Xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân bên cạnh Bộ đội cụ Hồ – Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai 

Nhà văn Phùng Văn Khai 

Nhà văn Phùng Văn Khai (bìa trái) và Nhà văn Nguyễn Thế Hùng (bìa phải).

Trong khoảng hai mươi năm trở lại đây, sự phát triển phong phú của văn học đã và đang tạo ra những hình tượng mới đặc sắc, thể hiện sinh động bản chất của cuộc sống thời hội nhập. Đất nước ta đã vượt qua một thời chủ quan, duy ý chí, quan liêu, khinh suất thời bao cấp, từng bước phát triển hội nhập bền vững, tiềm lực đất nước, vị thế dân tộc được nâng cao. Cơ hội đổi mới của nền văn học, trách nhiệm của giới cầm bút được đặt ra quyết liệt và toàn diện hơn. Từ những điểm căn bản ấy, đã nảy sinh những hình tượng văn học mới trong đó có hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân bên cạnh hình tượng quen thuộc Bộ đội cụ Hồ. Điều này vừa góp phần khẳng định sự trưởng thành mới của một nền văn học đúng định hướng, vừa khẳng định và xác lập những giá trị cao quý hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân trong cuộc sống sôi động và phức tạp hôm nay.

Rất nhiều nhà văn lão thành và các thế hệ kế tiếp đã từ lâu bước vào địa hạt xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân và có được những tác phẩm giá trị như Hữu Mai, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Nguyễn Quang Sáng, Hồ Phương, Ma Văn Kháng, Lê Tri Kỷ, Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Nguyễn Như Phong, Hữu Ước, Trần Diễn, Phạm Quang Đẩu, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Di Li… Chính đội ngũ đông đảo này đã góp phần tạo dựng nền tảng để xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân vừa phong phú vừa sống động. Những tác phẩm như Ông cố vấn (Hữu Mai); Sao đen (Triệu Huấn); X30 phá lưới (Đặng Thanh); Bên kia cổng trời (Ngôn Vĩnh); Đội công an số 6 (Văn Phan); San Cha Chải (Ma Văn Kháng); Yêu tinh (Hồ Phương); Sát thủ online (Nguyễn Xuân Thủy); Phiên bản (Nguyễn Đình Tú)… trong đó nhiều tác phẩm văn học đã được chuyển thể sang các loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, phim truyền hình, kịch sân khấu… để lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh người chiến sĩ Công an Nhân dân trong thời kỳ mới. Từ đó đã dần dần hình thành dòng văn học về đề tài an ninh, trật tự và hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân ngày càng phong phú, đậm nét trong đời sống văn học.

Nha van Phung Van Khai voi cac nha van Cong an Quan doi - Xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân bên cạnh Bộ đội cụ Hồ - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai Nhà văn Phùng Văn Khai (ngoài cùng bìa phải) với các nhà văn công an, quân đội.

Trước đó và cả hiện nay, với đặc thù của các cuộc chiến tranh vệ quốc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hình tượng Bộ đội cụ Hồ đã từ lâu ăn sâu bám rễ trong đời sống văn học nghệ thuật với tất cả những ưu việt, toàn diện từ những hi sinh mất mát tới cuộc sống hậu chiến nhiều cam go, thách thức. Ở đâu và khi nào, hình tượng Bộ đội cụ Hồ trong văn học nghệ thuật cũng là hình tượng cao quý, biểu hiện sâu sắc đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Hễ nhắc đến hình tượng Bộ đội cụ Hồ là nhắc đến những phẩm chất cao đẹp, trân quý nhất. Không thể và chưa bao giờ hình ảnh Bộ đội cụ Hồ xuất hiện trong văn học theo hướng phản diện, méo mó, xấu xa. Điều này cũng là một đặc tính dường như bất biến của các sáng tác về Bộ đội cụ Hồ.

Chính vì thế, từ khi Chi hội Nhà văn Công an được thành lập (14/4/1997) đã hình thành nên một đội ngũ tương đối mạnh của các cây bút công an viết về chính lực lượng mình. Ngay như các nhà văn quân đội cũng rất nhiều người chuyển sang viết về lực lượng công an. Điều này như một tất yếu bởi sức hấp dẫn của đề tài. Nếu đề tài Bộ đội cụ Hồ tương đối đóng khung thì dường như đề tài Công an Nhân dân luôn được mở ra rất nhiều biên độ. Đây vừa là thuận lợi đồng thời cũng là khó khăn với người theo dòng văn học đề tài Công an Nhân dân. Các nhà văn sẽ viết như thế nào đây khi có quá nhiều những vụ việc nổi cộm liên quan đến ngành nghề nhạy cảm thường gắn với tiêu cực, tham ô, tham nhũng, buôn lậu, chạy án, rửa tiền và sự sa đọa, biến chất rất tinh vi của một bộ phận liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới các chiến sĩ Công an Nhân dân. Ngòi bút của nhà văn liệu có dám đi đến tận cùng sự tha hóa đổ vỡ đó không? Và khi đó, hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân sẽ đi theo chiều hướng nào, liệu có lợi bất cập hại, phản tác dụng? Điều này là một thách thức rất lớn với mỗi nhà văn.

Văn học là khắc họa đời sống mọi mặt của con người. Những mặt tốt xấu, những biểu hiện bên trong của số phận con người, đào sâu vào từng bản thể để tìm ra những mạch nguồn nhân văn, tạo nên những rung động thẩm mỹ trong trái tim con người là hướng đi duy nhất của bất kỳ ngòi bút nào. Càng viết về lực lượng Công an Nhân dân, ngòi bút càng phải tỉnh táo, công tâm, không được bẻ cong sự thật. Điều đó đồng nghĩa đòi hỏi sự dũng cảm, dám dấn thân, dám đi đến tận cùng thân phận con người để làm toát lên vẻ đẹp của người chiến sĩ Công an Nhân dân một cách khách quan và khoa học. Có không ít cây bút đã thất bại khi chạy theo các chi tiết giật gân, câu khách tầm thường. Điều này là nằm ngoài văn học. Có thể ngoài đời nhan nhản mưu mô, chém giết, hãm hại, mất nhân tính, nhưng ngòi bút nhà văn nếu chạy theo mô tả tầm thường thì tính nhân văn, một đặc điểm cốt tử của văn học không phát huy được cũng là hồi chuông cáo chung của tác phẩm đó.

Cac nha van tai Van nghe quan doi - Xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân bên cạnh Bộ đội cụ Hồ - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai Các nhà văn tại Văn nghệ quân đội.

Chúng tôi vẫn thường xác định, vẻ đẹp của người chiến sĩ Công an Nhân dân luôn phải được đặt ra một cách công bằng bên cạnh hình tượng Bộ đội cụ Hồ. Văn học phải làm được điều này bằng chính những tác phẩm của đội ngũ nhà văn hôm nay. Chúng ta dường như vẫn còn lúng túng trong việc thể hiện hết tầm vẻ đẹp của người chiến sĩ Công an Nhân dân. Có không ít lúc, chúng ta quá dè dặt niềm tin và sự đánh giá thẳng thắn, đúng mức với các cống hiến của người chiến sĩ Công an Nhân dân. Chỉ một vài cá nhân, một vài bộ phận trong ngành công an thoái hóa biến chất, lập tức cộng đồng mạng ồ ạt ném đá tối tăm mặt mũi trong khi đó hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ Công an Nhân dân âm thầm đấu tranh trên các mặt trận cam go phức tạp, luôn rình rập hi sinh cả mạng sống lại rất ít khi được nhắc đến. Điều này cho thấy chuẩn mực và sự cần thiết phải mau chóng xây dựng có nền tảng hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân bên cạnh hình tượng Bộ đội cụ Hồ. Đây phải được đặt ra và được đầu tư thực hiện bài bản, lâu dài, kiên định. Đối với văn học, mảng đề tài về Công an Nhân dân đang là mảnh đất màu mỡ vẫy gọi ngòi bút các nhà văn. Bản thân đội ngũ nhà văn viết về đề tài này vừa đa dạng vừa đang ở độ tuổi sung sức. Vấn đề là những người làm công tác quản lý hãy trân trọng, khơi thông từng nguồn nước, theo cá tính và sở trường của từng nhà văn để động viên họ sáng tác theo từng đơn đặt hàng cụ thể. Nhà văn cũng rất cần sự đồng hành, chia sẻ, kể cả bằng vật chất. Không thể tưởng tượng được, khi một ca sĩ hạng hai hú hét mấy bài hát vô tích sự văn hóa rất thấp catxe hàng chục triệu một đêm diễn trong khi các nhà văn trong đó có nhà văn viết về người chiến sĩ Công an Nhân dân phải vài năm mới xong một cuốn tiểu thuyết nhuận bút chỉ vài triệu đồng. Điều này phản ánh những người làm công tác quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật đang đi ngược với truyền thống đạo lý của dân tộc, thờ ơ phó mặc đội ngũ nhà văn trơ trọi trước kinh tế thị trường.

Nền văn học cách mạng của chúng ta đã có bề dày lịch sử. Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay, hình ảnh Bộ đội cụ Hồ luôn chạm tới trái tim, tấm lòng của hàng triệu độc giả các thế hệ. Nhắc đến Bộ đội cụ Hồ là nhắc đến những điều bình dị, nhân văn, gần gũi, thiết thân. Đó là hình ảnh tự nhiên và thắm thiết, hài hòa, len lỏi trong ngóc ngách tâm hồn mỗi con người. Người chiến sĩ quân đội từ thời chống Pháp, chống Mỹ, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc và thời bình hôm nay luôn có được sự tin cậy, yêu mến vô bờ bến của nhân dân. Văn học về người chiến sĩ đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng của mình. Biểu tượng Bộ đội cụ Hồ không gì có thể xóa mờ, làm lung lay trong sâu thẳm suy nghĩ của người dân và bạn bè quốc tế. Đối với người chiến sĩ Công an Nhân dân có sự khác biệt hơn. Các anh cũng rất nhiều chiến công. Các anh cũng rất nhiều hi sinh mất mát không chỉ trong thời chiến mà cả trong thời bình hôm nay. Vậy việc khắc họa hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân phải được đặt ra rốt ráo hơn nữa. Các nhà văn công an và quân đội phải siết chặt đội ngũ hơn nữa, kề vai sát cánh, chia sẻ cùng làm nên những điều tốt đẹp. Lao động nhà văn là lao động đơn nhất, tự mình anh phải cày bừa trên trang giấy trắng. Song sự chia sẻ, động viên, tạo điều kiện từ các cơ quan đoàn thể, các hội nghề nghiệp, sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời đúng hướng là rất quan trọng. Với tâm hồn nhạy cảm của các nhà văn, sự động viên khích lệ sẽ vô cùng có giá trị, tạo ra những cú hích trong sáng tác. Muốn có được những tác phẩm sâu sắc về người chiến sĩ Công an Nhân dân, trước tiên và trước hết, các nhà văn phải được quan tâm sâu sắc. Hiện nay đang có xu thế đánh giá và quản lý quá chặt chẽ với một số nhà văn, đặc biệt là một số nhà văn giàu cá tính, có độ phản biện xã hội cao, không đồng tình với một số việc đang diễn ra của đất nước. Từ đó, đã có lúc nhà văn và nhà quản lý không gặp gỡ được nhau. Điều đó đương nhiên phương hại đến cả đôi bên và các tác phẩm văn học sẽ bị ảnh hưởng. Muốn nhà văn cống hiến được nhiều nhất hãy để cho họ tự do. Một nhà văn tài năng sẽ không bao giờ phản bội nhân dân và tổ quốc của mình. Chính điều này là vẻ đẹp của văn minh, của tiến bộ xã hội.

Can bo Cong an phuong Hang Ma toi chuc mung Van nghe quan doi - Xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân bên cạnh Bộ đội cụ Hồ - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai Cán bộ Công an phường Hàng Mã tới chúc mừng Văn nghệ quân đội.

Nói thế để thấy, với một đề tài đa dạng và phong phú như đề tài văn học về lực lượng Công an Nhân dân thì sự cởi mở, chân thành, tin cậy lẫn nhau phải được đặt cao hơn mới mong muốn có được tác phẩm tốt để xây dựng lên hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân thời kỳ đổi mới. Nhà văn nổi tiếng Nguyễn Thi, tác giả của Người mẹ cầm súng trước khi hi sinh ở chân cầu chữ Y tết Mậu Thân năm 1968 đã từng viết một truyện ngắn rất hay về ngành công an. Truyện ngắn Im lặng rất hay sau đó từng bị hiểu nhầm, bị góp ý do chính ngành công an. Nhưng với một người trung thực và dũng cảm như Nguyễn Thi thì cái quan trọng nhất là tác phẩm phải đạt được đến cùng về sự trung thực của đời sống dù sự thật rất đớn đau nghiệt ngã. Sau này, các nhà văn quân đội viết về chiến sĩ công an đều rất hay chính là có được sự trung thực trong ngòi bút. Đó là Nguyễn Khải, Hữu Mai, Hồ Phương, Phạm Quang Đẩu, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy đều cố gắng đi đến tận cùng sự thật. Chính sự thật là vẻ đẹp ngời sáng nhất của mỗi con người trong đó có người chiến sĩ Công an Nhân dân.

Những nhân vật trong sáng tác văn học đề tài người chiến sĩ Công an Nhân dân gần đây vấn đề nhân cách con người luôn được đặt ra riết róng. Hiện thực cuộc sống đa dạng, phức tạp, sinh động, luôn là đối tượng phản ánh của văn học, đặc biệt là tiểu thuyết. Nếu như tiểu thuyết Việt Nam khoảng hơn hai mươi năm trước luôn đòi hỏi một quan niệm lạc quan về hiện thực, cái nhìn lý tưởng hóa người anh hùng, tính tô hồng, tính minh họa luôn nổi trội thì những năm sau này, tiểu thuyết đã có những biên độ mở rộng hơn rất nhiều. Nhân vật trong tiểu thuyết thời điểm sau này được khám phá toàn diện hơn, ở các mặt sáng – tối, thiện – ác, cả phần vô thức, tiềm thức cũng được đặt ra. Chất người ở các nhân vật tiểu thuyết thời gian gần đây luôn được mổ xẻ, định dạng, đóng đinh một cách rốt ráo hơn. Đã có nhiều nhân vật tiểu thuyết trong đó con người mang số phận bi kịch. Cũng thấy ngay một điều, các nhân vật trong sáng tác về người chiến sĩ Công an Nhân dân đã định hình và ăn sâu bám rễ trong đời sống, là thực thể của đời sống. Với sự giản dị, tự nhiên giống như cuộc đời thực bên ngoài, đã đặt ra những vấn đề cốt lõi của cuộc sống hôm nay, trình bày ra những gì vốn có một cách chân thực, sinh động nhất.

Đã có nhiều nhà văn công an và quân đội xông thẳng vào vùng đất khó – tham nhũng và chống tham nhũng. Tuy nhiên, viết về đề tài này nhiều nhà văn khá loay hoay, tác phẩm phần lớn còn phiến diện, mô tả theo lối tuyến tính, tính chủ quan, áp đặt, đơn điệu, thậm chí tự đặt ra những vùng cấm, vùng nhạy cảm, đâu đó còn thấy rõ sự hằn học, nông cạn, chửi bới… những thứ làm văn học xa rời cuộc sống nhân dân.

Xông vào vùng đất khó, các nhà văn công an và quân đội phải tự tạo cho mình một hướng đi, một thủ pháp, đó chính là góc nhìn, quan điểm, nhãn tự theo cách nói của nhà Phật. Chính bằng điểm nhìn này, đã cho mỗi nhà văn bước ra khỏi những khó khăn của người cầm bút đương thời mà bình thản và thanh thản nhận diện lại lộ trình ái ố hỉ nộ của kiếp người một cách nhân văn và khoa học.

Một điểm nhìn khác, nhà văn có thể rơi vào việc bôi đen, thái quá, sử dụng những biểu hiện đầy dẫy ngoài xã hội áp vào sáng tác dẫn đến suy diễn, xuyên tạc, câu khách. Nhà văn công an và quân đội phải thoát ra được cạm bẫy này. Bằng ngòi bút bình tĩnh, hài hước, thâm thúy, tự nhiên, nhà văn phải chủ động và dẫn dắt người đọc đi theo một trường thẩm mỹ riêng. Cái khác biệt của văn chương chính là sự tinh tế, đôi chỗ đã thấy sự mờ hóa, đẩy nhân vật đến tận cùng mâu thuẫn, bày ra, đặt ra một cách phong phú, những gợi ý, những câu chuyện bình thường ai cũng thấy theo cách riêng độc đáo… chính những điều đó đã tạo nên sức nặng của các tiểu thuyết của nhà văn đương đại.

Hiện nay, với sự thay đổi nhanh chóng về khoa học công nghệ đã và đang dẫn đến sự chuyển động sâu sắc, mãnh liệt các vấn đề xã hội nhân văn trong đó nổi nên vấn đề về tư tưởng. Các thế lực chống đối, thù địch; ngay cả những đối tác, đối tượng ở thế mạnh hơn, ở những nước lớn, đặc biệt là các cường quốc đang tìm mọi cách áp đặt lối chơi, tự đặt ra luật lệ để o ép và trục lợi từ các nước nhỏ. Biểu hiện này sẽ ngày càng phức tạp. Giới tuyến ta – địch ngày càng khó phân định. Văn học đề tài về lực lượng Công an Nhân dân đã và đang góp phần bồi dưỡng lên cội nguồn nhân văn trong mỗi con người đồng thời làm sâu sắc, phong phú tấm căn cước giá trị văn hóa mỗi dân tộc trong cộng đồng thế giới đang phải chịu những thách thức vô cùng to lớn. Nhiệm vụ của nhà văn, trong đó có nhà văn công an và quân đội hơn lúc nào hết đang được đặt ở tuyến đầu. Với đặc thù của chuyên ngành mình, với những nhìn nhận, đánh giá, sử dụng, tin tưởng, trao các quyền hạn cho nhà văn còn nhiều chỗ bất cập, chưa thỏa đáng, chưa đúng mức cũng là một thách thức, một rào cản lớn trong bước đường trưởng thành của mỗi nhà văn, trưởng thành của mỗi nền văn học. Những cuộc suy thoái về kinh tế, khủng hoảng về chính trị, thoái hóa về đạo đức xã hội trên bình diện toàn cầu đã và đang tác động rất lớn đến các nhà văn. Điều này cần được nhìn nhận thẳng thắn và cần phải khích lệ các nhà văn vào cuộc mổ xẻ dưới góc độ văn học. Chúng ta đã từng né tránh, im lặng, mũ ni che tai, thậm chí là phó mặc những gì đang diễn biến xấu với loài người. Ngay như ở trong nước, những vùng cấm bất thành văn vẫn mặc nhiên tồn tại. Điều này khiến các nhà văn đau đớn vì nhiệm vụ của mình đã bị những rào cản phi lý che chắn.

Tôi luôn nghĩ bao giờ những nhà văn công an và quân đội, dù thế hệ nào cũng phải làm tốt công việc của mình, đặc biệt là trong ngày hôm nay và trong lúc này càng đòi hỏi đức hy sinh của những người cầm bút. Người cầm bút hôm nay đang ở đâu, đã ở đúng vị trí hay chưa, đã làm tròn bổn phận hay chưa là một tự vấn luôn treo lơ lửng trên đầu ngọn bút. Bầu trời văn chương mênh mông hay hạn định, cánh rừng văn chương thăm thẳm hay khuôn chừng trói buộc, trong hành trình ấy, có ga dừng, trạm nghỉ không, hay là như sóng biển không bao giờ cho bờ tĩnh lặng. Phải thấy một điều rằng, các nhà văn trong đó có nhà văn công an và quân đội các thế hệ luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh sáng tác của mình, xứng đáng với sự mong mỏi của nhân dân.

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây