Đến với “Thơ hay” và những ngộ nhận – Tác giả: Hà Quảng

Nhà thơ Trần Nhuận Minh khi bàn về Thơ có nói: “Tôi không quan tâm đến các chủ nghĩa, các trường phái chỉ quan tâm đến Thơ hay […] Và khi đã đạt đến cái hay thì mọi giá trị ngang nhau.

Nhưng hay thế nào thì tôi không giải thích được” (báo Văn nghệ số 40 tháng 10/2022). Một nhà thơ từng trải đã nói vậy, chúng tôi nghĩ khó có thể giải thích thêm, tuy nhiên trên con đường đi đến cái lĩnh vực “thơ hay đầy hoang hoải mịt mờ” đó chỉ mong nói đến vài ngã rẽ ngõ hầu có thể tự nhắc mình và các bạn trẻ đi vào cái lối chính để tìm đến “thơ hay” đỡ phần ngộ nhận!

Thử làm vài cuộc khảo sát chân thành và thiết thực: Nhớ lại cuộc hội thảo năm nào về Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, rồi hội thảo về Thơ Nguyễn Quang Thiều, Thơ Hà Nội 45 năm…, gần đây là Cuộc thi Thơ của báo Văn nghệ, người ta ghi nhận sự thành công của chúng về mặt tổ chức, về sự tham gia của người yêu thơ nhưng về sự nhận thức sáng tỏ hơn về cái gọi là thơ hay, để bổ sung cho sự cảm thụ của công chúng thì quả thật chưa thỏa mãn. Tự ám thị, thấy “cái chuẩn” của thơ hay không dừng lại tình yêu của các fan hâm mộ về các phong cách sáng tạo kỹ thuật thơ độc đáo, của các sở thích cá nhân về cái mới lạ và kể cả sự đề cao của một bộ phận độc giả cộng đồng mà dấu ấn thi ca đã thành nếp. Nó là một cái gì sâu sắc và bao quát hơn nhiều.

Nhà thơ lớn nào cũng là bậc thầy về ngôn ngữ, về kỹ thuật thơ ca, nhưng cái người ta suy tôn trựớc hết là ở cái nội dung lớn lao, cao cả mà nhà thơ làm rung động tâm hồn nguời đọc chứ không phải ở cái phép “phù thủy” của kỹ thuật. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… sống mãi trong lòng mọi người là ở tấm lòng nhân mênh mông của các vị. Độc giả muốn tìm một ý nghĩa gì đó về thân phận con người về thế giới đa sắc đa hương được các tác giả thể hiện làm cho tâm hồn mình thêm giàu có chứ không phải để ngạc nhiên trước các thủ thuật thơ ca.

Ở Phương Đông và Việt Nam nói riêng thời nào cũng có những nhà thơ coi trọng hình thức, những nhà thơ duy mỹ ưa chuộng sự kỳ dị hiểm tích trong việc dùng chữ, gieo vần. Vào cuối thế kỷ trước bên Âu Mỹ có các trường phái Thơ Ngôn Ngữ, Thơ Tân Hình thức, với khuynh hướng trau chuốt hình thức, tuyệt đối hóa ngôn ngữ, nó lan nhanh sang các nước và thịnh hành trong một số nhà thơ Việt Nam hải ngoại cũng như quốc nội và không phải không có những thành công nhất định, nhưng cũng có không ít những vấn đề khiến người đọc băn khoăn, suy nghĩ khi những đặc tính của nó được áp dụng vội vã.

Sự phát triển của Văn học – Nghệ thuật đương đại hướng đến hai tính chất thoáng nhìn như “trái ngược” nhưng thực ra có một quan hệ biện chứng, là đồ thị một hệ phương trình mà trục tung là tính dân tộc (truyền thống) trục hoành là tính hiện đại (cái mới), tuy có hai tham số nhưng tích hợp lại cùng một phương. Cái khó là tìm ra phương tích hợp của đồ thị, cũng tức là tìm ra chân giá trị của tác phẩm, sự thống nhất hai phẩm tính đó trong một hình tượng nghệ thuật thơ. Vì giữa các khái niệm Mới, Đẹp, Hay của thơ ca không phải lúc nào cũng chồng khít lên nhau. Có người nặng về cái mới, cái lạ, có người thiên về cái truyền thống và cho đó chính là cái đẹp, cái hay của thi pháp Thơ. Rồi mối quan hệ giữa những cái đó với hiện thực… Sự bộn bề của Thơ bắt nguồn từ đó. Thơ hiện nay quả thật đang trong “cuộc kiếm tìm, thử nghiệm” và phê bình thơ cũng vậy, trước mắt là những câu hỏi lớn về truyền thống và cách tân, về sự hội nhập và bản sắc dân tộc, về cái đẹp chân chính của thơ ở nội dung đời sống hay kỹ thuật ngôn từ. Theo chúng tôi, đó chính là vấn đề còn nhiều “khoảng mờ” của Thơ về cái sự đọc cũng như lý luận – phê bình thơ hiện nay và quả thật chưa có công trình nào giải thích một cách khả tín, tạo được sự tin tưởng về cái điều mà nhà thơ Trần Nhuận Minh đã nêu.

Con đường gập ghềnh của sự đi tìm “cái khác lạ” đã thành vệt tự ngàn xưa, phê bình giúp thơ và cũng tự giúp mình khỏi vấp ngã sa vào các ngã rẽ cực đoan và phiến diện mà đi vào cái lối chính để đến với cái chuẩn của thơ hay, thỏa mãn những yêu cầu trong cuộc phối sinh giữa đời sống với những khả thể của thơ. Dẫu rằng Thơ có những đặc tính và sức mạnh có “chân lý riêng” nhưng Thơ không tự đặt ra một cái chuẩn“tự mình”. Để thực sự còn lại với thời gian, thơ và phê bình thơ đừng quá ham thanh chuộng lạ chạy về phía các “Chủ nghĩa” này nọ mà xa rời các yêu cầu trong đời sống thực tế, có nhiều ngã đến với Thơ hay nhưng tất yếu ngã nào cũng không thể tách rời các nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng đặt ra trong thực tại.

Trong những tiêu chí tạo nên cái chuẩn thơ hay chúng tôi cho rằng tính lý tưởng toát lên từ cuộc sống hiện tại vẫn là hàng đầu, thứ mới đến những vấn đề của thi pháp, của hình thức, ngôn ngữ. Chế Lan Viên, một đỉnh cao của siêu thực một thời cũng đã tỉnh ngộ: Vạt áo nhà thơ không đựng hết bạc vàng mà đời rơi vãi/ Hãy nhặt những chữ trong đời mà viết nên chương. Hay: Máu thấm vào lòng đất đã sâu/ Sao trang giấy lòng anh suy nghĩ cạn. Tất thảy đều muốn nói đến quan hệ, sự gắn bó thơ ca với cuộc sống. Thơ cần có mục đích, cần có tư tưởng. Thơ cần hướng đến độc giả số đông chứ không chỉ hướng đến số ít “tầng lớp ưu tú”, thậm chí “chỉ viết cho tôi” như có người nghĩ! Các bậc thi bá xưa nay đều mong thơ mình lan tới các hang cùng ngõ hẽm, UNESCO công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa cái tiêu chí đầu tiên là sức lan tỏa của nó trong cộng đồng, người đời có thể quên tác giả nhưng không quên thơ! Một hệ luận nảy sinh: Hồn thơ phải rung động hồn người. Cái chuẩn thơ hay phải chăng có thể xa lạ với điều này! Cái chuẩn này nó vượt mọi định chế xã hội, thời gian và không gian. Một nhà thơ bậc thầy thuộc thế hệ các nhà thơ trau chuốt hình thức Trung Hoa cổ là Giả Đảo khi nói cái kỳ khu của thơ cũng phải cho rằng: Ba năm làm hai câu thơ, đọc lên hai hàng lệ chảy (Nhị cú tam niên đắc, nhất ngâm song lệ lưu), tức là ông vẫn đề cao cái hồn thơ trên cái uyển ảo câu chữ!

Để chiếm lĩnh tình cảm người đọc không nên dừng lại nơi thói quen cảm thụ đã thành nếp nhưng cũng không phải bằng sự hướng chú ý của họ vào “cái mới” qua ngôn ngữ kỳ khu hoặc qua những hình thái tổng hợp bí hiểm vô thức. Sau ngày thống nhất trong sự giao lưu văn hóa thế giới, nhiều thứ chủ nghĩa lan vào văn hóa ta, có một phương cách sáng tạo thơ mà có nhà phê bình đã nhắc đến, đó là “trốn vào ngôn ngữ”, từ cái luận điểm “thế giới là văn bản” họ lái đến “thơ ca là ngôn ngữ”, ngôn ngữ là trên hết, tạo cái khác lạ, khó hiểu ở cách nói, ở ngôn ngữ, có vẻ như có chiều sâu suy cảm, thực ra đó chỉ là một thứ lãng mạn mới, thoát ly những mâu thuẩn khó khăn trong cuộc sống  trốn vào ma trận ngôn ngữ gây ảo giác cho người đọc! Vả lại hiện đại trong sự phát triển cúa các chương trình “trí thông minh nhân tạo” nếu chỉ thuần ghép chữ thì thơ của Chat GPT làm nhanh và khéo hơn chúng ta nhiều (!?)

Đối chiếu các chặng đường phát triển nghệ thuật thời gian qua cho thấy tác phẩm nào mà có tiếng vang, nhiều độc giả tìm đến, đều có gốc rễ từ việc luôn đề cập đến những vấn đề độc giả quan tâm, với một hình thức độc giả ưa thích, nó không hề vượt ra ngoài “tầm đón nhận” của công chúng.

Nói về ý nghĩa, sự ảnh hưởng của cái “mới”, “cái lạ” của ngôn ngữ nói riêng và các hình thức nghệ thuật nói chung, chúng tôi rất tâm đắc với câu nói được J.P. Sartre trích dẫn trong tác phẩm của mình: “Các từ là những khẩu súng đã nạp đạn. Nếu ông nói nó sẽ nổ. Ông có thể nín lặng, song bởi vì ông đã quyết định bắn cho nên đấy phải là một con người nhắm đích mà bắn chứ không phải là một đứa bé hú họa nhắm mắt mà bắn và chỉ để thích thú vì nghe tiếng nổ1

Các phương cách làm mới Thơ, các hình thức ngôn ngữ, suy cho cùng đó không nên là mục đích của thơ, đó chỉ là phương tiện, cái mục đích, cái cuối cùng của thơ, cái đích bắn là sự tác động vào tâm hồn người đọc là lý tưởng nhân văn với cái nhìn mới có tính phát hiện, tính sáng tạo vào cuộc sống, còn tiếng nổ – các kiểu  ngôn từ – có thể làm thích thú chốc lát nhưng đó không phải là cái đích của thơ ca. Đi tìm cái hay của Thơ nên chăng nghĩ về điều đó.

Hà Quảng  

_______

1. J.P.Sartre – Văn học là gì – NXB Hội Nhà văn 1999- Tr31

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây