Từ “bà mẹ đất” đến ông địa bụng bự – Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

TỪ “BÀ MẸ ĐẤT” ĐẾN ÔNG ĐỊA BỤNG BỰ

Là cư dân nông nghiệp, trải qua suốt chiều dài lịch sử, Thần Đất là một đối tượng tín ngưỡng quan trọng. Giờ đây, khi công thương nghiệp, dịch vụ phát triển thế nhân đã đề xuất ra Thần Tài, chuyên trách việc tiền bạc, bảo trợ cho công việc làm ăn kinh doanh, song Thổ Thần, Thổ Địa – nôm na gọi là Ông Địa, vẫn còn hiện diện ở khắp mọi nơi: hoặc trên nóc chiếc tủ con bán thuốc lá lẻ bên lề đường, hoặc ở một góc của cửa tiệm buôn, hay sát tường một tiền sảnh, một phòng khách sang trọng, hoặc được thờ tự riêng.

Ông Địa, hình tượng vị thần dân dã này rất đa dạng và phong phú, song chúng ta có thể thấy ở ba dạng: Ông Địa dâng liễn trong lễ cúng đình, Ông Địa múa cùng lân, Địa trong Chặp tuồng Địa-Nàng hát cúng miễu và Ông Địa trong tranh thờ, tượng thờ…Nói chung, trong danh mục các thần, có lẽ chẳng có vị thần nào có cái mặt tươi và cái miệng cười vui vẻ, hể hả như Ông Địa.

  1. Tín ngưỡng thờ Thần Đất được xác định chính thức qua ghi chép bằng văn tự vào đầu thế kỷ XIV trong sách Việt điện u linh: Ông Địa xuất hiện ở xứ Giao Châu vào thế kỷ thứ VII qua câu chuyện tranh tài của Thần Đá – Thạch Khanh với Thổ Lệnh trưởng – một phúc thần của quan Đô đốc nhà Đường vào những năm 650-655. Trong tài liệu thư tịch cổ cũng cho biết việc Lư Ngư lập đền thờ Thổ Địa ở quán Già La (713-739), Cao Biền lập một đền thờ Thổ Địa ở tả cung đô hộ Giao Châu (860-873)… và Thổ Địa đã thâm nhập vào hệ thống thần linh nước Việt trước thời Lê Long Đĩnh làm vua (1006-1009). Khi chưa lên ngôi, ông vua ngọa triều này xin thần Thổ Địa sông Đằng Châu phù hộ cho mình cướp ngôi. Sau khi lên được ngôi vua, vua Lê Long Đĩnh đã phong thần cho vị Thần Đất Đằng Châu này (xem Việt điện u linh).
  1. Thổ Địa ở Đằng Châu (Hưng Yên) là thần có chức năng “cầu mưa, tạnh rất linh ứng”. Lê Long Đĩnh đã thử tài của Thần làm mưa bên kia sông, bên này sông lại tạnh ráo. Tức thì “quả nhiên nửa bên kia sông mưa rất to, còn nửa bên này chỉ có gió mát”. Điều này chỉ ra rằng Thổ Địa coi ra đã bước khỏi tín lý phồn thực (khả năng sinh sản của đất) và đảm nhận chức năng làm nên “phong điều vũ thuận”, đậm tính chất của tín ngưỡng nông nghiệp. Đó là chuyện của thế kỷ XI, song ở lễ cầu mưa/đảo vũ tại Nam bộ thì Thổ Địa không có khả năng làm mưa mà chỉ có trách nhiệm thay mặt cho dân xin rồng làm mưa. Ở đây, Thổ Địa không là thần, theo đúng nghĩa là bậc tôn kính, mà chỉ là Ông Địa – một đối tượng rất dễ nhờ vả.

Chả là khi gặp hạn hán, dân làng làm một hình rồng bằng rơm, rước từ ruộng ra sông. Đi đầu có Ông Địa và rồng, kế đó độ chừng 15-20 trai tráng diễn trò bơi cạn theo nhịp sanh, trống và hát: Cốc! Cốc! Hố bơi/ Trời cho mưa xuống/ Cho dân làm ruộng/ Lúa đổ đầy kho/ Dân ăn cho no/ Dân chèo cho mạnh. (Cuối mỗi câu toàn thể hô lớn: Hố bơi! Hố bơi!) Ra đến sông, họ chở rồng và Địa ra giữa dòng, rồi xô cả hai xuống nước. Địa thì hụp xuống nước rồi trồi đầu lên, liền bị hỏi: “Bao giờ mưa?”. Địa bông lơn: “Tháng sau mưa!”, tức thì bị đè đầu xuống nước. Hết bận này đến bận khác, cho đến khi Địa bảo: “Mai… Mai mưa!” thì mới được vớt lên ghe mà hể hả ra về. Địa cầu mưa hóa trang hệt Địa múa lân.

  1. Hình tượng Ông Địa phổ biến trong dân gian là Địa trong múa lân. Vai Địa trong múa lân xuất hiện như một người dẫn đường. Địa ở đây được hiểu là một vị thần có trách nhiệm quản lý cộng đồng dân cư trong một khu vực, rất mẫn cán và thông thạo mọi việc, nắm rõ địa bàn mà mình quản lý. Và Địa cũng với tư cách là người tiếp dẫn điềm lành đến với người dân và thay mặt dân bày tỏ sự hoan hỉ của mình đối với những điều tốt lành ấy. Địa có mặt trong múa lân được giải thích qua câu chuyện: “Địa lừa Lân hái trộm cỏ linh chi đem về trị bệnh cứu người và dụ Lân xuống núi giúp đời”. Chuyện này có lẽ được suy nguyên ra đời muộn mằn theo truyền thống: “Lân xuất hiện là báo hiệu thái bình, giúp dân có cuộc sống thịnh trị”. Lân giáng thế thì tất Thổ Địa/Thổ Thần phải nghênh tiếp. Hễ ở đâu có Lân là ở đó có Địa với cái bụng bự, gương mặt tròn trĩnh cùng với cái miệng cười hề hề, tay phe phẩy quạt, đi tới đi lui… Địa là một vai hề phụ diễn cho lân. Về mặt nghệ thuật, Lân và Địa là hai mặt đối lập trong một thể thống nhất: Trang nghiêm và hài hước, đĩnh đạc và phóng túng, bài bản và tự phát…Hai mặt đối lập này chế ngự lẫn nhau tạo nên cái chỉnh thể đồng hiện của nghệ thuật múa lân trong hội hè.
  2. Ngoài múa lân, hình tượng Thổ Địa trong chặp bóng tuồng Địa-Nàng cũng xuất hiện phổ biến trong các lễ hội vía Bà, cúng miễu Thổ thần ở hầu hết thôn ấp, phố phường Nam bộ. Trong hình thức diễn xướng tổng hợp đậm phong cách hát bội này, Địa là vai diễn chính cùng với vai Nàng – một tiên nữ vốn là thuộc hạ của Tây Vương Mẫu từ trên trời xuống trần gian với sứ mệnh đi tìm cây huê giếng nước cho dân làng (tượng trưng cho tài lộc trong 12 tháng và mưa thuận gió hòa), Địa có trách nhiệm dẫn đường cho Nàng, song Địa lại thể hiện cái bản chất phàm ăn, tục uống, đòi hỏi lắm điều kiện rất hài… ở suốt chuyến đi. Do đó, tính chất vui nhộn có cả hỉ nộ ái ố rất gần gũi với đời và tính châm biếm là chủ yếu trong vở Địa-Nàng. Các trò Địa đẻ, Địa ăn vụng chè, Địa kể các bài vè bông lơn… biểu hiện rõ rệt tính chất phóng túng của diễn xướng nghi lễ dân gian khác với tính chất nghiêm trang của nghi thức thực hành nghi lễ chính thống ở đình đền. Chính vì vậy, trong dân dã, vai Địa-vai Nàng tài danh đã trở thành “diễn viên ngôi sao” suốt mấy thế kỷ qua.
  1. Dù là Địa trong múa lân hay Địa trong chặp bóng tuồng Địa-Nàng, tất thảy đều vui vẻ, đặc trưng nổi bật là nụ cười. Ngày xưa, tượng Địa không sản xuất hàng loạt theo kiểu đúc khuôn mà là nặn tay bằng đất sét, hoặc đục đẽo bằng gỗ, hay tô đắp bằng vữa hồ. Mỗi tượng một vẻ và cái đẹp là nụ cười với miệng rộng toét đến mang tai. Dù loại tượng với những chất liệu khác nhau: đất sét, gốm đất nung sơn màu hay gốm sứ men màu thì việc trau chuốt cái miệng cười của Địa sao cho “có duyên” luôn là yêu cầu quan trọng đối với nghề làm tượng Địa. Nụ cười Ông Địa bắt nguồn từ tín lý đất thuộc hành Thổ – một hành luôn có chức năng điều hòa các hành khác, theo đó, Thổ Địa là vị thần chỉ có chức năng ban phước, đem tài lộc cho gia chủ mà hầu như không bao giờ và cũng không có khả năng giáng họa cho một ai. Thậm chí, sau vài hôm cúng kiếng tử tế mà buôn bán cứ ế ẩm thì “tín đồ của Địa” múc một thau nước và lấy tượng Địa “trấn nước” một hồi để cho Địa biết điều mà tích cực siêng năng hơn trong việc phù hộ bá tánh!
  2. Cùng với nụ cười của Địa là cái bụng bự chang bang. Từ cái bụng bự của Địa mà trong dân gian có nhiều sự tích, có lắm giai thoại để giải thích. Thực ra, việc thờ Thần Đất bắt nguồn từ tín lý phồn thực của tín ngưỡng nông nghiệp: Đất cũng có khả năng sinh đẻ và trong xa xưa Đất được coi là Mẹ Đất – một Thần nữ có công năng làm sinh ra nông sản, ngũ cốc, lương thực… Về sau, khi quan niệm trọng nam khinh nữ của chế độ phụ quyền thống trị. Thần Đất được tôn kính là “Ông Địa”. song dấu vết cổ xưa vẫn còn bảo lưu trước hết là cái bụng… bầu. Ở trò diễn khôi hài gọi là “Địa đẻ” trong chặp Địa-Nàng cũng bộc lộ cái cốt lõi của việc thực hành nghi lễ đậm tính phồn thực, tức cầu xin Đất đẻ hoa trái, nông sản… cho con người.

Địa: Nói chơi với chị chớ

Địa sanh sanh hóa hòa để đức lại thế gian

Chứ Địa đực đẻ củi đòn với đá trái chớ đẻ gì?

Nói chung, tín lý “sanh sanh hóa hóa” là cách nói về sự thành tạo của tạo hóa mà xa xưa đều gắn bó với Nữ thần. Ở tập hợp tượng Ông Địa nay còn sưu tập được chúng ta thấy không ít tượng có niên đại cổ (bằng đất sét) vẫn còn dáng dấp nữ không chỉ ở yếu tố “phong nhũ phì đồn” mà ở cả nhân diện của tượng. Loại tượng này tôi định danh là loại tượng “Ông Địa Bà Bóng”. Tất nhiên, các thế hệ tượng sau này có thay đổi nhiều, song tất cả các mẫu mã đều không gạt bỏ được dấu ấn của tín lý phồn thực của Nữ thần Đất ở đặc điểm vú và bụng. Không biết tín lý đó có quan hệ gì với thần Đất Ấn Độ Rashashi (La Sát nữ) luôn được thể hiện theo xu hướng được gọi là nghệ thuật nhục cảm: cường điệu mông và …vú.

7.Đến cuối thế kỷ XIX, Thổ Địa với tín lý phồn thực vẫn còn được quan niệm là vị thần tài lộc (Đại Nam quốc âm Tự vị, xuất bản năm 1898, định nghĩa: Thổ Thần là “Thần Đất, thần giữ tiền bạc”// T.II, tr. 366), và khi kinh tế hàng hóa phát triển, công thương nghiệp trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế thị trường  thì yêu cầu từ thực tiễn, đầu thế kỷ XX, đòi hỏi phải có một vị thần chuyên trách việc tiền bạc, đó là Thần Tài. Tuy vậy, Thần tài vẫn chưa thoát khỏi sự ràng buộc của Thần Đất, cụ thể là luôn được thờ bên cạnh Thần Thổ Địa như một cặp đôi không thể tách rời nhau. Việc này cũng được giải thích theo “qui luật” sinh khắc của ngũ hành: Thổ sinh kim. Cặp liễn chữ Hán thường thấy ở bài vị thờ Thổ Địa-Thần Tài ghi rằng: Thổ năng sinh bạch ngọc/Địa khả xuất hoàng kim. Song cách lý sự bác học này có lẽ ra đời muộn.

Thoạt đầu, tượng Thần Tài tay cầm túi đựng tiền/xâu tiền điếu, tay ôm bó lúa…dần dần bó lúa được thay bằng thỏi vàng sáng rực. Đó là dấu ấn  của thời kim tiền vào những thập niên cuối thế kỷ trước. Và rồi thời đại mới với sự bùng nổ thông tin và xã hội tiêu dùng, ta lại thấy xuất hiện loại tượng Thần Tài rất hiện đại: lưng đeo cassette và tai nghe headphone, có lẽ Thần Tài đang theo dõi tin tức thị trường hay đang nghe nhạc pop… Đó là thứ Thần Tài hiện đại, nhưng dù hiện đại thì Thần Tài ấy vẫn phài thờ bên cạnh Ông Địa như cũ.

  1. Hình tượng Địa ngày càng đa dạng và thay đổi về mặt tạo hình, nhưng Địa và Phật Di Lặc lại càng lúc càng “giống nhau hơn” ở kiểu ngồi đế vương thanh nhàn (Mahàraja-Lilàsana) cho nên trong dân gian đã có sự nhầm lẫn hoặc đồng nhất giữa tượng Ông Địa và tượng Phật Di Lặc, một số gia đình đã mua tượng Phật Di Lặc về thờ ở nơi thờ Thổ Địa và Thần Tài. Ở Trung Quốc, tượng Phật Di Lặc được thờ phổ biến như Thần Tài, mà người ngoại quốc gọi là “Ông lão Trung Hoa vui vẻ”. Tượng Phật Di Lặc du nhập vào Việt Nam, phổ biến là tượng Di Lặc cầm hay nâng hoặc ngồi trên thỏi vàng với câu chúc chữ Hán “Kim ngọc mãn đường”. Ngoài thỏi vàng, tượng Phật Di Lặc luôn cầm xâu chuỗi hoặc cái túi vải – được gọi chung là “Bố Đại hòa thượng”. Theo truyền thuyết, vị Hòa thượng này là hóa thân của Phật Di Lặc. Còn trong dân gian việc thờ vị Tiếu Phật Di Lặc y cứ vào sự đồng âm: Đại Phúc (bụng bự) = Đại phúc (Phước lớn). Đặc trưng hình tướng của Ông Địa thì đa phần đầu chít khăn đầu rìu đắt mối hai bên, tay cầm quạt, cưỡi cọp hay ngồi tựa lưng vào cọp. Trong thực tế cũng tồn tại loại tượng Địa không cưỡi cọp hoặc ngồi tựa lưng vào cọp. Trường hợp tượng Địa không có cọp thì cái khăn bịt trên đầu và tay cầm quạt là đặc điểm để phân biệt tượng Ông Địa và tượng Phật Di Lặc.
  1. Đa số tượng Ông Địa đều cưỡi hay ngồi tựa lưng vào cọp vàng. Trong tín ngưỡng dân gian, cọp vàng được chạm khắc, đắp nổi hay vẽ ở bình phong các đình làng với ý nghĩa Hoàng hổ biểu thị cho Hoàng đế – vị thần ở trung tâm thuộc hành Thổ trong hệ thống thần Ngũ phương/Ngũ thổ. Các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc do các thần Hổ xanh, hổ Trắng, Hổ đỏ, Hổ đen cai quản. Do đó, Ông Địa cưỡi cọp vàng là một biểu hiện được căn cứ vào thuyết Ngũ hành, cụ thể là tín ngưỡng Ngũ đế/Ngũ hổ. Cũng có cách giải thích căn cứ trên cơ sở lịch sử văn hóa: Ông Địa cưỡi cọp là hình tượng hào hùng bắt nguồn từ lịch sử khẩn hoang vùng đất mới phương Nam. Cưỡi cọp có ý nghĩa rằng người lưu dân đã khuất phục được cọp – vị chúa tể sơn lâm, để lập nên thôn ấp, ruộng rẫy, xóm làng. Ở khía cạnh lịch sử, tín ngưỡng, tượng Địa cưỡi cọp vàng đơn giản là sự tích hợp tập tục thờ Thần Đất và tập tục thờ Hoàng Hổ trấn ở trung ương của Đạo giáo. Cũng có cách giải thích theo cách so sánh: cọp ở tượng Địa là mô phỏng tượng của thần Trị niên Thái Tuế hay thần Tài Triệu Công Minh của người Hoa hoặc kiểu tượng kỵ thú của Phật giáo. Có điều là ở trong tranh thờ của các dân tộc ở miền Bắc, ở bộ tranh Tứ trực công trào (hay Tam giới công tào: 4 sứ thần nhà trời) đã thấy vẽ Thổ Địa cưỡi cọp (vị thượng giới cưỡi phụng/hạc, trung giới cưỡi ngựa, hạ giới cưỡi rồng). Cọp/hổ là vật cưỡi “truyền thống” của Thổ Địa.

Dù chịu ảnh hưởng của các tín ngưỡng khác thế nào thì Ông Địa là sự sáng tạo độc đáo, ít nhiều mang tính hiện thực được biểu hiện rõ rệt là ở điếu thuốc – một thứ lễ vật dâng cúng không thể thiếu của Thần. Nếu nói rằng con người sáng tạo ra thần thánh theo hình ảnh của mình thì có lẽ đây là một ví dụ điển hình. Ông Địa quấn khăn theo kiểu chít khăn đầu rìu, tay cầm điếu thuốc là đang cháy dở, quả là hình ảnh một lão nông Nam bộ.

Khi gặp việc vui vẻ, thuận lợi, người thời nay thường nói rằng: “Mát trời Ông Địa”. Câu nói dường như bắt nguồn từ làn gió vô hình của chiếc quạt trên tay Ông Địa. Cái quạt được dùng để biểu thị sự mát mẻ, tự nó có ý nghĩa đem đến điều lành, vì vậy chúng ta thường bắt gặp những chiếc quạt thuộc loại “đồ mỹ nghệ” treo lủng lẳng đâu đó trong nhà hay trên xe hơi với những câu chúc “Phong điều võ thuận”, “Nhất buồm phong thuận”, “Phong đăng hòa cốc”… Khó mà truy nguyên nguồn gốc cụ thể từ đâu khiến cái quạt được tích hợp vào hình tượng Ông Địa ngoài cái tín lý phổ biến nói trên. Ở đây, căn cứ vào logic Ông Địa là hình tượng người nông dân thời khai hoang thì cái quạt đầu tiên của Ông Địa là cái quạt mo – cái quạt của thằng Bờm, quạt của nông dân thường dùng và rồi đến cái quạt xếp, các loại quạt khác có hình dáng mô phỏng các loại lá, nó còn chứa đựng những ý nghĩa biểu trưng. Quạt ba tiêu là loại quạt giống “cái tàu lá chuối”. Truyện Tây Du Ký đã đem đến nước ta cái quạt ba tiêu có công năng làm tắt lửa hỏa diệm sơn, chống hạn hán. Còn quạt lá đề là loại quạt có hình dáng giống lá bồ đề, một biểu tượng thiêng liêng của nhà Phật, có người lại gọi đó là quạt lá vả, đượm phong thái tiêu dao, nhàn lạc của đạo Tiên.

Tóm lại, hình tượng và các đồ vật cầm tay của Ông Địa luôn thay đổi hình dáng, nhưng nội dung vẫn bảo lưu cái cốt lõi gốc vú lớn bụng bự, cùng với việc Địa phải có điếu thuốc và rồi cái quạt mo, đến nay Ông Địa trong múa lân vẫn còn dùng là vật không thể thiếu trong khi múa cùng lân. Cứ thấy Ông Địa quạt, chúng ta như luôn cảm nhận được làn gió mát mẻ và như nghe từ đó một câu… rất đã: “Mát trời Ông Địa!”.

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây