Xí Quách – Tác giả Hồ Thiện Tâm

Xí Quách - Tác giả Hồ Thiện Tâm

XÍ QUÁCH

Hồ Thiện Tâm

Dân nhậu bình dân Sài Thành chắc không ai không biết món xí quách, một loại mồi thuộc hàng bén. Theo các vị học giả chuyên tầm chương trích cú thì chữ “xí quách” nguyên gốc là tiếng Tàu, phiên ra kiểu Chợ Lớn là “trư cốt” tức là xương heo, nhưng không phải xương heo bán ở chợ mà là xương heo đã được các tiệm hủ tíu nấu nhừ từ sáng tới tối trong mấy nồi nước lèo to tổ bố để lấy cho bằng hết chất ngọt. Thế nhưng về sau này, xí quách không phải chỉ có xương heo thôi, mà còn mở rộng ra tới tất cả các thứ xương khác có thể nằm trong các nồi nước lèo thuộc nhiều thể loại khác nhau, vì thế xương heo, xương bò, xương ngựa, xương dê, xương cừu, xương gà vv… và đôi khi là cả xương mèo và nhiều thứ xương khác nữa nữa đều thuộc phạm trù xí quách hết. Món xí quách này thường chỉ bán ở một vài quán bình dân chứ không phải quán nào cũng có, mà cũng chỉ bán từ tối đến khuya, tới khi nào dẹp tiệm là xí quách cũng vừa hết.

Thế nên khách phương xa lạ nước lạ cái mà muốn nhậu xí quách thì cũng không phải dễ mua. Có điều tôi vẫn lấy làm ngạc nhiên là sao các quán lớn, sang trọng như Hồng Phát, Quỳnh, Tylum, Liến Húa, Đạt Thành, Hai Lúa… toàn khách sang, vào quán chẳng có ai đi kêu một tô xí quách để ngồi lai rai cả, thế thì xí quách trong các nồi nước lèo của họ đi đâu cả? Mà mỗi ngày họ bán dễ đến cả chục nồi nước lèo chứ ít đâu! Chả nhẽ họ mang đổ cả vào thùng rác? Nếu quả thế thật thì phí quá!

Khách ruột của món xí quách là ai? Đó trước hết là dân nhậu bình dân ít tiền, xe ôm, xích lô, dân lao động nghèo, sinh viên… Sau nữa là các vị có tiền nhưng lỡ kết mô đen với món xí quách. Nói chung, đi mua xí quách người ta chỉ tới chỗ mấy quán quen, và dân nhậu thì luôn biết rành quán nào có bán xí quách ngon. Vì xí quách là một món phi tiêu chuẩn, nên chất lượng của một tô hay một thau xí quách luôn tùy thuộc vào mức độ cảm tình của người bán với người mua. Gặp ông khách có bản mặt cô hồn thấy ghét, thì khi dùng cái vợt để múc xí quách, ông chủ quán chỉ cần vợt nhè nhẹ lớp xương bên trên rồi đảo nhẹ vài vòng nữa, thế là đảm bảo thau xí quách chỉ có đúng toàn là xương, không dính một mẩu thịt nào. Còn gặp gã khách quen thấy dễ thương, ông sẽ cào vợt xuống dưới đáy nồi rồi nhẹ nhàng bỏ vào tô cho khách, mấy cục xương sẽ còn dính đôi chút thịt và có thể còn có thêm ít thịt vụn dưới đáy tô. Nghệ thuật là ở chỗ đấy! Tôi khi còn học ở trường Dược, những đêm trực trường cũng thường hay đi mua xí quách về nhậu, vì thế tôi đã trở thành khách quen của một quán hủ tíu ở đường Nguyễn Du phía sau tòa nhà Petrolimex Sài Gòn. Ông chủ quán này là người Tàu, nhưng chẳng hiểu sao ông lại có cảm tình với tôi, chắc tại ông thấy tôi có cái vẻ vừa ốm đói lại vừa đù nữa, nên lần nào tôi ra mua xí quách chỗ quán ông, ông cũng nhẹ nhàng múc thêm vào thau xí quách cho tôi một mớ nước lèo, bỏ thêm chút lá hành lá hẹ rồi rắc lên trên một chút tiêu bột, thế là tôi có một thau xí quách nóng hổi thơm lừng. Bữa nào chỗ ông Ba Tàu này hết xí quách, tụi tôi chạy lên chợ Đa Kao, ở đây có một quán phở, tối khuya cũng còn bán xí quách, mà là xí quách bò. Món xí quách bò có cái đặc biệt là rất rẻ, bởi vì xương bò dùng để nấu nước phở người ta dùng toàn xương ống thật to, trước khi nấu người ta nạo thật sạch các mẩu thịt vụn còn bám lại rồi cưa đôi ống xương ra, lấy cho bằng hết tủy bên trong. Có làm thế nồi nước phở mới trong. Bởi thế, xí quách bò chẳng mấy khi còn gì để gặm ngoại trừ cái đầu cù lẳng, cho nên nhậu xí quách bò thì phải nhậu ôm, tức là mỗi trự phải ôm một cục mà gặm, gặm cả buổi cũng chẳng sứt mẻ mấy tí, và cũng chẳng sợ tay nào phá mồi!

Xí quách tuy là một thứ mồi bình dân nhưng nếu ai đã từng có thâm niên trong cái vụ gặm xương này thì sẽ phát hiện được nhiều điều thật thú vị.

Cái thú thứ nhất là khi gặm xí quách ta thường được gặp những bất ngờ. Xương còn dính thịt cho ta cái bất ngờ là lúc đang cố gặm tí thịt còn lắt léo trong góc kẹt của cục xương thì bỗng sựt một cái, ta cắn được một miếng gân hoặc một miếng sụn giòn. Đang gặm tí da tí mỡ của cục giò heo thì lại đớp được một mẩu thịt nạc. Khoái hơn nữa là gặm cái sụn giòn tan nằm cuối xương ống chân gà, nhất là loại gà công nghiệp. Gặm xí quách mà gặp những bất ngờ ấy, thật chẳng khác nào “lữ khách tha hương ngộ cố tri”.

Cái thú thứ hai là được thưởng thức nhiều thứ cùng một lúc. Tuỳ là bò, gà, hay heo, những thứ bám vào xương có thể kể ra nhiều: thịt nạc, thịt mỡ, gầu, nạm, da, sụn, gân, tuỷ. Ăn thịt heo luộc thì chỉ có nạc và mỡ, ăn bít tết thì chỉ có thịt, ăn nem thì có thịt có da; không món nào cho ta hưởng được nhiều thứ như gặm xương. Có lẽ vì sảng khoái như vậy nên dân nhậu thường lấy xương làm mồi. Rỉa một miếng xí quách, chấm vào chén xì dầu (nước tương) có pha tương ớt, cho vào miệng nhai, rồi ngẫm nghĩ “Đời cũng còn nhìều thú vui đơn sơ mà đáng sống.” Mà đúng thật, gặm xí quách cũng giống như sống cuộc đời, đủ mùi vị khi ngọt bùi, khi cay đắng, lúc đầy toan tính, lúc thực bất ngờ. Ấy là chưa kể nhấm thêm vài lá rau quế hoặc ngò gai, cắn một miếng ớt, cộng hưởng với men nồng của rượu, thực không còn gì sung sướng hơn cho cái cuộc đời bầm dập lên voi xuống chó bằng gặm xương

Gặm xương còn là một liều thuốc bổ sung Calcium. Không hiểu sao nhiều người phải mua calcium về uống, trong khi xương là nguồn calcium vô tận. Thử hỏi uống một viên Calcium, vừa nhạt nhẽo vừa nóng, sao cho bằng gặm một cục xương, vừa béo vừa bùi? Người Mỹ người Tây cần uống Calcium vì họ không biết gặm xương! Chẳng những người Mỹ người Tây không biết gặm xương mà thậm chí chó Mỹ chó Tây cũng không được gặm xương thật. Chúng nó chỉ được gặm xương giả hoặc xương khô, không bao giờ được gặm xương tươi do chủ thưởng trực tiếp sau khi chủ gặm xong quẳng luôn xuống nền nhà như chó ta. Trời đất, chó thì phải gặm xương. Chó mà không được gặm xương thì… làm chó để làm gì?

Ngoài việc được khoái khẩu ra, cái thú gặm xương còn đem lại cho ta nhiều lợi ích tinh thần. Trước hết, gặm xương tập cho ta biết lập kế hoạch. Trước khi gắp cục xương bỏ vào tô, vào chén, hoặc vào đĩa thì phải quan sát thật kỹ, nhìn trước ngó sau để chọn cho được cục xương nào ưng ý nhất. Đây chính là điểm phân biệt người lịch sự với kẻ thô lỗ. Người lịch sự bao giờ cũng ngắm nghía kỹ lưỡng, hạ đũa xuống là gắp chính xác ngay miếng mình muốn, chứ không bao giờ phài đào lên bới xuống trong tô để mà tìm kiếm như những gã phàm phu tục tử. Xong, ta phải ngắm nghía để lập phương án. Ta nên bắt đầu từ chỗ nào? Phải gặm ngay từ bàn chân heo hay phải bắt đầu từ chỗ bên trên có nhiều thịt? Gặm ở đâu thì còn tuỳ người. Có người thích cái dễ dàng trước khi đến chỗ khó, nghĩa là gặm chỗ thịt nhiều trước khi đến chỗ gân. Gặm thế này là gặm xuôi. Người khác lại thích gặm ngược, nghĩa là bắt đầu từ chỗ móng, tuy khó khăn nhưng được cái miếng ngon thích thú, cái sần sật của bàn chân heo. Gặm xương tập cho ta đức kiên nhẫn. Ai không kiên nhẫn sẽ gặm ngay vào chính cục xương, không gãy răng cũng dập môi. Từ từ mà gặm, nhìn lui nhìn tới tính toán cho kỹ rồi ghé răng vào cắn một cái. Không chắc là cắn ra được ngay đâu. Có thể lại phải cắn lui cắn tới, nhùng nhà nhùng nhằng.

Gặm xương là một việc mạo hiểm. Khi gặm xương, ta không biết điều gì đang chờ ta. Thịt chăng? Mỡ chăng? Gân chăng? Sụn chăng? Hay lại chính là cục xương làm mẻ răng ta? Ta chẳng khác gì người đang mò mẫm trong một hang động hoang vắng có cái khoái cảm của người mạo hiểm “ngậm ngải tìm trầm.”

Một cái lợi nữa của việc gặm xương là tập luyện miệng răng lưỡi. Ba cơ quan này phải phối hợp chặt chẽ nhuần nhuyễn để đạt hiệu quả cao nhất. Khi đã luyện được mười thành công lực, ta có thể đem công phu này áp dụng ở nhiều nơi, vào nhiều chuyện khác nữa, và có thể thâu đạt được nhiều kết quả tuyệt mỹ mà lắm khi ta không thể ngờ tới được. Nhưng điều quan trọng nhất là ta có thể tuyên bố rằng xí quách ta vẫn còn ngon lành chán…

Trước tôi vẫn hay nghe dân nhậu kháo nhau rằng ăn gì bổ nấy, tức là ăn gân bổ gân, ăn tim bổ tim, ăn ngọc dương thì bổ ngọc hành, ví dụ thế. Hồi còn trẻ, tôi vẫn thắc mắc thế ăn đuôi thì bổ cái gì, một bậc đàn anh đã cho tôi một lời giải thích chí lý, “không bổ đuôi thì nó cũng bổ cái gì gần gần chỗ cái đuôi ấy!”. Vậy nên, theo lẽ thường, xí quách là một món rất ư bổ dưỡng, nhất là cho các vị sắp hết xí quách. Thế nhưng, cái thuật ngữ “hết xí quách” này lại thuộc về một phạm trù khác, khác rất xa với những chuyện về xí quách đã nói ở trên.

“Hết xí quách” là một cách nói nôm na để chỉ tình trạng yếu sức ở cái “cần tăng dân số” của các quý ông. Nếu một hôm nào đó bạn chợt thấy “giữa tháng năm mà nghe lành lạnh” thì đấy có thể là dấu hiệu báo cho bạn biết rằng “gió heo may đã về” trong cuộc đời ta. Thế nghĩa là đã bắt đầu cái sự yếu. Ban đầu, chỉ là một chút yếu đuối thoảng qua, nhưng dần dà rồi cũng đến lúc “giờ thì cũng yêu mà yêu yếu xìu”. Cái sự yếu xìu này thường có hai nguyên nhân chính: do xì-trét (stress) hoặc là do thực thể.

Hết xí quách thực thể là do các nhà máy chịu trách nhiệm sản xuất ra đám tinh binh bị lão hóa bởi đã hết niên hạn sử dụng, máy móc đã hết khấu hao, chỉ còn có vỏ mà không có ruột. Tình trạng này thường xảy ra ở các bậc cao niên. Theo quan niệm thông thường ở ta, trên 60 là đã có thể xếp vào hàng các cụ rồi, nghĩa là tóc lông râu các thứ đã bắt đầu bạc trắng, và dường như ngọn lửa lòng cũng dần tắt ngóm, chẳng còn thấy ham muốn chi nữa, và cái của nợ kia mới hôm nào còn bừng bừng khí thế, làm như lúc nào cũng sẵn sàng xông vào trận chiến mà nay thì cứ rũ rượi ra, trên bảo gì dưới cũng chả thèm nghe, thật đúng là:

Năm thì mười họa chăng hay chớ
Một tháng đôi lần có cũng không…

Còn khi đã bước tới tuổi “nhân sinh thất thập cổ lai hy” rồi, thì dù muốn dù không cũng đành phải giã từ vũ khí mà thôi. Máy móc dù có thuộc loại nồi đồng cối đá cỡ nào đi chăng nữa thì xài hoài rồi cũng phải tới hồi cúp thùng thiếc, đừng mong gì “mấy mươi năm vẫn còn xài tốt” như câu quảng cáo cho cái tủ lạnh Electrolux chạy bằng dầu hôi hồi nào. Tới từng tuổi này rồi thì hết xí quách được chấp nhận là một sự mặc nhiên và vô phương cứu chữa, cho nên hầu hết các đương sự dù có ngậm đắng nuốt cay thì cũng đành giương cờ trắng chấm dứt chiến sự. Thế nhưng, ở đời, quy luật nào cũng có những ngoại lệ. Đó là những bậc cao nhân dù đã ngoại thất tuần mà vẫn còn có thể sản xuất được em bé, vẫn còn ham hố sắm sanh bồ nhí và toan tính lập phòng nhì phòng ba. Thật là đáng bái phục! Hết xí quách do xì-trét thường xảy ra ở lứa tuổi sồn sồn, là lứa tuổi mà mọi sự, cả công danh sự nghiệp lẫn tình trường đều đang trong thời kỳ sung mãn. Hết xí quách loại này có tính không ổn định, tức là xí quách cứ chập chà chập chờn khi lên khi xuống. Nhưng cũng chính do cái đặc tính thất thường, ỡm ờ lúc có lúc không, khi còn khi hết mà chẳng có nguyên nhân gì rõ ràng, làm cho đương sự khó lòng giải trình nguyên nhân cho cơ quan chủ quản một cách minh bạch.

Xét trên phương diện khoa học, những áp lực trong cuộc sống, tức xì-trét là nguyên nhân chính của tình trạng hết xí quách này. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc đời lắm người nhiều ma hiện nay, bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng, công an thì đi đâu cũng gặp tội phạm, các bà các cô nhìn đâu cũng thấy tệ nạn xã hội, thì chuyện đem cái vụ xì-trét này để cắt nghĩa nguyên nhân của sự hết xí quách nghe ra có vẻ cứ lửng lơ thật thật giả giả chẳng ai biết đường nào mà lần, nên đương sự cứ phải đối diện với sự nghi ngờ truy vấn của cơ quan điều tra xét hỏi. Ai mà biết ma ăn cỗ lúc nào cơ chứ! Tình dục là một vấn đề được xem là vô cùng quan trọng trong cuộc sống của nhân loại nên nó đã được đặc biệt quan tâm ở khắp mọi nơi. Xét cho cùng, cái chuyện người ta phải lòng nhau, trai trên gái dưới, vốn là một thứ tội “tổ tông” đã có từ thời loài người còn ăn lông ở lỗ kia. Thế nhưng, bản thân nó chẳng có tội tình gì và hoàn toàn không thuộc phạm trù đạo đức. Nó là một bản năng, bản năng truyền giống. Nhằm đảm bảo sự sinh tồn của giống nòi, tạo hóa đã rộng lượng ban tặng thêm cho muôn loài niềm khoái cảm không gì so sánh nổi khi thực hiện công việc tính giao. Riêng loài người, bên cạnh ý nghĩa bản năng gốc (basic instinct), hoạt động tình dục còn được thêu dệt tô vẽ thêm đủ thứ màu mè hoa lá hẹ và được tôn lên thành thẩm mỹ, nghệ thuật, tôn giáo… Từ nhiều thế kỷ trước công nguyên, con người đã quan tâm sâu sắc đến các vấn đề tình dục và đến thế kỷ thứ III – nghĩa là cùng thời với Kinh Phật – những luận bàn ấy đã được Mallanaga Vatsyayana, một thiền sư Bà la môn người Ấn Độ tập hợp lại thành một tuyển tập dài khoảng 1.250 khổ thơ với nhiều tranh minh họa, nhiều lời khuyên và nhiều hình ảnh mô tả các tư thế tình dục. Cuốn sách cổ này được gọi là Kinh “Kama Sutra” đề cập đến nhiều khía cạnh trong đời sống tình dục, như mô tả các tư thế giao hợp, những gì đôi bạn tình chờ đợi ở nhau và đưa ra lời khuyên hữu ích. Các vấn đề tình dục trong Kinh “Kama Sutra” được xem xét rất chi tiết, cụ thể, như vấn đề “kích thước”, vấn đề hoà hợp tình dục; sự “lệch pha” thời điểm, lệch pha ham muốn; vai trò của trí tưởng tượng; những tư thế, kiểu vuốt ve, ôm ấp; cách sửa chữa thất bại khi không làm cho phụ nữ được thoả mãn… Vatsyayanna đã đưa sự ân ái giữa người nam và người nữ trở thành một nghệ thuật, cũng như những nghệ thuật khác để trở thành nền tảng của hạnh phúc con người, hạnh phúc gia đình và hạnh phúc vợ chồng. Ví thế, tình dục là một mối quan tâm của tất cả mọi người trên thế gian. Chuyện này không đúng. Xem ra cũng chẳng có gì là lạ khi tất cả các bậc đế vương quyền quý La Mã, Ai Cập, Ba Tư, Trung Hoa… đều chăm chăm lo tìm cho bằng được những phương thuốc trường sinh bất lão, bất chấp ngân khố tổn hao, muôn dân đói khổ. Nhưng nếu được trường sinh mà… hết xí quách thì chắc cũng chẳng mấy ai ham. Cho nên, bên cạnh nỗi ham muốn được trường sinh là một niềm đam mê còn lớn hơn thế nữa, đam mê trẻ mãi không già và không hết xí quách!

Thực ra, cái câu chuyện hết xí quách này không chỉ là mối bận tâm của riêng các quý ông, nó cũng là sự quan tâm sâu sắc của các quý bà. Chả thế, ta thấy các bà các mợ cũng hết sức nhiệt tình trong việc sắm sửa, chế biến các món của ngon vật lạ phục vụ đức lang quân hầu mong bổ dương ích khí. Rồi các hàng quán cứ luôn bày ra đủ các loại tiên tửu ngâm dầm đủ thứ lá lẩu thuốc thang vớ vẩn có trời mới biết là những giống gì, với lời mời mọc có cánh “Ông uống bà khen”. Trên mặt trận quảng cáo, các copywriter tha hồ thả sức tưởng tượng đào bới để tìm cho ra những gì có thể gợi liên tưởng tới chuyện ấy từ những thứ tưởng chừng chẳng có chút dính líu gì, ví như Vinamilk với câu slogan “Khi ta cần là có, khi ta muốn là được” hay bia Tiger thì cứ ra rả nhấn mạnh tới “bản lĩnh đàn ông”!

Thế khi đã bị hết xí quách thì phải làm sao? Một điều hiển nhiên là ta phải tìm mọi cách làm sao cho nó phục hồi lại, không được 100% thì cũng phải tới mức xài được. Phục hồi bằng cách nào? Từ mấy ngàn năm nay, con người đã không ngừng tìm tòi sáng chế đủ mọi phương thuốc để chế ngự cái hội chứng đáng ghét này. Có thời, khắp các quán xá Sài thành, từ quán bình dân cho đến nhà hàng đặc sản, đâu đâu cũng thấy bán một thứ rượu mà người bán gọi là rượu Minh Mạng thang đựng trong cái bình sứ cổ bồng có thắt nơ đỏ rất điệu nghệ với câu thiệu cũng điệu nghệ không kém “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử”. Chẳng biết thứ rượu của vua này hiệu nghiệm được đến đâu, nhưng ít lâu sau thứ rượu này bỗng lẳng lặng biến mất, không kèn không trống.

Một dạo, các tay bợm nhậu còn truyền tai nhau về tác dụng vô song của loại rượu vodka Bò rừng (vodka Zubrowka) của Ba Lan, trong chai rượu trong vắt có ngâm một lá cỏ nên còn gọi là vodka cỏ. Công dụng thực sự của thứ rượu này ra sao thì chẳng ai biết rõ nhưng có lẽ người ta bị ấn tượng bởi cái hình đầu con bò rừng in trên nhãn chai mà hy vọng khi uống mình cũng trở nên dũng mãnh như bò rừng chăng? Một thứ rượu khác từ xa xưa đã được xưng tụng là “tráng dương đệ nhất tửu”, đấy là rượu ngâm hải mã. Theo y học cổ truyền, hải mã (Hippocampus spp Syngnathidae) có tác dụng làm ấm thận, tráng dương, kích thích sinh dục, gây hưng phấn, chủ trị chứng yếu sinh lý, liệt dương ở nam giới. Còn theo kinh nghiệm dân gian, chưa cần phải uống rượu cá ngựa, trước khi “lâm trận”, chỉ cần nhai một khúc cá ngựa khô là sẽ thấy hiệu nghiệm tức thì. Nhưng nhớ chỉ làm một mẩu nhỏ thôi nhé, đừng thấy tốt mà ham. Ông nào ham mà chơi nguyên con, coi chừng “thượng mã phong” không cứu kịp. Do đó, ở khu vực cảng Cầu Đá, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang có hẳn một con phố chuyên bán cá ngựa. Đám khách du lịch mày râu và cũng có không ít các bà các cô nữa, khi đến Nha Trang không bao giờ quên sục sạo nơi đây để mua bằng được vài cặp hải mã thật vừa ý. Các bạn chắc hẳn đã từng nghe về loại thuốc có tên Hải cẩu hoàn làm từ dương vật và tinh hoàn của con hải cẩu Callorhinus uisinus L, nghe đâu có công dụng không chỉ trong bản lĩnh đàn ông mà còn có tác dụng tốt trong việc sinh tinh. Món hải cẩu này nổi tiếng tới mức trong cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo” của Larry Berman, tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn có kể lại chuyện hồi ông học xong ở Mỹ sắp về nước, có người quen nhắn nhờ ông tìm mua hộ vài bộ dương cụ của hải cẩu vùng Massachusett để mang về Việt Nam làm thuốc. Xem thế mới thấy món này quý báu tới mức nào! Lúc trước, hồi đại gia Phạm Huy Phước của Tamexco còn làm mưa làm gió, báo chí cách mạng Việt Nam từng nhiều lần đưa tin vị đại gia này mỗi khi vào nhà hàng là phải xơi đủ một cặp tay gấu để phục hồi sinh lực. Dân nhậu hẳn ai cũng rành mấy món có công dụng tráng dương bổ thận này. Quán Hương Đồng Quê bên đường Âu Cơ nổi tiếng có món thố pín, vào quán thấy bàn nào cũng có một một thố pín dê pín bò hầm thuốc bắc đang sôi sùng sục trên bàn. Quán Tuấn Mập bên Vườn Lài có một dạo trưng ra tới ngoài đường mấy cái lồng nhốt đầy bò cạp, con nào con nấy đen bóng, cái đuôi cong tớn lên, nghe đâu bắt tận rừng núi Campuchia mang về phục vụ cho mấy anh dân nhậu yếu sinh lý. Mấy người bán quảng cáo giống bò cạp này hiệu nghiệm như thần, nướng hay chiên giòn ăn vào là cứ rậm rịch muốn chích… Phạm trù này trong thế giới ăn nhậu thôi thì đủ thứ hằm bà lằng xắn cấu kể tới mai cũng chưa hết chuyện! Đáng buồn thay, tất cả mọi sự gắng gỏi của chúng ta để chống lại cái gã khách không mời mà đến ấy hầu như đều chẳng có chút xi nhê gì. Trong khi bạn đang loay hoay với trăm phương ngàn kế để cố tìm lại thiên đường đã mất, thì hắn cứ lẳng lặng chen ngang vào giữa và âm thầm tác oai tác quái, thật là:

Rút gươm chém xuống nước, nước càng chảy mạnh
Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm

Và một khi tất cả những thứ từ rắn rùa cua ốc tới bò cạp nướng, dế cơm chiên, cá ngựa ngâm rượu hay ngọc dương hầm, ngầu pín tiềm thuốc bắc, thậm chí là chân voi tay gấu rồi sâm Alipas, Vitamine E, Testosterone, cả đến Viagra hay Cialis cùng với những thứ độc chiêu khác như rượu Minh Mạng thang, rượu dâm dương hoắc, cây thuốc phiện dầm rượu… đều không còn tác dụng gì cả, thì dù có dùng dằng tiếc nuối bao nhiêu chăng nữa, ta cũng đành phải ca bài ca giã biệt:

Thôi là hết chia ly từ đây…
Tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi
Còn mong gì hình bóng xa xôi
Nhắc làm gì chuyện năm xưa…

Và cho dẫu cái “bản lĩnh đàn ông” thời nay có bị tổn thương bao nhiêu chăng nữa, thì cũng đành ngậm ngùi ngửa mặt mà than rằng: Thế là ta đã hết xí quách thật rồi!

H.T.T

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây