Dòng máu cao quý – hồi ức cảm động của nữ nhà văn Bỉ nổi danh Amélie Nothomb

Dòng máu cao quý – hồi ức cảm động của nữ nhà văn Bỉ nổi danh Amélie Nothomb

Bìa cuốn cuốn tiểu thuyết Dòng máu cao quý.

Được viết với giọng văn dịu dàng, hài hước và cảm động, “Dòng máu cao quý” là cuốn tiểu thuyết thứ ba mươi của Amélie Nothomb, đồng thời lọt vào danh sách “100 cuốn sách tiêu biểu của năm” do tạp chí văn học uy tín Lire bầu chọn.

Được tờ nhật báo Le Parisien miêu tả “như một viên ngọc quý”, Dòng máu cao quý kể về những năm đầu cuộc đời của ngài Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb, cha của nhà văn Amélie Nothomb. Ông qua đời năm 83 tuổi sau khi bị vỡ phình mạch vào tháng Ba năm 2020, trong lúc diễn ra phong tỏa do Covid-19. Tại thời điểm đó, Amélie Nothomb đã không thể gặp và nói lời tạm biệt với cha mình.

Trong Dòng máu cao quý, Amélie Nothomb đã nhập vai cha của mình và xưng “tôi” để nhường chỗ cho Patrick Nothomb kể lại câu chuyện về cuộc đời mình, từ thời thơ ấu vào những năm 1940 cho đến năm 1964. Đặc biệt phải kể đến trong tác phẩm này là khoảng thời gian Patrick Nothomb cùng với hàng trăm đồng bào Bỉ bị bắt giữ làm con tin bởi quân nổi loạn tại Stanleyville, nay là Kisangani, Cộng hoà Dân chủ Congo và suýt mất mạng ở đó.

Đúng như nhà phê bình văn học Olivia de Lamberterie đã nhận định, Dòng máu cao quý là “một tác phẩm lôi cuốn” khi được bắt đầu đầy kịch tính bằng chi tiết Patrick Nothomb những tưởng mình sẽ chết trẻ như người cha mà ông chưa từng được gặp, khi đang cận kề bên bờ vực sinh tử.

“Người ta đưa tôi đến trước đội hành quyết. […] Mười hai người đàn ông bắt đầu nhắm nòng súng vào tôi. Liệu tôi có thấy lại cuộc đời mình lướt qua trước mắt? Điều duy nhất tôi cảm thấy là một cuộc cách mạng phi thường: tôi còn sống. Mỗi thời khắc đều có thể cắt nhỏ đến vô tận, cái chết sẽ không thể bắt kịp tôi, tôi chìm trong hạt nhân cứng của hiện tại.”

Sau phần mở đầu choáng váng ấy, Amélie Nothomb hồi tưởng lại tuổi thơ của cậu bé Patrick bị mẹ mình bỏ bê bởi bà quả phụ đỏng đảnh thích giao du với giới thượng lưu hơn là tập trung làm mẹ. Cậu bé Patrick được ông bà ngoại là những người giàu có và hết mực tử tế nuôi nấng.

Vì cho rằng Patrick, khi ấy mới sáu tuổi, cần phải cứng rắn hơn, ông ngoại đã quyết định đưa cậu về nghỉ hè ở nhà ông nội, nam tước Pierre Nothomb. Amélie Nothomb khiến độc giả bị thu hút bởi bằng lối kể chuyện đầy lôi cuốn đồng thời lèo lái tác phẩm khiến ta chỉ có thể đọc liền một mạch không dứt.

Nhịp độ của câu chuyện tăng nhanh khi Patrick trưởng thành: anh kết hôn với Danièle bất chấp sự ngăn cấm từ ông nội, trở thành nhân viên ngoại giao, đón đứa con đầu lòng với cái ôm siết đầy xúc động và hơn hết là cuộc nổi dậy và bắt cóc con tin tại Stanleyville.

Người đọc hồi hộp theo dõi những cuộc đấu trí căng thẳng, những màn đối đáp khéo léo của chàng nhân viên lãnh sự trẻ tuổi Patrick Nothomb với Tổng thống Gbenye trong nỗ lực cứu sống bản thân và những người dân Bỉ đang bị giam giữ.

“Tàn bạo, dịu dàng và hài hước” như tạp chí Télérama nhận xét, Amélie Nothomb đã dựng lại chân dung cha mình, một con người mạnh mẽ, đầy thấu cảm và can trường. Tác phẩm ngắn gọn, súc tích như những cuốn sách khác của bà, bắt đầu bằng những ký ức tuổi thơ để rồi vừa mang tính riêng tư lại vừa mang tính phổ biến.

Bằng cách ngược dòng quá khứ tìm về nguồn gốc của cha mình và nhấn mạnh những mâu thuẫn trong gia đình ông, Amélie Nothomb dường như cũng làm lành với chính bản thân và mang lại hơi thở mới cho sáng tác của bà. Chính điều này khiến Dòng máu cao quý trở thành “tác phẩm mà chưa độc giả nào của Amélie Nothomb từng được đọc, tác phẩm mà mọi độc giả của Amélie Nothomb đều mong chờ” như nhận định của nhà phê bình văn học François Busnel.

Amélie Nothomb là cái tên quen thuộc của nền văn học đương đại, đặc biệt tại các nước nói tiếng Pháp. Bà được biết đến như một nhà văn kỳ lạ và bí ẩn với văn phong hài hước, giàu liên tưởng và vô cùng mãnh liệt.

Chào đời tại Kobe (Nhật Bản) năm 1967, Amélie Nothomb là con gái của Ngài Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb. Một số cuốn sách của Amélie Nothomb đã được Nhã Nam phát hành: Hồi ức kẻ sát nhân, Hủy hoại vì yêu, Sững sờ và run rẩy, Kẻ hai mặt, Axit sunfuric, Nhật ký chim én, Vòng tay samurai.

Phương Đào

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây