Tác giả Thanh Quế

Thanh Quế

THANH QU

Tên thật: Phan Thanh Quế. Sinh ngày 26/2/1945. Quê quán: Làng Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Từ 1955-1963 học tại các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Từ 1963-1967: Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ 1967-1969 là cán bộ nghiên cứu, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương. Từ 1969-1975: phóng viên chiến trường Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ. Từ 1975-1980: cán bộ sáng tác, Trại sáng tác văn học Quân khu 5. Từ 1980-1983: biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1983 công tác và sáng tác tại Đà Nẵng; Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam; Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam – Đà Nẵng và TP. Đà Nẵng; Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng và Tạp chí Non Nước. TÁC PHẨM CHÍNH: Tên em khuôn mặt em (2 tác giả), 1975. Tình yêu nhận từ đất (3 tác giả), 1977. Trong mỗi ngày đời tôi, 1986. Giãi bày, 1988. Khi ta giở sách ra (thơ thiếu nhi), 1988. Hái tiếng chim (thơ thiếu nhi), 1991. Những tháng năm vay mượn, 1993. Mé biển đời tôi, 2000. Người lính đi đầu (trường ca), 2003. Thơ Thanh Quế với tuổi thơ, 2004. Những tháng năm, 2006. Một gạch và chuyển động, 2006. Thơ Thanh Quế, 2008. 72 bài thơ chọn, 2012. Nơi phòng đợi, 2016. Thơ tuyển, 2016. Chuyện từ một truyền thuyết, 1978. Thung lũng Đắk Hoa (2 tác giả), 1980. Cát cháy (tiểu thuyết), 1983. Trong lòng hồ, 1984. Rừng trụi, 1987. Dì Út và người khách ấy, 1988. Mai, 1988. Người khách lạ, 1990. Những đám mây kể chuyện, 1991. 11 truyện ngắn, 1994. Về Nam (hồi ký, chân dung văn nghệ), 1996. Những gương mặt thân yêu (chân dung văn học), 1996. Bếp lửa làng Tà Băng, 1998. Hai người bạn, 1998. Những kỷ niệm, những gương mặt (hồi ký, chân dung văn nghệ), 2001. Từ những trang đời (hồi ký, chân dung văn nghệ), 2001. Bà mẹ vui tính, 2002. Sao anh lại cảm ơn tôi, 2002. Truyện và ký chọn lọc, 2003. Dì Út, 2003. Thị trấn em kết nghĩa, 2005. Ở giữa thời gian, 2007. Tuyển truyện Thanh Quế (Chuyện ở miền cát cháy), 2009. Kẻ đào ngũ, 2011. Tuyển truyện ngắn Thanh Quế, 2011. Gương mặt và cảm nhận (chân dung văn học), 2013. Ký và chân dung chọn, 2015. Hai người đàn ông và một người đàn bà (truyện), 2016. GIẢI THƯỞNG CHÍNH: Cát cháy (tiểu thuyết): Giải Nhì (không có giải Nhất), Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, 1981. Những tháng năm vay mượn (tập thơ): Giải B, Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 1994. Tặng thưởng loại A hai lần (1975-1985) và (1985-1995) của UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cho các tác phẩm trong giai đoạn. Bếp lửa làng Tà Băng (tập truyện): Tặng thưởng của Bộ Quốc phòng, 2000. Người lính đi đầu (trường ca): Giải Nhì (không có giải Nhất), Giải thưởng văn học (1997-2005) của UBND thành phố Đà Nẵng. Một gạch và chuyển động (tập thơ): Giải B (không có giải A), Giải thưởng Văn học (2005-2010) của UBND thành phố Đà Nẵng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.

 

KHI NGƯỜI KHÁC

Khi người khác buồn
Tôi nói:
– Buồn làm gì
Ta đi kiếm vài cốc.

Khi người khác khổ
Tôi nói:
– Ăn thua gì
Có những người còn khổ hơn.

Khi người khác đau
Tôi nói:
– Đau à
Có lúc rồi sẽ hết.

Suốt ngày tôi cười cợt
Trêu đùa thảy mọi người
Không lo nghĩ điều chi.

Nhưng khuôn mặt tí tởn
Đó là lớp sóng gợn
Trên hồ buồn đời tôi…

3/11/2002

 

TẠI SAO ANH CHẲNG NÓI?

Có dạo tôi nói:
“Sai rồi, sai rồi, các người đừng làm như thế”
Chẳng ai thèm nghe tôi.

Có dạo tôi nói:
“Các bạn ơi, đúng rồi, đúng rồi, làm thế là rất tốt”
Chẳng ai thèm nghe tôi.

Những năm sau này
Tôi không nói nữa
Mọi người nhìn tôi phẫn nộ:
– Ý kiến như thế nào
Tại sao anh chẳng nói?

2/11/2002

 

RÚT TỪ SỔ TAY

1. Có lẽ sự khôn ngoan nhất trong đời
là lần theo những bước cha ông

2. Điều tàn nhẫn nhất của cuộc đời là đã dửng dưng
trước việc người này giày xéo lên người nọ

3. Sự sợ hãi
làm người ta độc ác

4. Kẻ yếu kém
thường say mê quyền lực

5. Tên ngốc ấy có thể làm đủ mọi điều hắn muốn
trừ một điều: hãy để ta yên

6. Ta thường ghét những người
ta không thể ảnh hưởng đến họ

7. Có kẻ sinh ra không đúng chỗ của mình
nên suốt đời lồng lộn như điên

8. Công việc – niềm vui duy nhất hàng ngày
nhưng lạ thay
mỗi ngày ta lại làm được rất ít

9. Muốn làm nên những tác phẩm để đời
lại phí sức mua danh trước những điều vặt vãnh

10. Con chim ấy già rồi
giọng đã khàn
vẫn hát mãi bài hát riêng mình

11. Nhà tiểu thuyết nhận định về nhà thơ:
“Hắn ta không viết được dài”

12. Mỗi người có một thời
sáng như dòng thơ đẹp
nhưng đã sang trang rồi

13. Cuộc đời như sàn diễn
mỗi người lên
hát bài hát của mình
rồi xuống
sao anh còn lưu luyến muốn hát thêm?…

 

ĐÓ LÀ THỜI NÀO?

Cái thời ấy
Con người cứ bo bo
Chẳng ai muốn cho
Người khác
Một thứ gì:
Tiền bạc
Của cải
Quyền lực…

Người vừa được đưa lên chức
Dìm ngay người dìu mình
Người vừa được cứu vớt từ bùn
Quẳng ngay bạn mình xuống đó.

Ai ai cũng nhìn xiên
Khó thấy những cặp mắt nhìn thẳng vào nhau
thân thiện

Đó là thời nào?

 

KHI THẾ GIỚI MỞ RA…

Khi thế giới mở ra thì họ thu nhỏ lại
Không phải quốc gia
Mà là một tỉnh
Tỉnh vẫn thật mênh mông
Huyện ư?
Chỉ còn một xã
Và một thôn ư?
Còn rất đông người
Họ thu về gia đình
Cũng ồn ào quá
Và bây giờ họ cố thu, thu lại
Nhỏ như một hạt cát, như một con ve
Để
Chỉ

Chính
Mình.

20/3/2004

 

ĐÔI KHI CHÚNG TA

Đôi khi chúng ta than vãn giữa phố đông
Người gì mà lấn chen dữ thế
Chẳng còn chỗ để cho người ta thở

Đôi khi chúng ta than vãn giữa trường thi
Người gì mà lấn chen dữ thế
Một chọi một trăm biết làm sao ta đỗ

Đôi khi chúng ta than vãn giữa chợ đời
Người gì mà lấn chen dữ thế
Kiếm một việc làm thật không phải dễ

Nhưng tôi biết có lúc rồi cô độc
Chịu nỗi đau trên giường bệnh một mình
Ta ao ước đến khi nào mạnh khoẻ
Cùng mọi người trong rạp hát lấn chen.

 

TRONG MƯA

Mưa
Mưa đổ ào ào
Trong mưa các con tôi chạy nhảy
Từ trong nhà nhìn ra, tôi gọi:
– Vào ngay, dầm mưa bệnh đó các con!
Nhưng chúng mải đùa vui
Rượt đuổi, ngã lăn
Người bê bết bùn
Rồi xoè tay hứng mưa
Cười sung sướng
Như trong mưa
Chúng được cả trời, mây, sông, biển
– Vào ngay các con, dầm mưa lâu nhiễm lạnh!
Tiếng tôi gọi tan trong mưa lớn

Tôi chỉ có chúng trong đời
Còn chúng nó có cả vũ trụ…

2003

 

NGƯỜI CHA

Cha
Người tập cho con làm xiếc trên dây
Sợi dây mỏng manh
Giữa thành công và thất bại
Giữa vinh quang và cay đắng
Giữa cái sống và cái chết…
Khi những tiếng vỗ tay vang lên
Cha đứng sau hội trường
Lặng lẽ khóc…

Cha
Người có đôi tay cứng cáp
Sẵn sàng đưa ra
Khi con ngã xuống từ cao.

5/2003

 

NHỮNG NGỌN GIÓ KHUYA

Ơi những ngọn gió khuya
Có phải các người đang than van
Nỗi cô đơn trong bóng tối
Như những linh hồn lang thang
Không nơi dừng lại
Khắp nơi, từ núi non đến ruộng đồng, sông bãi
Chẳng nơi nào không có những bóng ma…

Tiếng của các người thì thào trong đêm
Như những lời nỉ non
Làm ta thao thức
Và từ lâu giấc ngủ không còn
Là cõi thanh bình
Ta nương thân
Sau một ngày cực nhọc

Những ngọn gió khuya đêm đêm than vãn
Chẳng cho ta một phút bình yên
Chúng đánh thức những ký ức ngàn năm
Của loài người trầm luân trong máu…

5/2/2004

 

GIẤC NGỦ CỦA TÔI

Đêm nào cũng giống đêm nào
Giấc ngủ tôi bị băm ra từng khúc

Chung quanh tôi tất cả vẫn thanh bình, quen thuộc
Trăng sao vẫn sáng trên trời
Cỏ cây sông biển vẫn rì rào

Chẳng hiểu vì sao
Giấc ngủ tôi bị băm ra từng khúc:
Ngủ và thức
Mơ và thực
Giống bình thường đời tôi
Lúc lúc
Nhói lên nỗi âu lo…

Cuộc sống vốn nhiều bất trắc…

 

CUỘC ĐỜI

Cuộc đời
Ôm hôn đứa con béo phì
Hắt hủi
Bầy con gầy trơ xương.

20/4/2013

 

CON NGƯỜI ĐƯƠNG ĐẠI

Chúng ta
Ngày càng xa lánh mọi người
Xa lánh xã hội
Để ép mình dẹp lại
Nằm gọn trong ví tiền.

5/2013

 

CHẲNG AI BÊNH VỰC

Chẳng ai bênh vực
Người bị kẻ khác đánh
Họ bận xun xoe
Kẻ đánh người khác.

19/3/2014

 

CHẠY

Chạy
Chạy vì tiền, chạy vì danh
Chạy ở tầng dưới, chạy ở tầng trên
Chạy ở công đường, chạy ở xó bếp
Chạy ở ngõ sau, chạy ở cổng trước
Chạy sấp, chạy ngửa
Cố dấn lên, dấn lên
Chạy
Chạy
Chạy
Chạy đến kiệt sức
Ngã nhào…

Đêm 19/7/2014

 

CHIẾC GHẾ

Chiếc ghế ấy có gì
Sao nhiều người tranh ngồi
Lũ lượt
Người này rồi người khác
Đôi khi một kẻ đang ngồi
Thì có kẻ
Xô ngã xuống đất…

Đôi lúc
Tôi muốn làm trọng tài
Cho mọi người…

Không ai nghe tôi
Họ cứ tranh giành, xô đẩy
Ngay cả lúc chân ghế sắp gãy…

7/2014

 

TÔI VỚI TÔI XUNG KHẮC

Tôi không còn khả năng hòa hợp với chính mình
Tôi với tôi xung khắc

Khi tôi giục: Đi mau lên để nhanh tới đích
Bản thân tôi lừng khừng: Không tới cũng chẳng sao

Khi tôi bảo: Đời người sắp cạn rồi, hãy mau làm việc
Bản thân tôi khoát tay: Năm tháng còn dài

Khi tôi nói: Con người có khả năng vô tận
Bản thân tôi mỉa mai: Cũng hạn hẹp mà thôi

Không còn khả năng hòa hợp với chính mình
Thân thể tôi tự nhiên tách thành hai nửa
Mỗi một nửa lang thang một chỗ
Lại tìm nhau, kêu gào hòa hợp nhau…

24/6/2014

 

VẬN ĐỘNG VIÊN VÀ NHÀ THƠ

Người vận động viên chạy 100 mét, 200 mét, 800 mét,
1200 mét
Trở thành vô địch.
Nhà thơ
Chạy trên con đường ý tưởng, câu chữ một đời
Chưa tới đích
– Anh sẽ nói gì khi nằm liệt trên giường bệnh
hỡi nhà thơ
– Lại chạy tiếp – nhà thơ mỉm cười nói vậy.

Xuân 2004

 

IM LẶNG

Suốt bao năm ta đã nói nhiều rồi
Khi ở tuổi 60 cần im lặng
Im lặng lắng nghe
Im lặng quan sát
Im lặng nhận xét
Im lặng cả khi người ta nói về mình
Im lặng sống
Im lặng viết
Như im lặng là người duy nhất
Khi bên mình không bè bạn, người thân
Im lặng cầm tay ta dắt đến giây phút cuối cùng…

10/2004

 

TẬP LÀM QUEN

Anh mới về hưu anh hãy tập làm quen
Với việc mỗi mai chẳng còn tề chỉnh áo quần phóng xe đi làm việc

Anh hãy tập làm quen với việc đi lại đi qua quanh quẩn trong nhà
Bà vợ già cằn nhằn nhắc anh khẽ khàng cho cháu ngủ

Tập làm quen với việc đồng nghiệp chẳng ai lui tới
Chẳng còn ai “tham khảo ý kiến anh”

Tập làm quen với nỗi cô đơn trên giường bệnh một mình
Chẳng có ai mang quà thăm hỏi

Để cuối cùng anh có thể quen với cái điều chẳng làm sao quen nổi:
Lặng lẽ ra đi, từ biệt thế gian này…

11/2012

 

CHẾT HOANG

Rảnh việc
Đóng cửa nằm tầng trên
Ai đến
Tưởng vắng nhà không gọi

Một mình phát chán
Lâu lâu
Ngó ra cửa
Chờ khách đến

Ngày qua ngày
Vắng khách
Đóng cửa nằm tầng trên
Người và nhà
Chết hoang!

25/8/2014

 

MỘT GẠCH

Tôi thắp nhang bên mộ ba tôi
Nơi tấm bia
Ghi tên người
Nối năm sinh – năm mất
Ở giữa có vạch ngang (-) một gạch

Chỉ một gạch thôi mà chứa cả cuộc đời
Ba đã sinh ra
Bước chân chập chững tuổi thơ
Đã đi học
Đã chiến đấu và công tác
Cũng chỉ trong một gạch ấy thôi

Và tôi nghĩ
Một gạch lớn vô cùng
Ai cũng phải bước qua
Bước sao cho trọn vẹn.

 

NƠI PHÒNG ĐỢI

Bên kia, sau cánh cửa này
Là căn phòng vĩnh cửu

Bọn chúng ta ở ngoài phòng đợi
Lần lượt từng người vào
Chẳng bao giờ trở ra

Sao ta nghe ồn ào thế kia
Người cãi nhau chí chóe
Tranh nhau những điều vặt vãnh

Họ vờ quên những tiếng gọi
Giáng xuống như búa bổ
Chẳng chừa một ai!

19/8/2009

 

XUỐNG TÀU

Xuống tàu
Sắp sửa xuống tàu
Ở một ga nào đó trong cuộc đời
Sao cảm thấy run
Cảm thấy lo sợ
Không phải vì nơi xa lạ
Chưa đến bao giờ
Hay nơi quen
Đầy kỷ niệm khổ đau…

Xuống tàu
Xuống tàu
Sắp sửa xuống tàu
Mà sao lo sợ
Vì chắc chắn chẳng ai đón mình
Ở cửa ga đó cả…

1/2008

 

HÀNH TRANG

Cái ngày bàn tay thần chết sờ lên sống lưng tôi
Phả hơi lạnh như băng của nó
Tôi mỉm cười bảo: “Hãy chờ tôi tí
Tôi còn chuẩn bị hành trang”

Tiền bạc, của cải, nhà cửa, áo quần
Những thứ đó không cần gì cho tôi cả
Những tuyển tập Văn, Thơ, Triết học
của những bậc thiên tài
Tôi cũng chẳng mang đi nổi

Trước sự thúc giục của thần chết đứng bên
Tôi chỉ cầm theo một cây bút nhỏ
Để từ thế giới bên kia tôi viết cho những người đang sống
Đó là những gì tôi mang theo vào giây phút cuối đời
Khi bàn tay thần chết sờ lên sống lưng tôi.

23/4/1993

 

TÔI NGỒI BÊN NÀY BỜ RÀO THỜI GIAN

Tôi ngồi bên này
Sát bờ rào thời gian

Bên kia bờ rào
Mặt đất phẳng lì hút mắt tới chân trời
Bầu trời trống rỗng xanh đến tận cùng

Tôi nghe những tiếng lào xào
Của những gì không rõ, đã cận kề
Như bầy chim lo âu
Vỗ cánh ngập ngừng bay qua bờ rào thời gian…

11/2005

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây