AN GIANG – Dài 87 km, rộng 30 m, đào tay mất 5 năm với hơn 80.000 nhân công, Vĩnh Tế là kênh đào lớn nhất Việt Nam thời phong kiến 200 năm trước.
Buổi chiều, già Sáu Nô (70 tuổi, Phú Nhứt, An Phú, Tịnh Biên) lội bộ ra mé kênh Vĩnh Tế phía trước nhà ngó nghiêng mực nước. Đang mùa khô nên nước bỏ bãi khá xa. Nhìn dòng kênh đục ngầu chảy lờ đờ, ông Sáu quyết định đợi buổi chiều nước lớn mới bơm vào các bể nhựa nuôi lươn trong vườn. Đàn lươn 5.000 con ông mới gầy được vài tháng, dự kiến sau 8-9 tháng xuất bán lứa đầu tiên.
“Bây giờ nước sông ô nhiễm phân thuốc dữ lắm nên phải cẩn thận cho chắc ăn”, ông nói.
Ông Sáu Nô bên bờ kênh Vĩnh Tế, mô tả lại mực nước những năm lũ lớn. Ảnh: Hoàng Nam
Ông Sáu là dân cố cựu tại địa phương, từ đời ông cố đến thời các cháu đều bám vào doi đất cặp kênh Vĩnh Tế làm kế mưu sinh. Những năm 1990 trở về trước, vào mùa khô lòng kênh Vĩnh Tế có đoạn nông đến nỗi trơ cồn cát, chỉ cần xắn quần lội qua được. Còn vào mùa lũ, nước ngập mênh mông, “bò” đến chân nhà sàn. Ngày đó, đất hai bên bờ kênh bỏ hoang nhiều, người dân chủ yếu chỉ làm lúa mùa mỗi năm một vụ, năng suất chỉ đủ ăn.
Trong ký ức của lão nông, thời đó cuộc sống dù không đầy đủ, nhưng cá tôm quanh năm không thiếu. Tôm, cá lóc, cá bông mỗi lần bắt 4-5 ký là bình thường, cá linh đi từng đàn dài cả cây số, chỉ cần đặt “bò” (loại ngư cụ bằng tre) xuống kênh mỗi ngày thăm một lần là cá ăn không hết. Cá nhiều đến mức mỗi bận trời mưa, sấm chớp, từng đàn lớn giật mình quẩy nước kêu rần rần.
Nước sông thời đó chưa bị ô nhiễm nhiều, người dân sống ven đôi bờ chỉ cần múc vô lu, lấy phèn bỏ vô lọc lắng là có thể dùng nấu ăn. Năm 2000, tuyến dân cư tại ấp Phú Nhứt hình thành. Tiếc căn nhà sàn gỗ còn mới, ông nhờ “thần đèn” dời cả căn nhà lên tuyến, cách nhà cũ 60 m. Ở tuổi xưa nay hiếm, 6 ha đất lúa ông đã chia cho 4 người con cùng 7 cháu ngoại.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã An Phú, cho hay kênh Vĩnh Tế đi qua địa bàn ấp Phú Nhứt, Phú Tân, dài trên 4,5 km. Toàn xã có trên 400 ha lúa hai vụ lẫn cây ăn trái. Mỗi năm vào mùa khô, do tàu thuyền đi lại khó khăn vì lòng kênh cạn, lái lúa phải thuê tàu cỡ nhỏ trung chuyển lúa, nên thu mua của nông dân thấp hơn.
“Tàu, ghe mắc cạn phải chờ 6-7 tiếng nước lớn mới đi được, có trường hợp ghe chở lúa mắc cạn, lật ngang, toàn bộ lúa đổ hết xuống sông”.
Kênh Vĩnh Tế đoạn qua xã An Phú, phía bên trái kênh là nhánh kênh dẫn dòng khi kênh chính bị rút nước để phá đá ngầm. Ảnh: Hoàng Nam
Cách nhà ông Sáu gần một km, những ngày cuối tháng 4, dự án nạo vét kênh Vĩnh Tế đang ở giai đoạn cuối, chỉ còn lại khoảng 4 km. Công trình có tổng vốn 200 tỷ đồng cho 46 km đoạn kênh cần nạo vét, sau cải tạo đảm bảo đáy kênh rộng 35 m, sâu 3,5m, tổng chiều sâu kênh 7 m.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp An Giang, nói thực tế phần gay go nhất của dự án chỉ có hai km. Bởi đoạn kênh qua địa bàn xã An Phú (Tịnh Biên) phía dưới có nhiều đá ngầm. Đơn vị thi công phải đào một con kênh khác rộng 20 m, song song đoạn kênh này cho tàu bè đi tạm, sau đó đắp hai đầu kênh ngăn dòng, rút sạch nước.
Nhiều phương án phá đá được đưa ra, trong đó kế hoạch cuối cùng dùng đến thuốc nổ. Tuy nhiên, dưới lòng kênh chủ yếu là đá non, cát kết, nên việc phân nhỏ đá đem đi sẽ đỡ tốn kém hơn. Ban đầu, đơn vị thi công dùng máy xúc cạp đá dời đi nhưng không được, sau đó phải đổi sang phương án gắn đầu búa vào máy xúc phá đá.
“Chỉ riêng đoạn hai km mà phải mất gần một năm mới xong, thế mới thấy công sức của tiền nhân gần 200 năm trước ra sao”, ông Du nói.
Ngược dòng lịch sử, theo tác giả Nguyễn Văn Hầu trong sách Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, quan trấn thủ trấn Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) là người trực tiếp chỉ huy việc đào kênh Vĩnh Tế.
Để làm cho con kinh được thẳng, người xưa đợi lúc ban đêm, rẽ sậy rạch hoang, đốt đuốc trên đầu những cây sào rồi nhắm theo đường thẳng mà cắm. Muốn điều khiển những cây “sào lửa” ấy cho thật ngay hàng, nhóm thợ cầm một cây rọi to, đứng trên cao phất qua phất lại ra hiệu cho người cầm sào tìm đúng vị trí.
Kênh Vĩnh Tế chảy qua địa phận tỉnh An Giang và Kiên Giang. Đồ hoạ: Khánh Hoàng
Việc đào kênh mất đến 5 năm, từ tháng Chạp năm 1819 đến tháng 5 năm 1824 được chia làm ba giai đoạn. Tổng cộng phải huy động đến hơn 80.000 người. Kênh dài 87 km, độ rộng trung bình 30 m, độ sâu trung bình khoảng 2,55 m. Trừ những đoạn sông rạch sẵn có, phần kênh phải đào mới là 37 km.
Để thúc đẩy tiến độ, nhà chức trách có khi bắt dân binh phải làm thâu đêm. Có những đoạn gần chân núi, đất toàn đá sỏi, phải dùng thuổng sắt lưỡi dày dùng vồ đóng xuống để đào. Có nhiều vụ do buồn ngủ vì phải làm đêm, những người thợ lạc tay đập chày vồ vào đầu nhau mà chết.
Ngoài ra còn nạn cọp rình bắt người, rắn độc nhiều, bệnh tật, nhiều người đã bỏ trốn. Ai bị bắt trở lại sẽ bị phạt làm khổ sai liên tục trên công trường. Những người may mắn thoát mà lạc vào rừng thì cũng chắc chết vì đói và làm mồi cho thú dữ.
Thời đó cá mập trên sông Vàm Nao còn nhiều. Những người đào tẩu đợi đêm khuya, họp thành nhóm đông, mỗi người ôm một cây chuối làm ống nổi rồi nhảy ào xuống nước một lượt mà lội để cho cá không ăn kịp. Vậy mà, cứ mười người chỉ còn sống sót được có năm ba và có khi tay chân còn bị cụt mất.
Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua cho đúc Cửu đỉnh để làm quốc bảo và tượng trưng cho sự miên viễn của hoàng gia, hình kênh Vĩnh Tế được chạm khắc trên Cao đỉnh. Bà Châu Thị Tế, vợ Thoại Ngọc Hầu thuộc dòng họ Châu Vĩnh, vì công lao giúp chồng đào kênh, cũng được vua đặt tên kênh.
Kênh Vĩnh Tế đoạn đầu giáp với sông Châu Đốc. Ảnh: Hoàng Nam
Quê ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định, kênh Vĩnh Tế không chỉ mang nước ngọt kèm phù sa vun đắp cho ruộng đồng An Giang, mà còn cho cả vùng tứ giác Long Xuyên và toàn bộ diện tích tiếp giáp Campuchia. Từ đó, nhiều địa phương mở rộng dần diện tích trồng lúa. Trước đây, khi chưa có đường bộ, thương lái muốn vào tận vùng sâu, vùng xa thu mua nông sản đều phải qua kênh này.
Ngoài vai trò chiến lược quốc phòng, kênh Vĩnh Tế còn là tuyến đường thủy huyết mạch giao thương hàng hóa từ TP Châu Đốc đến TP Hà Tiên, hàng hóa từ nước ngoài từ đó cũng thuận tiện vào Việt Nam.
“Yếu tố tiên quyết để giúp một quốc gia phát triển là giao thông thuận lợi, điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược của bậc tiền nhân hàng trăm năm trước khi đào kênh Vĩnh Tế”, GS-TS Võ Tòng Xuân nói.
Sau 198 năm, phù sa kênh Vĩnh Tế tiếp tục theo chân người, vun bồi cho cuộc sống miền biên viễn An Phú theo đúng nghĩa đen. Một dự án tuyến dân cư đang hình thành, nền hạ được bồi từ 120.000 tấn bùn đất tận thu trong quá trình nạo vét kênh.
“Sau khi tuyến này hoàn thành, chúng tôi tiếp tục đầu tư hạ tầng để hỗ trợ gần 300 hộ dân còn lại đang sống ven bờ kênh”, Phó chủ tịch UBND xã An Phú nói.
Hoàng Nam