Cỏ – Nhìn từ biểu tượng! – Tác giả: Nguyễn Thanh Tú

Trên bề mặt trái đất ở đâu có cỏ thì ở đấy có sự sống đang tồn tại và phát triển. Hoang mạc, sa mạc vẫn có sự sống nhưng khó mà nói sự sống ở đó vẫn đang phát triển vì không có biểu hiện là cỏ. Ở đây là cỏ nói chung, một loài thảo mộc trong thảm thực vật bao phủ mặt đất. Tuy là loài mọc hoang nhưng với hệ thống rễ dằng dịt có tác dụng giữ đất tại chỗ.

Nhờ cỏ mà các loại côn trùng, giun sinh sống sâu trong lòng đất góp phần quan trọng tạo nên độ giàu có dinh dưỡng. Nhờ cỏ mà các loài động vật ăn cỏ và ăn thịt tồn tại để tạo nên độ đa dạng sinh học… Như vậy cỏ cực kỳ quan trong trong sự sống của trái đất. Ước tính đồng cỏ bao phủ 20% diện tích trái đất, tập trung nhiều nhất tại châu Phi.

Dong co chau Phi min - Cỏ - Nhìn từ biểu tượng! - Tác giả: Nguyễn Thanh TúĐồng cỏ châu Phi!

Cỏ đi vào văn chương với hai tư cách, là biểu hiện cho thế giới tự nhiên (nghĩa miêu tả), là biểu hiện cho một ý nghĩa, một triết lý nào đó (nghĩa biểu tượng). Trong thành ngữ về cỏ thì nghĩa biểu tượng vẫn chiếm nhiều hơn, ví như diễn tả về miếng ăn phải do tự tay lao động mới có, thì: “Cỏ nào chạy tới miệng voi”; nói về thân phận thấp hèn của con người (phụ nữ xưa) thì “Cỏ nội hoa hèn”; về những người cùng môi trường hoàn cảnh thường chịu chung cảnh ngộ: “Cỏ úa thì lúa cũng vàng”…

Nhà văn giỏi trước hết phải là người giỏi miêu tả, như trường hợp Nguyễn Du với câu thơ: “Cỏ non xanh rợn chân trời”. Nhà văn cũng là người triết lý sâu sắc, như trường hợp nhà thơ W.Whitman với câu: “Bạn muốn gặp tôi, hãy tìm tôi dưới đế giày của bạn”. Để hiểu câu này cần biết nó trích trong tập “Lá cỏ”: “Đấy là cỏ, cỏ mọc khắp nơi, ở nơi nào có đất và nước/ Đấy là không khí cho tất cả mọi người trên mặt đất”. Như vậy “dưới đế giày của bạn” là cỏ. Một cách nói ẩn dụ thi vị: nhà thơ ví mình như cỏ, mềm mại nhưng tràn trề sức sống như cỏ… Lại có trường hợp nhà chính khách, chính trị có câu nổi tiếng như lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp Nguyễn Trung Trực: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” thể hiện một ý chí bất khuất đánh đuổi giặc Pháp xâm lược của người Việt Nam. Tôn giáo càng sâu sắc.

Thánh tích đạo Công giáo kể Thánh Jôdép vốn xuất thân là một người thợ mộc còn Mari thời thiếu nữ rất xinh đẹp có nhiều đám đến mai mối. Nhà Mari chọn rể bằng cách cho các chàng trai đặt một chiếc gậy của mình vào chung một chỗ, gậy của ai nở hoa thì được lấy Mari. Chỉ có chàng thợ mộc Jôdép được toại nguyện. Họ cưới nhau. Mari là mẹ nhưng vẫn là đồng trinh. Bà sinh con trai, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì họ không tìm được nhà trọ… Tích này như muốn cắt nghĩa người giàu nghèo không phải là lý do để được tôn trọng, sùng bái, cơ bản nhất là có sự yêu thương thật lòng, yêu thật thì gậy gỗ cũng có thể nở hoa. Kết quả của tình yêu thật sự ấy là Giêsu tuy sinh ra chỉ là ở nơi máng cỏ thiếu thốn, nghèo nàn nhưng sẽ trở thành Chúa Cứu thế được hàng tỷ người ngưỡng vọng. Xin đi sâu hơn vào lớp nghĩa biểu tượng của cỏ

Khi Nguyễn Trãi có câu thơ chua chát: “Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi” (Tự thuật) thì “cỏ” ở đây biểu trưng cho kẻ tiểu nhân. Người quân tử, kẻ tốt (hoa) thường chịu số phận héo hon chìm nổi còn kể xấu, tiểu nhân, vì gian giảo, ma lanh, cơ hội nên vẫn nhơn nhơn sống. “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều có câu: “Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” là một triết lý bi ai về cuộc đời rút cục cũng là cái chết, rồi tất cả cũng chôn vào dĩ vãng.

“Chinh phụ ngâm” (Đặng Trần Côn bản dịch của Đoàn Thị Điểm), tần số hình ảnh cỏ xuất hiện nhiều lần đa dạng về nghĩa, là biểu trưng cho mùa xuân: “Ngòi đầu cầu nước trong như lọc/ Đường bên cầu cỏ mọc còn non”; thể hiện tâm trạng buồn phiền nhung nhớ của người chinh phụ: “Nước có chảy mà phiền chẳng rửa/ Cỏ có thơm dạ nhớ chẳng khuây”; cái bế tắc mất phương hướng của nỗi đau cô độc: “Trông bến Nam, bãi che mặt nước/ Cỏ biếc um, dâu mướt ngàn xanh”

Bà Huyện Thanh Quan có câu thơ tả cảnh để đời: “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen lá, đá chen hoa”. Hồ Xuân Hương tả cỏ chỉ là lớp nghĩa bề mặt: “Cỏ gà lún phún leo quanh mép/ Cá diếc le te lách giữa dòng” (Cái giếng). Hay, “Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi/ Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi” (Ốc nhồi). Thời cận đại hiếm hoi một hình ảnh cỏ miêu tả theo nghĩa thực như câu thơ của cụ Đồ Chiểu: “Ghét thói mạt như nhà nông ghét cỏ” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)…

“Truyện Kiều” có 20 lần xuất hiện hình tượng cỏ vừa tả cảnh vừa tả tình, rất đặc sắc. Tả cỏ nhưng để nói tới cảnh hoang vắng, con người tha hương, trôi nổi thì “Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày”. Nói về chủ nhà gặp điều bất trắc thì “Rêu trùm kẽ ngạch, cỏ len mái nhà”… Tả cảnh thiên nhiên tràn đầy sinh khí, con người hạnh phúc, thanh tân, có lẽ ai cũng thuộc câu: “Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Câu thơ của một đại bút, vừa là thơ vừa là họa, có cận cảnh, có viễn cảnh theo nguyên tắc “viễn cận”. Mặc dù câu thơ này thoát thai từ câu thơ cổ: “Phương thảo liên thiên bích/ Lê chi sổ điểm hoa” (Cỏ thơm xanh biếc liền trời/ Cành lê điểm mấy bông hoa), nhưng dấu ấn sáng tạo cá nhân rất rõ. Nguyễn Du đã thêm tông màu xanh và trắng (cỏ non) vào cảnh nền. Hình ảnh ấy không gian ấy tự đã có mùi thơm rồi nên ông cắt bỏ chữ “phương” (thơm)…

Chỉ hình ảnh “cỏ” trong câu thơ này đã trở thành “mẫu gốc” “đẻ” ra bao nhiêu “mẫu con”: “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời” (Hàn Mặc Tử), “Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh” (Nguyễn Bính), “Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên” (Chế Lan Viên); “Này đây hoa của đồng nội xanh rì” (Xuân Diệu). Câu này không có chữ “cỏ” nhưng vẫn có thể hiểu là tả không gian đồng nội “cỏ xanh rì”, tức xanh đậm, đầy sự sống. Trong tâm trạng yêu đương cuồng nhiệt ấy thì không gian cũng phát sáng, “cỏ” cũng phát sáng: “Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều/ Và non nước, và cây, và cỏ rạng”…

Thao nguyen ngay xuan min - Cỏ - Nhìn từ biểu tượng! - Tác giả: Nguyễn Thanh TúThảo nguyên ngày xuân!

Truyện ngắn “Cỏ non” của Hồ Phương từng đoạt giải 3 Báo Văn nghệ năm 1959 và được đưa vào giảng dạy trong nhà trường nhiều năm. Truyện tả nhân vật Nhẫn chăn bò, một công việc rất bình thường nhưng nhờ có tình yêu lao động mà công việc trở nên rất mực thi vị. Cây biểu tượng thường mọc trên mảnh đất thơ ca. Cỏ trong truyện ngắn này đơn thuần chỉ là nghĩa đen đóng vai trò làm “nền” nói về tình yêu công việc chăn bò.

Truyện có chi tiết bị nhiều “nhà phê bình” “kết án” rằng nhà văn đã “vật hóa” con người: “Nom những cái mõm ngọn cỏ sao mà ngon thế! Ngon đến nỗi phải ứa nước miếng. Nhẫn cũng muốn cúi xuống gặm một đám cỏ lưỡi gà, đuôi rắn kia mà nhai ngấu nghiến”. Tức đã biến Nhẫn thành con bò vì chỉ có bò mới ăn cỏ. Thế thì oan cho nhà văn quá! Xét về nghĩa thực thì ai đã từng làm trẻ trâu ở nhà quê ngày trước thì ít nhiều đã từng “ăn” loài cỏ lưỡi gà này. Nó rất ngọt. Về nghĩa biểu cảm, một người tha thiết với “nghề chăn bò” như thế, thấy cỏ non như vậy mà “ứa nước miếng” là hợp lý. Là trẻ trâu, yêu trâu, được đưa trâu đến thảm cỏ như vậy, sẽ có rất nhiều đứa trẻ sẽ cùng tâm trạng giống với Nhẫn!

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu có bài thơ hay “Đàn bò vàng trên đồng cỏ hoàng hôn”: “Đàn bò vàng trên đồng cỏ xa xanh/ gặm cả hoàng hôn, gặm buổi chiều sót lại/ mùa rạo rực chỉ đàn bò biết được/ vị cỏ râm ran đầu lưỡi ngọt mềm/ Đàn bò đi đủng đỉnh/ một gam màu vàng óng trước thiên nhiên/ những chiếc bụng tròn căng mang mặt trời xuống núi/ kìa, vầng trăng như chiếc tù và người chăn bò bỏ quên/ Đàn bò vàng trên đồng cỏ chiều yên”. Cả một màu vàng hoàng hôn ánh xạ vào tất cả: đồng cỏ xanh thành đồng cỏ vàng. Đàn bò vốn màu vàng giờ hoàng hôn chiếu vào thêm “vàng óng”. Tất cả đều mang tầm vũ trụ, một vũ trụ yên bình, êm ả: Những chiếc bụng bò tròn như mặt trời vàng; Chiếc tù và như vầng trăng neo ở giữa trời. Dĩ nhiên người chăn bò cũng như vậy, thậm chí là chủ nhân của vũ trụ(!).

Cỏ xuất hiện nhiều nhất trong thơ Thanh Thảo. Anh từng có những câu thơ mang dấu ấn thời đại: “Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất/ Mười tám hai mươi sắc như cỏ/ Dày như cỏ/ Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ” (Những người đi tới biển). Bài thơ hay “Dấu chân qua trảng cỏ” của anh có định nghĩa lạ: “Thời gian như cỏ vượt lên”, “Vùi trong trảng cỏ thời gian”… “Cỏ” là một tín hiệu thẩm mỹ đặc biệt trong thơ Thanh Thảo rất đáng để nghiên cứu sâu!

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây