Dấu ấn địa văn hoá của các nhà Thơ Mới – Nhà phê bình Mai Bá Ấn

Dấu ấn địa văn hoá của các nhà Thơ Mới - Nhà phê bình Mai Bá Ấn
Nhà phê bình Mai Bá Ấn ở Quảng Ngãi

Dấu ấn địa văn hoá của các nhà Thơ Mới

Xưa nay, ta quen gọi Thơ Mới 1932-1945 là thơ ca lãng mạn 1932-1945, điều đó chứng tỏ, chỉ có chủ nghĩa lãng mạn là được đại đa số các nhà thơ Việt Nam lúc ấy tiếp thu và ứng dụng thành công đến đỉnh cao, còn các nhà thơ tiên phong cách tân vượt qua lãng mạn đều chưa được khẳng định, đều còn bị nghi ngờ, mà Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân đã chứng minh điều đó.

Hầu hết các nhà thơ được Thi nhân Việt Nam đánh giá cao và trích đăng nhiều bài thơ đều là các nhà thơ thuộc trường phái lãng mạn. Còn một số nhà thơ vượt qua lãng mạn đều chỉ được đánh giá vừa phải hoặc thấp, hoặc rất dè dặt vì chưa hiểu tận tường. Cách nói “Hình như vẫn còn gì nữa…” của tác giả Thi nhân Việt Nam đối với trường hợp Bích Khê đã chứng minh điều đó. Nghĩa là, chính tác giả đã công nhận mình chưa thật hiểu hết thơ Bích Khê. Và điều đó khiến thơ của những nhà Thơ Mới sáng tác ngoài trường phái lãng mạn chưa được tiếp nhận, thậm chí là bị chối bỏ ngay lúc đương thời và cả một thời gian dài sau đó nữa. Từ sau Đổi mới (1986), các nhà Thơ Mới sáng tác theo trường phái tượng trưng, siêu thực,… mới bắt đầu được chú ý nghiên cứu, và vì vậy, đến hiện nay, các nhà Thơ Mới này vẫn cứ tiếp tục vẫy gọi người đọc tiếp nhận và khám phá.

Như vậy, hầu hết các nhà thơ lãng mạn của phong trào Thơ Mới đã hoàn thành sứ mạng hiện đại hóa thơ ca Việt Nam cách đây gần 90 năm. Nhưng những nhà thơ tiên phong cách tân để vượt qua chủ nghĩa lãng mạn trong giai đoạn đó mới chính là những người đã nối dài tuổi thọ của Thơ Mới. Vậy, họ là ai? ở đâu? Tại sao, trong chí hướng cách tân sau lãng mạn lại xuất hiện nhiều nhà thơ miền Trung đến vậy? Sao không là Huế hay Hà Nội – những trung tâm có điều kiện để tiếp xúc, giao lưu văn hóa, văn học mạnh mẽ nhất lúc bấy giờ?…

1. Với đối tượng khảo sát là các tác giả được chọn trong tập sách Thi nhân Việt Nam, qua thống kê, chúng tôi nhận thấy rằng: Trừ trường hợp Tản Đà, trong 45 nhà thơ được Hoài Thanh – Hoài Chân chọn đưa vào sách, và trường hợp T.T.Kh (đến nay vẫn chưa xác định được lai lịch), trong tổng 44 nhà thơ còn lại có đến 23 tác giả quê gốc ở miền Trung (chiếm tỷ lệ 52,28%), 18 tác giả miền Bắc (chiếm tỷ lệ 40,90%) và chỉ có 03 tác giả miền Nam (chiếm tỷ lệ 6,82%). Từ những thống kê trên, ta rút ra hai kết luận sau:

– Nếu gọi phong trào Thơ Mới là một mốc son trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam thì những nhà Thơ Mới là những người có tư tưởng cách tân thơ ca mạnh mẽ nhất, trong đó chiếm đa số là các nhà thơ gốc miền Trung: 23/44 người. Hơn nữa, người công bố Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ kèm theo bài Thơ Mới đầu tiên Tình già đăng tuần báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn ngày 10/3/1932 là Phan Khôi cũng chính là người miền Trung (Quảng Nam). Hai tác giả cổ súy Thơ Mới, làm nên cuốn Thi nhân Việt Nam nổi tiếng Hoài Thanh – Hoài Chân cũng lại là người miền Trung (Nghệ An).

– Trong 9 tác giả được đánh giá cao và chọn thơ in nhiều (tính từ 7 bài trở lên) thì người miền Trung vẫn chiếm hầu hết. Nếu tính từ 9 bài trở lên thì có 4 người (100%) đều là các tác giả người miền Trung (Xuân Diệu: 15 bài, Huy Cận và Lưu Trọng Lư: 11 bài, Quách Tấn: 9 bài). Nếu tính từ 7 đến 8 bài thì có 5 tác giả, trong đó có đến 3/5 (60%) tác giả là người miền Trung (Chế Lan Viên: 8 bài; Hàn Mạc Tử, Nam Trân: 7 bài), chỉ trừ Nguyễn Bính (Nam Định): 8 bài và Thế Lữ (Hà Nội): 7 bài.

– Trong 9 tên tuổi được đánh giá là nổi tiếng nhất của phong trào Thơ Mới gồm: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, thì ta đã thấy có đến 6 nhà thơ người miền Trung: 6/9 người (chiếm tỷ lệ 66,67%) trừ Thế Lữ, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương.

Thi nhan VN vansudia.net min - Dấu ấn địa văn hoá của các nhà Thơ Mới - Nhà phê bình Mai Bá Ấn

Trong phong trào Thơ Mới, nếu không tính nhóm Xuân Thu nhã tập sau này với ba nhà thơ tên tuổi tập hợp đủ cả ba miền gồm: Phạm Văn Hạnh (gốc Nam bộ), Nguyễn Xuân Sanh (Quảng Bình) và Đoàn Phú Tứ (Bắc Ninh) thì những nhà thơ tiên phong cách tân nổi trội lên, ta có thể kể là: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Nguyễn Vỹ. Tất cả đều là người miền Trung. Trong đó, Xuân Diệu được xem là đỉnh cao của Thơ Mới thời lãng mạn – “nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới”, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê là ba thủ lĩnh của Trường thơ Loạn – những người thúc đẩy Thơ Mới vượt qua lãng mạn, tiếp tục tiến về phía trước với trường phái siêu thực (Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử) và tượng trưng (Bích Khê). Còn Nguyễn Vỹ lại là người chủ trương cách tân thơ về hình thức biểu hiện với lối thơ Bạch Nga mười hai chân (alexandrins) phổ biến ở phương Tây nhưng còn khá lạ lẫm ở Việt Nam lúc bấy giờ.

Như vậy, rõ ràng, hầu hết những nhà thơ tiên phong cách tân trong phong trào Thơ Mới 1932-1945, đặc biệt là những cách tân sau khi trường phái lãng mạn đạt đỉnh cao, đều là những người có gốc gác ở những tỉnh lẻ miền Trung (những khu vực ngoại biên) so với Huế, Hà Nội (trung tâm) lúc bấy giờ. Ta thử tìm hiểu bước đầu về nguyên nhân của nó qua cái nhìn địa văn hóa.

2. Miền Trung Việt Nam (Trung bộ) có phía Bắc giáp khu vực đồng bằng Sông Hồng và Trung du miền núi vùng Bắc bộ; phía Nam giáp các tỉnh Bình Phước, Đồng NaiBà Rịa – Vũng Tàu vùng Nam bộ; phía Đông giáp Biển Đông; phía Tây giáp 2 nước LàoCampuchia. Dải đất miền Trung được bao bọc bởi những dãy núi chạy dọc bờ phía Tây và sườn bờ biển phía Đông, vùng có chiều ngang theo hướng Đông – Tây hẹp nhất Việt Nam (khoảng 50 km) và nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

So sánh với 2 vùng Bắc bộ và Nam bộ thì Trung bộ thể hiện rõ nét là một vùng đệm mang tính trung gian. Nơi đây phần nào đã chịu sự ảnh hưởng từ các yếu tố tự nhiên là núi non, biển, sông ngòi, các đầm và đồng bằng, vào trong các thành tố văn hoá vùng. Núi liền kề với biển nên vùng đồng bằng ven biển hẹp và ít màu mỡ như hai đầu đất nước. Dãy đồng bằng hẹp do núi choài ra tận biển đã khiến các dòng sông miền Trung ngắn nguồn và độ dốc cao, chính vì vậy, bao nhiêu nước nguồn, nước sông ở đây cơ hồ như từ trên trời rơi xuống là òa ra gặp biển cùng sự va đập dữ dội, riết róng, triền miên giữa sóng biển và vách đá núi. Các đặc điểm địa lý trên đã khiến núi – biển và những hiện tượng tự nhiên gắn liền với núi – biển đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm thức những nhà thơ miền Trung. Chính điều này đã làm nên một khí chất thơ miền Trung khá riêng biệt: chất thơ riết róng đến tận cùng, đầy sóng gió, bão lốc, luôn muốn vượt thoát, bay lên của một vùng đất vừa khắc nghiệt về tự nhiên vừa dữ dội về lịch sử. Không hào phóng, dễ dãi đến quá trớn như kiểu triết –lý – mùa – nước – nổi của người Nam bộ, cũng không quá triết lý một cách chuẩn mực, tế nhị như người Bắc bộ, người miền Trung dung hợp cả đặc điểm của hai miền Nam – Bắc, nhưng chính cái điều kiện địa lý và lịch sử đã làm nên những khí chất riêng biệt của con người trên dải đất làm đòn gánh gánh cả hai đầu này. Tôi hoàn toàn thống nhất với cách lý giải của nhà thơ Thanh Thảo: “Có phải vì đất ở đây hẹp, con người sống bị ép giữa núi và biển, nên chỉ có một lối thoát duy nhất là… bay lên. Bay lên – ấy là hành động của Thơ, Thơ miền Trung phải bay lên, vì không còn đường nào khác (…). Khi “thân thể tại ngục trung…”, cách chọn lựa sự tự do tâm hồn, tự do nội tâm ấy chính là cách chọn lựa của thơ ca: Thơ tôi bay suốt một đời không thấu/ Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu (Hàn Mạc Tử)…Bất ngờ lãng mạn và bất ngờ quyết liệt, thơ miền Trung luôn sống trong những tần số xung động cao. Nó phát tín từ những – tháp – Chàm – thơ đơn độc nhưng lại cộng hưởng được tiếng rền vang của núi và những va quật dữ dội của sóng biển”1.

Vâng, có lẽ như vậy chăng mà “cái bay” cùng với cái cách nói riết róng của giọng điệu thơ đã xuất hiện rất nhiều trong các nhà Thơ Mới miền Trung. Bên cạnh cái dáng bay “không ai thấu”, “không nơi đậu” cùng cái cách vượt thoát của dáng “Phượng hoàng bay” khiến “ánh sáng” tràn trề “không còn khiêm nhượng nữa” và cách nói “no bưa” rất miền Trung của Hàn Mạc Tử: Đã no nê, đã bưa rồi, thế hệ/ Của phường trai mê mẩn khí thanh cao/ Phượng hoàng bay trong một tối trăng sao/ Mà ánh sáng không còn khiêm nhượng nữa (Đầu xuân cầu nguyện) ta dễ nhận ra cái “cõi xa bay” của Xuân Diệu: Gió chấp cánh cho hương càng tỏa rộng/ Xốc nhau đi vào khắp cõi xa bay/ Và hương bay, thì hoa tưởng hoa bay (Thu) cùng cái chí hướng vượt thoát “đời chật”:

Lòng tôi rộng, nhưng lượng đời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
(Vội vàng).

Cái cuống quýt không thể đợi chờ, cứ muốn thổi gió tình yêu phấp phới bay: Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi,/ Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới (Giục giã). Cái giọng điệu riết róng của vần “r” mà chỉ có người miền Trung mới phát âm đúng chuẩn: Những luồng run rẩy rung runh lá (Đây mùa thu tới!).

Rồi Chế Lan Viên cũng bay “trong tiếng cười điệu khóc”: Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta?/ Ý của ai trào dâng lên đáy óc,/ Để bay đi trong tiếng cười, điệu khóc? (Ta). “Bay tìm Chán Nản với U buồn” bằng cả một “linh hồn đau đớn”:

Đau đớn thay cho đến cả linh hồn
Cứ bay tìm Chán Nản với U buồn
(Ta)

Chịu đựng không nổi với hiện thực o ép của cuộc đời nên hồn cứ đòi “đi cõi khác”, cứ đòi bay lên tận “đảo mây trôi”: Có ai không trên tận đảo mây trôi?/ Quăng xuống đây dải lụa hỡi ai ơi!/ Để mau đem hồn ta đi cõi khác! (Ánh sáng). Đúng là những “mảnh hồn bay”:

Hồn bao la mời mọc những tình say
Tình bao la quyến rũ mảnh hồn bay
(Khúc ca chiều)

Còn trong thơ nhà tượng trưng Bích Khê thì nâng cái khí chất miền Trung lên thành những biểu tượng độc đáo với những “vú đồi”, “sữa trăng” và bay vượt qua đầu “cụm liễu phơi”, lấp loáng “những cườm tay điểm hột”: Nâng lên núm vú đồi/ Sữa trăng nhi nhỉ giọt/ Bay qua cụm liễu phơi/ Những cườm tay điểm hột (Xuân tượng trưng). Hồn Bích Khê bay lượn qua hết trăng rồi lại đến trăng bằng một chuyến “phiêu lưu rất nhẹ nhàng” nhưng cũng đầy quyết liệt, riết róng để đạt đỉnh “đến mút không gian bát ngát” để tìm cho ra “mộng đẹp mê man”:

Một bóng giăng rồi một bóng giăng
Hồn vẫn phiêu lưu rất nhẹ nhàng
Đến mút không gian là bát ngát
Một trời thơ mộng đẹp mê man
(Đây bản đàn thơ)

Còn Nguyễn Vỹ, ngay “Tập thơ đầu”2 viết bằng cả tiếng Pháp và Việt, ý thức cách tân đã thể hiện rõ ràng qua “Những đêm mất ngủ”. Cái sự mất ngủ của “một kẻ mộng mơ đầy thương tích đang vừa khóc vừa bốc bay lên trời cao”: Mắt đẫm lệ, chàng cô đơn đáng thương/ Tới nhìn cảnh đó vào một buổi chiều đang tắt,/ Khóc thương cho một Lý tưởng đã chết trên trái đất này/ Hoặc một kẻ mộng mơ đầy người thương tích đang vừa khóc vừa bốc bay lên trời cao (Những đêm mất ngủ IV). Trong “Những đêm trằn trọc” ấy, Nguyễn Vỹ thấy mình bay đến một “cõi không gian trống rỗng”, “lượn bay trên cao xanh” để “tìm những lạc thú viển vông ngoài cõi phàm trần”:

Các ngươi đã nhìn thấy cõi không gian trống rỗng,
Lúc tâm thần lãng mạn lượn bay trên cao xanh
Tìm những lạc thú viển vông ngoài cõi
phàm trần,
Mà trăm năm là cái bóng?
(Những đêm trằn trọc VII).

Và bằng lối cách tân hình thức mới lạ của mình, Nguyễn Vỹ cứ mê mải cho thơ bay, hồn bay “phiêu lưu” đến tận “nghìn trùng”: Hồn ta bay theo/ Tiếng kêu/ Hoang lieu/ Đìu hiu/ Của U hồn!/ Hồn ta bay theo/ Phiêu lưu/ Nghìn trùng (Đêm nay xuân về)3…

3. Chính đặc trưng về địa lý, tự nhiên và văn hóa, lịch sử đã tạo nên tính cách sống trần trụi, riết róng, vượt thoát để bay lên. Và chính khát vọng của sự bay, sự vượt ấy đã làm nên khát khao cách tân trong thơ của các nhà thơ miền Trung nói chung và trong phong trào Thơ Mới 1932-1945 nói riêng.

MAI BÁ ẤN

Văn Nghệ 15/22

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây