Nơi đây từng có một dòng sông – Tác giả Hoàng Hải Phương

Nơi đây từng có một dòng sông - Tác giả Hoàng Hải Phương

NƠI ĐÂY TỪNG CÓ MỘT DÒNG SÔNG

Hoàng Hải Phương

1.Tuổi thơ ở quê, ai cũng gắn bó với một dòng sông. Tôi lại may mắn được sinh ra bên hai dòng sông lớn là Thu Bồn và Vu Gia ở Quảng Nam. Đó là những dòng sông trong veo, thấy sỏi trắng sáng mê tơi dưới đáy cát vàng vào mùa nắng và tràn lên đục ngầu hung dữ, cuốn lổn nhổn cây rều mục chảy ngầu bọt băng băng về xuôi mùa mưa lũ. Tuy vậy khi đi xa, người ta chỉ nhớ những kỷ niệm êm đềm về chúng như nhà thơ Thanh Quế viết qua vẻ bình dị của cái đẹp muôn đời của cảnh, của tình, của lòng người trong mối rung cảm sâu lắng với thiên nhiên nghe rất ngớ ngẩn mà hay:

Trước nhà em sông Vu Gia
Sau nhà em cũng lại là dòng sông
Anh đi giữa một cánh đồng
Ngóng trông bên nọ, ngóng trông bên này.

Lớn lên, tôi đã thấy nhánh sông Thu Bồn rẽ ra, men sát xóm mình xuôi về gặp lại sông chính rồi hội tại Giao Thủy. Bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ của tôi gắn với nhánh sông này: hơn năm tuổi đã tập bơi uống no nước, lặn bắt tôm lên nướng trên ống xả khói máy cò điếu bơm nước tuới ruộng, đi cắm câu thả lưới gần như quanh năm. Theo thời gian, dòng sông bỏ mẹ đi chơi này bị bồi lấp đầy cát, chỉ thành sông vào mùa mưa lũ. Mỗi lần lội qua cái rạch nhỏ xíu không thể bơi được, tôi lại tiếc ngẩn ngơ.

Sông Vu Gia bên quê của bà nội tôi, một vùng đất đai Phiếm Ái trù phú. Dòng sông qua đây nũng nịu, uốn lượn qua các triền dâu xanh mướt, tiến sát về hướng sông Thu. Nhưng có lẽ còn muốn tự do nên nó chỉ để một nhánh nhỏ là sông Quảng Huế hợp lưu, còn mình làm một cú lượn ngoạn mục như trẻ con cút bắt, vòng ra Ái Nghĩa chảy về găp nhau tại sông Hàn, thong dong giữa Đà Nẵng rộn rã tiếng cười.

Mấy hôm nay nắng nóng hầm hập, bỏng giãy vùng miền Trung. Điện về hỏi thăm mẹ, dường như nghe tiếng thở mệt nhọc của người già trước cái nóng khủng khiếp gần 40 độ C mà thương. Mẹ thốt lên, họ chặn nước về sông Quảng Huế rồi, chắc làng Thanh Vân lở mất con ơi! Đó là ngôi làng cũ trước khi ông ngoại tôi đến lập làng Phú Ninh gần đó cho dân ngụ cư.

2.Sông Quảng Huế nhận nước từ Vu Gia qua hai nhánh. Một nhánh chính bắt đầu từ thôn 7 Đại Cường, trước đây gọi cái tên Thanh Vân rất hay với một dòng nhỏ, chảy xiết để hợp cùng nhánh sông Đại An về Giao Thủy. Nghe nói người Pháp đã đào rộng thêm nhánh sông chảy vòng cung qua giữa xã Đại An để tưới nước cho cả miền con gái đẹp của Đại Lộc này.

Dòng sông Quảng Huế bao đời nay làm mướt xanh những biền dâu bạt ngàn, các ruộng mía xanh um, nhiều vườn cây mít sum sê, rồi bao cánh đồng rau màu và lúa tươi tốt của hai xã Đại Cường và Đại An. Vùng đất bồi màu mỡ Phú Bò bên kia sông là sự tranh chấp đổ máu dai dẳng của hai xã, về sau Tòa án triều đình Huế xử cho dân Đại An thắng kiện mới thôi. Dân Quảng Đại thuộc Đại Cường có nhiều người giỏi võ là do làng thuê thầy về dạy để đi giành đất. Trong số này về sau có nhiều người thoát ly làm cách mạng, hành động rất anh hùng và cũng có lắm người vào dân vệ, bảo an rất hung dữ. Sau thống nhất đất nước, có lẽ lãnh đạo ngành nông nghiệp nắm được các quy hoạch thủy lợi từ hồi Pháp nên nhiều hồ chứa nước ở Quảng Nam được xây lại. Sông Quảng Huế cũng được tổ chức công trường lao động thủ công rầm rộ khai thông dòng chảy, tưới tiêu cho cả vùng.

Những năm gần đây về mùa hạ, do nước sông Vu Gia giảm lưu lượng nên nước các sông chảy về Đà Nẵng giảm. Hậu quả là một số vùng Bắc Quảng Nam thiếu nước tưới các cánh đồng nên năng suất cây trồng giảm rõ rệt. Riêng Đà Nẵng không chỉ thiếu nước nông nghiệp mà ngay cả nước sinh hoạt cũng đang bị nhiễm mặn, mỗi tháng nhà máy nước Cầu Đỏ phải chi 5 tỷ đồng để bơm nước từ đập An Trạch về phục vụ người dân.

Để giải quyết sự cố này, Đà Nẵng phối hợp với Quảng Nam (may là nhiều sếp Quảng Nam có nhà ở Đà Nẵng!) để chặn bớt dòng chảy Vu Gia đổ vào sông Quảng Huế. Mới đây bỏ ra hàng trăm triệu đồng làm đập ngăn nhưng sau đó mùa lũ đã cuốn trôi. Do dòng chảy bị cản trở nên mới đây tại địa bàn xã Đại Cường, một dòng chảy mới, phân nhánh khác thường của sông Vu Gia đã hình thành với chiều dài 2 km. Trong khi đó dòng chảy cũ, đoạn đổ vào cửa sông Quảng Huế, lại bị bồi lấp hoàn toàn. Dòng chảy này đã xói lở cuốn trôi gần 300 ha đất canh tác, đe dọa trực tiếp tới hơn 200 hộ dân cư ven bờ.

Năm nay bổn cũ soạn lại, Quảng Nam đã duyệt Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình đào vét, khai thông dòng chảy hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn để chống hạn, nhiễm mặn, với nguồn vốn đầu tư không nhỏ. Mấy cụ già cười, ăn thua chi, trên nó là túi nước, đắp chỗ này nó phá chỗ khác thôi. Nói gì thì người dân cũng khổ, mấy ông thủy điện được chỉ mặt là thủ phạm nhưng không xử được, phải đối phó vậy thôi.

3.Nhớ hồi học phổ thông, học về thủy điện, chúng tôi hào hứng với những ưu điểm khắc chế dòng sông để phục vụ đời sống con người. Tôi nhớ mình đã được điểm cao khi thi vẽ được cả âu thuyền xả nước dâng lên để cho tàu thuyền lưu thông không trở ngại qua các con đập… Đặc biệt chúng tôi còn sôi sục với những lời thơ cổ võ của Tố Hữu:

Đi ta đi! Khai phá rừng hoang
Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng.
Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy?
Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy
Hỏi đâu thác chảy, cho điện quay chiều?

Rừng hoang nên mọi người mạnh ai nấy phá cơ bản đã xong. Bãi vàng mọc lên khắp nơi, soi từng góc rừng, đào đãi khắp các con suối. Biển đã bị khai thác cạn kiệt, nhiều giống cá tôm gần như tuyệt diệt. Còn nguồn lợi nước được khai thác rầm rộ để phát triển thủy điện. Đây là điều cần thiết, góp phần khai thác nguồn tài nguyên nước phục vụ cho nhu cầu phát triển nền kinh tế, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thủy điện cũng đã và đang ẩn chứa nhiều nguy cơ về thảm họa môi trường và kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp và vấn đề an toàn của vùng hạ lưu thủy điện.

Không hiểu quý vị lãnh đạo có bị ảnh hưởng sự mơ mộng của thơ ca nên xét duyệt xây dựng các nhà máy thủy điện dày đặc trên các dòng sông, nhất là các dòng sông miền Trung chảy xiết khó lường về mùa mưa lũ không?

Do chạy theo lợi nhuận nên các dự án chặn ngay dòng sông chứa nước nhưng không đủ thể tích chứa nên yếu sức đương cự vào mùa lũ. Việc xây dựng quên cửa xả đáy cứu hạn và không làm âu thuyền nên chia cắt dòng sông thành các đại đầm lầy.Thế là thủy điện cố giữ nước vào mùa khô, ngược lại mùa lũ lại xả nước lúc đỉnh lũ càng làm gia tăng sự tàn phá hung dữ của dòng sông. Dân sống hai bên bờ sông Ba bất ngờ bị lũ cuốn sạch ngô khoai giữa ngày hạ du bình yên hay dân Đà Nẵng khát nước nông nghiệp và sinh hoạt là hậu quả của mấy ông thủy điện này. Đó là chưa kể việc di dời người dân vào chỗ điều kiện sinh sống tồi tệ hơn nơi cũ với đồng tiền đề bù rẻ mạt, rồi hàng bao nhiêu ha rừng đầu nguồn bị lợi dụng chặt phá.

Người ta cho rằng Việt Nam có trên 7.500 hồ chứa nước thủy điện và nông nghiệp. Riêng trên lưu vực Thu Bồn – Vu Gia gần 50 dự án nhà máy thuỷ điện vừa/nhỏ đã và đang xây dựng. Khu vực miền Trung có đặc trưng mưa mùa và mưa cục bộ theo bức chắn địa hình nên lượng mưa và lượng nước tập trung trên một lưu vực sông là rất lớn. Thêm vào đó, hệ thống các nhà máy thủy điện theo dạng bậc thang nên sau một thời gian tích nước đến hết ngưỡng an toàn thì các nhà máy thường tiến hành xả lũ đồng loạt, đã tạo ra sự cộng hưởng của nước gây nên những trận lũ ngày càng khủng khiếp hơn.

Nhiều nhà khoa học cho rằng lòng sông hiện nay chuyển thành hồ chứa đến một lúc nào đó lòng hồ bị bồi lắng, không còn khả năng lưu trữ nước, lúc ấy lòng hồ cũ đã ở mức cao hơn nên sẽ tạo ra lũ trên diện rộng, mức lũ và độ hung dữ của lũ sẽ cao hơn. Tương lai “với tốc độ phát triển nhà máy thủy điện như hiện nay, đến những năm 2050, tất cả các con sông ở Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng có tiềm năng thủy điện sẽ được khai thác hết (biến thành các hồ thủy điện), và cũng sau một khoảng lùi thời gian tương tự (khoảng 100 năm kể từ khi đi vào hoạt động) các lòng hồ chuyển thành các đầm lầy, hồ thủy điện sẽ không còn khả năng tích nước, mất khả năng phát điện, các nhà máy thủy điện chỉ là các công trình “lưu niệm”. Như vậy, nguồn năng lượng từ thủy điện cơ bản không còn. Có nghĩa là các thế hệ tương lai mất đi quyền bình đẳng trong việc hưởng quyền sử dụng nguồn năng lượng do thiên nhiên ban tặng”.

4.Không hiểu sao khi duyệt dự án Thủy điện Đắkmi 4 lại cho xả nước cắt cớ về sông Thu Bồn nên Vu Gia mất lượng nước đáng kể. Để đối phó, họ lại khắc phục bằng cách đắp đập ngăn nước chảy về sông Quảng Huế. Xói đất mất nhà vào mùa lũ vì sông mở dòng mới hoặc đất đai khô cằn là tương lai cho bà con bên dòng sông Quảng Huế yên ả ngày xưa.

Một lần đứng trên cầu Quảng Huế thấy dòng nước đục ngầu chảy về, lôi đất bờ tre oàm ạp, tôi lại nhớ đến Tết Mậu Thân 1968. Năm ấy các xã vùng B được vận động đi cướp chính quyền thị trấn Ái Nghĩa. Nghe cán bộ tuyền truyền cả miền Nam đứng lên, bọn địch tan rã, ta hốt nó như lấy kẹo bỏ vào túi mà rạo rực suốt ngày đêm. Bọn con nít chúng tôi nghỉ học, đốn trúc già làm gậy, bện dây dừa treo tòn ten một bên còn bên kia là hai đòn bánh tét. Chờ cả đêm không ngủ, nghe tin đài cuộc nổi dậy khắp nơi mà háo hức, vác gậy lên đi lại đầy đường. Sáng ra bảnh mắt, các mẹ chị chít khăn dẫn bọn trẻ con chúng tôi kéo nhau đi ầm ầm về hướng thị trấn. Đến bên này sông thì gặp tổ du kích nằm ém chờ bộ đội chính quy về phối hợp. Họ nói chờ từ chiều qua mà không thấy ai cả nên không dám qua sông vì bọn bảo an, dân vệ đóng đầy dọc cả phòng tuyến bên kia.

Thấy quân đấu tranh chính trị đông, cán bộ hội ý cứ qua sông tiến lên chắc địch bỏ chạy. Ai ngờ ghe mới chở mấy người chớm qua sông là địch đồng loạt bắn đại liên xôi xả lên trời uy hiếp. Mọi người hoảng hồn nằm rạp xuống. Mấy ông trong xã đội hô cứ qua, hắn bắn dọa đó. Mẹ tôi là cán bộ phụ nữ xã nên chạy đi xin ý kiến cán bộ huyện ủy được cài vào đoàn biểu tình. Mọi người nói bọn lính bên Phú Bò ác ôn lắm, nó bắn chết chứ không giỡn đâu, mà lính chính quy không có qua bển làm được gì? Mọi người suy nghĩ lung lắm rồi bảo thôi rút lui, con nít đàn bà mần chi được mà tiến qua. Dòng sông này đã mang bao kỷ niệm một thời khó quên.

Tại sao không bắt các ông thủy điện làm lại nếu sai hoặc dừng các dự án mới mà bắt dân hứng chịu hậu quả do họ gây ra? Thấp cổ bé họng, người dân quê tôi phải âm thầm chịu đựng tai họa thiên nhiên rình rập giáng xuống đầu. Ôi ước gì trở lại ngày xưa. Làng quê bây giờ đâu có thanh bình như người ta tưởng!

Hoàng Hải Phương

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây