Tác giả Lưu Trùng Dương

Lưu Trùng Dương

LƯU TRÙNG DƯƠNG (1930 – 2014)

Tên khai sinh: Lưu Quang Lũy. Bút danh khác: Trần Hướng Dương, Trần Thế Sự, Chiến Lũy… Sinh năm 1930 tại Hải Châu, Đà Nẵng. Một trong số ít nhà văn Khu 5 là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Phóng viên mặt trận, thư ký tòa soạn Báo Quân đội Nhân dân Liên khu 5. Phó trưởng Tiểu ban Văn nghệ bộ đội Liên khu 5, Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào. Biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Phó trưởng phòng phát thanh Quân Giải phóng miền Nam. Phó trưởng Tiểu ban Văn nghệ miền Nam Trung bộ thời kháng Pháp. Ủy viên thường vụ Hội Văn nghệ Giải phóng miền Trung Trung bộ. Phó chủ tịch, Bí thư Đảng Đoàn Hội Văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng. Chủ tịch Hội Văn nghệ TP. Đà Nẵng. TÁC PHẨM CHÍNH: Thơ: Tập thơ người lính (thơ), Cục Chính trị Quân khu 5, 1949. Những người đáng yêu nhất (thơ), NXB Văn học, 1960. Như hòn Non Nước (truyện thơ), NXB Thanh Niên, 1971. Người con gái Rạch Gầm (truyện thơ), NXB Phổ Thông, 1972. Nỗi nhớ màu xanh (thơ), NXB Văn nghệ Giải phóng Nam Trung bộ, 1975. Trên đỉnh Núi Thành ta hát (thơ), NXB Văn nghệ Quảng Nam-Đà Nẵng, 1985. Bài thơ tình về chim hải âu (thơ), NXB Văn nghệ Đà Nẵng, 1988. Thơ tặng anh bộ đội cụ Hồ (thơ), NXB Quân đội Nhân dân, 1990,1994, 2003. Bài ca người Đà Nẵng (Thơ), NXB Đà Nẵng, 2000. Tuyển tập thơ Lưu Trùng Dương (thơ), NXB Đà Nẵng. Lưu Trùng Dương (thơ với tuổi thơ), NXB Kim Đồng, 2003. Văn xuôi: Họ đi tìm thiên đường (tiểu thuyết), NXB Đà Nẵng, 2001. Con đường sắt vô hình (tiểu thuyết), NXB Lao Động, 2003. Bà chánh án mồ côi (truyện vừa), NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2003. Huyền thoại ở Đắkxing (truyện vừa), NXB Kim Đồng, 2003. Chết rồi lại sống (tiểu thuyết), NXB Quân đội Nhân dân, 2003… GIẢI THƯỞNG CHÍNH: Tập thơ người lính (thơ): Giải thưởng Văn học Phạm Văn Đồng (miền Nam Trung bộ). Bài thơ Dòng suối Lênin: Giải thưởng duy nhất về Thơ trong cuộc thi sáng tác chào mừng Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lênin do Đại sứ quán Liên Xô tổ chức. Bài ca người Đà Nẵng (thơ), 2001, Sống vì lý tưởng (ký sự), 2005: Hai Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Bản trường ca 40 năm: Giải thưởng Bộ Nội vụ, 1985; Tặng thưởng Bộ Quốc phòng về thành tích sáng tác văn học 5 năm (2004-2009); 2 Giải thưởng văn học UBND Quảng Nam-Đà Nẵng; 2 Giải thưởng văn học của UBND TP. Đà Nẵng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, 2012.

 

GỬI ĐÀ NNG THÂN YÊU GIỮA NGÀY BÃO TÁP

Lửa! Lửa cháy ngút trời Đà Nẵng.
Đêm nay Đà Nẵng đứng lên rồi!…
Hãy gầm lên, gầm lên nữa, pháo, pháo ơi!
Hãy quật nát
Lô cốt, nhà tù “diều hâu”, “quạ sắt”!
Hãy đập tan
những hang ổ hôi tanh, những sào huyệt bạo tàn!
Hãy quét sạch
lũ quỷ dữ đang ngập mặt lút đầu trong tội ác!
Ôi thuốc súng căm hờn từ lâu nén chặt
Trong lòng ta nay đã vụt bay lên!
Hãy nhằm cho trúng, hãy ngắm cho tin
Mỗi phát đạn mang thù nhà nợ nước.
Hỡi Ngũ Hành Sơn đang cùng ta tiến bước!
Hỡi sông Hàn đang cuộn sóng Bạch Đằng giang!
Lớp lớp xông lên thế trận trùng trùng
Ta vây chúng trong vòng vây lửa thép
Của chiến tranh nhân dân thiên thần vô địch
Của nghìn năm bất khuất
Của “đi đầu diệt Mỹ” đất trung kiên.
Xông lên! Xông lên! Thừa thắng xông lên!
“Đất đã sụp dưới chân bầy xâm lược
Trời đang ụp xuống đầu quân bán nước”(1)
Đà Nẵng ơi
Cơn bão lớn mong chờ nay đã đến!…
Từ buổi ra đi ta đã hẹn
Sẽ trở về giữa một ngày vui rợp bóng cờ bay
Hôm nay ta về với Thái Phiên đây
Thành phố quê hương ào ào bão táp
Ta trở về theo năm cánh sao bay
Làm ráng đỏ nhuộm trời xanh, biển biếc
Ta trở về trong niềm vui bất tuyệt
Nghe rừng dương hòa khúc hát tự do.
Ta trở về đây theo tiếng gọi trả thù
của em nhỏ Mân Quang, mẹ già Cẩm Lệ
của đường phố buổi “ly khai” ruột mềm máu chảy…
Hôm nay ta trở về đây
Cả miền Nam ào lên như sóng biển dâng đầy
Thành phố thân yêu từng giờ rung chuyển
già, trẻ gái, trai đều dàn trận tuyến
mỗi người dân thành một anh hùng.
Ôi ta ngỡ hồn ta là ngọn lửa bùng bùng
thiêu cháy kho dầu xăng Liên Chiểu.
Ta tưởng hóa thành trăm quả mìn kỳ diệu
đốt kho tàng Bàu Mạc ra tro…
ơi thành phố tuổi thơ
với mái tóc đương xanh
với khăn quàng phượng đỏ.
Ơi cửa biển nhớ thương
như trái tim ta đêm ngày sóng vỗ!
Đã nổi dậy rồi khí thế xung thiên!
Tiến công! Tiến công!
kèn xung phong đang giục giã vang rền
cả Đà Nẵng sôi lên trong ngày hội lớn!…

Đài Giải phóng, 31/1/1968

 

CỤ GIÀ BẢY MƯƠI TUỔI Ở HÒA SƠN

Cụ đã bảy mươi, ráng chi cho khổ,
Đập nước đắp xong rồi thì cụ có còn đâu?
Ừ, có thể… mùa gặt mới mai đây không có lão,
Nhưng, lão làm cho con cháu mai sau…

HỎI BIỂN

Không biết biển đã hòa bao nước mắt
Bao mồ hôi mà mặn chát dường kia?
Không biết sóng mấy nghìn đêm dằn vặt,
Mấy nghìn ngày trăn trở mà đầu bạc phơ phơ?…

Cửa biển Đà Nẵng, 1979

 

CÂY ĐÈN BIỂN

Dù mây phủ Sơn Trà
Cửa Hàn mờ sương lạnh
Dù sao buồn chẳng mọc
Trăng theo người đi xa

Dù biển sầm nét mặt
Hay lồng lộn cuồng điên
Dù mưa gào gió quất
Thúc sóng dữ chồm lên.

Ngọn đèn của trái tim
Phóng xa luồng ánh mắt
Như lưỡi gươm sáng quắc
Rạch nát tấm màn đêm.

Tưởng như cả muôn nghìn
Lân tinh trong nước biển
Đã cháy bừng ánh điện
Đã kết tụ thành đèn

Ôi ngọn đèn hy vọng
Hằng rọi sáng đêm đen
Người chiến sĩ không tên
Trên đầu ghềnh ngọn sóng!

Nhìn hải đăng sừng sững
Tôi bỗng nhớ Bác Hồ
Nhớ bao Người cách mạng
Đẹp như những ngọn cờ!

Tôi muốn hiến đời tôi
Làm một cây đèn biển
Trán ngẩng nhìn xa khơi
Tay dắt tàu cập bến.

Tôi mong sau khi chết
Bạn bè sẽ chôn tôi
Bên một cây đèn biển
Mang ánh sáng ngời ngời:

Để tấm lòng yêu thương
Được góp thêm tia sáng
Và bay cùng ánh sáng
Trên cửa biển soi đường…

Cửa biển Đà Nẵng, 1979

 

NÓI VỚI NGƯỜI YÊU

Anh yêu em vì sao không biết rõ
Chỉ biết yêu em anh thấy yêu đời
Như chim bay thở hít khí trời
Như ruộng lúa uống dòng nước ngọt
Em: hy vọng, em là mơ ước
Là niềm đau, nỗi khổ, nguồn vui
Trái tim anh ở trong ngực em rồi:
Tim không thể rời em mà sống được
Và nếu ta đầu thai sang kiếp khác
Anh chắc rằng anh sẽ lại yêu em.

Khi anh đứng canh cho Tổ quốc bình yên
Sung sướng thấy em gắn liền đất nước
Khi anh đổ mồ hôi tươi tốt đất
Vì ngày mai, anh hiểu cũng vì em.
Tâm hồn anh như lửa mới bùng lên,
Trán thêm rộng, tay thêm dài thêm vững…
Anh yêu em như yêu sự sống,
Không băn khoăn em đẹp ít hay nhiều.
Vì lẽ giản đơn: từ buổi anh yêu,
Trong mộng, trong đời em đều đẹp nhất.
Anh không chỉ yêu trời xanh trong mắt
Mà còn yêu nắng rám trên tay
Như hằng yêu vết sẹo dưới lông mày,
Như vẫn thích nếp cằm dài bướng bỉnh.

Cũng như em, yêu không hề suy tính,
Cũng như em, anh chỉ có tấm lòng.
Ta còn nghèo, nhưng làm chủ núi sông
Đời vốn đẹp vì nỗi đau sinh nở.
Anh chưa thể mua một món quà rất nhỏ.
Song có thể cho em khối óc, bàn tay.
Với tình yêu, ta sẽ dựng lâu đài
Cây hạnh phúc tưới mồ hôi sẽ lớn…

Em, em ơi, trên đường dài lý tưởng,
Ta cầm tay nhau: vui sướng nào hơn
Dù anh hay em ngã xuống nửa đường.
Trong tim bạn ta vẫn cùng đi tới!
Dẫu cái chết không chia lìa ta nổi…

Hà Nội, ngày cưới, 9/1/1961

 

CHUYỆN TÌNH CHIM HẢI ÂU

Ngày xưa,
trên một hòn cù lao xanh biếc
Có hai người trẻ tuổi yêu nhau.
Người con gái có làn da trắng tuyết,
Môi hồng tươi như một đóa anh đào.
Và chài lưới rèn cánh tay gang thép,
Hồn chàng trai đẹp biển rộng trời cao.

Họ yêu nhau, thề sống chết cùng nhau,
Có biển nọ, có đất này chứng giám:
“Dù muối biển một ngày kia không mặn;
Hương sắc tình ta mãi mãi đậm đà.
Dù trời yên hay biển nổi phong ba,
Ta vẫn bên nhau như buồm với lái…”

Thương hạt móc đậu trên cành run rẩy
Thương ngày vui của họ quá mong manh
Bão đến rồi:
Những quyền lực hôi tanh
Bắt nàng phải đem thân hầu chúa đất.
Nhưng tình yêu không cúi đầu khuất phục
Chàng trai mang mối tình hận ra đi.
Và cánh buồm chàng theo bóng mây bay…
Người con gái cũng xuống thuyền vượt biển;
Đi, đi mãi không tính bờ nhớ bến
Đi, đi hoài tìm chẳng thấy người thương
Lúc xuôi tay, hồn nàng đọng lại trên buồm.
Thuyền chìm xuống, trong nắng chiều hấp hối,
Một cánh chim như cánh buồm hằng mong đợi
Bỗng chập chờn như hiện giữa chiêm bao
“Nàng đã hóa thành chim hải âu
Bay tìm ai trên sóng bạc đầu!…”
Người thủy thủ trầm ngâm nghe chuyện kể
Xót thương người con gái hóa thành chim:
“Ờ, ngày xưa họ cũng giống như mình,
Họ đã yêu nhau chung tình biết mấy,
Nhưng thuở ấy cuộc đời đầy ngang trái,
Đè nặng tình yêu trăm thứ gông xiềng…”
Một ánh mặt trời trong mắt lóe lên,
Lòng thủy thủ bỗng chan hòa nắng ấm.
Anh muốn nhắn ai qua làn gió mặn:
“Em ơi, bây giờ ta yêu nhau,
Em sẽ không thành chim hải âu
Cánh đau khổ vật vờ trên sóng lớn.
Nếu thành chim, ta sẽ thành chim phượng
Với chim hoàng bay trọn kiếp bên nhau,
Hay đôi ta sẽ chắp cánh bồ câu
Thêu chữ trắng trên nền trời mơ ước
Ca hát những tình duyên không trói buộc
Không đọa đày của thế hệ chúng ta…

Khi ráng trời hồng nhuộm cánh chim xa
Người thủy thủ thấy tình yêu mọc cánh.

 

HÁT TIẾP BÀI CA TÌNH NGUYỆN

1.
Người-đi-trước hát bài ca Tình nguyện
Át cả tiếng bom rung dội chiến trường
Ta hát tiếp bài ca Tình nguyện:
Giặc lui rồi – trận đánh mới sang trang…

2.
Người-đi-trước đã vì ta đổ máu,
Đất ta cày nhức nhối vết đạn bom.
Công trường lớn sáng chân trời đã mở,
Bên tượng đài liệt sĩ ta dựng những ngôi trường.

3.
Người-đi-trước, trái tim làm thuốc nổ
Lồng ngực yêu đời bịt lỗ châu mai,
Để ta vươn tới bầu trời tri thức
Đem khối óc, bàn tay làm đẹp cuộc đời.

4.
Người-đi-trước đã vì ta mở lối
Đường Trường Sơn hai thế kỷ băng qua,
Đường lý tưởng ấm tình đồng đội,
Trong gian lao – hạnh phúc cất lời ca…

5.
Ta tình nguyện xin làm thêm tia nắng
Nơi hang sâu khao khát ánh mặt trời,
Xin làm thêm dòng nước ngọt buồn vui
Tưới mát những cánh đồng nghìn năm đói khát!…

6.
“Trời Tổ quốc nơi nào cũng đẹp,
Đất quê hương đâu cũng ân tình,
Ta sẽ đến nơi đâu cuộc đời ta cần nhất
Góp tình yêu xây dựng những công trình!…”.

 

LỜI CON ĐƯỜNG MỚI MỞ

Khác nào đứa trẻ được đặt tên
Từ buổi còn nằm trong bụng mẹ,
Tôi không chỉ có tên
Mà còn có cả hình hài – cơ thể
Có trái tim đầy ắp bao gửi gắm, tâm tình
Cả những tính toán so đo nay đã biết quên mình,
Biết san lấp những hầm hố ngổn ngang, bụi bờ lẩn khuất,
Để đường thêm quang đãng, rộng thênh thang!
Như cái bào thai, con đường mới đã tượng hình
Trong lòng mẹ, chắt chiu dòng sữa ngọt…
Ơi thành phố mọc lên từ biển cát
Xem lẫn hố bom, bãi rác, ao bèo!
Thương làm sao những mái tôn nghèo,
Ngõ hẹp nắng nung, thèm làn gió mát!
Biển rộng thế mà đời sao quá chật?
Trời cao trên hẽm nhỏ vẫn khao khát bao la?
Và mắt nhìn có vươn tới tầm xa
Khi quanh quẩn giữa lối mòn tù túng,
Chân trời mới chỉ còn xanh trong mộng?
Xin cảm ơn
Những bà mẹ giao mảnh đất chôn nhau
cho con cháu
mở đường!
những túp lều chật hẹp
biết đổi đời làm đẹp không gian!
Xin cảm ơn
Những bàn tay khối óc
dám xông vào bão táp
để mở những con đường
vượt đói nghèo, tăm tối –
những con đường sáng láng, yêu thương!
cho thành phố quê hương
vừa từng buổi lớn lên
vừa ngày thêm trẻ lại!

2002

 

CHÁU VỀ QUÊ NỘI

(Thay lời Lưu Quang Vũ, cháu tôi)

Khi cháu chào đời
Ngót mười năm bà đã về với đất…

Cháu chưa được về làng quê đẫm mình trên bãi cát
Chưa một lần được tắm giữa dòng sông
Chỉ thấy bờ bên lở mà chẳng thấy bên bồi…

Mùa lũ nước mênh mông, khoai lúa phụ công người,
Cháu không được cùng bà chia củ sắn.
Bà lấy nước ở đâu, khi dòng sông đục ngầu bọt trắng?
Đến nước giếng thơi cũng không còn vị ngọt
đồng quê…
Ôi nhớ hồi bom Mỹ thiêu rụi những hàng tre,
Cháu nghĩ thương bà vẫn còn đau cả khi nằm
dưới mộ!..
Giữa Hà Nội, đang đi trên đường phố
bỗng nhớ thương da diết núm ruột mình
đang chảy máu ở miền Trung!
thương con đường bà đi mịt mù bụi trắng, gánh
nặng vai gầy, cát níu bàn chân!…
Xuân đẹp nhất là mùa xuân cháu được về quê nội,
ngày đầu tiên đi thăm mộ bà
lòng rưng rưng mắt bỗng ướt nhòa
cảm thấy tay bà xoa trên tóc rối…

Cháu đâu biết mấy năm sau
cháu được vĩnh viễn trở về
trong vòng tay quê nội
hóa thân thành một con đường
chở những mùa vui băng qua cát cháy …
Con đường đẹp một dòng sông tươi trẻ
Tưới mát lòng người bền bỉ, thủy chung.
Ơi Hòa Quý kiên trung! Ơi Hòa Hải anh hùng!
Đường đất nước dài bao mong đợi
có đường về quê nội trăn trở suốt đời con
mà đi mãi bây giờ con mới tới!
Để buổi hồi sinh
con đường mới là thịt xương, là tâm hồn con đó
đã hòa quyện trong mạch đất, khí trời!…

Đà Nẵng, 2003

 

GIỮA QUÊ HƯƠNG BÁC

Nước sông Lam đêm ngày không cạn,
Đỉnh non Hồng ngẩng trán ngày đêm,
Vàng cam ngọt, đỏ mía mềm,
Con đi… quê Bác còn in trong lòng.
Con đi trăm núi ngàn sông.
Trăm thương ngàn nhớ cánh đồng Kim Liên…

Con đã đến bên thềm nhà cũ,
Nơi Bác từng thuở nhỏ vui chơi.
Trông vườn cây lá xanh tươi
Tưởng nghe giọng nói, tiếng cười đâu đây.
Chắc Bác đã sân này đếm bước.
Nuôi trong hồn mơ ước lớn lao
– Núi Hồng ơi, núi rất cao,
Lòng ta yêu núi còn cao hơn nhiều.
Chắc buổi ấy chiều chiều tư lự?
Bác hiểu dân nước khổ vì đâu.
Bác nhìn cành trúc, ngọn cau
Không làm nô lệ, cúi đầu đau thương…
Con đã đến bên bàn Bác học,
Chắc nơi này buổi trước đêm đêm,
Bác thường đọc sách chong đèn,
Đĩa dầu vơi, Bác rót thêm, lại đầy…
Và trên chiếc giường này Bác nghỉ,
Trong giấc mơ tuổi trẻ diệu kỳ
Chắc là Bác thấy mình đi
Khắp năm châu một vùng quê trong hồn…

Con đã đọc bao dòng chữ ký
Trong sổ vàng khách quý đến thăm
Mái tranh nho nhỏ thanh bần
Mà sao yêu quý bốn phương tụ về?
Nghìn chữ ký nghìn quê hương khác
Vui quây quần gọi Bác bằng Cha.
– Bác ơi, lòng Bác bao la.
Nên màu da khác vẫn là cháu con!…

Con đi giữa vườn cam, bãi mía
Yêu Bác Hồ, yêu cả cỏ cây
Cảm ơn thay mảnh đất này
Đã sinh dưỡng Bác giữa ngày âm u
Đã giục Bác giã từ quê nhỏ
Vì quê chung đau khổ lớn hơn…

Con yêu Hồng Lĩnh, Lam giang
Như yêu đất nước Việt Nam anh hùng
Đã có một người công dân lớn
Đem óc tim giải phóng loài người.
Con yêu quá, Bác Hồ ơi!
Giữa quê hương Bác thấy trời quê hương!…

Kim Liên, mùa hè 1959

 

HÒA VANG

Hòa Vang lòng rộng đất nghèo
Có chùa Non Nước ngóng đèo Hải Vân.
Lòng ta tuy cách mà gần,
Nhớ rừng Tây Bắc, làng Mân anh hùng,
Nhớ người cán bộ khu Đông
Một chiều sóng gió qua sông treo cờ
Nhớ vùng tạm chiếm bơ vơ
Trăm đau nghìn khổ vẫn thờ giang san…
Nơi đâu son phấn, bạc vàng
Có thương rau cháo Hòa Vang chăng là?…

Đêm nay có chuyến tàu ra
Chở cùng thương xót một toa gạo đầy…

Tuần lễ giúp vùng tạm chiếm
Quảng Nam – Đà Nẵng, Liên khu 5, 1945

 

MỒ MẸ

Má ơi!
Má chết mười năm rồi, má hỡi!
Lòng con hằng chới với nhớ thương…
Chiều im tiếng súng chiến trường
Xót đời má khổ, lại thương mộ sầu.
Má ơi! Mồ má nơi đâu?
Cỏ không còn biếc, hương nào còn thơm!
Con tưởng thấy những vùng lửa cháy,
Má nằm đâu? Máu chảy băng gò…
Con nghe xe, ngựa quân thù
Xéo lên trên cánh đồng khô má nằm.
Trời ơi! bánh sắt rầm rầm
Giày tan bia trắng, san bằng đất nâu…
Má ơi! Má có hờn đau
Giữa vùng tạm chiếm căm thù chứa chan?
Con từ vác súng lên đường
Bốn năm chưa được ngồi thương bên mồ.
Đêm nào trên đất tự do,
Con tìm hướng má làm thơ chiêu hồn…
Lũ giặc trong đồn
Có đi ngang mồ má?
Những loài trâu ngựa
Có bén mảng nơi má nằm?…
Con còn nhớ mười năm về trước
Má gác chân lên nước sông Hàn,
Gối đầu lên dải Trường Sơn,
Hai tay ấp ủ xóm thôn quê nhà
Tên con khắc bia ngà, chữ đỏ
Nước mắt con đã nhỏ ấm mồ.
Con làm biết mấy bài thơ,
Công ơn của má con chưa đáp đền
Cho đến buổi con tìm Cách mạng,
Đảng cho con ánh sáng mặt trời,
Dạy con yêu nước, thương nòi,
Dạy con thương mẹ gấp mười gấp trăm,
Đường chiến đấu vinh quang con bước,
Thương nấm mồ chưa được yên vui
Xưa kia má khổ nhiều rồi,
Bây giờ má chết cuộc đời còn đau!
Con nghe tiếng đồng bào tạm chiếm,
Tiếng quê hương và tiếng nấm mồ.
Nỗi niềm người sống mong chờ
Mà người chết cũng mong chờ, khác chi
Con sẽ trở về
Quê hương giải phóng,
Trời cao, đất rộng
Sạch bóng quân thù,
Con sẽ xây mồ
Nghìn thu má nghỉ
Con diệt loài ác quỷ
Giành mảnh đất thân thương
Để cờ đỏ sao vàng
Tỏa vừng hồng trên mộ..
Má, Má ơi! Má chờ con nghe má!
Con trở về đây, con trở về đây!
Con trở về đêm, con trở về ngày,
Con đốt cháy thời gian,
Con vượt núi băng ngàn,
Về bên khúc ruột vô vàn nhớ thương!
Má, Má ơi! Má chờ con, nghe má!…

Năm 1949

 

BIỂN LÀ QUÊ HƯƠNG

Người chiến sĩ hải quân
Chỉ một ngày xa biển
Đã nhớ biển nhiều như nhớ quê hương.

Anh hằng mang gió biển trong hồn
Trên vai rộng khăn quàng là sóng biển.
Trong mắt người yêu biển về xao xuyến
Trên mình trời sắc biển cũng vương vương,
Biển không rời người chiến sĩ hải quân
Xưa say sóng nay lên bờ say đất.

Anh yêu biển, những ngày đen tối nhất
Biển vẫn không hoen một vết bùn nhơ.
Đêm liền đêm đưa sóng vỗ bờ
Biển nhắc nhở nỗi nhà tan nước mất.
Càng yêu biển vì những ngày chia cắt
Biển vẫn không hề đứt mạch yêu thương.
Nước triều dâng và gió thổi căng buồm,
Nước với gió không dừng trên giới tuyến.
Lòng anh ghé theo chiếc thuyền cập bến
Chở con tôm vàng, con cá bạc tươi ngon
Như tàu anh quyến luyến những cánh buồm,
Như cánh hải âu bay tìm thủy thủ…
Anh quý cả những con tàu tứ xứ
Biết kéo cờ chào hải phận Việt Nam.
(Hạm thuyền anh vẫy năm cánh Sao Vàng
Thay mặt quê hương đường hoàng đáp lễ).
Anh thương ngọn hải đăng, thương hòn đảo lẻ
Cùng bạn bè anh không ngủ đêm đêm
Lòng anh như một hải cảng chong đèn:
Cửa mở quê hương nhìn ra bát ngát…

Ôi, yêu biển vì mồ hôi, nước mắt
Đã hòa trong muối mặn tự bao đời.
Quê hương ta không chỉ đất trời,
Quê hương ấy còn là biển rộng…

Mỗi bình minh khi ánh sáng trời sao
Góp thành đóa sao cờ trên đỉnh cột,
Người chiến sĩ hải quân đứng chào Tổ quốc
Trên boong tàu, càng yêu biển, biển ơi!
Lồng lộng chân trời,
Biển gọi ra khơi

Mùa xuân 1960

 

CON TÀU MANG TÂM HỒN ĐÀ NẴNG

(Tặng quê hương Đà Nẵng và quê hương kết nghĩa
Hải Phòng nơi đã làm ra chiếc tàu Đà Nẵng)

Tôi sống lại và mang tên “Đà Nẵng”
Sau hai mươi năm chìm dưới sông sâu…

*

Nằm im nghe sóng vỗ trên đầu
Tôi không thể đành lòng nhắm mắt.
Cơ thể dần mòn tan theo rỉ sắt
Từng tế bào theo nước cuốn trôi xuôi
Nhưng lòng tôi vẫn gắn với cuộc đời
Tha thiết sống, tôi còn tha thiết sống!
Mấy con cá bên mình tôi bơi lượn
Không đủ khuây niềm nhớ cánh hải âu
Những rong rêu xanh xám nhạt màu
Không thay nổi nắng vàng mây bạc.
Có tiếng vọng xa khơi rào rạt
Gọi tôi về lướt sóng ra đi,
Có tiếng thông reo trên bến rầm rì
Rủ tôi ghé thăm hòn đảo vắng.
Tôi còn khát khao nối tình hải cảng
Chở người thân đi khắp bến quê hương
Tôi còn say mê cuộc sống can trường
Người thủy thủ hồn như biển lớn.
Tha thiết sống, tôi còn tha thiết sống
Dưới đáy sông sâu tôi vẫn gắn với cuộc đời
Người thợ Hải Phòng rất mến thân ơi!
Thương Đà Nẵng quê hương kết nghĩa
Thương Đà Nẵng bến tàu buồn lạnh quá
Đau niềm đau mẹ cách xa con
Đau niềm đau sẻ bến chia dòng
Anh đã dìu tôi trôi lên mặt nước
Đưa tôi thoát khỏi ngàn nanh vuốt
Của rỉ han, mục nát thời gian
Trả cho tôi sự sống quý vô vàn
Sự sống ấy mang tâm hồn Đà Nẵng
Cho tôi được lại làm người chuyển vận
Những con người lao động, yêu thương
Những niềm vui khi muôn dặm tương phùng
Những tâm sự như hơi người nồng ấm…

*

Tôi sẽ đến, tôi sẽ về Đà Nẵng
Mang tình yêu chung thủy Hải Phòng
Rúc hồi còi náo nức biển Đông
Để chào hỏi anh em bè bạn
Đang ứa lệ mừng vui trên bến cảng

*

Tôi là con tàu mang tâm hồn Đà Nẵng
Quê hương ơi, tôi một hướng quay về…

Mùa xuân 1961

 

THƠ BAY KHẮP ĐỈNH TRƯỜNG SƠN

(Tặng chiến sĩ mở đường Trường Sơn, tác giả vô danh của những vần thơ
đã làm đẹp thêm con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.)

Ta đi suốt dải Trường Sơn
Lòng rung theo nhịp những vần thơ ai?
Núi sông muôn dặm đường dài
Mà thơ ai cũng trải dài núi sông…
Thơ in vách đá chập chùng
Thơ treo đỉnh dốc bềnh bồng mây trôi
Như cây, thơ mọc lưng đồi,
Như hoa, thơ nở bên chồi phong lan.
Nhịp cầu ai mới bắc sang,
Người đi thơ cũng sang ngang với người.
Sườn đèo màu đất đỏ tươi,
Thơ in chữ tím mưa rơi không mờ.
Màu nâu cây dẻ, cây chò,
Chữ huyền đậm nét cho thơ gieo vần…
Thơ bay khắp đỉnh Trường Sơn
Tưởng như thơ với con đường sinh đôi.
Ơi người xẻ núi san đồi:
Thơ anh nâng bước cho người đi xa!
Mở đường là bản trường ca,
Câu thơ chiến sĩ là hoa trên đường…

Trên đường Trường Sơn, mùa xuân 1973

 

TRẬN ĐÁNH MỘT TRĂM MƯỜI BẢY NĂM

Sau trận đánh Một trăm mười bảy năm
Sáng xuân nay ta về Đà Nẵng
Kìa, sau cuộc hồi sinh
Thành phố thanh xuân hồng hào trong ánh nắng
Từ nay càng trẻ đẹp bội phần.
Đà Nẵng của ta ơi!
Vốn sơ sinh là mấy xóm dân chài
Cuộc sống bồng bềnh theo con nước hôm mai
Đời vất vả nhưng tâm hồn thênh thang như gió biển
Tự hào bấy!
Hơn trăm năm giặc đến
Mà mảnh đất này không chịu kiếp ngựa trâu
Như Hoàng Diệu, Thái Phiên không chịu cúi đầu
Đàn con cháu không cam tâm bán nước
Dẫu vua chúa ươn hèn quỳ “nhượng” đất
Chúng không thể nào đem “nhượng” lòng dân
Đà Nẵng anh hùng
Đà Nẵng bền gan
Đã chống giặc Một trăm mười bảy năm ròng rã…
Ôi trận đánh Một trăm mười bảy năm ròng rã…
Đến hôm nay trời biển đã về ta!
Hỡi cát trắng Mỹ Khê, hỡi núi biếc Sơn Trà
Hỡi con sóng mấy nghìn đêm trằn trọc
Hỡi viên đá in hình bóng mây bay
trên hòn Non Nước
Và rừng dương tuổi nhỏ, và hoa phượng học trò
Hãy nổi dậy cùng ta!
Hãy cùng ta nổ súng!
Hãy cùng ta lên đỉnh cao nhìn xuống lũ quân thù
Đang tháo chạy tơi bời, hoảng loạn!…
Từ hai bàn tay trắng
Từ những trái mù u
Từ chân đất, gậy tầm vông ta làm nên chiến thắng
Cuộc hành quân vĩ đại lạ lùng!
Trong trận đánh Một trăm mười bảy năm ròng
Những loạt pháo đầu tiên là của quân cướp nước
Của chúng ta những loạt pháo sau cùng,
Những loạt pháo giữ nhà, cứu nước
Ôi nức lòng hả dạ biết bao nhiêu!
Ta nhớ vô vàn bà mẹ quê hương
Buổi sum vầy nước mắt bỗng rưng rưng
Mẹ nói với con trong đoàn quân Giải phóng:
– Các con đi tới đâu
Cờ mọc ra tới đó
Bởi từ giữa thẳm sâu
Trái tim mẹ vẫn âm thầm nuôi ngọn lửa
Trong đêm dài sáng mãi ánh cờ sao
– Mẹ ơi, cờ mọc ra từ trái tim mẹ đó!

30/3/1975

 

BÀI CA NGƯỜI ĐÀ NẴNG

Ta đi trên đường Đà Nẵng
Tóc bay gió núi Sơn Trà
Ta ngẩng nhìn ra biển lớn
Hồn nghe sóng vỗ khơi xa…

Ta đi người người lớp lớp
Cờ bay sáng Hải Vân quan
Hiên ngang như hòn Non Nước
Vững bền như dải Trường Sơn.

Ta đi như nước sông Hàn
Mải miết tìm đường ra biển
Trải bao bão lũ phũ phàng
Lòng càng trong sáng như gương

Trăm năm nước mất nhà tan
Son sắt lòng dân không mất.
Những ngày ta đi đánh giặc
Tự hào hai tiếng Quê Hương…

Nhớ đường Hoàng Diệu, Thái Phiên
Nhớ mùa chống xâu, chống thuế
Nhớ ngày ly khai, nổi dậy
Rồi Xuân 68 sấm rền…

Càng yêu những người ra trận
Khắc lên báng súng lời thơ
Càng yêu những tà áo trắng
Xuống đường giữ lấy ước mơ.

Tuổi xuân ta là anh Trỗi
Tâm hồn như ánh kim cương.
Ngời sáng mặt trời lý tưởng
Là ngàn dũng sĩ Hành Sơn.

Một trăm mười bảy năm trời
Ta đã làm nên chiến thắng
Xuân nay ta về Đà Nẵng
Nghe từng con sóng reo vui…

Ta sẽ giữ gìn Đà Nẵng
Hơn gìn giữ chính đời ta.
Ta sẽ dựng xây Đà Nẵng
Một thành phố biển nguy nga!…

Đà Nẵng, 4/5/1975

 

KHÚC CA MỚI NGƯỜI VÙNG BIỂN

Chào bến cá, ta ra khơi nhé
Biển đang chờ, đất mẹ đang mong.
Ra khơi! Đời sắp hừng đông!
Ra khơi! Đón mặt trời hồng trước tiên!…

Ơi người bạn vừa quen vừa lạ
Như lòng ta biển cả mênh mông
Quê hương đâu chỉ ruộng đồng,
Quê hương còn có núi rừng, biển khơi.
Biển bát ngát chân trời hy vọng,
Biển: kho vàng hào phóng của ta,
Biển cho hột muối đậm đà,
Cá, tôm là trái, là hoa ngọt ngào…
Thuở người còn kiếp ngựa trâu,
Mồ hôi, nước mắt biển sâu khôn dò…
Bây giờ biển đã tự do
Xa khơi mà vẫn bến bờ quê hương
Như người thợ mến thương xưởng máy
Như nông dân yêu quý ruộng vườn
Ta ôm biển cả trong lòng,
Nhớ ngầm đá hiểm, thuộc dòng đẳng sâu.
Như người yêu biết tính nhau,
Ta nhìn mặt biển hiểu bao tâm tình:
Ở đâu bầy mực rập rình
Ở đâu đàn cá đợi mình đến thăm
Dẫu trời mù mịt sương giăng
Máy tầm ngư đó vừng trăng bạn cùng…

– Bạn ơi, thương bạn quá chừng,
Mỗi vàng lưới đó có công bao người?
Phải chăng trong ngọn đèn soi
Có thêm ngọn lửa hồn ai góp vào?
Đất liền thì nhớ cù lao,
Lên bờ lại nhớ con tàu khơi xa…

Chào bến cá, ta ra khơi nhé,
Buổi tàu về, cá sẽ đầy khoang!
Lòng ta một hướng địa bàn,
Trái tim thắp ngọn hải đăng sáng hoài!…

Bờ biển Quảng Nam – Đà Nẵng tháng 3/1977

 

GIỚI THIỆU CẢNG ĐÀ NẴNG

Bến cảng quê tôi
có chiều sâu của biển, của trời,
một phối cảnh hài hòa như hẹn trước
giữa thiên nhiên và trí tuệ con người,
để chờ đón những con tàu viễn dương trăm xứ sở…
Như hình ảnh đáng yêu
một Thái Bình Dương thu nhỏ,
như chiếc nôi đằm thắm
ru đưa bao thế hệ tàu thuyền…
Bến cảng quê tôi
có chiều cao của đỉnh núi lưng trời
soi đáy nước những Sơn Trà, Hải Vân hùng vĩ,
sừng sững bức tượng đài
như người lính đứng canh
đêm ngày không nghỉ
vì những con tàu
ngăn bão dữ, cuồng phong…
Bến cảng quê tôi
liền khúc ruột một dòng sông
tên thì lạnh mà lòng thì rất ấm,
qua gành thác hiểm nghèo, qua đạn lửa gian truân,
bốn mùa vẫn trông xanh như ngọc biếc.
Một cửa biển có cuộc đời tuyệt đẹp
được nuôi bằng mồ hôi và máu những anh hùng
như cuộc đời của chính Nhân Dân!
Nơi lịch sử đã chọn làm điểm tựa
để mở đầu và tiếp nối những kỳ công…

Nhưng, đáng yêu hơn tất cả:
Bến cảng quê tôi có tấm lòng rộng mở
như vốn vậy, biển thênh thang lộng gió
Với tất cả rộng dài, đắm say muôn thuở,
như tấm lòng của mỗi người dân,
dẫu chưa giàu biết sẻ áo nhường cơm,
biết quý trọng bao tấm lòng bè bạn…

Đà Nẵng, 1977

 

GIỮA CÔNG VIÊN 29/3

…Nhà thơ ơi, dạo bước giữa vườn cây
Anh có gặp mùa xuân vừa đến sớm?
Đôi mắt anh dẫu chan hòa nắng ấm
Sao vẫn chưa in màu lộc biếc, chồi xanh?
Và trái tim anh dù đỏ thắm ân tình
Sao chưa biết nâng niu những gì đẹp nhất?
Cũng là sứ giả của mùa Xuân, anh có phần đáng trách.
Đi giữa mùa vui anh đã chóng quên rồi!

Đất dưới chân anh, đất đau thương, đất anh hùng,
vẫn là đất ấy thôi…
Nhưng đống rác cũ dưới bồn hoa không còn mùi ô uế.
Đáng lẽ anh càng yêu càng quý
Cái công viên năm trước chỉ là một đống rác
khổng lồ,
Bây giờ thành một vườn hoa
Dẫu chưa đẹp vẫn tràn đầy xuân sắc.
Kìa vòng đu quay, nơi trẻ nhỏ đông vui như rạp hát,
(Ngỡ như mới hôm qua, có thể nào quên
Đấy là bãi dây thép gai rình rập bom mìn)
Sân chơi ấy phải chăng là vô giá?
Có thể trách vườn xuân sao tiếng chim ít quá,
Sao vẫn còn nhiều cỏ dại, cành gai?
Song anh đừng quên: khác hẳn với hoa hồng,
cỏ dại sống rất dai,
Và không phải con chim nào cũng hót vui ríu rít.
Vẫn có loài cỏ độc chôn hoài mà chưa chết,
Vẫn có loài chim không biết hót bao giờ…
Mảnh đất này sẽ nhớ mãi nhà thơ
Từng đến nơi đây lấp hố rác, trồng hoa, xây hồ
nuôi cá…
Mỗi giọt mồ hôi cũng để thương để nhớ
Như máu xương, như nước mắt, như nghĩa tình
Đã gắn người với đất, phải không anh?…
…Như thế đấy, nhà thơ ơi, anh có biết:
Được ngắm hoa: đã có phần hạnh phúc,
Được trồng hoa: hạnh phúc lớn hơn…

Đà Nẵng, đầu năm 1983

 

ĐIỆP KHÚC SÔNG HÀN

Cửa sổ nhà em soi bóng sông Hàn
Tiếng sóng vỗ dạt dào như nỗi nhớ
Trường anh học dẫu không cùng một phố
Vẫn chung màu phượng đỏ với trường em…

Ngỡ phải xa nhau trong tiếng súng rền,
Ta lại gặp nhau trên đường kháng chiến.
Thành phố nhớ thương trong ta hiển hiện
Là nấm mồ của mẹ trong ánh lửa sông Hàn.

Và cô nữ sinh mới gặp gỡ đôi lần
Sao đã thấy thương thầm anh bộ đội?
Hai tiếng Quê Hương khiến chúng mình gần gũi
Như điệp khúc sông Hàn hát mãi với hồn ta…

Khi đến với sông Hồng ta bỗng nhận ra nhau,
Ơi sóng biếc sông Hàn trong mắt em buổi đó!
Anh nắm tay em: nắm cả mùa hè rực rỡ
Bên Hồ Tây – màu phượng đỏ bỗng rưng rưng.

Ta có nhau rồi: đời bỗng đẹp hơn!
Trời lồng lộng một màu xanh hy vọng!
Anh náo nức đi xa, làm thơ và cầm súng,
Như bức tranh em vẽ màu sắc rất hồn nhiên.

Thơ anh ngân trong gió núi mưa ngàn
Nghìn dặm hành quân những năm đánh Mỹ
Giữa rừng Lào được tin em sắp đẻ,
Viết cho em trong ánh lửa chiến trường
Con ba tháng, anh lại vào đường Chín,
Em sơ tán về đâu – tay dắt tay bồng?
Trong chiến thắng có lòng em trọn vẹn
Rừng Khe Sanh thương nhớ hóa mênh mông!…

Khi Hà Nội thành Điện Biên rực lửa
Ta lại cùng chia sẻ mọi gian nan
Đêm đứng ngắm pháo đài bay bốc cháy
Thấy tình yêu ta góp ánh hào quang…

Nhớ những ngày đói cơm, thiếu muối giữa Trừờng Sơn
Mùa đông lạnh băng mình qua suối lũ…
Vẫn nghĩ thương em bội phần gian khổ:
Em một mình nuôi dạy cả hai con!

Nhớ những ngày xa Tổ quốc vời vợi chờ mong!
Nhớ những lúc anh đau, em ngồi canh giấc ngủ
Anh như sống trong mơ, anh tưởng mình đang thở
Bằng hơi thở của em, lồng ngực của em…

Xa cách mấy mươi năm, ta về với sông Hàn
Trời quê hương vẫn xanh như thuở nhỏ
Ta lại sánh vai nhau trên bến Bạch Đằng
Và phượng đỏ, như trái tim ta, mỗi mùa thêm
thắm đỏ…

Bờ sông Hàn, ngày 9/1/1986

 

ĐÀ NẴNG CÓ NHIỀU HOA HƠN TRƯỚC

Có phải vì chúng mình yêu nhau
nên Đà Nẵng có nhiều hoa hơn trước?…

Dọc bờ sông Hàn
anh sánh vai em
đi giữa bao niềm vất vả, lo toan,
vẫn gặp những màu hoa thắm thiết của quê hương,
những màu tím nhớ mong, những màu hồng hy vọng…
Những nụ hoa trong trắng
mọc lên từ rác bẩn,
những bông hoa hàm tiếu, như nụ cười chúm chím
còn e ấp, ngượng ngùng
Và những đóa hướng dương
như những đóa mặt trời nho nhỏ
đang tỏa nắng trên đường.
Qua cầu anh Trỗi
anh sánh vai em
Gặp những ni cô đang hướng tới cõi Niết bàn,
trân trọng nâng niu những búp sen hồng,
những nhành huệ trắng…
Gặp những bà sơ đang hướng tới thiên đường,
chở trên xe những vườn hoa thu nhỏ
mà hương thơm thơm đến ngỡ ngàng…
Hoa! Ô kìa, hoa!
Em có thấy hoa không?
Đẹp đến nỗi ngỡ là không có thật!
Đẹp đến nỗi lòng ta yêu ngơ ngác!…
Ta đi giữa thành phố quê hương,
ngắm những bông hoa như ngắm người thương
lâu ngày xa vắng…
Ta đã từng yêu Đà Nẵng,
kiên trung đánh giặc một trăm mười bảy năm trời.
Ta càng yêu Đà Nẵng giờ đây
dẫu trải bao hồi cơ cực, đắng cay,
dẫu nước sông Hàn có những ngày không ngọt,
dẫu nắng hạn vừa qua bão lụt đã đến rồi,
mà bãi cát khô cằn vẫn nhiều hoa hơn xưa gấp mấy
như hạt giống hoa thơm trong lòng đất ấp ủ đã từ lâu.
Em ơi,
có phải vì chúng mình yêu nhau
nên thành phố quê hương có nhiều hoa hơn trước?

Đà Nẵng, 1985

 

NỖI NHỚ, TÌNH YÊU DÀI THEO ĐẤT NƯỚC

Ta đến với Hạ Long một chiều nắng biếc,
ta về Đất Mũi một buổi sáng mưa rào…
Đã đi qua bao mưa, nắng, mấy nhịp cầu,
nỗi nhớ, tình yêu dài theo đất nước!

Chứng giám cho lòng ta có núi cao chót vót
có sông sâu, có biển rộng muôn trùng
Trong ánh mắt người yêu ta nhận rõ quê hương
và hồn ta gắn liền từng mảnh đất
chưa gặp bao giờ
mà đã nhớ đã thương!…

Đất Mũi, 2007 – Hạ Long, 2008

 

TÌNH CA HÁT VỚI SÔNG THU BỒN

Như sóng nước Thu Bồn dào dạt tuôn trào ra Cửa Đợi
Anh gặp em sau những ngày giông bão, sau muôn
dặm thác gành,
Mà tình yêu vẫn vằng vặc ánh trăng rằm.
Như sông biếc vẫn trong xanh bao mùa lửa đạn

Và em, em của anh,
như sự sống, như mùa xuân,
như mặt trời muôn đời vẫn mới.
Em không chỉ là Cửa Hàn, em còn là Cửa Đợi,
Vẫn gặp anh giữa vô hạn vô cùng,
Vẫn nhận ra nhau trong chớp biển mưa nguồn.
Vẫn gắn với nguồn xa dẫu hòa trong biển lớn…

Thuở nước mất, sông như dòng lệ chảy dài vô tận,
Không tưới nổi cuộc đời cằn cỗi héo khô!
Dẫu yêu nhau say đắm, vẫn chỉ là kiếp sống vong nô
Cho đến nỗi tình yêu cũng trở thành nô lệ!…
Nay làm chủ cả đất trời và dòng sông quê mẹ,
Ta đến với nhau rồi: đất chết bỗng hồi sinh!
Và sa mạc trắng xóa một màu tang bỗng hóa thành
màu xanh tuổi trẻ
Thành rừng dương biết hát, thành khoai lúa nghĩa tình…

Anh muốn hóa thân thành ngọn hải đăng
không bao giờ tắt
Để em là con tàu thương nhớ đi trong luồng sáng
của đời anh
Anh muốn cùng em
Biến tất cả những cánh đồng thành cánh đồng Đại Phước
Thành cánh đồng hạnh phúc của chúng mình
và cả mai sau

Anh muốn cùng em
Đem sức mồ hôi và ngọn lửa trái tim mình
Góp nhiệt năng cho những nhà máy điện
Cho nguồn sáng tình yêu tỏa ấm cả chân trời,
Cho những dòng sông đêm đêm hoa đăng mở hội.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây