Về một chữ khác biệt trong bài thơ được phổ nhạc – Tác giả: Lê Thiếu Nhơn

Hà Nội và em khi thu chớm đông sang là ca khúc đang rất được yêu thích, nhưng ít ai biết giữa bài hát này và bài thơ gốc khác nhau một chữ. Hà Nội và em khi thu chớm đông sang được nhạc sĩ Phú Quang (1949-2021) phổ từ bài thơ Thu của nhà thơ Chu Hoạch (1941-2007). Hà Nội và em khi thu chớm đông sang viết cuối năm 2013, và nhạc sĩ Phú Quang chọn làm chủ đề live show tác giả do ông trực tiếp tổ chức tháng 9/2014.

Lần đầu công bố ca khúc Hà Nội và em khi thu chớm đông sang, nhạc sĩ Phú Quang thổ lộ: “Câu chuyện là cả một nỗi đau đớn của người đàn ông khi không muốn làm khó người phụ nữ của mình chỉ vì anh ta quá nghèo, và mọi nỗ lực cải tạo cuộc sống ở thời điểm đó đều gần như không ăn thua. Khi còn sống, bạn tôi (cố nhà thơ Chu Hoạch) đã từng phải đi kéo xe bò, thậm chí, cả hành nghề móc cống, trong tình cảnh thơ và tranh không bán được. Cái nghèo, cái khó cứ thế đẩy hai người yêu nhau ra xa dần, thành thử sợi dây níu kéo cuối cùng chỉ còn là tình nghĩa. Rốt cuộc, người đàn ông tự trọng ấy đã chọn cách “ra đi gọn nhẹ” để không làm người phụ nữ của mình phải khó xử thêm nữa, và cũng là cách giải thoát cho mình. Phổ nhạc bài thơ, bằng tất cả sự đồng cảm, cũng là cách tôi thắp một nén nhang lên mộ bạn, vào cái thời càng ngày càng hiếm những sự “ra đi nhẹ gọn” đẹp và buồn như thế”.

Ngoài nhạc sĩ Phú Quang, ca khúc Hà Nội và em khi thu chớm đông sang được nhiều ca sĩ thể hiện, như Ngọc Anh, Minh Thu, Đức Tuấn, Quang Dũng, Minh Chuyên, Đức Long… Gần 10 năm qua, ca khúc Hà Nội và em khi thu chớm đông sang đã có được chỗ đứng trong lòng giới mộ điệu. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, giữa ca khúc này và bài thơ gốc có một chữ khác nhau. Đó là chữ “mất” và chữ “bớt”.

Nguyên văn bài thơ Thu của nhà thơ Chu Hoạch: “Thu rất thật thu là cái lúc chớm đông sang/ Em rất thật em là lúc em hoang mang lựa chọn/ Anh rất thật anh là sớm biết ra đi nhẹ gọn/ Để tránh cho em mất một lời chào/ Và bớt cho trời một chút gió xôn xao”.

Nguyên văn ca từ Hà Nội và em khi thu chớm đông sang mà nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc: “Thu rất thật thu là khi chớm đông sang/ Em rất thật em là lúc em hoang mang lựa chọn/ Anh rất thật anh là lúc anh biết ra đi nhẹ gọn/ Để bớt cho đời một chút gió lao xao/ Và tránh cho em bớt một lời chào”.

So sánh hai văn bản, dễ dàng nhận ra có sự thay đổi trật tự hai câu cuối. Không sao cả, nhạc sĩ có quyền làm điều ấy. Ý niệm “bớt cho trời” hay “bớt cho đời” cũng không đáng bận tâm. Thế nhưng, “tránh cho em mất một lời chào” và “tránh cho em bớt một lời chào” lại không hề giống nhau. Nếu đứng riêng biệt, chữ “mất” và chữ “bớt” có thể đồng nghĩa. Còn đặt trong ngữ cảnh tác phẩm, từ bài thơ Thu được chuyển thành ca khúc Hà Nội và em lúc thu chớm đông sang lại phát sinh ý nghĩa khác, thậm chí trái ngược nhau. “Tránh cho em mất một lời chào” nghĩa là em không phải chào từ giã cho thêm rắc rối. Còn “tránh cho em bớt một lời chào” nghĩa là em phải… chào. Cấu trúc “tránh – bớt” bỗng mang hình thái phủ định của phủ định, và có thông điệp trớ trêu khẳng định em nhất định phải tốn một câu chào.

Chắc chắn nhạc sĩ Phú Quang không có dụng ý thay đổi tinh thần câu thơ của nhà thơ Chu Hoạch. Và chắc chắn nhạc sĩ Phú Quang không chỉ là một trong những nhạc sĩ phổ thơ thành công nhất, mà còn là người chịu đọc thơ và đọc thơ rất tinh. Chữ “mất” biến thành chữ “bớt” khiến sự “ra đi nhẹ gọn” có màu sắc rắc rối và phiền phức, có lẽ không phải chủ đích của nhạc sĩ Phú Quang. Có thể nhạc sĩ Phú Quang đã nhầm lẫn khi tham khảo văn bản Thu của nhà thơ Chu Hoạch.

Bài thơ Thu được nhà thơ Chu Hoạch viết tặng vợ cũ tên Hòa, nên không bao giờ mong muốn “tránh cho em bớt một lời chào”. Đáng tiếc, khi phổ nhạc, sự véo von và sự thánh thót khiến chẳng mấy người để ý sự oái oăm giữa “mất” và “bớt”. Bây giờ, nhạc sĩ Phú Quang không còn trên đời, không có cơ hội để sửa lại đúng thái độ của nhà thơ Chu Hoạch trong bài thơ gốc. Vì vậy, khi in lại hay khi trình bày ca khúc Hà Nội và em khi thu chớm đông sang, nên chăng thế hệ sau cần giúp nhạc sĩ Phú Quang khôi phục “tránh cho em mất một lời chào”. Chữ “mất” và chữ “bớt” không gây trở ngại cho giai điệu, nhưng lại phản ánh thẩm mỹ đích thực một ca khúc phổ thơ.

Nét độc đáo của Chu Hoạch là những những câu thơ trình bày sự mong manh của tình yêu trong sự dan díu giữa mùa thu lãng mạn và mùa đông lạnh lẽo. Ngoài bài thơ Thu được phổ thành ca khúc Hà Nội và em khi thu chớm đông sang, nhà thơ Chu Hoạch còn có những câu xao xuyến tương tự như “Anh hát hết khúc dài khúc ngắn/ Vì mặt em làm bao nhiêu giấc nhạt hóa thành say/ Đang đứng ngã ba thu, anh còn biết mùa đông này lạnh nhất/ Vì mặt em sương muối tối chia tay” hoặc “Mãi đến lúc nhặt được của chiều một khúc đơn ca/ Tôi mới biết mùa thu đang xa và mùa đông từ ngã ba đang tới/ Điều ấy có trong dáng cây nghĩ ngợi/ Trong nắng vàng lọt mắt lưới sương…/ Nhưng rõ nhất là trong bóng ai chấp chới qua đường/ Dửng dưng thương nhớ”.

Trước ca khúc Hà Nội và em khi thu chớm đông sang khoảng hai thập niên, nhạc sĩ Phú Quang từng phổ nhạc một bài thơ khác của nhà thơ Chu Hoạch thành ca khúc Thế rồi khá ấn tượng: “Thế rồi mưa và thế rồi đêm/ Mưa không chỉ bên thềm tí tách/ Đêm không chỉ mướt mềm giá lạnh/ Thế rồi mưa và thế rồi đêm/ Chỉ mình em bé nhỏ liêu xiêu lặn lội phố/ Chỉ mình em bé nhỏ ngược dòng nước cuốn/ Ngược chiều gió ngược dòng ước muốn đành về lại chốn hoang cư/ Và mình anh lặn lội dòng mơ/ Vớt tìm câu ca lạc đường về”.

Ngoài hai ca khúc được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, nhà thơ Chu Hoạch còn có bài thơ Em được phổ nhạc thành ca khúc lan tỏa rộng rãi trong đời sống. Từ bài thơ Em, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã phổ thành ca khúc Em như bài thơ không chép được và nhạc sĩ Việt Anh phổ thành ca khúc Khoảng vắng em chờ. Hình tượng “Em” với nhà thơ Chu Hoạch cả đời túng bấn vừa là nỗi hân hoan vừa là niềm cay đắng: “Em như một bài thơ không chép được/ Mà đành lòng anh phải thuộc từng câu/ Thuộc bằng ngày lặng nghe và khuya âm thầm hưởng/ Từng vị ngọt bùi từng vị nông sâu/ Em rất giống một màu không sao pha trộn được/ Trên bảng màu bất lực của anh/ Màu ấy chỉ có bằng rọi bảy màu ánh sáng/ Để nhận về cái trắng long lanh/ Em rất giống sự hình thành quả đất/ Chầm chậm nên dần biển mặn rừng cay/ Mà nắng, mà mưa, sấm rền, chớp giật/ Chỉ để làm nhịp điệu vòng quay/ Để rốt cùng em là tay là mắt/ Là giọng buồn anh hát là chỗ khuất anh chờ/ Là phép màu mà chính em không bao giờ thừa nhận/ Có thể biến anh thành quỷ dữ hoặc nhà thơ”.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây