Văn học Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam ảnh hưởng đến cả dân tộc Mỹ, khối lượng trước tác Mỹ về đề tài này rất lớn.

Văn học Mỹ về chiến tranh Việt Nam: cho đến khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, tôi chỉ được đọc vài ba cuốn sách văn học Mỹ về đề tài này: Tập thư từ Việt Nam (Letters from Vietnam, 1967); Tập thơ chống chiến tranh (A Poetry Reading Against the Vietnam War, 1966); hai cuốn tiểu thuyết trong đó tôi nhớ nhất là Cát trong gió cuốn (Sand in the Wind, 1973) của Robert Roth (sinh 1948) – một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ – tác phẩm dày gần 500 trang, miêu tả 13 tháng ở miền Trung Việt Nam của một trung đội lính Mỹ, cuộc tình duyên lãng mạn của một trung úy Mỹ ở Đà Nẵng và Huế, một cuộc chiến tranh không rõ ý nghĩa, những anh hùng và những nạn nhân, những bọn lính tàn nhẫn, những Việt cộng gan dạ…

Chiến tranh Việt Nam đã đánh dấu cả một thế hệ Mỹ. Kết thúc cuốn Tín điện (Dispatches, 1977) với đôi chút lãng mạn, Michael Herr (1940-2016) đã nói thay cho thế hệ của mình: “Việt Nam ấy mà, bọn chúng tôi đều đã ở đó”. Năm 1990, 15 năm sau chiến tranh, cuộc hội ngộ lần đầu tiên giữa những nhà văn, cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ đã diễn ra trong không khí hồ hởi của những người trước đây ở hai chiến tuyến. Tôi được nhận sách biếu và chuyện trò với một loạt nhà văn, nhà thơ như W.D Ehrhart, Yusef Komunyakaa, Larry Heinerman, Larry Lee, Larry Rottman…

Chiến tranh Việt Nam còn ảnh hưởng đến cả dân tộc Mỹ, khối lượng trước tác Mỹ về đề tài này – nghiên cứu, hiện thực và hư cấu – rất lớn. Những người từng ở Việt Nam kể về kinh nghiệm sống của họ, tìm một hình thức tiểu thuyết để giải thích Việt Nam. Tác phẩm đầu tiên loại này là Một ngày nóng rực (One very hot day, 1968) của nhà báo David Halberstam (1934-2007) kể về nỗi sợ hãi và sức nóng bao trùm một nhóm lính Mỹ đang phục kích… Larry Heinerman (1944-2014) ngay từ 1974 đã viết tác phẩm mang hơi nóng chiến trường, ông được Giải thưởng sách quốc gia với Truyện Paco (Paco’s Story, 1987) kể về một người lính Mỹ sống sót duy nhất của một đại đội, lang thang như một cái bóng không hồn. Sinh ngày mùng bốn tháng Bảy (Born on the fourth of July, 1976) của Ronald Lawrence Kovic (sinh năm1946) miêu tả tấn thảm kịch của người lính.

Tác phẩm Tin đồn về cuộc chiến (A Rumor of War, 1977) của Philip Caputo (sinh 1941) – trung úy lính thủy đánh bộ, đổ bộ vào Đà Nẵng năm 1965, sau làm phóng viên chiến tranh. Tác phẩm phân tích sự đột nhập của tàn ác vào thâm tâm con người, khiến ta nhớ lại truyện Trong tận cùng tăm tối (Heart of Darness, 1899) của nhà văn Anh gốc Ba Lan Joseph Conrad (1857-1924).

Những binh sĩ sắp hết hạn (The short-times, 1978) của Jerry Gustav Hasford (1947-1993) là một tác phẩm sử dụng hài hước cay độc với kiểu lập luận của một số sĩ quan Lầu Năm Góc: “Muốn cứu lấy làng ấy, chúng ta phải đốt nó đi”. Tên lính Leonard Pratt đợi lễ nhận khí giới để hạ thủ thầy đội huấn luyện mình và sau đó tự sát. Câu chuyện cuối cùng kể về cuộc đi tuần của một đơn vị ở Khe Sanh; có những người lính đóng ở căn cứ đếm từng ngày ngong ngóng thời điểm được về. Có những cậu lính nói đùa thật đau đớn như: “Này, mình chả trách giận những người chết đâu. Những bạn tốt nhất của mình cũng trong số đó”, hay lính mới đến Việt Nam: “Cậu ạ, mình cảm thấy sẽ không thích phim này đâu”.

Đi theo Cacciato (Going after Cacciato, 1978) được coi là cuốn tiểu thuyết hay nhất về Chiến tranh Việt Nam, sách được Giải thưởng sách quốc gia Hoa Kỳ năm 1979. Tác giả Tim O’Brien (sinh 1946) là lính bị gọi nhập ngũ. Việt Nam đối với anh là một hành tinh xa lạ như mặt trăng; anh chỉ cốt sống để về nước. Tác phẩm miêu tả cuộc chạy trốn của Cacciato, người lính chẳng hiểu gì về chiến tranh, bị một tiểu đội do hạ sĩ Paul Berlin chỉ huy truy nã khắp thế giới. Cách viết chịu ảnh hưởng lối ghi chép cảm tưởng không giải minh của Hemingway, gần như siêu thực hoặc “hiện thực huyền ảo” .

Tín điện (Dispatches, 1977), tiểu thuyết của Michael Herr, bắt nguồn từ cảm nhận chiến tranh Việt Nam một cách huyền ảo, thực mà như trong mơ. Nhiều cảnh bi thương, hoặc hài hước độc ác xuất hiện qua những dòng tín điện. Hình ảnh một lính Mỹ được lệnh cầm súng M16 đi giết Việt cộng bị thương, khi về thì mồm há hốc, mắt trợn ngược, gần như điên. Một xác lính Mỹ trẻ có ghim trên áo bức thư trả lời của bệnh viện gửi tới: “Phim X quang đã rửa xong. Dựa vào phim, bệnh viện sẽ sớm chẩn đoán bệnh”.

Sân khấu sớm có tiếng vang từ Việt Nam, nhất là với bộ ba kịch của David William Rabe (sinh 1940). Vở đầu Gậy và xương (Sticks and Bones, 1969) kể về một thanh niên đi lính ở Việt Nam về bị mù sống lạc lõng trong gia đình rồi tự tử. Vở thứ hai Pavlo Hummel được huấn luyện cơ bản (The basic training of Pavlo Hummel, 1971) mở đầu bằng cảnh một bar ở Sài Gòn: bọn lính say rượu nói tục và ba hoa kể về cuộc đời mình; đến lượt Pavlo bắt đầu kể thì lựu đạn Việt cộng nổ và anh ta bị thương phải nhờ một chiến hữu da đen dẫn đi. Vở thứ ba, Cờ hoa (Streamers, 1976) miêu tả ba người lính, hai da trắng, một da đen cùng ở một phòng trong trại, chờ ngày sang Việt Nam. Họ thi nhau kể chuyện khủng khiếp về cuộc chiến đấu chờ đợi họ trong rừng xanh Việt Nam.

Ngoài những tiểu thuyết kể trên, xin nêu một số tác phẩm khác: Những đội quân đêm (The Armies of the Night, 1968) của Norman Mailer (1923-2007); Lửa trên hồ (Fire in the Lake, 1972) của nhà báo Frances Fitzgerald (sinh 1950); Nhật ký Việt (Viet Journal, 1974) của James Jones; Đất da đỏ (Indian Country, 1987) của Philip Caputo… Đây không phải là những tác phẩm cuối cùng về chiến tranh Việt Nam vì lịch sử Mỹ cắt làm hai thời kỳ: một thời kỳ trước và một thời kỳ sau Chiến tranh Việt Nam.

————————

Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 1] – Tác giả: Hữu Ngọc

Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 2] – Tác giả: Hữu Ngọc

Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 3] – Tác giả: Hữu Ngọc

Dạo chơi vườn văn Mỹ [Kỳ 5] – Tác giả: Hữu Ngọc

 

 

  

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây