Giới thiệu khái quát thị xã Hà Tiên

Giới thiệu khái quát thị xã Hà Tiên

Giới thiệu khái quát thị xã Hà Tiên

Thị xã Hà Tiên thuộc Tỉnh Kiên Giang, được thành lập theo Nghị định 47/1998/NĐ-CP ngày 08/7/1998 của Chính phủ, trên cơ sở tách ra từ huyện Hà Tiên cũ.
Thị xã Hà Tiên nằm về hướng Tây – Bắc của tỉnh Kiên Giang. Phía Bắc giáp Campuchia, phía Đông giáp huyện Giang Thành, phía Nam giáp huyện Kiên Lương, phía Tây giáp huyện đảo Phú Quốc và vịnh Thái Lan, có đường biên giới trên đất liền dài 13,7 km, đường bờ biển dài 26 km. Thị xã Hà Tiên là một dải đất có vị trí nằm nơi cửa sông, ven biển, có nhiều dạng địa hình như: vũng, vịnh, đồng bằng, đồi núi, sông rạch, hang động, hải đảo… Thị xã có 09 di tích được công nhận trong đó có 05 di tích cấp Quốc gia và 04 di tích cấp Tỉnh. Là trọng điểm về du lịch của tỉnh Kiên Giang và vùng Tây Nam bộ.

Thị xã Hà Tiên có 03 dân tộc chính là Kinh – Khmer – Hoa. Đây là vùng đất có bản sắc văn hóa rất đặc thù và đa dạng, được hình thành cách đây hơn 300 năm, gắn liền với tên tuổi dòng họ Mạc. Khi Mạc Cửu đến khai phá và quy phục Chúa Nguyễn ở Đàng trong vào năm Mậu Tý – 1708 và được Chúa Nguyễn Phúc Chu sắc phong làm Tổng binh Trấn Hà Tiên, tước Cửu Ngọc Hầu và người kế vị là Mạc Thiên Tích – con trai trưởng của Mạc Cửu, đã xây dựng Hà Tiên thành một vùng đất trù phú, phố thị sầm uất, giao thương với nhiều nước, đời sống người dân ấm no, an lạc. Hơn thế nữa, Mạc Thiên Tích còn thành lập và làm Chủ soái Tao đàn Chiêu Anh Các quy tụ nhiều học sĩ, thi nhân đến làm thơ, xướng họa. Đây là Tao đàn được các nhà nghiên cứu lịch sử văn học đánh giá là Tao đàn lớn thứ hai, sau Tao đàn Nhị thập bát tú của Vua Lê Thánh Tông lúc bấy giờ.  

 HA%20TIEN%20XUA - Giới thiệu khái quát thị xã Hà Tiên

Hình ảnh: Hà Tiên xưa

Đã từ lâu, Hà Tiên luôn là một địa chỉ thân thuộc đối với ai yêu lịch sử – văn hóa, đất nước và con người Nam Bộ. Hà Tiên – miền biên thùy tận cùng phía Tây Nam của tổ quốc, tuy địa dư không lớn lắm, nhưng được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan tươi đẹp và thơ mộng đã đi vào thơ ca, tiêu biểu là tác phẩm Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích: 

“ Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình,

Non non nước nước gẫm nên xinh.

Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy,

Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh.

Tiêu Tự, Giang Thành, chuông trống ỏi,

Châu Nham, Kim Dự cá chim quanh.

Bình San, Thạch Động là rường cột,

Sừng sựng muôn năm cũng để dành ”.

Và một trong những người con ưu tú của mảnh đất Hà Tiên – nhà thơ Đông Hồ đã miêu tả nét đẹp của thiên nhiên Hà Tiên: “Ở đây kỳ thú thay có như hầu đủ hết ! Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng Sơn, một ít đảo đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có một ít núi đá vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, một ít lăng tẩm của Phú Xuân. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng ; một ít Nha Trang, Long Hải”…Tất cả đã tạo nên một Hà Tiên xinh đẹp, yên bình, có sức thu hút, hấp dẫn du khách gần xa. Hàng năm, Hà Tiên đón gần 2 triệu lượt du khách đến tham quan, hành hương chiêm bái các chùa chiền và nghỉ dưỡng.

 DONG%20HO%20TOAN%20CANH%202 - Giới thiệu khái quát thị xã Hà Tiên

Hình ảnh: Đông Hồ toàn cảnh

Ngoài ra, Hà Tiên còn là cửa ngõ đường biển đến một số nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Maylaysia,…Thị xã Hà Tiên đang triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi khu kinh tế cửa khẩu, có cửa khẩu Quốc tế nằm tiếp giáp với Campuchia cả trên đất liền và trên biển, cách tỉnh Campốt 60km và cảng Kép 20km (của Vương quốc Campuchia); rất thuận lợi trong việc phát triển kinh tế biên mậu với Campuchia, hoặc quan hệ với Thái Lan qua đường thuỷ, đường bộ (theo tuyến đường xuyên Á); khoảng cách từ Hà Tiên đến đảo Phú Quốc dài 45km, đến khu công nghiệp Ba Hòn – Hòn Chông (huyện Kiên Lương) dài 20km, cách thành phố Rạch Giá và thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang khoảng 90km, cách Thành Phố Hồ Chí Minh khoảng 340km. Từ đó có thể khẳng định: vị trí địa lý của Hà Tiên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nội địa liên huyện, liên vùng và xuất nhập khẩu với các nước trong khu vực. 

          Về hành chính, thị xã Hà Tiên có diện tích tự nhiên là 10.048,83 ha (đất nông nghiệp 7.475,96 ha, chiếm tỷ lệ 74,40%; đất phi nông nghiệp 2.370,59 ha, chiếm tỷ lệ 23,59%; nhóm đất chưa sử dụng 202,29 ha, chiếm 2,01%, chủ yếu đất bãi bồi có mặt nước ven biển, núi đá không có rừng cây). Thị xã Hà Tiên được chia thành 04 phường là Tô Châu, Pháo Đài, Đông Hồ, Bình San và 03 xã là Mỹ Đức, Thuận Yên và Tiên Hải (riêng xã đảo Tiên Hải bao gồm 14 đảo, còn gọi là quần đảo Hải Tặc). Dân số toàn thị xã có 49.011 ngườì, cùng với 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer sinh sống từ rất lâu đời, trong đó dân tộc Kinh chiếm 84,8% tương đương 41.561 người, dân tộc Khmer chiếm 12,05% tương đương với 5.906 người, dân tộc Hoa chiếm 12,96% tương đương 6.352 người, dân tộc khác chiếm 0,19% dân số tương đương 93 người. 

          Về khí hậu: Thị xã Hà Tiên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, được chia thành 02 mùa rõ rệt là mùa mưa và mưa khô. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

  • Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình năm khoảng 27oC – 27,5oC; nhiệt độ bình quân cao nhất 31,1oC, nhiệt độ bình quân thấp nhất 24,4oC;  chênh lệch nhiệt độ trung bình các tháng không quá 3oC.
  • Mưa: Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.100 mm/năm, số ngày mưa 26 – 170 ngày.
  • Nắng: Số giờ nắng trung bình hàng năm xấp xỉ 2400 giờ; mùa khô trung bình 7 giờ nắng/ngày, mùa mưa trung bình 6,4 giờ nắng/ngày.
  • Gió: Có 2 hướng chính là gió mùa Đông Bắc mang theo thời tiết se lạnh; gió mùa Tây Nam mang theo thời tiết nóng, ẩm và mưa giông.
  • Bão: Ít xảy ra bão ảnh hưởng trực tiếp.
  • Độ ẩm: Độ ẩm trung bình hàng năm từ 80- 82%.

          Về thủy văn:

  • Biên độ triều cường đạt 1,1m; biến thiên từ 0,5 đến 1m 
  • Biên độ triều kém từ 0,2 đến 0,5m.

          Trong những năm qua, kinh tế – xã hội thị xã Hà Tiên phát triển khá ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 18%, GDP bình quân đầu người đạt 64.059 triệu đồng/năm (tương đương 2.912 USD). Tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế là: Thương mại – dịch vụ – du lịch chiếm 65,02%, công nghiệp – xây dựng chiếm 18,06%, nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 16,93%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hiện còn 1,00%, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,04% (theo tiêu chí mới). Hộ sử dụng nước sạch đạt 96% và hộ sử dụng điện đạt 98% so tổng số hộ. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm và ổn định.

Hiện nay, Thị xã Hà Tiên đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển và chỉnh trang đô thị, nhưng nhìn chung vẫn còn giữ được nhiều nét hoang sơ; hệ thống đền, chùa, lăng tẩm vẫn mang nét cổ kính. Người Hà Tiên vốn có bản chất hiền lành, chất phác, tôn trọng nghĩa tình và mến khách, trong sinh hoạt hàng ngày vẫn còn giữ được nét ôn hòa, từ tốn. Tất cả những điều đó đã tạo cho Hà Tiên một khung cảnh thanh bình, thơ mộng. Đây là những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của đất nước – con người Hà Tiên, đã bao đời người dân nơi đây luôn trân trọng, giữ gìn và phát huy, làm nền tảng phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. 
toancanhhatien - Giới thiệu khái quát thị xã Hà Tiên

Hình ảnh: Toàn cảnh Thị xã Hà Tiên

Gần 15 năm, kể từ khi thị xã Hà Tiên được thành lập đến nay, là một chặng đường tương đối dài, nhưng so với yêu cầu xây dựng và phát triển để Hà Tiên trở thành một đô thị hiện đại, văn minh thì mới chỉ là những bước đi ban đầu. Tuy vậy, những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Hà Tiên phấn đấu đạt được đến hôm nay thật đáng tự hào. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng, là nguồn cổ vũ động viên rất lớn để Đảng bộ và nhân dân Hà Tiên tiếp tục phát huy và xây dựng Thị xã trở thành Thành phố văn hóa du lịch Xanh – Sạch – Đẹp, với những nét đặc trưng riêng biệt, xứng đáng với công sức và mong muốn của các bậc tiền nhân, bao thế hệ lãnh đạo đã gầy dựng, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây