Đi tìm ông tổ doanh nhân Việt Nam – Tác giả: Huỳnh Ngọc Trảng

Đi tìm ông tổ doanh nhân Việt Nam - Tác giả: Huỳnh Ngọc Trảng

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng.

1. Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 2-2003 (ngày 2-1-2003) tại trang 34, tòa soạn đưa ra ý định “góp phần tìm hiểu lịch sử hình thành lớp doanh nhân Việt Nam và tôn vinh những doanh nhân tiêu biểu, có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế đất nước đầu thế kỷ XX” qua mục “Doanh nhân Việt Nam trong lịch sử”. Đây là ý định rất hay, và hay hơn, cụ thể hơn là chương trình “Tạc tượng các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nửa đầu thế kỷ XX”. Theo chiều hướng này, tôi xin được đề xuất thêm việc xác lập một tổ nghề cho nghề làm ăn buôn bán của xứ ta mà xưa nay hầu như ít ai để ý.

Căn cứ theo lịch sử mà tính thì doanh nhân/thương nhân đầu tiên của xứ ta có lẽ là vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung – con gái của vua Hùng đời thứ III.

Tông tích và hành trạng của hai nhân vật này được văn bản hóa vào thế kỷ XV trong Lĩnh Nam chích quáiThiền Uyển tập anh dưới dạng một truyền thuyết về “Đầm một đêm/Nhất dạ trạch”. Truyện kể rằng, sau khi kết hôn với Chử Đồng Tử, Tiên Dung không dám trở về vì nghe vua Hùng không thuận việc mình lấy kẻ nghèo hèn làm chồng, “bèn cùng Chử Đồng Tử mở bến chợ, lập phố xá cùng dân buôn bán, dần dần thành cái chợ lớn, nay là chợ Thám, còn gọi là chợ Hà Lương (Châu Giang, Hải Hưng), bản khác ghi là chợ Hà Thạch. Phú thương ngoại quốc tới buôn bán, “thờ Tiên Dung, Đồng Tử làm chúa”. Sau đó có người lái buôn giàu nói rằng: “Qúi nhân bỏ một dật vàng ra ngoài biển mua vật quí, sang năm có thể thành mười dật. Tiên Dung cả mừng, bảo Đồng Tử: “Vợ chồng ta do trời tác thành, đồ ăn thức mặc do trời phú cho, nay hãy đem vàng cùng phú thương ra hải ngoại buôn bán”… Truyện kể rằng Chử Đồng Tử và Tiên Dung dong buồm về phía Nam buôn bán. Chử lưu lại núi Quỳnh Viên học đạo với nhà sư Ngưỡng Quang (Phật Quang) và giao vàng cho lái buôn mua hàng. Chử Đồng Tử đắc đạo, được thầy ban cho gậy phép và nón thiêng, rồi được lái buôn quay thuyền lại đón về.

2. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã thành lập một “khu kinh tế mở” hoạt động buôn bán làm ăn phát đạt, nhưng trái với thể chế chính thống của nhà nước Văn Lang coi ra còn rất bảo thủ nên về sau, bị vua cha cho rằng: “con gái làm loạn bèn đem quân tới đánh”. Trong chừng mực nào đó, khu “chợ lớn” của Tiên Dung và Chử Đồng Tử có phần vừa giống lại vừa khác với “trung tâm bán dưa hấu” của vợ chồng An Tiêm ở hòn đảo ngoài cửa biển huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Truyền thuyết kể rằng An Tiêm vốn là người ngoại quốc, khi lên bảy tám tuổi, được vua Hùng mua về làm nô bộc. Khi lớn lên, có diện mạo đoan chính, nhớ thuộc sự vật, vua ban tên cho là Mai Yến, hiệu là An Tiêm, lại ban cho người thiếp, sinh hạ được một trai một gái. Vua tin yêu, giao cho công việc, dần trở nên phú quí, bổng lộc rất nhiều. Sau Tiêm trở nên kiêu căng, ngạo mạn, thường nói rằng: “Đó là điều do tiền thân của ta, đâu phải ơn chúa”. Việc đến tai vua, vua đà An Tiêm ra ngoài cửa biển Nga Sơn bốn bề toàn cát và nước, không có vết chân người qua lại. An Tiêm đã nhờ chim trời giúp “chuyển đổi giống cây trồng” mà trở nên nhà cung cấp độc quyền thứ dưa hấu mới chất lượng “số một” cho các phường chài, phường buôn nên được khá giả. Vì An Tiêm chuyên doanh sản phẩm nông nghiệp và làm ăn theo lối “đổi dưa lấy lương thực”, được coi là chưa có gì trái với lệ thường nên về sau được vua “xuống chiếu gọi về cho phục chức cũ”.

3. Cũng là góp phần phát triển kinh tế mà anh con nuôi An Tiêm được vua được vua thưởng và ngược lại cô công chúa Tiên Dung cùng phò mã Chử lại bị vua cha ghét đến mức coi là thù địch là do cái cách kinh doanh khác nhau và có lẽ quan trọng hơn là do tầm nhìn văn xã của họ khác với vua Hùng đời thứ III.

Theo truyền thuyết Nhất dạ trạch thì: 1. Công chúa Tiên Dung đã có lối sống tự do phóng túng “không muốn lấy chồng, chỉ mải vui chơi, chu du khắp thiên hạ”; rồi lại “hạ mình lấy kẻ bần nhân” mà “không biết đến danh tiết, không màng đến của cải của ta”; 2. Quan trọng hơn là việc Chử Đồng Tử ra hải ngoại buôn bán lại tò vè học đạo của nhà sư Ngưỡng Quang/Phật Quang ở núi Quỳnh Viên. Đắc pháp và đem về xứ truyền bá; và 3. Cả hai phát tâm tu theo đạo mới, đi đến đâu dùng gậy và nón tạo ra lầu vàng, điện ngọc… làm vua Hùng phải lo lắng!

Cái đạo Phật mà Chử tu học là thứ đạo Phật Mật giáo (còn gọi là “đạo Phật quyền năng”), về sau dễ bị nhất hóa với Đạo giáo nên Chử được thế nhân đời sau xưng tụng là “Chử Đạo Tổ” và lập đền thờ ở nhiều nơi, tiêu biểu nhất là đền Đa Hòa và đền Dạ Trạch ở Hưng  Yên. Tuy nhiên, xét một cách nghiêm ngặt thì Chử đáng được coi là Phật tử Việt Nam đầu tiên. Nói chung, mở rộng giao thương luôn đồng nghĩa với việc mở rộng tầm kích của giao lưu văn hóa; theo đó, doanh nhân/thương nhân luôn là người đồng thời làm công việc “xuất nhập khẩu văn hóa” bên cạnh công việc chính là buôn bán của mình. Điều này đề ra yêu cầu có một định chế thoáng thì doanh nhân mới phát huy được năng lực của mình một cách linh động và sáng tạo.

4. Trở lại vấn đề chính của bài viết, qua những dữ liệu đã nêu, chúng ta thấy rằng việc truy tìm những tấm gương doanh nhân tiêu biểu cũng dẫn đến việc xác lập một “thần tượng” nghề nghiệp. Trong quá trình tìm hiểu về tín ngưỡng thờ thần Tài ở xứ ta, chúng tôi thấy rằng vị thần Tài được thờ tự là một vị thần ý niệm (tức không có lý lịch, không là nhân vật lịch sử/dã sử) được công nhận phổ biến trong người Việt vào đầu thế kỷ XX. Trước đó, vị thần tài lộc được đồng nhất với thần Đất/Thổ Địa trong suốt thời gian lịch sử lâu dài của xứ “Dĩ nông vi bản” và đến những năm đầu năm đầu thế kỷ XX, khi kinh tế hàng hóa phát tiển thì mới xuất hiện vị thần chuyên trách chuyện tiền bạc, việc kinh doanh buôn bán. Có điều đáng lưu ý là ông thần Tài này là phiên bản của vị thần “Thổ Địa phước đức chính thần” của người Hoa và dù chuyên trách việc tiền bạc, nhưng luôn được thờ bên cạnh Ông Địa bụng bự như là cặp đôi không thể tách rời được. Hiện tượng này phải chăng phản ánh thực tế của việc kinh doanh, làm ăn kiếm tiền ở túi ta mãi còn chủ vào ruộng đất.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây