dài?” tôi dè dặt hỏi.

“Điều đó là chắc chắn”, chị ta đáp lại một cách đầy tự tin.

Mặc dù vậy tôi vẫn rất nghi ngờ về sự chắc chắn trong chiến thuật tâm lí của chị ta, cho đến một ngày biến cố dưới đây đã khiến tôi hết sức ngạc nhiên.

Hồi ấy tôi sống trong một phòng nhỏ có sẵn đồ đạc ở tầng năm của một ngôi nhà cao tầng cho thuê trong một ngõ hẹp tại trung tâm thành phố và có thói quen ngủ dậy muộn. ( Một buổi sáng đầy nắng ấm cánh cửa phòng tôi mở ra vào khoảng mười giờ, và chị ta bước vào phòng tôi. Những gì xảy ra tiếp theo không cho thấy bằng chứng về một trong những sự mù quáng lạ lùng nhất, nhưng lại dễ hiểu nhất có thể có trong đời sống tinh thần của con người mà tôi sẽ không bao giờ kể ra ở đây). Chị ta cũng trút bỏ cái vỏ bọc cuối cùng và liên kết với tôi. Ngoài ra các bạn hoàn toàn không phải chờ đợi sự úp mở, sự mập mờ gì trong lời kể của tôi. Tôi luôn luôn phải nhấn mạnh rằng, điều đó không giúp tôi nói chuyện với các bạn bằng những sự khiếm nhã. Một lúc sau hầu như chiếc chăn đã phủ kín sự quyến rũ của cơ thể chị ta khi những bước chân vang lên ngoài cửa; có tiếng gõ cửa, và tôi chỉ còn kịp kéo nhanh cái chăn lên trùm kín đầu chị ta khi chồng chị ta bước vào phòng, mặt mũi anh ta đầm đìa mồ hôi và anh ta thở phì phò vì đã rán sức leo một trăm hai mươi bậc thang lên phòng tôi, nhưng với một gương mặt hớn hở, hạnh phúc, phấn khởi.

“Tôi muốn hỏi cậu xem cậu có đi chơi cùng với Röbel, Schletter và tôi hay không. Chúng ta đi bằng tàu hỏa đến Ebenhausen và từ đó đi Ammerland bằng xe đạp. Thực ra hôm nay tôi muốn làm việc ở nhà; nhưng vợ tôi đã đi đến nhà vợ chồng Brüchmann từ sáng sớm để thăm đứa con út bị ốm của họ, và bây giờ tôi thấy chẳng còn bụng dạ nào mà ở nhà nữa trong cái thời tiết nắng ấm rực rỡ này. Tôi đã gặp Röbel và Schletter ở quán cà phê Luitpold, và khi đó chúng tôi đã hẹn nhau đi chơi. Chuyến tàu chúng ta sẽ đi chạy vào lúc mười giờ năm bảy phút.”

Trong khi đó tôi đã có chút ít thời gian để bình tĩnh lại.

“Anh thấy đấy”, tôi mỉm cười, “em đang không ngủ một mình.”

“Ừ, tôi nhận ra rồi”, anh ta đáp lại với một nụ cười có vẻ ranh mãnh. Đồng thời đôi mắt của anh ta hấp háy, còn hàm dưới của anh ta thì đưa đi đưa lại. Anh ta lưỡng lự bước một bước về phía trước và bây giờ đứng ngay sát trước chiếc ghế dựa mà trên đó tôi thường để quần áo ngoài của tôi trước khi đi ngủ. Ở trên cùng đống quần áo để trên ghế là một chiếc áo lót vải phin nõn mỏng không có ống tay với chữ kí được thêu bằng chỉ màu đỏ và phía trên cái áo lót là đôi tất dài bằng lụa đen xuyên thấu có gót vải màu vàng tươi. Vì không có gì khác nữa của một người đàn bà có thể nhìn thấy được nên anh ta hau háu dán mắt nhìn vào toàn bộ đống quần áo ở trên ghế. Đó là khoảnh khắc căng thẳng đối với tôi. Chỉ thiếu chút nữa là anh ta nhớ ra trong đống quần áo để ở trên ghế có những cái mà anh ta đã nhìn thấy ở đâu đó trong đời này. Ngay lập tức tôi phải nghĩ ra cách đánh lạc hướng sự chú ý từ cái nhìn tai hại của anh ta, để anh ta phải chú ý vào tôi. Nhưng thật khó để làm được điều đó. Cái ý nghĩ xuất hiện chớp nhoáng trong đầu tôi này khiến tôi làm một điều hết sức thô bạo đến nỗi ngày nay, sau hai mươi năm, tôi vẫn chưa tha thứ cho mình, mặc dù hồi ấy nhờ đó mà tôi thoát khỏi tình cảnh trớ trêu.

“Em đang không ngủ một mình”, tôi nói. “Nhưng nếu anh có linh cảm về vẻ tuyệt đẹp của cô gái đang ngủ với em thì anh sẽ ghen tị với em.” Đồng thời cánh tay của tôi ghì chặt chiếc chăn trùm trên đầu vợ anh ta, đến nỗi tôi thấy động đậy ở chỗ tôi đoán là mồm của chị ta, khiến chị ta phải nín thở và nằm im cho đến khi ông chồng của chị ta bỏ đi.

Anh ta thèm thuồng nhìn lên nhìn xuống những đường lượn sóng ở trên chiếc chăn.

Và bây giờ tôi làm một việc liều lĩnh. Tôi kéo chiếc chăn ngược lên đến cổ và giữ chặt, thành thử chỉ còn mặt của vợ anh ta là bị chăn che kín. “Đã bao giờ trong đời mình anh nhìn thấy một cơ thể phụ nữ tuyệt mỹ như thế này chưa?” Tôi hỏi luôn anh ta.

Anh ta trố mắt nhìn, nhưng rõ ràng là anh ta thấy ngượng. “Đẹp, đẹp… công nhận là đẹp… cậu có con mắt tinh đời đấy… thôi, bây giờ tôi đi đây… xin cậu thứ lỗi cho tôi về việc… về việc tôi đã làm phiền cậu nhé.” Đồng thời anh ta trở ra cửa, còn tôi thì tỏ ra bình tĩnh kéo chăn xuống. Sau đó tôi nhanh chóng nhảy ra khỏi giường và đứng cạnh cửa ngay trước mặt anh ta, để anh ta không thể nhìn thấy đôi tất ở trên ghế nữa.

“Nhất định em sẽ đi Ebenhausen bằng chuyến tàu trưa”, tôi nói trong khi tay tôi đã nắm lấy tay nắm cửa. “Tại đó mọi người có thể đợi em ở quán ăn trên đường ra bưu điện. Sau đó chúng ta cùng nhau đi Ammerland. Đó sẽ là một chuyến đi tuyệt vời. Em rất cám ơn anh về lời mời đi chơi cùng.”

Anh ta còn nói vời lời bông đùa thân mật và sau đó rời khỏi phòng của tôi. Tôi đứng ngây ra cho đến khi tôi nghe thấy tiếng bước chân của anh ta nhỏ dần ở ngoài hành lang.

Tôi muốn tránh mô tả tình cảnh bi đát vì tức giận và tuyệt vọng mà người vợ tồi tệ của anh ta lâm vào sau cảnh tượng ấy. Tâm hồn chị ta như bị tan nát và chị ta tỏ ra căm ghét và khinh bỉ tôi, khi tôi chưa bao giờ đón nhận chị ta trong đời mình. Trong khi vội vàng mặc quần áo, chị ta đe dọa tôi bằng việc nhổ nước bọt vào mặt tôi. Dĩ nhiên tôi đã không hề có phản ứng gì.

“Bây giờ em định đi đâu?”

“Tôi không biết… đi nhảy cầu tự tử… đi về nhà… hoặc cũng có thể đi đến nhà vợ chồng Brüchmann để thăm đứa con út bị ốm của họ… tôi chưa biết là mình sẽ đi đâu.”

Vào lúc hai giờ chiều tôi, chồng Fanny, Röbel và Schletter ngồi cùng nhau bên dưới những cây dẻ rợp bóng mát trong sân quán ăn trên đường ra bưu điện ở Ebenhausen, và chúng tôi ăn gà rán với món xa lát tươi ngon. Chồng Fanny trấn an tôi trong tâm trạng hết sức vui vẻ, trong khi tôi ngờ vực quan sát trạng thái tâm lí của anh ta. Anh ta ném những cái nhìn đau đớn, sắc lẹm về phía tôi và mỉm cười khoái trá xoa hai bàn tay một cách đắc thắng, mà không cho biết điều gì làm cho anh ta vui trong lòng đến thế. Chuyến đi diễn ra suôn sẻ, và khoảng mười giờ đêm chúng tôi đã trở về thành phố. Khi tàu đến ga chúng tôi rủ nhau đi uống bia.

“Các cậu cứ đến quán bia trước đi nhé”, chồng Fanny nói, “tớ đi thẳng về nhà và đón vợ tớ ra uống cùng. Cả ngày hôm nay cô ấy đã phải ngồi trông đứa trẻ bị ốm và chúng ta thật có lỗi nếu bây giờ chúng ta để cô ấy ở nhà một mình.”

Không lâu sau đó vợ chồng Fanny đi vào quán bia chúng tôi đã hẹn nhau. Dĩ nhiên cuộc nói chuyện của chúng tôi khi uống bia xoay quanh chuyến đi lúc chiều, việc chẳng có gì xảy ra trong chuyến đi của tất cả những người tham gia được phóng đại hết cỡ thành những chuyện phiêu lưu kỳ thú. Fanny hơi lầm lì, hơi bối rối và không thèm nhìn tôi. Nhưng chồng chị ta lại càng thể hiện rõ hơn thái độ đắc thắng khó hiểu đối với tôi trên khuôn mặt hiện giờ nhiều hơn trên khuôn vui vẻ lúc chiều nay. Nhưng giờ đây những cái nhìn có chút kiêu hãnh, đắc thắng của anh ta hướng vào người vợ trầm tư đang ngồi im của anh ta nhiều hơn hướng vào tôi. Điều đó không có gì khác, như thể anh ta đã nếm trải sự mãn nguyện nào đó trong lòng đang làm anh ta vô cùng hạnh phúc.

Mãi một tháng sau, khi tôi và Fanny lần đầu tiên lại ở bên nhau khi chỉ có hai chúng tôi thì điều khó hiểu đó mới được sáng tỏ. Sau khi tôi lại một lần nữa phải nhẫn nại chịu đựng những lời quở mắng thậm tệ nhất của chị ta thì tôi cố làm lành với chị ta. Sau đó chị ta tâm sự với tôi, chồng chị ta đứng khoanh tay trước ngực diễn giảng cho chị ta khi họ đã ở nhà sau cuộc uống bia hôm ấy như sau: “Em yêu, bây giờ anh đã tìm hiểu kỹ chàng trai yêu quý của em. Ngày nào em cũng thú nhận với anh rằng em quý cậu ta, và đồng thời em hoàn toàn không nhận thấy cậu ta đang coi em là trò đùa. Sáng nay anh đã bắt gặp cậu ta ở trong phòng của mình, dĩ nhiên khi đó cậu ta không ở một mình. Tất nhiên giờ đây đã hoàn toàn hiểu rõ, tại sao cậu ta không thích em và đã khinh khỉnh khước từ những tình cảm của em. Vì người tình của cậu ta là một phụ nữ có vẻ đẹp cơ thể quyến rũ, tuyệt trần, nên đương nhiên với những sự quyến rũ đã hơi tàn lụi của mình, em không thể đọ được với cô ta đâu.”

Các bạn độc giả yêu quý, đó là tác dụng của việc tiêm chủng. Tôi chỉ kể lại nó cho các bạn, để các bạn có thể bảo vệ mình trước thủ đoạn tinh quái này.

 

ĐÁNH NHAU

THOMAS MANN

Tôi rất sửng sốt khi Johnny Bishof nói với tôi rằng Jappe và Do Escobar muốn đánh nhau, và rằng chúng tôi sẽ đi xem chúng đánh nhau.

Việc đó xảy ra trong kỳ nghỉ hè, ở Travemuende(1), vào một ngày nóng nực có gió thổi nhẹ từ trong đất liền ra biển và mặt biển phẳng lặng đã lùi ra xa. Có lẽ chúng tôi đã tắm biển khoảng bốn mươi nhăm phút và đang nằm dưới cầu tàu bằng gỗ của bãi tắm trên nền cát mịn cùng với Juergen Brattstroem – con trai của chủ tàu. Johnny và Brattstroem nằm ngửa, hoàn toàn trần truồng, trong khi đó tôi đã cuốn chiếc khăn tắm của mình xung quanh hông, điều đó làm cho tôi tự nhiên hơn. Brattstroem hỏi tôi, tại sao tôi làm vậy, và vì tôi không biết trả lời ra sao cho nên Johnny mỉm cười thân mật, kẻ cả nói: Có lẽ tao đã hơi quá lớn để nằm trần truồng. Thực ra tôi lớn hơn và phổng phao hơn cậu ta và Brattstroem, thậm chí có thể già hơn chúng một chút, khi đó tôi khoảng mười ba tuổi. Cho nên tôi im lặng, chấp nhận sự giải thích của Johnny, mặc dù nó chứa đựng một sự giễu cợt nhất định dành cho tôi. Vì trong ba đứa chúng tôi thì dễ dàng nhận thấy tôi là đứa hơi nực cười, nếu tôi bé hơn và trẻ con hơn Johnny, kẻ luôn cho mình là đã lớn và trưởng thành. Ngoài ra cậu ta có thể ngước nhìn cậu bé khác cao hơn mình bằng đôi mắt màu xanh, xinh như mắt con gái đang khoái chí mỉm cười một cách giễu cợt cùng với một sự biểu lộ như thể cậu ta muốn nói: Mày là một thằng cao kều đáng ghét! Hình mẫu của nam tính và của những chiếc quần dài đã không là gì đối với cậu, hình mẫu mà có ý nghĩa rất lớn đối với đám con trai chúng tôi như là sức mạnh, lòng dũng cảm và đủ loại đức tính cứng rắn vào khoảng thời gian không lâu sau chiến tranh, và nhiều thứ khác được xem là không có nam tính. Nhưng Johnny, với tư cách là người nước ngoài hay nói cho chính xác hơn là đứa con lai, không bị ảnh hưởng bởi quan niệm này, trái lại cậu ta có cái gì đó của một người phụ nữ đang giữ gìn sắc đẹp của mình và cười nhạo những người khác ít làm điều đó hơn. Ngoài ra cậu ta còn là cậu bé đầu tiên của thành phố được ăn mặc một cách thanh lịch và rất quý tộc, cụ thể là cậu ta mặc những chiếc áo lính thuỷ dành cho trẻ em theo kiểu Ăng lê thực thụ có cổ bằng vải gai màu xanh, các nút buộc, các sợi dây, một cái còi bằng bạc ở túi ngực và một cái mỏ neo ở trên tay áo bồng lên, hẹp lại ở chỗ cổ tay. Mọi đứa trẻ khác ăn mặc như thế đều bị chế giễu là ăn mặc cầu kỳ và bị phạt. Nhưng cậu ta thì không bị làm sao, vì mọi người cho rằng cậu mặc bảnh bao như thế là lẽ thường tình, và cậu không hề phải chịu đựng điều đó.

Cậu ta trông giống như một thần ái tình bé nhỏ, gầy gò khi cậu nằm ở đó với hai khuỷu tay được giơ lên, gối đầu có mái tóc dài, xoăn, mềm mại, màu vàng, hơi dài theo kiểu Ăng lê lên hai bàn tay mảnh khảnh. Cha cậu là một thương gia người Đức đã nhập quốc tịch Anh và đã chết trước đây vài năm. Nhưng mẹ, bà Bishop, cậu là một người Anh thuộc dòng dõi quý tộc, một quý bà có bản tính hiền lành, dịu dàng và một khuôn mặt dài, người đã sống ở thành phố của chúng tôi cùng với hai đứa con, Johnny và một cô con gái nhỏ cũng xinh đẹp, có phần hơi ranh mãnh. Hàng ngày bà ấy vẫn chỉ mặc đồ đen để chịu tang chồng, và có lẽ bà tôn trọng ý nguyện cuối cùng của chồng mình, khi để cho các con lớn lên ở Đức. Chắc là bà sống rất phong lưu. Bà sở hữu một ngôi nhà rộng rãi ở ngoại ô thành phố và một ngôi biệt thự ven biển, thỉnh thoảng bà còn đi nghỉ dưỡng cùng với Johnny và Sissie(2) ở những nơi xa. Bà không giao thiệp rộng, mặc dù xã hội luôn rộng mở đối với bà. Nói đúng hơn bà sống như thể vì việc để tang chồng mình, như thể cá nhân bà lảng tránh mọi giao du, vì tầm nhận thức của các gia đình quyền quý ở thành phố chúng tôi quá hạn hẹp đối với bà, nhưng bà lo lắng về việc giao tiếp rộng của các con mà bà vẫn thường xuyên giám sát bằng sự thận trọng kín đáo, nếu bà không tự quyết định được, khi chúng được mời tham gia các trò chơi tập thể, tham gia khoá học khiêu vũ và nghi thức xã giao v.v…, đó là, bà chỉ để cho Johnny và Sissie chơi với những đứa trẻ của các gia đình có thế lực – tất nhiên không theo một nguyên tắc rõ ràng, nhưng theo từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, từ lâu bà Bishop đã góp phần dạy dỗ tôi, khi bà ấy dạy tôi rằng, để được những người khác tôn trọng thì không có gì cần thiết hơn là tự nhận ra giá trị của bản thân mình. Không còn người đàn ông trụ cột trong gia đình, cái gia đình nhỏ của bà không cho thấy có dấu hiệu nào của sự sa sút, lụn bại thường gợi lên sự ngờ vực của người ngoài như đối với các gia đình khác có hoàn cảnh tương tự. Hơn nữa, không có họ hàng thân thuộc, không có tước vị, tiếng tăm, sự nổi tiếng và địa vị, cuộc sống của bà bị biệt lập và đòi hỏi rất nhiều cố gắng, đến nỗi người ta sẵn sàng ngấm ngầm nhượng bộ bà và tình bạn giữa các con của bà với những đứa trẻ cùng trang lứa được đánh giá rất cao. Còn việc kết bạn với Juergen Brattstroem thì trước hết là vì cha của cậu ấy giàu có, được đề bạt vào các chức vụ của các cơ quan nhà nước, ông ấy đã xây cho mình và các con một ngôi nhà bằng đá sa thạch màu đỏ ở gần Burgfeld(3), giáp ranh với ngôi nhà của bà Bishop. Vì vậy Juergen, với sự cho phép thận trọng của bà Bishop, là bạn chơi trong vườn và bạn học hàng ngày vẫn cùng nhau đi về của Johnny – một cậu bé trầm tĩnh, kín đáo, không có những đặc điểm cá tính nổi bật, đã bí mật quản lí một cửa hàng nhỏ bán cam thảo.

Như đã nói ở trên, tôi rất sợ trước thông báo của Johnny về cuộc đấu tay đôi giữa Jappe và Do Escobar sẽ diễn ra một cách nghiêm trọng vào lúc mười hai giờ tại Leuchtenfeld(4). Điều đó có thể trở nên khủng khiếp, vì Jappe và Escobar là hai gã thiếu niên mạnh khoẻ, liều lĩnh có máu hiệp sĩ, cuộc đối đầu của chúng chắc chắn gây nên sự lo lắng. Tôi hình dung ra chúng vẫn to béo và rắn rỏi như thuở nào, mặc dù độ tuổi của chúng không thể quá mười lăm. Jappe xuất thân từ tầng lớp trung lưu của thành phố; hắn ta ít bị giám sát và nói cho đúng ra từ lâu chúng tôi đã gọi hắn là một kẻ vô dụng (ý tôi muốn nói là kẻ lêu lổng), nhưng thuộc hạng chơi bời. Do Escobar là kẻ không có nhân cách, một ngoại kiều kì cục, thậm chí không phải là học sinh chính thức, mà chỉ là học sinh dự thính (một hình thức học lộn xộn, nhưng lại rất tuyệt!) – kẻ trả tiền ăn ở tại những nhà dân nào đó và được hoàn toàn tự do. Cả hai đều là những kẻ đi ngủ muộn, hay la cà ở các quán rượu, buổi tối đi phất phơ ngoài đường, bám theo các cô gái, cả gan sử dụng ma tuý, nói một cách ngắn gọn: Chúng là bạn của nhau. Mặc dù chúng không sống ở trong khách sạn nghỉ dưỡng (nơi mà thực sự không hợp với chúng) mà sống ở đâu đó trong thành phố nhỏ thì chúng vẫn ở trong khu vườn nghỉ dưỡng như những người thanh lịch đang sống ở trong khách sạn. Và tôi biết rằng, vào buổi tối, đặc biệt là vào ngày chủ nhật, khi mà tôi đã nằm từ lâu ở trên giường trong một trong những ngôi nhà kiểu Thuỵ Sĩ, thiu thiu ngủ trong tiếng nhạc du dương dành cho khách nghỉ dưỡng thì chúng ngông nghênh lượn lờ trước mái lều vải rộng của tiệm bán bánh ngọt cùng với những thanh niên ăn chơi khác trong dòng người đi tắm và đi tham quan về, tìm đến những trò tiêu khiển của người lớn. Sau đó chúng cãi nhau – chỉ có trời mới biết tại sao và như thế nào. Có thể là chúng chỉ chạm vai vào nhau trong khi đi vơ vẩn và từ việc này đã chuẩn bị đánh nhau vì danh dự. Johnny, kẻ dĩ nhiên cũng đã ngủ từ lâu và cũng chỉ nghe tin đồn về việc cãi cọ giữa chúng, nói bằng giọng trẻ con rất dễ thương, hơi đục của mình rằng, có thể việc đó liên quan đến một cô gái, và điều đó không khó hiểu khi cả Jappe và Do Escobar đều rất ngổ ngáo. Nói tóm lại, chúng đã không làm ầm lên mà đã thoả thuận về thời gian và địa điểm đánh nhau trước những người làm chứng bằng những lời lẽ thô lỗ và cứng rắn. Hôm nay, vào lúc mười hai giờ chúng hẹn nhau ở Leuchtenfeld. Vũ sư Knaak của thành phố Hamburg, người tiếp đãi và chủ trì các buổi gặp mặt ở trong khách sạn nghỉ dưỡng, cũng đã chứng khiến và hứa có mặt ở bãi Cá voi.

Johnny rất háo hức đi xem đánh nhau, cậu ta hoặc Brattstroem không hề chia sẻ nỗi sợ hãi mà tôi cảm thấy. Trong khi cậu phát âm âm “r”(5) theo cách đáng yêu của mình một cách giòn tan, cậu khẳng định một lần nữa rằng cả hai sẽ đánh nhau thật sự như kẻ thù. Cả Jappe và Do Escobar đều rất khoẻ, đều là những kẻ mất dạy hung hãn. Thật thú vị là chúng sẽ thực sự biết được kẻ nào trong hai đứa bọn chúng là kẻ hung hãn nhất. Johnny cho rằng Jappe có một bộ ngực nở nang và bắp tay, bắp chân cuồn cuộn, vì hàng ngày cậu ta có thể quan sát Jappe tắm. Còn Do Escobar thì rất vạm vỡ và hung hăng, thành thử thật khó dự đoán kẻ nào sẽ thắng. Điều lạ lùng là Johnny rất tự tin nói về những khả năng của Jappe và Do Escobar, đồng thời cậu ta nhìn hai cánh tay trẻ con yếu ớt của mình mà cậu chưa hề dùng để đánh ai hoặc để tự vệ. Về phần mình thì tôi chỉ muốn tránh xa trận đánh nhau. Điều đó thật buồn cười. Tuy nhiên, trận đánh nhau sắp xảy ra cũng rất hấp dẫn tôi. Nhất định tôi phải đi đến đó và xem từ đầu đến cuối, vì tôi đã nghe nói về nó – điều này giống như là sự hết lòng vì bạn bè, nhưng ở trong cuộc tranh đấu khó khăn với những cảm giác bất đắc dĩ; cùng với một nỗi xấu hổ và sợ hãi ghê ghớm của một cậu bé không thích đánh nhau, không được can đảm lắm như tôi, cả gan xem những hành động can đảm ở chỗ đánh nhau; cùng với một nỗi bồn chồn trước những hồi hộp, lo lắng sâu kín mà việc xem trận đánh nhau khốc liệt, nghiêm trọng và gần như là sinh tử, sẽ xuất hiện trong tôi và tôi đang cảm thấy trước; đương nhiên cũng cùng với một nỗi lo sợ, nhút nhát thông thường rằng ở đó tôi muốn từ bỏ những đòi hỏi cho riêng bản thân mình, mâu thuẫn với bản tính con người thật của tôi, mà sẵn sàng cùng chịu tai hoạ –  cùng với nỗi lo sợ bị lôi cuốn và bị cưỡng ép, hoá ra tôi cũng là một cậu bé can trường, một bằng chứng cho thấy tôi cũng thích đi xem đánh nhau. Nhưng mặt khác tôi không thể không đặt mình vào vị trí của Jappe và Do Escobar và hiểu những cảm giác lo lắng mà tôi tin là chúng đang có. Tôi hình dung ra sự xúc phạm, sự thách đấu ở trong khu vườn nghỉ dưỡng; cùng với chúng, vì phép lịch sự, tôi nén lại ham muốn ngay lập tức lao vào nhau cùng với những nắm đấm. Tôi thử trải qua sự phẫn uất, sự lo lắng, sự căm thù ngùn ngụt, mù quáng, sự khao khát trả thù mà chúng đã phải nếm trải trong đêm. Cuối cùng, trút bỏ hoàn toàn sự nhút nhát, tôi tưởng tượng mình đang đánh nhau một cách tàn nhẫn và điên cuồng với một địch thủ cũng tàn nhẫn như mình trong giấc mơ, dùng hết sức bình sinh đấm vào cái mồm đáng ghét của gã, đến nỗi cả hàm răng gã rơi ra, kèm theo một cú đạp dã man vào bụng dưới làm gã chìm xuống dưới những con sóng màu đỏ, sau đó tôi thức giấc ở trên giường của mình trong những tiếng mắng yêu của bố mẹ với tinh thần đã được trấn tĩnh bằng những miếng vải ép bọc nước đá(6).

Chúng tôi nằm dưới cầu tàu đến muời một rưỡi, sau đó đứng dậy để mặc quần áo. Tôi gần như bị kiệt sức vì sự hồi hộp, không chỉ khi ở trong phòng thay đồ mà cả sau đó, khi chúng tôi đã mặc xong quần và rời khỏi bãi tắm, tim tôi đập thình thịch, như thể chính tôi là kẻ sắp phải đánh nhau với Jappe hoặc Do Escobar, trước tất cả những người chứng kiến và ở vào thế bất lợi.

Tôi vẫn còn nhớ rõ ba đứa chúng tôi đã đi xuống chiếc cầu nhỏ bằng gỗ bắc  từ chỗ thay quần áo chếc xuống bãi tắm. Tất nhiên chúng tôi nhún nhảy để làm chiếc cầu võng xuống tối đa và để chúng tôi bật lên cao như bật lên từ bàn nhún. Nhưng khi đã xuống đến bên dưới, chúng tôi không đi theo lối đi giữa những chiếc lều vải và những chiếc ghế mây có mái che chạy dọc bờ biển mà đi theo hướng vào sâu trong đất liền, chính là đi về phía khách sạn nghỉ dưỡng, trước khi rẽ trái. Mặt trời chiếu cái nắng như thiêu như đốt trên các cồn cát và làm bốc lên hơi khô nóng từ mặt đất chỉ có những cây cúc gai, cỏ lác mọc thưa thớt, đang đâm vào chân chúng tôi. Không có một âm thanh nào ngoài tiếng vo vo liên tục của những con nhặng xanh dường như đang bay đứng yên trong cái nóng hầm hập, bất thình lình chúng nhao đi và lại bắt đầu phát ra tiếng vo ve đều đều, khó chịu ở chỗ khác. Từ lâu, sự mát mẻ của việc tắm biển đem lại đã không còn tác dụng. Brattstroem và tôi thay phiên nhau nhấc mũ lên cho thoáng khí, để ráo mồ hôi. Cậu ấy đội chiếc mũ thuỷ thủ Thuỵ Điển có lưỡi trai bằng vải sơn chìa ra đằng trước, tôi đội chiếc mũ nồi len Helgoland(7), còn gọi là Tam-o-shanter(8). Johnny ít chịu khổ sở vì trời nóng nhờ sự gầy gò của mình và cũng rất có thể là do quần áo của cậu ta thích hợp cho mùa hè hơn quần áo của chúng tôi. Trong bộ quần áo lính thuỷ nhẹ, thoải mái được may bằng vải rằn ri, cổ và hai bắp chân để lộ ra, cái đầu nhỏ xinh xắn đội chiếc mũ màu xanh da trời, được tô điểm bằng dải ruy băng ngắn có dòng chữ tiếng Anh, đôi chân gầy và dài đi giầy da màu trắng cổ ngắn, hợp thời trang và gần như không có gót, cậu ta đi bằng những bước chân sải rộng về phía trước với đầu gối hơi cong ở giữa Brattstroem và tôi, hát bài ca đường phố quen thuộc thời bấy giờ Ngư dân bé nhỏ bằng giọng quyến rũ của mình; cậu ta hát bằng lời bài ca đã bị xuyên tạc do bọn thanh niên láo lếu bịa ra. Vì cậu ta thường hát như vậy. Với tất cả sự hồn nhiên cậu ta đã học thuộc lời của một vài bài hát đã bị xuyên tạc và hoàn toàn không ngượng ngùng khi cất tiếng hát. Nhưng sau đó cậu ta giả vờ nghiêm nét mặt, nói: “Chết thật, ai lại đi hát những bài hát đã bị xuyên tạc cơ chứ!”, và làm như thể tôi và Brattstroem mới là những kẻ đã hát bậy bạ về người ngư dân bé nhỏ.

Tôi chẳng còn bụng dạ nào để ý đến chuyện hát hò, nhất là khi chúng tôi đến gần chỗ sắp xảy ra đánh nhau. Chúng tôi đã đi qua vùng có cỏ sắc nhọn mọc trên các đụn cát và đang đi vào khu vực có rêu mọc bị cát phủ, tiếp theo là đi xuống đồng cỏ thưa thớt, đó là Leuchtenfeld, nơi chúng tôi đặt chân đến, được gọi tên theo ngọn đèn hải đăng(9) màu vàng, hình trụ nhô cao lên ở tít đằng xa về phía bên trái. Sau đó, chúng tôi bất ngờ đến nơi mà Jappe và Do Escobar đã hẹn nhau.

Đó là một nơi yên tĩnh, nóng bức, hoạ hoằn mới có người qua lại, tầm nhìn bị che khuất bởi khóm liễu. Trên bãi đất trống ở phía trong khóm liễu, những người trẻ ngồi và nằm thành vòng tròn như một hàng rào sống. Hầu như tất cả mọi người đều già hơn chúng tôi, xuất thân từ những tầng lớp xã hội khác nhau. Có lẽ chúng tôi là những khán giả đến sau cùng. Mọi người chỉ còn đợi vũ sư Knaak, người cần phải hiện diện với tư cách là trọng tài điều khiển cuộc đấu. Nhưng cả Jappe lẫn Do Escobar đều đã có mặt. Tôi nhận ra chúng ngay lập tức. Chúng ngồi cách xa nhau trong vòng tròn người ngồi xung quanh và làm như thể không nhìn thấy nhau. Sau khi gật đầu chào một vài người quen chúng tôi cũng ngồi khoanh chân xuống nền đất bỏng rát.

Một số người đang hút thuốc. Cả Jappe và Do Escobar đều ngậm thuốc lá ở khoé miệng, trong khi chúng nhắm một mắt, lim dim vì khói thuốc, dĩ nhiên người ta nhận thấy rằng, hai gã đều tin chắc mình sẽ thắng trong lúc ngồi như thế và thản nhiên hút thuốc, trước khi chúng đánh nhau. Cả hai đều đã ăn mặc như những người đàn ông trưởng thành, nhưng trông Do Escobar bảnh bao hơn hẳn Jappe. Gã ta đi đôi giầy mũi nhọn hoắt màu vàng hợp với bộ com lê mùa hè màu xám sáng của mình, mặc áo sơ mi màu mầu hồng, đeo cà vạt bằng lụa, sặc sỡ, đội chiếc mũ rơm hình trụ, vành nhỏ, hơi lệch về phía sau để búi tóc dầy, chắc, đen bóng và được bôi sáp thơm lộ ra ở bên dưới chiếc mũ; ngoài ra ở bên trên trán gã còn chải ngược mái tóc đã được rẽ ngôi ra phía sau. Thỉnh thoảng gã đưa tay phải lên và lắc để chiếc vòng bằng bạc mà gã đang đeo tụt xuống, chui vào trong măng séc tay áo. Jappe ăn mặc giản dị hơn nhiều. Hai chân của hắn ở trong hai ống quần hẹp, bó sát, có màu sáng hơn áo khoác ngoài và áo gi lê, phía dưới bị nhét vào trong giầy cao cổ và bị buộc chặt lại bằng dây giầy. Trái ngược với Do Escobar, Jappe đội chiếc mũ thể thao kẻ ô vuông được kéo sụp xuống trán, che đi mái tóc quăn, màu vàng của hắn. Hắn đang ngồi xổm, hai tay bó gối, và đương nhiên người ta nhận thấy, trước tiên là hắn mặc áo sơ mi không cài măng séc tay, sau đó là móng trên những ngón tay bị đan chéo vào nhau của hắn hoặc là đã bị cắt quá ngắn hoặc là bị gặm cụt vì tật hay gặm móng tay. Ngoài ra, mặc dù có phong cách hút thuốc liên tục và riêng biệt thì tâm trạng của hắn khi ở giữa đám đông vẫn nặng nề, thậm chí bối rối và rất trầm ngâm. Người đang chống lại hắn, không ai khác chính là Do Escobar, kẻ đang liên tục nói to bằng giọng khàn khàn với âm “r” giòn tan với những người ngồi gần gã, trong khi gã để cho khói thuốc tuôn ra đằng mũi. Giọng nói khàn khàn của gã làm tôi ghê tởm, và mặc dầu Jappe có những chiếc móng tay qua ngắn thì tôi vẫn muốn quay mặt đi, để khỏi phải nhìn Do Escobar như hắn, kẻ thỉnh thoảng lại cố gắng ngoái cổ lại nói chuyện với những người ngồi phía sau mình, còn không thì dường như chỉ im lặng nhìn khói của điếu thuốc lá mà hắn đang hút bay lên.

Sau đó ông Knaak đến;- tôi còn nhìn thấyông ấy trong bộ pyjama bằng vải flannel kẻ sọc, màu xanh nhạt đi đến gần với những bước chân nhẹ nhàng từ phía khách sạn nghỉ dưỡng, ngả mũ chào và dừng lại ở bên ngoài vòng tròn người đang ngồi. Tôi không nghĩ là ông thích đến, nói đúng hơn tôi tin là ông miễn cưỡng đến. Tuy nhiên, ông đã ban tặng sự hiện diện của mình cho một cuộc đánh nhau; nhưng có lẽ địa vị của ông, mối quan hệ khó khăn của ông đối với đám thiếu niên nam khoẻ mạnh, hay thích gây gổ buộc ông phải đến. Ông có nước da bánh mật, đẹp trai và béo (chủ yếu béo ở vùng hông). Vào thời gian mùa đông ông dạy khiêu vũ và cách cư xử cả ở trong một nhóm gia đình chơi thân với nhau lẫn ở câu lạc bộ giải trí cho nhiều người cùng một lúc, và trong mùa hè đảm nhiệm chức vụ Người đứng ra tổ chức các bữa tiệc lớn và Trưởng ban quản lý bãi tắm của khách sạn nghỉ dưỡng ở Travemuende. Với đôi mắt sáng và dáng đi nhẹ nhàng, uyển chuyển của mình, nhờ đó, trước tiên ông cẩn thận đặt hai đầu bàn chân chĩa hẳn ra ngoài xuống đất và để cho phần còn lại của bàn chân chạm đất sau, với cách ăn nói tự tin và có văn hoá, với niềm tự hào giống như lúc bước ra sân khấu khi ông xuất hiện giữa đám đông, với nét thanh lịch lạ thường, riêng biệt trong phong cách của mình ông là niềm vui của phái đẹp, trong khi đó phái mạnh, nhất là các cậu thiếu niên hay chê bai, lại không tin tưởng ông. Tôi đã thường ngẫm nghĩ về địa vị của ông Francois Knaak(11) ở trong xã hội và thấy nó thật đặc biệt và tuyệt vời. Bố mẹ ông là những người nghèo hèn, còn ông thì hoàn toàn bay bổng với sự thận trọng của mình trong lối sống quý tộc mà không thuộc về giới quý tộc, ông là tấm gương của chúng tôi và được trả công với cương vị là người giám hộ và thầy giáo dạy khiêu vũ. Cả Jappe và Do Escobar đều là học sinh của ông, bọn chúng không ở lớp học tư như Johnny, Brattstreom và tôi mà ở trong lớp học tập thể tại câu lạc bộ giải trí, và đó là nơi mà ông Knaak bị bọn thiếu niên coi thường (vì chúng tôi lễ phép hơn khi học khiêu vũ và cách cư xử ở lớp học tư). Một gã đã học cách cư xử lịch sự cùng với các bé gái, bị đồn thổi là mặc áo coóc xê, túm lấy vạt dưới áo khoác ngoài dài đến đầu gối bằng các đầu ngón tay, khẽ nhún đầu gối, uốn éo và bất ngờ nhảy lên cao để dang hai chân ra, sau đó rơi phịch trở lại xuống sàn lát gỗ: Vậy gã thực sự có phải là con trai không? Mối nghi ngờ này đè nặng lên ông Knaak; đồng thời sự tin chắc quá mức của ông ta ngày càng tăng lên. Sự thăng tiến của ông trong nhiều năm rất có ý nghĩa, và điều đó (một sự hình dung khôi hài!) đã là tiền đề để ông có vợ và con ở Hamburg. Việc ông là người lớn và người ta luôn gặp ông ở phòng khiêu vũ giúp ông tránh khỏi việc bị lộ tẩy xuất thân từ tầng lớp thấp kém trong xã hội. Ông luôn tự hỏi: Gã có khả năng tập thể dục không? Đã có khi nào gã tập thể dục chưa? Gã có lòng dũng cảm không? Gã có sức lực không? Nói tóm lại, gã có được coi là quý tộc không? Ông không thể hiện được những phẩm chất đáng kính hơn làm đối trọng cho ông trong những cuộc gặp mặt với giới văn nghệ sĩ để ông nhận được sự kính trọng của họ. Thậm chí có những gã thiếu niên lêu lổng thẳng thừng gọi ông là đồ khỉ và là một kẻ hèn nhát. Chắc là ông ta biết điều đó, và vì thế hôm nay ông đến đây để chứng tỏ sự quan tâm của ông đến cuộc đánh nhau thực sự và để duy trì quan hệ với đám thiếu niên như một người bạn, mặc dù với tư cách là trưởng ban quản lí bãi tắm ông không được phép cổ suý cho việc đánh nhau vì danh dự một cách bất hợp pháp. Nhưng theo sự hiểu biết của tôi ông ta không cảm thấy thoải mái khi phải làm trọng tài điều khiển cuộc đấu và hiểu rõ đó là một việc làm nguy hiểm. Một số người nhìn ông bằng ánh mắt lạnh lùng, và ông lo lắng nhìn quanh mình, mặc dầu mọi người đã đến đông đủ.

Ông ta xin lỗi một cách lịch sự về việc đến muộn của mình. Ông nói, một cuộc toạ đàm với ban giám đốc khách sạn nghỉ dưỡng liên quan đến buổi gặp mặt vào ngày thứ Bảy đã níu chân ông. Sau đó ông hỏi bằng giọng oai nghiêm:  “Hai đối thủ đã sẵn sàng rồi chứ? Thế thì chúng ta có thể bắt đầu.” Ông chống ba toong, đứng bắt chéo chân ở ngoài vòng tròn người đang ngồi, bặm môi mím chặt bộ ria mép mềm, màu nâu của mình và đưa mắt sành sỏi nhìn.

Jappe và Do Escobar đứng dậy, vứt thuốc lá đang hút dở đi và bắt đầu chuẩn bị đánh nhau. Do Escobar chuẩn bị rất nhanh. Gã ném mũ, áo khoác ngoài và áo gi lê của mình xuống đất, sau đó cởi cà vạt, cởi cúc ở cổ áo, tháo dây đeo quần và cũng ném chúng xuống đất. Tiếp theo, hắn bỏ áo sơ mi mầu hồng ra khỏi quần, cởi phăng ra và hắn chỉ còn mặc mỗi chiếc áo lót bằng vải thun có sọc trắng, đỏ để lộ cánh tay mọc đầy lông màu đen từ bắp tay trở xuống. “Chuẩn bị xong chưa, đồ khốn?” hắn hỏi Jappe trong khi hắn bước nhanh vào giữa khoảng trống trước mặt mọi người và ưỡn ngực khởi động khớp vai. – Gã không tháo chiếc vòng đeo tay bằng bạc ra.

Jappe vẫn chưa chuẩn bị xong, quay mặt sang phía Do Escobar, lông mày dựng ngược lên và gườm gườm nhìn xuống đôi chân của gã như thể muốn nói: “Mày cứ đợi đấy! Tao sẽ làm cho mày phải ngậm miệng lại.” Mặc dù Jappe có bờ vai rộng hơn, nhưng trông hắn có vẻ không khoẻ và lì lợm bằng Do Escobar, khi hắn đứng đối diện với Do Escobar. Hai chân của Jappe ở trong hai ống quần bó sát chùng xuống theo hình chữ X, chiếc áo sơ mi mỏng, mầu trắng đã hơi ngả vàng của hắn có hai ống tay rộng lúc này đã được cài măng séc và hai chiếc dây đeo quần bằng cao su màu sám đè lên trông rất khó coi, trong khi chiếc áo lót có kẻ sọc của Do Escobar và chủ yếu là những chiếc lông màu đen ở trên hai cánh tay của gã có tác dụng làm cho gã trở nên hiếu chiến và rất đáng gờm. Cả hai đều tái mét mặt, nhưng người ta nhìn thấy điều đó rõ hơn ở Jappe, vì bình thường hắn có đôi má hồng. Hắn có khuôn mặt của một gã thiếu niên tóc vàng hoạt bát và hơi thô lỗ với cái mũi hếch và một cái sống mũi có tàn nhang. Ngược lại mũi của Do Escobar lại ngắn, thẳng, khoằm xuống, và người ta nhìn thấy hàng ria mép màu đen mọc lún phún ở trên đôi môi hé mở của gã.

Hai tay buông thõng xuống, chúng đứng gần như sát vào nhau và nhìn xuống bụng của nhau với vẻ mặt tức giận, tỏ ý khinh bỉ đối thủ. Rõ ràng là chúng không biết nên bắt đầu đánh nhau như thế nào, điều đó hoàn toàn phù hợp với cảm nhận của tôi. Một đêm trọn vẹn và một nửa ngày đã trôi qua kể từ khi chúng thách đấu, và thời gian đã làm nguội đi sự ham muốn đánh nhau của chúng mà tối hôm qua sục sôi và chỉ được kiềm chế bởi phép lịch sự. Giờ đây chúng cần phải làm những gì mà hôm qua chúng đã rất muốn làm vì sự kích thích cao độ vào giờ phút quyết định khi có hiệu lệnh với trái tim lạnh lùng trước đám đông đã tụ họp.

Nhưng thực ra chúng là những thiếu niên có giáo dục và không phải là các võ sĩ giác đấu thời thượng cổ. Đương nhiên, lúc bình thường chúng cũng e ngại đấm lên thân thể lành lặn của người khác . Tôi nghĩ vậy, và có lẽ cả Jappe lẫn Do Escobar đều đang ở trong tâm trạng như thế.

Nhưng vì danh dự nên chúng bắt đầu đẩy vào ngực nhau bằng năm đầu ngón tay, như thể chúng nghĩ có thể dễ dàng đẩy ngã đối thủ xuống đất bằng sự khinh bỉ, và rõ ràng là để khiêu khích nhau. Nhưng lúc này, khi mà Jappe bắt đầu nghiến răng đẩy Do Escobar, thì Do Escobar ngừng đẩy lại.

“Xin lỗi ông bạn nhé!” Do Escobar nói trong khi gã lùi lại hai bước và quay đi. Gã làm như vậy là để nhét lại cái móc đeo quần ở sau lưng cho chắc hơn, vì gã đã tháo dây đeo quần ra, và vì hông của gã nhỏ nên chắc là cái quần của gã bắt đầu tụt xuống. Khi gã đã nhét lại cái móc đeo quần và cài lại thắt lưng gã nói lúng búng trong miệng điều gì đó bằng tiếng Tây Ban Nha mà không ai hiểu. Có lẽ hắn gã đã nói rằng bây giờ gã mới thực sự sẵn sàng đánh nhau. Gã quay người và lại bước đến trước mặt Jappe. Rõ ràng là gã đang rất kiêu căng.

Trước tiên Jappe và Do Escobar đẩy nhẹ nhau bằng bàn tay. Nhưng bỗng nhiên, rất bất ngờ, chúng đấm nhau túi bụi. Chúng đánh nhau được khoảng ba giây thì đột nhiên lại dừng lại. Johnny ngồi cạnh tôi, miệng ngậm một cọng cỏ mỏng, nói: “Bây giờ chúng đang đấu trí, tao cá với chúng mày rằng Jappe đang làm cho thằng Do Escobar mất tinh thần. Nó quá mánh lới. Chúng mày hãy nhìn xem, nó luôn liếc mắt nhìn những người khác. Thằng Jappe tỏ ra rất bản lĩnh. Chúng mày có giám cá với tao rằng nó sẽ nện cho Do Escobar một trận nhừ tử không?”

Jappe và Do Escobar lùi lại, thở hổn hển, hai tay nắm lại chống nạnh, đứng cách xa nhau ra. Chắc chắn cả hai đã cảm thấy đau, vì vẻ mặt chúng trông rất tức giận, và cả hai đều bĩu môi tỏ ý căm tức, như thể chúng muốn nói: mày đang nghĩ cách làm cho tao thật đau đớn phải không! Đôi mắt của Jappe đỏ ngầu, còn Do Escobar thì nhe răng trắng ởn khi chúng lại lao vào đánh nhau.

Bây giờ chúng đánh nhau bằng tất cả sức lực, lần lượt đánh vào vai, cẳng tay và ngực của nhau. “Đánh như thế thì hề hấn gì”, Johnny nói bằng giọng đáng yêu. “Cứ đánh như thế kia thì sẽ chẳng có thằng nào bị thua cả. Chỉ tổ tốn sức. Chúng phải đấm vào cằm của nhau, nghĩa là từ dưới lên đến xương hàm.” Nhưng đúng lúc ấy Jappe áp sát Do Escobar, vì thế Do Escobar đã kẹp chặt được cả hai cánh tay của Jappe bằng cánh tay trái vào ngực của mình như kẹp trong một cái cái ê tô và liên tục đấm bằng tay phải vào mạng sườn của Jappe.

Mọi người nhao nhao phản đối. “Không được khoá tay!” nhiều người hét lên và đứng phắt dậy. Ông Knaak hốt hoảng nhảy vào giữa. “Không được khoá tay!” ông ta cũng hét lên. “Do Escobar, rõ ràng là cậu đang khoá tay Jappe! Như vậy là phạm luật.” Ông tách bọn chúng ra và nhắc nhở Do Escobar một lần nữa rằng việc khoá tay nhau là hoàn toàn bị cấm. Sau đó ông ta lại ra đứng ở ngoài vòng tròn người ngồi xung quanh.

Người ta nhìn thấy rõ Jappe đang nổi điên lên. Mặt tái nhợt, gã xoa xoa mạng sườn của mình trong khi gã quan sát Do Escobar cùng với cái gật đầu chậm rãi và báo trước những đòn trả đũa. Và khi gã bắt đầu hiệp tiếp theo thì nét mặt của gã tỏ rõ sự quyết tâm ấy để mọi người trông đợi những đòn quyết định của gã.

Và đúng như thế, ngay sau khi hiệp đấu mới được bắt đầu, Jappe đã có một cú ra đòn, – hắn sử dụng mánh khoé mà có lẽ gã đã nghĩ ra từ trước. Một cú vung tay trái lên đánh lừa khiến cho Do Escoar phải lấy tay che mặt; nhưng trong khi Jappe vung tay trái lên gã đấm mạnh bằng tay phải vào bụng của Do Escobar đến nỗi hắn phải cúi gập người về phía trước với khuôn mặt tái mét.

“Được lắm!”, Johnny nói. “Bây giờ thằng Do Escobar đang bị đau. Có thể nó đang cố chịu đựng và tìm cách phục thù.” Nhưng cú đấm vào bụng quá mạnh, và rõ ràng là hệ thống thần kinh của Do Escobar đã bị tổn hại. Mọi người đều nhận thấy rằng hắn không còn có thể tung ra được những cú đấm chính xác, đồng thời đôi mắt hắn biểu lộ như thể hắn không còn tỉnh táo nữa. Do hắn cảm thấy cơ bắp mỏi nhừ, cho nên hắn xử sự như sau vì thói kiêu căng: Hắn bắt đầu giả vờ nhanh nhẹn để khiêu khích Jappe bằng sự nhanh nhẹn của mình và làm cho Jappe mất tập trung. Bằng những bước chân ngắn hắn nhảy múa xung quanh sát người Jappe cùng với những câu nói vô nghĩa khác nhau, ngoài ra hắn còn cố gắng cười mỉa. Điều đó làm cho tôi có cảm tượng là gã rất can đảm trong thế bất lợi của mình. Nhưng Jappe hoàn toàn không mất tập trung mà xoay người theo Do Escobar một cách dễ dàng bằng gót giầy và giáng cho Do Escobar nhiều cú đấm mạnh trong khi gã chống đỡ những đòn khiêu khích yếu ớt của Do Escobar bằng tay trái. Tuy nhiên nhân tố định đoạt số phận của Do Escobar lại là hoàn cảnh, khi chiếc quần của hắn liên tục bị tụt xuống, vì thế chiếc áo lót bằng vải thun của gã bị tuột ra ngoài quần và co lên, để lộ một phần cơ thể có làn da nâu của hắn, làm cho vài người cười phá lên. Tại sao hắn lại tháo dây đeo quần ra kia chứ! Đáng lẽ hắn không nên khoe thân hình vạm vỡ của mình. Vì từ lúc này cho đến khi trận đánh nhau kết thúc cái quần đã gây nhiều phiền toái cho hắn. Hắn luôn muốn kéo quần lên và nhét áo lót vào trong quần. Bởi vì, mặc dù hắn đang ở trong tình thế bất lợi nhưng hắn không chịu đựng nổi cảm giác mọi người nhìn mình trong bộ dạng lôi thôi, nực cười. Và cuối cùng, khi hắn chỉ đánh trả Jappe bằng một tay, còn tay kia thì cố kéo quần lên, Jappe đã giáng một cú đấm thôi sơn vào mũi hắn mà cho đến ngày nay tôi vẫn không hiểu tại sao nó không bị vỡ ra.

Nhưng máu mũi của Do Escobar trào ra, hắn quay đi và bỏ ra chỗ khác, cố gắng bịt mũi bằng tay phải ngăn không cho máu chảy, đồng thời đưa tay trái về phía sau ra hiệu điều gì đó. Jappe đứng yên, dạng hai chân vòng kiềng ra, tay lăm lăm cú đấm, và đợi Do Escobar quay lại. Nhưng Do Escobar không quay lại nữa. Tôi thấy Jappe chơi đẹp hơn Do Escobar và nghĩ rằng đã đến lúc kết thúc cuộc đấu. Dĩ nhiên là Jappe đã muốn đấm tiếp vào cái mũi đang chảy máu của Do Escobar; nhưng chắc chắn Do Escobar không muốn đánh nhau tiếp, và lúc này hắn càng muốn dừng cuộc đấu vì bản thân hắn đang bị chảy máu. Người ta lau máu mũi cho hắn. Kinh quá! Tôi chưa hề nhìn thấy ai bị chảy nhiều máu mũi như thế. Máu đã chảy qua các kẽ ngón tay của hắn xuống quần áo, làm vấy bẩn chiếc quần dài sáng màu và nhỏ giọt xuống đôi giầy màu vàng. Đó là sự dơ bẩn, mà không là gì khác, và trong tình thế này hắn từ chối đánh nhau tiếp, coi đó là vô nhân đạo.

Hơn nữa quan điểm của hắn cũng chính là quan điểm của đa số những người đang có mặt tại đây. Ông Knaak đi vào vòng tròn người ngồi xung quanh và tuyên bố cuộc đấu kết thúc. “Như thế là đủ để giải quyết vấn đề danh dự rồi”, ông ta nói. “Cả hai đều đã rất cừ.” Người ta nhận thấy ông cảm thấy nhẹ nhõm, vì cuộc đấu đã kết thúc thật nhẹ nhàng. “Nhưng rõ ràng là không có thằng nào toi đời”, Johnny ngạc nhiên, nói một cách thất vọng. Tuy nhiên, ngay cả Jappe cũng hoàn toàn đồng ý kết thúc cuộc đấu và thở phào nhẹ nhõm đi đến chỗ để quần áo của mình. Lời khen ngọt ngào, giả tạo của ông Knaak được hiểu là cuộc đấu tay đôi đã hoà. Jappe chỉ được chúc mừng một cách kín đáo; một vài người cho Do Escobar mượn khăn mùi soa của mình, vì chiếc khăn mùi soa của hắn đã nhanh chóng bị ướt sũng vì máu. Sau đó có tiếng hô lên: “Đánh nhau tiếp đi! Bây giờ đến lượt đôi khác.”

Đó cũng là nguyện vọng của đám đông đang ngồi ở đây. Trận đánh nhau giữa Jappe và Do Escobar đã diễn ra quá ngắn, chỉ đúng mười phút, không hề lâu hơn. Mọi người đã tập trung ở đây, họ còn thời gian, họ cần phải làm điều gì đó! Vậy thì phải có hai người khác thi đấu tiếp, bất cứ ai xung phong đều đáng được gọi là một chàng trai!

Không có ai giơ tay. Nhưng tại sao lúc này tim tôi lại bắt đầu đập thình thịch? Điều tôi lo sợ đã xảy ra: Những lời yêu cầu ra thi đấu đang lan truyền trong đám đông khán giả. Nhưng giờ đây tại sao tôi lại luôn cảm thấy gần như là mình vui mừng về khoảnh khắc hồi hộp này cùng với nỗi sợ hãi, và tại sao tôi lại vui mừng ngay sau khi nó xuất hiện, khi mà tôi quay cuồng với những cảm xúc trái ngược?

Tôi nhìn Johnny: Cậu ta thờ ơ và hoàn toàn điềm tĩnh ngồi cạnh tôi, xoay xoay gọng cỏ ở trên miệng và nhìn quanh với vẻ mặt cởi mở, tò mò, xem có còn cặp thiếu niên ngổ ngáo, mạnh khoẻ nào nữa muốn đấm vỡ mũi của nhau để cho cậu thích thú hay không. Tại sao cá nhân tôi buộc phải cảm thấy mình bị lựa chọn và bị đề nghị ra thi đấu tiếp trong sự kích thích cao độ đối với bản thân nhằm vượt qua sự nhút nhát của mình bằng sự ráng sức phi thường, kì diệu, hướng sự chú ý của tất cả mọi người vào tôi, để tôi xung phong ra thi đấu như một người hùng? Quả nhiên, như thể do sự tự phụ hoặc là do quá nhút nhát, tôi đang định giơ tay xung phong ra thi đấu thì ở đâu đó trong đám đông khán giả có tiếng hô táo tợn cất lên:

“Bây giờ đến lượt ông Knaak phải thi đấu!”

Mọi con mắt đổ dồn vào ông Knaak. Không phải là tôi đã nói là ông ta sẽ lâm vào nguy hiểm khi làm trọng tài cho cuộc đấu phải đó sao? Nhưng ông đáp lại:

“Cám ơn. Thời trai trẻ tôi đã đánh nhau đủ rồi.”

Ông ta đã tránh được việc phải ra thi đấu. Ông đã khôn khéo thoát khỏi nguy hiểm, đã viện cớ tuổi tác của mình, ông nói ngắn gọn là trước đây mình hoàn toàn không né tránh một trận đánh nhau thực thụ nào, và dĩ nhiên không hề khoác lác mà chỉ biết nói một cách thành thật, trong khi ông thú nhận bằng sự tự chế giễu dễ thương rằng mình đã bị đánh. Mọi người không còn tranh cãi với ông nữa. Họ nhận thấy, nếu như không thể, thì thật khó buộc ông phải ra thi đấu.

“Thế thì vật nhau thôi vậy!” có ai đó lên tiếng. Yêu cầu này được ít người vỗ tay. Nhưng trong khi mọi người đang bàn tán sôi nổi về việc đó thì Do Escobar cất lên giọng Tây Ban Nha ở phía sau chiếc khăn lau mũi đầy máu (và điều đó gây nên ấn tượng khó chịu mà tôi không bao giờ quên): “Vật nhau là hèn nhát. Người Đức chỉ dám vật nhau thôi!” – Một câu nói quá hớ hênh của hắn mà ngay lập tức bị la ó ầm ĩ. Và ông Knaak đã đáp lại hắn một cách đích đáng: “Cũng có thể. Nhưng hình như thỉnh thoảng người Đức cũng nện cho người Tây Ban Nha một trận ra trò.” Tiếng cười rộ lên tán thưởng; vị thế của ông ta được củng cố rất nhiều từ sự đáp lại này, và chắc chắn lúc này không ai còn để ý đến Do Escobar nữa.

Cho dù việc vật nhau có phần nào buồn tẻ hơn thì đa số mọi người vẫn muốn xem, chính vì thế mà các học sinh còn chơi đủ thứ trò chơi vận động như là nhảy cừu, trồng cây chuối, đi bằng hai tay và nhiều trò chơi khác tương tự để giết thì giờ.

“Nào, bọn mình về thôi!” Johnny nói với Brattstroem và tôi, đồng thời cậu ta đứng dậy. Đó là tính cách của Johnny Bishop. Cậu đã đến, vì cậu muốn chứng kiến một trận đấu với kết cục thực sự đẫm máu. Và khi trận đánh nhau đã không diễn ra như cậu kỳ vọng thì cậu nhanh chóng bỏ đi.

Cậu ta đã để lại cho tôi những ấn tượng đầu tiên về sự vượt trội vốn có của tính cách dân tộc Anh mà sau này tôi đã dần dần nhận ra và rất khâm phục.


(1) Một quận của thành phố Hansestadt Luebeck ở bang Schleswig-Holstein, miền Bắc nước Đức.
(2) Em gái của Johnny.
(3) Một vùng ở Luebeck – một thành phố thương hội tại miền Bắc nước Đức.
(4) Một địa danh ở Luebeck.
(5) Phụ âm “r” trong tiếng Đức thường được phát âm như “g” trong tiếng Việt. Tuy nhiên, ở một số vùng người ta phát âm âm “r” như “r” trong tiếng Việt, đầu lưỡi cong lên kết hợp với răng cửa tạo ra âm “r” nghe rất giòn.
(6) Thời trước, ở châu Âu người ta hay dùng những miếng vải ép bọc nước đá để chế ngự thần kinh và những cơn mê sảng hoặc để hạ sốt nhanh.
(7) Tên một hòn đảo nằm xa đất liền nhất ở vùng Bắc hải của Đức.
(8) Mũ có chóp.
(9) Từ “hải đăng” trong tiếng Đức là Leuchtturm.
(11) Tên đầy đủ của ông Knaak. Francois là tên, Knaak là họ.

 

GẶP MAY

ELISABETH LANGÄSSER (ĐỨC)

Tôi nghe cuộc độc thoại lạ lùng, đang kết thúc này trên chiếc ghế băng trong vườn của một an dưỡng đường ở thôn quê, an dưỡng đường mà đồng thời là nhà dưỡng lão. Lúc đó tôi đang đợi một người quen, người mà chúng tôi đã lôi ra từ hầm nhà ông ta với một cú sốc thần kinh ngay trước khi kết thúc cuộc chiến tranh gần đây; đầu của ông ta luôn đung đưa qua lại tíc tắc như một quả lắc của đồng hồ… luôn luôn tíc tắc, rất nhịp nhàng, rất đều đặn, không một ai trong chúng tôi (cả tôi, cả chồng tôi lẫn những người bạn chơi bài Tây của ông ấy) lấy làm lạ về điều đó, nếu giờ đồng hồ đang là nửa giờ hoặc trọn giờ đồng hồ, còn nghe thấy cả tiếng bính boong – tiếng tíc tắc và tiếng bính boong. Nhưng thôi, tôi sẽ kể câu chuyện này vào một dịp khác.

An dưỡng đường cũng là một thiên đường thực sự. Vườn hoa đẹp, có các cây cổ thụ, ngôi nhà phía sau kia là một ngôi biệt thự thôn quê thuộc tỉnh Brandenburg ở miền biên giới; hai chái nhà đơn giản và một cầu thang bên ngoài ở giữa – hơi nhỏ một chút, nó như là một dinh thự ở Caputh(1) hoặc Bernau(2). Như đã nói, ngôi biệt thự thực sự là một thiên đường, vì nó hiện ra ngay đằng sau nghĩa trang. Khi đó tất cả chúng tôi đều mong muốn một điều gì đó tương tự như để chúng tôi được nghỉ ngơi ở trong đó bốn tuần. Nhưng ai có được may mắn ấy?

Một người phụ nữ già hơn ngồi cạnh tôi; bà ta có thực sự già hơn hay không, tôi không thể nói một cách chắc chắn được. Bà ấy bị điên, điều đó thì chắc chắn. Thật khó tin là bà ấy hầu như chỉ ở trong nhà dưỡng lão. Nhưng già hay không già – lúc đó không có ai trong chúng tôi thích soi gương. Trông bà này cũng thế: Nếu bây giờ tôi để ý đến điều đó, thì bà ta không già mà cũng chẳng trẻ – đương nhiên là không trẻ rồi – tuy nhiên khuôn mặt bà ta hoàn toàn nhẵn bóng như một quả trứng dưới mái tóc bạc phơ. Mọi người sẽ nói, có nhiều những khôn mặt như thế. Đương nhiên rồi. Chỉ có điều là không phải tất cả đều điên, và hơn nữa không phải tất cả đều bị nhốt – nếu không thì họ ở chỗ nào? Rất có thể là thông thường bà ta đã không làm cho tôi chú ý đến, hoặc là những gì bà ta kể đã không đọng lại trong tôi; trong thời gian này có rất nhiều bất hạnh, cho nên điều đó hoàn toàn không phụ thuộc vào ít hơn hay nhiều hơn những người như thế – thực ra mọi người đã không nhớ điều đó. (Ngày nay tôi lại nói: Tạ ơn Chúa! Nếu không thì họ ở chỗ nào?) Bởi vì, bình thường một người chắc chắn đã không làm tôi chú ý đến như vậy. Ví dụ như, trong khi xếp hàng, hoặc là ở chỗ nhận tem phiếu, thế nào người ta cũng nếm trải những điều tương tự.

Nhưng ở đây sự việc là hoàn toàn khác. Mọi người đã không được kể lại gì; khi đó họ đã nghe được một điều gì đó, điều mà nói cho đúng ra là rõ ràng không dành cho  ai đó, họ đã có cảm giác bị nguyền rủa như đọc một bức thư mở bị bỏ quên. Thực vậy: đọc một bức thư mở. Tôi tin sự so sánh này là chính xác, dĩ nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng. Vì rằng mọi người đã đọc một cái gì đó mà có lẽ họ không được phép biết. Họ hầu như không nói: Như thế nào? Hoặc: Có thật thế không? Hay: ồ! Vì thế người phụ nữ chồm lên như bị đánh và nhìn ai đó một cách tức giận. Tất nhiên rồi- ‘một cách tức giận’ hoàn toàn không phải là sự biểu lộ dành cho cái nhìn này – chỉ có một người điên mới có thể nhìn ai đó như vậy… rất liều lĩnh và như là đến từ một thế giới khác. Đương nhiên là tôi đã hoảng sợ, nếu như một nữ y tá không ở gần đó trong suốt thời gian tôi ngồi cạnh bà ấy. Đúng ra người ta hoàn toàn không được phép gọi những kẻ đê tiện này là y tá. Khi một người lặng lẽ ghì từ phía sau và giữ người bệnh trong sự ghì chặt của mình và sau đó đẩy họ đi bằng khuỷu tay, không thèm nói lấy một lời… y như một cái đầu máy xe lửa kềnh càng bọc vải có sọc trắng xanh -. Thật là thô bạo. Điều đó nhất định phải chấm dứt. Nếu không thì họ ở chỗ nào?

“Quả thực tôi đã là một đứa trẻ xinh xắn”, bà ta nói. “Đôi mắt to tròn. Một thân hình đẹp như búp bê. Bố mẹ tôi thích và thường xuyên cho tôi đi chụp ảnh. Tại sao không kia chứ? Tại sao lại không kia chứ? Đương nhiên họ có đủ tiền cho tôi đi chụp ảnh.  Bây giờ tôi vẫn còn giữ các bức ảnh của mình ở trước một khu rừng, và một số ảnh khác lại ở trong một vườn hoa trên một cái ghế băng bằng gỗ bạch dương. Em trai bé nhỏ của tôi đã phải gục đầu lên vai tôi – ”Đúng là Haensel và Gretel’ (3) mọi người nói như thế về bức ảnh này. Một lần chụp ảnh khác, tôi chả biết tại sao, tôi đã giương một cái ô Nhật Bản lên trên đầu khi mặc cái váy thêu. Tôi đã là một đứa trẻ may mắn. Gia đình tôi khá giả; tôi thích cái gì là có thể có cái đó, không có con búp bê nào đủ lớn đối với tôi. Việc học hành ở trường của tôi cũng đạt kết quả tốt. Tôi được điểm một(4) ở hầu hết các môn học, chỉ có môn Thủ công là luôn được điểm năm(5). Cô giáo của tôi nói điều đó quả là đáng tiếc, và thế là mẹ tôi ngồi xuống và làm các bài Thủ công cho tôi – Khi đó tôi được toàn là điểm một từ môn Tôn giáo cho đến môn Thủ công. Việc học hành của tôi cứ tiếp tục như thế. Lên bảy tuổi tôi được bố mua cho một cái xe ba bánh nhỏ, mười tuổi được một cái xe to hơn và năm mười bốn tuổi tôi được bố mẹ mua cho một cái xe đạp nữ thực thụ. Chúng tôi đi du lịch – lúc thì đi Bayern, lúc thì đi Helgoland. Sau đó bố tôi mất. Em trai tôi và tôi không nhận thức được nhiều về điều đó. Thời gian cứ dần trôi đi: năm này tôi học bơi ngửa, năm sau tôi học chơi điabôlô, năm tiếp theo chúng tôi sưu tập một đống bưu ảnh và năm tiếp theo nữa chúng tôi sưu tập tem quảng cáo. Tôi thường gặp may trong việc trao đổi: chỉ mất một hộp hương liệu cà phê “Pfeiffer và Diller ” là tôi có được vé vào xem triển lãm thế giới; chỉ với một gói xà phòng bột hiệu “Cô gái” là tôi có ngay giấy mời vào xem chương trình biểu diễn nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật mới của Darmstadt(6). Sau đó chiến tranh thế giới(7) xảy ra và qua đi mà chúng tôi không hề hấn gì. Tuy nhiên khi nó mới bắt đầu chúng tôi còn có tất cả mọi thứ để ăn, đến cuối cuộc chiến thì chúng tôi phải nhờ vào sự cứu đói của các tín đồ phái Quây-cơ. Vào năm lớp mười, lần đầu tiên tôi yêu say đắm một thầy giáo, mặc dù tôi không thích sự mơ mộng và hoàn toàn không có tính dâm đãng. Từ đó tôi rất hay yêu say đắm và cũng được yêu tha thiết. Tôi đã nhận được lời cầu hôn đầu tiên và chẳng bao lâu là lời cầu hôn thứ hai, rồi lời cầu hôn thứ ba, dù rằng quả là có rất nhiều đàn ông trẻ đã tử trận trong chiến tranh. Thế đấy, bởi vì tôi thật sự đáng yêu, và có lẽ tôi cũng có sức quyến rũ thực sự, như mọi người hồi ấy nói như vậy. Tôi là cô gái thứ năm trong lớp của mình lấy chồng. Chồng tôi là bồi thẩm, thủ trưởng của ông ấy gọi tôi là “người phụ nữ bé nhỏ”. Lúc đầu chúng tôi chưa muốn có con, để còn thưởng thức cuộc sống, có đẻ thì dù thế nào cũng không đẻ nhiều hơn hai con: chỉ một trai, một gái là đủ. Dĩ nhiên tôi lại gặp may, và mọi thứ diễn ra như đã được sắp đặt sẵn. Trước tiên cậu con trai ra đời, tôi đặt tên nó là Harald, sau đó là cô con gái bé bỏng Brigitte, một đứa trẻ dễ thương. Chồng tôi là một luật sư rất có tài, kể cả về phương diện làm ăn, buôn bán, một người đàn ông tốt bụng, đáng yêu. Ông ấy đã có thể ở lại làm công chức nhà nước, nhưng để thành đạt nhanh hơn, và còn để kiếm được nhiều tiền hơn nữa, ông ấy đã trở thành cố vấn pháp luật của các công ty. Đầu tiên ở Koeln, sau này ở Hamburg, cuối cùng ở Koenigsberg. Liên tục đi về phía Bắc, sau đó về phía Đông Bắc, chúng tôi dừng lại ở phía Đông và sau cùng mua cho mình một điền trang nhỏ ở Romintener Heide(7) có khu săn bắn và nơi câu cá. Thực ra sự bất hạnh của chúng tôi bắt đầu từ việc gì ngày nay tôi không còn nhớ chính xác. Có thể chúng tôi đã không nên đi khỏi phía Tây nước Đức quá xa đến như vậy, nhưng ai có thể lường trước được điều đó? Hồi đó đi lên phía Bắc làm ăn là thức thời, đi về phía Đông còn thức thời hơn nữa và có nhiều con là mốt thời thượng. Vì vậy tôi đã đưa ra một quyết định khó khăn là đẻ thêm một đứa nữa, nhưng lần đó tôi đã bị sẩy thai. Tôi thử một lần nữa: lại bị như vậy. Sau lần thứ ba thì tôi bỏ cuộc. Trong khi đó chồng tôi cũng ngày càng già đi và bị bệnh loét dạ dày. Đương nhiên điều đó cũng không có gì là quá tồi tệ, chúng tôi đã gặp may nhiều trong cuộc sống, cuộc phẫu thuật cho chồng tôi diễn ra theo nguyện vọng, khi đó, không ai biết tại sao, chồng tôi bất ngờ bị bệnh tắc mạch máu. Tôi rất buồn, nhưng bọn trẻ là nguồn động viên lớn đối với tôi. Ngay trước lúc chiến tranh(9) nổ ra, cậu con trai mười tám tuổi, cô con gái mười sáu. Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường: đầu tiên Harald thi lấy bằng tú tài, sau đó đi lao động công ích, rồi đi lính. Nó đã gặp may: vì nó có năng khiếu về máy móc, kỹ thuật, nên nó được điều động về tiểu đội thông tin và ban đầu được ở phía sau mặt trận. Còn Brigitte, cao lớn và có tóc vàng như chồng tôi, thì đã trở thành đội trưởng quản lý thanh niên lao động công ích ở trong phủ thống đốc. Có lẽ tất cả đã tốt đẹp, nếu như Harald không xung phong vào đội lính dù vì tham vọng nhận được huân chương hiệp sĩ. Chỉ ít lâu sau nó tham chiến và tử trận ở gần Monte Cassino(10)… gần như vào cùng một ngày, khi mà Brigitte đẻ thằng Heiko bé bỏng, cha của nó là một lính SS(11). Dĩ nhiên lúc này Brigitte không muốn làm đội trưởng quản lý thanh niên lao động công ích nữa mà trở về nhà cùng với cậu con trai. Thằng bé lớn lên trông rất kháu khỉnh, Brigitte gặp may và đính hôn với một sĩ quan không quân lái máy bay khu trục đánh đêm, người mà tử trận chỉ ít lâu sau cuộc đổ bộ của những người Anh vào miền Bắc nước Pháp, nhưng Brigitte đã gặp may và trước đó đã kịp kết hôn uỷ quyền(12) với cậu ta. Khi đứa trẻ vừa mới bắt đầu biết chạy, chúng tôi nhận thấy vận may đã rời bỏ giới lãnh đạo Đức Quốc xã. Mọi thứ đều trở nên hỗn loạn, người Nga ngày một đến gần, cuối cùng chúng tôi phải bỏ chạy. Lúc đó đang là mùa đông, chúng tôi phải bỏ lại tất cả, chỉ mang theo được hai va li. Dĩ nhiên các chuyến tàu chật ních người chạy trốn, đó là những tàu chở hàng, các toa xe chở gia súc, các xe goòng trống trải; chúng tôi gặp may và lên được một toa xe được che kín đi từ Dirschau(13) đến Schneidenmuehl(14). ở Schneidenmuehl đoàn tàu chở chúng tôi phải dừng lại để cho đám thương binh và những toán lính đang tháo chạy ào ra đường ray lên tàu. Tất cả chúng tôi bị đuổi xuống, hai cái va li của mẹ con tôi bị vất xuống đường ray, và chỉ khi các toán lính đã lên tàu và ngồi chật kín các toa xe chúng tôi mới được phép đi cùng – một số người phải ngồi trên nóc toa, đứng chen chân ở vị trí tiếp giáp giữa các toa, trên các bậc lên xuống, miễn sao lên được tàu là tốt lắm rồi. Con gái tôi đưa thằng con của nó cho tôi bế và leo xuống đường ray để tìm hai chiếc va li. Nó cũng đã gặp may và tìm thấy vai li của mình và đưa nó lên nóc toa cho tôi. Lúc đó tàu bắt đầu chạy, và một con tàu chạy ngược chiều từ một phía khác đi qua bên cạnh chúng tôi. Ngay lập tức con gái tôi bị tàu cán phải, tôi quấn kín chiếc chăn len cho đứa trẻ, nhưng dĩ nhiên vào sáng hôm sau nó đã bị chết. Chúng tôi đi tiếp, những đứa trẻ khác cũng bị chết rét ở trên nóc toa, ngày càng có nhiều người chạy trốn mới lên tàu, sau đó, để có chỗ ngồi, chúng tôi phải ném những cái xác trẻ con lạnh cứng xuống lớp tuyết dày. Cuối cùng chúng tôi đến Berlin và vào một trại tị nạn. Chúng ta bị thất trận, tôi đã gặp may, vùng ngoại thành được giao nộp cho người Nga mà hầu như không có tiếng súng, ở gần đấy có một doanh trại dã chiến với rất nhiều vỏ đồ hộp. Khi đi ngang qua đó và khi có thể vẫn không có bánh mì để ăn, chúng tôi đi ra xa hơn khỏi trại tị nạn và đi vào trong doanh trại bị bỏ lại, nơi mà còn có khoai tây; tuy nhiên khi tôi đi vào đến nơi, tất cả mọi người đã nhét đầy các bao đựng khoai tây của mình, các kho chứa đã trống không. Tôi cần phải làm gì? Tôi đã gặp may: ở trong một cái thùng to bằng gỗ được đổ đầy nước có rất nhiều khoai tây đã được gọt vỏ bị bỏ lại – tôi xắn tay áo lên cao và vớt các củ khoai tây ra. Ba lô của tôi đã gần đầy, tôi mò một lần nữa thật sâu xuống đáy thùng và cả hai tay dính đầy cứt, đầy cứt màu mâu, nhão nhoét, thối hoắc; lính Đức đã phải đi đại tiện vào trong thùng gỗ trước khi rời bỏ doanh trại. Lúc đó tôi mới thấy đời mình tràn đầy bất hạnh, tôi khoác ba lô lên vai và bắt đầu gào lên: ‘Cuộc đời cứt đái này… cuộc đời khốn nạn này!'”

Bà ta gào rất to, cô y tá – ngay lập tức xuất hiện – bất ngờ đứng đằng sau bà ta và đẩy bà ta về phía an dưỡng đường. “Cuộc đời cứt đái!” bà ta gào thét, và tôi cũng gào theo; cả hai chúng tôi đều gào lên, bà ta chống trả quyết liệt, còn tôi thì đánh túi bụi vào người cô y tá béo phục phịch. Điều không may cho cô ta là lúc đó ông bạn của chúng tôi đi tới. Đầu của ông ta lắc lư theo nhịp tíc tắc, nhưng không nghe thấy tiếng bính boong, sau đó ông ta cùng với chúng tôi đánh tới tấp vào người cô y tá…

Cuối cùng tôi tự trấn tĩnh lại và ở lại đó. Chính xác là tôi còn ở lại đó bốn tuần, đúng lúc an dưỡng đường có một phòng trống, thời tiết lại tuyệt đẹp. Đại để, đó là quãng thời gian đẹp nhất của đời tôi: được ăn những món ăn ngon và được nghỉ ngơi yên tĩnh, rốt cuộc tôi thấy cô y tá rất đáng mến, chúng tôi còn kết bạn với nhau. Trước đây cô ta đã từng đính hôn với một anh thợ đọc khí kế (15). Nhưng thôi, tôi sẽ kể câu chuyện này vào một dịp khác.


(1), (2) Các địa danh thuộc tỉnh Brandenburg (ngày nay là bang Brandenburg)
(3) Haensel và Gretel là tên của hai nhân vật chính trong một câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grimm. Haensel và Gretel là hai chị em ruột. Cả hai bị lạc ở trong rừng.
(4), (5) ở trường học của Đức người ta chấm bài theo thang điểm 5, trong đó điểm 1 là cao nhất và điểm 5 là thấp nhất.
(6) Là một giai đoạn lịch sử nghệ thuật xuất hiện vào đầu thế kỉ 20, thành phố Darmstadt là một trung tâm của nghệ thuật mới ở Đức.
(7) Một địa danh ở Ba Lan.
(8) ở đây tác giả đang nói đến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất
(9) Chiến tranh thế giới lần thứ hai
(10) Một tu viện ở Italia
(11) SS là chữ viết tắt của Schutzstafel trong tiếng Đức, có nghĩa là “đội bảo vệ”, là tổ chức quân sự của Đảng Đức Quốc xã.
(12) Một hình thức kết hôn trong thời gian chiến tranh, khi mà chú rể vắng mặt vì đang ở ngoài mặt trận.
(13), (14) Hai địa danh ở Ba Lan.
(15) Nguyên văn bằng tiếng Đức: Gasmann. Đây là một thuật ngữ cũ để gọi những người thợ chuyên đi đọc đồng hồ đo lượng khí tiêu thụ và sửa chữa, nếu hệ thống ống dẫn khí trong các gia đình có sự cố.

 

BÁNH MỲ

WOLFGANG BORCHERT (ĐỨC)

Đột nhiên bà vợ thức giấc. Bây giờ là hai giờ rưỡi đêm. Bà ngẫm nghĩ, tại sao mình lại tỉnh giấc. À ra thế! Có ai đó đã đụng phải chiếc ghế đẩu ở trong bếp. Bà dỏng tai nghe ngóng. Trong bếp rất yên ắng. Và khi bà khua tay sang phần giường bên cạnh mình, bà thấy trống không. Bà không nghe thấy gì, ngay cả hơi thở của chồng bà. Bà đứng dậy và đi mò mẫm qua căn hộ tối tăm vào phòng bếp. Bà nhìn thấy một cái gì đó trăng trắng ở cạnh tủ lạnh. Bà bật điện lên. Bà và chồng mình mặc quần áo ngủ đứng đối diện nhau. Cái đĩa dùng để đựng bánh mỳ đang ở trên bàn ăn. Bà nghĩ, ông chồng đã cắt bánh mỳ. Con dao vẫn còn nằm ở bên cạnh chiếc đĩa. Trên khăn trải bàn có những mảnh vụn bánh mỳ. Khi bà đi ngủ vào buổi tối, bà luôn phủi sạch khăn trải bàn. Tối nào cũng vậy. Nhưng giờ đây những mảnh vụn bánh mỳ nằm trên khăn trải bàn và con dao cũng nằm ở trên đó. Bà cảm thấy cái lạnh giá của gạch lát nền đang truyền dần qua đôi chân trần lên người bà. Và bà không nhìn cái đĩa nữa. “Anh đã nghĩ, ở đây có cái gì đó”, ông chồng nói và nhìn quanh bếp.

“Em cũng đã nghe thấy cái gì đó”, bà vợ trả lời, đồng thời bà thấy, trong đêm chồng bà trông đã thực sự già trong bộ quần áo ngủ. Ông ấy quá già so với tuổi sáu mươi ba. Thỉnh thoảng trông ông ấy trẻ hơn vào ban ngày. Đúng là vợ mình trông đã già, ông chồng nghĩ, bà ấy trông càng già trong bộ quần áo ngủ. Nhưng điều đó có thể là do mái tóc. Ở những người phụ nữ sự già nua luôn hiện rõ trên mái tóc vào ban đêm. “Em nên đi dép vào. Đi chân trần trên nền gạch lát lạnh giá em sẽ bị cảm lạnh đấy.” Bà ấy không nhìn ông, vì bà không thể chịu đựng nổi khi nghe ông nói dối. Ông ấy đã nói dối, sau khi họ đã cưới nhau được ba mươi chín năm. “Anh đã nghĩ, ở đây có cái gì đó”, ông ấy nói lại một lần nữa và lại bối rối nhìn từ góc bếp này sang góc bếp khác, “anh đã nghe thấy ở đây có tiếng động. Khi đó anh nghĩ, ở đây có cái gì đó.” “Em cũng đã nghe thấy tiếng động. Nhưng có lẽ ở đây đã hoàn toàn không có gì.” Bà cầm lấy cái đĩa ở trên bàn, đặt nó xuống bên dưới mép bàn và phủi những mảnh vụn bánh mỳ ở trên chiếc khăn trải bàn xuống cái đĩa. “Đúng đấy, có lẽ ở đây đã hoàn toàn không có gì”, ông ấy ngượng ngùng nhắc lại.

Bà gỡ thế bí cho ông ấy: “Anh hãy lại đây! Có thể tiếng động ở bên ngoài. Anh đi ngủ đi. Kẻo bị cảm lạnh đấy.”

Ông ấy nhìn ra ngoài cửa sổ. “Đúng vậy, có lẽ tiếng động ở bên ngoài, Anh nghĩ, nó phát ra từ chỗ này.”

Bà đưa tay lên công tắc đèn. Bà nghĩ, bây giờ mình phải tắt điện đi, nếu không thì mình cứ phải nhìn cái đĩa, mình không được phép nhìn nó nữa. “Đi ngủ đi anh”, bà nói và tắt điện, “có lẽ tiếng động ở bên ngoài. Cái máng hứng nước mưa luôn va vào tường khi có gió thổi. Chắc chắn là cái máng hứng nước mưa rồi. Khi có gió thổi nó luôn va vào tường làm phát ra tiếng lạch cạch.” Cả hai vợ chồng đi mò mẫm qua hành lang tối tăm vào phòng ngủ. Đôi chân trần của họ giẫm lạch bạch trên nền nhà. “Đúng là gió rồi”, ông chồng nói, “gió đã thổi suốt đêm.” Khi bà vợ đã nằm ở trên giường, bà nói: “Đúng đấy, gió đã thổi suốt đêm. Có lẽ cái máng hứng nuớc mưa đã phát ra tiếng động. “Có lẽ là thế, anh đã nghĩ, tiếng động phát ra từ trong bếp.” Ông chồng nói điều đó, như thể ông ấy đã sắp chìm vào giấc ngủ. Nhưng bà nhận thấy, giọng nói của ông ấy không được tự nhiên khi ông ta nói dối. “Trời lạnh quá”, bà nói và khẽ ngáp, “em chùm chăn đây. Chúc anh ngủ ngon.” “Chúc em ngủ ngon”, ông ta đáp lại và nói thêm: “Đúng vậy, trời đang rất lạnh.” Sau đó sự im lặng bao trùm phòng ngủ của đôi vợ chồng.

Một lúc lâu sau bà nghe thấy chồng mình nhai một cách khẽ khàng và thận trọng. Bà cố ý thở sâu và đều đặn. Nhưng ông ta cũng nhai rất đều đặn, nhờ đó bà dần dần ngủ thiếp đi.

Tối hôm sau, ông chồng ngồi vào bàn ăn sau khi đi làm về. Bà đẩy cho ông ấy chiếc đĩa đựng bốn lát bánh mỳ. Thường thường ông chỉ ăn ba lát.

“Hôm nay anh cố ăn bốn lát nhé!”, bà nói và đi ra khỏi chỗ bóng đèn hắt xuống bàn ăn. “Em không thích loại bánh mày này. Anh ăn thêm một lát nữa đi! Em không muốn ăn.” Bà nhìn thấy chồng mình cúi sâu xuống đĩa bánh mỳ. Ông ấy không ngẩng mặt lên. Trong khoảnh khắc này bà không cầm được nỗi xót xa.

“Em không thể chỉ ăn có hai lát bánh mỳ”, ông ấy nói trong khi vẫn cúi gằm mặt xuống ăn.

“Em chỉ ăn được thế thôi. Em cảm thấy đầy bụng khi ăn bánh mỳ vào buổi tối. Anh ăn nữa đi!”

Một lúc sau bà ngồi xuống cạnh bàn ở bên dưới bóng đèn.

 

BAN ĐÊM CHUỘT CỐNG VẪN NGỦ

WOLFGANG BORCHERT (Đức)

Chiếc cửa sổ rỗng tuếch trên bức tường lẻ loi toang hoác dưới trời chiều tím ngắt. Những đám mây bụi lơ lửng giữa những phần còn sót lại của những ống khói trước đây đã từng vươn lên thẳng đứng. Bãi đổ nát im phăng phắc.

Juergen ngồi nhắm mắt lại. Ngay lập tức cậu ta chỉ còn thấy một màu đen. Cậu nhận thấy rằng có ai đó đã đến và giờ đây đang đứng lặng lẽ, lờ mờ ở trước mặt cậu. “Bây giờ thì mọi người tìm thấy mình rồi!”, cậu nghĩ. Nhưng khi cậu hé mắt nhìn thì cậu chỉ thấy đôi chân ở trong hai ống quần rách rưới. Đôi chân vòng kiềng, nên cậu có thể nhìn xuyên qua khe hở giữa chúng. Cậu đánh liều vén hai ống quần lên và cậu nhận ra đó là chân của một người đàn ông đã đứng tuổi. Ông ta cầm một con dao và xách một cái giỏ. Trên các đầu ngón tay của ông vẫn còn dính đất.

“Cháu đang ngủ ở đây à? Đúng không?” người đàn ông hỏi và nhìn từ trên xuống đỉnh đầu Juergen. Cậu nheo mắt nhìn xuyên qua khe hở giữa hai chân của ông vào mặt trời và nói: “Không, cháu không ngủ. Cháu phải trông coi ở đây.” Người đàn ông gật gật đầu: “Ra thế, vì vậy cháu phải có chiếc gậy to phải không?” “Vâng”, Juergen mạnh dạn trả lời và nắm chắc chiếc gậy.

“Cháu trông coi cái gì?”

“Cháu không thể nói điều đó cho bác biết được đâu.” Hai tay cậu cầm chắc chiếc gậy. “Chắc là cháu đang trông coi tiền, đúng không?” – người đàn ông đặt chiếc giỏ xuống đất và lau lau con dao vào quần mình.

“Không đúng. Cháu không trông tiền”, Juergen khinh khỉnh đáp lại. “Cháu đang trông cái khác.”

“Thế thì cháu trông cái gì vậy?”

“Cháu không thể nói cho bác biết điều đó được.”

“Không nói thì thôi. Vậy thì, đương nhiên bác cũng không nói cho cháu biết, bác có gì ở trong giỏ.” Người đàn ông hẩy chân vào chiếc giỏ và gập con dao lại.

“Cóc cần. Mình thừa biết trong giỏ có gì rồi”, Juergen tỏ vẻ khinh thường. Cậu nói: “Trong giỏ của bác có thức ăn dành cho thỏ chứ gì?” “Ồ! Đúng rồi”, người đàn ông ngạc nhiên nói, “cháu đúng là một cậu bé cừ khôi. Cháu mấy tuổi rồi?”

“Cháu lên chín rồi”, Juergen đáp.

“Vậy á! Chín tuổi rồi cơ đấy. Thế thì cháu cũng biết ba nhân ba bằng mấy chứ?”

“Đương nhiên rồi”, Juergen trả lời, và để kéo dài thời gian, cậu còn nói: “Phép tính đó rất dễ.” Sau đó cậu nhìn qua khe hở giữa hai chân của người đàn ông. “Thế ba lần chín thì bằng bao nhiêu?” cậu hỏi lại người đàn ông, “hai bảy. Cháu tính được ngay.”

“Đúng rồi”, người đàn ông nói, “và bác cũng có từng ấy con thỏ.”

Juergen há hốc miệng: “Hai mươi bảy con cơ ạ?”

“Cháu có thể đến nhà bác để xem chúng. Nhiều con còn rất non. Cháu có muốn không?”

“Cháu … không đi được đâu. Cháu… còn phải trông coi chứ”,  Juergen ngập ngừng nói.

“Trông liên lục à?” người đàn ông hỏi, “đêm cháu cũng trông á?”

“Đêm cháu cũng trông. Liên tục. Lúc nào cháu cũng trông.” Cậu đưa mắt nhìn đôi chân vòng kiềng của người đàn ông. “Từ thứ Bảy cháu đã trông rồi”, cậu nói thầm.

“Nhưng cháu không hề về nhà sao?” Cháu còn phải ăn chứ.”

Juergen nhấc lên một hòn đá. Dưới đó có một nửa chiếc bánh mỳ gối và một chiếc hộp bằng tôn.

“Cháu hút thuốc à?” người đàn ông hỏi, “cháu có tẩu chứ?”

Juergen nắm chắc chiếc gậy của mình và rụt rè nói: “Cháu … cuốn thuốc lá. Cháu không thích hút thuốc bằng tẩu.”

“Tiếc thật”, người đàn ông nói và cúi xuống chiếc giỏ của mình, “cháu đã có thể yên tâm đi xem những con thỏ của bác, nhất là những con non. Có thể cháu đã lựa chọn cho mình một con. Nhưng cháu không thể rời khỏi đây.”

“Đúng đấy”, Juergen buồn rầu nói, “cháu không rời khỏi đây được.”

Người đàn ông xách chiếc giỏ và đứng thẳng người lên. “Thế thì thôi vậy. Nếu như cháu cần phải ở lại đây – thật là tiếc.” Và ông ta quay người bước đi. “Nếu bác không kể với người khác”, khi đó Juergen nói nhanh, “thì cháu có thể nói cho bác biết rằng cháu ở lại đây là vì những con chuột cống.”

Người đàn ông bước lùi lại một bước và nói: “Vì những con chuột cống à?”

“Vâng, chúng ăn xác chết mà. Chúng sống được là do chúng ăn xác người chết.”

“Ai nói vậy?”

“Thầy giáo của chúng cháu.”

“Thế cháu trông coi lũ chuột cống à?”

“Cháu không trông coi chúng!”, đoạn cậu ta nói rất nhỏ: “Chính em trai cháu đang nằm ở dưới chỗ kia.” Juergen chỉ chiếc gậy vào chỗ những bức tường bị đổ sụp. “Nhà của cháu đã bị trúng bom. Ngay lập tức ánh sáng ở tầng hầm tắt ngấm. Còn em trai cháu thì bị chôn vùi trong đống đổ nát. Trước lúc đó, chúng cháu còn gọi nhau. Nó bé hơn cháu nhiều. Nó mới lên bốn. Nó cần phải sống chứ? Nó bé hơn cháu nhiều mà!”

Người đàn ông nhìn từ trên xuống đỉnh đầu Juergen. Nhưng sau đó, đột nhiên bác nói: “Có đúng là thầy giáo của bọn cháu không nói cho các cháu biết rằng chuột cống ngủ vào ban đêm không?”

“Không”, Juergen nói thầm và bỗng dưng trông cậu rất mệt mỏi, “thầy giáo của chúng cháu đã không nói điều đó.”

“Vậy à!” người đàn ông nói, “không thể thế được, thầy giáo mà không hề biết điều đó thì thật là tệ. Ban đêm chuột cống vẫn ngủ. Lúc đó cháu có thể yên tâm đi về nhà. Lũ chuột cống luôn luôn ngủ vào ban đêm. Hễ trời tối là chúng ngủ.”

Juergen lấy gậy đào những cái hốc nhỏ ở đống đổ nát. “Đây là những chiếc giường nhỏ, xinh xắn”, cậu nghĩ, “tất cả những cái hốc này đều là những chiếc giường nhỏ.” Khi ấy người đàn ông nói (đồng thời đôi chân vòng kiềng của bác ấy luôn nhúc nhích ): “Thế này nhé! Bây giờ bác đi nhanh về nhà để cho thỏ ăn, và khi trời tối bác sẽ quay lại đây đón cháu. Có thể bác sẽ mang cho cháu một con. Cháu thích một con non hay một con như thế nào?”

Juergen đào tiếp một cái hốc nhỏ nữa. “Những con thỏ non xinh xắn. Những con màu trắng, màu sám, màu sám trắng. Cháu chưa biết được”, cậu nói nhỏ và ngước nhìn người đàn ông, “nếu lũ chuột cống thực sự ngủ vào ban đêm thì…”

Người đàn ông leo qua những chỗ còn sót lại của những bức tường ra đường. “Đương nhiên rồi”, bác nói khi đã ra đến đường, “thầy giáo của các cháu nên bỏ nghề, nếu thầy ấy không hề biết điều đó.”

Sau đó Juergen đứng dậy và nói: “Bác mang cho cháu một con nhé! Một con màu trắng, được không ạ?”

“Để bác thử tìm xem”, người đàn ông vừa nói vừa bước đi, “nhưng cháu phải đợi ở đây rất lâu đấy. Sau đó bác sẽ cùng đi với cháu về nhà, cháu hiểu chưa? Đương nhiên là bác cần phải nói cho bố cháu biết cách làm chuồng thỏ. Vì bố con cháu nhất định phải biết điều đó.”

“Vâng”, Juergen nói, “cháu sẽ đợi. Cháu còn phải trông cho đến khi trời tối kia mà. Chắc chắn là cháu sẽ đợi.” Đoạn cậu nói với theo: “Ở nhà cháu có sẵn ván mỏng từ chiếc hòm gỗ bị vỡ rồi.” Nhưng người đàn ông đã không còn nghe thấy câu nói đó của Juergen. Bác ấy đi bằng đôi chân vòng kiềng về phía mặt trời đã đỏ ối và Juergen có thể nhìn thấy mặt trời chiếu sáng qua khe hở giữa đôi chân của bác. Còn cái giỏ thì lủng lẳng ở trên tay. Trong đó có thức ăn dành cho thỏ. Những ngọn lá xanh, chúng hơi bị xám lại vì bụi.

 

CHIẾC ĐỒNG HỒ BẾP

WOLFGANG BORCHERT (Đức)

Từ xa họ đã nhìn thấy anh đang đi về phía mình. Anh có khuôn mặt rất già, nhưng qua dáng đi của anh, người ta nhận ra rằng anh mới hai mươi tuổi. Với khuôn mặt già nua của mình anh ngồi xuống ghế băng cùng họ. Sau đó anh cho họ xem thứ anh đang cầm trên tay.

“Đó là chiếc đồng hồ bếp của gia đình cháu”, anh nói và nhìn tất cả những người đang cùng ngồi tắm nắng trên chiếc ghế băng, “cháu nói thật đấy, cháu vừa mới tìm thấy nó. Nó là thứ còn sót lại.” Anh giơ ra trước mặt một chiếc đồng hồ bếp hình tròn, màu trắng, có mặt to bằng cái đĩa và lấy ngón tay nhẹ nhàng phủi bụi trên những chữ số được sơn màu xanh.

“Cháu biết”, anh phân trần, ” nó chẳng còn giá trị gì nữa. Và nó cũng không thật đẹp, nó chỉ giống như một cái đĩa có màu sơn trắng. Nhưng cháu thấy các chữ số màu xanh trông vẫn rất đẹp. Tất nhiên, các kim đồng hồ chỉ được làm bằng tôn. Và giờ đây chúng cũng không quay nữa, không bao giờ quay nữa. Chiếc đồng hồ đã bị hỏng máy, điều đó là chắc chắn. Nhưng trông nó vẫn như mọi khi. Ngay cả khi nó không chạy nữa.”

Anh cẩn thận vẽ một vòng tròn theo mép mặt đồng hồ và khẽ nõi: “Thế là chỉ có nó còn sót lại.”

Những người ngồi tắm nắng trên ghế băng không nhìn anh. Một người đàn ông  nhìn xuống giầy của mình, còn chị phụ nữ nhìn vào chiếc xe nôi. Sau đó có ai đó nói:

“Chắc là anh đã mất tất cả rồi chứ?”

“Vâng, đúng thế”, anh vui vẻ nói, “như bác thấy đấy, nhưng cũng là mất tất cả! Chỉ có cái đồng hồ này còn sót lại.” Và anh lại giơ cái đồng hồ lên cao, như thể những người khác chưa nhìn thấy nó.

“Nhưng đúng là nó không chạy nữa”, chị phụ nữ nói.

“Đúng rồi, nó không chạy nữa. Nó đã bị hỏng, dĩ nhiên là em biết điều đó. Tuy nhiên, trông nó vẫn như mọi khi với hai màu sơn: trắng và xanh.” Và anh lại cho họ xem cái đồng hồ của mình. “Còn điều tốt đẹp nhất là gì”, anh xúc động nói tiếp, “thì quả thật cháu vẫn tuyệt nhiên chưa nói cho các bác và các anh chị biết. Điều tốt đẹp nhất là ở chỗ, nó dừng lại vào lúc hai rưỡi. Đúng hai rưỡi, các bác và các anh chị thử nghĩ mà xem.”

“Thế thì chắc chắn là nhà của anh đã bị trúng bom vào lúc hai rưỡi”, người đàn ông bĩu môi nói, “điều đó thì tôi đã thường xuyên được nghe mọi người kể. Khi bom rơi trúng nhà, những chiếc đồng hồ đều bị dừng lại. Đó là do sức ép.”

Anh ngắm nghía chiếc đồng hồ của mình và lắc đầu: “Không phải thế đâu, bác ạ, không phải thế, bác nhầm rồi. Chuyện này chẳng liên quan gì đến bom cả. Không nhất thiết lúc nào bác cũng phải nói về bom đạn. Không nhất thiết. Vào lúc hai rưỡi, ở nhà cháu đã xảy ra một chuyện hoàn toàn khác. Chuyện đó bác không biết được đâu. Vì việc nó đã dừng lại vào lúc hai rưỡi là một câu chuyện vui. Và nó không dừng lại vào lúc bốn giờ mười lăm hay bảy giờ. Vì cháu luôn về nhà vào lúc hai rưỡi, vào ban đêm. Gần như hôm nào cháu cũng về nhà vào lúc hai rưỡi. Đó quả thật là một câu chuyện vui.”

Anh nhìn những người khác, nhưng họ không nhìn anh. Anh không bắt gặp ánh mắt của họ. Khi đó anh gật đầu nói với chiếc đồng hồ của mình: “Đương nhiên là lúc đó tao đang đói, đúng không? Và lần nào đói bụng tao cũng đi vào bếp. Gần như lần nào cũng vào lúc hai rưỡi. Và sau đó, như mày biết đấy, mẹ tao xuất hiện. Tao đã cố gắng mở cửa thật khẽ, nhưng lần nào bà cũng nghe thấy. Và nếu tao mà cố tìm thứ gì đó để ăn trong phòng bếp tối tăm thì đèn bất ngờ bật sáng. Sau đó bà đứng quanh quẩn ở đó trong chiếc áo len đan, cổ quàng khăn màu đỏ, đi chân đất trên nền bếp được lát gạch vuông. Mắt bà chỉ mở he hé vì ánh sáng quá chói đối với bà. Đơn giản là vì bà đã ngủ. Vào ban đêm mà. Sau đó bà nói: “Con lại ăn quá muộn rồi.” Không bao giờ bà nói nhiều hơn. Chỉ một câu: Con lại ăn quá muộn rồi. Sau đó bà dọn ra cho tao những món ăn nóng hổi và nhìn tao ăn, hai bàn chân luôn xoa vào nhau vì nền nhà rất lạnh. Không bao giờ bà đi giầy vào ban đêm. Và bà ngồi thật lâu bên cạnh tao, cho đến khi tao ăn no. Sau đó tao còn nghe thấy bà thu dọn bát đĩa khi tao đã tắt đèn đi ngủ. Đêm nào cũng thế. Và gần như lần nào cũng vào lúc hai rưỡi. Đến nỗi tao thấy việc bà nấu ăn cho mình vào lúc hai rưỡi đêm là hoàn toàn hiển nhiên. Đúng là bà đã luôn làm việc ấy vàn lần nào cũng chỉ nói mỗi câu đó. Và tao nghĩ, mọi thứ sẽ mãi mãi như thế, như thể điều đó đối với tao là rất bình thường. Tất cả mọi thứ đã luôn luôn như thế.”

Anh buông tiếng thở dài não nuột trong khi mọi người im lặng. Sau đó anh khẽ nói: “Còn bây giờ thì sao?” và nhìn những người khác. Nhưng không ai nhìn anh. Anh lại khẽ nói với chiếc đồng hồ: “Bây giờ, bây giờ tao mới hiểu được rằng đó là thiên đường. Một thiên đường đích thực.” Mọi người vẫn im lặng. Sau đó chị phụ nữ hỏi: “Thế còn gia đình anh thì sao?”

Anh mỉm cười gượng gạo: “À, chị muốn hỏi về bố mẹ em phải không? Họ cũng mất cả rồi. Em đã mất tất cả. Chị hãy hình dung xem. Mất tất cả.”

Anh cười gượng và nhìn từng người một nhưng họ không nhìn anh. Khi ấy anh lại giơ cao chiếc đồng hồ, cười và nói: “Chỉ còn lại duy nhất cái đồng hồ này. Và điều tốt đẹp nhất là nó đã dừng lại đúng vào lúc hai rưỡi. Chính xác vào lúc hai rưỡi.”

Sau đó anh không nói gì nữa. Nhưng anh có một khuôn mặt rất già. Còn người đàn ông ngồi cạnh anh thì nhìn giầy của mình. Nhưng ông ta không nghĩ về giầy mà đang miên man nghĩ về từ “thiên đường”…

 

CỦI CHO NGÀY MAI

WOLFGANG BORCHERT (ĐỨC)

Anh đóng cửa tầng ở phía sau mình một cách khẽ khàng và không gây tiếng động. Anh đã muốn tự kết liễu cuộc đời, cuộc đời mà anh không hiểu và không được những người anh yêu quý hiểu. Và giờ đây anh không thể chịu đựng nổi sự ngăn cách này với họ. Nỗi khổ đó vẫn đang tồn tại, lớn lên, đến nỗi nó bao trùm lên tất cả, và không dễ gì tự vơi đi.

Đó là những lần anh có thể khóc vào ban đêm mà những người anh yêu quý không nghe thấy anh khóc. Đó là khi anh nhận thấy mẹ mình, người anh yêu quý, già đi. Đó là khi anh có thể ngồi cùng với những người khác ở trong phòng, có thể cười với họ và đồng thời anh cảm thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết. Đó là khi những người khác không nhận thấy điều đó còn anh thì nhận thấy. Là khi họ không hề muốn nhận ra điều ấy. Đó là sự ngăn cách với những người anh yêu quý mà anh không thể chịu đựng nổi.

Lúc này anh đang đứng ở cầu thang và muốn đi lên gác thượng để tự kết liễu cuộc đời. Cả đêm anh đã ngầm nghĩ, anh sẽ tự tử như thế nào, và anh đã đi đến quyết định là trước hết anh cần phải đi lên gác thượng, vì ở trên đó anh chỉ có một mình và đó là điều kiện tiên quyết để anh thực hiện tất cả những bước tiếp theo. Anh không có súng để tự bắn mình, còn uống thuốc độc thì anh thấy không chắc chắn là mình sẽ chết. Không có sự hổ thẹn nào lớn hơn, nếu sau đó anh được bác sĩ cứu sống và phải chịu đựng những ánh mắt đầy trách móc, thương hại của những người khác, những người vừa là niềm yêu thương vừa là nỗi sợ hãi đối với anh. Việc gieo mình xuống sông tự vẫn anh thấy quá lâm li, còn việc nhảy xuống từ cửa sổ để tự tử thì anh lại thấy quá thê thảm. Không, tốt nhất là anh đi lên gác thượng. Chỉ mình anh ở trên đó. Trên đó im lặng. Ở trên đó mọi người sẽ không để ý. Và trước hết, ở trên đó có các dầm ngang của kèo nhà và sọt đựng quần áo cùng với dây thừng.

Khẽ đóng cửa tầng phía sau mình lại, không do dự anh bám vào tay vịn cầu thang và chậm rãi đi lên trên. Ánh sáng của bầu trời xám ngắt chiếu qua mái thủy tinh hình cầu ở trên cầu thang được chăng lưới mắt cáo khá dày như mạng nhện làm cho khoảng cầu thang trên cùng bên dưới mái che được chiếu sáng nhiều nhất. Anh nắm chặt tay vịn cầu thang sạch sẽ, mầu nâu sáng, khẽ đi lên trên và không gây ra tiếng động. Khi đó anh phát hiện ra ở trên tay vịn cầu thang có một đường vạch dài màu trắng, cũng có thể là hơi vàng vàng. Anh dừng lại và sờ tay ba, bốn lần lên đường vạch. Sau đó anh nhìn xuống phía dưới. Đường vạch màu trắng chạy dọc suốt tay vịn. Anh hơi cúi người xuống. Đúng vậy, anh có thể nhìn theo nó xuống tận những tầng tối hơn. Ở đấy nó cũng có màu vàng vàng, nhưng nó vẫn có màu sáng hơn màu gỗ của tay vịn. Anh di ngón tay một vài lần dọc theo đường vạch màu trắng, sau đó, đột nhiên anh nói: Mình đã hoàn toàn quên đường vạch này ở trên tay vịn cầu thang.

Anh ngồi xuống cầu thang và nghĩ: Bây giờ mình đang định tự kết liễu cuộc đời và suýt nữa đã quên tiệt chuyện đó. Tuy nhiên bây giờ thì mình nhớ đã cầm cái dũa nhọn của Karlheinz, chạy xuống cầu thang rất nhanh, đồng thời dũi mạnh mũi dũa vào tay vịn bằng gỗ mềm. Ở những khúc ngoặt mình đã dũi rất mạnh để chạy chậm lại. Khi mình ở bên dưới thì toàn bộ tay vịn từ tầng thượng xuống đến tầng trệt đã bị dũi một rãnh sâu. Mình đã làm chuyện đó. Buổi tối tất cả bọn trẻ con đều bị tra hỏi. Cậu bé sống ở bên cạnh và cả hai cô bé ít tuổi hơn mình và Karlheinz  cũng bị tra hỏi. Bà chủ nhà nói, phải mất ít nhất bốn mươi mác để sửa chữa. Nhưng các ông bố, bà mẹ cho rằng, rãnh xước đó chắc chắn không phải do đứa nào đó trong lũ trẻ con gây ra, không có đứa trẻ nào lại làm xấu tay vịn cầu thang trong ngôi nhà mình đang sống. Họ có biết đâu rằng mình đã làm chuyện đó bằng chiếc dũa nhọn. Khi không có gia đình nào muốn trả bốn mươi mác(*) cho việc sửa chữa tay vịn bà chủ nhà đã kê vào hóa đơn tiền thuê nhà lần sau của mỗi hộ thêm năm mác tiền sửa chữa cầu thang bị phá hoại nặng. Sau đó số tiền này đã được dùng để trải vải sơn toàn bộ cầu thang. Và bà Daus đã được bồi thường chiếc găng tay mà bà đã làm rách khi bám vào bề mặt lờm xờm của tay vịn cầu thang. Một người thợ mốc đến, bào nhẵn hai cạnh của rãnh sâu, sau đó trám chúng lại bằng ma tít từ gác thượng xuống đến tầng trệt. Mình chính là người gây ra chuyện này. Giờ đây mình muốn tự tử và hầu như đã quên điều đó.

Anh ngồi xuống cầu thang, lấy ra một mảnh giấy và viết: Cháu là người đã làm xước tay vịn cầu thang. Sau đó anh viết lên bên trên dòng chữ đó: Gửi bác Kaufmann, chủ nhà. Anh lấy hết tiền ở trong túi quần ra, tất cả lả hai mươi hai mác, và khi đó anh ta gấp mảnh giấy lại. Anh nhét nó vào túi ngực. Chắc chắn mọi người sẽ tìm thấy nó ở trong đó, anh nghĩ, nhất định họ sẽ tìm thấy nó. Và anh đã hoàn toàn quên rằng không còn ai nhớ đến chuyện đó nữa. Anh đã quên rằng chuyện đó đã xảy ra cách đây mười một năm. Anh đứng dậy, bậc cầu thang khẽ kêu cọt kẹt. Bây giờ anh muốn đi lên gác thượng. Anh đã kết thúc mọi chuyện với tay vịn cầu thang và có thể đi lên trên, nơi chỉ có mình anh và là nơi yên tĩnh. Ở đó anh muốn nói to với mình một lần nữa rằng anh không còn chịu đựng nổi sự ngăn cách với những người mà anh yêu quý nữa, và sau đó anh muốn làm và sẽ làm việc đó.

Ở bên dưới có tiếng cửa mở. Anh ta nghe thấy mẹ mình nói:  Vậy thì con hãy nói với chị đừng quên bột giặt, tuyệt nhiên không được quên bột giặt. Con hãy nói với chị rằng con trai của mẹ đã bắt đầu lấy xe đi chở củi rồi, để ngày mai chúng ta có thể giặt giũ. Nhất định chị không được phép quên bột giặt, con hãy nói với chị điều đó. Con hãy nói với chị, đó là một sự đỡ đần đáng kể đối với bố. Hãy nói với chị rằng bố không còn phải lấy xe đi chở củi nữa và rằng con trai của mẹ đã thực sự trở về. Con trai của mẹ đã đi và lấy củi dành cho ngày mai. Nhất định chị không được quên bột giặt. Hôm nay con trai mẹ đã đi lấy củi một mình. Bố con nói, việc đó sẽ làm cho anh vui. Nhiều năm rồi anh đã không thể làm việc đó. Giờ đây anh có thể đi lấy củi cho gia đình mình. Cho ngày mai để giặt giũ. Hãy nói với chị rằng một mình anh đã mang xe đi chở củi và rằng chị đừng quên mang bột giặt về cho mẹ. Một mình anh đi lấy củi rồi.

Anh nghe thấy giọng của đứa em gái trả lời. Sau đó cửa được đóng lại và cô gái chạy xuống cầu thang. Anh có thể nhìn theo bàn tay bé nhỏ của cô gái lướt dọc theo tay vịn cầu thang xuống đến bên dưới. Đoạn, anh chỉ còn nghe thấy tiếng bước chân của cô. Sau đó im lặng. Bỗng có tiếng ồn ào, sau đó lại im lặng.

Anh lững thững đi xuống cầu thang, chậm chạp bước từ bậc này xuống bậc khác. Mình cần phải đi lấy củi, anh nói, đương nhiên rồi, đúng là mình đã quên tiệt việc đó. Nhất định mình cần phải đi lấy củi, cho ngày mai.

Anh bước xuống cầu thang mỗi lúc một nhanh hơn, đồng thời liên tục vỗ bàn tay mình vào tay vịn cầu thang. Củi, anh nói, đúng là mình cần phải đi lấy củi. Cho gia đình mình. Cho ngày mai. Củi của gia đình mình. Và anh ta nhảy những bước dài xuống các bậc cầu thang cuối cùng.

Ở tận trên cùng, ánh sáng của bầu trời xám ngắt chiếu qua mái thủy tinh dày. Nhưng ở dưới này cần phải có các ngọn đèn soi sáng. Ngày nào cũng thế. Tất cả mọi ngày.

—————–
(*) Đơn vị tiền tệ trước đây của Đức.

HẾT 

 

LINK FULL 

Truyện ngắn đặc sắc thế giới – Dịch giả Phạm Đức Hùng – Kỳ 1

Truyện ngắn đặc sắc thế giới – Dịch giả Phạm Đức Hùng – Kỳ 2

Truyện ngắn đặc sắc thế giới – Dịch giả Phạm Đức Hùng – Kỳ cuối

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây