Đầu xuân nói về cây nhang và tục thắp hương – Tác giả: Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Đầu xuân nói về cây nhang và tục thắp hương - Tác giả: Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng.

NÓI VỀ CÂY NHANG VÀ TỤC THẮP HƯƠNG

Đã không kẻ đoái, người hoài,

Sẵn đây ta thắp một vài nén hương.

Gọi là gặp gỡ giữa đường,

Họa là người dưới suối vàng biết cho.

Lầm rầm khấn kha nhỏ to….

(Nguyễn Du: Đoạn trường tân thanh)

Nhang, Hán đọc là “Hương”; cây nhang và nén hương là đồng nghĩa. Hương là lễ vật đứng đầu trong lục cúng, sáu thức lễ vật dâng cúng: hương, đăng (đèn), hoa, trà, quả, thực. Nói chung, trong bất cứ việc thực hành nghi lễ nào, hương là lễ vật không thể thiếu.

1. Như chúng ta thấy, cây hương bao gồm ba thành tố cơ bản để trở thành vật phẩm nghi lễ: hương thơm, khói và lửa để đốt.

Lửa chủ yếu có công năng tẩy uế và tái sinh; kế đó, lửa còn có công năng chuyển sự vật sang trạng thái vi tế bằng cách đốt cháy cái vỏ ngoài thô lậu; và thêm vào đó, lửa cũng được coi là phương tiện vận chuyển, là sứ giả của thế giới sống sang thế giới vĩnh hằng. Điều đó biểu hiện ở việc đốt lửa ở cạnh mộ người chết sau khi an táng theo tập tục địa táng; còn ở tục hỏa táng, lửa được coi là phương tiện “vận chuyển” người quá cố từ thế giới sống hữu hạn sang cõi vĩnh hằng; và ví dụ phổ biến là đốt giấy tiền vàng mã (hóa vàng) hay đốt đồ mã gửi cho người thân quá vãng ở thế giới bên kia… Mặt khác, đối lập với nước, lửa thuộc về Trời vì nó luôn bốc lên phía trên; theo đó, ngọn lửa bốc lên thể hiện xung lực hướng thượng, hướng tới sự thăng hoa tinh thần. Ý nghĩa biểu tượng này có phần tương đồng với khói.

Khói bốc lên, cột khói từ thấp dần lên cao, tượng trưng cho sự nối liền trời đất. Nói cách khác, khói biểu trưng cho mối liên hệ giữa Trời và Đất. Lại nữa, cũng rất phổ biến tín niệm rằng “khói” thoát ra từ một sinh vật được coi là sự ra đi của linh hồn khỏi thể xác. Như vậy, khói hàm chứa tính thiêng liêng của nó, nhất là loại khói có hương thơm.

Hương thơm có vai trò đặc biệt quan trọng trong hầu hết các nghi lễ tôn giáo: trầm hương, tốc hương, chiên đàn hương, uất kim hương, đinh tử hương, long não (ở châu Á), nhựa hương (đạo Cơ Đốc), hương nhựa côpan ( văn minh Maya), thuốc lá (ở Nam Mỹ)…

Tính chất tế nhị không nắm bắt được nhưng có thật của hương thơm làm cho nó gắn liền một cách tượng trưng với sự có mặt của tinh thần, với bản chất của linh hồn vốn là những “năng lượng” hư hư thực thực…[1]

2. Cây nhang / nén hương là vật phẩm mang cả ba đặc tính của lửa, khói và hương thơm nên sở đắc một ý nghĩa tổng hợp; ở đó, khói hương là công dụng chính yếu giúp chuyển tải những mong cầu của người trần thế đến các đối tượng kính ngưỡng ở cõi trên, bao gồm tổ tiên, thần, Phật…

Đạo giáo coi khói hương là con đường dẫn dắt linh hồn hay lời cầu nguyện từ trần gian lên cõi Trời và gọi là “Dẫn hương lộ”. Con đường này đi qua Tam giới và hàng chục cảnh giới của chư vị thần linh[2]. Còn Phật giáo sử dụng nhiều loại hương: đồ hương (để xoa trên thân, tượng), thiêu hương (để đốt, xông), huân hương (ướp), mạt hương (bột thơm để rắc nơi đạo tràng, chùa miếu) và hương thủy (nước thơm để bôi, tắm thân, tượng, giặt đạo phục, rửa đồ tự khí…). Thiêu hương gồm nhiều loại, phổ biến là đốt các hương liệu trong lò (lư hương / hương lô / huân lô…) và nén nhang. Hương (và hoa) được dùng để dâng cúng “Thập phương vô lượng Phật”. Người dâng cúng hương hoa được 10 thứ công đức: 1/Đời sống tươi đẹp như hoa; 2/Thân không bị hôi hám; 3/Hương phước, hương giới tỏa khắp nơi; 4/Dù sinh ra nơi nào thì tỉ căn (lỗ mũi) không hư hoại; 5/Thường được mọi người qui ngưỡng; 6/Thân thường thơm sạch; 7/Kính tín chánh pháp; 8/Đầy đủ phước báo; 9/Sau khi chết sinh lên cõi trời; 10/Mau chứng quả Niết bàn[3].

Một vài dữ liệu trên cho chúng ta thấy nhang điện phổ biến trong vài thập niên gần đây, chỉ là hình tướng của nhang đốt và hoàn toàn không hội đủ các thành tố cơ bản của thứ vật phẩm đảm bảo được “công năng tâm linh” như truyền thống của việc thực hành nghi lễ. Việc dùng nhang điện, hoa nhựa là để trang trí, cho trang nghiêm nơi thờ tự mà thôi.

3. Đoạn trích từ Đoạn trường tân thanh trên đây, Nguyễn Du cho biết việc Kiều thắp “vài nén hương” ở mộ Đạm Tiên và sau khi “lầm rầm khấn vái” thì âm dương đã cảm ứng.

Ào ào trút lộc rung cây,

Ở trong dường có hương bay rất nhiều.

Dè chừng ngọn gió lần theo

Dấu giày từng bước in rêu rành rành

Rõ ràng, Nguyễn Du đã không xác định rõ số lượng nén hương, song “một vài nén hương” ở đây hẳn không phải một bó nhang như thế nhân đời nay đi cúng lễ ở đền chùa. Tập tục truyền thống là thắp một nén hay ba nén hương là đủ tỏ lòng kính thành với tổ tiên, thần, Phật. Tại sao là như vậy?

Trả lời câu hỏi này là vấn đề liên quan đến con số mà các con số, từ rất xa xưa, không chỉ dùng để đếm, để tính toán mà chúng đã cung cấp một cơ sở chọn lựa để xây dựng nên các biểu tượng. Nói cách khác, con số không chỉ biểu thị các đại lượng mà cả ý tưởng về các thế lực vũ trụ lẫn xã hội.  Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến những gì có liên quan trực tiếp đến việc thắp nhang một nén hay ba nén.

Số một được coi là cơ sở và là điểm xuất phát, khởi đầu của bất cứ sự vật, sự việc nào đó. Ở đây, nó bước đi từ không đến có. Thắp một nén nhang (hay làm hoặc thụ đắc một thứ gì đó) là đã biểu thị rõ ràng sự có (kính tín), khu biệt với sự không. Cái nghĩa lý của một nén nhang là sự “có còn hơn không” hay như tinh nghĩa của ý câu thơ của thiền sư Từ Đạo Hạnh: “Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không”.

Mặt khác, số Một còn là Bản nguyên. Tuy không biểu hiện rõ, nhưng chính từ Một mà mọi dạng biểu hiện được khởi sinh… để rồi trở về một khi quá trình/chu kỳ phát triển của nó kết thúc. Do đó, số Một là bản nguyên chủ động, là Đấng Tạo Hóa. Nó là điểm tượng trưng cho sự tồn tại, là nguồn gốc và chung cục của mọi sự vật. Chính vì vậy, số Một tự nó là con số thiêng. Hơn nữa, Một là bản chất của mọi hiện tượng, là cái đơn nhất trước khi bị phân chia hay tái phân chia theo nguyên lý “nhất thể phân thù”. Nói cách khác, số Một hàm nghĩa của loại biểu tượng thống nhất hóa (các biểu tượng có xu hướng dung hòa các mặt trái ngược, thực hiện việc tổng hợp các mặt đối lập) như các mạn đà la (mandala/đàn tràng: sơ đồ vũ trụ), lục hào, bánh xe, vòng hoàng đạo… Các biểu tượng thống nhất hóa được coi như chứa đựng năng lượng tâm linh cực mạnh [4].

Số Ba là kết quả của phép cộng 1+2. Dưới cái nhìn biểu tượng thì ở đây là: Một tách thành hai, cả hai kết hợp với nhau/nhập vào con đẻ/kết quả của nó, đứa con này tích hợp được cả hai phẩm chất của cha lẫn mẹ, giống hệt như con số Ba là tổng hợp thể của số Một và số Hai [5] . Như vậy, số Ba tổng hợp tính “Tam-Nhất” của mọi sinh linh. Nó được coi là cội nguồn, là thể tổng hợp của các mặt/các thành phần đối lập. Do đó, ở hầu hết các nền văn hóa, số Ba là một con số cơ bản – hiểu là con số chỉnh, biểu hiện của sự toàn thể, sự hoàn thành: không thêm cái gì vào đây được nữa. Đây là bộ ba vĩ đại Tam Tài: người, con của Trời và Đất. Đối với Ki Tô giáo, đây là sự toàn hảo của Nhất Thể thánh thần: Chúa Trời là Một, nhưng có Ba Ngôi. Còn với Phật giáo là bộ ba tôn quí Triratna: Phật, Pháp, Tăng mà bất cừ tín đồ nào cũng phải quy y. Ba thứ báu tôn quí này, theo Đạo gia là Đạo, Kinh, Sư [6] . Và trong đạo Hinđu, thần linh tối thượng được tôn thờ là bộ ba Trimurti: Brahma, Vishnu, Civa, gồm các mặt sản sinh/sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt/biến cải. Có thể dẫn ra các bộ ba của nhiều sự vật, sự việc cho thấy số ba là con số cơ bản, con số chỉnh, chẳng hạn như thời gian phân ba (Tam thế: quá khứ, hiện tại, tương lai), vũ trụ không gian tam giới (thượng, trung, hạ; Phật giáo: dục giới, sắc giới và vô sắc giới)… Do số Ba là con số chỉnh (hiểu là “Nguyên thể hoàn toàn”/Theo Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh) [7]nên việc thắp ba nén nhang là việc thực hành nghi lễ… rất chỉnh, bởi nó đã biểu thị sự toàn thể, sự hoàn thành – không thể thêm/ nên không cần thêm vào đó một/vài nén nhang nữa cũng đã trọn lòng kính tín.

Lại nữa, con số Ba cũng biểu trưng cho cái tối đa. Chẳng hạn, trong lời nói thường ngày rằng “Quá tam ba bận” hay “Ba chìm bảy nổi”… đều xác định Ba là cực hạn của sự việc. Và trong đời sống, cũng như trong nghi lễ chúng ta cũng thấy rất nhiều biện sự dựa trên con số Ba này, như: dâng lễ vật cúng thần Phật đều ba lần: sơ hiến, á hiến và chung hiến; việc đi kinh đàn của nhà chùa cũng diễn ra ba vòng; việc bái lạy thần Phật cũng vậy: nhứt bái, nhị bái, tam bái v.v… Nhân đây cũng lưu ý một số biện sự ngoại lệ thường thấy trong thông tục: 1/Cúng Thổ Địa: người ta thắp 5 nén nhang vì đó là việc lễ bái năm vị thần Đất “Ngũ phương-ngũ thổ” tọa vị ở các phương Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương (Nói cụ thể thì mỗi vị cũng chỉ một nén); 2/Việc lễ bái trong tang lễ thì khi chưa chôn cất, chưa thiết lập bàn thờ vong ở nhà, thì con cháu chỉ lễ hai lạy và khi tang lễ đã hoàn mãn, đã lập bàn thờ để an vị bài vị thì con cháu, thân quyến mới lễ bốn lạy. Con số 4 là số chẵn/số âm và bốn lạy là “đạo thờ người chết”.[8]Từ đó biện sự:thắp hai cây nhang trong tang lễ và sau khi an táng,thiết lập bàn thờ tại nhà,mới thắp 4 cây nhang.Đây là một biện sự sự-của-sự đi quá xa lí sự đã bàn ở trên.

 

—————

[1]Phần này dựa vào: Từ điển biểu trưng văn hóa thế giới. NXB Đà Nẵng và Trường Viết văn Nguyễn Du, 1997.

[2]Xem: 1- Phạm Ngọc Khuê: Tranh Đạo giáo ở Bắc Việt Nam, NXB Mỹ Thuật, Hà Nội 2008, tr. 76 – 83; 2- Quỹ Đông Sơn ngày nay & Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Tranh thờ các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam. NXB Lao Động, Hà Nội 2006, tr. 220 – 223.

[3]Thích Minh Cảnh chủ biên: Từ điển Phật học Huệ Quang. Cảo bản, tr 3156 – 3157.

[4]Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. sđd, tr 598-599.

[5]Tom Chetwynd: A Dictionary of Symbols. Paladin Book, Lodon, 1986, p. 286.

[6]Lao Tử và Thịnh Lệ: Từ điển bách khoa Nho-Phật-Đạo. Bản dịch của Trương Đình Nguyên và các dịch giả. Nxb Văn học, 2001, tr 1227: Thuật ngữ “Tam bảo/ba thứ báu” của Đạo giáo: 1/Chỉ từ ái, tiết kiệm, khiêm nhường. Đó là ba thứ báu để Đạo gia tu thân xử thế; 2/Trong luyện công, người tu trì coi tai, mắt, miệng là “ngoại tam bảo”; coi tinh, khí, thần là “nội tam bảo”; và 3/Tam bảo: Đạo, kinh, sư.

[7]Theo Thiều Chửu: Hán-Việt từ điển thì: “Nguyên vật gì còn hoàn toàn chưa phân giải, gọi là chỉnh”.

[8]Xem Nguyễn Thọ Dực (chủ biên): Quan, hôn, tang, tế hội thông. Trung tâm sản xuất học liệu xb, S., 1974, tr 47;48.

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây