Văn hóa dân gian Cơ Tu – Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe – Phần 14

Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 14

Untitled 2 min 2 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 14

CHƯƠNG VIII

TRI THỨC DÂN GIAN

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

1. Tri thức về y học cổ truyền [1]

Nghiên cứu tri thức của người Cơ Tu không thể không đề cập đến tri thức trong việc khai thác và sử dụng cây thuốc. Nhiều tài liệu ghi chép, khảo tả về tri thức dân gian trong sử dụng cây lá trên rừng làm dược liệu trị một số loại bệnh trong cộng đồng người Cơ Tu. Ở đó, cho thấy người Cơ Tu phát hiện, tìm kiếm và sử dụng cây lá có dược liệu qua trải nghiệm nhiều năm, tạo nên cái riêng có của họ. Điều này, nhận ra rằng người Cơ Tu đã gắn liền với thiên nhiên, lấy thiên nhiên, trong đó cây lá hoa quả của một số loài thực vật làm cứu cánh là thế nào trong tồn tại và duy trì sự sống trên vùng núi rừng Trường Sơn đầy khắt nghiệt.

Do định cư chủ yếu ở khu vực miền núi, nên việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng còn nhiều khó khăn.  Nhờ gắn bó với rừng nên người Cơ Tu đã biết sử dụng các loại cây cỏ làm thuốc để chữa các bệnh, như ốm đau, tai nạn hoặc bị rắn cắn khi làm lụng trên rẫy, đi rừng. Mặc dù, các loại cây cỏ thuốc rất đa dạng, nhưng từ rất sớm đồng bào đã biết nhận biết và phân loại các loại cây cho phù hợp với mục đích sử dụng của mình. Người Cơ Tu có thuốc chữa bệnh, thuốc độc để săn bắt chim thú, thuốc để làm ăn buôn bán… Cây thuốc được dùng để chữa bệnh có sâm ngọc linh (có ở huyện Phước Sơn, huyện Trà My), sâm giang linh, ba kích, đẳng sâm, mật nhân, khúc khắc, lim xanh; cây thuốc độc mà người dân biết đến cũng không ít gồm: mr’nghêê/ mr nghe; bha’nuốih, a’úh, anir, ađập, hr’găm… ăn phải những loại này không biết bệnh là không cứu được.

Cây thuốc người Cơ Tu sử dụng vào hoạt động săn bắt chim muông, thú rừng khá nhiều. Có thể tạm chia ra làm hai dạng: cây thuốc độc và bùa ngải để săn bắt muông thú. Trong đó, cây thuốc độc có nhiều loại nhưng mỗi loại chỉ thích hợp với một đối tượng khác nhau. Chẳng hạn, săn thú thì người ta hay sử dụng chất độc từ chế nhựa cây ch’pơơr; bắt chim muông thì dùng nhựa chế cây ưloong jil, thuốc cá như: achul, atiêng, trhol, chatơn… Các loại ngải thiêng cũng được đồng bào phân loại theo từng đối tượng săn bắt như thuốc dùng cho các loài thú nhỏ và chim có: cr’liếh, c’rắh, xất, mr’lơớc…, thuốc dùng cho các loài thú lớn có: pui, achụp, apặ, a’mong… dùng để bắt tổ ong thì đồng bào dùng zi-nươu gi-rớ. Người Cơ Tu trồng loại cây tên gọi là amor amêêr, người ta tin rằng nếu dùng là cây này để vào quần áo của con trai hoặc con gái mình yêu thì người đó sẽ yêu mình chết mê chết mệt lá thuốc này gọi là bùa yêu. Sở dĩ cây ngải có thể mê hoặc được người khác vì loại ngải này chứa chất kích thích tình dục, có hương liệu, khi bào chế, sử dụng với các thủ thuật đặc biệt sẽ để lại mùi và sự thèm thuồng khó quên, khó cưỡng lại sự them muốn. Ngoài ra, để trừ tà ma đồng bào trồng các loại thuốc có tên: ch’hor, zi’rơ, cr’tợ, để tránh bị ảnh hưởng đến tiếng tăm, tránh lời dè xẻn người ta trồng: pr’vih, ư’đăr, cr’đắp… Trong hoạt động mua bán, họ mang theo loại thuốc tên gọi là ư’ang, ưnêêr, vì họ tin rằng sẽ bán hàng rất chạy, hoặc với hy vọng dễ được nhiều của cải và giàu có, thì người ta dùng thứ bùa có tên gọi là zi-nươu đhoh a loh.

Bùa chú, bùa ngải được cho là vật nắm giữ bản thể của sức mạnh mà nó biểu trưng. Có loại bùa tàng trữ sức mạnh về tình dục, có bùa về sự ham muốn nguyện vọng nào đó, có loại bùa mang lại sự may mắn trong buôn bán làm ăn, hoặc nắm giữ sức mạnh tạo nên sự giàu có. Người Cơ Tu sử dụng nhiều loại vật liệu từ thiên nhiên, trong đó phần lớn là cây lá trên rừng (cây ngải hay hòn đá có hình dáng lạ là ví dụ). Họ nghĩ rằng bùa có quan hệ liên đới với người sử dụng bùa khởi phát một năng lượng có sức mạnh hiệu quả mà bùa biểu hiện ra bên ngoài với đối tượng gặp phải bùa. Khi ý chí người sử dụng bùa cố định vào đối tượng, bùa theo đó tập trung sức mạnh biểu đạt hết năng lượng nó có, để làm thay đổi tính nết, thay đổi quan niệm và đôi khi làm thay đổi theo ý chí của người sử dụng bùa phép. Do sức mạnh được biểu thị nên bùa có năng lực lôi kéo con người vào trung tâm các năng lực ấy. Khi được người sử dụng tàng trữ cho một sức mạnh hoạt động ở mọi không gian và thời gian, bùa tăng sinh lực của nó và tin rằng sẽ phát huy năng lực nhiều hơn, có tác dụng làm thay đổi thói quen, hoặc hoạt động của đối tượng được bùa tác động.

Bùa ngải hay bùa chú được người Cơ Tu tin rằng để bảo vệ sức khỏe, mang lại hạnh phúc, những ước muốn ở cõi trần, làm cho con người đạt nguyện vọng khi dùng bùa tác động vào đối tượng ở bất kể thời gian và không gian nào. Nắm năng lượng của bùa, tùy theo hình thức và hình ảnh mà bùa thể hiện, người ta cho rằng bùa có năng lực truyền cho con người sức khỏe, sự ham thích, hay thỏa mãn nguyện vọng đặt ra trong cuộc mưu sinh (đi buôn có lời, bán hàng được nhiều người mua, bùa yêu được đối tượng hiến dâng trọn vẹn, …), đạt được thú vui trong cuộc sống, những lạc thú về thân xác được toại nguyện,… Thường bùa được thể hiện bằng hình vuông, trong đó là vật liệu của bùa được gói ghém khâu nối tại một đỉnh của hình vuông. Hoặc có thể không gói ghém trong hình vuông mà sử dụng trực tiếp tác động vào đối tượng, truyền nhập năng lượng của sức mạnh mà bùa có khả năng biểu thị. 

1.1. Thuốc Nam cổ truyền

Các xã phía tây Đà Nẵng vừa là vùng trung du với địa hình tập trung các dãy núi thấp của cánh phía Đông Trường Sơn, vừa là nơi tiếp xúc với đồng bằng với hệ đồi thấp và các thung lũng bằng phẳng xen lẫn và tiếp nối với vùng đồng bằng của huyện Hòa Vang. Hệ thổ nhưỡng khá đa dạng với nhiều chủng loại đất đỏ được hình thành từ đá macma acid, đất đỏ từ đá biến chất và sét, đất dốc tụ, đất phù sa sông ngòi… Với đặc điểm địa hình thổ nhưỡng đặc trưng, hệ sinh thái tự nhiên ở Hòa Phú vừa có hệ sinh thái rừng nhiệt đới vùng thấp, sinh thái trung du.  Với đặc điểm địa hình thổ nhưỡng và sinh thái đặc trưng, hệ cây thuốc của người Cơ Tu ở Hòa Phú vừa có những nét tương đồng chung, vừa có những đặc trưng riêng so với hệ cây thuốc các cộng đồng Cơ Tu vùng cao và so với người Kinh ở vùng đồng bằng.

Tri thức về hệ thực vật của người Cơ Tu vùng thấp rất phong phú, hệ tri thức bản địa về thực vật vốn được người Cơ Tu vận dụng khá rộng rãi, tri thức sử dụng vật liệu làm nhà ở và chuồng trại, tìm kiếm nguồn thức ăn thực vật hay áp dụng các tri thức về thực vật vào trong săn bắn, thực hành nghi lễ hay sử dụng tri thức cây thuốc trong điều trị bệnh tật, bồi bổ sức khỏe, ….

Người Cơ Tu có những hiểu biết rất rõ về môi trường tự nhiên nơi mình sinh sống. Hệ cây thuốc truyền thống của người Cơ Tu ở Hòa Phú xuất phát từ những hiểu biết và kinh nghiệm dân gian về các loài cây cỏ có dược tính sống trong môi trường tự nhiên ấy. Khi chưa tiếp cận được với mạng lưới y tế hiện đại, bên cạnh tập quán chữa bệnh bằng nghi lễ và ma thuật, những tri thức bản địa về cây thuốc vốn là một trong những phương thức chữa bệnh phổ biến của cộng đồng người Cơ Tu trong lịch sử.

Tri thức sử dụng cây thuốc dân gian của người Cơ Tu là hệ tri thức tổng hợp về dược liệu. Đó là tổng hợp những kinh nghiệm và hiểu biết của người Cơ Tu về nhận diện, phân biệt cây thuốc, kỹ thuật thu hái, cách thức sơ chế và sử dụng cây thuốc trong trị liệu. Việc tìm kiếm và sử dụng cây thuốc còn dựa trên sự am hiểu về dược tính từng loại cây, từng bộ phận của cây thuốc cũng như sự hiểu biết về khu vực phân bố, đặc tính sinh trưởng và sự tương tác giữa các loại cây thuốc trong trị liệu. Những kinh nghiệm và hiểu biết dân gian về cây thuốc được bồi đắp, truyền đạt và thực hành liên tục trong lịch sử tộc người, khiến người Cơ Tu có vốn tri thức dân gian khá phong phú về dược liệu và cây thuốc chữa bệnh.

Tri thức sử dụng cây thuốc dân gian còn gắn với quan niệm và sự hiểu biết về các triệu chứng bệnh tật con người trong quá trình nhận diện và điều trị. Sự am hiểu này là cơ sở để người Cơ Tu lý giải nguyên nhân bệnh tật từ đó có những cách thức sử dụng phù hợp hệ cây thuốc trong chữa trị và bồi bổ sức khỏe. Trong truyền thống, sự hiểu biết về thể lý và bệnh tật của người Cơ Tu có những giới hạn nhất định do bị chi phối bởi các khuôn mẫu văn hóa xã hội và những hạn chế về trình độ khoa học. Đối với các dạnh bệnh tật không nghiêm trọng, những tri thức dân gian về cây thuốc cũng đem lại những hiệu quả trị liệu tốt. Những cây thuốc được hái từ rừng rẫy trở thành nguồn dược liệu chủ yếu trong tập quán điều trị của người Cơ Tu. Đối với các bệnh nặng, không rõ nguyên nhân, đã điều trị bằng cây thuốc dân gian nhưng không lành, người Cơ Tu vùng thấp ở Hòa Phú thường quy gán nguyên nhân gây bệnh với những khuôn mẫu văn hóa nhất định như: bệnh do hồn đi lạc (blil rơ vai/ r’vai tavâng), bệnh do các linh hồn như: abhui (linh hồn), m’riêng (oan hồn), yàng (thần linh), gun (ngãi)… gây nên. Trong những trường hợp này, chỉ một số ít cây thuốc dân gian (riềng, gừng, thiềng thiêng) được sử dụng như một phụ liệu thứ yếu trong các nghi thức trị liệu bằng ma thuật (đeo bùa, thổi rơmăn, kêu hồn, nhờ ma hoặc yàng cúng, …).

Trong quan niệm trị liệu truyền thống của người Cơ Tu vùng thấp, họ cho rằng ngoài dược tính, công năng của cây thuốc, trong một số trường hợp bệnh tật nhất định, công hiệu của thuốc và hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào người bốc thuốc và niềm tin của người bệnh, thậm chí vượt ra ngoài ra khả năng trị liệu bằng thuốc. Với quan niệm này, những tri thức về cây thuốc dân gian được quy gán với các khuôn mẫu văn hóa, tâm linh trong bốc thuốc và điều trị. Những khuôn mẫu văn hóa trong trị liệu này thường được quy gán theo 3 xu hướng: 1) Công hiệu của cây thuốc phụ thuộc vào tay nghề và tính chính danh của thầy thuốc (thầy thuốc phải là truyền nhân đích thực); 2) Hiệu quả của cây thuốc còn phụ thuộc vào niềm tin của bệnh nhân; 3) Một số bệnh di các ma lực bên ngoài gây nên thì không thể chữa bằng cây thuốc dân gian.

Bên cạnh hệ cây thuốc được vận dụng trong y học dân gian và trị liệu bằng tâm linh-ma thuật, người Cơ Tu vùng thấp còn sử dụng cây thuốc trong ăn uống để phòng bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trong các hoạt động lao động như: đi rừng, phát nương, làm rẫy,… người Cơ Tu cũng thường hái các loài cây cỏ có dược tính về làm thức ăn hoặc nấu nước uống hằng ngày hoặc tích trữ sẵn sử dụng khi cần. Hệ cây thuốc được làm thức ăn chủ yếu là các loại rau củ có dược tính xuất hiện trong một số món ăn của người Cơ Tu như: b’ha đang (lá lốt), apung (sa nhân), kơ bá (rau má), ki chúi (ngũ gia bì), ha lăng (cây chân chim), chi-pong (một loại sâm), …Một số cây thuốc được nấu nước uống hằng ngày hoặc ngâm rượu để phòng bệnh và bồi bổ cơ thể như: la lon (nấu nước uống tươi hoặc ngâm rượu), x’ngươu k’pang (đinh lăng- ngâm rượu),

Khảo sát tri thức dân gian về cây thuốc trong phòng và điều trị bệnh tật của người Cơ Tu ở Hòa Phú, chúng tôi xin liệt kê một số bài thuốc trị liệu các bệnh thường gặp. Tùy từng loại bệnh khác nhau mà người Cơ Tu sử dụng 1 loại hoặc kết hợp nhiều loại thuốc, các bài thuốc từ cây cỏ được người Cơ Tu dùng để chữa một số bệnh thông thường.

Tri thức và kinh nghiệm về cây thuốc được truyền miệng qua thực tế qua sinh hoạt thường nhật của cộng đồng hoặc được truyền dạy có chủ ý trong một số gia đình có truyền thống làm nghề thuốc. Trong cộng đồng người Cơ Tu, những người trưởng thành thường có một số hiểu biết nhất định về cây thuốc, mức độ hiểu biết này phụ thuộc vào bối cảnh truyền dạy của gia đình hoặc phạm vi giao tế xã hội.

Tuy nhiên, tri thức bản địa về cây thuốc của người Cơ Tu hiện nay cũng tương đối mờ nhạt và mai mọt do một số nguyên nhân: việc trao truyền và tiếp nhận các kinh nghiệm dân gian truyền thống về cây thuốc bị đứt đoạn, sự suy giảm tài nguyên cây thuốc và sự tiếp cận với thành tựu y học hiện đại.

 

Loại bệnh

Cây thuốc (bha’lâng z’nươu/ tơơm zơ nươu) Bộ phận sử dụng Cách dùng
 

 

Tiêu chảy

 

 

-L’lăng

-P’nhấc

 

 

-Lá

-Hoa, lá, thân

-Nấu lá uống, hoặc nấu cao.

– Để tươi hoặc phơi khô lấy nước uống

 

 

Kiết lỵ

 

 

-L’lăng

-P’nhấc

 

-Lá

-Hoa, lá, thân

-Nấu lá uống, hoặc nấu cao.

– Để tươi hoặc phơi khô lấy nước uống

Đau bụng -Đọt ổi: (nam 7 nữ 9 đọt) -Đọt và lá non -Nhai nuốt nước
Thổ tả, nôn mửa -Xà líp

-Tà ban puot

– Giã lấy nước, hoặc nấu nước uống
Bao tử, đại tràng -L’lăng -Lá -Nấu nước uống
Cầm máu vết thương, vết bầm do va đập  

-L’lăng

-T’lây bá (lá trầu rừng)

 

-Lá

– Lá

– Nhai lá đắp

– Giã nát đắp lên vết thương

Sưng, đau khớp, tê tay chân – Lon cha nek

-Tâm sắc

-Thân, cành, lá – Phơi khô nấu nước uống
 

Sâu răng

-D’rao (cây sân)

-Chà lon ớt

-Lá

-Lá

– Dùng lá ngậm

-Dùng lá ngậm

Máu dạ con -L’lăng

 

-Lá -Nấu nước uống
Suyển, ho -Chà lon ớt

-Tà rui

-lá -Nấu uống
 

 

 

Nóng sốt, mệt mỏi

 

 

 

-M’hu tắk (dây thúi địt)

 

 

 

-Lá

– Chà nát lá, lấy nước uống, hoặc nấu uống, đắp lên trán (chà cho hôi, linh hồn bệnh bỏ đi)
 

Cảm cúm

-K’téc (cỏ mực)

-Thiềng liềng

-Lá

 

-Lá

-Nấu uống

 

-Nhai sống nuốt nước

 

Cảm cúm

-Cây cảnh giới

-Lá nhu

-Cá tre

-Lá sả

 

-Lá

 

-Nấu xông hơi

 

Đau đầu, chống mặt

-M’hu

-M’lát

-Kon kon

 

-Thân, lá

-Giã lấy nước

-Nấu nước uống

 

Rắn cắn

-Lon m’nhá

 

-Rễ cây khế

-Ra lun

-Lá

 

-Rễ

-Củ

-Nhai đắp vết thương

-Giã nhỏ đắp vết thương

 

Máu trắng (phụ khoa)

 

 

-Cà tra

 

 

-Vỏ

-Vỏ tươi nấu uống

-Phơi khô nấu nước uống

Thân, phù chân -Rễ tranh -Rễ -Nấu nước uống
Mụt mưng mủ -L’lăng -Lá – Nấu nước uống
Sán lá gan -Hoa leo bông trắng -Hoa, lá -Nấu nước uống
Phụ nữ sau sinh -M’lu

-M’lat

-Kin kon

-Thân, lá -Nấu nước uống
Trẻ em khóc đêm, giật mình -Ót (sả)

-Lon cha nek

-Củ

-Lá

-Xông hơi

-Xông hơi (dà hun)

 

 

Bồi bổ cơ thể

 

-Lon x’ngươu

 

-k’păng (cây đinh lăng)

 

-Củ

 

-Củ

-Nấu uống hoặc ngâm rượu uống

-Nấu uống hoặc ngâm rượu uống

 

Đau lưng -Chân chim to Cành, rễ Ngâm rượu uống
Ghẻ lỡ, hắc lào -Cây Bra klang, Cây đồng tiền Cành lá Cành lá Giã nát đắp hoặc nấu nước rửa.
Sài lỡ trẻ em -Ông ôi

-Me nguồn

Cả cây Cả cây đem giã nát thoa, cầm máu
Cảm sốt nhức đầu Hoa nho Dây Nấu uống, chữa cảm sốt nhức đầu
Đau nhức xương Pác Lá Nấu uống, chữa đau nhức xương
Chống oxy hóa A pùn Thân rễ Ngâm rượu xoa ngoài
 

Đau bụng

 

Pa nhe

 

Lá nấu uống chữa đau bụng
Giải say rượu

Rắn cắn

 

Dong rừng

 

-Có tác dụng giải rượu.

-Chữa rắn cắn

-Kích dục

-Chống viêm nhiễm

-Chống ung thư

 

Ca pong

 

Cả cây

– Có tác dụng kích dục,

– Cả cây nấu nước uống

 

-Nhức đầu

-Tiểu đường

 

Prieng

 

Cả cây

-Nấu xông cho phụ nữ khi sinh bị nhức đầu

-(Ở Việt Nam đang nghiên cứu tác dụng trị tiểu đường)

Bổ máu Ca tin Thân lá Phơi khô nấu uống
Tăng cường sinh lực, cảm mạo, điều hòa máu huyết,  

 

Rau dớn

 

Thân, lá

-Nấu uống,

– Chế biến thành thực phẩm hằng ngày

Tăng cường sinh lực, bồi bổ cơ thể,… Sâm ngọc linh, sâm giang linh, ba kích, đẳng sâm, mật nhân, khúc khắc, lim xanh Cả cây -Nấu uống, bay bột uống

– Chế biến thành thực phẩm hằng ngày

Đau dạ dày Mây rừng Trái Ngâm rượu uống

Ngày nay, hệ cây thuốc của người Cơ Tu vùng thấp ngày càng khan hiếm do sự thu hẹp diện tích rừng tự nhiên. Thực trạng khai thác rừng không theo kế hoạch kéo dài trong nhiều năm đã làm phá vỡ hệ sinh thái rừng tự nhiên vốn có, khiến nguồn tài nguyên cây thuốc bị suy giảm. Bên cạnh đó, chương trình trồng rừng cũng đã đem lại cho cộng đồng địa phương nguồn tài chính ổn định, thay đổi căn bản bộ mặt đời sống của người Cơ Tu. Sự phát triển của kinh tế lâm nghiệp đem lại từ việc trồng rừng đồng nghĩa với sự thay đổi hệ sinh thái rừng. Quá trình đốt khai hoang, cải tạo rừng phục vụ việc canh tác nông lâm nghiệp khiến hệ sinh thái rừng tự nhiên suy giảm, dần được thay thế bằng thế hệ sinh thái rừng trồng vì vậy hệ cây thuốc dân gian vốn gắn với hệ sinh thái rừng nguyên sinh cũng suy giảm. Thực trạng đó khiến hệ cây thuốc của người Cơ Tu vùng thấp ngày càng suy giảm, nguồn cây thuốc của cư dân bản địa trở nên khó tìm.

Bên cạnh thực trạng suy giảm nguồn tài nguyên rừng, sự xuất hiện của công nghệ truyền thông vào đời sống hằng ngày cũng khiến người Cơ Tu ở Đà Nẵng hiện nay đã có những thay đổi cơ bản trong quan niệm và điều trị bệnh tật. Các phương tiện truyền thông và công nghệ như ti vi, máy vi tính, điện thoại thông minh, …có mặt ngày càng phổ biến cũng có tác động lớn đến đời sống của Cơ Tu. Những kiến thức về y tế, chăm sóc sức khỏe hiện đại được người Cơ Tu tiếp thu qua các phương tiện truyền thông đã góp phần làm thay đổi quan niệm và tập quán chữa bệnh cũng như sử dụng cây thuốc dân gian.

Hệ thống y tế cơ sở ở xã và huyện khá đầy đủ, mạng lưới nhà thuốc Tây dược phổ biến ở các trung tâm thương mại và chợ địa phương đã giúp cộng đồng Cơ Tu dễ dàng tiếp cận với mạng lưới y tế và các loại Tây dược tốt và hiệu quả hơn trong khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông ngày một tốt hơn cũng giúp người Cơ Tu vùng thấp có thể dễ dàng đến các bệnh viện lớn ở trung tâm thành phố để khám chữa bệnh. Điều kiện y tế thuận lợi cũng khiến vai trò của hệ cây thuốc dân gian ngày càng suy giảm và mờ nhạt trong đời sống thường nhật của người Cơ Tu đương đại.

Những tri thức dân gian về cây thuốc của người Cơ Tu ở Hòa Phú hiện nay vẫn đang được bồi đắp, bổ sung từ quá trình giao lưu và ảnh hưởng tập quán sử dụng cây thuốc của người Kinh trong địa phương. Những cây dược liệu, cây thuốc mới như: đinh lăng, sâm núi, sả, lẹo hoa trắng…vốn được người Kinh ưa chuộng cũng được người Cơ Tu tiếp nhận. Những phương thức chế biến, sử dụng cây thuốc mới như: ngâm rượu thuốc, sao vàng, hạ thổ, dùng cây thuốc ăn kèm với món nhắm, kết hợp thuốc dân gian với tân dược, … cũng được người Cơ Tu tiếp thu đưa vào ẩm thực, ăn uống bồi bổ sức khỏe và điều trị bệnh tật.

Hệ thống tri thức bản địa về cây thuốc của người Cơ Tu có những giá trị dược liệu và trị liệu không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hiệu quả của cây thuốc dân gian này cũng có những giới hạn nhất định, nhất là đối với các căn bệnh phức tạp và nguy hiểm. Bối cảnh xã hội hiện đại đã làm thay đổi căn bản tập quán điều trị dân gian truyền thống. Những quan niệm duy tâm trong việc nhận diện nguyên nhân và điều trị bệnh tật của người Cơ Tu vùng thấp phần nhiều đã được thay thế bởi cách nhìn hiện đại hơn dựa trên lý tính và quan điểm khoa học. Các phương thức chữa bệnh bằng tâm linh hay ma thuật như: thầy Rơ măn “thổi”, Ma Yàng cúng bái hoặc giải gun (ngải) hiện không thấy xuất hiện. Người Cơ Tu bên cạnh thói quen sử dụng các bài thuốc dân gian trong điều trị một số bệnh thông thường, với các trường hợp bệnh nặng hơn họ mua thuốc điều trị tại các tiệm thuốc Tây trong vùng, hoặc đến trạm y tế, bệnh viện để khám và điều trị. Sự thay đổi tập quán dùng thuốc và chữa bệnh có thể xuất phát từ quá trình nhận thức và so sánh về hiệu quả trị liệu giữa cách chữa bệnh bằng cây cỏ theo tri thức dân gian với y dược hiện đại.

Như vậy, dưới góc độ y dược hay văn hóa, những tri thức dân gian về cây thuốc và trị liệu của người Cơ Tu có những giá trị riêng, không thể phủ nhận bởi những đóng góp nhất định cho nền y học cổ truyền. Tính chất và công năng dược học của hệ cây thuốc dân gian còn ẩn chứa nhiều giá trị chưa được phát hiện. Tri thức bản địa về hệ cây thuốc ở địa phương của người Cơ Tu vùng thấp còn giúp ích cho công tác nghiên cứu, sưu tầm dược liệu ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Trong sử dụng cây cỏ trên rừng có dược liệu dùng làm thuốc trị bệnh trong cộng đồng người Cơ Tu rất đa dạng, bởi rừng núi có quá nhiều chi, loài để có thể trải nghiệm và chọn lựa dùng làm thuốc. Trong số các loài cây cỏ người Cơ Tu sử dụng, có nhiều loài các tộc người khác cũng sử dụng, như người Kinh cũng sử dụng một số cây cỏ trùng với cây cỏ người Cơ Tu dùng làm thuốc. Ví dụ: dây khổ qua rừng, chè dây, sâm Ngọc Linh, rau dớn, … Đây được xem là sự thích nghi với môi trường tự nhiên trong khu vực cư trú. Người Quảng Nam, Đà Nẵng sinh sống tại vùng đất có đủ các dạng địa hình phân bố từ phía núi rừng xuống đến vùng duyên hải, cây cỏ theo đó phân bố theo vùng, người Kinh và người Cơ Tu đều có thể giao thoa nhau trong phát hiện các loại cây cỏ dùng làm thuốc trị một loại bệnh thông thường. Tuy nhiên phương thức hay kinh nghiệm dùng cây thuốc Nam có khác nhau trong cách chế biến thành phẩm.

8 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 14

Thuốc Nam uống tăng sinh lực sau sinh. (Ảnh: VVH, 5/2018 tại thôn Giàn Bí).

Người Kinh sao vàng hạ thổ, có loại tán thành bột, viên thành viên, có loại sắc uống, có loại

bứt lá đập dập, ngâm rượu thoa bóp, nhai nuốt nước,…Sự gặp nhau trong sử dụng cây thuốc trên rừng giữa các tộc người tại đất Quảng thể hiện đặc trưng văn hóa nông nghiệp vùng miền. Nhiều loài, cây hiện nay đang được ngành y dược nghiên cứu sử dụng trong trị liệu một số loại bệnh thường gặp trong cộng đồng người Cơ Tu. Nhưng để có được một bản danh mục cụ thể, hẳn là chưa có.

1.2. Cây thuốc (bha’lâng z’nươu) có độc, cây thuốc làm thay đổi tính nết, cây thuốc trừ tà khí trong nhà

Người Cơ Tu bên cạnh cây thuốc Nam có công năng điều trị một số loại bệnh tật thông thường như cảm cúm, đau bụng, ngứa do dị ứng, mề đay, sau sinh đẻ, … lấy từ rừng về. Cây lá trên rừng Trường Sơn còn có loài gây nên bệnh tật, hoặc gây chết người, hoặc được cho có nhiều công dụng khác có lợi cho người. Đó là loài thuốc độc. Dân gian đôi khi có sử dụng hoặc săn bắt thú rừng, hoặc bỏ độc kẻ thù đến quấy phá làng bản. Những loài cây như thế ăn phải là sinh bệnh dẫn đến chết người như loài mr’nghêê (lá ngón), các loại cây bha’muôh, a’uh, aniir, ađập, chr’găm, …là những loài cây truyền miệng trong dân gian được cho là rất độc ăn phải là chết người, hoặc hít phải hơi độc gây nên dịch bệnh.

Có loài cây mà lóng cây thì rất độc, nhưng mắt cây lại giải được độc. Có loài chỉ cần bứt đọt lá, đốt xông vào người đang nằm ngủ hay ngồi trên sàn nhà nếu hít phải hơi độc cũng sẽ làm lâm bệnh rồi chết. Những tri thức dân gian về các loại thuốc Nam, cả những loại cây nhiều độc tố gây hại cho con người trên đại ngàn Trường Sơn người Cơ Tu phân biệt được để có thể dùng cây thuốc Nam một cách hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, cây lá như thế hiệu quả thế nào còn cần sự vào cuộc của ngành y – dược học.

1.3. Cây thuốc amểểr amor  (cây ngải, cây gần gũi, cây trừ tà ma)

Người Cơ Tu không chỉ tại Hòa Vang mà còn tại các huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang đều tin rằng có một loài cây làm cho người khác giới thương yêu nhau. Đó là loài cây amểểr amor. Người ta tin rằng đặt lá cây gần gũi vào áo, quần người con trai hoặc con gái mình trộm yêu trộm nhớ hoặc mới chỉ yêu thích với cảm giác về giới thì người đó bỗng dưng sẽ yêu thương anh ấy, hoặc chị ấy mà không có cách nào khuyên can được. Để hóa giải điều này, trong dân gian người Cơ Tu cho rằng chỉ có cách tìm lá giải ngải thương thì mới trở lại trạng thái ban đầu. [2]

Chuyện như thế chưa có kết luận cụ thể của các ngành khoa học liên quan, nhưng người Cơ Tu không chỉ là tại Tà Lang, Giàn Bí xã Hòa Bắc hay Cơ Tu tại thôn Phú Túc xã Hòa Phú huyện Hòa Vang tin như thế mà toàn thể Cơ Tu tại Quảng Nam, Đà Nẵng đều tin rằng cây amểểr amor (gần gũi) mang đi bỏ cho người khác yêu mình là có thật. Người Kinh miền xuôi gọi đây là cây ngải. Chuyện thực hư thế nào chưa rõ ! Trong tác phẩm P’rá Cơ Tu (Tiếng Cơ Tu), nhà nghiên cứu văn hóa Cơ Tu Bh’riu Liếc kể rằng: “Tại một làng nọ, sau năm 1975, tại thị trấn huyện Hiên (cũ), mẹ chồng lấy thuốc để trong áo quần con dâu và con trai mình, bởi mẹ mong hai đứa yêu thương nhau trọn đời.[3] Nhưng do sơ suất thế nào đó, mẹ chỉ để lá thuốc vào đồ mặc của con trai, quên để lá thuốc vào đồ mặc của con dâu mà cầm theo bên mình, dẫn đến trời xui đất khiến trái với ý bà già, thuốc lại không thể linh ứng với hai đứa trẻ mà ngược lại, làm trái luân thường đạo lý, con ngủ với mẹ. Sau đó phải tìm thuốc giải ngay mới hết. Điều này không hiểu có phải từ cây thuốc đó không, nhưng việc con trai ngủ với mẹ là có thật. Hiện hai người còn sống và người con trai bà già có vợ con đàng hoàng. Sau này mẹ kể nguyên nhân xảy ra như trên do bà quên bỏ lá thuốc vào đồ mặc con trai, nên thuốc không linh ứng với con dâu. Sự việc xảy ra như trên dân làng thông cảm, tha tội, bởi vì người ta cho đây là nguyên nhân khách quan là – do thuốc – chứ không phải chủ quan từ hai người, nên không bị phạt theo luật tục và dân làng giúp đỡ tìm thuốc giải.[4]

Cũng tại thôn P’rao huyện Hiên (cũ) theo lời kể của Nguyễn Thị Xuân Bốn trong bài “Craveh – nal, một làng Cơ Tu điển hình” đăng trong tạp chí nghiên cứu của trường Đại học Sư phạm Đại học Đà Nẵng, lược kể rằng: “Măm 1984, người dân thôn P’rao trồng hom sắn xuống đất rẫy, nhưng hom sắn không nẩy mầm thành cây mà cây hom khô héo. Từ hiện tượng này, người dân thôn P’rao cho rằng làng có một cô gái có chồng nhưng không chịu ăn nằm cùng chồng. Người mẹ chồng hay tin bèn tìm cây ngải thương amểểr amor về đưa cho con trai bỏ vào áo mặc để vợ ăn ngủ với mình. Nhưng sau đó không ngờ do ngải thương (gần gủi) có tác dụng xui khiến mạnh quá chăng mà vận vào hai mẹ con, buộc con ăn nằm với mẹ. Việc như thế là vi phạm ca bu, động đến dàng/ thần linh nên bị thần linh quở phạt thôn/ làng P’rao bèn làm cho mất mùa, dân làng bệnh tật, …”.

Người Cơ Tu tin rằng có một loài cây / con mà khi đi buôn bán, săn bắt trên rừng mang theo trong người cây thuốc ưnang hoặc cây ưnểểr hàng hóa sẽ bán chạy được nhanh. Hoặc đặt cây thuốc này nơi hàng hóa muốn bán nhanh, người mua sờ nhằm cũng sẽ mua cho được bằng mọi giá…Xưa người Cơ Tu tin là thế, nhưng nay họ không còn tin thế nữa.

Sự thực những loài cây / con được người Cơ Tu sử dụng trong quá trình đi săn, chữa bệnh, gặp may mắm, hên xui, … có tác dụng thế nào còn phải chờ kết quả nghiên cứu của các ngành chức năng liên quan. Nhưng hiện tại trong dân gian vùng người Cơ Tu sinh sống họ vẫn tin là thuốc có hiệu nghiệm. [5]

 

Công dụng

Cây thuốc

(bha’lâng z’nươu)

 

Bộ phận sử dụng

 

Cách dùng

Chết người -Mr’nghêê (lá ngón) -Lá -Nhai nuốt
Chết người -bha’muôh -Lá -Nhai nuốt
Chết người -A’uh -Lá -Nhai nuốt
Chết người -Aniir -Lá -Nhai nuốt
Chết người -A đập -Lá -Nhai nuốt
Chết người -Chr’găm -Lá -Nhai nuốt
Chết người -Ch’pơơr -Nhựa đốt xông khói -Đốt cây xông khói, gây đại dịch
Chết chim, thú rừng -Cỏ cr’liêh

c’rắh, xất, mr’lơớc

– Cả cây, lá, rễ -Bôi, trét và dụng cụ đi săn, bắt loài chim nhỏ, thú nhỏ
Ngải thương ưnểểr amor (ngải có  chất kích thích tình dục) -Lá -Bỏ vào áo, quần (bỏ ngải)
Bán hàng gặp may mắn -Con a kếch/cha kếch (loại bọ) – Dùng con đực có sừng -Mang theo người khi đi buôn bán
Bán hang gặp may mắn -Cây ư’ang, ưnêêr -Lá, nhánh -Mang theo người khi đi buôn bán
Làm giàu nhanh, dễ dàng -Bùa zinươu đọ alọ. -Mang theo trong người
Nóng tính (thay đổi tính nết) -Pr’đáo -Lá, nhánh -Uống hoặc thoa vào người
 

Bắt chim, thú rừng

-C’răh -Bắp chuối rừng, hoặc chuối nhà mọc ra giữa thân cây chuối) – Phơi khô mang theo người khi đi sắn bắt
Bắt chim, thú rừng – Xất

– Mr’lơớc

 

-Cả cây

– Mang theo người khi đi săn bắt
 

Bắt chim

Nhựa cây ưloong jil -Nấu thành cao đặc -Trét vào cành cây
Bắt cá Cây achul, atiêng, trhol, chatơn -Cả cây -Giả thành bột rắc xuống suối
Săn bắt thú rừng  

-Cây pui

 

-Cả cây

– Mang theo người khi đi săn
Săn bắt thú rừng -Cây a chụp -Cả cây – Mang theo người khi đi săn bắt
Săn bắt thú rừng -Cây a pặ -Cả cây – Mang theo người khi đi săn bắt
Săn bắt thú rừng loài lớn -Cây pui, achụp, apặ, a’mong -Cả cây -Săn bắt các loài thú lớn
 

 

Săn bắt thú rừng

 

 

-A ngong

 

 

-Cả cây

 

 

– Mang theo người khi đi săn bắt (nằm mơ tốt, gặp bạn bè, người cho (cái gì đó), em bé sơ sinh,…) mới linh nghiệm

Săn bắt thú loài lớn Nhựa cây ch’pơơr -Nấu thành cao đặc -Bôi trét chất độc
Bắt ong rừng Cây zinươu girớ.

 

-Cả cây -Đốt thành khói
Trừ tà ma -Cây ch’hor, zi’rơ, cr’tợ -Mang theo người
Trừ tà ma Cây pr’vih, ư’đăr, cr’đắp -Mang theo người

    

1.4. Đeo bùa tránh bệnh tật

Người Cơ Tu quan niệm rằng có loại ma xấu trở thành hung dữ làm hại con người, [6]do đó phải có bùa để trừ khử được tà ma, không có các loại ma xấu theo chân về nhà mình. Họ dùng hững sợi chỉ màu đen, trắng, đỏ được xe lại thành một sợi đeo (lá) bùa trước ngực. Bùa là những loại cây lá được cho có khả năng xua đuổi được tà ma (ma chết xấu) làm cho con người bị bệnh tật. Trẻ em lại càng cần thiết phải đeo bùa, do nô đùa ngoài đường, đôi khi chạy ra khỏi làng dễ gặp phải tà ma làm hại. [7]

Trong những lần điền dã tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí (thuộc xã Hòa Bắc) và thôn Phú Túc (thuộc xã Hòa Phú) đều thuộc huyện Hòa Vang, chúng tôi gặp loại thuốc Nam bằng cây lá trên rừng, được hái về, băm nhỏ, hoặc xắt thành lát, phơi khô sắc uống sau khi phụ nữ sinh đẻ để được khỏe mạnh, da dẻ hồng hào. [8] Những loại cây có tác dụng chữa một số bệnh khác thông thường, hoặc loại cây có độc tố, người Cơ Tu huyện Hòa Vang, thảng vẫn còn sử dụng, nhưng ít. Phần nhiều các nghệ nhân bứt lá không quan tâm đến và cũng không cố công tìm kiếm trên rừng những loại cây có chất độc để tạo thành thang thuốc độc mà xưa kia ông cha họ thường sử dụng. Hiện tại cây ngải tại thôn Tà Lang, và thôn Giàn Bí xã Hòa Bắc, các cụ già hay các vị trung niên còn biết đến tác dụng của nó, nhưng để sử dụng loại cây này, biết được tác dụng của cây chỉ những người già mới am hiểu hết và họ không còn sử dụng vì cho rằng “xấu xa” khi phải sử dụng đến nó. [9]

2. Tri thức về dự báo thời tiết

Sản xuất nông nghiệp luôn gắn liền với thời tiết, đôi khi lệ thuộc vào thời tiết trong quá trình thực hiện lịch thời vụ. Nắng, mưa, gió, bão, lũ quét đối với vùng núi là quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển kinh tế và sự sinh tồn của con người. Trong vùng khí hậu nhiệt dới gió mùa, mưa nắng hai mùa rõ rệt, con người dựa vào sự biến đổi của tự nhiên trong những trường hợp nhất định về sự thay đổi của thời tiết trong vùng, để phán đoán và đưa ra những dự báo thích hợp về sự đổi thay thời tiết, phục vụ con người được tốt hơn trong quá trình vươn lên trong cuộc sống cộng đồng và cá nhân mỗi người.

Những dự báo thời tiết của người Cơ Tu các thôn Tà Lang, Giàn Bí và thôn Hòa Phú đã phần nào có sự giao thoa tiếp biến với dự báo thời tiết của người Kinh Hòa Vang. Trong những lần điền dã khảo sát thực tế, chúng tôi không/chưa tìm thấy những dự báo thời tiết được cô đúc bằng tục ngữ hay thành ngữ – một đoãn ngữ – để đưa ra thông báo về dự báo, phòng tránh các hiện tượng tự nhiên tác động đến đời sống con người.

– Mùa hè khô hạn nhìn về phương đông mặt trời mọc lên tạo nên những quầng sáng như lửa cháy, dự báo năm đó sẽ có bão lớn.
– Mùa hè khô hạn nhìn về phương tây mặt trời lặn xuống tạo nên những quầng sáng như lửa cháy tia ra như rẻ quạt, dự báo năm đó sẽ có lụt lớn.
– Mùa khô nắng bỗng dưng cây đa đâm ra những sợi rễ non xòe ra màu trắng, năm đó thế nào cũng có lụt.
– Ong vò vẻ làm tổ trên cao là có lụt
Ong vò vẻ làm tổ nơi thấp là có bão.
– Nhìn cây đu đủ trong vườn là đang xanh lá bỗng có vài lá úa vàng, dự báo trời không chuyển mưa cũng chuyển nắng.
– Mùa khô hạn, mặt trời mọc lên sáng đỏ một vùng trời hướng nam, tia nắng gay gắt thế nào cũng có gió nam phơn. [10]

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe


[1] Phần tri thức dân gian về cây thuốc Nam, chúng tôi sử dụng lại trong tác phẩm: Bảo tồn văn hóa dân gian Cơ Tu huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng, 2019. Có bổ sung vào danh mục các loại thuốc cây lá (thuốc Nam).

[2] Người Kinh có ngạn ngữ Ngậm ngải tìm vàng, thời xa xưa, nói đến việc bỏ ngải/thư ở vùng cao, người Kinh thật sự có sợ hãi !? Nhất là giới thương lái thường xuyên buôn bán, giao lưu với người vùng cao. Họ càng sợ hơn !

[3] Do ép gả nên cô vợ không ưng chồng, mẹ phải dùng đến thuốc để hai đứa yêu nhau thành vợ thành chồng (Bh’riu Liếc chú thích).

[4] Xem: Bh’riu Liếc (2019), P’rá Cơ Tu, NXB Hội Nhà Văn, tr. 342.

[5] Trong dân gian người Quảng cũng có sử dụng loại cây được cho là báo hiệu một điều gì đó cần kiêng cữ, như ngọn cây dứa cắm trên nhành tre trước ngõ, ngọn chúc xuống đất, được báo hiệu rằng trong nhà có người sinh đẻ. Nên cữ không vào. Hoặc người ta treo nhánh xưng rồng không gai dưới mái hiên nhà trên, thân lá màu sanh sậm, nhiều mủ màu trăng sữa, làm thế tin rằng sẽ trừ khử phong long, những điều xui xẻo (cả loại phong long tử-phong long tử được cho rằng những người sẩy thai ngoài ý muốn, họ mắc phong long ít nhất trong 3 tháng 10 ngày mới hết). Nay, thảng vẫn còn thấy người ta treo dưới mái hiên nhà. Hoặc cắm một cây trường sinh (loại cây lá nhỏ, thân đơn nhiều lóng), rễ sống được trong nước lã) nơi bàn thờ trong nhà, hễ lá cây tự dưng trở màu từ màu xanh sang màu vàng, được cho rằng nhà mắc phong long. ?

[6] Về hình thức này, người Kinh Quảng Nam, Đà Nẵng vùng xuôi trước đây có trẻ em đeo bùa đến 12 tuổi, đối với những trẻ mà cha mẹ chúng cho là ‘khó nuôi’.

[7] Dân gian vùng Hòa Vang cho rằng mang theo vỏ rắn lục (vỏ lấy được khi con rắn đang lột vỏ) trong túi áo, được cho rằng sẽ hên khi đánh bạc ăn tiền.

[8] Tư liệu điền dã tháng 5/2018: bà Nguyễn Thị Chọn, tại thôn Giàn Bí có bài thuốc Nam, dùng sắc uống sau sinh con. Bà vẫn thường vào rừng bứt lá thuốc Nam, phục vụ nhu cầu bà con trong làng.

Tư liệu điền dã tháng 6/2019: bà Lê Thị Nghiêng, 60 tuổi tại thôn Phú Túc có bài thuốc bằng cây lá rừng, trị bệnh khí hư ở phụ nữ và bài thuốc dành cho phụ nữ uống sau sinh đẻ, sức khỏe mau hồi phục. Hiện nay bà vẫn bứt lá phục vụ bà con, giữ tri thức Đông y cổ truyền.

[9] Tư liệu điền dã tháng 5/2018 tại thôn Tà Lang, Giàn Bí xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

[10] Dân gian quen gọi gió Lào, do gió thổi từ phía Lào qua. Những tri thức dân gian về dự báo thời tiết sưu tầm được tại Hòa Bắc, Hòa Phú có sự tương quan với tri thức dự báo thời tiết vùng nông nghiệp miền xuôi Hòa Vang.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây