Xã hội hóa nguồn lực cho phục hồi thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu

Xã hội hóa nguồn lực cho phục hồi thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu

Toàn cảnh buổi Hội thảo Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Xã hội hóa nguồn lực cho phục hồi thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu là một trong những giải pháp được đưa ra để khắc phục những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nước ta.

Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu

Ngày 20/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SWV), Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) và Trung tâm Nghiên cứu Quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN) tổ chức Hội thảo: “Xã hội hóa nguồn lực cho phục hồi thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam khẳng định Việt Nam là quốc gia có đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, Việt Nam đồng thời cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

2 - Xã hội hóa nguồn lực cho phục hồi thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậuHệ thống nước tưới tiêu tại Tây Nguyên cạn kiệt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu của PanNature cho thấy, Việt Nam xếp hạng 127/182 quốc gia rất dễ bị tổn thương trên thế giới trước biến đổi khí hậu; đứng thứ 13/180 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu toàn cầu của Germanwatch giai đoạn 2000-2019.

Cùng với đó, mất mát đa dạng sinh học cũng là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Tình trạng gia tăng dân số, nhu cầu đời sống ngày càng tăng cao, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội đã chia cắt, phân mảnh và làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, đẩy nhiều loài động thực vật hoang dã đến bờ tuyệt chủng.

Theo báo cáo “Đánh giá đa dạng sinh học tại Việt Nam” do WWF thực hiện năm 2021 cho thấy hiện có khoảng 21% các loài thú, 6,5% các loài chim, 19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 38% các loài cá và 2,5% các loài thực vật bậc cao đã bị đe dọa. Trong gần 20 năm trở lại đây, các khu vực có rừng là sinh cảnh bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.544km2 diện tích đất rừng đã bị mất, chủ yếu do chuyển đổi thành đất rừng trồng và đất trồng cây ăn quả. Khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên cũng đã bị mất.

3 1 - Xã hội hóa nguồn lực cho phục hồi thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậuNhiều diện tích rừng tự nhiên tại Việt Nam bị khai thác trái phép.

Mặt khác, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí và rác thải nhựa ở các khu vực đô thị cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Ô nhiễm và suy giảm chất lượng môi trường sống cũng đang diễn ra ở khu vực nông thôn khi nguồn nước và đất đai bị tác động mạnh mẽ do các phương thức canh tác lạm dụng hóa chất nông nghiệp, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững…

Theo số liệu của PanNature, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới do phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch để phát điện, giao thông đông đúc và công nghiệp hóa. Khí thải nhà kính ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030 với với năm 2010.

Ô nhiễm môi trường gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng cũng như các vấn đề kinh tế-xã hội và hệ sinh thái. Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, ô nhiễm không khí đứng thứ 5 trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong và tàn tật tại Việt Nam.

Xã hội hóa nguồn lực để phát triển bền vững

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng: Để giải quyết các thách thức thời đại này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực khác nhau bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước. Xã hội hóa và huy động các nguồn lực bên ngoài có thể đóng góp vào các giải pháp môi trường.

Bên cạnh đó, sự tham gia đóng góp của xã hội cũng giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của các vấn đề môi trường và thúc đẩy họ hành động. Chính vì vậy, chủ trương xã hội hóa đã được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách khác nhau về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên của Đảng và Nhà nước ta.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển-CCD), những năm vừa qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực nhằm hạn chế suy thoái và bảo tồn các hệ sinh thái, loài và vùng cảnh quan có giá trị thông qua việc ban hành chính sách, chiến lược và quy định về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, biển và giá trị đa dạng sinh học.

4 min 59 - Xã hội hóa nguồn lực cho phục hồi thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậuTiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển) trình bày tại hội thảo.

Tuy nhiên, suy thoái đa dạng sinh học vẫn đang là một thách thức rất lớn, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của cả xã hội bao gồm nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng, các doanh nghiệp và hỗ trợ quốc tế. Do đó, để có được nguồn lực cần thiết cho quản lý, bảo tồn hiệu quả các giá trị đa dạng sinh học sẽ cần có một chiến lược cụ thể về cách huy động các nguồn lực cần thiết để thực hiện và duy trì các hoạt động bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái, loài đã bị suy thoái một cách kịp thời và hiệu quả nhất.

Nói về những bất cập của nguồn lực, tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà cho rằng đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học và đặc biệt là phục hồi các hệ sinh thái, phục hồi các loài nguy cấp cần nguồn lực lớn và thời gian dài.

“Mặc dù cần đầu tư lớn và lâu dài, song các kết quả thường khó có thể đo tính được một cách cụ thể, rõ ràng trong ngắn hạn. Chính vì thế, đối với các nước nghèo, nước đang phát triển thì các chi phí đó khó có thể được ưu tiên do nguồn lực đang được dành cho các hoạt động khác như hạ tầng, y tế, giáo dục, phát triển nông thôn”, chuyên gia nhận định.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà kiến nghị, đầu tư cho đa dạng sinh học cần mang tính lâu dài và cần chiến lược dài hơi có tính linh hoạt cao tạo cơ hội cho tất cả các bên tham gia đóng góp, đầu tư. Việt Nam cần tận dụng tối đa các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế; tạo cơ chế khuyến khích, huy động sự tham gia của người dân Việt Nam và khối doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học thông qua các mô hình hợp tác công-tư trong quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.

5 - Xã hội hóa nguồn lực cho phục hồi thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậuTheo Giám đốc CCD, Việt Nam cần tận dụng tối đa các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế; tạo cơ chế khuyến khích, huy động sự tham gia của người dân Việt Nam và khối doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học thông qua các mô hình hợp tác công-tư trong quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.

Cũng theo Giám đốc CCD, các cơ chế mới có thể là các hình thức chi trả dịch vụ hệ sinh thái ngoài hệ sinh thái rừng, chính sách khuyến khích đóng góp phần phụ trội thuế của cá nhân và doanh nghiệp cho đa dạng sinh học, các cơ chế chứng chỉ, tín chỉ đa dạng sinh học, tiếp cận thị trường tín chỉ carbon, cơ chế hoán đổi nợ cho bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trái phiếu xanh, tín dụng xanh và thiết lập các quỹ về đa dạng sinh học như: Quỹ bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, quỹ cứu trợ loài…

Trong khi đó, đại diện Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao cho rằng nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động trồng rừng hiện nay rất lớn, song chưa đủ hành lang pháp lý cho các đơn vị thực hiện chức năng vận động để trồng và phục hồi rừng.

Điển hình như trong Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về “vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo” không quy định rõ loại hình xã hội hóa này.

6 min 52 - Xã hội hóa nguồn lực cho phục hồi thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậuToàn cảnh hội thảo.

Đối với nguồn lực huy động cho trồng và phục hồi rừng từ tổ chức quốc tế để phục hồi rừng cũng rất tiềm năng, tuy nhiên việc phê duyệt các khoản hỗ trợ này đối với doanh nghiệp là rất khó khăn, mất thời gian và chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.

Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao đề nghị cần có chính sách khuyến khích người dân trồng và phục hồi rừng bằng cây bản địa để bảo đảm thu nhập cho người dân về lâu dài nhưng cũng tăng cường khả năng phòng hộ của rừng. Chuyển đổi rừng trồng ngắn ngày (keo, tràm) sang trồng cây bản địa với mục đích phục hồi rừng vào diện được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng (hiện chỉ có người dân trồng và giữ rừng trong lưu vực có thủy điện, khai thác nước sạch, du lịch, cơ sở sản xuất kinh doanh gây phát thải khí nhà kính… mới được hưởng chính sách này)…

Cũng tại hội thảo, các đại biểu tại cho rằng, nhờ có xã hội hóa nguồn lực của cộng đồng và doanh nghiệp mà Nhà nước đã giảm được rất nhiều chi phí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường, cái được lớn nhất là làm thay đổi được nhận thức, hình thành ý thức trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường của nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cả cộng đồng.

Do đó, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động tham gia xã hội hóa; trong đó, đa dạng hóa nội dung, phương thức truyền thông, hỗ trợ thông tin, tài liệu; tuyên truyền các mô hình, điển hình tiên tiến tham gia xã hội hóa.

Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp liên quan đến hoạt động xã hội hóa nguồn lực cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học bảo đảm đồng bộ, công khai, minh bạch. Cùng với đó, cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động xã hội hóa; làm rõ quyền, lợi ích và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa.

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây