Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 3) – Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh

Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 3) - Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh

z2963544598770 1c81a6224171b94a06c1458078a6fb13 min - Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 3) - Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh

 

Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 3)

Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh 

Chương 2

VẤN ĐỀ CHỨC NĂNG VÀ TÌNH HÌNH PHÂN LOẠI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THEO CHỨC NĂNG

 

  • Quan hệ giữa chức năng và sự phân loại. • ba bậc thang thẩm mỹ hóa. • Sự phân cực, tính quang phổ của chức năng. • Ba mươi năm tìm kiếm chức năng khách quan của nghệ thuật.
  1. CHỨC NĂNG LÀ GÌ? QUAN HỆ GIỮA ĐẶC TRƯNG – CHỨC NĂNG NGHỆ THUẬT VÀ SỰ PHÂN LOẠI NGHỆ THUẬT

Văn học nghệ thuật là một thế giới mà con người chưa đến được tận cùng chiều sâu và chiều rộng của nó. Khi mở đầu bộ giáo trình mỹ học của mình, Hegel đã nói về đối tượng nghiên cứu của ông là “nghệ thuật, đó là vương quốc bao la của cái đẹp”

Trong sách Văn học khái luận, nhà văn Đặng Thai Mai có trích lời một nhà nghiên cứu văn học hiện đại nước Anh:

“Văn học có lẽ là một sự trạng lạ lùng hơn hết tất cả những công cuộc có ý thức của tinh thần loài người. Văn học có thể ví với một vùng biển lớn. Từ xưa đến nay, trong mấy chục thế kỷ, bao nhiêu sự thực cùng tình tứ, tư duy cùng mơ mộng, tưởng tượng và quan niệm mà các phạm trù khác của tư tưởng không biểu hiện ra được thì đều tuôn vào trong lòng biển văn học… Văn học bao hàm hết nghìn vạn hình tượng. Bờ cõi của văn học một mặt thì giáp với khoa học, một mặt gần gũi với âm nhạc, một mặt kề sát vào nghệ thuật điêu khắc, và có lúc lại muốn tiếp xúc với các lĩnh vực tôn nghiêm của tôn giáo nữa” (46:26, 27)

Vì vậy mà người ta luôn đặt câu hỏi về chức năng của văn học nghệ thuật. Nó là gì, nó có sứ mệnh gì, nó tồn tại vì lý do gì? Loay hoay suy ngẫm bàn bạc, từ cổ chí kim, người ta đưa ra những câu trả lời, mỗi câu trả lời chính là một định nghĩa, một ức đoán về chức năng. Gọi là ức đoán, vì hôm nay nói ra, hôm sau thấy khác, cần suy ngẫm lại, cần nói lại, thêm vào, rồi bớt ra.

1.1.   Chức năng là gì? Chức năng vốn có và chức năng cần có. Quan hệ giữa chức năng nghệ thuật vốn có và vấn đề đặc trưng bản chất của nghệ thuật

Chức năng là “Sự thể hiện ra bên ngoài các đặc tính của một khách thể nào đó trong một hệ thống các quan hệ nhất định”[1], “là tác động của các đặc tính của một hệ thống khách thể đối với các hệ thống môi trường[2].

Có thể hiểu chức năng của nghệ thuật ở ba cấp độ khác nhau:

  • Thứ nhất, chức năng có ý nghĩa khái quát nhất: chức năng ý thức (nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội), chức năng hoạt động thực tiễn (nghệ thuật là một loại hoạt động tinh thần – thực tiễn). Ở cấp độ này, nghệ thuật cũng đóng vai trò như mọi hình thái ý thức và hoạt động thực tiễn khác.
  • Thứ hai, chức năng có ý nghĩa hẹp hơn: chức năng riêng, còn gọi là chức năng đặc thù của nghệ thuật. Đây là cấp độ ý nghĩa có nhiều biến động nhất, có nhiều tranh luận nhất. Bao nhiêu đặc tính, bấy nhiêu chức năng; bao nhiêu chức năng, bấy nhiêu định nghĩa về nghệ thuật. Nghệ thuật luôn luôn phát triển qua các thời đại, vậy chức năng của nó cũng vừa tĩnh, vừa động, không phải nhất thành bất biến.

Hai cấp độ trên đây, phạm trù chức năng hoàn toàn là một phạm trù khách quan, là chức năng vốn có, được sản sinh trong quá trình lịch sử tự nhiên của nghệ thuật. Nhưng phạm trù chức năng còn có cấp độ thứ ba mang tính chủ quan rõ rệt.

  • Thứ ba, chức năng có ý nghĩa hẹp nhất, và cụ thể nhất, một thứ chức năng cần có, được định hướng, thậm chí được quy định bởi một khuynh hướng, một trường phái triết học, đạo đức, chính trị tôn giáo, nghệ thuật (Văn dĩ tải đạo, thi ngôn chí, văn học là nhân học, văn học là vũ khí, v.v).

Cả ba cấp độ chức năng nói trên đều là đối tượng nghiên cứu của công trình này, vì theo suy luận: đặc trưng, chức năng là tiền đề, loại thể là hệ quả. Mỗi dạng chức năng nghệ thuật sẽ sản sinh những loại thể tương ứng nhằm thực hiện tối đa yêu cầu mà chức năng đã đặt ra. Vậy có thể nói rằng, có mối quan hệ nhân quả giữa đặc trưng – chức năng và loại thể: đặc trưng, chức năng là tiền đề, loại thể là hệ quả. Chức năng là cánh cửa đầu tiên của đặc trưng nghệ thuật: những hình thức, loại hình, loại thể hiện ra phong phú trước mắt ta.

Hình thái học cần làm rõ ba khu vực chức năng: chức năng phi nghệ thuật, chức năng “tiền nghệ thuật”, “nửa nghệ thuật”, và chức năng nghệ thuật. Về văn học, ba khu vực này sản sinh ra ba hình thức văn học: văn thường, văn đẹp, văn nghệ thuật.

Qua hai câu định nghĩa về chức năng của hai cuốn từ điển, ta thấy có sự thống nhất khi nói về chức năng, chức năng chính là những đặc tính của khách thể (không phải sự quy định từ chủ thể), chức năng chính là những đặc tính của khách thể đó được thể hiện hoặc tác động đến môi trường.

Nếu lịch sử đã vận động và sản sinh ra những hình thái hoạt động khác nhau của con người, thì nghệ thuật cũng ra đời như vậy, và chức năng của nó là do lịch sử phát triển tự nhiên mà có, không phải do lực lượng nào, con người nào, dù là con người tài ba xuất chúng, phong tặng trao gởi chức năng cho nó. Nói giản đơn, chức năng nghệ thuật bao giờ cũng là chức năng vốn có, không thể là chức năng cần có, chức năng áp đặt. Nghiên cứu nghệ thuật và văn học trên quan điểm khách quan, khoa học là tìm ra chức năng tự nhiên – vốn có của nó. Cũng vì vậy, trong hàng chục công trình mỹ học nước ngoài xuất bản trong vòng ba thập kỷ qua, chức năng của nghệ thuật được trình bày nhiều cách, và nói chung là không giống nhau, chứng tỏ rằng chức năng vốn có của nghệ thuật vẫn còn là vấn đề đang tìm tòi nghiên cứu.

Tuy nhiên, không phải là không có những trường hợp văn học nghệ thuật phải mang những nhiệm vụ chức năng do sự quy định của con người, những chức năng cần có. Đó là sự quy định bởi khuynh hướng triết học, chính trị hay đạo đức, của một giai cấp, một tập đoàn xã hội hay một khuynh hướng xã hội nào đó. Như trường hợp “Văn dĩ tải đạo”, “Thi ngôn chí”, là những quan niệm về chức năng thuộc ý thức hệ Nho giáo thời trung đại phong kiến phương Đông.

Vậy chức năng của văn học nghệ thuật là một vấn đề vừa mang tính khoa học khách quan, vừa mang tính chủ quan. Nay nghiên cứu về hình thái học nghệ thuât, một phương diện gọi là hệ quả của đặc trưng nghệ thuật, của chức năng nghệ thuật, cần tìm hiểu cả hai tính chất trên của vấn đề chức năng.

Thế nào là mối quan hệ giữa chức năng với những vấn đề đặc trưng nghệ thuật nói chung?

Càng ngày càng có những phát hiện về đặc trưng của nghệ thuật, một trong những phát hiện quan trọng là chức năng, là tính đa chức năng của nghệ thuật (polifonction). Có thể hình dung nghệ thuật như một khối ngọc bích có nhiều mặt cắt, đó là những chức năng, mỗi mặt tỏa một thứ ánh sáng khác nhau, nhưng nhìn từ xa vẫn thấy chung một vừng sáng nhiều màu huyền ảo.

Nghệ thuật khi được xem như tiếng nói tình cảm của con người, khi là thông điệp gởi đến các thế hệ, khi là sách giáo khoa của đời sống, khi là bộ nhớ xã hội, khi là lời dự báo, v.v. Có thể kể ra rất nhiều và rất nhiều những mệnh đề như thế khi mỗi người tùy theo góc độ nhận thức của mình, mà quy vào đặc tính của nghệ thuật. Do đó mà người ta nói đến tính đa năng, đa nghĩa, đa chức năng. Cứ mỗi lần nhắc đến một đặc tính của nghệ thuật, đều phải bắt đầu bằng nhóm từ: “Nghệ thuật là…”, như bắt đầu một định nghĩa, đồng thời như bắt đầu kể một chức năng của nghệ thuật. Do đó có thể nói đặc trưng bản chất của nghệ thuật đầu tiên được xác định ở phạm trù chức năng. Nói cách khác, mỗi chức năng bộc lộ một đặc tính của nghệ thuật, thể hiệntác động đến môi trường xung quanh. Không phải ngẫu nhiên mà trong một tác phẩm lấy tên là: “Nghệ thuật là gì”, nhà văn L.Tolstoi đã dẫn ra gần bảy chục định nghĩa do ông rút ra từ những luận văn khác nhau – từ thời Baumgarten đến cuối thế kỷ XIX, và ông đã kết luận rằng, trong số đó, không một định nghĩa nào thể hiện được bản chất thực sự của nghệ thuật.

Chức năng là những đặc tính của nghệ thuật thể hiện trong môi trường, tác động đến môi trường. Vậy chức năng chính cũng là mục đích của nghệ thuật. Nói văn học có chức năng nhận thức cũng chính là nói văn học có mục tiêu nhận thức xã hội và cung ứng nhận thức cho con người. Khi khẳng định chức năng, cũng chính là tìm được đối tượng: Văn học là nhân học, vậy đối tượng của văn học trước hết là con người. Phát hiện ra chức năng, cũng sẽ tìm ra nguồn gốc: Khi nhận ra văn học nghệ thuật có đa chức năng, thì không thể khẳng định lao động là nguồn gốc duy nhất sinh ra nó. Và khi hỏi chức năng của nghệ thuật sẽ thực thi như thế nào, bằng cách nào, tất phải đi tìm tới phạm trù hình tượng, rồi điển hình. Suy luận này còn có thể tiếp tục được nữa, để thấy vị trí đặc biệt của khái niệm chức năng. Chức năng – đối tượng – mục đích của nghệ thuật là ba khái niệm có quan hệ chặt chẽ, hữu cơ, như mối quan hệ nhân quả. Với đề mục Chức năng nghệ thuật, trong cuốn “Mỹ học”, I. Borev đã nhấn mạnh vấn đề “Sự thống nhất giữa đối tượng và mục đích của nghệ thuật” (7b178). M.Markov (trong sách “Nghệ thuật là một quá trình”) thì cho rằng đối tượng của lý luận nghệ thuật gồm ba vấn đề cơ bản: đối tượng, chức năng và phương thức tư duy nghệ thuật, và cho rằng phát hiện đối tượng đồng thời cũng đã phát hiện được chức năng của nghệ thuật (22)[3].

1.2.   Chức năng là tiền đề, loại thể là hệ quả

Ai cũng nhớ khi một nhà thơ lãng mạn ca lên rằng:

Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây

… …

Thì sau đó, có những câu thơ khác đáp lại:

Nếu thi sĩ là ru với gió
… Là tai ương chướng họa của nhân quần.

Chức năng của nhà thơ là gì? Làm thơ để làm gì? Mỗi bài thơ trên thể hiện một khuynh hướng nghệ thuật, đồng thời cũng là quan niệm nhân sinh, một khuynh hướng chính trị – xã hội.

IMG 0272 min - Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 3) - Tác giả: Tiến sĩ Lâm VinhTác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh (bìa phải) và Nhà thơ Bùi Xuân Mẫn (Tổng biên tập vansudia.net)

Khi nói đến tính khuynh hướng về chức năng văn học nghệ thuật là hiểu khái niệm chức năng theo nghĩa hẹp, chức năng ấy chỉ liên quan đến một bộ phận nào đó trong thế giới nghệ thuật. Thông thường, ý nghĩa chức năng loại này được quy định theo khuynh hướng mỹ học thuộc hệ thống triết học – chính trị – đạo đức nào đó. Cũng từ đó nảy sinh những loại thể văn học nghệ thuật chịu sự định hướng của những quan điểm hẹp về chức năng, đến lượt loại thể cũng phải gò theo lối định hướng hẹp đó.  Như quan niệm phân biệt đẳng cấp của các thể loại và đề tài, chẳng hạn Chủ nghĩa cổ điển Pháp thế kỷ XVII.

Không thể suy luận máy móc về quan hệ nhân quả của chức năng và loại thể, cho rằng chức năng trực tiếp sinh ra loại thể. Nhưng có thể quan sát trong lịch sử văn học nghệ thuật ta thấy được loại thể của tác phẩm nghệ thuật cụ thể chính là hiện thực hóa, vật chất hóa những mục tiêu – chức năng của nghệ thuật. Càng là những chức năng có tính khuynh hướng chủ quan, càng thấy rõ điều đó.

Khi nghiên cứu về chức năng khách quan của nghệ thuật ta không thể thiên lệch về một khuynh hướng xã hội hay một khuynh hướng trường phái nghệ thuật nào (như khuynh hướng Nho giáo, khuynh hướng của chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực). Chức năng khách quan là sự tổng hòa, sự hội tụ nhiều khuynh hướng khác nhau, tạo nên tính đa dạng về chức năng, và từ đó cũng có tính đa dạng về loại thể. Nếu chỉ thiên về một khuynh hướng, sẽ thấy rõ tính đơn điệu về loại thể. Sau đây sẽ lấy một số thí dụ:

Ÿ Chức năng “Văn dĩ tải đạo” (Văn để chở đạo). Dù khi đến Việt Nam, chức năng này được hiểu rộng hơn, mềm dẻo hơn cái gốc Tống Nho của nó, nhưng dù sao văn vẫn là để chở đạo, như Lê Quý Đôn đã nói: “Vô luận cổ văn hay kim văn, tuy thể loại và câu văn có khác nhau, nhưng đại để đều phải có nội dung là đạo. Có nội dung ấy thì văn chương phát đạt, không thì hỗn loạn” (84:103).

Từ sự định hướng này, văn học thời phong kiến thiên về những thể loại ít nhiều minh họa cho quan niệm về đạo.

Giáo sư Lê Trí Viễn cho rằng, “đối chiếu với các quan niệm khoa học của phương Bắc, sẽ dễ dàng thấy sự sáng tạo của văn học ta” – không theo các quan niệm “minh đạo”, “tải đạo”, “quán đạo” một cách máy móc, “văn học là tiếng nói của một thứ đạo lớn nhất ở Việt Nam là đạo yêu nước thương dân” (108:225). Dù có sự sáng tạo ấy thì vẫn là nền văn học thiên về một khuynh hướng chức năng hẹp.

  • Chức năng “Văn học là tấm gương”, “Nhà văn là thư ký thời đại”: Đây là quan niệm của mỹ học duy vật tiên tiến thời cận đại, là sự khẳng định của bản thân các nhà văn hiện thực về sứ mệnh của văn học. Từ đó đã sản sinh thể sử thi của thời đại, thể tiểu thuyết hiện thực, phản ánh cuộc sống phong phú đa dạng không mang tính minh họa.
  • Chức năng “Vì một thế giới khác, vì một cuộc sống từ bên trong” của mỹ học lãng mạn, đưa đến những tiểu thuyết lãng mạn của V. Huygo, G. Byron, thơ trữ tình tình cảm của Lamartine, Châteaubriand, những tiểu thuyết và thơ lãng mạn Việt Nam.
  • Chức năng “Văn học là vũ khí” là quan điểm chức năng của các lực lượng văn nghệ cách mạng, đang đấu tranh cho tự do. Ở nước ngoài, đó là các nhà văn thời tiền cách mạng Pháp, các nhà văn dân chủ cách mạng Nga. Ở Việt Nam, đó là văn học của các thời kỳ chống xâm lược thời cận hiện đại, tiêu biểu như văn chương Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh,… Các loại truyện luận đề về đường lối cách mạng, thơ ca kêu gọi đấu tranh và tuyên truyền cách mạng đáp ứng yêu cầu chức năng này.

Trong bộ đề thi tuyển sinh đại học (phát hành năm 1993) có ba lần dẫn lời nói các nhà văn để ra đề bình luận về mục đích chức năng của văn học:

“Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác và làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn” (Thạch Lam).

“Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” (Nam Cao).

“Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời” (Vũ Trọng Phụng).

Phát biểu trên của các nhà văn (trực tiếp hoặc thông qua lời nhân vật) thể hiện rõ mục đích viết văn thuộc khuynh hướng hiện thực phê phán. Trong hoàn cảnh xã hội nào đó, đây là khuynh hướng tích cực nhất đòi hỏi văn chương nghệ thuật thực hiện sứ mệnh cao cả của mình đối với xã hội, đối với việc giải phóng con người, không chỉ ở Việt Nam giai đoạn lịch sử 1930 – 1945, mà ở tất cả mọi nơi trên thế giới, nơi nào có tồn tại áp bức bất công. Nhưng nếu chỉ thiên về phương hướng đó để giảng dạy cho học sinh về mục đích chức năng của văn học nghệ thuật thì sẽ có sự hiểu biết phiến diện. Vì ngoài “cái thế giới giả dối và tàn ác”, ngoài “ánh trăng lừa dối”, ngoài “sự thật” cần tố cáo, còn có nhiều điều khác trong ba vùng hiện thực (quá khứ, hiện tại, tương lai) mà văn học nghệ thuật cần quan tâm tới, chưa nói trong thế giới tinh thần của con người còn chứa nhiều suy tư và khát vọng, không chỉ có sự đau khổ. Hoạt động văn học nghệ thuật có những mục tiêu sâu rộng, có chức năng khách quan và bao trùm lên mọi thời gian và không gian, mọi khuynh hướng và hình thức nghệ thuật.

  1. TÌM CHỨC NĂNG KHÁCH QUAN CỦA NGHỆ THUẬT – NHỮNG THU HOẠCH VÀ NHẬN ĐỊNH

2.1.   Ba mươi năm công cuộc tìm kiếm chức năng khách quan của nghệ thuật

Hàng nghìn năm qua, nghệ thuật như người bạn đường gắn bó của nhân loại, ở mọi lúc mọi nơi, từ trong hang động, dưới những túp lều, nơi thánh đường, cung điện nguy nga, từ trong khói lửa chiến tranh đến đời sống thanh bình… Có thể nói rằng, con người không thể sống trong sự thiếu vắng nghệ thuật. Một hình ảnh trở thành biểu tượng, kể rằng: trước khi từ biệt cõi đời, đại thi hào Hainơ đã đến Louvre đứng hồi lâu trước pho tượng nữ thần Venus như để ngỏ lời từ biệt. Từ biệt cuộc sống này cũng có nghĩa là từ biệt cái đẹp và nghệ thuật. Và không phải ngẫu nhiên mà nhà triết học, nhà văn Schiller đã kêu gọi giáo dục thẩm mỹ để khôi phục nhân cách con người và cải tạo xã hội. Với kinh nghiệm bản thân của một nghệ sĩ vĩ đại, Dostoyevsky đã từng nói: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”.

Vậy, cần lý giải cho được vai trò, lẽ tồn tại của nghệ thuật là gì. Phát hiện này có ích rất nhiều cho sáng tác, nghiên cứu, phổ biến, tiếp nhận và giáo dục truyền bá nghệ thuật. Từ thời Platon, Aristotle, Khổng Tử, đến tận ngày nay, triết học, mỹ học, lý luận văn học, những nghệ sĩ lớn, bao lần tìm tòi câu trả lời “nghệ thuật là gì” và, như đã biết, Tolstoi đã tìm ra 70 câu trả lời khác nhau. Thực ra, việc bàn bạc về chức năng nghệ thuật trong ba bốn mươi năm nay là của mỹ học Mác xít, còn công cuộc tìm kiếm của nhân loại phải kể đến hàng ngàn năm.

Cho đến giữa thế kỷ này, có các cuộc tranh luận, vào 1959 trở đi, cả ở phương Tây và trong các nước xã hội chủ nghĩa, về vai trò của nghệ thuật trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật. Những hiệu quả trông thấy vô cùng lớn lao của khoa học kỹ thuật biến đổi từng ngày cuộc sống con người, vậy nghệ thuật còn có ý nghĩa gì? Kết cục, vai trò của nghệ thuật càng được khẳng định sâu sắc hơn, và khái niệm tính đa chức năng đã được khẳng định trong những năm đó. Người ta nhắc lại câu nói của nhà bác học Einstein: “Toàn bộ tòa nhà của chân lý khoa học có thể được xây bằng gạch và vôi của chính những học thuyết của khoa học vốn nằm trong cái trật tự logic. Song muốn thực hiện công việc xây dựng đó, và muốn hiểu được nó thì cần phải có những khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ”.

Các chức năng của văn học nghệ thuật thường được phát biểu rải rác trong những văn bản khác nhau, nay trước hết nên xem trong các công trình lý luận cơ bản về mỹ học và lý luận văn học. Từ thập kỷ 50 thế kỷ XX đến nay, mỹ học và lý luận văn học Mác xít đã có những đóng góp quan trọng về việc phân tích đặc trưng và chức năng của nghệ thuật.

Những khám phá phát hiện đầu tiên không phải là về chức năng mà về đặc trưng nghệ thuật nói chung, từ đó người rút ra những chức năng của nghệ thuật([4]).

Từ những tiền đề lý luận triết học và các kết luận của các ngành khoa học lân cận, mỹ học xây dựng quan niệm về chức năng khách quan của nghệ thuật. Những nhận xét rút ra từ các công trình mỹ học trong thập kỷ bảy mươi về quan niệm chức năng nghệ thuật là:

Ÿ Không còn bị hạn chế trong vòng “kim cô” của ba chức năng nhận thức chung chung, giáo dục chung chung, thẩm mỹ chung chung, mà tìm sâu vào những đặc thù của nghệ thuật cũng về mặt nhận thức và giáo dục (sự khai sáng, sự phát hiện, dự báo, sự lưu giữ – bộ nhớ xã hội… cũng thuộc về nhận thức hoặc giáo dục sáng tạo, giáo dục thái độ tình cảm đối với hiện thực, thuộc về giáo dục, v.v…)

Ÿ Từ chỗ chỉ thấy đơn điệu lặp lại mãi ba chức năng – “bộ ba cổ điển” – đến chỗ phát hiện hàng loạt – đa chức năng: I. Bôrev kê chín chức năng (1975), L. Xtolovich kê ra 13 chức năng (1977) và tại Việt Nam, gần đây nhất, Lê Ngọc Trà (1992) kê sáu chức năng. Nhưng số nhiều chỉ có lợi cho sự phân tích tính đa dạng, lại thiếu ý nghĩa bao quát, thiếu đặc tính quan trọng nhất của nghệ thuật. Do đó, từ đa chức năng phải quy về một chức năng tổng hợp, cơ bản, hạt nhân của hệ thống chức năng, để phân biệt được sở trường của nghệ thuật với các hình thái ý thức và hoạt động khác: Trong giáo trình Mỹ học (xuất bản 1973) của các trường đại học Liên Xô, M. Kagan, sau khi trình bày các chức năng riêng biệt, đã đưa ra chức năng tổng hợp, đặc thù như sau:

“Nghệ thuật được nhân loại tạo ra và giữ gìn trong suốt toàn bộ lịch sử văn hóa là nhằm mở rộng khuôn khổ chật hẹp của kinh nghiệm sống cá nhân, bổ sung bằng kinh nghiệm của cuộc sống tưởng tượng… một cuộc sống thứ hai, trên cơ sở kinh nghiệm sống của bản thân mỗi người.”

Nhận định này cũng trùng hợp với ý kiến của tác giả Việt Nam:

“Văn nghệ có tác dụng mở rộng tâm hồn tạo nên muôn nghìn sợi dây nối liền ta với người, với thế giới chung quanh. Nó như nhân sự sống lên, làm cho người ta trong cuộc sống có khi chật hẹp, hạn chế của mình, có thể bước qua ngưỡng cửa của hàng trăm cuộc đời khác, cũng vui buồn, ước mơ, lo toan với những con người khác nhau… Ta như vừa quên mình, vừa như tự tìm ra mình trong sự đồng cảm bao dung ấy.” (Lê Đình Ky, 45:79)

Ngoài cách nêu chức năng tổng quát này, còn có cách nêu khác được nhắc lại như một đúc kết, trong một tài liệu lý luận văn học gần đây:

“Chức năng thẩm mỹ là chức năng bao trùm, cơ bản nhất của văn chương nghệ thuật… Thực hiện trước hết chức năng thẩm mỹ, văn chương làm cho các phương tiện nhận thức giáo dục, giao tiếp, giải trí, sáng tạo… cũng mang tính chất thẩm mỹ, chú trọng đến cái đẹp trong cuộc sống, giúp con người cảm thụ, nhận xét, phê phán những hiện tượng của cuộc sống theo yêu cầu của cái đẹp” (Nguyễn Văn Hạnh, 44:26)

Ÿ Một thành tựu quan trọng trong việc tìm kiếm chức năng là sự phát triển đầy đủ và sâu sắc những vấn đề thuộc tâm lý con người, trước hết là của chủ thể sáng tạo, thứ đến là đối tượng được miêu tả, và cuối cùng là nơi chủ thể tiếp nhận nghệ thuật: chức năng giáo dục, rèn luyện kinh nghiệm cảm xúc, chức năng đền bù kinh nghiệm sống, chức năng tự bộc lộ, tự nhận thức, tự giáo dục… Cần xem xét nghệ thuật như một giá trị tổng hợp về sự sống của con người và xem xét nghệ thuật như một hiện tượng tâm lý phức tạp và năng động trong tất cả các hoạt động nhận thức và của cả nền văn hóa.

Ÿ Qua nhiều năm tính “nghiêm túc” của hình thái ý thức, của chức năng giáo dục tư tưởng đã không cho phép đưa chức năng giải trí vào như một chức năng khách quan của nghệ thuật, nay giải trí đã thành chức năng chính thức (Liên Xô từ 1973, Việt Nam từ 1986). Đây không phải đơn thuần là tác dụng giải trí, mà còn là vấn đề nguồn gốc ra đời của nghệ thuật, gắn liền với hình thức trò chơi như một hoạt động tự do của con người.

Nhưng qua việc xây dựng kiến giải hệ thống chức năng như vừa kể trên, có những dấu hiệu cần quan tâm về lý luận như:

Ÿ Xu hướng phát hiện cái mới về chức năng không phải lúc nào cũng được hưởng ứng. Một vài tài liệu vẫn viết về chức năng như quan niệm của những năm giữa thế kỷ trước (như hai trường hợp cuối trong bảng danh mục thứ nhất, PL 3).

Ÿ Tất cả những điều tóm tắt trên cùng những bảng kê chức năng ở phụ lục 3 đều xuất phát từ những giáo trình, những sách mỹ học và lý luận văn học, các loại hình nghệ thuật và văn học không chia thành hai hệ thống thuần nhất và ứng dụng; còn hệ thống chức năng như chức năng nhận thức, kinh nghiệm tình cảm – cảm xúc, dự báo cũng nêu chung cho mọi thứ nghệ thuật kể cả xiếc, mỹ thuật công nghiệp,… Vậy một lúc nào đó, phải có những bảng chức năng riêng cho mỗi hệ thống nghệ thuật.

Ÿ Các tài liệu nói về chức năng dễ thiên về những nghệ thuật có vai trò nhận thức hiện thực, thiên về những nghệ thuật có tính miêu tả, tạo hình, thậm chí là những nghệ thuật ngôn ngữ. Vậy cần có một phát hiện hệ thống chức năng mang tính bao quát đối với tất cả các loại hình nghệ thuật đơn tính, từ văn học ở thể tiểu thuyết đến âm nhạc ở thể không lời, từ hội họa ở thể trừu tượng đến sân khấu kịch, điện ảnh…, với toàn bộ thế giới nghệ thuật.

Ÿ Cuối cùng, trong khi trình bày chức năng không nên tạo cảm giác đây là chức năng của nghệ thuật hiện đại, với những quan niệm hiện đại về nghệ thuật. Trong khi đó nghệ thuật đơn tính là một hệ thống khép kín đã hàng nghìn năm. Có thể nói, trừ những chức năng cụ thể của từng loại hình, từng trường phái nghệ thuật, sự khác nhau giữa chức năng của nghệ thuật đơn tính và nghệ thuật lưỡng tính không thay đổi qua hàng ngàn năm nay: không có gì thay đổi về chức năng, giữa tác phẩm của Homer ngày ấy và của Marquez hôm nay, Homer vẫn là nhà thơ, Empedocle vẫn là nhà triết học.

Quy tụ lại, cách diễn đạt nào về chức năng nghệ thuật cũng có tính hợp lý nhất định, và con đường nào cũng đưa nghệ thuật về với chức năng nhận thức và giáo dục. Nhưng từ chức năng nhận thức và giáo dục của những năm 50 thế kỷ XX đến hai chức năng đó vào cuối thế kỷ này, là cả một chặng đường không ngừng được bổ sung và điều chỉnh, cải tiến, đã khác cơ bản về chất lượng.

2.2.   Vậy chức năng là ở đâu?

Với người sáng tác, chức năng của nghệ thuật là:

Ÿ Thỏa mãn nhu cầu tự bộc lộ, tự giải tỏa về tinh thần tình cảm qua việc tái tạo và đánh giá những hình ảnh về cuộc sống.

Ÿ Thỏa mãn nhu cầu bày tỏ, giao lưu kinh nghiệm sống, kinh nghiệm tình cảm với cộng đồng xã hội, tìm đến niềm vui và hạnh phúc trong sự giao lưu tri âm tri kỷ đó.

Với người tiếp nhận, và xã hội nói chung, chức năng của nghệ thuật là:

Ÿ Đem lại sự hứng thú, sự giải tỏa, đáp ứng nhu cầu làm phong phú thêm đời sống tâm hồn, tình cảm.

Ÿ Đem lại sự bù đắp, sự đổi thay những đơn điệu hàng ngày bằng một cuộc sống tưởng tượng, qua những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm tình cảm.

Cả hai quá trình chức năng vì người sáng tạo và người tiếp nhận, đều có sự tự định hướng theo một lý tưởng thẩm mỹ nhất định.

Với những chức năng đặc thù như vậy, người ta dễ tìm được logic nhất quán giữa các phạm trù đặc trưng nghệ thuật, đặc biệt giữa đối tượng, chức năng và phương thức tư duy nghệ thuật.

  1. BA BẬC THANG THẨM MỸ HÓA VÀ SỰ PHÂN CỰC VỀ CHỨC NĂNG

Lỗ Tấn đã nói: “Mỹ thuật là mỹ hóa vật tự nhiên”[5] (từ “mỹ thuật” được dùng ở đây là nghệ thuật nói chung). Mỹ hóa, hay thẩm mỹ hóa, không chỉ về hình thức bên ngoài, như gọt đẽo một hòn đá, một khúc gỗ – vật tự nhiên. Mỹ hóa còn có ý nghĩa nội dung: biến những đối tượng trong đời sống thành hình tượng nghệ thuật. Kết hợp ý này với ý của Hegel và Belinskij, đồng thời kết hợp những ý kiến của Marx, của Herder và Gorkij (“con người sáng tạo theo quy luật của cái đẹp”, “bẩm sinh là nghệ sĩ”), ta có thể hình dung cái đẹp phát sinh và phát triển (theo lịch đại và cả trong đồng đại) theo một quá trình, với những nấc thang, những cung bậc từ thấp đến cao:

– Từ đơn giản, thô sơ, đến phong phú, phức tạp.
– Từ “chưa hoàn mỹ” đến hoàn mỹ, từ “chưa đầy đủ” đến đầy đủ.

Nếu lấy hai khái niệm nội dung và hình thức để xem xét, một hiện tượng chưa hoàn mỹ do còn chênh về hình thức hoặc về nội dung, một hiện tượng hoàn mỹ là đạt được sự hài hòa, hữu cơ về nội dung và hình thức, thì sự phát triển theo cung bậc sẽ là, từ cái đẹp đơn thuần là những yếu tố hình thức, những chất liệu, phương tiện (như màu, nét, mỹ từ,…) đến cái đẹp là những yếu tố hình thức được nội dung hóa, hình thức mang tính nội dung, phương tiện mang tính mục đích, hình thức nội dung đạt tới sự hài hòa.

Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non

Khác với

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

Trăng ở câu trên chỉ là phương tiện – hình thức, trăng ở câu dưới là hình thức mang tính nội dung, là hình tượng nghệ thuật trọn vẹn (đặt trong văn cảnh truyện Kiều). Vì “trăng” và “núi” ở câu trên có thể thay thế bằng hai biểu tượng khác vẫn giữ được ý chủ đạo và lối chơi chữ của câu ca dao. Nhưng hình ảnh vầng trăng như một nhân vật, như một nhân chứng cho mối tình của Kiều và chàng Thúc thì không gì thay thế được. Từ đó để nói về cái đẹp hoàn mỹ và chưa hoàn mỹ. Đây cũng là chỗ phân biệt cơ bản giữa hai loại nghệ thuật lưỡng tính và đơn tính, sẽ được trình bày kỹ hơn sau phần này.

Điều cần nhấn mạnh ở sự phát triển từ thấp đến cao như những bậc thang của cái đẹp, là do nhu cầu của con người – xã hội, mỗi lần bước lên một bậc thang là đáp ứng một chức năng mới về xã hội, đi từ loại hình nhận thức này đến loại hình nhận thức khác, không phải là vấn đề cao thấp của trình độ, chất lượng sáng tác nghệ thuật.

Với loại tiền nghệ thuật – nghệ thuật mang hai chức năng, lấy chức năng ích dụng làm mục đích, do đó chức năng thẩm mỹ – nghệ thuật chỉ dừng lại ở mức độ phương tiện, không có nhu cầu phát triển thêm nữa. Do đó nghệ thuật lưỡng tính (Hegel gọi là nghệ thuật tượng trưng) luôn luôn có độ chênh về nội dung và hình thức, không có sự thống nhất hòa hợp nội dung hình thức như nghệ thuật đơn tính.

Đây là sự bước lên của cái đẹp để thực hiện ba chức năng:

– Thẩm mỹ hóa – phi nghệ thuật.
– Thẩm mỹ hóa – tiền nghệ thuật, nghệ thuật lưỡng tính.
– Thẩm mỹ hóa – nghệ thuật thuần nhất – đơn tính.

Sự phân biệt cao thấp của ba bậc thang mỹ hóa để phân biệt về chức năng xã hội cũng không bao hàm sự phân biệt về giá trị xã hội, sự hơn kém về vai trò xã hội, giữa các hình thức nghệ thuật. Vì giữa một bài ca trữ tình nghệ thuật và một bài ca tôn giáo, một bài hát ru con, không có sự phân biệt giá trị xã hội, chỉ phân biệt chức năng xã hội.

3.1.   Từ cái đẹp – phi nghệ thuật đến nghệ thuật đơn tính

Ba bậc thang thẩm mỹ hóa:

Về cái đẹp – phi nghệ thuật:

… “Trong đời sống hàng ngày người ta vẫn thường nói đến một màu đẹp, một bầu trời đẹp, một con sông đẹp, những con người đẹp,… Ngay bây giờ chúng ta có thể khẳng định rằng cái đẹp trong nghệ thuật là cao hơn cái đẹp trong tự nhiên. Sở dĩ như vậy là vì cái đẹp trong nghệ thuật là nảy sinh và được tái hiện trên cơ sở tinh thần (Hegel nhấn mạnh)”.

Câu trên trích trong lời mở đầu Giáo trình mỹ học, Hêgel đã phân biệt cái đẹp trong tự nhiên và cái đẹp trong nghệ thuật. Ông còn nói:

… Ở đây, trước mắt ta là một loại đẹp không hoàn mỹ, không đầy đủ” (I4:TL. 2.4) LV nhấn mạnh)[6]

Về cái đẹp – nghệ thuật lưỡng tính (NTLT):

Những nghệ thuật như kiến trúc, điêu khắc tượng trưng, các thể thơ ca ngụ ngôn, giáo huấn, các hình thức tục ngữ, câu đố, truyện bóng gió, phúng dụ, ẩn dụ,… Hegel xem là những nghệ thuật tượng trưng, mà đặc điểm là nội dung và hình thức “chỉ có được một sự kết hợp không hoàn toàn” (II:164), đó là “giai đoạn mở đầu của nghệ thuật (T1:20), là những “sáng tạo tiền nghệ thuật” (T1:6), “gọi là tiền nghệ thuật theo cái nghĩa lĩnh vực này chỉ cấp cho ta những ý nghĩa trừu tượng chưa được cá tính hóa” (T1:2I) (Hegel nhấn mạnh).

Belinskij cũng cho kiến trúc là “bước đầu tiên vươn tới nghệ thuật” (17:CI).

Nhà nghiên cứu mỹ học phônclo V. Gutxev cho rằng “phônclo vừa là nghệ thuật vừa không phải là nghệ thuật”.

Về cái đẹp – nghệ thuật đơn tính (NTĐT):

Đến đây, cái đẹp xuất hiện với tính cách là nghệ thuật theo ý nghĩa đầy đủ nhất của phạm trù này – một hình thái độc lập không lệ thuộc vào các hình thái ý thức (triết học, chính trị, tôn giáo) và các hoạt động thực tiễn khác (lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học, đấu tranh xã hội). Bản chất của NTĐT được Hegel xác định như sau: “Chúng ta phải thừa nhận rằng các tác phẩm nghệ thuật có một thực tại cao hơn và chân thực hơn so với tồn tại khách quan hàng ngày” (IA:13) Aristotle cũng có một quan niệm tương tự như vậy. Điều này đã được thơ ca ghi nhận từ lâu:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
(Ca dao)

Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ
(Hồ Chí Minh)

Non sông mình đâu cũng đẹp như tranh.
(Tố Hữu)

Đó là một sự phân thang về cái đẹp: tranh vẽ là cái đẹp lý tưởng, cao nhất, làm chuẩn để so sánh với những cái đẹp thấp hơn trong thiên nhiên.

Về NTĐT, sẽ được lần lượt trình bày qua các phần sau.

Sơ đồ hình thái học về ba bậc thang mỹ hóa:

Capture8 min - Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 3) - Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh

Hoặc gọi tắt, theo cách nói của Lỗ Tấn, là “mỹ hóa”, ta có ba bậc thang: mỹ hóa bậc 1, mỹ hóa bậc 2, mỹ hóa bậc 3.[7]

Theo ba bậc thang này, bậc 2 và 3 cùng gọi là “nghệ thuật”, thì có mâu thuẫn chăng? Chính Hegel đã phân biệt có hai khái niệm “nghệ thuật”: “nghệ thuật theo nghĩa hẹp” (nghệ thuật hùng biện, nghệ thuật ngụ ngôn) và “nghệ thuật thực sự” (thơ ca, truyện nghệ thuật) (14: TIVA, 45). Ở đây có thể trở lại nhìn nhận tính cấp độ của khái niệm nghệ thuật (cũng như cái đẹp): với NTLT, nghệ thuật chủ yếu là phương thức, hình thức có chức năng hỗ trợ cho nội dung khoa học, lý luận thực tiễn, để gợi cảm, truyền cảm. Do đó, ngay “cái đẹp”, “nghệ thuật”, nếu chỉ xem xét về mặt từ ngữ khái niệm, thì nó cũng có ba bậc thang để phân biệt về trình độ mỹ hóa. 

  Capture9 min - Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 3) - Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh                                                                         

3.2.   Sự phân cực về chức năng: chức năng phi nghệ thuật và chức năng nghệ thuật

Ngày ngày sống giữa thiên nhiên, nhìn thấy mây, núi, trời cao, gió thổi, hoa và trăng…

Rồi một lần ta nghe câu hát:

Vì mây cho núi lên trời
Vì chưng gió thổi, hoa cười với trăng.

Sáu yếu tố của thiên nhiên – phi nghệ thuật đã tụ lại, chỉ trong một câu ca dao, vẽ nên một bức tranh nghệ thuật thật huyền ảo, sinh động.

… Những năm 30 của thế kỷ trước, ở vùng nông thôn Bắc Bộ, theo phòng Canh nông Bắc Kỳ, theo thiên phóng sự “Việt Nam” của L. Roubeaud, nhiều nông dân nghèo khổ cùng cực, có người đem bán kiệt gia sản, đồ thờ cúng tổ tiên, và bán cả con để lấy tiền nộp sưu thuế (giá một trẻ em trên chợ, vào năm 1930, là một đồng rưỡi).

Hiện tượng trên đây ghi trong tài liệu lịch sử – phi nghệ thuật[8], sau đó người ta đã đọc với nhiều xúc động trong tác phẩm văn nghệ thuật – tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố.

Đó là cái phi nghệ thuật trong tự nhiên và trong hoạt động nhận thức.

Chức năng phi nghệ thuật và chức năng nghệ thuật là hai loại chức năng cùng đáp ứng nhu cầu nhận thức nhưng thuộc về hai hình thái hoàn toàn khác biệt. Tuy vậy, những hiện tượng gọi là phi nghệ thuật vẫn không nằm ngoài đời sống thẩm mỹ của con người.

Khi đề cập đến sự phân cực, ta gặp hai phạm trù thẩm mỹ nghệ thuật. Đây là hai cấp độ ý nghĩa: thẩm mỹ có ý nghĩa rộng hơn nghệ thuật. Mọi hoạt động của con người đều theo quy luật của cái đẹp (Mác), vì con người luôn vận dụng những yếu tố cảm quan như âm thanh, màu sắc, hình ảnh, nhịp điệu, tỷ lệ, sự cân xứng,… trong mọi mặt đời sống của mình. Cái thẩm mỹ có mặt ngay từ khi có con người (xem xét theo lịch đại), có mặt ở mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày (xem xét theo đồng đại). Còn nghệ thuật, là một hình thức hoạt động thẩm mỹ đặc thù, chỉ xuất hiện trong những điều kiện nhất định. Do vậy, các nhà mỹ học hiện đại đã dùng khái niệm trường thẩm mỹ để nói về một dạng môi trường sống của con người. Khi ta nói về hoạt động phi nghệ thuật, phi văn học, thì đó vẫn là những hoạt động nằm trong trường thẩm mỹ, trong hệ sinh thái thẩm mỹ[9]. Phi nghệ thuật nhưng không phi thẩm mỹ, hoạt động phi nghệ thuật vẫn đi theo quy luật của cái đẹp[10]. Một đám mây, một ánh trăng trong thiên nhiên vẫn làm ta rung cảm, một sự kiện, một con số trên trang lịch sử cũng làm xúc động lòng người, tuy đó là hiện tượng phi nghệ thuật, như hai ví dụ đã nêu ở đầu trang này.

Tác phẩm nghệ thuật sở dĩ nó là tác phẩm nghệ thuật vì nó đẹp” (Hegel). Mọi quy luật sáng tạo nghệ thuật đều không ra ngoài quy luật của cái đẹp. Vậy mục đích, chức năng của nghệ thuật, suy cho cùng, đó là cái đẹp, với đầy đủ ý nghĩa của phạm trù giá trị này. Chân, thiện, mỹ, ba giá trị vĩnh hằng, trong đó cái mỹ là giá trị cao nhất vì đã bao hàm cả chân và thiện.

Trước nay, các tài liệu lý luận chỉ nhấn mạnh vị trí của văn học nghệ thuật như là một hình thái ý thức xã hội, nhưng văn học nghệ thuật còn là một loại hoạt động thực tiễn. Trong cơ cấu của thẩm mỹ và nghệ thuật cần lưu ý cả hai phương diện ý thứchoạt động. Do đó trong chức năng nghệ thuật, cũng có hai phương diện: ý thức (nghệ thuật, triết học, chính trị, đạo đức, khoa học, tôn giáo) và hoạt động (lao động, đấu tranh, thông tin, tuyên truyền, giải trí, giáo dục và nghệ thuật). Cả hai bình diện đó đều là thực tiễn, theo ý nghĩa rộng nhất của phạm trù này.

Nghệ thuật, khoa học, triết học, tôn giáo,… khởi thủy chỉ là những thành tố trong cái bào thai nguyên hợp của hoạt động thực tiễn. Đó là cực thứ nhất – cực A. Sau hàng vạn năm, các thành tố kia hình thành, đủ khả năng tách ra khỏi cái bào thai đó, để rồi đủ lông cánh bay lượn một mình. Đó là cực thứ hai – cực B. Từ cực thực tiễn nguyên hợp đến cực nghệ thuật thuần túy, là cả một quá trình, với bao chặng đường, tựa như quá trình hình thành của con chim từ cái phôi đầu tiên đến khi hình thành hình hài và mọc lông cánh để bay đi, những chặng trưởng thành đó, nghệ thuật tự đánh dấu bằng những hình thức khác nhau, những hình thức loại thể đầu tiên. Sự tách riêng, phân công đưa đến phân cực đó không chỉ nghệ thuật, mà các hình thái khác cũng vậy, có thể hình dung như sự phân cực giữa lý luận và thực tiễn, một quy luật đã được nhận xét về mặt triết học:

“Với sự phân công lao động thành lao động trí óc và lao động chân tay, lý luận và thực tiễn bị tách ra theo hai cực xã hội khác nhau. Trong khi vẫn tiếp tục lệ thuộc vào nhau và tác động qua lại với nhau, chúng biến thành những hình thức hoạt động xã hội tương đối độc lập. Sự xuất hiện lý luận “thuần túy” với tính cách là một lĩnh vực hoạt động tương đối độc lập và chuyên môn là một trong những bước nhảy vọt cách mạng to lớn nhất trong lịch sử loài người” (Từ điển Triết học, 343, LV nhấn mạnh).

Nhưng đến lúc hoàn tất sự phân công, nghệ thuật trở thành nghệ thuật thuần túy, thì thể nguyên hợp, cấu trúc bào thai vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển dưới dạng nghệ thuật dân gian, nghệ thuật không chuyên, nghệ thuật ứng dụng, cùng tiến song song với nghệ thuật bác học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Do đó, sự phân cực không chỉ là quá trình lịch sử, theo đúng hướng lịch đại, mà còn thể hiện từng ngày từng giờ trong mọi thời đại lịch sử, theo hướng đồng đại. Lấy một hiện tượng cụ thể để chứng minh: trong sáng tạo ngôn từ, hiện tượng “văn sử bất phân”, “văn triết bất phân”, không chỉ thể hiện trong thời Tư Mã Thiên, Ngô Gia văn phái, mà cả trong thời nay, trong Dương Từ – Hà Mậu của Nguyễn Đình Chiểu, trong Người Mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch.

Về mặt lịch sử, cái thẩm mỹ, chức năng thẩm mỹ, kể từ khi hình thành đến khi phân cực, có thể hình dung qua ba thời đại – ba bậc thang mỹ hóa:

  • Thời đại hình thành một chức năng (“thời đại dã man”) – chức năng thẩm mỹ – phi nghệ thuật: Những hòn đá được đẽo, gọt, mài nhẵn đầu tiên, những nét hoa văn đầu tiên trên gốm, những giọng hò lao động, những lời ru, những câu thần chú đầu tiên, với những cấu tạo đầu tiên của tu từ và thành ngữ… tất cả những cái đó tạo nên một loại chức năng mới, chức năng gây khoái cảm, chức năng hình thành mỹ cảm. Có thể nói, cái đẹp chưa có hình thù rõ nét, như con chim còn nằm trong trứng (Việt Nam: thời văn hóa Núi Đọ, khoảng 300.000 năm trước).
  • Thời đại lệ thuộc về chức năng (“thời đại văn minh”) chức năng thẩm mỹ – “nửa nghệ thuật” – “nghệ thuật không tự giác[11]: sự xuất hiện nghệ thuật ứng dụng hai chức năng, chức năng ích dụng và chức năng thẩm mỹ – nghệ thuật, chức năng thứ hai lệ thuộc vào sự chi phối của chức năng thứ nhất. Con người có nhu cầu sử dụng đồ dùng đẹp (sản phẩm thủ công – mỹ nghệ), sử dụng ngôn từ đẹp và gợi cảm đi đôi với nhạc điệu (trong ca dao dân ca, thần thoại…). Cái đẹp đã định hình hoàn chỉnh trong sản phẩm, tác phẩm tiền nghệ thuật (Kinh thi, trống đồng), như con chim ra đời có đủ lông cánh tuy vẫn còn nằm trong tổ – cái tổ nguyên hợp (Việt Nam: thời văn hóa Đông Sơn, khoảng 45.000 năm trước).
  • Thời đại độc lập về chức năng – chức năng nghệ thuật thuần túy: những tác phẩm nghệ thuật ra đời chỉ vì nhu cầu thưởng ngoạn: âm nhạc, hội họa, điêu khắc, thơ ca. Văn tự ra đời tạo điều kiện sáng tạo văn học viết, có ba loại thể văn học: tự sự, trữ tình, kịch. Con chim đã lìa tổ mẹ của nghệ thuật nguyên hợp, tự do bay vào bầu trời sáng tạo (Việt Nam: thời kỳ văn học Lý, thơ thiền, nghệ thuật chèo).

Thế nào là sự phân cực?

Đó là sự phân biệt giữa thực tiễnnghệ thuật: nói đầy đủ hơn, đó là sự phân biệt, sự chia tách thực tiễn – thẩm mỹ – phi nghệ thuật với thực tiễn – thẩm mỹ nghệ thuật thuần túy, đoạn giữa có tính trung gian là thực tiễn – thẩm mỹ – tiền nghệ thuật, nghệ thuật không tự giác.

Capture1 min - Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 3) - Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh

Đó là sự phân biệt hai hình thái đối lập trong sự đồng nhất. (Đối lập giữa phi nghệ thuật và nghệ thuật, nhưng đồng nhất về tính nhận thức, tính thực tiễn, tính thẩm mỹ).

Đó đồng thời là sự vận động có tính quá trình, tiệm tiến, có tính quang phổ, từ cực này đến cực khác. (Các hình thức nửa ích dụng/ nửa nghệ thuật trong giai đoạn quá độ giữa hai cực).

Sự phân cực được diễn đạt như sau:

  1. Theo chiều lịch đại:
  • Cực A: Thời điểm chuyển từ cái thẩm mỹ – phi nghệ thuật đến cái thẩm mỹ tiền nghệ thuật. Về lịch sử, có thể xem đây là “giai đoạn cao của thời đại dã man” (Engels: 1a:131), tức cuối thời tiền sử, đầu thời cổ đại. Về nghệ thuật, xuất hiện những công trình kiến trúc hoàn chỉnh, những chuyện thần thoại hoàn chỉnh, những bài ca hoàn chỉnh.
  • Cực B: Thời điểm chuyển từ cái thẩm mỹ – nghệ thuật lưỡng tính sang cái thẩm mỹ – nghệ thuật đơn tính. Về lịch sử, đó là bước chuyển của sự phân công lao động xã hội: giữa các ngành nghề, giữa lao động trí óc và lao động chân tay, giữa nghệ thuật không chuyên và nghệ thuật chuyên nghiệp. Về nghệ thuật, xuất hiện những nghệ nhân và nghệ sĩ, sáng tác hội họa, âm nhạc, văn thơ phục vụ việc thưởng ngoạn đơn thuần.
  • Giữa hai cực A – B: Từ khi xuất hiện nghệ thuật lưỡng tính các hình thức lưỡng tính dân gian và bác học phát triển và có sự chuyển hóa tiệm tiến để loại nghệ thuật đơn tính có điều kiện ra đời.

Những hệ quả của sự phân cực từ phi nghệ thuật đến nghệ thuật: Nói cách khác, từ sự phân cực trên, đưa tới sự phân cực tương ứng giữa những yếu tố sau đây, nhằm từng bước hoàn thiện đặc trưng của sáng tác nghệ thuật thuần túy – đơn tính:

A: Khách thể hóaB: Chủ thể hóa (từ thực tại khách quan và yếu tố suy lý chiếm lĩnh nội dung nghệ thuật, đến thế giới tinh thần, tình cảm của nghệ sĩ chiếm lĩnh nghệ thuật).

A: Sáng tạo có điều kiệnB: Sáng tạo tự do (sự sáng tạo vì những mục tiêu, nhu cầu thực tế, ích dụng, đến sự sáng tạo tự do).

Capture2 min 1 - Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 3) - Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh

A: Tư duy cụ thể – cảm tính mang tính hình tượngB: Tư duy hình tượng

  1. Theo chiều đồng đại: sự phân cực diễn ra từng ngày từng giờ ngay trong thời đương đại, với ba hình thái sáng tạo đồng hành:
  • Cực A: hoạt động phi nghệ thuật (khoa học, lịch sử, triết học…);
  • Hình thái trung gian quá độ: nghệ thuật lưỡng tính (các thể ký, truyện ký);
  • Cực B: nghệ thuật thuần nhất – đơn tính (tiểu thuyết, thơ trữ tình).

Lịch sử xã hội loài người phát triển từ “dã man” đến “văn minh”, những thành tựu văn hóa – nghệ thuật chính là những đóa hoa nẩy nở trong quá trình đó. Sau hàng chục vạn năm, các hình thức thẩm mỹ – nghệ thuật được nuôi dưỡng lớn dần lên bên cạnh những hoạt động thực tiễn, trong lòng các hoạt động thực tiễn, và vì những chức năng thực tiễn.

Vào cuối “thời đại dã man” (tiền sử) đầu “thời đại văn minh” (chế độ nô lệ), một cuộc chia tay lịch sử trong đời sống tinh thần của nhân loại: nghệ thuật thuần túy đơn tính ra đời, phát triển thành một tuyến riêng và nghệ thuật dân gian lại tiếp tục đi con đường cùng chiều như vậy, cho đến ngày nay. Engels đã miêu tả thời điểm xuất hiện nghệ thuật đơn tính như sau:

“Từ thế hệ này sang thế hệ khác, chính ngay lao động cũng ngày càng nhiều vẻ hơn, hoàn thiện hơn, có nhiều mặt hơn. Thêm vào nghề săn bắn và chăn nuôi thì còn có nông nghiệp; và tiếp theo đó, lại có thêm nghề kéo chỉ, dệt vải, nghề làm kim khí, nghề làm đồ gốm và nghề hàng hải. Cuối cùng, nghệ thuật khoa học ra đời bên cạnh thương nghiệp và công nghiệp; các bộ lạc biến thành những dân tộc và quốc gia; pháp luật và chính trị phát triển, và song song với cái đó, cũng phản ánh một cách ảo tưởng tồn tại của con người vào trong đầu óc con người: tôn giáo”. (Biện chứng của tự nhiên)”.

Sự ra đời của nghệ thuật đơn tính vào thời điểm này cũng được Engels miêu tả trong một tài liệu khác:

“…bài anh hùng ca của Homer và toàn bộ thần thoại, đó là những di sản chính mà người Hy Lạp đã đem từ thời đại dã man chuyển sang cho thời đại văn minh”.

Nhưng chưa hết, từ thời buổi chia tay lịch sử giữa hai dòng nghệ thuật nói trên để có hai con đường phát triển song song, lại xuất hiện một dòng nghệ thuật lưỡng tính khác mang tính chuyên nghiệp ra đời vào thời điểm mà “pháp luật và chính trị phát triển”. Thế là từ thời điểm lịch sử nói trên, không phải hai, mà ba dòng văn học phát triển song hành đến tận ngày nay. Có thể vẽ sơ đồ đó như sau:

Capture3 min - Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 3) - Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh

                                                                                              [12]

1a  : Thời tiền sử, VH dân gian – lưỡng tính.
1b  : Từ thời cổ đại về sau, VH dân gian, lưỡng tính.
2    : Từ thời cổ đại về sau, VH bác học, lưỡng tính.
3    : Từ thời cổ đại về sau, VH bác học, đơn tính.

3.3.   Về tính chất “quang phổ” của chức năng và loại thể trong quá trình phân cực, với sự không dứt khoát của những vùng giáp ranh

Cả hai chiều lịch đại và đồng đại, nhu cầu và chức năng xã hội phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ phức thể đến nguyên hợp, đến chia tách chuyên môn hóa…, cái thẩm mỹ, cái đẹp cũng phát sinh và phát triển tương ứng nhằm thẩm mỹ hóa và nghệ thuật hóa các hoạt động thực tiễn. Đó là một quá trình tiệm tiến để rồi bột phát: các loại hình loại thể văn học nghệ thuật đã xuất hiện dần từng kiểu dạng khác nhau trong quá trình đó. Vì vậy loại hình loại thể vừa là hiện tượng cấu trúc, vừa là hiện tượng lịch sử. Thí dụ (sơ đồ 4):

Capture4 min - Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 3) - Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh

Nhận xét về tính quang phổ từ cực A đến B:

  • Sự tăng dần yếu tố chủ thể.
  • Sự tăng dần yếu tố cá thể.
  • Sự tăng dần yếu tố cảm xúc.
  • Sự tăng dần yếu tố tưởng tượng, hư cấu.
  • Sự tăng dần yếu tố chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa.

(Hoặc ngược lại, sự giảm dần yếu tố khách thể, yếu tố cộng đồng, yếu tố lý tính, yếu tố ghi chép, “biên bản”, yếu tố không chuyên)[13].

Quang phổ và những vùng giáp ranh:

Trong khi phân chia các hình thức sáng tạo, các loại thể văn học nghệ thuật, ta thấy hiện tượng quang phổ, nhưng đồng thời có hiện tượng không dứt khoát, rạch ròi giữa các hình thức, giữa các loại thể. Trước hết, đó là hai đường ranh giới quan trọng giữa phi nghệ thuật với tiền nghệ thuật, giữa tiền nghệ thuật với nghệ thuật thuần túy khi một công trình kiến trúc, một ngôi đền, một tòa nhà, từ vị trí phi nghệ thuật được xem là một công trình nghệ thuật (ứng dụng); khi một bài ca, một câu chuyện kể dân gian, được thoát ra khỏi môi trường phi nghệ thuật để đi vào hàng những sản phẩm nghệ thuật. Cũng như vậy, giữa nghệ thuật ứng dụng lưỡng tính và nghệ thuật thuần túy: khi nào thì một pho tượng, một bức tranh phục vụ tôn giáo được xem là tác phẩm nghệ thuật đơn thuần, và một bài ca dao trữ tình thuộc nghệ thuật dân gian lưỡng tính có thể xếp cùng loại với bài thơ trữ tình đơn tính, vì không thấy chúng khác nhau bao nhiêu, rồi ranh giới giữa thơ tuyên truyền giáo huấn và thơ trữ tình của cùng một nhà thơ, giữa lịch sử ký sự và lịch sử tiểu thuyết,v.v… Tóm lại, trong sự phân giai đoạn, phân cực giữa phi nghệ thuật và nghệ thuật, giữa nghệ thuật lưỡng tính và nghệ thuật đơn tính, cũng như giữa tự sự và trữ tình, giữa ký và truyện v.v… đều không có ranh giới tuyệt đối. Mỗi tác phẩm cụ thể có một cuộc sống cụ thể của riêng nó, vì vậy cần xem xét cụ thể, không thể xem hình thái học là một cái tủ có nhiều ngăn, sản phẩm và tác phẩm nhất thiết phải ấn vào một ngăn nhất định, và không thể thay đổi.

Capture5 min - Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 3) - Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh

Những vùng chuyển hóa đồng tâm từ phi nghệ thuật đến nghệ thuật thuần túy:

  1. Hoạt động thực tiễn – thẩm mỹ – phi nghệ thuật (cực A)
  2. Hoạt động thực tiễn – thẩm mỹ – tiền nghệ thuật, nửa nghệ thuật.
  3. Hoạt động thực tiễn – thẩm mỹ – nghệ thuật thuần túy (cực B)[14].

Phân tích:

  • Tính chất tương đồng của ba vòng đồng tâm: cả ba vùng đều là hoạt động thực tiễn, đều đi theo “quy luật của cái đẹp”.
  • Từ vùng ngoài chuyển vào vùng trong là một quá trình, không có bước chuyển tuyệt đối, rạch ròi, do đó chỉ vẽ những dấu chấm.
  • Từ ngoài vào trong, thể hiện hoạt động từ rộng đến hẹp, càng ít dần về số lượng, càng chọn lọc, gọt giũa về mặt thẩm mỹ; cũng là sự chuyển hóa vật chất vào phi vật chất.

Các tầng hoạt động theo quy luật cái đẹp[15] [16]:

Capture6 min - Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 3) - Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh

Phân tích: Sơ đồ 6 thực chất là một cách diễn đạt khác của sơ đồ 5, theo dạng tháp, nhằm nhấn mạnh cơ sở, nền tảng của cái đẹp và nghệ thuật, sự phát triển từ thấp đến cao và sự tập trung hội tụ những yếu tố thẩm mỹ – nghệ thuật từ cơ sở “hạ tầng” lên dần đỉnh tháp.

Capture7 min - Văn học nghệ thuật & chức năng(Lộ trình khám phá đặc trưng bản chất của văn học nghệ thuật) (Kỳ 3) - Tác giả: Tiến sĩ Lâm Vinh

Sự tăng và giảm từ cực A sang B của hai nhân tố, hai tính năng ích dụng và thẩm mỹ – nghệ thuật:

Lâm Vinh


[1] Từ điển Triết học, NXB Tiến Bộ, Mạc Tư Khoa, trang 96 (Bản tiếng Việt).

[2] Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập I, 1995, trang 545 (LV nhấn mạnh).

[3] Cũng cần phân biệt: Khái niệm đối tượng và chức năng ở đây chỉ dùng trên bình diện rộng. Nghệ thuật là một hình thái ý thức, một loại hoạt động tinh thần – thực tiễn, không sử dụng ở những cấp độ cụ thể (đối tượng, chức năng của một loại thể, một tác phẩm).

[4] Không kể sự tái xuất hiện (từ những năm 60 của thế kỷ XX) những tác phẩm thuộc thế hệ khoa học và nghệ thuật những năm hai mươi, ba mươi, trong đó có tác phẩm trở thành tiền đề cho những luận giải mỹ học (như Tâm lý học nghệ thuật của Vugodskij), đây chủ yếu nhắc đến những nghiên cứu trực tiếp liên quan đến sự ra đời những chức năng nghệ thuật.

Đó là thời kỳ đầu thập niên 70 của thế kỷ XX. Nhờ những thành tựu nghiên cứu liên ngành các khoa học, vận dụng phương pháp hệ thống, những công trình triết học mới ra đời, trên cơ sở vận dụng sáng tạo triết học Mác-Lênin. Bài báo của Kagan: “Kinh nghiệm phân tích theo hệ thống hoạt động của con người” đăng trên tạp chí “Các khoa học triết học” tháng 5-1970, là một cái mốc quan trọng. Từ chỗ phân tích bốn kiểu loại (type) hoạt động cơ bản của con người, là lao động – thực tiễn, nhận thức, giao tiếp, giá trị, ông xem nghệ thuật là một loại hoạt động thứ năm, tổng hợp (mô hình hóa) toàn bộ các hoạt động trên. Từ đó có thể suy ra tính đa chức năng của nghệ thuật. Từ việc dựng toàn bộ hệ thống mô hình nghệ thuật, dựa trên sơ đồ bốn kiểu loại của M. Kagan, L. Xtolovích đã chi tiết hóa thành hệ thống những giá trị nghệ thuật, từ 8 mặt giá trị đó, nảy ra 13, 14 chức năng nghệ thuật.

… Một số công trình khác, như “Nguyên lý lý thuyết chức năng về nghệ thuật” của Marcôv, Phản ánh luân và sáng tạo nghệ thuật của S. Vasiliev, Ký hiệu học và sáng tạo nghệ thuật của Khrapchenko, v.v… đi từ tâm lý học và các khoa học hiện đại khác để nghiên cứu phát hiện các chức năng của nghệ thuật (xem Phụ lục 3).

[5] Lỗ Tấn bàn về mỹ thuật. Trương Vọng, NXB Văn hóa, HN.

[6] Tuy nhiên, quan điểm này của Hegel cũng đã bị Chernyshevskij phản bác. Lược đi quan điểm duy tâm về nội dung của “tinh thần” nội dung “ý niệm tuyệt đối” của cái đẹp, còn lại hạt nhân hợp lý khi Hegel khẳng định cái đẹp cao thấp từ thước đo là sự sáng tạo của chủ thể con người. Nhưng xuất phát từ quan điểm cái đẹp là cuộc sống: bảo vệ quan niệm duy vật, để phản bác quan điểm duy tâm của Hegel. Chernyshevskij cho rằng: “Những sáng tác nghệ thuật đều thấp hơn cái đẹp trong hiện thực không chỉ vì ấn tượng do hiện thực gây ra sinh động hơn là ấn tượng do những sáng tác nghệ thuật gây ra: những sáng tác nghệ thuật còn thấp hơn cái đẹp trong hiện thực cả về phương diện thẩm mỹ nữa” (30:172). Luận điểm này có ý nghĩa đấu tranh triết học nhiều hơn là lý luận về nghệ thuật.

[7] Ba bậc thang thẩm mỹ hóa sẽ được thể hiện thành sơ đồ ở ba dạng:

  • Sơ đồ đường trục có ba đoạn, ba bậc thang.
  • Sơ đồ vòng tròn đồng tâm có ba vòng đồng tâm.
  • Sơ đồ hình tháp có ba tầng tháp.

Cả ba dạng sơ đồ đều cùng diễn đạt một ý chung về ba bậc mỹ hóa, với những ranh giới (sử dụng những dấu chấm) không thật dứt khoát. Sơ đồ có tính chất mô hình này sẽ được lặp lại một số lần để trình bày các thông số được phân thang tương ứng với nhau (Thí dụ: bậc 1 về chủ thể TM tương ứng với bậc 1 về cảm xúc thẩm mỹ).

[8] Lịch sử Việt Nam, tập 2. NXB KHXH, tr. 255.

[9] Trường thẩm mỹ: “Trường” là khái niệm mượn từ vật lý học (magnetic fiel/champ magnétique). Từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX, giới mỹ học sử dụng từ này để nói về quy luật thẩm mỹ hóa phổ biến trong mọi mặt hoạt động của con người (xem công trình của A. Iliatđi (16) và các công trình khác).

Hệ sinh thái thẩm mỹ là từ do tác giả cuốn sách này mạo muội sử dụng đầu tiên trong cuốn sách “Đi tìm cái đẹp” (33).

[10] Cái thẩm mỹ là phạm trù mỹ học khái quát nhất trong số các phạm trù mỹ học vì nó phản ánh thuộc tính chung của các loại phạm trù thẩm mỹ khác nhau, trong đó cái đẹp được xem là một phạm trù trung tâm, có nghĩa hẹp hơn cái thẩm mỹ; nghệ thuật là phạm trù còn có ý nghĩa hẹp hơn nữa. Đó là quan niệm chặt chẽ về hệ thống phạm trù mỹ học, nhưng trong thực tế thường có sự sử dụng linh hoạt, có khi không phân biệt ba phạm trù đó. Vậy còn tùy văn cảnh cụ thể để xác định ý nghĩa.

[11] “Tiền nghệ thuật” là chữ dùng của Hegel, “nửa nghệ thuật” và “nghệ thuật không tự giác” là chữ dùng của Mác, sẽ nói rõ hơn và chú thích ở chương sau.

[12] Tính từ khi bắt đầu có nhà nước chiếm nô.

[13] Ở đây chủ yếu miêu tả, minh họa về tính quang phổ; ngoài ra, không đảm bảo việc sắp xếp trình tự các hình thức thể loại theo đường trục như trên là chính xác hoàn toàn, do các thể loại được hiểu và vận dụng hết sức linh hoạt trong thực tế.

[14] Sơ đồ này trùng hợp với sơ đồ của M. Kagan (17), nhưng M. Kagan lại chú thích đơn giản hơn: “Hoạt động thực tiễn của con người trong tất cả các hình thức của nó”.

[15] “Những hình thức pha trộn – hoạt động nghệ thuật – ích dụng”.

[16] “Hoạt động nghệ thuần túy”.

Chúng tôi đưa hai khái niệm “thực tiễn” và “thẩm mỹ” vào cả ba vùng 1, 2, 3 để xác định tính đồng tâm của ba vùng, vì hoạt động thực tiễn không chỉ ở vùng 1. (Như trong chú thích của Kagan).

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây