Xung đột của cái Tôi trong Tự truyện Việt Nam đương đại trong chuyên khảo “Phê bình phân tâm học: Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của TS. Vũ Thị Trang – Khoa Văn học, Học viện Khoa học xã hội

Xung đột của cái Tôi trong Tự truyện Việt Nam đương đại trong chuyên khảo “Phê bình phân tâm học: Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của TS. Vũ Thị Trang – Khoa Văn học, Học viện Khoa học xã hội

Xung đột của cái Tôi trong Tự truyện Việt Nam đương đại trong chuyên khảo “Phê bình phân tâm học: Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của TS. Vũ Thị Trang – Khoa Văn học, Học viện Khoa học xã hội

“Một trong những truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt là sự tôn trọng danh dự (danh dự mà tập thể quy định). Truyền thống tốt đẹp đó gặp phải tâm lý cộng đồng (đặc biệt là cộng đồng kiểu làng xã) sẽ biến tướng thành thói quen “tốt khoe xấu che” – cái tốt đẹp hay được phơi bày trước thiên hạ, cái xấu (hoặc chỉ đơn giản là cái khác) phải che đậy, giấu kĩ. Đầu thế kỷ XX, nhu cầu được bộc lộ cái “Tôi” chủ thể trở thành xu hướng trong văn học Việt Nam nói chung và Tự truyện nói riêng. Do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, cái Tôi cá nhân trong văn học Việt Nam đã được khai thác, thể hiện rõ hơn với sự xuất hiện của một loạt tự truyện như: Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Chiếc cáng xanh của Lưu Trọng Lư, Cỏ dại của Tô Hoài, Cai của Vũ Bằng, Mực mài nước mắt của Lan Khai…Đặc biệt, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, cái Tôi trong văn học nói chung và Tự truyện Việt nam nói riêng mới có dịp được bung tỏa.

Thường thì người ta không tự nhiên “vạch áo cho người xem lưng”, không tự nhận những khuyết điểm, những “góc khuất” thuộc về mình, gia đình mình. Thói quen đó lâu dần biến mỗi người thành một “ốc đảo” với những tâm tư không biết chia sẻ cùng ai, nhất là những người có câu chuyện “đặc biệt”, không giống với đại đa số người khác.

Nghe có vẻ mâu thuẫn khi rõ ràng, văn hóa kiểu làng xã (tồn tại phổ biến ở Việt Nam) sẽ dễ dàng kết nối cộng đồng, khiến con người được sống trong bầu không khí tưởng như là rất thoải mái để chia sẻ. Nhất là trong bối cảnh văn hóa xã hội hiện đại, với sự phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay, các kết nối cộng đồng ứng dụng trên điện thoại thông minh rất dễ dàng. Thế nhưng trên thực tế, cơ bản người Việt rất sợ “dư luận”, sợ bị “đánh giá”. Một khi bí mật riêng tư bị phanh phui, người ta luôn cảm thấy xấu hổ, e ngại, thậm chí có người mặc cảm thu mình lại, không dám đối diện với dư luận…”. Đây chính là lý do mà con người Việt Nam hiện đại luôn có những giằng xé, xung đột giữa việc sống cho chính mình và sống “vừa lòng người khác”. Do đó, những phân tích về xung đột của cái Tôi trong Tự truyện Việt Nam đương đại (sách chuyên khảo về Phê bình phân tâm học – phía của những ám ảnh nghệ thuật) của tác giả Vũ Thị Trang, công tác tại Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản tháng 12/2020 cho thấy rõ điều này.

Tác giả/nghệ sĩ là những người đặc biệt dễ bị tổn thương, một phần do “tạng” người quá nhạy cảm và ít khi chia sẻ. Họ thường phóng chiếu tâm tư của mình qua những tác phẩm. Với họa sĩ bạn sẽ bắt gặp điều đó qua những bức tranh, với diễn viên qua vai diễn, với ca sĩ qua bản nhạc, với văn sĩ là những tác phẩm văn chương…. Mỗi người đều chìm đắm trong thế giới riêng tư của mình để suy ngẫm, để sáng tạo. Những người nghệ sĩ càng tài năng, họ lại càng có điểm gì đó “khác người”, ví như đọc văn của Nguyễn Tuân sẽ dễ dàng nhận ra sự khinh bạc có phần ngạo nghễ, của Vũ Trọng Phụng là sự cay nghiệt, chua chát, của Thạch Lam là sự tinh tế nhẹ nhàng, của Nam Cao là sự thương cảm, xót xa… Bởi cá tính đặc biệt ấy, họ càng khó hòa vào tính cách chung của cộng đồng và vì vậy mà càng khó chia sẻ tâm tư. Qua Tự truyện, họ được giãi bày, thể hiện, nhằm tìm kiếm sự đồng cảm, sẻ chia của người tiếp nhận. Cũng bởi lẽ đó, Tự truyện là một trong những thể loại văn học thể hiện rõ nét nhất nhu cầu được giãy bày những tâm tư của cá nhân người nghệ sĩ.  

Trong Tự truyện, cái Tôi cá nhân cũng chính là cái Tôi sáng tạo và cái Tôi sáng tạo cũng chính là cái Tôi xã hội. Những cái Tôi này khi thì giao thoa, khi lại xung đột mạnh mẽ tạo nên những ẩn ức của người nghệ sĩ. Thông qua Tự truyện, tác giả/nhà văn được tự do giãi bày, chia sẻ với người đọc những tâm tư, hồi ức, kỷ niệm của bản thân, thậm trí là những góc khuất mà xưa nay họ vẫn còn giấu kín. Ví như tìm hiểu Xuân Diệu qua lăng kính của Tô Hoài, người đọc có thể hiểu hơn, lý giải rõ hơn hồn thơ yêu sống, luôn rạo rực đắm say, khát khao giao cảm với đời nhưng cũng đầy trống vắng, cô đơn tận cùng của Xuân Diệu. Câu chuyện của Tô Hoài và Xuân Diệu trong Cát bụi chân ai không chỉ là sự bộc lộ, giãi bày, mà nó còn cho thấy sự đáng trân trọng khi một nhà văn gạo cội dám nhìn thẳng vào sự thật, dám viết lên sự thật mà chính bản thân từng trải qua. Đó cũng chính là khao khát được tự do thể hiện cái Tôi bản thể của chính tác giả.

Tự do mà người đọc cảm thấy hiện lên như sự phóng chiếu của nhu cầu bản thể (giãi bày) đồng thời cũng chính là ham muốn sáng tạo không giới hạn của cái Tôi sáng tạo (ý thức về nghề nghiệp). Tuy nhiên, ám ảnh tự do (ham muốn cá nhân) lại thường vấp phải những thiết chế xã hội (do đám đông quy định) gây ra những xung đột giữa cái Tôi bản thể với cái Tôi xã hội, giữa vô thức và ý thức trong thế giới sáng tạo của nhà văn. Bằng việc phân tích đặc tính của Tự truyện là tính giãi bày, chuyên khảo này đã chỉ ra những xung đột của cái Tôi sáng tạo, cái Tôi tính dục, cái Tôi xã hội và sự trú ngụ của cái Tôi trong những mặt nạ nhân cách từ góc nhìn Phân tâm học một cách thuyết phục. Thông qua Tự truyện, người đọc hiểu và cảm thông hơn với tác giả/nhà văn, đồng thời cũng nhận thức sâu sắc hơn về những mối quan hệ diễn ra xung quanh mình. Đây chính là những chia sẻ mà TS. Vũ Thị Trang đã phân tích và chỉ ra trong phần III –  Ám ảnh tự do – xung đột giữa những cái Tôi trong Tự truyện Việt Nam đương đại của chuyên khảo về Phê bình phân tâm học của mình.

Phạm Vĩnh Hà

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây