Cơ quan vũ trụ châu Âu tham vọng tạo ra nhật thực toàn phần nhân tạo

Cơ quan vũ trụ châu Âu tham vọng tạo ra nhật thực toàn phần nhân tạo

Hiện tượng nhật thực toàn phần trên bầu trời nhìn từ Piedra del Aquila, tỉnh Neuquen, Argentina ngày 14/12/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN).

Đây là một thử nghiệm đòi hỏi rất nhiều về kỹ thuật. Mục tiêu đầu tiên là cho hai vệ tinh bay theo đội hình, theo đó hai vệ tinh hoạt động trong không gian như thể chúng chỉ là một.

Trong khuôn khổ một sứ mệnh mới mang tên Proba-3, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) có tham vọng tạo ra nhật thực toàn phần bằng vệ tinh.

Hai vệ tinh sẽ được định hướng di chuyển sao cho một vệ tinh che khuất Mặt Trời đối với vệ tinh kia.

Tại Brussels, tại cuộc gặp gỡ báo chí ở thành phố Anvers của Bỉ, các nhà quản lý dự án cho biết, việc phóng hai vệ tinh ở Ấn Độ được lên kế hoạch vào tháng 9 tới. Hai vệ tinh sẽ được đặt trong một thùng chứa đặc biệt khi di chuyển để bảo vệ khỏi bụi.

Các nhà khoa học muốn tạo ra nhật thực nhân tạo để nghiên cứu quầng Mặt Trời.

Khi xuất hiện nhật thực, bầu khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời xuất hiện dưới dạng một vòng sáng quanh phần bị che khuất. Đây là nơi hình thành các cơn bão Mặt Trời, có thể gây rối loạn lớn đối với cơ sở hạ tầng điện tử trên Trái Đất.

Theo ông Dietmar Pilz, Giám đốc kỹ thuật của ESA, đây là một thử nghiệm đòi hỏi rất nhiều về kỹ thuật. Mục tiêu đầu tiên là cho hai vệ tinh bay theo đội hình, theo đó hai vệ tinh hoạt động trong không gian như thể chúng chỉ là một.

Ý tưởng là có thể tạo ra một thiết bị khổng lồ trong không gian từ hai vệ tinh nhỏ. Để làm được điều này, hai vệ tinh phải có khả năng tự định vị nhau.

Hai vệ tinh phải di chuyển theo đội hình rất chính xác, chỉ chênh lệch vài milimet cũng có thể dẫn đến thất bại.

Đây sẽ là một bước tiến lớn, đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật nhưng hứa hẹn cho tương lai nghiên cứu vũ trụ. Thông thường, nhật thực chỉ kéo dài vài phút, do đó các nhà khoa học không thu được thông tin họ cần. Sứ mệnh Proba-3 dự kiến sẽ cho phép nghiên cứu quầng trong 6-7 giờ liên tục.

Nhưng để đạt được điều này, hai vệ tinh phải phối hợp chuyển động và bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo. Một trong hai vệ tinh của Proba-3 mang theo một đĩa có nhiệm vụ che khuất Mặt Trời.

Vệ tinh thứ hai, đặt trong bóng của vệ tinh đầu tiên, sẽ chịu trách nhiệm quan sát quầng sáng Mặt Trời. Nhờ kỹ thuật này, các nhà khoa học sẽ có thể thực hiện quan sát rất gần Mặt Trời và quầng sáng xung quanh.

Sứ mệnh của Proba-3 dự kiến kéo dài hai năm nhưng có thể hơi lâu hơn nếu lượng nhiên liệu dự trữ cho phép. Khi hết thời gian này, các vệ tinh sẽ được đưa vào quỹ đạo nơi chúng không gây ra vấn đề về an toàn, sau đó vệ tinh tự phân hủy sau 4-5 năm.

Trong quá trình bay theo đội hình, một trong các vệ tinh phải liên tục điều chỉnh vị trí của mình để có vị trí chính xác so với vệ tinh kia. Đây là một hoạt động đòi hỏi rất nhiều nhiên liệu.

Proba-3 là một sứ mệnh quốc tế có sự đóng góp của 14 quốc gia, trong đó Bỉ đóng một vai trò đặc biệt, với đóng góp tài chính nhiều nhất, đồng thời nhiều công ty, nhà khoa học Bỉ tham gia, bao gồm Đài thiên văn Hoàng gia Bỉ.

Các nhà khoa học hy vọng Proba-3 sẽ thành công và sẽ là bước ngoặt quan trọng trong việc khám phá và hiểu biết về vũ trụ./.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây