Tác giả Chu Cẩm Phong

Chu Cẩm Phong

CHU CẨM PHONG

(1941-1971)

Tên thật: Trần Tiến
Sinh ngày 12 tháng Tám 1941
Quê quán: phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Năm 1954 theo cha tập kết ra Bắc, học tại các trường học sinh miền Nam.
Năm 1964, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngành Văn học – khoa Ngữ văn. Cuối năm 1964 vào Khu 5 làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng khu Trung Trung bộ rồi về công tác tại Tiểu ban Văn nghệ – Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy 5.
Hy sinh ngày 01 tháng Năm 1971 tại thôn Vinh Cường, xã Xuyên Phú (nay là xã Duy Tân), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam
Tháng 4/2010 được Chủ tịch Nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tác phẩm chính:
Mặt biển, mặt trận (truyện ký); Rét tháng Giêng (truyện và ký); Nhật ký chiến tranh.
Giải thưởng:
Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

image 6483441 1 - Tác giả Chu Cẩm Phong

 

NHẬT KÝ CHIẾN TRANH

(Trích)

Chủ nhật 19/1/1969
Lê Thị Tín mập mạp, tròn trịa, tràn trề sức sống mãnh liệt, sôi nổi của cái tuổi 20. Mặt tròn, lúc nào cũng ửng lên màu hồng, nhìn kỹ mới thấy những nốt tàn nhang phơn phớt, lấm tấm. Mắt long lanh, luôn luôn ẩn một nụ cười mỉm vừa e thẹn vừa như sung sướng. Tín không đẹp nhưng rất có duyên, rất mặn mà làm cho người ta ưa nhìn một cách đứng đắn, nồng nàn. Cách ăn mặc, sửa soạn hơi chải chuốt, nhưng là một sự chải chuốt kín đáo. Chiếc áo xanh và chiếc áo lót màu trắng may khít thân hình gọn lẳn, tóc lúc nào cũng gọn gàng suôn sẻ. Tín đang yêu và được yêu. Người yêu là Hai Thơ, một chiến sĩ của công trường 1, bị thương ở mắt phải, trở về sau khi dự một lớp sư phạm, giờ dạy cấp I trong thôn.
Tín là chiến sĩ gang thép trong phong trào đấu tranh chính trị.
Cha Tín bị Mỹ bắn toác óc trong trận càn dã man nhất ở xã này. Giờ hai chị em Tín ở với bà nội (đã 83 tuổi). Xi (Hiền) em Tín 15 tuổi, một cô gái rất tốt, rất e thẹn. Nhà có khách, dù người khách đó là Hai Thơ, anh rể của Xi, cô ta cũng không bao giờ dám ngồi ăn. Chiều hôm qua có mình và Quý ăn cơm với gia đình, em đi chợ về, nấu cơm nước xong, em cầm mác đi chặt thông, tìm cách lẩn đi. Gọi mấy em cũng chỉ cười không chịu về. Thấy nhà ăn xong là trở về bưng chén bát đi rửa… Tín ngày xưa cũng giống như Xi bây giờ vậy, nhưng bây giờ Tín mạnh dạn, đặc biệt là đứng trước kẻ thù Tín kiên cường… và thông minh vô cùng (xem ghi chép những mẩu chuyện đấu tranh của Tín. Chú ý mấy mẩu: đốt nhà cứu 20 thanh niên du kích, đi bán cỏ khô rải truyền đơn, đấu tranh trong tù).
Vừa nghe bọn mình về thôn, thím Hiệu đi giã nếp, cà đậu xanh chuẩn bị. Bọn mình vừa đến nhà chơi, thím không chịu kể chuyện gì hết, lo đi nấu xôi, ăn xong mới ngồi chuyện trò. Thím tóc đã bạc, rất đẹp lão. Có lẽ ngày xưa thím đẹp lắm. Ăn nói điềm đạm, từ tốn không chút khoe khoang. Chồng thím mới gặp tưởng lầm lì ít nói, nhưng nói chuyên lâu mới biết đó là một người ngang tàng, cương ngạnh. Cặp mắt chú hơi buồn, lúc nào cũng có dáng suy nghĩ về một việc gì đó. Con mắt phải hơi sụp xuống thành một tam giác. Chú trước đó là một đảng viên, bị tù thời Mỹ Diệm. Chúng quây số người bị bắt trong dây thép gai, không cho những người không chịu học tố cộng đi đái, đi i… ban đêm. Cũng chẳng làm gì được chú. Chú rất ranh mãnh, chú nói: Cấm làm răng được cái con c…, cái nòi đất cát tau cứ móc lên đái xuống lấp lại. Chỉ thương cho mấy người thiệt thà, nhịn đái suốt đêm, tau đi bốn lần.
Hồi đó có một thằng cảnh sát trong làng, cùng tộc nhưng rất ác ôn, nó hỏi chú có mua ruộng không, chú không có tiền, nhưng muốn đi lại với thằng này để chửi móc hông chơi, nên đã cố vay mượn mua. Thằng này mỗi lần đi đâu về, hay tới ngày lễ nọ kia, hắn bắt những người “liên can” phải đem lễ lộc tới. Chú chẳng bao giờ làm việc đó.
– Mình có tội chi mô mà phải luồn cúi. Có tội lạy cũng chẳng tha, không tội có trổ c… chửi cha cũng chẳng làm gì.
Vừa rồi, chú đi ở tù 14 tháng trong tỉnh Quảng Tín, thím ở nhà vẫn bảo đảm làm đủ mọi việc như có chú ở nhà. Không có công việc nào của người đàn ông làm nông mà thím không làm được (nhà trước cũng đi nghề, nhưng hiện nay hoàn toàn không đi được). Một mình làm nuôi con vẫn thanh toán quỹ nuôi quân nhanh chóng. Nuôi được một heo, định sẽ chờ ngày chú đi tù về sẽ ăn mừng và bán chạy chữa, sắm sửa cho chú. Nhưng sau thím đã đem con heo đó hiến cho cách mạng. Thím nghĩ, mình làm gì cũng vì cách mạng cả, cách mạng đang cần.
Đứa con đi bộ đội. Đứa lớn tên là Phong là thương binh, giờ về gia đình tham gia công tác địa phương, làm cán bộ thanh niên thôn.
Tình cảm của thím đối với anh em bộ đội, thương binh là tình cảm một người mẹ. Có lần thím nói với anh em bộ đội miền Bắc:
– Các con đừng buồn, ở ngoài Bắc có cha mẹ ngoài Bắc, chừ vào Nam có cha mẹ trong Nam, đâu cũng là nhà…
Nhiều lần nhà thím nuôi thương binh, nuôi người 4-5 tháng trường, lo từng miếng ăn, biết từng sở thích. Có lần đồng chí thương binh đi vào thôn 5 chơi không về ăn trưa, thím hoảng, xách nón đi hỏi thăm cùng, từ thôn này qua thôn khác. Thím nói: “Hắn cũng không phải của riêng cha mẹ hắn, cũng không riêng gì của mình, con của Đảng, Đảng giao cho mình nuôi nấng, lỡ có chuyện chi phải thiệt cho Đảng không”. Từ đó đồng chí thương binh mỗi lần đi đâu phải xin phép thím cẩn thận. Sau một đợt nuôi dưỡng thương binh, các đồng chí ra đi, thím sắm sửa chu tất như lo cho đứa con mình đi tòng quân: may áo quần, sắm võng, ống lương khô, quà về cho anh em đơn vị… Lần đó có mẹ chị may sắm cho một đồng chí thương binh bộ áo quần, chẳng may bị ngắn một tí. Nhìn thấy vậy thím thương lắm, lẳng lặng đi may bộ khác, đưa cho đồng chí thương binh: “Bộ áo quần đó con đem về trên đó mà đổi gà ăn hoặc cho anh em nào thiếu”.
Sau trận đánh ở Bình Đào, nghe tin có một đồng chí bộ đội thím quen biết hy sinh, thím xách giỏ giả đi cắt cỏ sang xã khác đi tìm mộ, đi miết từ sáng sớm cho tới khuya.
Lần đó cả nhà đang ăn cơm, đồng chí thương binh đang ngồi ăn và nghe đài dưới bếp, tàu gáo đến đột ngột, hạ xuống bãi. Thím dẫn cả nhà ra vừa bưng chén và cơm, vừa nhìn tàu gáo để che cho đồng chí thương binh. Ai ngờ lúc đó có xe bọc thép từ phía sau xông vào phát hiện đồng chí thương binh xách đài chạy vào hầm. Chúng bủa tới vây kín hai miệng hầm, rút chốt lựu đạn. Thím xông tới giựt lựu đạn, lắc đầu ra hiệu… Thằng Mỹ một mực không chịu. Thằng thông ngôn hỏi:
– Nếu bọn tôi xuống có Việt cộng thì bà chịu gì?
– Cổ tôi đây các người chặt, nhà cửa của cải đốt hết, gia đình tôi các ông giết hết.
Thím bảo mấy đứa nhỏ lén đi sang các nhà khác. Thím nghĩ: Thà một mình mình chết để các con sống, tội nghiệp.
Thím biết cách phân hóa họ để tranh thủ. Tụi ngụy ví( ) bắt gà, thím lựa thằng hiền hơn cả nói:
– Mua đắt mua rẻ chi mua ăn chứ đừng ăn cướp của dân.
Tụi nó ví bắt phụ nữ, thím nói:
– Muốn gì phải nói một tiếng xin…
– Ừ thì xin.
– Nói chuyện dễ, phải cưới hỏi đàng hoàng chớ có phải cá ở giữa chợ đâu.
Thế là mấy thằng biết điều hơn ngăn mấy thằng hung dữ lại.
Bọn ngụy đi càn thấy mấy anh em mình chạy, chúng giương súng bắn, thím ra ngăn lại, giật súng, sốt sắng:
– Khoan đã, để coi thử phải anh em mình không, bắn lộn chết rồi lại bảo ở đây có Cộng sản.
Anh em mình thoát được.
Đi đấu tranh chính trị thím cũng nghiện như nghiện trầu vậy. Vì chú bị địch bắt tù không ai ở nhà đi làm, cán bộ không cho thím đi, thím đến kèo nài: “Tôi ức đi quá, các chú à, cứ cho tôi đi”. Lần đó thím bị bắt thiệt. Vào tù chúng không cho ăn, còn 80 đồng trong túi, thím bỏ ra mua gạo nấu cháo cho 25 người ăn. Ba lon gạo cháo múc ra được 19 chén, mỗi chén một vá, thiếu 6 chén, thím thương anh em quá.

*
Hơn nửa năm nay bọn Mỹ phong tỏa bờ biển rất gắt gao; tàu đoan, bo bo (đồng bào gọi là jíp) bắn quá, tàu gáo xúc hốt. Dân không làm biển được, chuyển sang trồng khoai, làm củi dương gánh đi Hương An bán. Dương bị bom đạn phá nhiều, chỉ còn lòi còi dương nhỏ.
– Dân sống nhờ bọt nước mà không có lưới ghe thì làm ăn cách răng. Có nhiều nhà cố sắm lại, sắm năm lần bị đốt cả năm, giờ mất sạch bách 60 chiếc. Mỗi chiếc 50.000 đồng. Đốt 300 tay lưới (5.000đ/tay).
Thứ Hai 21/1/1969
Bà Bân giả xâm muối đậy cát để đánh lạc hướng, cứu anh em dưới công sự. Chúng đến bắt mạch, bà quẫy vùng không cho chúng khám, cuối cùng thằng thầy thuốc phải nhận để cho bọn Mỹ phải khiêng đi đặt lên một tấm băng, chúng chuẩn bị đưa lên trực thăng, bà nhảy xuống cát.
Một đoạn đối đáp ở quận.
– Đây toàn là Cộng sản hết – Tụi ác ôn nói.
– Không có Cộng sản nào hết, chỉ có “dân sảng” thôi. Các ông bắn pháo xuống làng, bắn phá lưới ghe, làm cho dân sảng thì có – Bà Bân nói.
– Tao nói đem bom nguyên tử xuống thả 6 xã dưới chết hết.
– Chú nói rứa lấy đâu ra con cá bằng bắp chân, lấy đâu ra con mực bằng cái tràng cho các chú ăn?
Bà Chiến, bà Quyền đều có con là thương binh về nhà ở. Bà Chiến có con đặt tên Chiến, Sĩ, Nông, Nghiệp. Chồng mới bị HU1A bắn chết.
Bà Toan có hai đời chồng. Đời trước có được một đứa con gái và hai đứa con trai. Đời sau là ông A. Ông này cũng có một đời vợ và mấy đứa con. Ông A đi nghề ngoài biển bị giặc bắt đưa ra Sơn Trà mới về tối hôm qua. Hai người lấy nhau có một đứa con chung còn nhỏ. Bà đi đấu tranh chính trị bị địch đánh, cánh tay phải giờ bị tật, bàn tay không nắm chặt được và các ngón không duỗi thẳng ra được. Nhưng bà làm ngày làm đêm không chịu thua một ai, ngay cả một người đàn ông. Ông A đi biển khó khăn, bà lo trồng khoai, sản xuất. Đất chỉ có một mảnh trước nhà, giờ mưa nước ngập, khoai mới trồng rụi hết. Nhà bà là một cái “cum cum” ở “tiền duyên” của thôn, rất trống, sát cái trảng cát chạy vào Bình Đào. Hai mẹ con ở riêng đó (ông A ở với sắp con ở trong xóm). Cái hơn người của bà là cái chí quyết tâm, cái ý thức tìm tòi, cải tiến công việc làm ăn. Hồi kháng chiến trước bà phá cả kiêng cữ, đi ghe nghề ra biển làm như một người đàn ông. Giờ bà trồng khoai còn giỏi hơn người khác. Cùng một giống khoai mua về, làm ăn như nhau mà đám khoai nhà ông bên cạnh không ra gì, còn của bà rất trúng, ông bạn láng giềng phải sang học. Bà nói năng như đàn ông, sang sảng, lúc nào khoái chí cất tiếng cười ha hả đến chảy nước mắt.
Buổi tối bà bảo Tín và Năm dẫn bọn mình đến chơi, bà bắt gà làm thịt, rồi ngồi kể:
– Tôi bị tật như vậy đó, không làm không được, tôi nghĩ vậy đó, muốn thằng Mỹ về phải làm, chừ làm chi cho tôi cũng không tiếc. Chỉ tiếc thằng con trai. Chừ tôi không có đứa con nào nối dõi. Thằng đi bộ đội hy sinh đã đành, mình mất đi đứa con, dân cũng mất đi đứa con, Chính phủ, Đảng mất một người lính. Bà mẹ mô cũng vậy. Có tiếc là tiếc thằng sau. Hắn tám, chín tuổi, đẹp như bức tranh vẽ. Sau trận càn, lượm được trái lựu đạn, cầm mấy ngày không răng, tới bữa đó thì nổ chết.
– Thời bữa nay khó khăn quá, cũng như con cá vậy, nước lớn con cá dễ, nước cạn con cá khó, phải sống trong ao, trong hục. Biển giờ thì nó bắn phá, mình phải làm cách khác mà sinh sống, đóng góp.
Buổi tối tham gia sinh hoạt với thanh niên thôn.
Nhà Sáu Kha cũng tội, chỉ có cái lều nhỏ, mà chứa cả 4 người, hai đứa mình và hai cậu thương binh của huyện.

Thứ Ba 21/1/1969
Mới mở mắt ra, tàu ngoài biển đã bắn phá, đại liên và cối 81 bắn dộng vào bờ từ phía bắc vào dần, đạn bay qua vùn vụt. Bắn chết một em thiếu niên trong thúng, bắt 24 người khác (trung niên và thiếu niên). Buổi trưa mình và Quý đi ra vùng 20, vùng biển. Cùng trong một thôn, nhưng vùng này xơ xác tất cả. Dương liễu bị gãy vàng, trông chói mắt. Ngay cái “cum cum” ở đây cũng rất ít. Chỉ có những sườn cum cum và vài tấm rạ thưa. Nhiều gia đình không có mái che nắng, tất cả đều sinh hoạt ngoài trời, dưới nắng, ngồi ăn cơm, ngồi chụm lửa, ngồi khâu vá đều phải đội nón. Ban đêm người ta mới ném lên cái sườn nhỏ bé đó hai, ba tấm tranh để che sương. Những cái cum cum khác cũng chỉ rộng hai, ba mét vuông, đủ để một mâm cơm, còn vợ chồng con cái đều phải phơi lưng dưới nắng, còn nếu trời mưa, thì ngay cái mâm cơm đó cũng không khỏi bị ướt. Nắng, cát, chỉ có hai thứ đó ở đây là thừa thãi. Cái màu sắc có ấn tượng mạnh mẽ nhất là màu đen của than. Đứng dựa vào cái sườn lều, áo sẽ lấm đen hết! Ngay một vài tấm ván ít ỏi đó cũng cháy đen, nhăn nhúm, lõm sâu xuống gồ ghề, quần lấm sạch cả rồi. Trên bãi cát gọi là xóm, là làng đó lỏng chỏng những cột dương cháy đen, những đòn tay chênh vênh cũng chỉ màu than. Lá dương liễu ở đây cũng không đủ chụm. Đây đó trên bãi cát người ta phơi củi dương, chuẩn bị đem đi Hương An bán.
Trận càn ác liệt nhất tháng 11 vừa rồi, bọn kỵ binh thiết giáp Mỹ đã qua đây đốt không còn một cái gì và giết, và đánh, và hiếp dâm. Từ ngày đó đến nay, không ngày nào là không có tàu gáo hoạt động, chúng ném quả lân tinh xuống các “cum cum”, phóng rốc két, phóng lựu đạn. Nhà anh Thảo đã cháy ba lần, và con heo nái chết, để lại bầy heo con mới đẻ.
*
Chiếc tàu chiến đậu ở ngoài cùng thấy rõ nòng pháo, hắn đang bắn pháo 255 ly vào bờ theo chỉ điểm của chiếc trinh sát L19. Gần hơn một tí nữa là chiếc tàu đoan chạy lừ đừ. Và gần sát bờ có hai chiếc bo bo chạy rất ba nhe, rạch nước.
Tuy vậy người ta vẫn tranh thủ làm biển, thả lưới và xúc ruốc. Hôm nay được rất nhiều ruốc.
*
Dưới cái lều thấp lè tè che bằng giấy các tông, nóng hừng hực, mình phải ngồi lom khom chứ không ngồi thẳng được, chống tay cho đỡ mỏi. Mấy tấm giấy dầu tháo ra từ cái bao hàng không đủ che ánh nắng buổi chiều. Lều rộng không đầy một mét vuông. Phía sau lều là bờ ấp chiến đấu, ra một tí nữa là biển.
Chúng mình ngồi như vậy nói chuyện với chị Thiết, chị Lai, lấy tài liệu về khởi nghĩa và một số chuyện đấu tranh trong tù của đội ngũ. Câu chuyện luôn ngắt quãng vì những tràng đại liên và tiếng rao rất bần tiện của bọn chiêu hồi dưới bo bo.
Chị Thiết năm nay 37 tuổi, gầy mảnh. Hai vợ chồng mới cưới nhau thì chồng đi tập kết. Chồng ra ngoài đó nghe đâu có vợ khác. Chị vẫn ở vậy không lấy ai. Chị hơi ít nói và có vẻ nghiêm, những người như chị nói chắc và đã nói là làm.
*
Ông già nhà mình ở – ông Đụng – là một người lanh lợi trong nghề làm biển.
Ông cao lớn nhưng không phục phịch, nhanh nhẹn, da bóng. Cười nói ào ào với giọng khàn khàn. Mặt lúc nào cũng đỏ và mắt lúc nào cũng dữ tợn. Ông uống rượu như uống nước lã và nhai trầu như đàn bà. Rất hay nói hoang một cách hiền lành. Ông đối xử với con cái thiệt lạ, chiều nay mua rượu về, ông mời mình uống, vợ uống, mời cả bốn đứa con uống – từ đứa 15 tuổi đến đứa bé mới biết đứng chựng. Thiệt lạ lùng, cả nhà đều uống rượu được. Ông luôn miệng nhắc: uống đi con, uống đi con.
Ngày hôm nay ông đánh được cá, bán được 3.000 đồng. Nhiều cá thu to bằng bắp tay. Nay mình được chén một bữa cá.
*
Vùng này ác liệt hơn, nhưng cũng sôi nổi hơn, vui hơn. Có điều là hơi ít tiếng hát. Người ta chăm chú làm ăn nhiều và coi thường những bom đạn. Lúc tàu gáo, ca nông, cối, tàu rà, làng vắng tanh, chỉ còn những mái tranh, những cột khói và bãi cát lặng. Dứt tiếng súng, người lớn và cả trẻ nít nữa từ dưới đất lên, và người ta ùa ra bờ ấp chiến đấu, ùa ra biển. Còn trẻ con thì lăn ra đất đùa nghịch.
Buổi tối gặp gỡ những người xuất sắc trong đấu tranh chính trị, bà Lai, bà Tham, bà Sen, chị Thiết, chị Lại, ông Miên, ông Tỵ, anh Tiếp…

Thứ Tư 22/1/1969
Sản xuất là chiến đấu. Mặt biển là mặt trận ác liệt vô cùng.
Từ khuya, ông Đụng đã dậy, ông ra coi sau cây dừa rồi dậy hẳn đi tìm đá chuẩn bị đi biển. Ông kêu vợ:
– Mụ ơi, mụ ơi. Mi ơi, mi ơi… Hai ơi, Hai ơi (bà vợ hai của ông).
Bà vợ dậy nấu cơm. Mình cũng dậy hẳn ra biển coi làm nghề.
Bờ biển dày sương mù. Còn sớm lắm. Ánh sáng lờ mờ. Sóng vỗ vào bờ màu đen sẫm. Cát ướt lạnh sương đêm.
Mặc dầu hôm qua địch bắn phá như vậy, bắt người và giết người, nhưng hôm nay vẫn ra biển rất đông. Không có thuyền, chỉ toàn thúng chai. Hình như tất cả thúng còn lại trong vùng đều ra biển cả. Thúng dàn thành hàng ngang tràn ra biển. Sóng dội lên nhấp nhô lềnh bềnh như những chiếc phao đen của một cái lưới dài. Chưa kịp bủa lưới, người ta đã phát hiện ra có tàu đoan của Mỹ. Tất cả đều quay vào, thúng trượt lên đầu của sóng ùa vào bãi cát. Tàu Mỹ bắt đầu bắn phá vùng dưới. Đạn đại liên 30 phụt ra đỏ lừ từng chuỗi dài bay vun vút vào làng. Chúng bắn sát mặt nước. Đạn miết qua đầu sóng rồi bay tung lên. Có những đốm lửa bay cao lên khỏi ngọn dương. Súng nổ như người ta đang thổ vào cái thùng gì rất quái lạ, rất dữ.
Súng im. Chiếc tàu đen trũi, chậm chạp, lén lút đi vào phía nam.
Mọi người lại ùa ra biển kéo thúng.
Cách thức làm ăn ở đây là thế này, một tốp đang đi biển, một bộ phận khác đứng trên bờ chiến đấu theo dõi tình hình địch: tàu chiến và tàu gáo. Nếu là ban ngày, có mấy tay súng của du kích thôn nằm trong bờ chiến đấu yểm trợ. Khi nào tụi bo bo lấy lưới thì bắn ra để giải vây.
Biển vẫn mù mịt. Cù lao Chàm, Hòn Ông mất biến trong lớp mù.
Ông Đụng ra xa nhất, chiếc thúng chai chỉ còn trong chấm đen ẩn hiện.
Trong lúc toán cảnh giới theo dõi chiếc tàu bắn đạn chạy dần vào nam thì một chiếc khác im hơi lặng tiếng nằm rình sau lớp mù. Chúng quỷ quyệt chờ thúng vào tầm đạn. Chúng rúc còi.
Ông Đụng nghe tiếng rúc còi chiêu hồi (lệnh dừng lại) của giặc thì quay thúng vô bờ. Chúng kêu, chúng hú. Và một thoáng sau, chúng xả đại liên sát mặt nước. Ông Đụng bỏ thúng nhào xuống. Đạn bắn tưới vào bờ rít qua đầu, cắm xuống bờ ấp chiến đấu. Các thúng chai cố trượt vào bờ, nhiều người bỏ thúng. Súng nổ ran. Chúng bắn tiếp cối 81 nổ inh tai.
Bà Đụng ngồi trong hầm nguyền rủa tụi giặc, rồi tức mình chuyển sang đay nghiến chồng.
– Ai biểu, hôm qua bắn chưa kinh, còn đi. Đánh cá là đánh giặc cả ngày, cả đời chớ có phải đánh một bữa đâu mà đi sớm rứa.
– Chắc chắn bắt cậu tôi rồi. – Thằng Nhứt, đứa con lớn, than gần như khóc. Mọi người không nói ra, đều nghĩ vậy.
Mười phút sau, làn đạn chuyển dần vào trong. Mọi người từ dưới hầm chui lên đứng cả trên bờ chiến đấu. Đạn vẫn bắn phía dưới không bao xa. Từ dưới biển đã có những bóng người chạy lên, ướt sũng, dáng chạy mệt mỏi. Ngoài biển bồng bềnh những chiếc thúng chai trôi. Mặt biển sau một trận oanh tạc trông buồn lạ. Người ta nghĩ đến 24 người bị bắt hôm qua, nghĩ đến em bé hôm qua trúng đạn, nằm chết trong thúng chai.
– A, lão Đụng kìa. – Một người kêu lên, tất cả đều reo.
Từ bậc biển tít phía ngoài có một dáng người đi lại, cao lớn, lắc lư. Thằng Nhứt chạy ra phía đó.
Ông già Tỵ đứng trên bờ ấp hét lên ra lệnh, đúng là một người chỉ huy cao tuổi.
– Hai đứa nào bơi ra vớt thúng. – Râu ông rung, tiếng sang sảng.
Hai người nhảy lên một chiếc thúng bơi ra hướng cái thúng chai trước mặt. Thằng Nhứt nhào xuống biển, mất hẳn trong con sóng già đã thấy màu bạc trắng. Một thoáng sau chỉ thấy cái đầu đen của hắn nhấp nhô trên mặt biển như một hạt đậu. Hắn đang bơi ra cái thúng chai. Thằng bé 15 tuổi bơi khỏe lạ lùng. Chiếc thúng bị đẩy ra xa tít mù tắp. Còn thằng Nhứt không còn nhìn thấy nữa. Một lúc sau, chiếc thúng lắc lư, rồi nghiêng hẳn, bóng thằng Nhứt đứng trên thúng như một cây tăm.
– Chừ thì ra vớt lưới đi! – Ông Tỵ lại ra lệnh.
Một ông còn trẻ, nhưng đã để bộ râu quai nón dài, đen như hắc ín, đứng lại còn lưỡng lự, anh ta quay lại nhìn chiếc tàu giặc còn đang bắn đạn lửa phía vùng dưới, dáng băn khoăn.
– Thì cứ đi gỡ lưới đi.
Anh ta vẫn chưa hết rụt rè, dáng đi ép buộc. Anh còn nhìn lại phía chiếc tàu một lần nữa rồi mới mỉm cười khổ sở đi. Nhưng ra đến nửa biển thì anh ta chạy vụt đến cái thúng nhảy lên, nhanh nhẹn, dứt khoát.
– Lão giỏi lắm, lão giỏi lắm! – Mọi người khen ngợi khi ông Đụng bước lên bờ chiến đấu.
– Tao cứ đề( ) lão mi bị bắt rồi, hoặc “héo” rồi.
Ông Đụng nhăn hàm răng đen, cười toét miệng, bộ ngực ướt đẫm nước. Ông chìa tay về phía vợ. Bà vợ biết ý, nhét vào tay chồng một miếng trầu và một miếng vỏ chay. Ông bỏ vào miệng nhai rau ráu ngon lành.
– Tôi đã bảo sáng nay đừng có đi. – Bà Đụng cằn nhằn.
– Đừng đi để ở nhà ngủ với mụ hả? – Ông cười, mọi người cười.
Ông vừa nhai trầu vừa kể:
– Nghe tiếng còi rúc, tôi đã thấy hắn trước mặt, đã bơi ngay vào. Hắn kêu đứng lại, tôi cứ bơi. Hắn nổ hai phát súng cacbin, tôi biết hắn bắn dọa để bắt mình, tôi cố bơi tới khi thấy đạn đó sát mặt nước thì tôi choài người khỏi thúng. Hắn bắn rát quá tôi lặn xuống. Đạn đi trên nước nóng sôi da lưng. Nhờ tôi lặn…
– Bữa sau có vậy đừng có bơi, thà để hắn bắt hắn thả về, chứ không thì chết. – Bà Đụng nói.
– Chớ nói dại, hắn bắt lấy ai ở với bà.
Ông cúi bước vào lều, với tay lấy chai rượu uống một hơi. Rồi lại quay ra biển. Thằng Nhứt đã kéo thúng chai vào bờ. Thúng chai bị ba viên đạn đại liên khoét ba lỗ.
Lúc này đã sáng hẳn, cù lao Chàm đã hiện ra xanh như nước biển. Mặt trời đã ló khỏi đám mây dày.
Người ta vừa kéo lưới vào thì chiếc tàu đoan lại ra. Chúng lại bắn dọc bờ, lủng mấy chiếc thúng. Ông Đụng được 10 con cá thu, một con cá bẹ, mấy con cá hố, cá rựa.
Chiếc tàu vừa đi qua, người ta lại nhảy lên thúng chai. Cái thúng hư vác vào bờ, có người lại chuẩn bị dặm. Thúng chai và người ra đến biển.
Cả ngày, nhiều lần chiếc bo bo thả trôi (mất mấy chữ…)( ) hoặc đọc lệnh cấm biển. Hai thằng nói, một thằng nói giọng (mất mấy chữ)… tiếng Nam bộ, cả hai đều nói gằn gằn, rất xấc láo:
“Vùng biển này cấm. Không được một ai đi lại (mất mấy chữ)… Đồng bào phải dời đi chỗ khác. Nếu liều lĩnh, quân đội sẽ (mất mấy chữ)…
Hoặc:
“Cộng sản hiếu chiến, đang dốc sức vào trận đánh. Quân đội đồng minh và quốc gia đang siết chặt vòng vây. Mau mau về qui chánh. Còn không sẽ chết oan uổng”.
Dân chửi lại:
– Lại kêu dọn nhà về tập trung đó, lạ chi!
– Du kích đâu, trám miệng nó vài phát, bay!
*
Buổi sáng gặp nói chuyện với anh Tiếp và anh Thảo, lấy một số tài liệu về tội ác của giặc, về bám biển sản xuất, về đóng góp nuôi quân…
Anh Phạm Tiếp làm tổ trưởng tổ sản xuất, giờ anh trở thành bất hợp pháp. Để động viên bà con trong tổ thanh toán quỹ nuôi quân, anh thách: nếu cả tổ thanh toán nhanh anh xung phong lên 10 ang nữa. Từ 80 ang, anh xung phong 90 ang, rồi lên 100. Mỗi bữa tổ anh đáng lẽ ăn 6 lon, anh bớt lại 1 lon. Anh bảo với mọi người: mình có cá, để gạo nuôi anh em bộ đội.
Anh người hiền lành, rất vui tính.
*
Bà Lai phát hiện ra địch phục kích, (nghe hắn quay điện gọi: chúng tôi tới đây rồi), xông vào chỗ địch, chúng hỏi.
– Thứ gì mà người ta chạy dữ rứa?
– Mành đó. Mành 12 giờ về. Xuống dưới đó mua cá tôi nấu cho ăn. Các cậu vẽ bao nhiêu?
– 40.
Trở về, bà và bà Dương nấu nước chè gánh lên (sau khi báo anh em) cứ múc mỗi người một gáo. Đếm được 49 thằng.
Đánh chúng. Một thằng bị thương đưa đồng hồ cho ông Tỵ, nhờ chở ra tàu. Có ông chở bằng thúng chai ra lật thúng. Có hai ông lấy tay đào sẵn một cái hục để chôn chúng.
Bà không có trận càn nào chịu tránh. Có lần cứu 5 đồng chí công sự, gấp quá, cô Thương ngụy trang lòi cả một tấc miệng khuôn. Bà liền đến ôm chị Thương để chị phủi cát. Rồi bới đất chỉ cho anh Tiếp đào, anh Tiếp lấp được miệng khuôn, lấy thân che. Có đêm bà nuôi cả 5 anh em trong nhà, bọn Mỹ ở ngoài sân. Anh em dưới công sự lên mệt lả, phải nấu cháo cho anh em ăn, nôn mửa đầy nhà mà chúng không biết.

Thứ Sáu 7/2/1969
Ngày hôm qua mưa lai rai, nên đêm vượt đường hơi vất vả. Đường trơn và trời tối. Tưởng sẽ không đi được. Buổi chiều nhận được tin xe và bộ đội đến rất nhiều, đóng dọc đường số 1 và ở Phú Diên( ). Có những đám cháy lớn, khói bốc cao, ở dưới nghe tiếng xe rít… Nhưng qua đường khá dễ dàng. Hầu như đi suốt đêm, giao liên đổi 4 lần, khách vẫn cứ đi, mỗi lần đổi giao liên khách mới được nghỉ. Có đoạn đi khá gần địch, đạn liên thanh nổ ten tét dưới chân, phải nép sau các gò mả. Vượt đường lần này mình chuẩn bị đồ ăn khá cẩn thận: hai ổ bánh mì, một gói mè xửng, một bao kẹo, một hộp cá.
Khoảng 4 giờ sáng đến Xuyên Thanh( ). Nấu cơm ăn nghỉ một tí lại đi, không phải đi, toàn chạy, chạy đến mức tấm ni lông buộc ở xanh tuya rông rơi lúc nào không biết.
Bảy tháng sau, trở lại Gò Nổi phong cảnh khác hẳn. Gò Nổi xanh mượt không còn, trơ trụi mênh mông. Đau thương vô cùng, chỉ toàn cỏ. Toàn những hố bom, hố bom dày đặc, hố nọ chồng lên hố kia. Chỉ có keo còn có thể ẩn nấp, không còn gốc tre nào, đường đi cỏ phủ ngập rất dày. Từng quãng có những tấm biển hướng dẫn: “Đi lối này, lối này”, “Đường này về Điện Nhơn”, “Cấm, không được đi lối này”. Thằng địch vẫn không ngớt đánh phá mảnh đất xơ xác tả tơi này. Không có một phút nào vắng tiếng máy bayScayrayđơ, các loại phản lực (có loại không biết hiệu gì, ở đây anh em gọi là thằng đầu mõm chó),
L19 (thằng tàu đen, thằng tàu trắng), thằng rách đáy nhỏ, thằng rách đáy to (loại hai thân OV10), trực thăng các loại HU1B, HU1A, H34, cần cẩu…) khoảng 9 giờ sáng nay phía dưới cầu Kỳ Lam, hình như anh em mình bắn rơi một chiếc phản lực, có một thằng phi công nhảy ra, chiếc dù nửa trắng nửa đỏ bay lơ lửng, xoay quanh máy bay như chuồn chuồn. Bom và pháo vờn liên tục, có những đám khói đục lờ bay lên các nơi. Người ngụy trang thật kỹ bằng cỏ, tay cầm cả bó keo chạy cắm đầu cắm cổ, máy bay đến lui vào cỏ, tàu vừa qua là liền đứng dậy chạy vụt. Mía bây giờ cũng thành cỏ.
Tưởng Gò Nổi không còn người, nhưng thật ra trong các đám cỏ này, các bụi gai vẫn có người. Hầm làm sâu trong đất. Trưa nay ghé vào một hầm bộ đội. Các đồng chí miền Bắc, trên miệng hầm để hai quả đạn B40, hai khẩu AK, một chiếc quần bộ đội phơi dưới bụi cây xơ xác. Các đồng chí đang chuẩn bị cơm trưa. Cơm vắt từ khi mai. Nấu thức ăn bằng lon đồ hộp Mỹ và ét xăng khối (màu xanh và màu trắng) chỉ có muối kho. Các cô giao liên trẻ măng, 18, 19 tuổi giao công văn giấy tờ dưới những lùm gai và cỏ, vẫn cười và chòng chẹo nhau.
– Mày phải gọi là anh Quang chứ sao gọi là thằng? – Nở trêu cô giao liên.
Cô giao liên nguýt dài: “Đừng đùa, ổng lại ngượng không đi trực”…
Chạy qua cầu Kỳ Lam thật hồi hộp: phải băng qua bãi cát, cầu bíu bằng những tấm gỗ đã cháy cheo leo, chênh vênh, chỗ thấp dưới mặt nước, chỗ lại lên cao chót vót. Rất dễ bị máy bay phát hiện và sơ ý là ngã xuống nước. Vẫn phải chạy. Vừa chạy qua, máy bay trinh sát đến quần cả buổi, pháo dập theo sau. Lúc đến, máy bay thả bom một vùng gần đó, đất rung chuyển. Tàu bắn, một đồng chí bị thương – bay mất một cái chân.

Thứ Bảy 8/2/1969
Trưa nay đến cơ quan Tuyên huấn – tất nhiên là phải chạy. Chân lội nước, lầy, gặp trời bấc, nứt nẻ cả bàn chân, nhức nhối vô cùng, lại phải lội trong cỏ nên rất khó. Vượt những bãi cát trắng, Nỗng Đế phía bên trái có thể nhìn thấy mồn một. Chiếc tàu trinh sát hai thân và hai chiếc phản lực quần riết trên đầu, phải giấu mình trong các bụi bói. Chiếc trinh sát phóng liền hai quả rốc két giữa đám bói, tưởng sẽ bị một trận bom… Mình và hai cậu giao liên vẫn ngồi lì. Thế là chúng không phát hiện được gì, một lúc sau chúng cút.
Về ở với tòa soạn Báo Giải phóng Quảng Đà, chỉ còn Tùng( ), Nguyễn Đình An( ), Hải Học( ) ở nhà. Hầm ở cách Nỗng Đế không xa, dưới một bụi keo thưa thớt, xung quanh toàn cỏ. Đứng ở đây có thể đếm được những tên Mỹ đi lại trên Nỗng Đế. Đi lại giữa các hầm phải khom khom trong cỏ. Các hố bom xung quanh đều đầy nước. Một cái hố bom dùng làm giếng uống, những hố khác dùng để tắm và giặt. Lúc mình đến các cậu đang đánh tú lơ khơ, chia làm hai phe, một bên là Báo chí, một bên là Đấu tranh chính trị và Quận 2. Vẫn rất vui và rất tươi. Buổi trưa uống cà phê sữa, ăn kẹo nuga, buổi chiều ăn món mì ống xào cá hộp.

Chủ nhật 9/2/1969
Đêm qua Hải Học làm món mứt bí đao. Hai đứa nằm nói chuyện rất khuya, pháo nổ ì ầm. Hôm nay, gần nửa buổi sáng lo chống càn – Mỹ ở Xuyên Thanh, Điện Hồng, Bảo An Tây. Định làm một ít việc thì máy bay trinh sát quần ngặt quá, một chiếc L19 và một chiếc OV10A. Vừa xuống hầm thì rốc két phóng ngay trong vườn gần đấy. Hai chiếc Scayrayđơ quần vòng hẹp. Một chốc sau người bên các hầm chạy sang. Cậu San bị cây rạch toác ống chân, chạy rơi cả súng ngắn. Vào hầm thở không nói được một tiếng. Cô Cảnh bị mảnh bom ở cổ chân… Bom thả gần hầm văn phòng Tuyên huấn. Hầm phơi cả gỗ “giếng” nước một trái bom. Hai chiếc Scayrayđơ đi, có hai chiếc phản lực vào thay, lần này chúng thả cả bom bi. Trưa không nấu được cơm. Sau trận bom, tàu rà vẫn giữ rịt. Mình và Học ngồi dưới hầm nghe nhạc nước ngoài, không hay địch từ Điện Hồng( ) xuống. Nghe nhạc nước ngoài, cả ca nhạc theo yêu cầu xong, lụi cụi nấu cơm, làm một nồi canh bí đao nấu tép rất ngon thì Thành, Bưng về báo tin địch xuống chỉ còn cách 1.300 mét. Thế là đổ canh, xách nồi cơm chạy. Theo ý mình thì có thể ăn cơm xong thong thả rút, nhưng các cậu đó sợ bị tập kích và phục kích. Len giữa những bụi bói, cỏ dày đi về phía Xuyên Thanh. Khuya đến nơi làm một bữa thịt trâu xào rất thú vị.

Thứ Hai 10/2/1969
Bên Gò Nổi, địch vẫn ở Bến Đường. Phía ấy tàu rà quần rất dữ. Địch đang ở Xuyên Trà, Xuyên Hiệp( ), nghe nói 20 xe. Ngồi ở đây nghe tiếng súng trên xe bắn rất rõ. Và từ nửa buổi thì đếm được tụi Mỹ đi theo đội hình hàng dọc trên núi giữa Xuyên Hiệp và Xuyên Trường( ). Đếm được 17 thằng, chúng đang kéo về phía “ba hòn đá bắt chí”, phía đèo Thắm. Thế là đề phòng xe và quân bộ càn xuống. Từ phía đó vang lên hai tiếng nổ lớn, có lẽ chúng giẫm mìn. Tàu pháo, trực thăng hạ. Trời vừa tối lại phải di chuyển – chạy càn – sang Điện Thái( ) đồ đạc lịch kịch – ở vùng không dân là vậy, những thùng chứa nước, soong nồi, bát chén, mắm muối… Ban đêm đi qua cầu thật vất vả. Tấn Thọ qua cầu không được, phải bám theo lưng Hải Học đến tội. 10 giờ tối mới đến nơi. Hầm chật ních người, lớp cột võng, lớp nằm sít dưới đất.

Thứ Ba 11/2/1969
Từ 12 giờ khuya đến gần sáng pháo bắn rất dữ vùng đầu cầu K. Có đến hàng trăm quả, rung hầm, chuyển đất. Thế là sáng sớm, lúc còn sương ướt đẫm, không kịp nấu cơm, lại mang khăn gói di chuyển đến một vị trí khác, đề phòng địch càn ở vùng này. Gần mất cả ngày ngồi trong hầm chật chội. Hai giờ chiều, lại mang đồ đạc về chỗ đêm qua. Ở đây là vậy, chẳng có một ngày nào được yên ổn để làm việc. Bây giờ mình mới thông cảm những điều Nguyễn Đình An nói: gùi trên vai với tất cả đồ đạc, chạy như con thoi, toàn xê dịch. Chỗ này cách đây ít lâu Trần Văn Anh – Thư ký tòa soạn Báo Giải phóng Quảng Đà, tác giả ký Đêm Gò Nổi – đã hy sinh. Bom làm mất cả một bên mông, chân gần đứt hẳn. Anh nói với các đồng chí xung quanh với giọng đùa bỡn hàng ngày: “Các chú ơi, hắn làm cái chân mình còn gì nữa đâu?”. Rồi anh bảo Hoài Hà cắt giúp cái chân cho khỏi vướng. Anh em khiêng đi. Anh tâm sự: anh định lấy súng tự tử để khỏi khổ anh em, nhưng anh nghĩ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không nên tự tử, anh bỏ súng vào bao. Trước khi chết anh vẫn tỉnh táo. Anh không hề nói đến gia đình, anh nhắc nhở công tác, khuyên đoàn kết. Anh trao chiếc đồng hồ cho các bạn dặn bán mà tiêu chung. Anh bắt tay đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và tất cả anh em rồi mới chết.
Thứ Năm13/2/1969
Cả ngày hôm nay phải ngồi hầm. Anh Oanh lại xuống. Sáng ra một chặp thì pháo ở Bồ Bồ, An Hòa bắn, sau đó là pháo 410 ly từ tàu Giuxơri ngoài biển bắn vào 4, 5 đợt, đại bác nổ như bom vậy. Đất rung, mảnh và đất rải trên hầm rào rào. Nổ rồi mới nghe tiếng đề pa. Nghe nói pháo tàu này mỗi lần có khả năng bắn một lúc 16 quả. Hôm qua chúng nó bắn khoảng mươi quả vào Gò Nổi, buổi chiều Đài BBC đã đưa tin: Tàu Giuxơri đã bắn pháo oanh tạc một vùng căn cứ của Việt cộng phía nam Đà Nẵng, cách… Hôm nay chúng bắn ít nhất 60 quả. Nghe pháo này nổ, nghe lại pháo 155 ly đẹt đẹt như súng nhỏ. Giữa các đợt pháo tàu rất căng đó là bom. Tàu rà bám quần riết trên ngọn cây. Hầm mình ở hôm qua trong vòng pháo tàu và bom. Chiều nay trở lại thấy khác hẳn. Cỏ nằm rạp hết, đất phủ dày. Bọn mình nhận định chúng có thể sắp càn ở vùng này, nên đến tối liền hành quân di chuyển về Gò Nổi, đi dưới ánh pháo sáng, lạc đường, lội trong cỏ ngập đến cổ. Nguyễn Đình An bị ngã xuống một cái hố bom, bùn lấm đầy người. Đại bác. Phải nghỉ lại một cái hầm giữa đường, sáng mai đi tiếp.

Thứ Sáu14/2/1969
Tổ chức liên hoan tết. Trở về lại căn hầm cách đây mấy ngày trước đã ở. Sau trận bom buổi trưa hôm đó, tối hôm sau còn một lần bom nữa. Chỗ ở gần như phơi lưng tất cả. Phải bẻ keo ngụy trang liên tục. Người phải nhốt hết dưới hầm. Đồ tết sắm khá nhiều, có thịt heo, cá, đậu, hành, cải, rượu (phải cử hai cậu đi mua một ngày). Nấu ăn dưới sự dòm ngó của các loại tàu trinh sát. Nấu vừa xong thì chúng vào ném bom và bắn pháo. Phải chia ăn làm hai đợt. Tùng vừa ăn vừa đi bám địch. Địch đổ quân bên Long Hội, có lẽ hơn một tiểu đoàn, nên chúng ném bom và bắn pháo bên này. May đêm qua mình thoát khỏi Long Hội. Lúc làm thì vui, nhưng ăn chẳng ngon lành gì cả. Trên bầu trời không lúc nào vắng máy bay, phải ngồi kỹ dưới hầm. Buổi chiều mình ngồi vẽ bộ cờ tướng để chơi tết.

Thứ Bảy 15/2/1969
Nấu cơm sáng ăn chưa xong thì địch xuống thôn 2 Điện Hồng. Thế là lại mang soong chảo, cơm nước chạy. Mình còn ăn được, Hải Học chưa kịp ăn, tàu rà hai chiếc quần trên đầu Nỗng Đế nhìn, phải ngụy trang thật kỹ mà chạy. Sang X.T. và tối nay tổ chức đón giao thừa dưới một cái hầm chìm làm toàn bằng tà vẹt đường xe lửa. Mình, Hải Học, Tùng, Nguyễn Đình An và mẹ của Thành, một số anh em nhân viên, Thọ và mấy chiến sĩ của đơn vị Thành. Ăn sườn heo rán, uống rượu, ăn bánh kẹo, uống trà, hút thuốc lá, đánh cờ tướng, nghe nhạc. Đến gần hai giờ sáng.
Năm nay Bác Hồ đọc thư chúc tết, giọng già và yếu hơn năm ngoái.

Thứ Tư 19/2/1969
Nhận được thư của Xuân Quý, Quý phấn khởi lắm. Cũng may, nếu cùng đi với mình chắc sẽ khổ.
Hai ngày nay bị sốt mà không có thuốc uống. Hôm nay thì gần như bỏ ăn.
Buổi chiều, một mũi của đơn vị 89 liên hoan xuất quân. Các đồng chí mời mình đến dự. Mũi này gồm mười mấy đồng chí, hầu hết là những thanh niên miền Bắc, quê ở Hải Phòng, thành phố kết nghĩa với Đà Nẵng. Đức, Đại đội phó, nhà ở đường Trần Phú, gọn gàng, đẹp trai và rất thích văn nghệ. Một chiến sĩ khác quê ở Đông Triều làm công nhân sửa chữa máy móc ở mỏ Hà Tu, nhiều đồng chí ở An Lão, Kiến An. Trang bị khá mạnh và nhẹ: 3 khẩu B40, một M79, tất cả đều dùng AK, 500 viên đạn/mỗi người, rất nhiều lựu đạn và thủ pháo. Trước khi liên hoan, bộ đội bận rộn gói thuốc C4 trong các tấm ni lông, tra kíp nổ, nụ xòe, nện thuốc vào lon, đan giỏ mang đạn B40. Bây giờ thì họ có thể lao vào chiến đấu rất thanh thản.
Bộ đội và bọn mình ngồi xúm xít dưới một bụi chuối. Ở đây có thể nhìn thấy Hòn Bằng rất rõ, chúng vẫn thường bắn cối xuống những mảnh ruộng sau nhà và bắn đại liên, M79 xuống thôn 2.
Chị Thành thay mặt anh chị em cán bộ phát biểu, chị chúc sức khỏe năm mới, nói lại những nguyện vọng tha thiết của đồng bào, những đau thương của nhân dân, và tỏ lòng tin tưởng ở tinh thần chiến đấu và chiến công của đơn vị.
Một đồng chí chiến sĩ to béo, chắc nịch, thay mặt anh em chiến sĩ phát biểu. Người cao to, lực lưỡng, vậy mà đứng trước bạn bè và một số rất ít cán bộ, anh ta vẫn ngượng ngập. Và chắc anh xúc động lắm. Môi rung rung, mấy chữ đầu nói lắp. Các anh đã chiến đấu nhiều trận, đã bao nhiêu lần ra quân, nhưng lần nào cũng xúc động. Anh phát biểu rất ngắn, hứa sẽ chiến đấu mang chiến công trở về.
Đức chống tay vào trái lựu đạn Triều Tiên đeo bên hông, phát biểu thêm. Cậu ta bây giờ thiệt nghiêm trang.
– Chúng tôi đã nhìn thấy những đau khổ của nhân dân. Nhân dân miền Nam hai mươi mấy năm nay chưa một ngày sung sướng. Vì giai cấp, vì dân tộc, chúng tôi nguyện sẽ chiến đấu đến cùng trong bất cứ trường hợp nào. Chúng tôi chỉ có đem thắng lợi trở về.
Sau đó ăn kẹo, hút thuốc lá, uống trà và liên hoan văn nghệ. Bọn mình đọc thơ của Chế Lan Viên, Tố Hữu và Trần Đăng Khoa, kể chuyện, hát. Các chiến sĩ vừa xúc động nghe thơ xuân của Tố Hữu và bài Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng( ) và lại cũng rất thú vị nghe những bài thơ của Trần Đăng Khoa (Đám ma giun, Hoa lựu, Hỏi đường…). Các chiến sĩ cùng hát, cùng đọc thơ, xanh tuya rông vẫn thắt quanh bụng chi chít những băng đạn AK, lựu đạn, thủ pháo… Đức hát Hải Phòng quê tôi, Thanh niên làm theo lời Bác, một đồng chí khác hát chèo, mượn lời cô gái ở hậu phương nói với người yêu, một đồng chí đọc thơ Là chiến sĩ, đồng chí to béo phát biểu khi nãy đọc Đà Nẵng gọi ta (Thơ của Thu Bồn).
Trong lúc bọn Mỹ vẫn bắn pháo bi ngoài bãi, rất gần. Trái pháo nổ cái bụp lưng chừng trời để lại một đám khói nhỏ, sau đó nổ từng tràng dưới đất.
Vẫn hát, vẫn ngâm thơ.
Có những câu nói đùa:
– Hát chèo là phải. Đánh vào Đà Nẵng là phải chèo.
– Đúng, đồng chí đó định đánh vào Đà Nẵng lấy vợ.
Chị Thành rót nước bưng tới từng chiến sĩ.
Cuối cùng Đức đem về truyền đơn, thư xuân của Hồ Chủ tịch, của Tố Hữu phân phát cho các chiến sĩ.
Anh dặn lại: “Truyền đơn sẽ tung ra khắp các đường phố. Còn ảnh Bác và thơ Bác dán trên tường, thật cao”.

Thứ Năm 20/2/1969
Buổi sáng dậy, mình và Hải Học còn đang mở Đài nghe BBC dưới hầm chìm thì Lê( ) chạy xuống báo tin địch ở Hòn Bằng ra tập kích. Xách đồ chui lên, nghe súng nổ ran, AR15 và M79, nổ ở xóm Gò. Soong cá kho phải đổ hắt đi, xách cơm chạy. Làng xóm bình thường rất vắng, mà giờ này chạy ra đông quá đỗi. Chạy từng hàng dài, theo các ngả. Nguyễn Đình An quên cả súng phải quay lại. Rất may là sương mù lâu tan nên không bị tàu trinh sát và tránh được tụi Mỹ trên Nỗng Đế. Sương trên cỏ quệt ướt đẫm. Áo quần mình bẩn vô cùng. Sang bên này điều kiện tắm giặt rất khó. Những hố bom trước dùng để uống thì đã bị bom đục ngầu, giờ phải uống hố bom trước đây dùng để giặt. Anh em ở đây đều có chấy, thiệt khốn khổ, mình mới đến cũng có 4 con! Chẳng mấy khi gội đầu một cách kỹ lưỡng. May có mấy cô bên phụ nữ cùng chạy vào, mượn lược dày chải từng đứa một. Chị Thành cứ ghì đầu tụi mình mà tuốt trứng chấy và bắt chải thật sạch.
Chủ nhật 23/2/1969
Hôm qua 10 lượt chiếc H34 hạ đổ quân xuống Nỗng Đế. Bọn mình đứng núp sau các bụi keo nhìn thấy từng tên giặc. Đến tối thì nhận được tin mấy chục xe bọc thép sang Điện Hồng, trong đó có cả xe cày. Địch vẫn ở Điện Thái. Máy bay thả bom ở đuôi Gò Nổi, ở Xuyên Trường. Sáng hôm kia, hai chiếc HU1A và HU1B bay kèm nhau lượn nhiều vòng dọc đường xe lửa, đó là bọn sĩ quan đi chuẩn bị chiến trường. Nhận định chúng chuẩn bị càn lớn ở Gò Nổi. Sẫm tối chúng xuống cụp Chiêm Sơn rất đông, có thể phục kích các đường… Thế là 9 giờ tối hôm qua kéo nhau chạy vào núi. Biết là chạy vào núi là thất sách, vì chưa chắc chúng đã càn vào Gò Nổi được, nhưng khốn nỗi tụi mình không biết giờ G và ngày N của Z. Đành phải đi. Đêm qua trải nilông ngủ ngay trên đỉnh đèo K.T. Không ngủ được vì mệt. Hai giờ sáng nghe súng nổ các nơi. Không biết có phải là Z chưa. Sáng nay vào núi. BBC đã đưa tin, hơn 100 thành phố, thị xã, căn cứ, quận lỵ bị ta tấn công. Ngồi núi sốt ruột quá. Vẫn cứ phải đi miết thế này? Chân mình hôm kia đi hái rau dền đạp đinh, lại phải hành quân xa, nhức quá.

Thứ Hai 24/2/1969
Đêm qua mình, Hải Học và Lê ngủ trong một hang đá. Đài đã có tin tức nhiều hơn, Đà Nẵng có vẻ đánh to hơn cả, nhưng vẫn chưa nghe quân chủ lực hoạt động, phần lớn là tin của pháo binh, đặc công và biệt động. Tùng gửi thư vào cho biết quân Điện Thái rút, bộ phận quân đổ xuống Nỗng Đế và cụp Chiêm Sơn rút, xe Điện Hồng rút. Gò Nổi đêm 22 rạng 23 không có một tiếng pháo. Một lá cờ to bay ở Bến Đường. Thế là trận càn ở Gò Nổi chưa thực hiện đã gãy. Quyết định chiều nay rút khỏi núi.

Thứ Ba 25/2/1969
Đêm qua mình đi thật khổ sở, mặc dầu đường rất dễ đi, trăng mồng Tám rất sáng, không có một tiếng pháo dọc đường. Mình vừa bị cảm, bị sốt lại vừa đau bụng (không phải đau bụng đi tiêu), chân đạp đinh vẫn chưa hết đau, có lúc mình phải nằm liều lại một mình ở lưng chừng đèo. Sau Học phải mang giúp gạo cho mình, mình cúi gập người chống gậy đi. Đến chân Nỗng Đế mình nôn mửa mới tệ. Anh em phát hoảng, sợ tụi Mỹ nghe.
Chiều hôm qua, lúc đi trên đường núi, ngang qua một đơn vị hành lang mình vào câu lạc bộ thăm, trong câu lạc bộ có câu đối, ca dao, tranh vẽ, bảng danh dự, báo tường. Mình ghi được mấy câu thơ.
Trên bảng danh dự, ghi thành tích của các đơn vị và cá nhân xuất sắc có hai câu:
Noi gương anh đã lập công
Chúng tôi mến tặng cành hồng cho anh.
Trên báo tường, có rất nhiều thơ. Có những câu:
Tết đến vui xuân lại xuống đường
Chuyển hàng tranh thủ đón xuân sang
Hoa xuân nở rộ trên tiền tuyến
Thúc giục đoàn quân ở chiến trường
Dẫu bom đạn cũng không thể vắng
Dấu chân người công tác hành lang.
(Xuân xuống đường)
Cười trong đau khổ vui trong nhớ
Mỗi phút giây đi trải việc đời
Tôi nhớ ngày xưa buổi tựu trường
Lòng vui thầy giảng ấm văn chương
Quê ta Nam Bắc còn chia cắt
Mang nặng lòng ta nỗi xót thương
Lại nhớ ngày xưa buổi lên đường
Nghe lời mẹ dặn ấm tình thương
Con đi việc nước tròn con nhé
Ở nhà cha mẹ bón ruộng nương.
(HT 4047 Ấp Bắc B)

Sáng nay vừa về đến Gò Nổi, mình và Hải Học băng đi tìm Thường vụ để đi công tác ngay. Xuyên Trường dân về đông. Cờ mình treo tụi hắn không dám lấy. Khi lấy được cờ, có thằng định xé, nhiều thằng khác không cho. “Người ta làm việc gì kệ họ”.
Chiều nay, trước khi chuẩn bị đi Khu 3 và Q.3 gặp anh Nguyễn Chí Trung( ) bàn bạc, anh cũng sẽ đi Khu 3 – gặp Cao Phương( ), anh đưa mấy bài thơ mới làm xem, mình gửi luôn về nhà.
Gặp anh Phước( ). Ông già ấy bận bao nhiêu việc, đang chỉ đạo phong trào cả một tỉnh… thế mà vẫn vui, vẫn pha trò. Lúc nào cũng cười. Gặp mình, anh bắt tay, cười nheo mắt rất nghịch: “Vẫn vui khỏe trẻ trung chứ?”.

Thứ Tư 26/2/1969
Đêm hôm qua, nửa ngày hôm nay nghỉ lại trạm C15. Xóm làng, đường sá từ Gò Nổi ra đều như nhau: trơ trụi, hoang tàn, cỏ và muỗi. Trong đêm chỉ gặp những giao liên, các chiến sĩ bị thương từ mặt trận trở về. Ngoài ra rất vắng.
Trạm trưởng là cô Mai, cô này mình đã biết lúc ở Hội An. Cô ta mặt rỗ, đen nhưng rất lanh lợi. Trước đây làm trạm trưởng một trạm liên lạc ở thị, có lần bị Mỹ bắt, cô ta đã “hợp pháp” mà trở về. Vậy mà lúc mới chuyển lên đây cô ta cứ ngồi dưới hầm khóc thút thít, nhớ Cẩm Thanh, nhớ Hội An, nhớ các đồng chí trong trạm. Bây giờ cô ta đã trở lại khí thế của một đảng viên rồi, hăng hái, rất có tinh thần trách nhiệm và đảm đang. Trong lúc các bạn khác đang ngủ, Mai rủ cô bạn khác cùng đi cắt môn nước về chẻ phơi để làm dưa, rồi đi hái rau má về nấu canh.
Sáng nay có hai cậu đi hỏa tốc đêm qua về, người ướt đẫm. Một cậu tên là Đá, lầm lì, ít nói, một cậu 16 tuổi, tên là Im rất thích nghe đàn và văn nghệ. Nhân viên ở trạm này đều ở lứa tuổi đó cả, có cả một em gái 15 tuổi tên là Thân và một em trai 14 tuổi rất thích ăn củ chuối nước. Cô Trung người gầy như sợi dây, rất chịu khó xem sách. Sách ở đây chỉ có một quyển Thời sự của tỉnh và bài thơ Xuân 61 của Tố Hữu mà cứ xem miết. Cô… mặt tròn đầy trứng cá, có lẽ là con nhà nghèo, rất tiện tặn. Đi đường gặp gạo người ta đổ, ngồi hốt về sàng sảy, nấu. Mấy chú bé không thích ăn (vì còn một ít cát), cô ta nấu cơm khác cho các bạn ăn, còn mình cứ ngồi ăn gạo nhặt. Chú Lập 17 tuổi rất thích chơi đàn. Ngủ dậy, ăn cơm sáng xong, chui vào hầm nổi, thắp đèn lấy đạn AR15 tháo mũi đốt (đạn méo ngoài ruộng đi hốt về) ai cũng la, cậu ta chỉ cười. Đến lúc cô Mai vào bảo “đây là ý thức tổ chức” cậu ta mới thổi đèn bò ra, cười ngượng nghịu, vừa thú vị vừa biết lỗi.

Thứ Năm 27/2/1969
Tối hôm qua vượt đường. Dọc đường cối nhiều kinh khủng, dày đặc, trúng ngay đường. Rất may là bọn mình vừa đi qua thì cối dập phía sau, khói mù mịt, chạy miết. Trăng mờ nên dễ bám đường đi. Nguyễn Chí Trung cùng vượt đường với mình, anh mặc bộ quân phục xám, sáng quá phải cởi trần.
Ở bến đò X ban đêm rất tấp nập. Lúc mình tới, rộn rịp người qua lại, ghe thuyền đi trong tiếng nổ của đạn cối.
20 giờ 30 đến nơi, đi liên hệ công tác. Q3 từ chối không nhận vì chỗ ăn ở khó khăn quá. Hầu hết anh em ở đây đều đi phía trước. Mình quyết định đi Khu 3 trước.
Đêm hôm qua mãi đến 12 giờ mới có chỗ đặt lưng, ngủ không được. Vì người rất đông, dân công đi tải thương, đi cõng hàng, gọi nhau gác. Nhất là lo địch tập kích. Cả ngày hôm qua tụi Mỹ, ngụy, Nam Triều Tiên còn ra ép anh em chạy đói cả ngày. Đêm nay chúng tới đóng quanh đây, bốn phía đều có địch. Đồn Mỹ và Nam Triều Tiên gần đây nghe rõ tiếng máy nổ chạy. Anh em mệt nằm ngủ li bì, mệt mỏi, thiệt tội. Ở đây chúng mà tập kích thì rất ác – hoặc là trong đêm hoặc mới rạng sáng chúng đã nằm vây kín. Mình nằm ngay trên nền nhà, gùi sẵn sàng, súng ngắn gối ngay dưới đầu. Cả đêm cứ nằm chập chờn, người này gọi, người kia gọi, 4 giờ sáng dậy.
Cả ngày hôm nay rất căng thẳng. Căng thẳng hơn những ngày bị bom pháo trước đây. Bốn phía có Mỹ, Nam Triều Tiên, ngụy, chúng ở trên các điểm cao, xóm làng lại trống trải, phơi ra dưới nắng, rõ mồn một. Tàu rà, tàu gáo. Chúng cứ lội xục xạo không biết bao nhiêu chuyến bằng quân bộ, bằng xe. Ở đây chỉ có chạy lách, chạy lách trong một tình hình như vậy, rất căng. Mình nhìn thấy rõ những thằng Mỹ trên trảng đi xuống. Trên đỉnh cồn chúng ta cắm một lá cờ mặt trận trong đêm 22 rạng 23 vừa rồi. Cồn cát trắng, không một cái cây nhưng tụi Mỹ không dám đến lấy cờ, cũng không dám cho xe ủi, cũng không dám cho trực thăng đến. Từ hôm đó đến nay, từ trong đồn chúng bắn cối ra lá cờ, chúng cho xe ra gần đấy bắn M79 suốt buổi, bắn đại liên và các thứ khác… Suốt 5 ngày nay lá cờ vẫn cứ đứng trên đỉnh cồn tung bay phấp phới. Cho đến trưa hôm nay sau một buổi bắn M79 cờ mới gãy. Mãi một lúc sau một tiểu đội Mỹ mới thận trọng đến cột cờ…
Quanh lá cờ có nhiều chuyện. Trên con đường từ Điện Phước xuống rất nhiều cờ. Cờ cắm trên các cây đa trụi cành, trên các bụi tre xơ xác, trên các đỉnh miếu, cờ sát ngay đường quốc lộ số 1 đi Điện An. Đã có chỗ Mỹ đã bỏ xác vì lấy cờ, máy bay trực thăng bị mìn cũng vì lấy cờ.
Ở dưới vùng cát này tụi ngụy lấy được hai lá cờ, tụi Nam Triều Tiên mua lại mỗi lá ngàn đồng đem cắm lên xe bọc thép chạy quanh rồi về cắm ở đồn! Người ta vẫn không hiểu vì sao như vậy…
Thứ Năm 8/1/1970
Kỷ niệm 7 năm vào Đảng. Hôm nay định đi làm rẫy nhưng vẫn mưa nên không đi được, có dịp nằm suy nghĩ, nhìn lại cuộc đời mình. Từ ngày mình hiểu được lý tưởng của 1 con người tương đối sâu sắc – có lẽ lấy cái mốc là ngày mình được vào 1 đoàn thể cách mạng, ngày 10/2/1957, ngày mình trở thành đoàn viên thanh niên lao động – mình đã tự đặt ra phương châm sống của mình là dũng cảm, say sưa và quên mình như những chiến sĩ Cộng sản chân chính đi trước. Từ ấy cho đến nay, cái phương châm sống đó vẫn là điều để cho mình nghiền ngẫm, suy xét. Cuộc đời mình tuy chưa dài và cũng chưa làm được bao nhiêu việc, cũng chẳng phải lúc nào cũng thẳng tắp và mực thước như người ta tưởng, có khối khuyết điểm ra đấy, ví như sự mềm yếu về tình cảm hay những suy nghĩ ti tiện, thấp kém đều có cả đấy. Nhưng cái gì cho mình ngày nay tự hào, kiêu hãnh với chính mình. Ấy là sự hướng thượng không ngừng, một sự khát khao ham muốn không bao giờ vơi cạn của một tấm lòng đạt đến cuộc sống chân chính và cao thượng. Chính điều đó khiến lòng mình sung sướng. Ngay những lúc nhìn vào khuyết điểm thấp kém của mình, mình cũng đã suy xét nó, day dứt về nó theo phương châm sống mà mình cho là bất di bất dịch. Bây giờ mình hiểu cái phương châm đó không phải bằng lý trí, như hồi mình còn là một thanh niên 16 tuổi đang ngồi trên ghế lớp 7 của trường phổ thông hay ngay cả lúc mình 22 tuổi ngồi trên ghế năm thứ ba trường đại học. Bây giờ mình hiểu rõ nó bằng con đường tình cảm, bằng máu của 4 em: Hương, Cúc, Anh, Dũng đã hy sinh vì mình, bằng sự quằn quại vì tra tấn của người bạn Hòa Hải, bằng nỗi đau khổ không cùng tận của mẹ thương yêu, bằng những hy sinh của hàng trăm ngàn người mình đã được gặp, đã hơn 1 lần nói chuyện với mình. Sắp đến mình sẽ đi công tác, mình nhận đi lại Quảng Đà, một nơi ác liệt nhất mình có thể hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm. Mình nghĩ đến điều này một cách nghiêm túc. Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý thì ba mình, nhất là mẹ sẽ đau khổ đến dường nào. Mình biết điều đó. Mình là con trai được cả nhà yêu thương… Nhưng dầu thế nào, mình cũng không xê dịch cái phương châm sống của mình. Dũng cảm, say sưa và quên mình như những chiến sĩ Cộng sản chân chính đi trước. Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ khi ta giành thắng lợi hoàn toàn, cũng hạnh phúc lắm thay!…

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây