Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: Hãy kế thừa thế giới nơi ý kiến của trẻ được tôn trọng

Tôi mong thế giới bạn sống là thế giới mà ý kiến trẻ em được tôn trọng và trẻ cũng được tham gia nhiều hơn vào các vấn đề của xã hội. Bởi điều này, giúp tạo một môi trường để trẻ tự tin, phát triển toàn diện, phát huy hết tố chất và tiềm năng.

Năm 2024, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề là: “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”.

Tiếng Anh là: “At 150 years old, the UPU has served people around the world for more than eight generations. The world has changed enormously since then. Write a letter to future generations about the world you hope they inherit”.

Chủ đề của cuộc thi năm nay gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024).

Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53:

… Ngày… tháng… năm…

Chào các bạn – thế hệ tương lai của chúng tôi!

Trong Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em có nhấn mạnh nội dung: Trẻ em có quyền tự do bày tỏ ý kiến; Các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ có quyền tự do phát biểu những quan điểm đó. Tức là, dù ngoài xã hội hay trong gia đình, tiếng nói của trẻ em vẫn cần được tôn trọng và nhìn nhận đúng mực.

Tuy nhiên ở thế giới của chúng tôi, rất nhiều bậc cha mẹ, nhiều gia đình thiếu đi sự lắng nghe, thậm chí không tôn trọng ý kiến của con trẻ. Trong các vấn đề quan trọng phải đưa ra quyết định, nguyện vọng và ý kiến của trẻ thường bị cha mẹ xem nhẹ. Không phải chuyện xa lạ, anh trai tôi – từng là nạn nhân của vấn đề này. Câu chuyện cũng diễn ra ở năm.

Từ nhỏ anh tôi đã thích các con số và mong muốn sau này làm các công việc về lĩnh vực kinh tế, tài chính. Tuy nhiên, mong muốn của anh lại bị bố mẹ nghiêm cấm, thay vào đó, bố mẹ định hướng anh thi vào ngành Y theo truyền thống gia đình. Dưới sự áp đặt, hy vọng cùng sự đầu tư của bố mẹ, sau tốt nghiệp phổ thông, anh tôi cũng đỗ vào một trường đại học y dược…

Nhưng hậu quả là sau 1 năm nhập học, anh tôi tỏ rõ stress đến mức phải đi điều trị tâm lý. Có lần tôi nghe anh bật khóc trong một lần nói chuyện với bố mẹ. Lần đó, không phải là một cuộc tranh luận, anh tôi thẫn thờ nói trong vẻ tiều tụy. Tôi nghe loáng thoáng anh nói đến việc sợ máu, ám ảnh tiếng còi cấp cứu ngay cả trong giấc ngủ. Hậu quả, anh chán chường và kết quả học tập bết bát. Chứng kiến những gì diễn ra với anh tôi về mặt tâm lý, bố mẹ tôi cũng dần nhận ra điều gì đó, nhưng có lẽ đã muộn màng.

Kết cục, anh tôi đã phải nghỉ học sau một năm chóng vánh và dự định ôn thi lại ngành khác ở những năm sau. Vấn đề của tôi là một khía cạnh rất nhỏ trong câu chuyện tiếng nói của trẻ đang bị xem nhẹ. Tôi tự hỏi, ngay cả vấn đề liên quan đến cá nhân, bản thân còn không có quyền quyết định ra ngoài xã hội, tiếng nói của trẻ em sẽ đi về đâu?

Hiện nay, có rất nhiều tổ chức, chương trình đứng ra với mong muốn bảo vệ, nâng cao vai trò tiếng nói, ý kiến của trẻ em. Tiêu biểu trong đó có thể kể đến là các phiên họp Quốc hội Trẻ em Hàn Quốc. Đây là một trải nghiệm lập pháp thực tế dựa trên các vấn đề được cộng đồng quan tâm, từ đó trẻ em đưa ra ý kiến, giải pháp với cộng đồng.

Hoạt động này giúp trẻ phát triển phẩm chất của công dân trong một nền dân chủ và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai bằng cách tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm dân chủ thông qua quá trình nhận biết các vấn đề được cộng đồng quan tâm và chia sẻ ý kiến với cộng đồng. Đây còn là cách làm thúc đẩy quyền tham gia chính trị của trẻ em, hướng cho trẻ trở thành những công dân của một xã hội dân chủ lành mạnh.

Hy vọng với nhiều hoạt động, mô hình thiết thực hơn về quyền trẻ em, tiếng nói của thế hệ tương lai các bạn sẽ được lắng nghe hơn, xem trọng hơn.

Nhưng trước hết, mỗi gia đình, nhất là những bậc làm cha mẹ hãy dành thời gian để lắng nghe con em mình. Hãy cho trẻ được thể hiện ý kiến và bày tỏ sự tin tưởng đối với những suy nghĩ con em mình. Mong rằng trong tương lai, tất cả chúng ta, dù ở độ tuổi nào, quốc gia nào cũng được sống trong môi trường dân chủ lành mạnh. Ở đó, tiếng nói của tất cả mọi người đều được tôn trọng, lắng nghe.

Trân trọng!

Ký tên.

Thanh Hùng

Dưới đây là những lưu ý, bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53.

Chủ đề cuộc thi viết thư UPU lần thứ 53 năm 2024

Hàng năm, Liên minh Bưu chính Thế giới (gọi tắt là UPU) tổ chức Cuộc thi Viết thư quốc tế dành cho trẻ em, nhằm góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em.

Cuộc thi cũng giúp các em tiếp cận và nhận thức các vấn đề của xã hội, của thời đại và thể hiện suy nghĩ của mình đối với những vấn đề này. 

Bên cạnh đó, cuộc thi giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội. 

Viết thư UPU cần lưu ý gì?

Theo Ban giám khảo cuộc thi, chủ đề năm nay chứa nhiều dữ liệu mà các em cần quan tâm tìm hiểu: 150 năm hành trình bền bỉ và tận tụy của ngành Bưu chính phục vụ 8 thế hệ người dân đồng hành cùng những đổi thay của thế giới trong quãng thời gian một thế kỷ rưỡi và những câu chuyện về thế giới của chúng ta hôm nay, cũng là di sản dành cho thế hệ tương lai sau này.

Sau khi tìm kiếm đủ các dữ kiện liên quan đến chủ đề, một người viết thư giỏi cần tìm ra các ý tưởng để kết nối chúng lại một cách sáng tạo, tìm ra cách viết bức thư sao cho thật giàu cảm xúc và đầy sức thuyết phục.

Có thể, các em sẽ tự đặt câu hỏi: Phải chăng chủ đề cuộc thi năm nay gắn với sự kiện kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) trong năm 2024 (1874-2024), nên sẽ chỉ tập trung nói về lịch sử hay vai trò của ngành Bưu chính trong việc phục vụ thế giới của chúng ta?

Điều này đúng nhưng chưa đủ. Trong lịch sử của cuộc thi, có những năm đã có những chủ đề riêng về ngành Bưu chính. Tại Việt Nam, ngành Bưu chính đã có nhiều đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Bưu chính không chỉ giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gửi và nhận thư từ, tài liệu, hàng hóa và thông tin một cách nhanh cho và hiệu quả, còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Đó là lý do chúng ta không bao giờ quên vai trò của Bưu chính, người đồng hành thầm lặng, người chứng kiến những đổi thay, người kết nối thế giới. Năm nay, chúng ta cần tập trung làm nổi bật một số nội dung.

Theo Ban giám khảo cuộc thi viết thư UPU, chủ đề năm nay khuyến khích giới trẻ bày tỏ suy nghĩ của mình về thế giới chúng ta đang sống trước những thách thức toàn và đề xuất các giải pháp để thay đổi. Cốt lõi của điều này nằm trong mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, một chương trình tốt đẹp với mục đích thắt chặt sự kết nối giữa các thế hệ và đảm bảo cho một hành tinh đáng sống trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Các mục tiêu Phát triển Bền vững có tính phổ quát và bao trùm, không chỉ tập trung xóa đói giảm nghèo mà còn hướng đến việc cải thiện chất lượng y tế, giáo dục, nâng cao sự bình đẳng xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế, hành động vì khí hậu và bảo tồn rừng biển…

Ban giám khảo lưu ý nhìn lại lịch sử các chủ đề của cuộc thi trong nhiều năm qua, có thể thấy đây là nội dung được UPU rất quan tâm.

5 quy định về bức thư dự thi:

Theo Ban Tổ chức, đối tượng dự thi là học sinh Việt Nam từ 9 đến 15 tuổi (tính đến thời điểm gửi thư tham dự cuộc thi). Các em cần đảm bảo đúng những quy định sau:

Thứ nhất, bức thư là sản phẩm sáng tạo của cá nhân học sinh, viết dưới dạng văn xuôi theo chủ đề của cuộc thi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 800 từ.

Thứ hai, các bức thư dự thi viết bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt gửi kèm. Ban Giám khảo sẽ chấm theo bản tiếng Việt.

Thứ ba, bức thư dự thi trình bày rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy (lưu ý không viết vào mặt sau, có thể viết nhiều tờ, đánh số trang, ghim lại để tránh bị nhầm lẫn). Bức thư dự thi đánh máy vi tính hoặc photocopy là không hợp lệ.

Thứ tư, ở góc trên cùng bên trái bức thư dự thi cần ghi đầy đủ các thông tin: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố), số điện thoại. Bức thư dự thi không ghi đầy đủ các nội dung trên sẽ bị loại.

Thứ năm, trong nội dung bức thư dự thi, học sinh không được nêu cụ thể tên, trường lớp, địa chỉ của mình, tránh tiết lộ thông tin cá nhân.

Khi gửi bài dự thi, các em học sinh cần thực hiện như sau: Mỗi bức thư dự thi phải cho vào phong bì có dán tem bưu chính, ghi rõ địa chỉ người gửi, địa chỉ nơi nhận kèm mã bưu chính (11611) và gửi qua hệ thống bưu cục của Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post).

Phong bì thư cần ghi rõ: Bức thư dự thi Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 53 (năm 2024). Nơi nhận bài thi: Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, số 5 phố Hòa Mã, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thời gian nhận bài dự thi từ nay đến ngày 15/3/2024 (theo dấu Bưu điện).

Theo Ban tổ chức, việc dự thi không bắt buộc 100% học sinh của các trường tham gia. Tất cả các bài dự thi không dán tem bưu chính hoặc không gửi qua Bưu điện Việt Nam đều không hợp lệ.

Bản quyền các bài tham dự cuộc thi thuộc về Ban Tổ chức, các học sinh không đưa bức thư dự thi lên báo chí, truyền hình hoặc mạng xã hội khi Ban Tổ chức chưa công bố kết quả.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây