‘Cổng địa ngục’ ở Nga tăng thêm 1 triệu mét khối mỗi năm

'Cổng địa ngục' ở Nga tăng thêm 1 triệu mét khối mỗi năm

Cấu trúc "cổng địa ngục" ở Siberia - Nga - Ảnh: NASA.

Một loạt các chuyển động bất thường đã khiến ‘cổng địa ngục’ Batagay rộng ra và khoét sâu hơn vào lòng đất cực kỳ nhanh chóng.

Batagay – hay còn gọi là Batagaika – là một hố sụt khổng lồ nằm ở Siberia, vùng Viễn Đông nước Nga, với biệt danh nổi tiếng là “cổng địa ngục” hay “cổng vào thế giới ngầm”.

Kể từ khi được phát hiện vào năm 1960, “cổng địa ngục” đã có xu hướng rộng, sâu thêm. Ban đầu, sự mở rộng của cấu trúc khá chậm chạp. Nhưng vài năm gần đây, nó dường như toác ra nhanh bất thường.

Nghiên cứu mới cho thấy vách đá ở phía đầu Batagay đang rút lui với tốc độ lên tới 12 m mỗi năm do tốc độ tan băng vĩnh cửu gia tăng. Phần sườn đồi bị sập, rơi xuống độ cao 55 m bên dưới vách đá cũng đang tan chảy nhanh và chìm dần xuống.

Kết quả của các chuyển động này đã khiến thể tích “cổng địa ngục” tăng thêm đến 1 triệu mét khối mỗi năm.

Năm 2014, bề ngang ở khu vực rộng nhất của hố sụt đo được khoảng 790 m, nhưng hiện nay đã là 990 m.

Nhóm tác giả từ Đại học Quốc gia Lomonosov Moscow, Viện băng vĩnh cửu Melnikov SB RAS (Nga) và Viện Alfred Wegener – Trung tâm Nghiên cứu Biển và Cực Helmholtz (Đức) cho biết các đặc điểm tan băng vĩnh cửu nhanh chóng đang ngày một phổ biến ở địa hình giàu băng Bắc Cực và cận Bắc Cực.

Trong đó, lượng băng và trầm tích mất đi ở Batagay đặc biệt cao so với các khu vực khác do kích thước khổng lồ của nó.

Tất nhiên, sự mất băng nhanh ở đây cũng như trên toàn thế giới bị tác động bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu.

Nhưng có một giới hạn về mức độ mở rộng “cổng địa ngục”. Lớp băng vĩnh cửu còn sót lại bên trong miệng hố chỉ còn dày vài mét. “Vì vậy,khả năng đào sâu hơn nữa trên thực tế đã cạn kiệt do địa chất nền tảng bên dưới” – các tác giả nói.

Anh Thư

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây